Dựng nêu ngày Tết – Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Theo tục truyền, tục dựng nêu được tổ chức bài bản đúng vào ngày đưa ông Táo như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón Tết. Theo quan niệm dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành. 

H1. Cay neu dung len de bao hieu tet chinh thuc bat dau. Anh tu lieu min - Dựng nêu ngày Tết - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiCây nêu dựng lên để báo hiệu Tết chính thức bắt đầu (Ảnh tư liệu).

Tái hiện lễ dựng nêu trong Cung đình xưa

Sáng 28/1/2019 (tức 23 tháng Chạp năm Mậu Tuất), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trọng thể nghi lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu).

Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng và là sinh hoạt có tính điểm nhấn, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp đến.

Nghi thức rước nêu bắt đầu từ cửa Hiển Nhơn- Đại nội Huế với 10 người lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của Tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. 

H2. Doi nghi le ruoc neu tu cua Hien Nhon min - Dựng nêu ngày Tết - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiĐội nghi lễ rước nêu từ cửa Hiển Nhơn.

Nghi thức thượng nêu được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của đại nhạc. Sau phần lễ, 10 người lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên.

Ở các triều đại quân chủ tại Việt Nam, tục dựng nêu đã được đưa vào Hoàng cung và được sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản đúng vào ngày đưa ông Táo như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón Tết.

Về tâm linh, dân gian tin rằng cây nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ, những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới an lành…

Ngay sau khi tổ chức tại Thế Miếu, lễ dựng nêu tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi tiết tương tự. Ngoài ra, lễ dựng nêu cũng tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể Di tích Cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản…

Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào mùng 7 Tết.

H3. Di ngang cong Ngo Mon min - Dựng nêu ngày Tết - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiRước nêu đi ngang cổng Ngọ Môn.

Nguồn gốc, ý nghĩa và nghi thức dựng nêu ngày Tết

Trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt của Nguyễn Văn Huyên mô tả chi tiết cây nêu: Đó là một cây tre dài khoảng 5 – 6 mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, trên đó có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình những người đang sống. Bằng ánh sáng và bằng gai của các cành cây mà nó mang, bằng âm thanh mà các vật đất sét phát ra lúc gió thổi, cây nêu làm sợ hãi ma quỷ, chúng tưởng mình đang đứng trước nhà một vị thần hay một Đức Phật.

Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính cho rằng: Nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dừa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ… cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình.

Trong tác phẩm Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes- một nhà truyền giáo dòng Tên có nêu: “… vào cuối năm họ có thói quen dựng gần cửa nhà một cột dài vượt quá mái nhà, trên ngọn treo một cái giỏ hay một túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy thứ tiền bằng giấy vàng giấy bạc”.

Giovanni Filippo De Marini, một Linh mục người Ý đến Bắc kỳ vào thế kỷ 17 thì mô tả: Chiều hôm 30 Tết, mọi người đều trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé bé, chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến, cái giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa là để tiêu trừ tà ma tránh xa chỗ nhà ở…

Năm 1740, cố đạo Jean Koffler đến Nam Hà và được chúa Nguyễn Phúc Khoát mời làm ngự y trong cung và sau đó bị buộc phải rời Phú Xuân vào năm 1755 do chủ trương không dùng người phương Tây. Trong cuốn Những năm ở Nam của ông có đoạn mô tả cây nêu ngày Tết ở miền Trung và miền Nam thời bấy giờ: “Trước cửa phủ chúa và các nhà dân khác đều dựng cây nêu lớn, trên ngọn buộc một chùm cành lá xanh (cành thiên tuế)… hoặc trên các ngọn nêu còn buộc một ít vàng và bạc giấy, một số rơm con và một lẵng hoa, bên trong để mấy đồng tiền… Những người theo đạo Cơ Đốc cũng được cha đạo cho phép trồng nêu nhưng không được buộc những thứ kể trên”.

H4. Neu la mot cay tre gia dai 15m do 10 linh ve vac tu cua Hien Nhon den The Mieu min - Dựng nêu ngày Tết - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiNêu là một cây tre già dài 15m, do 10 lính vệ vác từ cửa Hiển Nhơn đến Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn).

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Những vật treo này được cho là sẽ bảo vệ và mang đến những điều hạnh phúc cho con người:

– Lá dứa sẽ giúp dọa ma quỷ (vì ma quỷ sợ gai), không cho chúng vào quấy phá. Có câu tục ngữ rằng:

“Cành đa lá dứa treo kiêu (cao)

Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà

Quỷ vào thì Quỷ lại ra

Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm”

– Cái khánh có nghĩa là phúc, điều tốt lành. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng, báo hiệu cho ma quỷ biết nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…

– Lông gà là biểu tượng chim thần (một sức mạnh thiên nhiên giúp đỡ con người).

– Cành đa tượng trưng cho điều lành và tuổi thọ.

– Trong những ngày Tết cổ truyền, một số nơi người ta còn treo một đèn lồng trên cây nêu nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn Tết với con cháu.

H5. Dua cay neu vao vi tri va dung neu len min - Dựng nêu ngày Tết - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà HảiCây nêu được dựng xong trong Đại nội Huế, báo hiệu Tết về.

Việc dựng nêu và hạ nêu được xem là một công việc quan trọng trong ngày Tết. Tuy nhiên, tục dựng nêu có từ bao giờ thì đến nay vẫn chưa có xác định được? Dưới thời quân chủ Việt Nam, lễ Thượng tiêu (dựng nêu) được coi là một nghi lễ quan trọng nằm trong những lễ tiết chính yếu do Hoàng thượng đích thân hành lễ. Minh Mệnh năm thứ 8 [1827], Bộ Lễ tâu rằng: “Theo lệ một năm có 5 lễ hưởng cùng với tiết Nguyên đán, Đoan dương, Thượng tiêu đều do Hoàng thượng đích thân đến Thái miếu, Thế miếu làm lễ”. Tuy nhiên, các lễ tiết đều có ghi chép rõ ràng về nghi thức, riêng lễ dựng nêu ngày cuối năm bản thân các quan trong triều cũng lúng túng thừa nhận “không thấy sách vở nào nói rõ”. Nhưng tục nước ta theo làm đã lâu thành nếp, vì vậy các quan bàn xin không nên bỏ lễ này, nhưng có thể cử Hoàng tử hoặc các tước công đi tế thay. Vua cho là phải.

Minh Mệnh năm thứ 16 [1835], trong một lần hội bàn, vua lại hỏi thị thần rằng: Lễ dựng cây nêu trong buổi trừ tịch có nguồn gốc từ kinh điển nào? Quan Nội các Hà Tông Quyền thưa rằng: Thần chỉ nghe tương truyền là từ kinh nhà Phật, nhưng cũng chưa rõ ý nghĩa vì sao. Vua nói: Người xưa đặt ra lễ này với ý nghĩa rằng cây nêu là tiêu biểu cho năm mới. Thế thì lễ là do nghĩa mà sinh ra đó thôi. Vì vậy khi định lại nghi lễ tại các đền miếu, nhà vua quy định lễ Thượng nêu cho dùng hương nến, trầu rượu; lễ Chính đán, thêm bánh chưng và phẩm, quả. Theo quốc tục của bản triều, ngày tuế trừ dựng cây nêu, cũng đều có tế cáo, do Hoàng thượng thân đến miếu sở làm lễ. Nhưng từ năm thứ 18 [1837] lễ trồng cây nêu ở các cung điện, giao cho vệ Cẩm Y và vệ Kim Ngô làm thay.

Trong bài thơ “Nhân thật” ở “Ngự chế thi”, vua minh Mạng có làm bài thơ đề cập đến cây nêu:

“Xuân thiên hà vị noãn,

Liên nhật chỉ thiêm hàn.

Lãnh vũ lâm kim thắng,

Thê phong hạ trúc can.”

Dịch thơ:

“Trời xuân sao chưa ấm,

Ngày nối thêm tái tê.

Đồng lạnh thua mưa rét,

Gió buốt xuống nêu tre.”

Trong bài thơ này, nhà vua giải thích khá chi tiết về lễ dựng nêu. Theo cổ tục đến ngày 25 tháng Chạp là ngày trừ nhật không tiếp nhận văn thư, ngày này làm lễ khóa ấn (quan bửu), nghĩa là cất ấn triện, không còn đóng dấu nữa, rồi dựng nêu (Thướng tiêu). Đó là nghi thức dùng một cây tre trên đó lấy tranh kết bốn dọc năm ngang, rồi treo một cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào (ghi tên Thần linh)… để cúng Thần. Đến ngày mồng bảy tháng Giêng mới mở ấn (Khai ấn) và hạ nêu (Há tiêu) rồi tiễn Thần (tống Thần), gọi là mở đầu năm mới.

Thời vua Thiệu Trị, năm Thiệu Trị thứ 5 [1845], định lại ngày tế Hợp hưởng ở các miếu. Vua dụ rằng: Bản triều trước đây lấy ngày 30 tháng chạp, kính làm lễ Hợp hưởng. Nay quy định lại, lấy trước ngày 30 tháng Chạp 8 ngày, tức là ngày 22, kính làm lễ Hợp hưởng ở các miếu; sau ngày Nguyên đán 8 ngày thì làm lễ Xuân hưởng, với ý nghĩa đầu năm đón điềm lành, cuối năm đáp tạ. Các quan đều thấy hợp tình, vì vậy chuẩn định, bắt đầu từ năm đó đặt làm lệ mãi mãi. Duy chỉ đổi ngày, còn tất cả nghi thức tiết văn đều làm theo lệ từ trước; lại giao cho Bộ Lễ nghiên cứu nghi chú các tiết lễ để thi hành.

Hằng năm, tháng chạp làm lễ Tuế trừ (tháng đủ lấy ngày 30, tháng thiếu lấy ngày 29), trước đó, Tôn nhân phủ hội đồng với Bộ Lễ dâng sớ xin cho các Hoàng tử, Hoàng thân được sung kiêm việc tế. Đến ngày hành lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, Hữu ty bày đặt cỗ bàn, vàng bạc, hương đèn và các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu. Hoàng tử, Hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ Tuế trừ (tế một tuần rượu, không có văn khấn). Lễ xong, Hữu ty theo lệ dựng cây nêu, Hoàng tử, Hoàng thân và lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc, đều lui ra, đến chiều hôm ấy, theo lệ làm lễ Trừ tịch. Theo lệ cũ, các tiết Nguyên đán, Trừ tịch, Thượng tiêu, Hạ tiêu ở sân lầu Ngọ môn đều có bắn 700 phát pháo nhưng từ năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) chuẩn cho đình chỉ.

Thời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 29 [1876], chuẩn định lệ dựng nêu và hạ nêu. Lệ cũ ngày 30 Tết trồng nêu, mồng 7 tháng giêng năm sau hạ nêu, đều do Khâm thiên giám chọn giờ lành để hành lễ. Từ sau chuẩn cho đều lấy giờ Thìn làm giờ nhất định.

Tại Kinh đô, khi cây nêu trong Hoàng cung được dựng lên, nêu tại các đền miếu và trong dân mới được dựng. Cây nêu được dựng trong hoàng cung không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma mà còn là sự cầu chúc, là sự gửi gắm khát vọng của các bậc đế vương cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Việc hưởng Tết Nguyên đán từ hoàng cung đến dân gian hầu như đều lấy ngày dựng nêu và hạ nêu làm mốc bắt đầu và kết thúc của Tết. Năm 1874 vua Tự Đức quy định: Từ nay về sau đặt làm lệ, các công sở tại Kinh Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến hết mồng 8 đầu xuân mới trở lại làm việc để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có việc công khẩn cấp không thể trì hoãn thì vẫn cho làm việc như bình thường.

Tại Nam bộ, Trịnh Hoài Đức trong cuốn Gia Định thành thông chí cho biết: Ngày Trừ tịch ở trước cửa lớn mọi nhà đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là dựng nêu. Việc này không thể khảo cứu nguyên do được… Đến này mùng 7 Tết thì triệt hạ, gọi là hạ nêu. Trong mấy ngày Tết phàm các khoản nợ nần đều không được hỏi, đợi ngày hạ xong cây nêu rồi mới được đòi. Ngày Nguyên đán, bất kể là sang hèn, lớn nhỏ đều no say vui chơi, người nghèo nơi thôn dã cũng đều có đủ lễ. Từ ngày dựng nêu trở đi nhà nào cũng vui chơi ăn uống không ai ngăn cấm, đến ngày hạ nêu mới thôi.

H6. Cay neu duoc dung xong trong Dai noi Hue bao hieu Tet ve min - Dựng nêu ngày Tết - Tác giả: Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Cây nêu được dựng xong trong Đại nội Huế, báo hiệu Tết về.

Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam câu truyện Sự tích cây nêu ngày Tết đại ý kể rằng: Do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ. Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng, bóng chiếc áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại sẽ thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng phép cho bóng chiếc áo phủ lên khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân, vì vậy bị đuổi ra ngoài biển đông. Nhưng hàng năm mỗi dịp Tết về, quỷ đều muốn trở vào đất liền để tìm tiên tổ và kiếm cái ăn. Để tránh bị quỷ quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ. Trên ngọn cây cũng thường treo bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái, vì con người cho rằng đó là vật mà quỷ rất sợ.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian. Tuy nhiên cây nêu vẫn chủ yếu được dựng lên vào ngày Tết Nguyên đán như một phong tục truyền thống phổ biến ở khắp mọi miền của đất nước.

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây