Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa – Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Tết Nguyên đán, phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa của người Việt

Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa

Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng, linh thiêng của dân tộc Việt. Tết Nguyên đán trong cung đình luôn hướng tới truyền thống văn hóa, trang trọng nhất nghi thức của Tết Việt xưa. Ở mỗi triều đại, phong tục đón Tết đều mang nét văn hóa riêng, thể hiện tinh thần và sự phồn vinh của triều đại đó.

Tết Nguyên đán trong cung đời Tiền Lê

Dưới thời vua Lê Hoàn của nhà Tiền Lê, thay vì vui chơi giải trí, nhà Vua dành khoảng thời gian này để làm những việc có ích cho dân chúng. Đó là thực hiện lễ cày ruộng Tịch điền để khuyến khích nghề nông của người dân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lễ cày ruộng Tịch điền được diễn ra. Sách Khâm định Việt sử thong giám cương mục ghi chép: “Mùa Xuân, năm 987 vua Lê Đại Hành lần đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ bạc nhỏ, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”.

H2 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi chép về việc vua Lê Đại Hành cày ruông Tịch điền ở núi Đọi và núi Bàn Hải vào dịp Tết Đinh Hợi (987)

Tết Nguyên đán trong cung đời Lý

Bước sang thời Lý, vào dịp Tết, các bậc thiên tử thường tranh thủ thời gian đầu Xuân năm mới để đổi niên hiệu, khẳng định thời trị vì của mình, cũng như mong muốn đất nước được thái bình, thịnh vượng. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đã viết về việc này.

Năm Mậu Thân (1128), Lý Thần Tông ngày mồng Một Tết đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ. Năm Tân Mùi (1211), vua Lý Huệ Tông mùa xuân, tháng Giêng, đổi niên hiệu.

Tết Nguyên đán trong cung đời Trần

Tết Nguyên đán trong cung đình được nhà Trần tổ chức rất trọng thể, kéo dài từ ngày lập Xuân đến tận tháng Hai.

– Vào ngày lập Xuân, các quan văn võ mặc lễ phục, cài hoa lên đầu vào Đại nội dự yến.

– Ngày 28 tháng Chạp, Vua ngự xe, các quan mặc triều phục đi tiễn dạo ra tế lễ ở đền Đế Thích ngoài thành Thăng Long.

– Sáng 30 Tết, Vua ngự trên Đoan Cung, các quan vào làm lễ rồi xem múa hát. Buổi chiều, Vua sang cung Động Nhân bái yết Thái Thượng hoàng. Đêm đến, chư tăng vào Đại nội tụng kinh và làm lễ “Khu na” (đuổi ma quỷ). Dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, bày cỗ bàn, trà rượu cúng Tổ.

– Ngày mồng Một Tết, khoảng canh 5 (mờ sáng), Vua ra điện Vĩnh Thọ cho các tôn tử (con, cháu nhà Vua) và các quan cận thần làm lễ bái hạ. Sau đó, Vua đến cung Trường Xuân, hướng về các lăng Tiên tổ làm lễ vọng bái.

Buổi sáng, vua ra điện Thiên An, Hoàng hậu và phi tần đã chờ ở đấy, các quan nội thần trên điện, nhạc công tấu nhạc trước sân rồng; các hoàng tử, thân vương cùng các quan xếp hàng làm lễ bái hạ và dâng ba tuần rượu. Xong, các tôn tử lên điện chầu, các quan nội thần (làm quan ở kinh đô) ngồi bên tiểu điện phía Tây, các quan ngoại thần (làm quan ở các địa phương) ngồi hai bên tả hữu, Vua cùng mọi người dự yến đến trưa.

Vua chọn thợ khéo tay làm nhanh đài “Chúng Tiên” hai tầng ở trước điện, trong đài trang trí vàng bạc sáng ngời. Vua ngồi lên đài, các quan quỳ lạy dâng chín tuần rượu chúc thọ rồi ra về.

– Ngày mồng Hai Tết, các quan tướng ăn Tết tại gia.

– Ngày mồng Ba Tết, Vua ngự trên lầu Đại Hưng xem các tôn tử, con quan và các nội giám đánh cầu – một trò chơi thượng võ đầu Xuân rất được ưa chuộng nơi cung đình nhà Trần. Đánh quả cầu trong nhồi vải, ngoài bọc gấm, lớn bằng nắm tay trẻ con, có đeo 20 sợi tua; hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng.

– Ngày mồng Năm Tết, làm lễ khai hạ (nhân dân thì tổ chức vào mồng 7 Tết). Vua ban yến ở nội điện, quan tướng đến dự yến xong thì đi du ngoạn quanh vườn Thượng uyển hoặc đi lễ các đền, chùa ở ngoài thành.

– Đêm Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), giữa sân trong cung dựng một cây đèn to, cao (gọi là đèn Quảng chiếu). Trên đèn thắp hàng vạn ngọn sáng rực cả trời đất. Các chư tăng đi quanh đèn Quảng chiếu để tụng kinh, các quan làm lễ bái ở dưới (gọi là lễ Triều đăng).

Tết của vua quan nhà Trần còn kéo dài tới tháng 2 với nhiều lễ hội phong phú. Sách An Nam chí lược (Lê Tắc biên soạn) cho biết tháng 2, trong cung dựng lên một xuân đài. Các ca nhi ăn mặc, hóa trang giả làm 12 vị thần đứng múa ở đấy và hát những khúc như: Nam thiên nhạc, Đạp thanh du, Canh lậu trường, Ngọc lâu xuân, Mộng du tiên…

H3 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Quý tộc thời Trần chơi mã cầu ngày Tết (Tranh thuộc tác phẩm Long thần tướng)

“Vua coi các trò tranh đua trước sân, coi bọn lực sĩ và con trẻ đấu vật, ai thắng thì được thưởng. Các công hầu thì đánh bóng trên lưng ngựa. Quan nhỏ thì chơi các trò như đánh cờ vây, đánh vu bổ (bài thẻ), đá bóng, giác đấu, sơn hô hầu”. Sau buổi này, Tết mới thực sự kết thúc.

Cũng như đời Lý, đúng mồng Một Tết nhiều vua thời Trần đổi niên hiệu. Vua Trần Thánh Tông chọn ngày mồng Một Tết năm 1273 để đổi niên hiệu là Bảo Phù, vua Trần Minh Tông chọn ngày mồng Một Tết năm 1324 để đổi niên hiệu là Khai Thái, vua Trần Dụ Tông chọn ngày mồng Một Tết năm 1358 để đổi niên hiệu là Đại Trị.

Tết Nguyên đán trong cung đời Hậu Lê – Trịnh

Tết Nguyên đán trong cung đình thời nhà Lê – Trịnh thiên về nghi lễ hơn là vui chơi, giải trí.

– Sáng mồng Một Tết, Tiết chế phủ (con trai cả của chúa Trịnh) vâng lệnh Chúa dẫn quan tướng mặc lễ phục vào chầu vua Lê, làm lễ chúc mừng năm mới.

H4 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiKính cáo trời đất ở sân điện Kinh Thiên (Hoàng thành Thăng Long)

Trước đó một ngày, Thượng thiết ty đã đặt ngự toạ ở điện Kính Thiên, bày hương án trước ngự toạ. Liễn gía ty cắm tàn vàng hai bên ngự tọa cho thêm lộng lẫy. Giáo phường ty đặt Thiều nhạc, Đại nhạc phía Đông – Tây sân rồng. Thủ vệ ty dàn cờ quạt, khí giới theo đúng nghi thức. Giữa công đường, Bộ Lễ, Nghi chế ty đặt một chiếc án, trên để tờ biểu của Đô tổng binh sứ ty, Hiến sát ty các xứ chúc mừng Vua. Các quan bộ Lễ và Thừa ty trực đêm ở công đường đợi tới gần canh 5, các quan rước án biểu vào cung. Cờ trống và nhạc đi trước, văn võ theo sau. Thừa dụ cục khiêng án biểu đến cửa Đoan Môn ở phía sân rồng.

Trống nghiêm hồi thứ nhất, các quan xếp hàng ngoài cửa Đoan Môn. Trống nghiêm hồi thứ hai, Viện Đạo lễ dẫn Tiết chế phủ vào điểm trước sân rồng ngồi chờ. Trống nghiêm hồi thứ ba, các viên chấp sự vào điện Vạn Thọ lạy 5 lạy 3 vái rồi rước Vua ra điện Kinh Thiên. Viên Đạo lễ dẫn Tiết chế phủ vào đứng ở sân rồng. Các quan văn võ xếp hàng hai bên Đông – Tây sân rồng. Các quan Thừa ty, các quan triều yết đứng ngoài cửa Đoan Môn.

Vua lên ngự toạ. Giáo phường tấu nhạc.

Quan Tuyên biểu đến giữa ngự đạo quỳ tâu và dâng biểu chúc mừng Hòa thượng, rồi lui ra đứng vào ban.

Quan Đại trí đến giữa ngự đạo quỳ xuống và các quan đều cùng quỳ xuống. Quan Đại trí đọc lời cầu chúc Hoàng thượng: “Khâm sai Tiết chế thủy bộ chư doanh tên là… cùng công hầu bá và các quan văn võ, vâng chỉ của Chúa, kính cẩn vâng lời: nay gặp tiết chính nguyên đán, chúng tôi kính nghĩ Hoàng đế Bệ hạ kính chịu mệnh Trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngày chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng tôi khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà vua sống lâu muôn năm”. Đọc xong, quan Đại trí từ lạy xuống rồi đứng lên xướng: “Phủ phục, hưng bình thân”, các quan lạy xuống rồi đứng lên.

Tiếp đến, quan Truyền chế đến quỳ giữa ngự đạo, các quan đều quỳ xuống, quan Truyền chế tuyên đọc tờ chế của Vua: “Hoàng thượng truyền rằng: Nay gặp vận phúc thịnh hanh thông, trẫm và các khanh cùng hưởng”. Các quan lạy tạ 4 lần. Nhạc tấu khúc Hưu minh, Vua lên kiệu về cung, kết thúc buổi chầu.

H5 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTái hiện nghi lễ cung đình triều đình nhà Hậu Lê tại Hoàng thành Thăng Long

Sau nghi lễ chúc mừng năm mới tại cung điện vua Lê, Tiết chế phủ lại dẫn các quan đến phủ chúa để chúc mừng chúa Trịnh. Sáng mồng Một Tết, chúa Trịnh đến hành lễ ở Thái Miếu và Cung Miếu, rồi quay về phủ, ngồi trên sập rồng (long tọa) để Vương thế tử và các quan lạy mừng năm mới. Xong nghi thức, chúa ban tiền thưởng Xuân cho các quan từ nhất phẩm triều đình trở xuống và cho mọi người được dự yến. Tiệc yến xong, các quan làm lễ tạ ơn, Chúa lui vào cung, Tiết chế phủ về phủ. Các quan lại sang phủ Tiết chế chúc mừng năm mới, sau đó về ăn Tết tại gia.

Giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes từng sống ở Đàng Ngoài những năm 1627-1630, dưới thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng, từng chứng kiến lễ Tết tại thành Thăng Long (thời đó gọi là Kẻ Chợ), có kể lại trong tác phẩm Histoire du Royaume de Tunquin (Lịch sử Vương quốc xứ Đàng Ngoài). 

Đọc Rhodes, chúng ta biết rằng ngoài những nghi thức trong ngày lễ chính đán, ngày mùng ba Tết, bách quan tề tựu tại cung điện để tháp tùng vua Lê và chúa Trịnh đi hành lễ ở một địa điểm ngoại thành. Vua ngồi trên ngai vàng do binh lính khiêng trên vai, còn chúa thì ngồi trên xe thếp vàng, theo sau là các tiến sĩ, cử nhân tại địa phương. 

Khi đám rước dừng lại trên một cánh đồng ở ngoại thành, nơi nhiều người dân đã có mặt từ sớm để chờ giờ hành lễ, nhà vua bước xuống ngai, làm lễ tế Trời Đất, rồi đi xuống ruộng, tay cầm cày, mở một luống cày trên cánh đồng nhằm khuyến khích dân chúng siêng năng cày cấy để mùa màng tươi tốt, lúa gạo đầy sân. Ngày lễ trên gọi là lễ hạ đền.

Cuối thời Lê và dưới triều Nguyễn, còn có 2 nghi thức quan trọng khác trước ngày Tết, đó là lễ Tiến xuân ngưu và lễ Hạp ấn.

Tết Nguyên đán trong cung đời Nguyễn

Tết Nguyên đán trong cung đình thời Nguyễn diễn ra hết sứ trang nghiêm, luôn hướng về nghi lễ và truyền thống văn hóa.

H6 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTriều Nguyễn mở đầu việc đón năm mới bằng lễ Ban sóc (Trong hình là tái hiện lễ Ban sóc thời triều Nguyễn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

Triều Nguyễn mở đầu việc đón năm mới bằng lễ Ban sóc diễn ra vào ngày 1 tháng 12 Âm lịch tại lầu Ngọ Môn. Ban sóc nghĩa là cơ quan Khâm Thiên Giám làm lịch cho năm mới xong, phân phát lịch của nhà vua cho bá quan và hoàng thân, quốc thích. Những người được ban lịch mặc lễ phục quay đầu về phía ngai vàng đặt trong điện Thái Hòa lạy 5 lạy để tạ ơn vua.

Sau lễ Ban sóc, ngày 20 tháng Chạp làm lễ Phát thức (lễ rửa ấn), nghĩa là quét dọn, lau chùi các ấn ngọc, ấn vàng, kim sách, ngân sách. Các quan mặc áo thụng xanh, ra chầu ở điện Cần Chánh. Vua đến, các tủ chứa ấn đều được mở. Ấn được rửa bằng nước thơm rồi cho vào tủ khóa lại, niêm phong cẩn thận, không dùng trong dịp Tết.

Ngày 22 tháng Chạp, làm lễ Hạp hương (lễ mời các tiên đế về ăn Tết) ở điện Thái Miếu

H7 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTái hiện Lễ dựng nêu ngày Tết tại Đại nội Huế

Ngày 30 tháng Chạp, làm lễ Thượng tiên (lễ dựng cây nêu). Vua ra điện Thái Hoà dựng nêu xong, dân chúng mới được dựng ở nhà mình.

Cũng ngày hôm ấy, tổ chức thiết triều cuối năm. Tại điện Thái Hoà, đặt một hoàng án để tờ biểu của quan lại trung ương, một hoàng án để tờ biểu của quan lại địa phương chúc mừng Nhà Vua. Giữa điện trải chiếu bái cho các hoàng tử, hoàng thân, hai bên tả hữu là chỗ bái của các quan văn võ từ tam phẩm trở lên. Các quan từ tứ phẩm trở xuống đứng dưới sân rồng. Hai phía Đông – Tây có tám hàng lính cấm vệ dàn hầu và đội nhạc cung đình tấu nhạc.

Một điều không thể thiếu trong tối ngày cuối cùng của năm cũ là lễ Trừ tịch (lễ cúng giao thừa). Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp tới. Mâm cỗ cúng lễ Trừ tịch dâng lên bàn thờ tổ tiên thường bằng đồ chay. Sau khi lễ cúng giao thừa ở các miếu: Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu… xong, triều đình cho bắn ống lệnh, đốt pháo giấy.

H8 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTranh vẽ đại lễ ngày mồng Một Tết ở Thế Miếu – Đại nội Huế năm 1923​ (Ảnh tư liệu

– Sáng mồng Một Tết, đầu canh năm, trống nghiêm hồi thứ nhất, viên Quản vệ dàn bày cờ quạt, nghi trượng… Trống nghiêm hồi thứ hai, các quan văn mặc lễ phục vào chực sẵn trên sân điện Thái Hoà. Mờ sáng, trống nghiêm hồi thứ ba, trên kỳ đài kéo cờ đại và các sắc cờ khánh hỷ. Quan Khâm thiên giám báo giờ. Vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, cầm hốt trấn khuê ngự ra điện Cần Chính rồi được mời lên kiệu, long trọng rước sang điện Thái Hoà. Trên lầu Ngọ Môn nổi chuông trống. Vua ra cửa Đại cung môn, tới hiên phía Bắc điện Thái Hoà thì xuống thượng. Đại nhạc nổi, 9 phát súng lệnh nổ. Vua ngự trên tọa, viên thái giám đốt hương trầm. Đại nhạc ngưng, tiểu nhạc nổi. Quan nội các tiến lên hoàng án lấy biểu chúc mừng trao cho quan tuyên đọc. Đọc xong, lại trao quan nội các để lại hoàng án như cũ và các quan lạy tạ.

Quan lễ bộ quỳ tâu: “Khánh hạ lễ thành” và xướng: “Tấu Hòa bình chi chương”.

Nhạc tấu khúc Hoà bình, Vua lên kiệu về điện Cần Chánh. Tại đây, các hoàng thân, hoàng tử và quan văn võ từ tứ phẩm trở lên phân ban đứng hầu. Thái giám dẫn các hoàng đệ, hoàng tử nhỏ tuổi đến trước thềm lạy mừng 5 lạy. Quan lễ bộ dẫn các công tử cũng đến lạy mừng như hoàng tử.

H9 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiVua Khải Định ban yến tiệc tại điện Cần Chánh (Ảnh tư liệu)

Lễ xong, Vua truyền chỉ ban yến và ban tiền thưởng xuân cho hoàng tử, hoàng thân, tôn tước, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên theo phẩm trật, quan hệ.

Cũng trong ngày Chính đán, các Vua triều Nguyễn sẽ ban ân chiếu rộng rãi cho khắp trong ngoài kinh. Vua Minh Mạng cũng có chiếu rằng: “Trẫm nghĩ bậc vương giả tỏ mừng, tất từ đầu xuân ra lệnh, hoàng trù ở giữa thường ban phúc lớn cho dân. Theo đạo trời cốt để nuôi người; gia đức trạch cho cùng vui vẻ. Vậy ban bố khắp nơi 14 điều ân điển để tỏ ý giáng phúc cho chúng dân”.

H10 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiBản dập mộc bản sách Đại Nam thực chính biên ghi chép về việc vua Tự Đức mang biểu văn đến chầu cung hoàng mẫu nhân ngày mồng Một Tết để tỏ long hiếu thảo

Thời vua Tự Đức, ngày đầu năm mới, Vua mặc áo cát phục, mang biểu văn đến chầu cung hoàng mẫu đầu tiên, kính dâng 100 lạng vàng, 1.000 lạng bạc và lời chúc mừng nhân dịp đầu xuân đến Hoàng mẫu rồi mới về ngự ở điện Văn Minh cùng hoàng thân và văn võ đại thần, ban nước chè, ngồi đàm thoại.

Đặc biệt nhất có lẽ là vua Đồng Khánh, trong ngày đầu năm mới, sau khi thực hiện các nghi lễ trong Hoàng cung, Vua ngự điện Thái Hòa nhận lễ Triều hạ. Sau là tổ chức các cuộc du Xuân thưởng ngoạn cảnh Tết.

– Đến năm Đinh Dậu (1837), để tỏ ý đầu xuân rộng ban ân trạch, vua Minh Mạng đã xuống dụ cho bách quan triều đình: “Lục phẩm ban văn, Ngũ phẩm ban võ, tuy quan thấp, chức nhỏ, nhưng cũng là làm việc cần cù suốt năm. Nên gia ơn cho bắt đầu từ tháng giêng sang năm, các viên văn chánh Lục phẩm, võ chánh Ngũ phẩm lấy ngày mồng Hai ban cho yến hạng có thứ bậc”. 

Từ đó về sau, ngày mồng Hai, Vua tiếp tục ban yến cho các quan văn (từ lục phẩm), quan võ (từ ngũ phẩm) trở xuống.

Dưới thời vua Kiến Phúc, vì ngày mồng Hai Tết vì trùng với sinh nhật của mình nên vua mặc áo cát phục ngự ở điện Văn Minh, hoàng thân, vương công, các quan văn võ cũng đều mặc áo thịnh phục và tổ chức như ngày mồng Một Tết để mừng sinh nhật Vua.

– Ngày mùng Ba, tương đối giống với phong tục trong nhiều địa phương hiện nay, các vua triều Nguyễn sẽ hạ lệnh làm lễ hóa vàng cầu âm phúc. Các loại hương trầm, bạch đàn, các loại giấy vàng, giấy bạc được bỏ vào lư đồng đốt để thấu đến thần linh.

Tuy nhiên, các đời Vua cũng tổ chức khác nhau. Vua Gia Long sẽ đến nhà Thái Miếu để làm lễ. Ở Miếu Triệu tổ và Miếu Hoàng khảo thì sai các quan khác lễ thay. Còn Vua Minh mạng ngự ở điện Văn Minh, triệu hoàng than và văn võ đại thần cho ngồi, ban nước chè uống, bình thơ Vua làm, trong đó có bài “Ngày Tết Nguyên đán khai bút”, có câu:

“Canh diệt tứ thời nhưng phục thủy,

Ưu cần nhất niệm hựu tòng đầu…”

Dịch nghĩa: “Bốn mùa thay đổi quay vòng mới

Một dạ chăm lo lại bắt đầu…”

– Ngày mồng Bốn, cử hành lễ Triều minh. Vua đi tế lễ các đền miếu như: Thái Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu, Phụng Tiêu.

– Ngày mồng Năm, lễ cúng ông “Mang thần” đứng bên cạnh con trâu hay còn gọi lễ tiến trâu mùa Xuân.

H11 min - Tết Nguyên đán trong cung đình Việt Nam xưa - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTái hiện lễ Khai hạ (lễ hạ nêu) vào mồng Bảy Tết, đánh dấu cho vua quan triều Nguyễn trở lại công việc.

– Ngày mồng Bảy, lễ Khai hạ tức là lễ hạ nêu được thực hiện. Đây cũng là thời điểm đánh dấu cho vua quan triều Nguyễn trở lại công việc.

Cũng trong dịp đầu năm, lễ Tịch điền được tổ chức. Nhà Vua, hoàng thân và các quan đại thần xuống ruộng cày mấy đường cày đầu năm tại sở lịch điền trong kinh thành để làm gương cho dân chúng noi theo.

Từ năm Kỷ Sửu Minh Mạng thứ 10 (1829) trở đi, còn cử hành thêm lễ Nghênh xuân, lễ Tiến xuân, lễ Xuất binh,… rất tưng bừng.

Từ đời Vua Đồng Khánh về sau, các vua Nguyễn thường tổ chức du xuân để thưởng thức cảnh năm mới và xem dân chúng vui Tết.  

Phan Thanh Đà Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây