Giới thiệu khái quát huyện Quang Bình
Quang Bình là huyện vùng thấp, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Giang, là huyện động lực của tỉnh, nằm trên trục đường quốc lộ 279; phía Băc giáp huyện Hoàng Su Phì, Xín Mân; phía Đông giáp huyện Bắc Quang; phía Nam giáp với một phân của huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái); phía tây giáp với huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai)..
Diện tích tự nhiên: 79.188,04 km2
Dân số: 64.795 người (tính đến 31/12/2018).
Mật độ dân số: 81 người/km2
Huyện Quang Bình thuộc vùng thấp của tỉnh Hà Giang, chia làm 3 loại hình cơ bản: Địa hình đồi núi cao (trung bình từ 1.000 – 1.200 m), dạng lượn sóng; địa hình đồi núi thoải (trung bình từ 1.000 – 1.200 m), có dạng đồi núi bát úp hoặc lượn sóng; địa hình thung lũng (gồm các dải đất bằng thoải và những cánh đồng ven sông suối).
Khí hậu
Quang Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của gió mùa. Nhiệt độ trung bình trong năm là 22,50c, lượng mưa trung bình khoảng 3.500 – 4.000 mm/năm.
Tài Nguyên
Tài nguyên khoáng sản
Huyện Quang Bình, hiện nay có nguồn tài nguyên như: Mỏ chì, kẽm, mê ka, quặng sét, vàng sa khoáng; nguồn vật liệu cát, sỏi, đá xanh.
Tài nguyên đất
Diện tích đất tự nhiên của huyện Quang Bình là 79.188,04 ha với nhiều loại đất phân bố ở các dạng địa hình khác nhau, kết hợp với sự phân hóa của khí hậu nên có điều kiện để quy hoạch khai thác phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hóa, là cơ sở để xây dựng nên những thương hiệu hàng hóa nổi tiếng của quê hương Quang Bình.
Ở các xã có địa hình núi cao như: Xuân Minh, Tân Bắc, Tân Trịnh, Tiên Nguyên, Yên Thành, Bản Rịa… là vùng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu và phát triển Chè Shan tuyết… Thương hiệu chè Tiên Nguyên, Xuân Minh đã từng bước được khẳng định và tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Tài nguyên rừng
Diện tích rừng nguyên sinh với thảm thực vật tương đối phong phú, đa dạng với nhiều loại động, thực vật quý, hiếm như: Gỗ trai, nghiến, đinh, sến…có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái, chống sói mòn, sạt lở, đồng thời còn có thể phát triển hoạt động du lịch sinh thái, là điểm đến hấp dẫn đối với những người yêu thích thiên nhiên. Diện tích rừng trồng (rừng kinh tế) phát triển tương đối mạnh, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp giấy và vật liệu xây dựng…
Ở các xã, thị trấn vùng thấp như Yên Bình, Bằng Lang, Xuân Giang, Yên Hà, Hương Sơn, Tiên Yên, Vĩ Thượng và phần đồi núi thấp của các xã vùng cao địa hình có dạng đồi núi bát úp hoặc lượn sóng tương đối thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả (cam, quýt) với quy mô lớn.
Tài nguyên nước
Quang Bình có nguồn nước mặt khá dồi dào thông qua hệ thống sông suối gồm 02 con sông chính là sông Chừng (Sông con 2) và Sông Bạc. Có nhiều suối nhỏ phân bố tương đối đồng đều ở các xã, thị trấn rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng các công trình thuỷ lợi, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng các nhà máy thuỷ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
- Di tích đình bản Chún
Đình bản Chún thôn Nà Mèo, xã Tân Nam, huyện Quang Bình (Đã được trùng tu, tôn tạo sau nhiều năm bị xuống cấp).
Đình bản Chún được tọa lạc ở cửa Nặm Thàng (tại chỗ “Pá Thàng”), có từ lâu đời, trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử nên đền bị hư hỏng, nhân dân trong vùng nhiều lần trùng tu để thờ thần sông, thần núi. Mặt tiền của đình hướng ra sông Chừng. Do mực nước sông Chừng mỗi ngày một dâng cao, nên Đình phải di dời lên vị thế đất cao hơn, đến nay đình được xây dựng kiên cố bằng gạch, mái lợp bằng ngói âm dương màu đỏ, tường gạch, 01 cửa đi chính giữa và 02 cửa phụ 02 bên. Đình thờ cúng với mong muốn cầu bình an, sức khỏe, làm ăn gặp may mắn, mưa thuận gió hòa. Bên cạnh đó đình còn thờ ông Đỗ Bật, Đỗ lượng – người có công khởi dựng lập đình và giúp đỡ nhân dân trong thôn làm ăn, đây là nhân vật có công với dân làng và được suy tôn tương tự như các vị Thành Hoàng làng ở vùng đồng bằng bắc bộ. Sau khi mất, ông được nhân dân trong thôn lập bát hương để thờ.
Việc thờ cúng ông Đỗ Bật, Đỗ Lượng của các dân tộc nơi đây thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Trong tâm niệm của nhân dân nơi đây là hai ông đã được thần thánh hóa như một vị thần bảo vệ, phù hộ cho dân làng bình an. Các ngày lễ chính của đình hàng năm là dịp nhân dân trong thôn tụ hợp một cách tự nguyện, điều này cũng góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng.
Hàng năm, tại đình bản Chún vào ngày mồng 03 tết âm lịch, tháng 02 và tháng 7âm lịch bà con nhân dân trong thôn mang bánh chưng, rượu, thịt, bánh kẹo, hoa quả đến thắp hương tại đình để tưởng nhớ đến 02 ông và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, gia đình khoẻ mạnh; sau đó tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống như: Hát giao duyên, đánh yến, ném còn, đi cà kheo v.v. và tổ chức ăn uống tại đình. Ngôi đình bản Chún đã trải qua bao biến thiên của lịch sử, song ngôi đình vẫn còn bảo tồn được nguyên giá trị lịch sử văn hóa của địa phương.
Đường đi đến di tích
Đình bản Chún cách trung tâm thành phố Hà Giang 108km về phía Tây Nam. Gồm có 2 đường đến di tích:
Đường thứ nhất: Từ Thành phố Hà Giang đi xuôi theo quốc lộ số 2 (hướng Hà Giang – Hà Nội), đến km 60 thuộc thị trấn Bắc Quang rẽ phải đi đường quốc lộ số 279 đi thị trấn Quang Bình, đến km25 (Bắc Quang – Yên Bình) rẽ phải đi theo đường tỉnh lộ số 178 đến trụ sở UBND xã Tân Nam với chiều dài 18km. Từ cầu treo trung tâm xã Tân Nam rẽ phải đi theo đường bê tông liên thôn 5km đến đình.
Đường thứ hai: Từ km60 (thị trấn Bắc Quang) rẽ phải đi theo quốc lộ 279 đi hướng thị trấn Quang Bình, đến km17 (cầu Chừng) rẽ phải đi khoảng 1,5km đến đập thủy điện Sông Chừng. Từ đập thủy điện ngược theo lòng hồ bằng thuyền máy khoảng 45 phút đến là đến di tích.
Đình bản Chún có vị trí khá thuận lợi cho việc tham quan, có thể đi bằng nhiều phương tiện: Đi bộ, xe máy và đi thuyền.
- Danh lam thắng cảnh hồ thủy điện sông Chừng
Một góc hồ thủy điện sông Chừng
Hồ thủy điện sông Chừng nằm trên địa phận thị trấn Yên Bình, xã Tiên Nguyên và xã Tân Nam, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm huyện lỵ 7km trên trục đường quốc lộ 279 theo hướng đường đi huyện Bắc Quang, Hà Giang. Hồ thủy điện sông Chừng nằm ở thượng nguồn sông Chừng, được tạo thành sau khi nhà máy thủy điện sông Chừng được xây dựng. Hồ rộng trên 225ha, trải dài gần 15km, bốn phía được bao bọc bởi hệ thống núi đất và những rừng cây, rừng trồng của cộng đồng cư dân sống trong vùng. Có thể nói rằng hiện nay đây chính là địa danh có cảnh quan đẹp nhất, là điểm dừng chân lý tưởng khi đến với huyện Quang Bình. Hồ được hình thành do việc ngăn dòng lấy nước làm thủy điện trên một vùng đất có nhiều sông, suối, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Từ bến thuyền nằm gần khu vực đập thủy điện ngược dòng lên phía thượng nguồn, một vùng hồ nước mênh mông sẽ hiện ra trước mắt. Đi thuyền trên hồ sông Chừng du khách không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành của nước, của gió mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi rừng tưởng chừng như vô tận. Đứng dưới thuyền du khách có thể tận mắt ngắm nhìn những khu rừng xanh mướt, thấp thoáng trong tán cây là những bông hoa chuối nở đỏ rực. Không chỉ có núi đồi hai bên lòng hồ, cảnh đẹp nơi đây còn được tô điểm bằng hàng chục hòn đảo nhỏ. Những hòn đảo này chính là những ngọn núi bị nước nhấn chìm chỉ còn một phần đỉnh núi nhô lên khỏi mặt nước. Đảo không có cư dân sinh sống, chỉ có những tán cây soi mình dưới bóng nước. Thi thoảng, một vài chiếc thuyền của đồng bào lặng lẽ cập bờ thả lưới rồi lại lặng lẽ lướt đi trả lại sự tĩnh lặng vốn có.
Điểm dừng chân dành cho chuyến tham quan lòng hồ chính là những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây; chụp ảnh những nương sắn, những thửa ruộng bậc thang từ đỉnh núi kéo dài xuống tận mép nước và những đàn gia súc chăn thả quanh nhà; xem các mô hình nuôi cá lồng, nuôi lợn đen, gà đồi, mô hình nuôi vịt bầu, cá thương phẩm; mỗi chiều về khói bếp bay là là hòa quyện với làn sương mù đặc trưng của vùng cao sẽ là những dấu ấn khó quên trong lòng du khách. Cuộc sống không ồn ào, náo nhiệt mà gợi lên cảm giác yên bình, tự tại.
Hồ thủy điện sông Chừng nằm ở một vị trí thuận lợi cho việc đi lại, có đường ô tô đến tận nơi, lòng hồ chứa đựng nhiều giá trị to lớn về mặt cảnh quan, thẩm mỹ, bên cạnh đó còn có di tích phù hợp cho việc phát triển du lịch tâm linh. Cộng đồng các dân tộc sinh sống quanh vùng còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Thác Nậm Cháng nằm ở khu vực thôn Nà Mèo, xã Tân Nam
Một trong những cảnh quan khe thác đẹp nhất trên vùng lòng hồ là thác Nậm Cháng nằm ở khu vực thôn Nà Mèo, xã Tân Nam. Để đến được thác chỉ có một con đường là đi thuyền qua lòng hồ. Đây chính là điểm tiếp giao của một khe suối lớn đổ nước vào hồ. Thác có độ cao 8m so với mặt hồ, chiều dài khoảng 80m, độ dốc thoải. Thác được hình thành do quá trình thành tạo địa chất dẫn đến độ nghiêng dốc mạnh của khối đá bề mặt và sự bào mòn của dòng chảy. Nhìn từ xa, dòng thác trông giống như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa không gian của núi rừng. Hai bên dòng thác là thảm thực vật phong phú. Phía dưới thác nước là mặt hồ rộng mênh mông, đoạn tiếp giáp giữa hồ và thác có độ sâu chưa đến một mét, đáy hồ được trải một lớp cát và cuội nhỏ. Tất cả đã tạo cho cảnh quan của dòng thác Nậm Cháng một vẻ đẹp nguyên sơ và đầy thơ mộng.
Bên cạnh đó những làng nghề mới gắn với sông nước như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được hình thành tạo thêm những điểm đến hấp dẫn cho du khách. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa của người dân và thiên nhiên hùng vĩ nơi đây thì du khách sẽ được xem Lễ hội đua thuyền trên lòng hồ – một Lễ hội tiêu biểu được phục dựng dựa trên cơ sở Lễ hội thể thao truyền thống tổ chức vào ngày 18,19 tháng 8 hàng năm./.