Giới thiệu khái quát huyện Đất Đỏ

Giới thiệu khái quát huyện Đất Đỏ

Giới thiệu khái quát huyện Đất Đỏ

1- Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên:
Đất Đỏ là một huyện ven biển thuộc Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm 06 xã, 02 thị trấn: thị trấn Đất Đỏ, thị trấn Phước Hải, xã Phước Long Thọ, xã Long Tân, xã Láng Dài, xã Lộc An, xã Phước Hội, xã Long Mỹ. Huyện Đất Đỏ có diện tích 18.885,56 ha, dân số 78.452  người, phía Đông giáp huyện Xuyên Mộc và biển Đông, phía Tây giáp huyện Long Điền và thành phố Bà Rịa, phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp huyện Châu Đức.

Đất Đỏ là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của cộng đồng người Việt trên đường khẩn hoang, lập nghiệp về phương Nam hồi thế kỷ XVI – XVII.
Đất Đỏ có hệ thống sông ngòi, bưng bàu phong phú, đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ kháng chiến và phát triển kinh tế, văn hóa địa phương. Đến Đất Đỏ, du khách sẽ có dịp tham quan nhà lưu niệm và công viên tượng đài Anh hùng Võ Thị Sáu, khu di tích Núi Minh Đạm, Thập Tự giá Long Tân……và các khu du lịch sinh thái ven biển.

2- Quá trình hình thành dân cư và phát triển kinh tế xã hội của Huyện Đất Đỏ:
Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý ở vùng đất hoang hóa phương Nam, ông đã lấy đất Nông Nại lập phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng Dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn “đất lành chim đậu”, nhiều lớp cư dân đã chọn Đất Đỏ, vùng đất trù phú làm quê hương mới.
Nhân dân huyện Đất Đỏ sinh sống bằng những nghề truyền thống như: làm lúa nước, đánh bắt hải sản và những nghề đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân như nghề Mộc, nghề chạm khắc gỗ, đúc chuông, làm gốm….

3- Phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng ở Đất Đỏ trước năm 1930:
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Cửa Hàn – Đà Nẵng, mở đầu cuộc tiến công xâm lược nước ta. Sau 5 tháng hao binh tổn tướng ở mặt trận Đà Nẵng, quân Pháp chuyển hướng tấn công vào miền Đông Nam Bộ. Năm 1859 nhân dân Đất Đỏ đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, đánh vào các tuyến phòng thủ của giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại, thực dân Pháp đã phải thừa nhận cách đánh du kích của nghĩa quân rất lợi hại.
Ngày 17/12/1861 quân Pháp chiếm Biên Hòa và ngày 07/01/1862, chúng xuôi dòng Đồng Nai chiếm Bà Rịa và Long Điền – Đất Đỏ, chiếm trọn 03 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Không cam chịu cảnh nô lệ, nhân dân Long Điền – Đất Đỏ tiếp tục hăng hái hưởng ứng phong trào chống Pháp. Phong trào kháng chiến chống Pháp do tri phủ địa phương là Nguyễn Thành Ý khởi xướng cũng được đông đảo nhân dân trong vùng hưởng ứng.
Tại Đất Đỏ, sau khi giành chính quyền, lực lượng thanh niên tiền phong là đạo quân xung kích, trở về từng làng, bắt bọn hương lý phải nộp hết con dấu, sổ sách cho nhân dân. Cách mạng tháng tám 1945 đã đưa nhân dân Đất Đỏ từ người dân nô lệ hàng trăm năm trở thành người dân tự do. Cách mạng tháng tám 1945 là niềm tự hào, là thành quả cách mạng trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Đất Đỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1954 hiệp định Giơnevơ được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

4/ Truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê Nin, xây dựng chi bộ Đảng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành chính quền ở Đất Đỏ (1930 – 1945):
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối hơn hai phần ba thế kỷ từ khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược.
Phong trào cách mạng của nhân dân Đất Đỏ từ đây có bước phát triển mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và trở thành trung tâm của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh.

5/ Đảng bộ và nhân dân huyện Đất Đỏ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975)
Tuy nhiên, hiệp định Giơnevơ ký kết chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã lộ rõ bộ mặt xâm lược nhằm độc chiếm miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á.
Cuối cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Đất Đỏ nói riêng và của cả nước nói chung đã toàn thắng sau hơn 30 năm đấu tranh kiên cường, gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức hào hùng với biết bao chiến công chói ngời, với biết bao gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Đến nay, huyện Đất Đỏ có 125 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng danh hiệu; 1630 liệt sĩ, trong đó có 06 Anh hùng lực lượng vũ trang, gồm các đồng chí: Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Đẹp, Nguyễn Thị Hoa, Châu Văn Biếc, Tạ Văn Sáu, Nguyễn Hùng Mạnh; nhà cách mạng Dương Bạch Mai – đại biểu Quốc hội khóa II.

6/ Khôi phục và phát triển kinh tế xã hội:
Sau khi được giải phóng, chính quyền cách mạng ở 02 huyện Long Điền, Đất Đỏ và các xã, ấp đã được hình thành và đi vào hoạt động. Năm 1979 Long Đất cơ bản hoàn thành việc chuyển các cơ sở tư bản tư doanh trong các ngành: Công nghiệp, Thương nghiệp, vận tải, xây dựng và dịch vụ. Nền kinh tế của huyện bước đầu phát triển theo mô hình kinh tế tập trung chung của cả nước.
Kết thúc kế hoạch 5 năm (1976 – 1980), cùng với cả nước, Long Đất đã đạt được một số thành tựu rất quan trọng, hệ thống chính trị vững mạnh, kinh tế được khôi phục, sản xuất đi vào ổn định, đời sông nhân dân yên ổn.
Ngày 02/01/2004 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã họp bàn việc triển khai thực hiện Nghị định 152 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành công tác tổ chức bộ máy và cán bộ ở hai huyện Đất Đỏ và Long Điền, được tách ra từ huyện Long Đất. Ngày 09/01/2004 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu ra Quyết định số 440/QĐ-TU về việc thành lập Đảng bộ huyện Đất Đỏ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Đất Đỏ.
Ngày 20/02/2004, Ban Chấp hành Huyện ủy họp xác định thế mạnh và cơ cấu kinh tế của huyện là nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.
Tuy là huyện mới thành lập, cơ sở hạ tầng và các thiết chế kinh tế, văn hóa, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là Đảng bộ huyện Đất Đỏ, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân huyện Đất Đỏ đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết phát huy những tiềm năng thế mạnh về địa lý tự nhiên, các nguồn nhân lực, thực hiện phương châm xã hội hóa và kết hợp “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, phát triển hạ tầng và cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân.
Đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch. Trong thời gian tới một số dự án lớn sẽ được triển khai trên địa bàn huyện, trong đó: 39 dự án đầu tư về du lịch. Bên cạnh đó, huyện có những khu du lịch sinh thái đang hoạt động như: Khu du lịch sinh thái Đảo Lộc An, diện tích 06 ha; Khu du lịch Thùy Dương, diện tích 06 ha; Khu du lịch Bến Thành – Long Hải, diện tích 12,64 ha…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây