Giải quyết những điểm nghẽn để phát triển đô thị bền vững

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giai quyet nhung diem nghen de phat trien do thi ben vung - Giải quyết những điểm nghẽn để phát triển đô thị bền vữngThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Sáng 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc để phổ biến Nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đô thị hoá gắn với công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế.

Theo Thủ tướng, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển; điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.

Cac dai bieu du Hoi nghi do thi toan quoc min - Giải quyết những điểm nghẽn để phát triển đô thị bền vữngCác đại biểu dự Hội nghị đô thị toàn quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Trước đó, trong Nghị quyết 148 của Chính phủ đã nêu ra 33 nhiệm vụ bao trùm để phát triển đô thị Việt Nam.

Một nhiệm vụ đáng chú ý được nêu ra trong Nghị quyết là việc hạn chế xe cá nhân và khuyến khích các phương tiện giao thông công cộng, thân thiện môi trường. Nội dung thực hiện là xây dựng lộ trình và giải pháp khả thi hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy tại các đô thị lớn. Xây dựng đồng bộ về hạ tầng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thân thiện với môi trường tại đô thị. Cơ quan thực hiện là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp Bộ Giao thông vận tải.

Về cải tạo, chỉnh trang các đô thị vừa và lớn từ loại III trở lên, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu đến năm 2030, cơ bản giảm thiểu tình trạng ngập úng, nâng cao năng lực thông hành chống ách tắc giao thông; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo dự án gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị, phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chương trình phát triển nhà ở và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, cải tạo chỉnh trang các khu dân cư ven kênh rạch gắn với tái định cư; hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị.

Về các mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 – 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 – 2,3%.

Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Nghị quyết 148 của Chính phủ đề ra các mục tiêu, như: tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 – 16% vào năm 2025, 16 – 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 – 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 – 10 m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28 m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32 m2.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc trung ương đạt bình quân 25 – 30% vào năm 2025, 35 – 40% vào năm 2030. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 – 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Văn Kiên

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây