Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Linh

Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Linh - Tỉnh Quảng Trị

Giới thiệu khái quát huyện Vĩnh Linh

Huyện ở phía bắc tỉnh Quảng Trị. Diện tích 626,35 km2. Gồm 3  thị  trấn (Bến Quan, Cửa Tùng, Hồ Xá – huyện lị), 19 xã (Vĩnh Thái, Vĩnh Tú, Vĩnh Trung, Vĩnh Chấp, Vĩnh Nam, Vĩnh Khê, Vĩnh Long, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạch, Vĩnh Lâm. Vĩnh Hiền, Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Thành, Vĩnh Hà, Vĩnh Sơn, Vĩnh Tân, Vĩnh Giang, Vĩnh Ô). Dân số 85.117 người, 23.621 hộ (tháng 4/2009), gồm các dân tộc; Bru – Vân Kiều, Pa Cô, KinhTà Ôi. Địa hình đồi bóc mòn xen thung lũng và bán bình nguyên bazan. Sông Bến Hải. Bờ biển ở phía đông huyện. Trồng lúa, sắn, hồ tiêu, cây ăn quả. Chăn nuôi: lợn, bò, tôm, cá. Đánh bắt hải sản. Chế biến nông sản, hải sản, nước mắm, làm muối. Dịch vụ du lịch. Giao thông: quốc lộ 1A, 15, tỉnh lộ 572, 537, đường sắt Thống Nhất chạy qua. Di tích lịch sử: Cầu Hiền Lương, nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Trước đây là huyện thuộc tỉnh Quảng Trị; từ 11.3.1977, hợp nhất với huyện Gio Linh, Cam Lộ thành huyện Bến Hải, thuộc tỉnh Bình Trị Thiên (1976 – 89); từ 23.3.1990, chia huyện Bến Hải thành 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.

Năm 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chi bộ cộng sản đầu tiên của Vĩnh Linh được thành lập. Ngày 23/8/1945, cùng với Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, quân và dân Vĩnh Linh, Quảng Trị  thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. 

Ngày 30/3/1947, thực dân Pháp trở lại xâm lược Vĩnh Linh. Thực hiện lời kêu gọi trường kì kháng chiến của Chính phủ, năm vạn người dân Vĩnh Linh dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy đã triệt để tản cư, lập làng chiến đấu, xây dựng chiến khu tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh, nhiều địa danh đã đi vào lịch sử: Chiến khu Thủy Ba, làng chiến đấu Vĩnh Hoàng… lập nên nhiều chiến công vang dội như trận Hạ Cờ – Chấp Lễ diệt 300 lính Âu Phi, bắn rơi máy bay, đốt cháy hàng chục xe quân sự Pháp; trận  bức rút đồn Thủy Cần…
Với chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Vĩnh Linh trở thành địa đầu giới tuyến. Ngày 25/8/1954, tên thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương sang bờ Nam. Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng. Và cũng ngày này, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh chọn làm ngày truyền thống của mình. Mười năm hòa bình ngắn ngủi (1954 – 1964) Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh được sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ,  đồng bào cả nước và bằng tất cả sự thông minh, năng động cần cù, Vĩnh Linh đã nhanh chóng đổi thịt thay da. Từ một vùng quê nghèo “ăn cơm bữa diếp” (ba ngày mới có một bữa cơm) trở thành “viên kim cương đầu giới tuyến” như nhà văn Nguyễn Tuân đã ca ngợi.

Ngày 8/2/1965, thất bại trước chiến trường miền Nam, Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Vĩnh Linh bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để đảm bảo cho chiến đấu, 4,5 vạn người dân Vĩnh Linh (người già, trẻ em) được sơ tán ra miền Bắc. Lực lượng còn lại bám trụ quê hương vừa sản xuất, vừa chiến đấu ở cả ba chiến trường (bảo vệ Vĩnh Linh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ, chia lửa với bà con Gio Linh, Cam Lộ). Bảy năm chiến đấu kiên cường chống chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ, quân và dân Vĩnh Linh tiếp tục lập nên nhiều chiến công vang dội, xứng đáng với vị trí lịch sử mà Tổ quốc giao phó.

Ngày 1/1/1967, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Vĩnh Linh – một địa phương tương đương cấp tỉnh đầu tiên của cả nước được Quốc hội và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đến nay toàn huyện có 36 đơn vị, 17 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng Lao động, gần 400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều đơn vị hai lần được tuyên dương anh hùng.  Đặc biệt, quân và dân Vĩnh Linh 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen. Trên mảnh đất Vĩnh Linh lũy thép anh hùng hiện có 68 di tích lịch sử văn hóa được Trung ương, tỉnh xếp hạng và có 3 di tích là địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương, Bến đò B Tùng Luật được xếp hạng đặc biệt cấp quốc gia.

Không những anh hùng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong sản xuất, Vĩnh Linh còn là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa rất đáng tự hào. Là quê hương của nhiều nhà khoa học nổi tiếng, hàng trăm người có học vị tiến sĩ; học hàm giáo sư, phó giáo sư; nhà văn, nhà báo, nghệ  nhân, nghệ sỹ có tên tuổi tiêu biểu như giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Vân, nghệ sĩ nhân dân Châu Loan…

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, Vĩnh Linh chỉ có hai bàn tay trắng và mặt đất nham nhở hố bom. Toàn bộ cơ sở vật chất mà nhân dân Vĩnh Linh gom góp chắt chiu đã bị giặc Mỹ ném bom hủy diệt hoàn toàn. Từ năm 1975- 1985, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh đã nhanh chóng phục hồi nền kinh tế của địa phương để bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Ngày 23/11/2011, Vĩnh Linh đã vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu cao quí Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Để lập nên những chiến công hiển hách, biết bao con em quê hương, đồng chí, đồng bào trong cả nước đã đổ máu xương, mồ hôi trong sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh. Công ơn này, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh luôn ghi nhớ, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây