Giới thiệu khái quát huyện Triệu Phong

Giới thiệu khái quát huyện Triệu Phong - Tỉnh Quảng Trị

Giới thiệu khái quát huyện Triệu Phong

Huyện Triệu Phong nằm phía Đông – Nam Quảng Trị, có toạ độ địa lý 16,48 – 16,54 độ vĩ Bắc; 107,12-108,18 độ kinh Đông, là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A;  Tỉnh lộ 580 nối từ Quốc lộ 1A đến Cảng Cửa Việt; Tỉnh Lộ 581 nối từ QL1A qua Thị xã Quảng Trị đi qua hai xã phía nam Huyện, đến huyện Hải Lăng và đến giáp Thừa Thiên Huế. Diện tích tự nhiên 353,04 km2, bao gồm 18 xã và một thị trấn. Dân số 107.817 người (tính đến 31/12/2009), chiếm khoảng 16,8% dân số của cả tỉnh Quảng Trị. Thị trấn Ái Tử là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội của huyện, cách Thành phố Đông Hà 7 km về phía Nam, Thị xã Quảng Trị 6 km về phía Bắc. Huyện Triệu Phong có vị trí địa lý :
– Phía Bắc giáp với Thành phố Đông Hà và huyện Gio Linh
– Phía Nam giáp với huyện Hải Lăng và Thị xã Quảng Trị
– Phía Tây giáp với huyện Đakrông và huyện Cam Lộ  
– Phía Đông giáp với Biển Đông, với chiều dài bờ biển 18 km.        
Ở vị trí nói trên, Triệu Phong có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa phương trong và ngoài tỉnh thông qua tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây.
Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, mảnh đất này đã diễn ra nhiều sự kiện, nơi hội tụ nổi nhớ niềm thương và máu xương cả nước. Mảnh đất Triệu Phong thân yêu đã để lại biết bao kỳ tích về những tên đất, tên làng trong những năm tháng chiến tranh và trong hoà bình xây dựng.
Triệu Phong còn là nơi sinh ra những người con ưu tú của Đất nước như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, Uỷ viên Bộ Chính trị – Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê, Phó thủ tướng Trần Quỳnh .v.v, đã đóng góp nhiều công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN.
Triệu Phong là nơi thành lập Chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Tỉnh Quảng Trị và cũng là nơi đón tiếp những người tù chính trị được trao trả sau khi hiệp định Pari có hiệu lực. Sau khi Tỉnh Quảng Trị sát nhập với Quảng Bình và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên, huyện Triệu Phong cũng sáp nhập với Huyện Hải Lăng, Thị xã Quảng Trị thành huyện Triệu Hải. Đến ngày 01/5/1990 huyện Triệu Phong được tái lập lại, trở lại với tên gọi thân thương của chính mình.
          Hơn hai mươi năm sau ngày được tái lập, với chí khí quật cường và tinh thần vượt khó vươn lên, Đảng bộ và nhân dân Triệu Phong đã sát cánh bên nhau lao động cần cù, đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế – xã hội , giữ vững quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
          Đặc biệt, trong giai đoạn 2005-2010, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thử thách đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 10,3%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 10,2 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành nông – lâm – thuỷ sản chiếm 53,4%; công nghiệp – xây dựng chiếm 19,6%; thương mại, dịch vụ chiếm 27,0%.
Sản xuất nông – lâm – thuỷ sản tiếp tục phát triển khá toàn diện, tăng bình quân hàng năm 9,8%. Các chương trình đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp chuyên canh, thâm canh được tích cực thực hiện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 45,38 triệu đồng, hệ số sử dụng đất đạt 2,1 lần. Bình quân lương thực đầu người đạt 495 kg. Toàn huyện xây dựng được 724 ha có giá trị kinh tế cao, trồng được 643 ha cao su tiểu điền. Tiềm năng kinh tế vùng gò đồi, vùng cát từng bước được khai thác. Giá trị chăn nuôi tăng bình quân hàng năm 5,2%, chiếm 35,3% trong giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Giá trị ngành lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm 12,9%, công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện tích cực. Ngành thuỷ sản phát triển mạnh, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, giá trị tăng bình quân hàng năm 25,3%. (Ảnh đón nhận Huân Chương LĐ hạng nhất)
Giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 16,4%. Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp được chú trọng. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, rộng khắp, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, giá trị toàn ngành tăng bình quân hàng năm 11%. Các hợp tác xã được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có bước phát triển về số lượng, năng lực và hiệu quả hoạt động. Kinh tế gia trại, trang trại tiếp tục phát triển, khai thác tốt tiềm năng về đất đai, lao động.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường, nhiều công trình quan trọng về giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế được xây dựng. Giá trị ngành xây dựng tăng bình quân hàng năm 8,9%. Thu, chi ngân sách thực hiện theo đúng quy định; thu ngân sách trên địa bàn  bình quân hàng năm tăng 13,5%. Hoạt động ngân hàng, tín dụng tiếp tục phát triển. Hoạt động kinh tế đối ngoại được tăng cường, mở rộng và phát huy hiệu quả.
          Văn hoá – xã hội tiến bộ trên nhiều mặt. Đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, là động lực cho sự phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Văn hoá, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai tích cực, hiệu quả. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Xã hội hoá giáo dục, khuyến học, khuyến tài được chú trọng. Các chương trình khoa học – công nghệ được ứng dụng khá rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Sự nghiệp y tế chuyển biến tích cực, mạng lưới y tế được mở rộng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Tỷ suất sinh giảm còn 11,1%0; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 0,74%; tỷ lệ sinh con thứ 3 còn 28,7%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 17,5%. Công tác chính sách xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32%, qua đào tạo nghề 23,5%, hàng năm đã giải quyết việc làm cho 1.000 – 1.200 lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,6%.
            Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Công tác xây dựng Đảng được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn, củng cố; chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp có sự chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm đạt được kết quả bước đầu. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát huy được vai trò, vị trí của mình, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập trung hướng về cơ sở, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, đoàn viên, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân nên đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Với những kết quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Phong tự hào và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất trong thời kỳ đổi mới. Đồng với tinh thần tiến công cách mạng, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, huyện đã đề ra các mục tiêu, chi tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng giai đoạn 2010-2015 là:

– Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 12-13%, trong đó: Nông – lâm – thủy sản tăng 5-6%; công nghiệp – xây dựng tăng 22-23% (công nghiệp tăng 39-40%, xây dựng tăng 11-12%); thương mại – dịch vụ tăng 15-16%. Cơ cấu kinh tế: Nông – lâm – thuỷ sản 38-39 %; công nghiệp – xây dựng 30-31% (công nghiệp 17-18%, xây dựng 13-14%); thương mại – Dịch vụ 30-31%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24-25 triệu đồng.
– Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm từ 10 – 15%.
– Toàn huyện có 1.500 ha thực hiện theo Nghị quyết số 03 của Huyện uỷ (Khoá XVII) về “Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích”. Trồng mới 700 ha cây cao su tiểu điền. Đưa giá trị chăn nuôi chiếm 42,7% trong giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ zêbu hóa đàn bò đạt 35%.
– Sản lượng khai thác thuỷ hải sản đạt 3.870 tấn. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 1.000 ha, trong đó: Diện tích nuôi tôm 600-700ha. Duy trì diện tích rừng trồng 14.900 ha (Trong đó diện tích rừng sản xuất 11.000 ha).
– Có trên 95% thôn, khu dân cư, đơn vị được công nhận văn hoá; 95% số xã, thị trấn phát động xây dựng và có 5 – 6 xã  được công nhận điển hình văn hóa.
– Xây dựng 20-30% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
– Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; phấn đấu mỗi năm có thêm 01 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học. Phấn đấu có 40% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 55% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (1-2 trường đạt chuẩn mức độ 2); 55% trường THCS đạt chuẩn quốc gia; 1-2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng mỗi bậc học 01 trường trọng điểm chất lượng cao.
– 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ suất sinh giảm 10 – 10,5%0; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên duy trì dưới 0,9%; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống 15%.
          – Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40%; trong đó qua đào tạo nghề 33%; hàng năm tạo việc làm mới cho 1.200 – 1.600 lao động. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2,5-3%; đến năm 2012 hoàn thành việc xoá nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo.
– Có trên 95% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh.
– Duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 42%.
– Hàng năm có 80% trở lên tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, kết nạp từ 120 đảng viên mới trở lên;
– Phấn đấu 100% thôn, khu dân cư đều có tổ chức đảng.
Với truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương,  tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Triệu Phong sẽ tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lơn hơn trong thời gian đến, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, vững bước đi lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tiến trình chung của đất nước.

Tiềm năng và triển vọng

I. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
 Triệu Phong có 3 loại đất chính sau:
– Nhóm đất phù sa được bồi và không được bồi: 10.498 ha, chiếm 30% diện tích tự nhiên (DTTN), do hệ thống sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định bồi đắp, chúng được phân bố ở 12 xã vùng đồng bằng bao gồm: Triệu Thành, Triệu Long, Triệu Đông, Triệu Hòa, Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Phước, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Tài. Đất có thành phần cơ giới thịt nặng, ít chua, hàm lượng đạm, mùn trên tầng mặt ở mức trung bình khá. Hướng sử dụng các loại đất này là trồng các cây lương thực, thực phẩm như lúa, ngô, khoai và các loại cây công nghiệp ngắn ngày.
– Nhóm đất sa phiến thạch: 17.689,32 ha, chiếm 50% DTTN, chủ yếu nằm ở vùng gò đồi, ở phía Tây quốc lộ 1A, bao gồm các xã: Triệu Thượng, Triệu Ái, Triệu Giang. Thành phần cơ bản chủ yếu là vỏ phong hoá mác-ma, ba-giơ trên vỏ phong hoá trầm tích, sa phiến thạch. Khu vực này có thể phát triển trồng trọt hoặc mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi.
– Nhóm đất cát và cồn cát ven biển: 6.904 ha, chiếm 20% DTTN, chủ yếu tập trung ở các xã ven biển như: Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng, Triệu Trạch, Triệu Sơn. Hướng phát triển của vùng này là trồng rừng và trồng một số loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày như: rau, khoai, lạc, đỗ, vừng, dâu, tằm…
2. Tài nguyên rừng
Theo thống kê năm 2009, diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 14.575,2 ha, chiếm 41,3% diện tích đất tự nhiên. Triệu Phong là một trong số huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Diện tích rừng trồng chiếm tỷ lệ lớn (chiếm 95.9% với 13.982 ha). Đáng chú ý là diện tích rừng trồng đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây (từ 13.278 ha năm 2007 lên 13.982 ha năm 2008). Rừng trồng đang được phát triển mạnh ở các xã: Triệu Ái, Triệu Thượng, Triệu Sơn, Triệu An, Triệu Trạch, Triệu Vân, Triệu Lăng với các loại cây chủ yếu là thông, bạch đàn, keo lai. Đây là vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, nhựa thông… phát triển trong thời gian tới.
Rừng tự nhiên, hiện nay đang được huyện đưa vào khoanh nuôi, bảo vệ phục hồi một cách tích cực.
3. Tài nguyên biển và ven biển
Triệu Phong có chiều dài bờ biển 18 km, chạy dọc theo 3 xã Triệu An, Triệu Vân và Triệu Lăng. Vùng biển Quảng Trị nói chung và biển Triệu Lăng nói riêng là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản quý như: Các loại tôm, cua, cá hồng, cá mú, cá thu, cá nục, cá ngừ, mực ống, mực nang…
Tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương là khá lớn, với diện tích đất, mặt nước có khả năng sử dụng nuôi trồng thủy, hải sản lên đến 5.640 ha, có thể nuôi được các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm càng xanh, tôm he chân trắng, cua xanh và một số loại cá là nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến.
Ngoài tiềm năng biển nói trên, Huyện còn có lợi thế so sánh đặc biệt, đó là có cảng Cửa Việt, bãi tắm Triệu Lăng và đặc biệt là có trục đường ven biển nối với các tỉnh miền Trung mở ra những cơ hội phát triển rất lớn về du lịch, kinh tế biển và các ngành dịch vụ khác.
4. Tài nguyên nước
Triệu Phong có hệ thống sông, ngòi, ao, hồ, nguồn nước ngầm khá đa dạng:
Sông ngòi: Hệ thống sông Thạch Hãn với tổng chiều dài 150km đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hệ thống thủy lợi cũng như giao thông vận tải thủy của địa phương, ngoài sông Thạch Hãn còn có sông Vĩnh Định, Vĩnh Phước…Các con sông này ngoài việc cung cấp nước tưới, tiêu cho nông nghiệp, hàng năm lượng phù sa do con sông này bồi đắp đã góp phần bổ sung thêm độ phì nhiêu cho đất góp phần gia tăng năng suất và sản lượng của các giống cây trồng, là những tiềm năng phát triển kinh tế đáng kể của Triệu Phong.
Nguồn nước ao hồ: Trên địa bàn có một số hồ, đập quan trọng có ý nghĩa trữ nước phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống dân sinh đồng thời góp phần cải tạo môi trường như: Đập dâng Nam Thạch Hãn; đập ngăn mặn Việt Yên; hồ Triệu Thượng I, Triệu Thượng II, đập dâng Bà Huyện, hồ Ái Tử…
Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm khá phong phú, chất lượng khá tốt, riêng vùng ven biển nhiều nơi bị nhiễm mặn, một số vùng bị phân hoá.
Với trữ lượng nước mặt và nước ngầm như trên, nguồn nước của Triệu Phong hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện để sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện.
5. Tài nguyên khoáng sản
Theo báo cáo kết quả thực hiện dự án quy hoạch khai thác khoáng sản tỉnh Quảng Trị đến năm 2010 và dự báo đến năm 2020, trên địa bàn huyện Triệu Phong nguồn khoáng sản chủ yếu là khoáng sản thuộc nhóm phi kim loại như:
Silicat: Trữ lượng cấp P² 91 triệu tấn, phân bố chủ yếu tại 2 xã Triệu Vân và Triệu Trạch, có trữ lượng tài nguyên dự tính 90.921.849 tấn, có độ mịn hạt 0,1-1mm, thành phần chủ yếu SiO2 chiếm trên 99%, làm nguyên liệu sản xuất thuỷ tinh dân dụng và kỹ thuật.
Cát, cuội, sỏi, đá khí: Mỏ (cát, cuội, sỏi) phân bố dọc theo khu vực sông Thạch Hãn khu vực các xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thuận. Ngoài ra còn có một số điểm Lập Thạch, Trà Liên Đông chưa được tìm kiếm đánh giá. Mỏ đá Thượng Phước, mỏ khí CO2 ở Triệu Đại cũng là một trong những tài nguyên rất có giá trị của Triệu Phong.
Sét gạch ngói: Trữ lượng nhỏ, phân bố rãi rác (các mỏ Nhan Biều dự tính là 5,41 m3, Triệu Đại được đánh giá là có triển vọng).
Ngoài ra, theo nhận định của đoàn khảo sát địa chất thì điểm Titan (ziricon) Nam Cửa Việt tuy chưa được đánh giá nhưng trên cơ sở phân tích đặc điểm của vùng các chuyên gia cho rằng là điểm Titan có triển vọng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện có trữ lượng không lớn, song đó cũng là cơ sở quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu xây dựng tại huyện và cả tỉnh Quảng Trị.
II. Tiềm năng du lịch
Là một huyện có địa hình đa dạng, vừa có gò đồi, có sông, có đồng, có biển; có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh đẹp, Triệu Phong có sức hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tài nguyên du lịch tự nhiên: Triệu Phong có một số cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác phục vụ du lịch như bãi tắm Triệu Lăng; Cửa Việt; hồ Ái Tử…Trong đó Cửa Việt, với việc hoàn thành cải tạo, nâng cấp thành một cảng lớn của tỉnh và khu vực vào năm 2010, nơi đây dự báo sẽ là điểm nhấn quan trọng của huyện trong việc thu hút đầu tư và du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn: Triệu Phong là vùng đất có tiềm năng du lịch nhân văn khá phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Chùa Sắc Tứ, Dinh Trà Bát, Đình Bích La Đông, khu di tích nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nhà tưởng niệm Cố Thủ Tướng Trần Hữu Dực và các lễ hội dân gian khác.
Triệu Phong từ xa xưa đã nổi danh là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là quê hương của của các vị lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Phó Thử Tướng Chính Phủ Trần Hữu Dực, cố Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Đoàn Khuê. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Triệu Phong đã đóng góp sức người, sức của cho chiến thắng chung của dân tộc.
Lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng, bản chất tốt đẹp của con người Triệu Phong chính là nguồn tài nguyên nhân văn vô giá để huyện có điều kiện để phát triển mạnh về kinh tế – xã hội và văn hoá trong giai đoạn tới.
III. Nguồn nhân lực
Tiềm năng, số lượng lao động: Huyện Triệu Phong có nguồn nhân lực tương đối dồi dào đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn huyện trong tương lai. Theo thống kê năm 2009 dân số trong độ tuổi của Huyện tiếp tục tăng đạt 59.348 người và chiếm 54,5% tổng dân số.
Theo dự báo đến năm 2015, dân số trong độ tuổi lao động sẽ là 65.934 người, chiếm 56,4% dân số, sẽ có khoảng 64.031 người tham gia làm việc trong tất cả các ngành kinh tế, trong đó khối nông nghiệp sẽ thu hút 45.171 người tương đương với 68,5% tổng số người tham gia làm việc trong các ngành kinh tế; Khối phi nông nghiệp sẽ có khoảng 18.860 người tương ứng với 31,5% tổng số lao động đang làm việc.
Triệu Phong nằm gần thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là những nơi đang phát triển công nghiệp rất mạnh, như vậy trong tương lai, hướng phát triển chủ yếu của Triệu Phong là dịch vụ, bởi vậy nên lao động trong khu vực này sẽ tăng lên nhanh chóng. Đó sẽ là một trong những nhân tố rất quan trọng để Huyện đạt được mục tiêu phát triển giai đoạn 2020 và xa hơn. 
IV. HIỆN TRẠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG
Mạng lưới giao thông đường bộ được đầu tư xây phát triển khá đồng bộ gồm quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị, đường giao thông nông thôn và đường chuyên dùng với tổng chiều dài 284 km.
* Quốc lộ: Trên địa bàn Triệu Phong có tuyến quốc lộ 1A đi qua với tổng chiều dài 7,4 km, đây là các tuyến giao thông quan trọng của huyện. Tuyến đường này đã được đầu tư nâng cấp trải nhựa chất lượng khá.
* Đường tỉnh lộ. Trên địa bàn huyện có 03 tuyến, tuyến đường 64, đường 68 và tỉnh lộ Ái Tử – Trừ Lấu có tổng chiều dài là 39,2 km. Các tuyến đường tỉnh cùng phối hợp với hệ thống quốc lộ tạo thành các trục giao thông Bắc – Nam và trục ngang Đông-Tây thuận tiện trong việc lưu thông hàng hoá, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quốc phòng – an ninh trên địa bàn.
* Tuyến đường quốc phòng ven biển dài 18 km
* Giao thông nông thôn (gồm đường huyện, đường xã, thôn bản)
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số chiều dài các tuyến đường huyện, xã, thôn, đô thị của Triệu Phong là 1372,3 km. Trong đó, đường huyện là 179 km; Đường liên thôn 227,3 km; Đường đô thị là 41,6 km; Đường thôn 600 km. Một số tuyến đường như: đường về xã Triệu Thuận, Triệu Thượng; đường Đại Độ – Thuận Phước; Cầu Cửa Việt, cầu Bắc Phước; cầu Đại Lộc; Đường sau nghĩa trang liệt sỹ huyện vào nhà máy gạch Tuy Nen, đường T19 và hệ thống đường liên thôn, liên xã đã và đang được tập trung đầu tư nâng cấp sửa chữa
Trên địa bàn Huyện có hệ thống sông bao gồm sông chính là sông Thạch Hãn và các nhánh sống Hiếu, sông Vĩnh Phước, sông Nhùng và sông Rào Quán với tổng chiều dài là 150 km.
Hiện nay Triệu Phong đã đưa vào khai thác 03 tuyến đò. Riêng tuyến Cửa Việt – Đông Hà dài 14 km dùng để vận tải hàng hóa và hành khách và một số tuyến đường sông khác với tổng chiều dài khai thác là 50 km.
* Hệ thống cầu, cảng sông, biển
Mạng lưới giao thông đường thủy của Triệu Phong khá thuận lợi trong việc giao lưu với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Trên địa bàn Huyện có một số cây cầu lớn như là cầu qua sông Thạch Hãn, Lai Phước, cầu Sãi, cầu Rì Rì, cầu Cửa Việt. Trong đó đáng chú ý là hai cây cầu qua sông Thạch Hãn và cầu Lai Phước. Đây là hai cây cầu nối liền giữa Thành phố Đông Hà và các Huyện lân cận với Triệu Phong hiện đang được đầu tư xây mới, khi hoàn thành chúng sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
 Bưu chính, viễn thông:
 Bưu chính: Đến nay toàn huyện có 6 bưu cục hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của nhân dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Huyện. Hệ thống chuyển phát các dịch vụ bưu chính đã đến được tất cả các xã trong Huyện.
Viễn thông: Với sự tham gia của 3 hãng điện thoại lớn là Vinaphone, Mobifone, Viettel… phạm vi phủ sóng điện thoại đã được mở rộng ra toàn địa bàn huyện. Chất lượng phục vụ của các hãng điện thoại ngày một tốt hơn. Năm 2009, toàn huyện có 8.790 máy điện thoại cố định đạt mật độ 8,0 máy/100 dân; 750 thuê bao di động trả sau, 725 thuê bao Internet.   
Mạng bưu chính viễn thông những năm gần đây đã được đầu tư phát triển khá nhanh, tiếp cận với các công nghệ mới đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng với chất lượng cao của các ngành kinh tế và dân cư.
 Hệ thống cấp điện:
Triệu Phong được cấp điện từ hệ thống lưới điện quốc gia qua 86 trạm biến áp với tổng dung lượng là 8400 KV
Mạng lưới phân phối điện được xây dựng khá đồng bộ gồm:
– Lưới điện 35 KV dài 20 km.
– Lưới điện  10- 22 KV dài 120 km.
Trên cơ sở những điều kiện như trên có thể nói rằng Triệu Phong có vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm trên trục giao thông Bắc – Nam và là điểm nối giữa vùng Bắc Bộ với Nam Trung Bộ và Nam Bộ, đồng thời là một trong những cửa ngõ ra biển chủ yếu của các tỉnh nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Triệu Phong cũng là Huyện có vị trí tiếp giáp với trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh (Thành phố Đông Hà) với Thị xã Quảng Trị về phía Nam, với khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tại địa bàn các xã: Triệu An, Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Lăng, Triệu Sơn có diện tích 89,33 ha, cách Huế (trung tâm kinh tế lớn của vùng 65 Km).
Đây là lợi thế lớn để Triệu Phong phát triển sản xuất hàng hoá mở rộng giao thương với các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.
 Tài nguyên tự nhiên tương đối phong phú, đa dạng (đất, rừng, biển, khoáng sản, thủy sản, du lịch tự nhiên và nhân văn…) tạo cho Huyện những lợi thế so sánh rõ rệt so với các địa phương trong Tỉnh, vùng về phương diện phát triển kinh tế, nhất là sản xuất và chế biến nông – lâm – thủy hải sản, du lịch, khai khoáng, vận tải biển, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh tế tổng hợp…
Nguồn lao động dồi dào, người lao động cần cù, chịu khó, sáng tạo, sẵn sàng sử dụng hết thời gian nhàn rỗi vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất là một lợi thế so sánh rất quan trọng của huyện so với các địa phương trong tỉnh, vùng. Đây là một tiền đề quan trọng để huyện có thể tiến nhanh trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong tương lai.
 Là địa phương được hưởng lợi từ những chính sách của cả hai Nghị Quyết 37/NQ-TW và 39/NQ-TW của Bộ Chính trị. Triệu Phong có điều kiện thu hút nguồn hỗ trợ đầu tư lớn của Trung ương để phát triển kết cấu hạ tầng và xắp xếp dân cư, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn.
Quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước đã và đang tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế cả nước nói chung và cho mỗi địa phương nói riêng, trong đó có huyện Triệu Phong. Sự tăng trưởng khá và tương đối ổn định của nền kinh tế huyện trong những năm qua cũng như kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đã và đang đầu tư phát triển đã tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới.

Mảnh đất con người

I.QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH:
          Mảnh đất Triệu Phong chính thức thuộc về bản đồ nước Đại Việt từ năm 1306, lúc hai châu Ô – Rý được vua Chăm pa là Chế Mân làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân – con gái vua Trần Nhân Tông. Từ năm đó về trước, sử cổ chỉ cho biết mảnh đất này là một phần của Bộ Việt Thường – một trong 15 Bộ của nước Văn Lang đời các Vua Hùng. Sau năm 207 (trước Công nguyên) là một phần của Huyện Tỳ Cành, Quận Nhật Nam thời Bắc thuộc. Giữa thế kỷ 4 lúc Vua Chăm pa là Phạm Văn đánh đuổi quân Hán ra khỏi Đèo Ngang, trở thành một phần đất của Châu Ô, thuộc Vương Quốc Chăm pa.
          Sau khi tiếp quản, nhà Trần cho di dân từ phía Bắc vào, mở đầu quá trình hình thành làng xã và thành lập đơn vị hành chính. Quá trình dời dân diễn ra 3 đợt chính:
+ Đợt thứ nhất từ năm 1307. Trong đợt di dân này,số dân và số làng chưa nhiều. Theo sách minh chí của Trung Quốc, đến giưa thập kỷ thứ 2 thế kỷ 15 (tức hơn một thế kỷ sau) cả hai Châu Thuận và Hoá mới chỉ có 79 làng với 1470 nhà và 5662 khẩu.
+ Đợt thứ hai vào những năm đầu đời Lê Thánh Tông, là một đợt khá lớn. Theo sách “Thiên Nam dư hạ tập” viết năm 1483 thì riêng huyện Võ Xương đã có đến 53 làng. Năm 1553 sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An ghi số làng 59. Lúc này các làng ở vùng đồng bằng đã khá nhiều, vùng trung du ít hơn, và dọc bãi cát chỉ có người ở, chưa hình thành làng xã.
+ Đợt thứ ba bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá (1558) trở đi. Đây là đợt di dân lớn nhất. Hai thế kỷ sau, năm 1776, sách “Phủ Biên tạp lục” đã cho biết huyện Đăng Xương gồm có 5 tổng, 107 xã, 29 phường, 7 giáp (huyện Đăng Xương lúc đó còn bao gồm cả tổng An Phúc, huyện Hải Lăng và tổng An Lạc của huyện Cam Lộ, còn tổng Hoa La và tổng An Dã thuộc huyện Hải Lăng).
Từ đây, việc di dân, lập làng chỉ còn diễn ra trong phạm vi nội bộ tỉnh và huyện (Số làng sau cách mạng tháng 8/1945 chỉ nhiều hơn số làng của năm 1776 là 23, trong đó tăng nhiều nhất là ở vùng Trung du, miền núi (Tổng An Đôn)).
          Song song với  quá trình di dân, lập làng đã diễn ra quá trình hình thành đơn vị hành chính.
          Năm 1307, nhà Trần đổi tên Châu Ô thành Châu Thuận, đặt lỵ sở tại vùng Vệ Nghĩa ( xã Triệu Long bây giờ). Về hành chính, nhà Trần chia Châu Thuận thành 4 huyện. Đất Triệu Phong hiện giờ là huyện Hoa Lãng ( nghĩa là đẹp và rộng thoáng). Năm 1469, vua Lê Thánh Tôn định lại bản đồ đất nước, đổi tên Hoa Lãng thành Võ Xương thuộc phủ Triệu Phong (Phủ Triệu Phong lúc này gồm 6 huyện từ Cửa Việt vào Điện Bàn (Quảng Nam – Đà Nẳng). Năm 1801 đặt dinh Quảng Trị, phủ Triệu Phong thuộc dinh, lãnh 3 huyện Đăng Xương, Hải Lăng, Minh Linh. Năm 1830 đặt chức tri phủ kiêm luôn huyện Minh Lương, 2 huyện Đăng Xương, Hải Lăng chỉ thống hạt. Năm 1836 phủ chuyển vào kiêm thay luôn Đăng Xương thống hạt 3 huyện ( Minh Lương chia thành Minh Linh và Địa Linh). Đời Duy Tân, phủ chỉ là một huyện lớn không còn thống hạt) . Năm 1604 Nguyễn Hoàng đổi thành huyện Đăng Xương, song phần đất của huyện Đăng Xương thời ấy khác với bây giờ. Tình trạng đó tồn tại mãi đến đời Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định mới dần dần điều chỉnh lại thành mảnh đất như hiện nay (Quá trình điều chỉnh địa phận như sau: năm 1836: cắt tổng An Lạc về huyện Địa Linh ( Gio Linh). Cắt tổng An Nhơn và 3 thôn Phương Long, Phú Hải, Thuận Đầu (thuộc tổng An Lưu) về huyện Hải Lăng. Cắt tổng An Dã và 2 làng Tam Hữu, Anh Hoa ( Anh Kiệt thuộc tổng An Thái và phần lớn tổng Hoa La trừ các làng Thạch Hãn, Tý Lễ (Quy Thiện, Long Hưng, Tích Tường, Như Lệ nhập về huyện Đăng Xương). Năm 1842: Cắt 4 thôn Phường Thiết, Tràng Thượng, Hoà Đức, Nội Đức của tổng An Đôn nhập về huyện Thành Hoá ( nay là Cam Lộ). Năm 1867, cắt các làng Đông Lai, Thượng Nghĩa, Đông Hà, Tây Trì thuộc tổng An Đôn về huyện Thành Hoá, đồng thời các làng Hà Xá, Trung Chỉ, Điếu Ngao, Lộc Yên từ Thành Hoá về huyện Đăng Xương. Năm 1920 chuyển các thôn Duy Phiên, Thanh Xuân, Xuân Thành từ huyện Gio Linh về phủ Triệu Phong). Năm 1844 do trùng với tên huý nhà Vua nên đổi Đăng Xương thành Thuận Xương. Khoảng 1918-1919 đời Khải Định, qua cải cách hành chính, phủ chỉ là huyện lớn không kiêm lý huyện và Thuận Xương trở thành phủ, lấy tên là phủ Triệu Phong, gồm 5 tổng (An Đôn, Bích La, An Dã, An Cư và An Lưu).
          Sau cách mạng tháng 8 – 1945 chính quyền cách mạng bỏ đơn vị tổng lập thành xã gồm một số làng (tháng 10 -1946 toàn huyện có 14 xã), bỏ đơn vị phủ thành huyện. Năm 1950, thực hiện chủ trương của tỉnh từ 14 xã đã hợp nhất thành 10 xã lớn. Năm 1956, chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam đã chia Triệu Phong thành 18 xã thuộc 3 quận hành chính khác nhau là Triệu Phong, Đông Hà và Ba Lòng.
          Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của TW, 1977 Triệu Phong hợp nhất với Hải Lăng thành huyện Triệu Hải. Năm 1978 cắt hai xã Triệu Lương, Triệu Lễ chuyển qua Thị xã Đông Hà. Năm 1990, huyện Triệu Hải được tách thành hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, huyện Triệu Phong gồm 22 xã, thị trấn. Đến năm 1997, cắt 3 xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Hải Phúc về huyện Đakrong, huyện Triệu Phong còn lại 18 xã và 01 thị trấn.
II. TÍNH CÁCH CON NGƯỜI:
          Dân số Triệu Phong hiện có 108.657 người (theo số liệu thống kê năm 2009), sống tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và ven biển. Phần lớn có nguồn gốc từ Bắc Trung Bộ di cư vào (Các gia phả của dòng học còn lưu lại đã chứng minh phần lớn nguồn gốc của người kinh ở Triệu Phong là từ Thanh – Nghệ – Tĩnh di cư vào trong thời gian từ 1306 đến cuối thế kỷ thứ 16).
          Hơn 20 thế hệ cùng chung lưng đấu cật để tạo dựng cuộc sống trên mảnh đất Triệu Phong, họ đoàn kết, hoà hợp nhau, thích nghi với hoàn cảnh, cùng nhau phát huy tinh thần lao động, cần cù, sáng tạo, đấu tranh để giành lấy cuộc sống hạnh phúc.
Thiên tai khắc nghiệt thì tìm mọi cách, làm mọi việc để hạn chế thiệt hại, vận dụng lợi thế sông nước, đào kênh vét hói để chống úng, chống hạn. Đất hoang trống thì khai phá, đất cằn cỏi thì chăm bón thành phì nhiêu. Cát lấn, họ đắp đập ngăn, biển dâng thì xây bể chắn. Để kịp thời vụ họ thức khuya dậy sớm, luồn lách giữa nắng cháy, gió rét mưa dầm.
          Về nhân họa, con người thường xuyên đối mặt với nạn thuế, nặng sưu cao, nạn quan lại tham nhũng, nạn cường hào áp bức, bốc lột, nạn bắt lính, bắt phu, nạn hương ẩm và bao chiếm ruộng công khiến bao nhieu công lao của người nông dân bỏ ra trở thành công uổng. Đứng trước những tai họa đó, nhân dân đã kiên quyết giữ vững tinh thần đoàn kết đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Khi đất nước bị nạn ngoại xâm, họ gác lại quyền lợi riêng, chung lòng chiền đấu, không ngại gian khó, hy sinh. Cuộc sống đã dạy họ không phải chỉ có đấu tranh mà còn phai biết mỡ rộng trí óc, tầm mắt để vô hiệu hóa chính sách ngu dân của mọi bè lũ thống trị.
          Những câu hát lời ca dân dã, những câu đối khắc chạm ở các đình làng, các nhà thờ họ vừa nói lên quyết tâm bảo vệ đất nước quê hương, vừa không quên nhắc nhỡ con em giữ gìn thuần phong mỹ tục, tiếp nối cha ông xây dựng danh giá của xóm làng, dòng họ.
Cuộc sống 7 thế kỷ qua đã hun đúc cho con người Triệu Phong những đúc tính quý báu. Đó là sự bền bỉ dẻo dai, chịu thương chịu khó đến quên mình, sống kiên nghị, dũng cảm nhưng rất mực nhân hậu, thủy chung. Bộc trực thẳng thắn nhưng lại hiền lành chất phát, lạc quan, tự trọng và biết mình biết người, ham học hỏi, trọng nhân nghĩa quý hiền tài.
          Chính nhờ những đức tính đã hóa thành truyền thống ấy, các tiền nhân đã lập nên trên dãi đất này biết bao kỳ tích. Đất đai ngày càng mở rộng, không một tấc hoang hóa, làng xóm ngày một yên ấm, tươi vui hơn. Mỗi tên đất, tên làng, mỗi dòng sông phố chợ đều gắn liền với những sự tích anh hùng, trở thành những di tích lịch sử – văn hóa minh chứng sự trường tồn cho mảnh đất quê hương.
          Chẳng phải ngẩu nhiên chút nào, mới vào đầu thế kỷ 16, huyện đã có người khai khoa giải nguyên đó là Lương Văn Quán, người làng Đạo Đầu; thời nhà Nguyễn trong số 25 vị đại khoa của Tỉnh, Huyện lại chiếm đến 11, trong đó có hai Hoàng Giáp. Hơn thế nữa trí thông minh và tinh thần say sưa học tập của nhân dân Triệu Phong đã thể hiện tập trung qua một số người con trác Việt. Nguyễn Văn Tú, người làng Đại Hào, nay thuộc xã Triệu Đại vào khoảng năm 1730-1773 sau khi đi học 2 năm ở nước ngoài, đã nắm chắc được kỹ thuật chế tạo nên những chiếc kính thiên lý và những chiếc đông hồ kiểu mới đầu tiên của đất nước Việt Nam không chút thua kém phương Tây; Nguyễn Hữu Thận, người làng Đại Hào ( xã Triêu Đại), vào năm 1813, bằng cách tự tìm tòi sách vỡ để nghiên cứu trở thành nhà thiên văn học xuất sắc nhất nước lúc bấy giờ, làm ra lịch âm dương Hiệp kỷ mà hiện nay chúng ta vẫn còn dùng.
          Triệu Phong cũng là mảnh đất đã sản sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc nhiều nhà lãnh đạo tài ba, của Tỉnh Ủy, Xứ Ủy và Trung ương (Thống kê Bí thư Tỉnh uỷ: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Đoàn Bá Thừa, Hoàng Hửu Chấp, Nguyễn Vức, Hồ Xuân Lưu, Trương Hoàn, Nguyễn Quang Xá, Lê Thị Diệu Muội, Đặng Thí, Nguyễn Cáo, Trương Chí Công). Tiêu biểu là đồng chí Lê Duẩn – Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam- người đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu trang giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Đoàn Khuê – Cố Ủy viên Bộ chính trị; Đồng chí Trần Hữu Dực; Trần Quỳnh Cố Phó Thủ Tương Chính phủ và  nhiều đồng chí đã từng giữ những trọng trách cao cả trong các bộ ngành Trung ương.
          Sự nghiệp bao đời trước để lại không nhỏ, đó là một khối vô lượng vật chất và tinh thần.
          Gia tài đồ sộ ấy không phải chỉ thấm mồ hôi của gần 700 năm xây dựng kinh tế, văn hóa mà còn nhào trộn với máu và nước mắt của hàng chục thế hệ cha ông đã đổ ra để giữ nguyên vẹn từng tấc đất của quê hương xứ sở. Đó là nguồn sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đi tiếp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

DANH MỤC CÁC DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TRIỆU PHONG TÍNH ĐẾN THÁNG 7/2018

     Tổng số di tích được công nhận: 80 di tích. Trong đó: (02 di tích quốc gia đặc biệt; 03 di tích quốc gia; 75 di tích cấp tỉnh).
     *   Phân loại di tích:

  • Di tích lịch sử:                                            69
  • Di tích văn hóa Nghệ thuật:                    01
  • Di tích khảo cổ:                                          04
  • Di tích kiến trúc Nghệ thuật:                    05
  • Di tích lịch sử danh nhân cách mạng :     01
    TT Tên di tích Địa điểm di tích Di tích Số, ngày ra quyết định công nhận di tích Cấp quản lý
    1 Chốt thép Long Quang  Thôn Long Quang,
    Triệu Trạch
    Di tích quốc gia đặc biệt
    (nằm  trong hồ sơ di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972)
    Số 2383/QĐ-TTg 
    ngày 09/12/2013
    UBND huyện
    2 Địa điểm Chốt Ngô Xá Tây Thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung Di tích quốc gia đặc biệt
    (nằm  trong hồ sơ di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972)
    Số 2383/QĐ-TTg 
    ngày 09/12/2013
    UBND 
    huyện
    3 Khu l­­ưu niệm  Tổng Bí Thư  Lê Duẩn  Thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành  Di tích quốc gia Số 3810/ QĐ-BVHTTDL ngày 29/10/2010 UBND tỉnh
    4 Chùa Sắc Tứ Thị trấn Ái Tử Di tích quốc gia 2009/QĐ-BVHTT ngày 15/11/1991 UBND huyện
    5  Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái Triệu Giang, thị trấn Ái Tử Xã Triệu Giang Di tích quốc gia 2328/QĐ-BVHTTDL
    Ngày 20/6/2018
    UBND huyện
    6 Miếu Nghè Phường Sơn Thôn Phường Sơn, xã Triệu Sơn Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    7 Địa điểm Nhà thờ Họ Lê Bá Thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    8 Địa điểm trận chống càn ở thôn Hà La Thôn Hà La, xã Triệu Phước Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    9 Địa điểm Miếu Lôi Chấn Cồn Khoai Thôn Tường Vân, xã Triệu An Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    10 Địa điểm Nhà thờ Họ Đoàn Xã Triệu Lăng Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    11 Địa điểm Đình làng Thôn II Thôn II, xã Triệu Lăng Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    12 Địa điểm Nhà thờ Ngô Xá Đông Xã Triệu Trung Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    13 Địa điểm Chùa Ngô Xá Thôn Ngô Xá, xã Triệu Trung Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    14 Địa điểm Miếu Bà Vệ Nghĩa Thôn Vệ Nghĩa, xã Triệu Long Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    15 Địa điểm Nhà thờ Họ Võ Thôn Đâu Kênh, xã Triệu Long Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    16 Địa điểm Chợ Sãi Thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    17 Đài tưởng niệm Anh hùng Kiều Ngọc Luân Xã Triệu Đông Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    18 Địa điểm Đình Làng Nại Cửu Thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    19 Địa điểm Quận lỵ Triệu Phong Thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    20 Địa điểm Cồn Mụ Bạt Thôn Dương Lê Đông, xã Triệu Thuận Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    21 Địa điểm Bãi sa Gia Độ Thôn Gia Độ, xã Triệu Độ Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    22 Địa điểm Nhà thờ Họ Lê Thôn An Lợi, xã Triệu Độ Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    23 Địa điểm Đình làng An Lợi Thôn An Lợi, xã Triệu Độ Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    24 Địa điểm Đình làng Nhan Biều Thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    25 Địa điểm Ngõ nhà ông Phan Tường

    ( Đền thờ Bác Hồ)

    Thôn Hà Xá, xã Triệu Ái Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    26 Địa điểm nhà ông Nguyễn Ngọc Châu Thôn Đại Hào, xã Triệu Đại Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    27 Địa điểm Nghè Thành Hoàng Thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    28 Địa điểm chiến thắng Tài Lương Thôn Tài Lương, xã Triệu Tài Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    29 Địa điểm Đình làng An Tiêm Làng An Tiêm, xã Triệu Thành Di tích cấp cấp tỉnh Số 2187/2004/QĐ-UBngày  16/7/2004 UBND 
    huyện
    30 Địa điểm ghi dấu trận chống càn Nại Cửu Đội 4, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông Di tích cấp cấp tỉnh Số 2187/QĐ-UB ngày  16/7/2004 UBND xã
    31 Địa điểm nhà ông Bộ Lãnh Thôn 8, xã Triệu Vân Di tích cấp cấp tỉnh Số 2187/QĐ-UB ngày  16/7/2004 UBND xã
    32 Lăng mộ cụ Võ Văn Đường Làng Đâu Kinh,xã Triệu Long Di tích cấp cấp tỉnh Số 2187/QĐ-UB ngày  16/7/2004 UBND xã
    33 Lăng mộ bà Phạm Thị Tôm (Còng) Làng An Mô, xã Triệu Long Di tích cấp cấp tỉnh Số 2187/QĐ-UB ngày  16/7/2004 UBND xã
    34 Quân cảng Cửa Việt Xã Triệu An, huyện Triệu Phong. Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    35 Khu đình, miếu và chợ đình làng Bích La. Xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    36 Chùa Xuân An. Xã Triệu Thư­ợng, huyện Triệu Phong Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    37 Vụ thảm sát làng Bích La Đông năm 1948 Thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông Di tích cấp cấp tỉnh Số 2435/QĐ-UBND ngày 16/12/2010 UBND xã
    38 Địa điểm lưu niệm căn cứ Chợ Cạn Xã Triệu Sơn Di tích cấp cấp tỉnh 2550/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 UBND xã
    39 Địa điểm Lùm Đình Thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    40 Địa điểm trường cấp I, II Triệu Giang Xã Triệu Giang Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    41 Nhà lưu niệm Trần Hữu Dực Thôn Dương Lệ Đông, Triệu Thuận Di tích cấp cấp tỉnh 2630/QĐ- UBND ngày 27/11/2015 UBND xã
    42 Địa điểm Cồn Giàng Bích La Trung ( Tháp chăm Bích La) Thôn Bích La Trung, xã Triệu Đông Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    43 Địa điểm  Cồn Giàng Trà Liên (tháp Chăm Trà Liên) Thôn Trà Liên, xã Triệu Giang Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    44 Địa điểm Cồn Giàng Ngô Xá Tây ( tháp Chăm Ngô Xá) Thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    45 Miếu Trảo Trảo Phu Nhân Thôn Ái Tử, xã Triệu Ái Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    46 Địa điểm nhà bà Nguyễn Thị Gái (Nhà ông Nguyễn Đình Đăng) Thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    47 Địa điểm Cồn Muồng Thôn Lưỡng Kim, xã Triệu Phước Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    48 Địa điểm bến Đò Dương Xuân xã Triệu Phước Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    49 Địa điểm bãi cát thôn 8 Thôn 8, Triệu Vân Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    50 Địa điểm động Ông Do Thôn 8, Triệu Vân Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    51 Địa điểm trường cấp I,II Triệu Vân Thôn 8, Triệu Vân Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    52 Đồi cát thôn 9 Thôn 9, xã Triệu Vân Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    53 Địa điểm Chợ Hà Tây Thôn Hà Tây, xã Triệu An Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    54 Địa điểm đồng muối Tường Vân Thôn Tường Vân, xã Triệu An Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    55 Địa điểm Động Mở Thôn Tường Vân, xã Triệu An Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    56 Địa điểm bãi cát thôn 3 Thôn 3, xã Triệu Lăng Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    57 Địa điểm khu chợ Định Cư Thôn 1, xã Triệu Lăng Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    58 Địa điểm Cồn Hàng Thôn Văn Phong, xã Triệu Sơn Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    59 Địa điểm Rú Bời Lời Thôn Hà My, xã Triệu Hoà Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    60 Địa điểm nhà ông Nguyễn Sơ và Lê Táo
    (Nhà ông Lê Táo)
    Thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hoà Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    61 Địa điểm nhà ông Lương Khoan Xã Triệu Trung Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    62 Địa điểm đàn Âm Hồn Thôn Đạo Đầu Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    63 Địa điểm nhà ông Lê Quang  Sở (Nhà ông Nguyễn Sỏ) Thôn Vệ Nghĩa, xã Triệu Long Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    64 Địa điểm trận chống càn Hà Lộ Thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    65 Địa điểm xóm ngoài Bích La Nam Thôn Bích La Nam, xã Triệu Đông Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    66 Cồn Giàng Dương Lệ
    ( Khu đền tháp chăm Dương Lệ)
    Xã Triệu Thuận Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    67 Địa điểm ngã ba đi Hà Xá Xã Triệu  Ái Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    68 Địa điểm nhà ông Lê Kiếm Thôn Xuân An, xã Triệu Thượng Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    69 Địa điểm Chợ Phong An Thôn Hiệp Khế, xã Triệu  Ái Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    70 Sân bay Ái Tử Thị trấn Ái Tử Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    71 Khu chợ Thuận và Thành Thuận Châu Xã Triệu Đại và xã Triệu Long Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND huyện
    72 Địa điểm Bến đò Phú Liêu Thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    73 Địa điểm vườn nhà ông Nguyễn Huấn Thôn Phú Liêu, xã Triệu Tài Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    74 Địa điểm phía Đông làng An Hưng Thôn An Hưng, xã Triệu Tài Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    75 Khu mã Chiềng An Hưng Thôn An Hưng, xã Triệu Tài Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    76 Địa điểm nhà ông Lê Quang Xuân Thôn Duy Hoà, xã Triệu Hoà Di tích cấp cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    77  Đền thờ và Lăng mộ kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường Thôn An Cư, xã Triệu Phước Di tích cấp tỉnh Số 499/QĐ-UBND
    20/3/2017
    UBND xã
    78 Di tích đồi cây gõ Xã Triệu Ái Di tích cấp tỉnh Số 707/QĐ-UB ngày  12/7/1996 UBND xã
    79 Địa điểm lưu niệm sự kiện chống càn của Tiểu đoàn 814 tháng 6 – 1968 Xã Triệu Vân Di tích cấp tỉnh Số 1737/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 UBND xã
    80 Địa điểm Chùa Cộ Thôn Phước Lễ, xã Triệu Phước Di tích cấp tỉnh 1430/QĐ-UBND ngày 27/6/2018 UBND xã
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây