Giới thiệu khái quát huyện Con Cuông

Giới thiệu khái quát huyện Con Cuông

Giới thiệu khái quát huyện Con Cuông

.   Vị trí địa lý

Con Cuông là huyện miền núi tây nam tỉnh Nghệ An, giới hạn trong tọa độ địa lý: 18°46’ đến 19°24 vĩ độ bắc, 104°32’ đến 105°03 kinh độ đông. Diện tích tự nhiên của huyện là 1.738,53km2, địa giới hành chính như sau:

Địa lý tự nhiên (04/01/2016 09:25 AM)

Con Cuông là huyện miền núi tây nam tỉnh Nghệ An, giới hạn trong tọa độ địa lý: 18°46’ đến 19°24 vĩ độ bắc, 104°32’ đến 105°03kinh độ đông. Diện tích tự nhiên của huyện là 1.738,53km2, địa giới hành chính như sau:

– Phía tây bắc giáp huyện Tương Dương

– Phía tây nam giáp CHDCND Lào

– Phía đông và đông nam giáp huyện Anh Sơn

– Phía bắc và đông bắc giáp huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp

Với vị trí này, Con Cuông nhận được lượng bức xạ dồi dào, nền nhiệt ẩm quy định tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm, có mùa đông lạnh của lãnh thổ. Nằm ở khu vực miền núi phía tây tỉnh Nghệ An nên các điều kiện tự nhiên và cảnh quan có sự phân hóa đai cao khá rõ rệt theo sự phân bố của các dạng địa hình.

Nằm trên quốc lộ 7, nối từ Thành phố Vinh, qua thị trấn Diễn Châu, qua cửa khẩu Thanh Thủy thông thương với Lào, tạo ra động lực trong giao lưu, phát triển kinh tế cho huyện miền núi Con Cuông

1.  Địa chất

Địa chất là nhân tố quan trọng trong sự hình thành nền rắn lãnh thổ, quy định đặc điểm của các nhân tố: địa hình, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật. Sự biến biến động, diễn biến phức tạp của các quá trình địa chất tạo tiền đề cho sự phân hóa phức tạp của địa hình, nham thạch, đá mẹ và quá trình hình thành thổ nhưỡng. Cấu trúc địa chất được phản ánh rõ trong địa hình và mạng lưới thủy văn của lãnh thổ. Thành phần thạch học cung cấp vật chất cho quá trình thành tạo đất. Các loại đá mẹ không những ảnh hưởng tới đặc điểm mà còn ảnh hưởng đến quá trình thoái hóa đất.

– Thành tạo địa chất huyện Con Cuông gồm các hệ tầng sau:

+ Đệ tứ không phân chia (aQ): Cấu tạo chủ yếu Cuội, sỏi, sạn phân bố ở các xã Bồng Sơn, Môn Sơn và Thị trấn Con Cuông. Diện tích 2.025 ha.

+ Hệ tầng Bắc Sơn (bs): Đá vôi phân lớp dày đến dạng khối, dày 550-650m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Cam Lâm, Thạch Ngàn, Lạng Khê, Yên Khê, thị trấn Con Cuông. Diện tích: 10.010 ha.

+ Hệ tầng Đồng trầu (dt1) Phân hệ tầng dưới: cuội kết, cát kết, bột kết, đá phun trào axit, dày 1000-1100m. Phân bố ở các xa Bình Chuẩn, Cam Lâm, Đôn Phục, Châu Khê, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn. Diện tích: 51.540 ha.

+ Hệ tầng Huổi Nhị (hn): Gồm đỏ phiến sét, sét sericit, cát kết, bột kết, dày 700 – 900m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Mậu Đức, Đôn Phục, Châu Khê, Chi Khê, Lạng Khê, Môn Sơn. Diện tích: 26.780 ha.

+ Hệ tầng Khe Bố (kb) gồm cuội kết, sạn kết, phiến sét, sét than, dày 270 – 400m. Phân bố ở các xã Mậu Đức, Thạch Ngàn. Diện tích: 918,5 ha.

– Hệ tầng La Khê (lk) gồm cuội kết, sạn kết, cát kết, đá silic, đá vôi, dày 250 – 400m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Cam Lâm, Thạch Ngàn, Thị trấn Con Cuông, Chi Khê, Lạng Khê, Yên Khê. Diện tích: 7.274 ha.

– Hệ tầng Nậm Tần (nt) gồm đỏ phiến, sét, bột kết. Phân bố ở xã Thạch Ngàn. Diện tích: 120,9 ha.

– Hệ tầng sông Cả phân hệ tầng giữa (sc2): đỏ phiến sericit, phiến thạch anh, cát kết, thấu kính phun trào axit. Tầng dày từ 1.200 – 1.300m. Phân bố ở các xã Môn Sơn, Châu Khê, Cam Lâm với diện tích: 26.470 ha.

– Hệ tầng sông Cả phân hệ tầng trên (sc3): cát kết, sạn kết, bột kết, đỏ phiến sét. Tầng dày từ 900 – 1.000m. Phân bố ở các xã Bình Chuẩn, Mậu Đức, Đôn Phục, Châu Khê, Bồng Khê, Môn Sơn, Thạch Ngàn, Cam Lâm. Diện tích: 45.660 ha.

– Phức hệ sông Mã (sm1) Pha 1: Granit horblend-biotit, granit granophyr. Phân bố ở các xã Thạch Ngàn, Yên Khê, Lục Dạ. Diện tích: 3.769ha.

– Xâm nhập không rõ tuổi (vm): Khối xâm nhập nhỏ không rõ tuổi diện tích không đáng kể.

– Đặc điểm đá mẹ – nhân tố tạo nên sự đa dạng của thổ nhưỡng

Trong lãnh thổ nghiên cứu có những loại đá sau:

+ Nhóm đá magma: Các đá xâm nhập phân bố thành các khối núi có kích thước khác nhau: khối granit thuộc các phức hệ Sông Mã, hệ tầng Nậm Tần, phân bố ở Môn Sơn, Mậu Đức, Thạch Ngàn, có độ cao, độ dốc lớn. Các đá magma phun trào chủ yếu có tuổi Mesozoi và Kainozoi. Trong Mesozoi, phun trào gặp ở các hệ tầng Đồng Trầu tuổi Trias, diện phân bố không lớn, thành phần gồm ryolit, ryodacit. Các loại đất hình thành trên nhóm đá mẹ này thường có tầng dày mỏng đến trung bình, thành phần cơ giới nhẹ, quá trình rửa trôi mạnh. Điển hình là đất vàng đỏ trên đá mác ma axit (Fa).

+ Nhóm đá trầm tích chủ yếu gồm 3 loại đá sau:

* Đá cát kết, cuội kết, sạn kết, phiến sét thuộc hệ tầng Sông Cả, Đồng Trầu tuổi từ Ordovic đến Trias, phân bố thành vùng rộng lớn thuộc các xã Châu Khê, Môn Sơn. Sản phẩm phong hóa từ các loại đá mẹ này tạo thành các loại đất: đất vàng nhạt trên đá cát (Fq) với tầng đất từ mỏng đến trung bình, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, quá trình rửa trôi mạnh.

* Đá vôi hệ tầng Bắc Sơn và một phần trong các hệ tầng La Khê tuổi từ Devon đến Trias chiếm diện tích khá lớn, phân bố ở Thị Trấn Con Cuông, Yên Khê, Bình Chuẩn, Thạch Ngà dạng khối. Sản phẩm phong hóa từ đá vôi hình thành đất nâu đỏ trên đá vôi (Fv), tích tụ ở chân sườn, thung lũng tạo nên đất dốc tụ (Dv).

* Trầm tích bở rời chủ yếu là các trầm tích hỗn hợp tuổi Đệ Tứ, phân bố dọc theo các thung lũng sông suối ở Con Cuông, trong đó tập trung nhất ở ven thung lũng sông Giăng thuộc xã Yên Khê, Bồng Khê. Đất phù sa được bồi và phù sa không được bồi là sản phẩm được hình thành trên loại trầm tích này.

+ Đá biến chất thuộc hệ tầng Sông Cả có thành phần chủ yếu là phiến sericit, đá phiến thạch anh, phân bố chủ yếu phía tây và tam lãnh thổ, thuộc các xã Cam Lâm, Châu Khê, Môn Sơn. Quá trình phong hóa trên loại đá này tạo nên các loại đất đỏ vàng trên đá biến chất (chẳng hạn đất Fs).

3. Địa hình

Địa hình miền núi là một trong những thành phần của tự nhiên mà con người luôn tác động trong quá trình phát triển. Địa hình thường được xem là “thành phần vật chất chết và thụ động”, vì vậy những hoạt động: xẻ sườn núi, bạt đỉnh núi,…diễn ra không tính đến hậu quả. Cần phải “cư xử với địa hình miền núi một cách thận trọng hơn” vì “chúng có nguồn gốc, có quy luật phát triển và do đó, có những phản ứng của nó. Không phải ngẫu nhiên một sườn núi lồi hay lõm, cao hay thấp, đỉnh núi nhọn hay bằng, thung lũng rộng hay hẹp. Tất cả những hiện tượng đó đều có những nguyên nhân của chúng và cần được cắt nghĩa để sử dụng cho hợp lí”(GS. Lê Bá Thảo). Phần viết về địa hình huyện Con Cuông dưới đây lí giải cho người đọc nguồn gốc của những gì họ quan sát được (hình thái địa hình) và những đặc điểm của chúng không dễ nhận biết bằng trực quan. Nhận thức về địa hình thực sự cần thiết bởi “không một công trình xây dựng nào, một hoạt động kinh tế nào của con người lại không được tiến hành trên một mảnh đất cụ thể, tức là trên một dạng địa hình cụ thể” (GS. Lê Bá Thảo).

3.1. Đặc điểm chung

Địa hình Con Cuông chủ yếu là đồi núi, được thành tạo từ nguồn gốc nội sinh lẫn ngoại sinh. Quá trình nội sinh thống trị là quá trình nâng địa hình ở Tân kiến tạo hình thành nên các dãy, khối núi ở đông bắc và phía nam lãnh thổ. Quá trình ngoại sinh thống trị là quá trình bóc mòn, xâm thực. Các dãy núi kéo dài phương chung là tây bắc – đông nam hoặc á kinh tuyến với các đỉnh núi cao từ 250m đến trên 1000m. Trên bề mặt địa hình phân bố các đá có thành phần và tuổi khác nhau, trong đó các đá carbonat, đá magma xâm nhập và phun trào phân bố ở địa hình cao và hiểm trở nhất, các đá lục nguyên và trầm tích bở rời trên địa hình thấp tạo nên các bậc địa hình được phân biệt khá rõ. Trên bề mặt địa hình hiện tại, các quá trình sườn đã và đang xảy ra mạnh mẽ dưới tác động của các nhân tố nội, ngoại sinh. Đó là các hoạt động tân kiến tạo, quá trình phong hoá, xâm thực bóc mòn, vận chuyển và tích tụ vật liệu… Các quá trình bóc mòn, trượt lở, rửa trôi với xu thế hạ thấp địa hình, đồng thời tạo ra sản phẩm cho quá trình tích tụ tại các thung lũng sông suối.

Địa hình huyện Con Cuông có sự phân hóa khá phức tạp, trong đó nổi bật là:

– Địa hình cao ở hai phía đông bắc và tây nam, thấp dần về trung tâm lãnh thổ, tạo nên sự phân bậc địa hình khá rõ nét. Đặc điểm cấu tạo địa hình tương tự như một số huyện miền núi thấp Nghệ An (Quỳ Châu), nhưng không giống các huyện miền núi cao hơn (Quế Phong hay Kỳ Sơn). Sở dĩ có sự phân hóa này là do hệ thống đứt gãy tạo ra các thung lung sông chạy qua trung tâm lãnh thổ.

– Toàn bộ lãnh thổ Con Cuông phân cách bởi Sông Cả tạo thành 2 vùng hữu ngạn và tả ngạn rõ rệt:

+ Vùng hữu ngạn Sông Lam (các xã Môn Sơn, Lục Dạ. Yên Khê, Chi Khê, Châu Khê, Lạng Khê, Bồng Khê và thị trấn Con Cuông). Địa hình gồm các dãy núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam, cấu tạo bởi các đá biến chất hệ tầng Sông Cả. Độ cao trung bình > 150m.

+ Vùng tả ngạn Sông Lam: Gồm các xã Cam Lâm, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn và Bình Chuẩn. Vùng này địa hình thấp, ít hiểm trở hơn, có nhiều thung lũng và khe suối lớn.

3.2. Các kiểu địa hình

Mặc dù trong dân gian thường gọi địa hình núi ở huyện là núi cao do cảm nhận trực quan và mức độ hiểm trở của địa hình. Tuy nhiên, để phân chia ra các kiểu địa hình núi cao, trung bình hay thấp cần căn cứ vào hình thái và trắc lượng hình thái địa hình (độ cao tương đối, độ cao tuyệt đối). Về độ cao tương đối (độ chênh cao) địa hình, các nhà địa lý đều thống nhất: > 100m là địa hình núi, < 100m là địa hình đồi. Về chỉ tiêu độ cao tuyệt đối của các kiểu địa hình, giữa các vùng địa lý có sự khác nhau về chế độ nhiệt ẩm và các quá trình địa lý tự nhiên khác, vì vậy chỉ tiêu có độ cao địa hình không giống nhau. Trong “cảnh quan miền Bắc Việt Nam” GS.Vũ Tự Lập chia miền núi Nghệ An thành 12 cấp, trong đó, núi trung bình: >1.500m, núi thấp: 500 – 1.500m, đồi < 500m. Với điều kiện cụ thể của các điều kiện địa lý tự nhiên, phục vụ mục đích sử dụng hợp lý lãnh thổ, chúng tôi chia địa hình Con Cuông thành 3 kiểu địa hình chính: núi, đồi và thung lũng, từ đó chia thành 5 phụ kiểu: núi trung bình, núi thấp, đồi cao, đồi thấp, thung lũng.

+ Địa hình núi trung bình

Địa hình núi ở Con Cuông chủ yếu là núi trung bình và núi thấp. Địa hình có độ cao > 900m phân bố khu vực tây nam Con Cuông, phần giáp với huyện Tương Dương, thuộc các xã Môn Sơn, Châu Khê. Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841m) và được đặt tên cho Vườn quốc gia thuộc địa phận Con Cuông.

+ Địa hình núi thấp

Kiểu địa hình núi thấp có diện tích khá lớn, phân bố nhiều nhất ở các xã Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê và Bình Chuẩn. Các dãy núi này được cấu tạo bởi các trầm tích, biến chất nên địa hình có phần mềm mại và ít dốc hơn địa hình núi trung bình. Độ cao từ 500 đến 900m.

Địa hình núi đá vôi: Núi đá vôi phân bố thành từng khối, phân tán trên lãnh thổ. Diện tích lớn nhất ở thị trấn Con Cuông và xã Yên Khê. Một số khối xuất hiện ở xã Thạch Ngàn, Yên Khê, Cam Lâm với diện tích nhỏ. Đây là kiểu địa hình đặc biệt, mức độ chia cắt sâu mạnh tuy độ cao tuyệt đối không lớn (200 – 300m). Đá vôi thuộc hệ tầng Bắc Sơn, La Khê, phân phiến dày, màu xám đồng nhất và tinh khiết. Trên địa hình này xảy ra các quá trình karst trẻ (rửa lũa, ăn mòn) tạo nên các dạng địa hình hang hốc trên bề mặt và hang động ngầm.

+ Địa hình đồi cao

Địa hình đồi cao phân bố ở các xã Châu Khê, Bình Chuẩn, Môn Sơn, Lục Dạ, Lạng Khê, Đôn Phục; rải rác ở các xã Chi Khê, Thạch Ngàn. Độ cao trung bình 250 – 500m.

Các đá cấu tạo chủ yếu là đá phiến sét, cát kết ít khoáng, bột kết, phiến thạch anh. Đặc điểm địa hình bề mặt này có sườn bằng phẳng, trắc diện sườn lồi, bề mặt sườn tương đối thoải (8 – 150), mức độ phân cắt trung bình, đường chia nước không rõ ràng gồm nhiều các đỉnh dạng vòm thoải hoặc bát úp. Trên kiểu địa hình này, các dạng sườn rửa trôi được hình thành. Mặc dù hoạt động rửa trôi chiếm ưu thế nhưng một số nơi xảy ra quá trình trượt lở xảy ra trên diện nhỏ. Trên đá phiến sét, địa hình này có độ dốc trung bình, lớp vỏ phong hóa khá dày, thực vật phát triển tốt. Hệ thống sông suối, khe rãnh thường có dạng lông chim, cành cây, trắc diện ngang dạng chữ V mở rộng hoặc chữ U, kéo dài theo hướng vuông góc với đường chia nước. Quá trình sườn tiềm ẩn là trượt lở đất.

+ Địa hình đồi thấp

Địa hình có độ cao trung bình dưới 250m, phân bố ở thị trấn Con Cuông và các xã Mậu Đức, Bồng Khê, Yên Khê và ở các xã khác vùng trung tâm.

Kiểu địa hình này gồm các dải đồi sót hình thành chủ yếu trên đá cát, bột kết, đá phiến thạch anh – sericit,… Quá trình bóc mòn, xâm thực, rửa trôi chiếm ưu thế. Bề mặt sườn xuất hiện các hệ thống mương xói, rãnh xói mòn. Địa hình biến đổi mạnh mẽ do các hoạt động nội sinh.

Đặc điểm chung của bề mặt địa hình này là bề mặt sườn không bằng phẳng, trắc diện sườn lồi lõm với độ dốc trên 80. Quá trình biến đổi sườn trên bề mặt địa hình này là các trượt lở nhỏ, xói mòn bề mặt.

+ Địa hình thung lũng

Tại Con Cuông chủ yếu là các thung lung nguồn gốc kiến tạo, xâm thực, hình thành do đứt gãy kiến tạo và xâm thực của dòng chảy. Tuy chiếm một diện tích nhỏ địa hình này có giá trị lớn cho sản xuất nông nghiệp. Các thung lũng sông suối khe Thời, khe Choang, khe Khặng (sông Giăng) và bờ phải sông Cả hiện tại đang được sử dụng sản xuất lúa, hoa màu.

4. Khí hậu

Khí hậu là nhân tố quyết định đến các quá trình phong hóa hình thành thổ nhưỡng, đến sự phân bố và chế độ thủy văn, đến sự phân bố và phát triển của sinh vật tạo nên sự đa dạng cảnh quan lãnh thổ. Những đặc trưng định lượng khí hậu cực đoan quyết định thành phần loài của các kiểu thảm thực vật.

Con Cuông nằm trong tiểu vùng khí hậu Bắc Trung Bộ với đặc điểm chung là nhiệt đới ẩm gió mùa; có hai mùa: mùa nóng (mưa nhiều) từ tháng 4 đến tháng 10 và mùa lạnh (mưa ít) từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; xen giữa là hai mùa chuyển tiếp. Mùa hạ chịu tác động mạnh mẽ của gió mùa tây nam bị biến tính rất khô và nóng, mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc lạnh, có mưa phùn. Con Cuông đồng thời cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết miền núi tây nam Nghệ An nên có những đặc trưng riêng về các yếu tố thời tiết. Rét đến sớm và mùa khô hanh thường kéo dài.

a. Chế độ nhiệt

–  Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 23°C – 25°C. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 42°C. Thông thường tháng Giêng có nhiệt độ thấp nhất (trung bình 19°C). Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối -0.5°C.

–  Tổng nhiệt hoạt động (giá trị tổng cộng của thời gian có nhiệt độ > 10°C trong một năm) của Con Cuông khoảng 3.500- 4.000°C/năm.

–  Số giờ nắng trung bình của khoảng 1.500 – 1.700 giờ/năm.

Bảng 1. Tổng số giờ nắng trung bình nhiều năm huyện Con Cuông

Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Số giờ nắng 86.6 64.1 88.9 137.3 204.0 173.5 206.7 160.7 152.5 147.6 108.9 112.2

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

– Chế độ nhiệt chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

+ Mùa nóng (mùa hạ) có nhiệt độ trung bình 23 – 240C , nhiệt độ tăng dần từ tháng 4 đến tháng 7 và giảm dần từ tháng 9, tháng nóng nhất là tháng 7. Con Cuông cũng như các huyện miền núi Tây Nghệ An chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Fơn tạo ra gió Tây Nam khô nóng hay gió Lào. Số liệu thống kê sô ngày khô nóng mạnh trung bình nhiều năm (TBNN) và số ngày khô nóng nhẹ TBNN trên địa bàn huyện Con Cuông từ tháng 3 đến tháng 9 ở bảng sau cho thấy ảnh hưởng của gió Fơn (gió Lào) trên địa bàn huyện.

Bảng 2. Số ngày khô nóng trung bình nhiều năm (TBNN)

ở huyện Con Cuông

TBNN T3 T4 T5 T6 T7 T8 T9 Tổng
Số ngày khô nóng mạnh 0.50 1.09 1.35 1.72 1.95 0.59 0.00 7.20
Số ngày khô nóng nhẹ 1.90 3.22 6.22 7.44 9.63 4.55 0.76 33.45

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

+ Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ bình quân 19,90 .

b. Chế độ mưa

Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1200 – 1.600mm/năm. Với lượng mưa này, Con Cuông thuộc loại mưa hơi ít. So với các huyện miền núi Tây Nam Nghệ An (Tương Dương, Kỳ Sơn) Con Cuông có lượng ẩm khá dồi dào, nhưng so với các huyện miền núi Tây Bắc Nghệ An (Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong) thì tổng lượng mưa năm ở Con Cuông thấp, khí hậu khô hơn.

Bảng 3. Lượng mưa trung bình nhiều năm tại Con Cuông.

Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Lượng mưa (mm) 34,0 35,8 45,6 86,2 187,3 156,6 160,8 251,5 357,6 292,5 87,7 33,4
Độ ẩm (%) 89 90 89 86 82 81 79 84 87 88 88 88

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

–  Lượng mưa không phân hóa nhiều trong không gian (dao động từ 1.200 – 1.600mm giữa các vùng trên lãnh thổ). Tuy nhiên lượng mưa phân hóa theo mùa rất mạnh mẽ, tập trung trên 85% vào mùa mưa. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 8, 9 và tháng 10 (tháng 8: 251.5mm, tháng 9: 357,6mm, tháng 10: 292,5mm). Tháng khô hạn nhất là tháng 12 và tháng 1 (33 – 34mm).

–  Độ ẩm không khí trung bình dao động từ 80 – 90%.

Bảng 4. Độ ẩm không khí trung bình huyện Con Cuông

Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Độ ẩm tháng 89 90 89 86 82 81 79 84 87 88 88 88

Nguồn: Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ 2012

c. Chế độ gió

Gió mùa đông bắc xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau thường kèm mưa phùn, giá lạnh và xuất hiện sương muối một vài lần/năm. Gió mùa Tây Nam (gió Lào) xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 gây khô nóng và hạn hán.

Vì xa biển nên Con Cuông ít có bão nhưng địa bàn huyện thường có lốc xảy ra bất ngờ. Mùa khô thường bị hán gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Chế độ nhiệt ẩm tạo nên tính mùa (nhịp điệu mùa) của tất cả các hợp phần địa lý trong mối quan hệ tương tác với nhau (cảnh quan). Tính nhịp điệu mùa phản ánh sự thay đổi trạng thái của cảnh quan mà không thay đổi cấu trúc, trong đó chế độ nhiệt ẩm đóng vai trò chủ đạo, là cơ sở động lực của các quá trình tự nhiên theo mùa (xói mòn, trượt lở đất, lũ ống, lũ quét,…). Nhịp điệu mùa được phản ánh qua chế độ nhiệt ẩm, cụ thể chỉ số tương quan nhiệt ẩm. Cách tính chỉ số này được nhiều nhà địa lý đưa ra: chỉ số khô hạn (Buđưcô và Grigooriev), chỉ số ẩm ướt (Vưxôtsky, Ivanôv và Docussaev), hệ số thủy nhiệt hay hệ số nhiệt ẩm (Xêlianhinôv,…). Theo Xêlianhinôv, chỉ số nhiệt ẩm được xác định theo công thức: K = R/ (0,1.et) và phân thành 5 cấp: khô, hơi khô, hơi ẩm, ẩm và ẩm ướt. Trong đó, 2 cấp: hơi khô, hơi ẩm được xếp vào mùa chuyển tiếp (1<K<2), 2 cấp còn lại là mùa khô (K<1) và mùa mưa gồm cấp ẩm và ẩm ướt (K>2).

Bảng 5. Bảng phân cấp chế độ nhiệt ẩm

Giá trị K = R/ (0,1.et) Mức độ khô – ẩm Mùa
< 1,00 Khô Mùa khô
1 – 1,5 Hơi khô Mùa chuyển tiếp
1,51 – 2 Hơi ẩm
2,01 – 3 Ẩm Mùa mưa
> 3 Rất ẩm Mùa mưa

(Nguồn: Vũ Tự Lập, 1976)

Theo đó, tính mùa ở huyện Con Cuông được xác định như sau:

– Mùa chuyển tiếp (1<K<2) ngắn, từ tháng 4 đến đầu tháng 5, lượng mưa 86,2 mm, nhiệt độ tháng 4 là 24,8°C.

– Mùa mưa (K>2) kéo dài 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 85% lượng mưa cả năm, đặc biệt là mùa mưa hè thu (lượng mưa lớn nhất vào tháng 9: 292mm. Nền nhiệt mùa mày bắt đầu giảm từ tháng 8 (26,7°C), đến tháng 10 (25,8°C).

– Mùa ít mưa (K<1): mùa khô kéo dài 5 tháng, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa rất thấp, đặc biệt là tháng 1, tháng 2 (34 – 35mm). Tuy nhiên, so với các huyện miền núi tây bắc Nghệ An, mùa khô ở Con Cuông có lượng ẩm lớn hơn (lượng mưa tháng 1, tháng 2 gần gấp đôi so với lượng mưa cùng thời điểm tại huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu). Mùa khô thường gây thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, nhất là vùng thung lũng, núi đá vôi thuộc thị trấn Con Cuông, xã Yên Khê. Nhiệt độ giảm làm cho nền nhiệt thấp hơn so với các mùa trong năm, thấp nhất là tháng 1 (16,8°C).

Tính mùa của khí hậu đã tác động lên các thành phần khác của tự nhiên, đặc biệt là chế độ thủy văn, sự phát triển của thực vật. Thủy chế sông ngòi cũng vì thế phân thành 2 mùa rất rõ rệt: mùa lũ (mùa mưa) mô đun dòng chảy lớn, tốc độ xâm thực, vận chuyển vật liệu diễn ra mạnh mẽ, ngược lại mùa cạn (mùa khô) tốc độ dòng chảy nhỏ, lộ trơ đá gốc ở lòng sông, thậm chí một số suối cạn khô lòng. Nhịp điệu mùa quy định tính mùa, tính thời vụ trong sản xuất nông nghiệp, thể hiện trong lịch canh tác được tính toán cho phù hợp, tránh làm đất trong mùa mưa, hoặc lựa chọn giống cây trồng chịu hạn,…

5. Thủy văn

Con Cuông có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ khoảng 4 – 6 km/km2. Lượng mưa nhiều nên sông suối có nguồn nước dồi dào; địa hình dốc nên thế năng lớn. Nguồn nước mặt đáp ứng nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt. Sông suối chủ yếu chảy theo hướng từ tây bắc xuống đông nam. Cong Cuông cũng như các lãnh thổ khác không tách rời quy luật địa lý tự nhiên “sông ngòi là hàm số của khí hậu”. Chế độ mưa phân hóa theo mùa nên chế độ mùa lũ – mùa cạn của sông cũng theo mùa mưa – mùa khô của khí hậu.

Sông Cả là con sông lớn nhất chảy qua địa bàn huyện Con Cuông (đoạn chảy qua lãnh thổ Con Cuông dài 30km). Do mức độ xâm thực dọc mạnh, độ chênh cao địa hình lớn nên đoạn sông này có nhiều ghềnh thác, trong đó 2 thác nước khá lớn là Khe Trẩy và Con Cành. Sông cả là nguồn cung cấp nước, các loại thủy sản và thuận lợi về đường giao thông thủy. Ngoài sông Cả còn có lượng lớn khe suối đan xen giữa các dãy núi tạo nên hệ thống cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Các phụ lưu của sông Cả trên địa bàn Con Cuông phía hữu ngạn như khe Thơi, khe Choang, khe Khặng với lưu lượng khá lớn lại chạy theo hướng tây nam lên đông bắc và đổ nước vào sông Cả. Dòng chảy các khe này tương đối rộng lòng nên cả 3 khe trên đều có thể dùng bè mảng đi qua một số đoạn. Riêng khe Choang và khe Khặng có thể dùng thuyền máy ngược dòng ở phía hạ lưu. Đây là điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy phục vụ đánh bắt thủy sản, du lịch,…

6. Thổ nhưỡng

Tài nguyên đất ở Con Cuông khá đa dạng. Theo tài liệu điều tra thổ nhưỡng tỉnh Nghệ An, tổng diện tích điều tra thổ nhưỡng của huyện Con Cuông là 158.000ha, chiếm 90,89% tổng diện tích tự nhiên, phần còn lại là diện tích sông suối núi đá. Các loại đất được thống kê như sau:

Bảng 6. Các loại đất có ở huyện Con Cuông

TT Tên loại đất Kí hiệu Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)
1 Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước Fl 598,00 0,34
2 Đất đỏ vàng trên đá sét Fs 62.090 35,72
3 Đất vàng nhạt trên đá cát kết Fq 82.030 47,19
4 Đất nâu đỏ trên núi đá vôi Fv 1.219 0,70
5 Đất mùn vàng nhạt trên đá cát Hq 8.893 5,11
6 Đất mùn đỏ vàng trên đá sét Hs 6.530 3,76
7 Đất phù sa ngòi suối Py 2.583 1,49
8 Đất phù sa không được bồi lắng P 1.031 0,59
9 Đất phù sa được bồi hàng năm chua Pb 424,8 0,24
10 Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ D 613,1 0,35

(Nguồn: Bản đồ đất huyện Con Cuông, Sở Tài nguyên môi trường Tỉnh Nghệ An)

– Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước (Fl):

Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước (Fl) có diện tích 598,00 ha, chiếm 0,34% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đây là loại đất được hình thành trên nền đất ferralit trên các loại đá mẹ khác nhau đá phiến sét, đá biến chất, đá sa thạch… Được con người khai phá thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Dưới tác động của con người đã làm thay đổi các tính chất lẫn hình thái phẫu diện đất. Đất có hàm lượng lân trung bình nhưng khá nghèo đạm và kali. Dung tích hấp thu tăng theo chiều sâu tầng đất. Thành phần cơ giới lớp đất mặt thường là thịt trung bình, tỷ lệ sét vật lý dao động trong khoảng 30-40%. Phân bố ở hầu khắp tất cả các xã trong huyện, phần lớn diện tích ở các xã: Thạch Ngàn, Mậu Đức, Cam Lâm…

– Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs):

Diện tích 62.090 ha, chiếm 35,72% diện tích đất tự nhiên. Đây là loại đất được hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá mẹ phiến sét. Hình thái phẫu diện đất có màu đỏ vàng, vàng đỏ là chủ đạo, lớp trên mặt có màu xám đen, nâu xám hoặc nâu vàng tùy thuộc vào thảm thực vật che phủ và mức độ tích lũy hữu cơ. Cấu trúc lớp đất mặt thường là viên, độ tơi xốp khá. Loại đất này có ở nhiều kiểu địa hình chủ yếu là đồi và núi thấp có độ dôc 20 – 35° dưới thảm thực vật rừng hoặc cây bụi. Đất có phản ứng chua (pHKCl 4,23 – 4,31 ở lớp đất mặt). Hàm lượng hữu cơ và đạm tổng số ở lớp đất mặt từ trung bình đến giữa tương ứng là 1,65 – 3,51% và 0,106 – 0,190% nơi nào có thảm mục rừng nơi đó có sự tích lũy hữu cơ cao. Lân tổng số ở lớp đất mặt trung bình, ở các tầng dưới từ nghèo đến trung bình. Kali tổng số lớp đất mặt từ 0,93 – 1,19% ở các tầng dưới giàu. Kali dễ tiêu ở lớp đất mặt từ 7,3 – 11,2 mg/100g đất ở các tầng dưới nghèo. Lượng canxi và magie trao đổi rất thấp. Hàm lượng Fe3+ và Al3+ tương đối cao. Thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét. Khả năng giữ nước, giữ phân bón khá.

 

 

– Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq):

Có diện tích 82.030 ha chiếm 47,19% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đất được hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá cát. Hình thái phẫu diện tầng đất có màu xám vàng hoặc xám nhạt, ở các tầng dưới màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến vàng đỏ. Cấu trúc của đất thường là hạt rời rạc. Lượng cation trao đổi thấp. Thành phần cơ giới của đất nhẹ, tỷ lệ sét vật lý ở tầng đất mặt dưới 20% nên khả năng giữ nước, giữ phân kém. Nhìn chung loại đất này có độ dốc dưới 8tầng đất dày hoặc trung bình có thể trồng cây hoa màu hoặc cây ăn quả. Đối với vùng đất dốc 8 – 15° có thể trồng kết hợp cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Nơi có độ dốc lớn hơn 15° nên dành cho lâm nghiệp. Phân bố ở hầu hết các xã: Bình Chuẩn, Đôn Phục, Lạng Khê, Châu Khê, Chi Khê, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn.

– Đất nâu đỏ trên núi đá vôi (Fv):

Đất nâu đỏ trên núi đá vôi (Fv) diện tích 1.219 ha chiếm 0,70% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đất được hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá vôi. Hình thái phẫu diện đất thường có màu nâu đỏ là chủ đạo, lớp đất mặt thường có màu nâu thẫm hoặc xám đen. Cấu trúc lớp đất mặt viên hoặc cục nhỏ, độ tơi xốp của đất khá. Đất ít chua, tổng số cation trung bình, thành phần cơ giới chủ yếu là thịt trung bình, các tầng dưới thường là đất thịt nặng hoặc sét. Thuận lợi cho nông nghiệp. Phân bố ở các xã: Yên Khê, Lục Dạ.

– Đất mùn vàng nhạt trên đá cát (Hq):

Đất mùn vàng nhạt trên đá cát (Hq) có diện tích 8.893 ha chiếm 5,11% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đất được hình thành trên sản phẩm phong hóa của đá cát kết ở độ cao từ 900m. Hình thái phẫu diện tầng đất mặt thường có màu xám đen, đen xám. Cấu trúc viên hạt, xuống các tầng dưới màu sắc đất thường là vàng nhạt, vàng xám có nơi là màu vàng đỏ. Đất có hàm lượng đạm và chất hữu cơ khá cao, hàm lượng lân ở mức trung bình và kali khá nghèo. Dung tích hấp thu thấp. Thành phần cơ giới của đất nhẹ, tỷ lệ sét vật lý dao dộng khoảng 30-40% khả năng giữ nước, giữ phân bón hạn chế. Phân bố ở các xã: Lục Dạ, Châu Khê.

– Đất mùn đỏ vàng trên đá sét (Hs):

Loại đất này có diện tích 6.530 ha chiếm 3,76% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đất được hình thành do sản phẩm phong hóa của đá mẹ phiến sét. Hình thái phẫu diện lớp đất mặt thường có màu vàng đỏ hoặc đỏ vàng là chủ đạo. Cấu trúc đất viên, tơi xốp. Lớp đất mặt khá giàu hữu cơ và lân, kali ở mức trung bình, hơi nghèo đạm. Dung tích hấp thu trung bình, thành phần cơ giới lớp đất mặt thường là thịt trung bình, xuống sâu thành phần cơ giới nặng hơn. Nhìn chung đây là loại đất có độ phì khá. Phân bố ở các xã: Môn Sơn, Châu Khê.

– Đất phù sa ngòi suối (Py)

Đất phù sa ngòi suối (Py) có diện tích 2.583 ha chiếm 1,49% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Đất được hình thành do sự vận chuyển các sản phẩm phù sa không xa, cộng thêm với những sản phẩm từ trên đồi núi đá xuống, do đó sản phẩm tuyển lựa đều mang ảnh hưởng rõ của đất và sản phẩm phong hóa của các loại đá mẹ vùng đồi, núi xung quanh. Hình thái phẩu diện phân hóa khá rõ, có đôi chỗ xuất hiện kết von non. Hàm lượng đạm, kali và chất hữu cơ nghèo, hàm lượng lân ở mức trung bình. Lượng cation trao đổi thấp. Thành phẩn cơ giới của đất nhẹ, đây là loại đát có độ phì tự nhiên thấp, song lại thích hợp với trồng các loại cây hoa màu, lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Phân bố ở các xã: Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn.

– Đất phù sa không được bồi lắng (P):

Đất phù sa không được bồi lắng (P) có diện tích 1.031 ha chiếm 1,59% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Là loại đất trước đây cũng được bồi đắp phù sa, song chịu tác động của yếu tố địa hình đặc biệt là quá trình đắp đê ngăn lũ nên lâu nay không được bồi đắp thêm phù sa mới nữa. Nơi có địa hình tương đối cao, thoát nước tốt, thoáng, đất không có gley, nơi địa hình thấp thường có gley yếu. Hình thái phẫu diện có sự phân hóa rõ: lớp đất canh tác thường có màu nâu xám hoặc xám vàng, lớp đế cày có màu xám hơi xanh hoặc vàng nhạt, các lớp dưới có màu vàng nâu lẫn vệt đỏ. Thành phần cơ giới của đất từ thịt nhẹ đến thịt trung bình tùy thuộc vào địa hình. Phân bố ở các xã: Lạng Khê, Yên Khê.

– Đất phù sa được bồi chua hàng năm (Pb):

Đất phù sa được bồi chua hàng năm (Pb) có diện tích 424,8 ha chiếm 0,24% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Hình thái phẫu diện thường có màu nâu hoặc nâu vàng, phân lớp rõ theo cơ giới. Các chất tổng số nghèo, thành phần cơ giới thường là thịt nhẹ, cấu tượng đất tốt. Thích hợp với các loại cây trồng hàng năm. Phân bố ở các xã: Bồng Khê và Thị trấn Con Cuông.

– Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D):

Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D) có diện tích 613,1 ha chiếm 0,35% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Được hình thành do các sản phẩm phong hóa từ trên đồi bị nước mưa cuốn xuống, lắng đọng ở các thung lũng nhỏ dưới chân đồi. Hình thái phẫu diện lớp trên mặt thường có màu xám trắng, các lớp dưới có màu vàng hoặc xám xanh. Thành phần cơ giới thay đổi từ cát pha đến thịt trung bình tùy vào sản phẩm bồi tụ. Phân bố ở các xã: Mậu Đức, Đôn Phục, Bình Chuẩn.

7. Sinh vật

Là huyện miền núi nên tiềm năng rừng của Con Cuông rất lớn. Diện tích đất lâm nghiệp năm 2010 là 154.086,59 ha (chiếm 88,64% diện tích tự nhiên của huyện. khoảng 16,82% diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh). Trong đó đất rừng sản xuất có 61.041,47 ha chiếm 39,51% diện tích đất lâm nghiệp, rừng phòng hộ 18.869,32 ha chiếm 12,28% diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng đặc dụng 74.176,80 ha chiếm 48,21% diện tích đất lâm nghiệp. Tỷ lệ che phủ là 75,12% (năm 2010). Diện tích có rừng tập trung nhiều tại các xã Châu Khê 42.597,47 ha, Môn Sơn 38.419 ha, Bình Chuẩn 16.669,9 ha, Lục Dạ 10.892,37 ha, Lạng Khê 9.116,5 ha, Đôn Phục 8.812,7 ha,… Trong huyện hiện còn khoảng 6.407,86 ha đấ trống đồi núi trọc chưa có rừng che phủ tập trung ở các xã: Yên Khê 2.042,16 ha, Châu Khê 865,28 ha, Bồng Khê 828,21 ha, Bình Chuẩn 813,79 ha và các xã còn lại khoảng 1.858,42 ha.

Con Cuông là 1 trong 3 huyện nằm trong khu rừng đặc dụng Pù Mát (cùng với Anh Sơn và Tương Dương). Đây là khu rừng nguyên sinh rộng lớn, đa dạng về sinh học, tài nguyên động, thực vật phong phú. Rừng đặc dụng Pù Mát Phân bố tại 4 xã của huyện Con Cuông là Lạng Khê, Chi Khê, Lục Dạ, Môn Sơn.

Tính nguyên sinh thể hiện ở sự có mặt các kiểu thảm thực vật rừng ở đai cao.

Theo sự phân hóa đao cao của địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, có thể chia các kiểu thảm thực vật rừng thành 2 đai: trên 900m và dưới 900m.

 Đai > 900m gồm:

Kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa chưa bị tác động trên đai cao

* Rừng kín thường xanh chưa bị tác động, độ tán che trung bình đạt 79%. Các loài có vai trò quan trọng nhất trong cấu trúc thảm thực vật là các loài thuộc họ Dẻ – Fagacaceae (Lithocarpus pseudosundaicus), họ Sim – Myrtaceae (Syxzygium cochinchinense) và các loài: Hopea mollissima, Vatica cinerea, Madhuca pasquieri, Canarium thorelii, Pterospermum heterophyllum, Gironniera subaequalis…

* Rừng kín thường xanh mưa mùa hỗn giao cây lá rộng – cây lá kim. Loại rừng này chiếm 25% diện tích của VQG Pù Mát và giữ được tính nguyên sinh rất cao vì chưa có các hoạt động khai thác, phá hoại. Khu vực biên giới Việt – Lào thuộc VQG Pù Mát, loại rừng này chiếm ưu thế. Đây cũng là khu vực có sự phân bố chủ yếu của các loài thực vật hạt trần quý hiếm, quan trọng có thể kể đến như Pơ mu (Fokienia hodginsii) phân bố ở định giông, Sa mu dầu (Cunninghamia konishshii) phân bố trên các sườn đồi, Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum), Thông lông gà (Dacrucarpus imbricatus), Kim giao (Nageia fleuryi), Thông tre (Podocarpus neriifolius),… Hầu hết đây là những loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam cho mục đích bảo tồn. Trong số các loài trên Sa mu dầu (Cunninghamia konishshii) lần thứ 2 tìm thấy ở Việt Nam, chúng phát triển thành những quần xã Sa mu dầu đơn ưu, cây cao từ 60 – 90m, đường kính 1m – 6,5 m, có cây đường kính chúng tối đo được 6,5 m, nó mọc ở khu vực thượng nguồn khe Bu trong vườn, tán cao vượt trội hơn hẳn so với tán cây rừng khác, nên đứng trên các đỉnh đồi nhìn xa ra có thể phát hiện được quần thể này mọc ở những khu vực nào của vườn, đây là một quần thể rất đặc biệt của Vườn quốc gia Pù Mát.

*Rừng lùn: Rừng lùn ở Pù Mát xuất hiện ở độ cao trên 1500m, chiếm diện tích rừng lùn chiếm khoảng 1,6% diện tích vùng lõi của VQG, phân bố trên các giông và chỏm núi dốc có đá nổi và hướng gió mạnh, không giống như ở nhiều nơi rừng lùn thường xuất hiện ở độ cao thấp hơn như Cúc Phương ở 600m, Tam Đảo ở 1100m, Phong Nha ở 800m. Đây là một kiểu thảm rất đặc biệt thuộc vành đai cao trên đất địa đới ở Vườn quốc gia Pù Mát với các loài ưu thế lập thành quần xã đặc trưng là Elaeocarpus sp.), Re – Cinnamomum sp., Syzygium sp., Lithocarpus sp., Enkianthus sp., Đỗ quyên – Rhododendron sp. Casstanopsis sp., Dẻ – Quescus sp.

+ Kiểu rừng thường xanh mưa mùa bị tác động ở đai cao. Thảm thực vật đạt độ tàn che trung bình 78%, các loài ưu thế trong các quần xã thảm thực vật kiểu nay là Hopea hainanensis, Syzygium sp. và Aidia sp., họ Dẻ – Fagaceae.

– Đai dưới 900m:

+ Kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa trên núi thấp: Phân bố ở độ cao dưới 900m, chiếm diện tích 70% diện tích của VQG. Đây là kiểu rừng mà xưa kia bao phủ lên phần lớn diện tích của Miền núi Nghệ An và Bắc Trường Sơn. Với số loài thực vật phong phú (nếu tiếp tục điều tra có thể số loài ở đây lên tới 3.000 loài).

+ Rừng kín thường xanh mưa mùa trên núi đá vôi: Núi đá vôi ở Pù Mát có độ cao dưới 900m, nằm xen giữa vùng núi đất, kéo dài từ Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) suốt dọc đường 7 trên địa bàn huyện Con Cuông đến Tam Đình, huyện Tương Dương. Ba điểm chính là Phà Lài, Trung Chính và Tam Đình có độ tàn che lớn nhất. Những họ chính đóng vai trì quan trọng trong cấu trúc các tầng cây đứng (hay người ta thường nói là “xương sống” của rừng) bao gồm: Moraceae, Euphorbiaceae, Anacardiaceae, Sapindaceae, Ulmaceae, Sterculiaceae, Annonaceae, Meliaceae, Lauraceae, Caesalpiniaceae, Verrbenaceae.

+ Rừng thường xanh mưa mùa trên đất thấp bị tác động mạnh: Kiểu rừng này bao gồm diện tích rừng sau khi khai thác chọn và diện tích rừng sau nương rẫy trên đất thấp, cây lá rộng, tre nứa, đơn ưu tre – nứa.

Khu hệ thực vật VQG Pù Mát khá phong phú về thành phần loài. Đã phát hiện ở đây 2.494 loài thực vật của 931 chi thuộc 202 họ, 6 ngành thực vật. Trong đó ngành thực vật phong phú nhất là ngành Ngọc lan. Sự phong phú này là do thực vật Pù Mát có quan hệ nhiều với các khu hệ thực vật lân cận. Luồng thực vật Hymalaya – Vân Nam – Quý Châu di cư xuống với đại diện là các loài thuộc ngành Thông Pinophyta và các loài lá rộng rụng lá. Luồng thực vật Malaysia – Indonesia từ phía Nam đi lên với các đại diện thuộc họ dầu Dipterocarpaceae. Luồng thực vật India – Myanmar từ phía Tây sang với các đại diện thuộc họ Tử vi Lythraceae, họ Bàng Combretaceae.Khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa, tiêu biểu là các loài thuộc họ Dẻ (Fagaceae), họ Re (Lauraceae). Khu hệ thực vật Malaysia- Indonesia: tiêu biểu là các loài thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae). Và khu hệ thực vật đại diện vùng khô Ấn Độ – Miến Điện, tiêu biểu là các loài cây thuộc họ Bàng (Combretaceae), họ Bông gạo (Bombacaceae). Đặc biệt khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa chiếm tỷ trọng lớn nhất. Mặt khác, VQG Pù Mát có một diện tích rừng tự nhiên ít bị tác động còn mang nhiều tính nguyên sinh, thể hiện tính đa dạng sinh học cao. Trong tổng số 2.494 loài thực vật được phát hiện có 70 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt; chiếm 2,81% tổng số loài của khu hệ. Cụ thể có 44 loài ở mức “sẽ nguy cấp”, 22 loài ở mức “nguy cấp”, 4 loài ở mức “rất nguy cấp”. Tại Vườn Quốc gia Pù mát đã thống kê được trên 920 loài cây thuộc 4 nhóm công dụng bao gồm 330 loài cây lấy gỗ, 197 loài cây dược liệu, 74 loài cây làm cảnh và 118 loài cây làm thực phẩm. Ngoài ra, thực vật Pù Mát còn có nhiều sản phẩm khác như Song mây, Lá nón, Lá cọ, Tre… có thể làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của dân cư địa phương. Khu hệ động vật VQG Pù Mát có tính đa dạng sinh học cao nhất so với các khu rừng đặc dụng khác của Việt Nam. Đã phát hiện ở đây hơn 1.500 loài động vật thuộc các lớp Thú, Chim, Bò sát, Lưỡng cư, Cá, côn trùng. Thành phần và số lượng loài động vật quý hiếm VQG Pù Mát khá cao, có tới 77 loài trong Sách Đỏ Việt Nam và 62 loài trong Sách Đỏ Thế giới. Số lượng loài động vật cần được bảo vệ có 15 loài thuộc cấp đang nguy cấp (Endangered), 33 loài sẽ nguy cấp (Vulnerable), 13 loài hiếm (Rare), 16 loài bị đe dọa (Threatened). Điều đặc biệt là quần thể của một số loài chim, thú lớn thực sự có nguy cơ bị tiêu diệt ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn khả năng bảo tồn và phát triển trong quá trình quản lý bảo vệ VQG Pù Mát, như Voi Elephas maximus, Hổ Panthera tigris, Sao la Pseudoryx nghetinhensis, Bò tót Bos gaurus, các loài khỉ, voọc… Có thể nói, nếu bảo vệ được khu hệ động vật Pù Mát là đã bảo vệ được gần 50% số loài động vật quý hiếm của Việt Nam.

Tất cả các hợp phần: địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, thực vật trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp như một bức tranh sơn thuỷ hùng tráng và trữ tình. Với lớp phủ thực vật chủ yếu là rừng, Con Cuông như một bức thảm xanh. Các dãy núi thấp chạy dài theo hương tây bắc – đông nam tạo nên tính đặc thù trong phân hóa cảnh quan, một số đỉnh núi nhô cao, trong đó đỉnh cao nhất là Pù Mát (1.841m) có các loài cây gỗ á nhiệt đới trên núi, quanh năm sương mù bao phủ; thấp hơn là các đỉnh: Pù Bón, Pù Cọ Cả, Pù Quặc, Pù Nộc Cốc, Pù Thanh, Pù Sa Giáp, Pù Nà, Pù Gai làm cho sự phân hóa địa hình thêm mạnh mẽ, tạo nên sự bí hiểm của cảnh quan miền núi. Các khối núi đá vôi với kiểu rừng đặc thù: thành phần loài nghèo, chủ yếu là cây gỗ nhỏ xuất hiện phá vỡ tính quy luật trong phân bố cảnh quan theo hướng tây bắc – đông nam. Các khối núi, hang động, thung lũng đá vôi: Phả Tằng, Phà Cầu, Phà Kham, Phà Phày,…nằm ở trung tâm lãnh thổ, phân bố song song với đường Quốc lộ số 7 và dòng Sông Cả cuộn cuộn chảy tạo nên điểm nhấn trong bức tranh cảnh quan Con Cuông. Đây là nét đặc thù riêng của Con Cuông, không giống bất kì huyện miền núi nào của tỉnh Nghệ An. Hai bên dòng chính sông Cả, hệ thống phụ lưu: Khe Choăng, Khe Thơi, Khe Vằng, khe Chai, Huồi Cọ, Huồi Lạc, khe Cống, khe Xoang, khe Đồn, Khe Cọ, khe Mét, khe Hiền, khe Hoi,…tạo nên dạng xương cá của mạng lưới sông suối. Sông Giăng phát nguồn từ Trường Sơn như một nét sở dọc, tưới nhuần cho các cánh đồng ở Môn Sơn, làm dịu mát phía tây Con Cuông vào mùa hè khi có gió Lào. Hệ thống thủy văn này không những thực hiện chức năng tưới tiêu cho các cánh đồng thuộc loại lớn của miền núi, không những đảm bảo chức năng dùng trong sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân mà còn điểm tô cho bức tranh thiên nhiên Con Cuông thêm đường nét, sinh động.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây