Giới thiệu khái quát huyện Gio Linh
Gio linh nằm trên tọa độ địa lý từ 1609′ đến 170 vĩ độ Bắc và 106052′ đến 107010′ độ kinh Đông, được giới hạn bỡi ranh giới hành chính như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Vĩnh Linh
- Phía Nam giáp huyện Triệu Phong, Cam Lộ và thành phố Đông Hà.
- Phía Đông giáp Biển Đông.
- Phía Tây giáp huyện Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hóa.
- Diện tích đất tự nhiên: 47.289,56ha.
Là một huyện có địa hình bán sơn địa nghiêng từ Tây sang Đông, phía tây là đồi núi có diện tích 31.773,75 ha (67,18%), ở giữa là đồng bằng có diện tích 12.631,01 ha(26,7%) và phía Đông là bãi cát và cồn cát ven biển với diện tích 2.893,8ha (6,12%).
Nhìn vào bản đồ hành chính tỉnh Quảng Trị, Gio Linh là huyện có vị trí khá độc đáo, có ranh giới gắn liền với 7 huyện, đó là huyện đảo Cồn Cỏ, Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Gio linh cũng là huyện nằm giữa hai dòng sông từng đi vào lịch sử, sông Bến Hải và Thạch Hãn gắn với hai Hiệp định quan trọng của đất nước (Giơ ne vơ – 1954, và Pari – 1973). Và nếu Quảng Trị có hai cửa biển mang tên Cửa Việt, Cửa Tùng thì Gio Linh từ bao đời nay là mảnh đất nằm giữa hai cửa biển ấy. Từ đây Gio Linh định hình để hướng ra biển lớn, Gio Linh định hình để phát triển kinh tế xã hội từ vàng trắng là những vườn cao su ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, từ lợi thế trên trục đường Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh phía tây, đường xuyên Á khởi đầu từ cảng Cửa Việt, đường ven biển nối Vĩnh Linh đất thép và nối vựa lúa Triệu Phong bằng những cây cầu vĩnh cửu Cửa Việt – Cửa Tùng mà không huyện nào có được.
Nếu Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, có núi có rừng, có sông có biển đảo, có đường thiên lý bắc nam, là điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh non sông hai đầu đất nước thì Gio Linh là hình ảnh thu nhỏ của Quảng Trị, là nơi điểm tỳ kẻo kẹt bên bờ Nam vỹ tuyến 17. Nơi đây tụ hội những gì thiêng liêng và anh dũng nhất. Đó là nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nơi an nghỉ vĩnh hằng của bao anh hùng liệt sỹ từ mọi miền quê đất nước. Đó là bờ Nam sông Bến Hải, biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, có hàng rào điện tử McNamara đã không tồn tại trên vành đai trắng.
Nếu như Quảng Trị là khúc ruột miền Trung, nằm gọn giữa lòng hai miền Nam – Bắc của nước Việt Nam thì Gio Linh là mảnh đất nằm giữa lòng Quảng Trị. Gio Linh luôn gắn với những kỳ tích, câu chuyện, giai điệu lời ca đi cùng năm tháng. Cũng chưa thật xa bởi đâu đây trong cuộc sống hối hả này vẫn còn ngân vang một “Câu hò bên bến Hiền Lương” khúc ca mừng chiến thắng “Tin thắng trận từ Gio An vọng tới, đàn ta lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng…”.Nếu Quảng Trị là bảo tàng, là phim trường sống động nhất cho những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, thì đất và người Gio Linh luôn cho chúng ta những chất liệu quý giá để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật, báo chí, văn học. Thật vậy, trong những thước phim tài liệu thời chiến, vẫn còn đó những cô du kích trong: “Những cô gái C2 vùng giải phóng”, “Gio Linh ngày đầu giải phóng” của Điện ảnh Quân đội, trong đó ta bắt gặp hình ảnh O nữ du kích bắn tỉa trên hàng rào điện tử Hoàng Thị Chẩm, quê xã Trung Hải. Với O Chẩm, vinh dự nhất là sáng ngày 1 tháng 4 năm 1972 ở tuổi vừa tròn 21, O là người cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy của địch ở căn cứ Dốc Miếu, O Chẩm được nhận 9 danh hiệu dũng sỹ các loại. Là nữ du kích Nguyễn Thị Thủy ở xã Gio Mỹ với 5 lần được tặng thưởng danh hiệu dũng sỹ, những ngày đầu Gio Linh hoàn toàn giải phóng, nữ du kích Nguyễn Thị Thủy với chiếc mũ tai bèo đã có mặt khắp nơi để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhanh chóng ổn định sản xuất đời sống. Thật cơ duyên, trong bút ký Đánh giặc trên hàng rào điện tử của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chúng ta lại gặp đôi vợ chồng dũng sỹ Quy – Thủy qua mỗi trang viết thấm đẩm chất can trường của người Gio Linh: “Vấn đề của Quy (Dương Bá Quy – chồng chị Nguyễn Thị Thủy)là phải đánh đừng cho nó nối được hai đầu dây lại với nhau, nghĩa là cái hàng rào điện tử ấy đã bị đồng đội của Quy đánh cho nát bét ra kia”.Dương Bá Quy, người hùng của đất Gio Linh chính thức đạt 17 lần dũng sỹ là vậy. Nay trong các chương trình truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta còn bắt gặp những nhân vật, câu chuyện của họ trên sóng VTV, HTV, VTC như là nhân vật giao lưu đặc biệt trong các chương trình truyền hình trực tiếp, nhật ký chiến sỹ trong chương trình Chúng tôi là chiến sỹ, chuyên mục Không thể lãng quên, hay trong các phim tài liệu, phóng sự.
Nếu đồng bào các xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn sinh sống dọc theo bờ Nam sông tuyến thuộc quận Trung Lương cũ của tỉnh Quảng Trị trước những năm 1970, ngày đêm chứng kiến cán bộ, quân và dân ta “ăn cơm bắc đánh giặc nam” vượt tuyến vào vùng địch hậu để thực hiện nhiệm vụ đánh địch ngay trong lòng địch, thì bà con nhân dân xã Gio Mai, Gio Việt có nhiệm vụ nuôi dấu những chiến sỹ hải quân, làm nhiệm vụ đánh tàu Mỹ ở biển Cửa Việt, hay những trận “Bạch Đằng” trên sông Hiếu. Từ những sự kiện lịch sử và những câu chuyện cảm động, để ghi ơn sự mưu trí dũng cảm, cũng như công sức của các mẹ các chị ở các xã Gio Mai, Gio Việt đã có công lớn trong việc bảo vệ các chiến sỹ đặc công nước, ngày 4 tháng 4 năm 2006, chương trình Người đương thời với tên gọi: “Đặc công Hải quân, những huyền thoại sống” được tổ chức ghi hình tại cảng Cửa Việt. Theo nhà báo Tạ Bích Loan, với trên 10 năm phát sóng chương trình Người đương thời, thì đây là chương trình có quy mô hoành tráng nhất, cả về không gian, thời gian và bối cảnh sân khấu. Tuyến nhân vật chính là những Anh hùng, chiến sỹ đặc công Hải quân cùng các mẹ, các chị ở xã Gio Việt, Gio Mai, họ là những người dân bình thường, nhưng khi quân giặc đến họ trở nên phi thường, tìm mọi cách để cưu mang, che dấu các chiến sỹ đặc công Hải quân. .
Cũng vì giữa lòng Quảng Trị, nên chỉ ở miền tây huyện Gio Linh là có sự tồn tại qua thời gian của gần 20 giếng cổ ở xã Gio An, đây là hệ thống giếng cổ độc đáo được xây dựng bằng các phiến đá xếp chồng lên nhau. Quanh năm suốt tháng nguồn nước từ các giếng cổ cung cấp cho các vùng chuyên canh lúa, cây rau liệt (xà lách xoong) của vùng miền tây huyện Gio Linh và cũng là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng cư dân địa phương nơi đây. Trong tương lai gần, việc đưa các hệ thống giếng cổ này vào tour du lịch DMZ (khu vực phi quân sự trong thời kỳ chiến tranh) sẽ gây được hứng thú cho du khách và mở ra triển vọng mới để Gio Linh phát triển mạnh và đều giữa các vùng và lĩnh vực kinh tế.
Mừng quê hương 40 năm hoàn toàn giải phóng, từ hai năm trước huyện Gio Linh phát động phong trào thi đua: “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” đã được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận và triển khai ở hầu khắp các địa phương trong huyện. Từ đây, Gio Linh dựa vào lợi thế của mỗi vùng: rừng, cát, biển để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao mức sống của người dân, nơi mảnh đất một thời mệnh danh là vành đai trắng.
Gio Linh, mảnh đất nhỏ giữa lòng Quảng Trị nhưng những chiến công trong kháng chiến đánh giặc và nổ lực trong dựng xây thì không hề nhỏ. Gio Linh đã cho mỗi nhà báo chúng tôi bao nhiêu chất liệu, vốn sống, câu chuyện, nhân vật của ngày hôm qua và ngày hôm nay để làm nên tác phẩm. Gần đây để phối hợp với VTV thực hiện các tập phim tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị và 40 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, tôi cũng đã hình thành đề cương 5 tập phim tài liệu, trong đó cả 5 tập phim đều liên quan đến bối cảnh, nhân vật, đất và người Gio Linh, đó là những tập: Những dòng sông giới tuyến, Em là du kích, Trận đầu của xe tăng, Hoài niệm chiến trường xưa và Quảng Trị vượt qua gió cát. Với tôi, dẫu chưa thật đầy đử nhưng cũng cảm nhận về Gio Linh – mảnh đất giữa lòng Quảng Trị là vậy.
TĐM