Giới thiệu khái quát huyện Bắc Mê

Giới thiệu khái quát huyện Bắc Mê

Giới thiệu khái quát huyện Bắc Mê

  1. Vị trí địa lý

Bắc Mê là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 53 km về phía Đông. Phía Bắc giáp huyện Yên Minh, phía Đông giáp huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), phía Tây giáp huyện Vị Xuyên, phía Nam giáp huyện Na Hang và huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang). Huyện có diện tích tự nhiên 85.258,9 ha, chiếm 10,8% diện tích của tỉnh. Huyện gồm 13 đơn vị hành chính cấp xã gồm thị trấn Yên Phú và 12 xã: Yên Định, Minh Ngọc, Thượng Tân, Minh Sơn, Lạc Nông, Giáp Trung, Yên Phong, Phú Nam, Yên Cường, Đường Âm, Đường Hồng, Phiêng Luông. Bắc Mê có quốc lộ 34 chạy qua, nối liền trung tâm huyện với thành phố Hà Giang, đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện và giao thương hàng hóa với các vùng.

  1. Điều kiện tự nhiên

Bắc Mê có địa hình núi cac-xtơ và đồi, xen kẽ những dãy núi đá vôi thấp, sườn thoải, nhiều mạch nước ngầm chảy từ núi ra thung lũng đã tạo thành hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc. Độ cao trung bình 400 – 500 m so với mặt nước biển, có đỉnh cao 1.408 m, bị chia cắt bởi các khe suối lớn nhỏ. Bắc Mê có sông Gâm chảy qua.

Khí hậu cận nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình từ 19 – 23oC, độ ẩm trung bình 83%, lượng mưa trung bình hàng năm 1.600 mm, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều (tập trung vào các tháng 6, 7, 8), mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhìn chung, khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông – lâm nghiệp, nhất là những loại cây có nguồn gốc nhiệt đới và cận nhiệt.

Bắc Mê có sông Gâm chảy từ Cao Bằng qua địa phận 7 xã, thị trấn của huyện rồi đổ về Na Hang (Tuyên Quang). Đoạn chảy qua Bắc Mê dài 45 km. Đây là con sông nhỏ, nhiều thác ghềnh, nước chảy xiết, thuyền bè đi lại khá khó khăn. Bên cạnh đó, Bắc Mê có nhiều mạch nước chảy từ triền đồi, chân núi ra, tạo thành những khe suối. Những mạch nước, khe suối này không chỉ cung cấp nước sinh hoạt mà còn có ý nghĩa để hình thành phát triển hệ thống ruộng bậc thang. Năm 2005 Thuỷ điện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) tích nước đã hình thành khu vực lòng hồ thuỷ điện có ảnh hưởng tới 4 xã, thị trấn của huyện, tạo ra tuyến du lịch sinh thái vùng lòng hồ nối liền Bắc Mê – Na Hang (Tuyên Quang) – Ba Bể (Bắc Kạn), đồng thời mang lại tiềm năng nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản.

Bắc Mê có nhiều loại đất được hình thành qua quá trình phong hóa từ các loại đá mẹ như đá vôi, phiến thạch, đất sét, sa thạch. Về cấu tạo địa chất chia thành hai dạng vùng núi đất và vùng núi đá, nhưng phần lớn là đồi núi đất, xen kẽ những dãy núi đá vôi. Những loại đất chính gồm đất đỏ vàng, đất vàng nhạt, đất nâu trên phù sa cổ, đất dốc tụ và bồi tụ. Đất ở Bắc Mê khá màu mỡ, đặc biệt ở những vùng thung lũng, ven sông, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh.

Bắc Mê có một số loại khoáng sản quý như ăngtimon, vàng sa khoáng, sắt, chì, kẽm… trong đó mỏ sắt Sàng Thần ở xã Minh Sơn có trữ lượng gần 32 triệu tấn. Nguồn khoáng sản ở địa phương là cơ sở để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và luyện kim.

Bắc Mê có độ che phủ rừng khá lớn, chiếm 54% diện tích tự nhiên, trong đó có hơn 60% diện tích là rừng nguyên sinh. Do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, rừng núi Bắc Mê giàu có về các loại động, thực vật, nhiều loại gỗ quý như đinh, trò, nghiến, lát hoa, pơ mu và hàng trăm loại thảo dược. Bắc Mê có khu dự trữ thiên nhiên quy mô 27.800 ha thuộc địa phận các xã Yên Cường, Phiêng Luông, Thượng Tân, Lạc Nông, Minh Ngọc, Yên Định, Minh Sơn. Đây là một trong những khu dự trữ thiên nhiên đặc dụng của tỉnh Hà Giang với thảm thực vật dày, hệ sinh thái đa dạng.

Bắc Mê: Lịch sử hình thành và phát triển

Bắc Mê là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 53 km về phía Đông. Phía Bắc giáp huyện Yên Minh, phía Đông giáp huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), phía Tây giáp huyện Vị Xuyên, phía Nam giáp huyện Na Hang và huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang). Huyện có diện tích tự nhiên 85.258,9 ha, chiếm 10,8% diện tích của tỉnh. Độ cao trung bình 400 – 500 m so với mặt nước biển, có đỉnh cao 1.408 m, bị chia cắt bởi các khe suối lớn nhỏ. Bắc Mê có sông Gâm chảy qua. Khí hậu cận nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trung bình từ 19 – 23oC, độ ẩm trung bình 83%, lượng mưa trung bình hàng năm 1.600 mm. Huyện gồm 13 đơn vị hành chính cấp xã gồm thị trấn Yên Phú và 12 xã: Yên Định, Minh Ngọc, Thượng Tân, Minh Sơn, Lạc Nông, Giáp Trung, Yên Phong, Phú Nam, Yên Cường, Đường Âm, Đường Hồng, Phiêng Luông. Bắc Mê có quốc lộ 34 chạy qua, nối liền trung tâm huyện với thành phố Hà Giang, đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện và giao thương hàng hóa với các vùng.

Bắc Mê là tên gọi mới của địa phương, ra đời cách đây gần một thế kỷ, là mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời. Các di chỉ, di vật khảo cổ học tìm thấy ở Bắc Mê cho thấy các dòng tộc người cư trú ở đây từ rất sớm, có niên đại cách đây khoảng ba vạn năm. Trong chặng đường dài dựng nước và giữ nước, vùng đất này mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều thuộc một phần của châu Vị Xuyên thuộc trấn Tuyên Quang của nhà nước Đại Việt. Thời Pháp thuộc, Bắc Mê được đặt dưới chế độ quân quản, nằm trong vùng kiểm soát của đạo quân binh thứ 3. Ngày 20/8/1891, tỉnh Hà Giang được thành lập, Bắc Mê có 2 tổng của châu Vị Xuyên với tên gọi là tổng Yên Phú và tổng Yên Định.

Cách mạng tháng Tám thành công, tiểu khu Bắc Mê được thành lập (thuộc huyện Vị Xuyên) gồm 7 xã với gần 6.000 dân. Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, năm 1984, huyện Bắc Mê chính thức được thành lập. Sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay huyện Bắc Mê có 12 xã và 1 thị trấn với 139 thôn, tổ dân phố. Huyện có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, với trên 50.000 dân. Trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Dao (37,0%), Tày (35,0%), H’Mông (21,2%) và các dân tộc ít người khác.

Đồng bào các dân tộc cư trú xen kẽ trên khắp địa bàn toàn huyện. Đồng bào Dao, Mông thường cư trú trên các triền núi cao, Tày, Hoa thường cư trú ở vùng thấp. Nghề trồng trọt đã trở thành nguồn sống chủ yếu, trong đó trồng lúa, ngô chiếm vị trí hàng đầu. Trong những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, song cùng với những chính sách hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Bắc Mê đã và đang từng bước khoác lên mình một diện mạo mới, phấn đấu trở thành một trong những huyện động lực của tỉnh Hà Giang.

Di tích lịch sử Căng Bắc Mê

Nơi đây, trước năm 1939 là đồn binh của thực dân Pháp. Từ năm 1939 đến năm 1942 thực dân Pháp sử dụng làm nơi giam giữ các đồng chí cán bộ cách mạng Việt Nam, trong đó có hàng trăm đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Mặc dù bị gông cùm, kiểm soát gắt gao của chế độ nhà tù thực dân và khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng không làm các chiến sĩ cộng sản nhụt ý chí cách mạng. Tiêu biểu như các đồng chí: Xuân Thuỷ, Vọng Bình, Hoàng Hữu Nam, Hoàng Bắc Dũng, Trần Cung, Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản, Hà Kế Tấn, Lương Nhân, Trần Các và nhiều đồng chí khác… Các đồng chí đó vẫn tìm mọi cách để vận động, đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong căng, dạy văn hoá, bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng, tranh thủ giác ngộ thanh niên, quần chúng ở trong và ngoài căng. Những hoạt động đó đã tác động tích cực đến tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân các dân tộc quanh vùng. Cuối năm 1942, lo sợ trước phong trào cách mạng đang lan rộng ở các tỉnh biên giới và cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị ở căng Bắc Mê, thực dân Pháp phải chuyển những tù nhân ở đây đi giam giữ nơi khác.

“Căng” là từ được phiên âm từ chữ Canseme trong tiếng Pháp nghĩa là đồn binh, trại lính. Căng Bắc Mê nằm ở sườn núi Rồng (tiếng Tày địa phương gọi là “Phù Luồng”) thuộc địa phận thôn Cốc Phát, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, cách thành phố Hà Giang 64 km về phía Đông. Địa thế khu vực Căng rất trọng yếu, xung quanh là núi cao, rừng già, nó được thực dân Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến đường độc đạo nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang.

Ban đầu, Căng Bắc Mê là đồn binh của Pháp, năm 1939, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ thì thực dân Pháp biến nơi đồn trú thành nhà tù giam giữ những tù nhân chính trị bị đưa từ Sơn LaHoả LòPhú Thọ lên. Sau khi chuyển đổi từ đồn binh thành nhà tù, thực dân Pháp đã cho mở rộng, xây dựng thêm nhà ở, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân, củng cố thêm nhà bang tá (cơ quan hành chính địa phương). Trong khu vực khuôn viên Căng có 2 bốt gác, 2 nhà giam, 1 phòng giam đặc biệt, 1 nhà làm việc trung tâm, nhà trực, nhà ở của đồn trưởng, nhà bếp, nhà kho chứa lương thực và vũ khí đạn dược, tiếp đó là nhà thông tin điện đài, nhà ở của lính kiêm bốt gác và công trình phụ. Lúc này, quân số của Căng Bắc Mê khoảng 1 đại đội lính khố xanh và một số cai đội người địa phương.

Trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1942, thực dân Pháp đã 2 lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây với số lượng khoảng hơn 300 người, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như các đồng chí Xuân Thuỷ, Vọng Bình, Hoàng Hữu Nam, Hà Kế Tấn, Trần Cung, Lương Nhân, Trần Các, Lê Giản, nhà văn Nguyên Hồng…, có nhiều đồng chí sau này giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và một số chức vụ quan trọng khác.

Ngoại trừ một số tù chính trị mà thực dân Pháp coi là đặc biệt nguy hiểm, bị giam ở phòng tối, còn lại hầu hết tù nhân ở đây bị bắt lao động khổ sai như xúc cát sỏi, phá đá, nung vôi, làm gạch ngói để xây dựng nhà cửa, bốt gác, phòng giam để giam giữ chính mình. Mặc dù bị bắt phải lao động cực nhọc, ăn uống thì kham khổ, nhưng không làm các chiến sĩ cộng sản nhụt trí. Các đồng chí đã thành lập một chi bộ trong nhà tù do đồng chí Trần Hiệu làm Bí thư. Chi bộ đã vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong Căng, dạy văn hoá để bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng, đồng thời tranh thủ giác ngộ quần chúng trong và ngoài Căng làm cho bọn cai ngục phải kiêng nể.

Cuối năm 1942, thực dân Pháp phải giải tán Căng Bắc Mê. Từ năm 1943 tới tháng 8/1945, Căng Bắc Mê trở lại là đồn biên phòng. Năm 1992 Căng Bắc Mê được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá.

Trải qua thăng trầm của thời gian, hiện Căng đã bị hư hỏng nhiều và đã được trùng tu lại nhiều lần. Dẫu vậy, nơi đây vẫn còn nguyên những giá trị lớn lao về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sang hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của các thế hệ cha ông.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây