Giới thiệu khái quát huyện Cam Lộ

Giới thiệu khái quát huyện Cam Lộ

Giới thiệu khái quát huyện Cam Lộ

Vị trí, giới hạn, diện tích: Huyện Cam Lộ nằm ở khu vực giữa của tỉnh Quảng Trị, giới hạn từ 16o41 đến 16o53 vĩ độ Bắc, 106o50 đến 107o06 độ kinh Đông. Phía Bắc giáp huyện Gio Linh; phía Nam giáp huyện Triệu Phong; phía Đông giáp với thị xã Đông Hà; phía Tây giáp huyện Đakrông.

Huyện Cam Lộ có diện tích tự nhiên 367,4 km2, chiếm 8% diện tích tỉnh Quảng Trị. Là cửa ngỏ phía Tây và phía Bắc của thị xã Đông Hà – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Quảng Trị. Địa bàn Cam Lộ nằm trên giao điểm của nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua gồm: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9 – tuyến đường liên Á nối Việt Nam – Lào – Thái Lan và các nước trong khu vực. 
   Cam Lộ hiện có 9 đơn vị hành chính bao gồm: thị trấn Cam Lộ là trung tâm huyện lỵ;  4 xã vùng đồng bằng là Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu và 4 xã miền núi là Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền,Cam Thành. Dòng sông Hiếu và Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh đi ngang qua trung tâm tạo thành trục cơ sở quy tụ dân cư, phát triển kinh tế- xã hội của huyện.
Đặc điểm địa hình, đất đai
Đặc điểm địa hình Cam Lộ mang sắc thái của vùng chuyển tiếp địa hình từ dãy Trường Sơn thấp dần ra biển, độ cao địa hình từ 50 – 400m với 3 tiểu vùng rõ rệt : 
– Vùng núi thấp ở phía Tây – Tây Bắc gồm các xã Cam Thành, Cam Tuyền có địa hình nghiêng về phía Đông, độ dốc lớn, thuận lợi cho trồng cây  lâm nghiệp.
– Vùng gò đồi gồm các xã Cam Chính, Cam Nghĩa mang sắc thái tiểu vùng cao nguyên, đây là vùng đất đỏ bazan thuận lợi cho trồng cây công nghiệp dài ngày.
– Vùng đồng bằng dọc theo hai bờ sông Hiếu thuộc các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ, thích hợp cho phát triển các cây công nghiệp ngắn ngày và cây lương thực.
Thổ nhưỡng Cam Lộ chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng chiếm 84% diện tích; 69,7% diện tích đất tự nhiên, có độ dốc dưới 250; đất tự nhiên có tầng đất dày phù hợp phát triển cây trồng ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế.
 Khí hậu
 Cam Lộ chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu Đông Trường Sơn. Qua phân tích số liệu theo dỏi nhiều năm của Trạm khí tượng Đông Hà, khí hậu Cam Lộ có những đặc trưng sau: Nhiệt độ trung bình 24 – 250C, tháng thấp nhất là 18,90C (tháng 1,2), tháng cao nhất 30,30C (tháng 6,7), biên độ nhiệt độ ngày – đêm 6,5 – 70C. 
Lượng mưa trung bình năm trên địa bàn khá cao: 2400 mm. 80% lượng mưa tập trung vào từ tháng 9 đến tháng 12 với cường độ mưa khá lớn, thời kỳ còn lại lượng mưa không đáng kể. 
 Quảng Trị nói chung và Cam Lộ chịu ảnh hưởng của gió Tây – Nam khô nóng xuất hiện sớm từ tháng 2 và kết thúc muộn vào tháng tháng 9. Bão lụt là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đối với Quảng Trị. Tần suất bão lụt tập trung từ tháng 9 đến tháng 11. Bão thường kèm mưa lớn nên dễ gây ra lũ lụt, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
 Sông ngòi và nguồn nước
Sông Hiếu phát nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy qua các hẽm đá, cát tạo thành một con sông nước ngọt tươi mát, xanh trong. Đây là con sông chính chảy qua địa bàn Cam Lộ cùng 10 phụ lưu như khe Chùa, khe Mài… tạo thành nguồn nước sinh hoạt, phát triển thủy lợi và đánh bắt thủy sản cho nhân dân.
Cam Lộ có các hồ chứa nước như: Đá Mài, Tân Kim, Nghĩa Hy, Đá Lã, Hiếu Nam …có tổng dung tích 6,334 triệu m3, tưới cho trên 1.000 hecta cây trồng. Ở lòng đất, độ sâu từ 6m- 30m có mạch nước ngầm liên thông thuận lợi cho đào giếng, khoan giếng dùng trong sinh hoạt hoặc phục vụ sản xuất.
 Tài nguyên thiên nhiên
 Về khoáng sản: Khoáng sản đáng kể của huyện Cam Lộ  là nguồn vật liệu xây dựng (đá vôi, cát sạn, đất làm gạch ngói).
Đá vôi vùng Tân Lâm, Cam Tuyền có trữ lớn, chất lượng đá khá tốt có thể sử dụng sản xuất ximăng mác cao và chế biến vật liệu xây dựng. 
Mỏ nước khoáng Tân Lâm có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu địa phương. 
Ven sông Hiếu có cát, sạn, sỏi có trữ lượng đáng kể phục vụ cho xây dựng.
–  Tài nguyên thực vật và động vật: Trên 60% diện tích đất huyện Cam Lộ được che phủ bởi thảm rừng nguyên sinh, rừng trồng với nhiều chủng loại thực vật phong phú. 
– Về động vật hoang dã có một số loài chim thú như chồn, nhím, lợn rừng, hoẵng, gà lôi…Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cần được quan tâm bảo vệ tạo môi trường sinh thái, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.

Khái quát về mảnh đất và con người huyện Cam Lộ

Huyện Cam Lộ nằm giữa lòng Quảng Trị thân thương, là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, con đường Xuyên Á từ nước bạn Lào về Cửa Việt.

Ở vị trí nói trên, Cam Lộ có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa bàn trong và ngoài tỉnh, đồng thời có thể tham gia các luồng thương mại quốc gia, quốc tế.
Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, nơi mảnh đất này đầy ắp biết bao sự kiện, bao số phận của con người, nơi hội tụ nổi nhớ niềm thương và máu xương cả nước. Cam Lộ là vùng bán sơn địa, với vị thế núi non, sông suối và tấm lòng son của đồng chí, đồng bào mà đã trở thành phên dậu của nhiều đời biến động giang sơn. Hai lần từng là thủ phủ quốc gia đó là sơn phòng Tân Sở – nơi vua Hàm Nghi dựng cờ, ban Chiếu Cần Vương chống Pháp; thành huyện Cam Lộ – nơi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đặt trụ sở làm việc và đón tiếp các nguyên thủ quốc gia trên thế giới thời chống Mỹ.         
Mảnh đất Cam Lộ thân yêu đã để lại biết bao kỳ tích về những tên đất, tên làng trong những năm tháng chiến tranh và trong hoà bình xây dựng. Ai có dịp làm một cuộc bộ hành lên đỉnh cao 544 (Fuler) để nhìn ngắm quê hương Cam Lộ sau chiến tranh, dọc dài theo hai bên đường 9 là cả một bài ca về sự hồi sinh, đắp đầy mơ ước của những con người vừa thoát ra khỏi đạn bom, trận mạc; từ trên đó, hình dung loạt cứ điểm được xem là “Con mắt thần” của hàng rào điện tử Macnamara. Đồi 241 (Carol), nơi cả trung đoàn bộ binh nguỵ cúi đầu xin hàng quân giải phóng (1972). Hồ Khế, Động Toàn, Đồi Không Tên, Tân Kim, Đá Mài …những địa danh ghi dấu bao chiến tích  thể hiện quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của chiến sĩ và nhân dân Cam Lộ. Những địa danh ấy mãi khắc sâu trong lòng đồng chí, đồng bào cả nước, là nơi luôn lay động tâm hồn của các cựu chiến binh (cả hai phía) hoài niệm về chiến trường xưa, nao nức có được những lần về thăm lại !.
Ngày 11/3/1977, Cam Lộ cùng với Gio Linh, Vĩnh Linh mang tên chung huyện Bến Hải (tỉnh Bình Trị Thiên). Đến ngày 11/9/1981, các xã của huyện Cam Lộ sáp nhập với  thị xã Đông Hà. Ngày 19/10/1991, huyện Cam Lộ được lập lại, trở lại tên gọi chính mình. 
          Hơn mười bảy năm sau ngày được tái lập, với chí khí quật cường của cha anh truyền lại, với tinh thần vượt khó vươn lên, Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ đã sát cánh bên nhau lao động cần cù, đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng – an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

img 06118 - Giới thiệu khái quát huyện Cam Lộ

Cam Lộ là sương ngọt ! Như những giọt sương chắt lọc giữa đất trời, như những mạch ngầm lặng lẽ, cứ thấm mãi, thấm mãi từ nơi đầu núi, đất đai, đồng bãi rồi ra một sông Hiếu xanh trong, ngọt mát, sâu nặng ân tình, đôi bờ lạc ngô xanh thắm, đầu nguồn có con cá bống, cá trơn kho ngon đáo để cho mỗi buổi cơm quê. Đồng đất An – Thanh – Hiếu – Thuỷ với những mùa vàng, những hạt gạo trắng trong nuôi đời khôn lớn. Ngược lên miền đất đỏ Bazan, những cánh rừng cao su xanh ngát, hạt tiêu Cùa nồng ấm, thơm thảo tình đất, tình người.
 Quê hương Cam Lộ tuy còn nghèo nhưng đã chứa đựng những nhân tố, những dáng  vẻ, những hương vị riêng đậm nét khiến kẻ xa quê không thể quên và người ở lại quê cũng không thôi niềm khát khao tìm biết. Nhu cầu ấy đã phần nào được đáp ứng qua nhiều sách báo, nhiều công trình nghiên cứu cả trong chiến tranh lẫn hoà bình, song cũng không đáp ứng được hết. 

Huyện Cam Lộ – Tiềm năng triển vọng và cơ hội đầu tư

Huyện Cam Lộ nằm về phía Tây và phía Bắc của thành phố Đông Hà, là huyện thuộc vùng trung du của tỉnh Quảng Trị. Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Đông Hà 15km về phía Tây.

Cam Lộ có vị trí địa lý thuận lợi cho lưu thông kinh tế, đời sống và phát triển thương mại dịch vụ. Trên địa bàn huyện có các trục đường bộ quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông  nội vùng làm cầu nối giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn.
Huyện có tiềm năng về phát triển nông- lâm nghiệp, thương mại, du lịch và tiểu thủ công nghiệp chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng,…Thời gian qua, kinh tế của huyện đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ngày một tăng lên, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội được tăng cường đáng kể, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước được cải thiện, đời sống nhân dân nâng cao, hạn chế và đẩy lùi đói nghèo.
Dân số và lao động
Dân số trung bình của huyện năm 2010 có 44.640 người, chiếm khoảng 7,4% dân số toàn tỉnh. Tốc độ tăng dân số 5 năm giai đoạn 2006- 2009 là 1,07% (giai đoạn 2001-2005 là 0,98%/năm ).
Mật độ dân số của huyện đạt 128 người/km2 cao hơn mức trung bình cả tỉnh (127 người/km2). 
Hiện số dân trong độ tuổi lao động có 27.534 người, chiếm 61,7% dân số. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế (năm 2010) là 24.904 người. Trong đó:
– Ngành Nông, lâm, thủy sản: 13.348 người chiếm 53,6%.
– Ngành Công nghiệp-Xây dựng: 3.287 người chiếm 13,2%.
– Ngành Thương mại-Dịch vụ: 8.269 người chiếm 33,1%.
Tiềm năng về đất, rừng
Cam Lộ có tổng diện tích đất tự nhiên 34.447,39 ha, trong đó đất nông nghiệp có diện tích lớn nhất là 27.553,48 ha chiếm 80% tổng diện tích đất. Trong diện tích đất nông nghiệp nhóm đất lâm nghiệp chiếm chủ yếu với diện tích 20.322,15 ha bằng 75% đất nông nghiệp. Diện tích đất chưa sử dụng hiện có gần 2.528,22 ha chiếm 7,3% diện tích, trong đó có 503,99 ha diện tích đất bằng chưa sử dụng.
Tiềm năng khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản của Cam Lộ chủ yếu là khoáng sản phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Một số khoáng sản đáng chú ý như sau:
– Đá vôi xi măng: Hiện có nhiều tại 02 mỏ Tân Lâm (Cam Tuyền) với trữ lượng cấp C1=74.389.000 tấn, cấp C2=328.055.000 tấn và mỏ Cam Thành với trữ lượng dự báo cấp P=79.361.000 tấn. Hai mỏ đá này đều được đánh giá có đá vôi chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
– Sét xi măng: Có tại Tân An (Cam Nghĩa), Cùa (Cam Chính) với quy mô khá lớn, đáp ứng chất lượng nguyên liệu sét sản xuất xi măng.
– Bazan phụ gia xi măng: Hiện có một điểm tại Tân Lâm (Cam Nghĩa) được đánh giá có quy mô khá lớn, đây là một trong những nguồn nguyên liệu phụ gia cho sản xuất cần đầu tư, thăm dò, khai thác.
– Quặng sắt: Có 03 điểm tại Tân Mỹ (Cam Thành) trữ lượng cấp P2= 1,06 triệu tấn; Quai Vạc (Cam Hiếu); Cùa (Cam Nghĩa).
– Sét gạch ngói (Cam Hiếu và Cam Thanh): Ngoài ra, trên địa bàn còn một số điểm, mỏ khoáng sản đáng chú ý khác là Đolomit Bản Hiếu (Cam Tuyền) có trữ lượng cấp P2=1,2 triệu m3; cát, cuội sỏi xây dựng (Cam Lộ) trữ lượng cấp C2=186.000 m3; nước khoáng nóng Tân Lâm (Cam Tuyền) thuộc nhóm nước khoáng cacbonic, nhiệt độ 450C; sét gạch ngói (Cam Thanh)…
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng: 
Với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện hiện có khoảng trên 210 ha. Đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Cam Thành (Khu vực Tân Định) với diện tích 10ha, hiện đã có 5 nhà máy đã và đang triển khai xây dựng; cụm công nghiệp Cam Thành (Khu vực Tân Trang) đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đã hoàn thành quy hoạch chi tiết cụm  công nghiệp Cam Tuyền với diện tích 50ha; cụm công nghiệp Cam Hiếu (70ha) và cụm TM – DV tư Sòng (20ha).
(Nội dung quy hoạch kêu gọi đầu tư xem tại mục thông tin quy hoạch)
Bên cạnh đó huyện còn chú trọng vào phát triển ngành nghề TTCN vào các vùng nông thôn, tăng thu nhập từ lĩnh vực phi nông nghiệp, tập trung giải quyết việc làm, ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động và sử dụng nguyên liệu có sẵn của địa phương như: sản xuất vôi hàu ở Phổ Lại (Cam An), giấy gió Cam An, đúc đồng ở Phước Thành (Cam Tuyền); bún gạo ở Cẩm Thạch (Cam An) và các truyền thống khác như: xay xát, gia công sắt, mộc dân dụng, đá lạnh, may mặc, thêu ren, sản xuất blô, và khai thác đá, sỏi sạn các loại…Đó là những cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp huyện trong tương lai và là điều kiện để đạt được mục tiêu kế hoạch đến năm 2020 về phát triển công nghiệp.
Thương mại, dịch vụ, du lịch 
Mạng lưới cơ sở hoạt động thương mại – dịch vụ huyện Cam Lộ chủ yếu là của tư nhân với 1.800 cơ sở. Các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ kinh doanh tổng hợp được phát triển đa dạng, tăng cả số lượng và quy mô đã góp phần tăng giá trị kinh doanh dịch vụ – thương mại.Những năm qua, hoạt động thươngmại, dịch vụ của huyện Cam Lộ đã phát triển với tốc độ khá nhanh nhờ có các chính sách mở và thông thoáng, cùng với công tác chỉnh trang, quy hoạch xây dựng các trung tâm xã, thị trấn được đẩy mạnh, các chợ nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Các hoạt động dịch vụ như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng v.v. không ngừng được mở rộng đến các địa bàn trong huyện. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nên có những chuyển biến tích cực. Vận tải phát triển nhanh cả về số lượng và sản phẩm. Khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng từ 403 nghìn tấn.km năm 2005 lên 3.440 nghìn tấn.km năm 2010; Lượng hành khách luân chuyển tăng từ 17 nghìn người.km lên 1.100 nghìn người.km.
Một số điểm du lịch đã được đầu tư như trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, tiến hành quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kêu gọi đầu tư các điểm di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên như căn cứ Cần Vương Tân Sở,  Hang Dơi, Khe Gió, suối nước nóng Tân Lâm, … để có thể khai thác phục vụ các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi giải trí.
Về Hạ tầng giao thông:
– Quốc lộ. Trên địa bàn huyện có 3 tuyến Quốc lộ chạy qua có tổng chiều
 dài 51km. Trong đó, quốc lộ 1A dài 5km nền rộng 12m, mặt rộng 11m. Quốc lộ 9 qua huyện Cam Lộ gồm 3 nhánh dài 41km: đoạn từ quốc lộ 1A đến Km13 Quốc Lộ 9 dài 10km và đoạn Km5 ÷ Km33 dài 28 km đạt tiêu chuẩn cấp III, nền rộng 12m, mặt rộng 11m. Riêng đoạn qua thị trấn Cam Lộ mặt đường được mở rộng theo tiêu chuẩn đường đô thị rộng 28m. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 8 km được đầu tư xây dựng giai đoạn 2001-2005 đạt tiêu chuẩn cấp IV, nền rộng 9m, mặt rộng 7m. 
– Tỉnh lộ. Đường tỉnh 585 (ĐT11 cũ) có chiều dài 10,8 km. đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, nền rộng 7,5m, mặt 6m bằng bê tông nhựa.– Đường huyện. Đường huyện có 14 tuyến với tổng chiều dài 14,8 km; bề rộng nền đường chủ yếu là 5m, rộng mặt đường 3,5m. Trong đó, đã nhựa hóa và bê tông hóa 5,7 km, đạt 38,5%. 
– Đường xã và giao thông nông thôn. Toàn huyện có 50 tuyến đường xã và liên thôn với tổng chiều dài 149 km. Mạng lưới giao thông nông thôn liên xã, liên thôn từng bước đã được mở rộng và xây dựng mới hoàn chỉnh theo quy hoạch. Trong giai đoạn vừa qua đã kết hợp phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường giao thông đã được bê tông hoá đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tổng chiều dài các tuyến được bê tông và nhựa hoá 52,9 km, đạt 35,5%.Một số ngành nghề, lĩnh vực chủ yếu khuyến khích đầu tư vào địa bàn huyện
– Khai thác và chế biến khoáng sản: Thăm dò và khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn; Nâng công suất các cơ sở khai thác đá lên 700-800 ngàn m3/năm… 
– Sản xuất vật liệu xây dựng: Nâng công suất Nhà máy xi măng hiện có; Đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch tuynen, gạch block, bêtông đúc sẵn, nhà máy phụ gia xi măng, sản xuất bao bì xi măng…
– Chế biến nông sản, thực phẩm: Chế biến mủ cao su, hồ tiêu, sản xuất tinh dầu lạc, thức ăn gia súc…
– Sản xuất chế biến gỗ: Đồ gỗ dân dụng và mộc mỹ nghệ cao cấp; xây dựng nhà máy sản xuất ván ghép thanh…
– Sản xuất sản phẩm kim loại và dịch vụ sửa chữa: Hình thành các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, xe máy, đồ gia dụng, điện tử…; Đầu tư một số nhà máy cán tôn, sản xuất khung thép tiền chế với công suất 500-700 tấn/năm.
– Đầu tư phát triển thương mại – dịch vụ ở trung tâm huyện lỵ, Cụm Thương mại – Dịch vụ Ngã Tư Sòng và đầu tư, khai thác các điểm tham quan, vui chơi giải trí như: Khu du lịch sinh thái Khe Gió, suối nước nóng Tân Lâm, căn cứ Tân Sở, cao điểm 241 …
Chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của huyện:
Giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án theo thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong quan hệ, đề xuất giải quyết, trình duyệt dự án cho các cơ quan có thẩm quyền của Tỉnh.
UBND HUYỆN CAM LỘ CAM KẾT
1. Giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án theo thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong quan hệ, đề xuất giải quyết, trình duyệt dự án cho các cơ quan có thẩm quyền của Tỉnh.
2. Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai cho các dự án. Phối hợp với các nhà đầu tư xúc tiến nhanh chóng công tác đền bù giải tỏa, thu hồi và bàn giao đất cho các nhà đầu tư.
3. Cam kết thực hiện đúng quy định của Pháp luật về đầu tư, kinh doanh,… Hàng quý, UBND Huyện sẽ tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư để lắng nghe và cùng tham gia giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án.
4. Tiếp tục triển khai nhanh các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp – TTCN, dịch vụ, du lịch,… nhất là giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc.
5. Xây dựng trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, thực hiện các dự án hợp tác đào tạo nghề để đào tạo lao động có tay nghề cung ứng nhân lực cho các dự án.
6. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm triển khai thực hiện dự án.

Di tích, địa danh

1. Loại hình văn hóa – khảo cổ
Hang Dơi và hang động lèn Tân Lâm.
Địa điểm: Ở vùng núi Đầu Mầu, thuộc địa phận xã Cam Thành. 
Do hoạt động của Kartis nhiệt đới, mọc dựng những núi đá vôi, dân địa phương gọi là lèn đá với nhiều hang động, mái đá, là nơi cư trú tốt nhất của người nguyên thủy. Hang chính ở Lèn 4 gọi là hang Dơi, cửa hang cao hơn mặt đất khoảng 70 m, rộng 4,67 m, cao từ 8 – 10 m, chiều sâu 17,5 m, có những ngách rộng ăn sâu vào lòng hang, nền hang tương đối bằng phẳng. Ngoài ra còn có một số hang động khác ở lèn 4, lèn 3 và mái đá. Tại đây, tìm được những dấu tích của người nguyên thủy.
Phế tích tháp Chàm Kim Đâu:
Địa điểm: Nằm giữa cánh đồng làng Kim Đâu, xã Cam An, cách thị xã Đông Hà 5 km, cách QL1A hơn 2 km về phía Đông.
Hiện nay, Tháp Chàm đã bị san bằng. Một số di vật để lại như nhiều bệ đá có kích thước khá lớn nằm rãi rác tại khu đất tháp và 3 hiện vật tương đối nguyên vẹn, trong đó có tượng Bò thần Nandin hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Quảng Trị. Tượng Bò được tạo liền một khối với bệ bằng sa thạch dài 0,46m, rộng 0,29m, nằm ở tư thế hai chân trước gập về sau, hai chân sau gập về trước. Tương truyền người Chăm cổ xem bò Nandin là vật cưỡi của Thần Siva và Nữ thần Paravati.
2. Loại hình văn hóa – lịch sử 
Miếu thờ Huyền Trân Công Chúa
Địa điểm: Ở làng Kim đâu, xã Cam An.
Huyền Trân Công Chúa con của Vua Trần Nhân Tông, em của Vua Trần Anh Tông. Để tạo mối giao hảo giữa 2 nước Chàm – Việt, Vua cha bán gã cho Vua Chiêm là Chế Mân (1306) đổi lấy 2 châu Ô – Lý.
Huyền Trân Công chúa – Một nhân vật lịch sử, công lao của bà đã mang lại cho dân tộc Việt một phần đất rộng lớn vùng Thuận Hoá. Người Cam Lộ, Đông Hà nói riêng và Quảng Trị nói chung ngưỡng vọng, tôn thờ bà như một nhân thần trong cỏi thức tâm linh.
Khu đình làng và Chợ Phiên Cam Lộ:
Địa điểm:  Thị trấn Cam Lộ, trên trục đường 15, cách QL9 hơn 1 km về phía Đông – Bắc.
Đình làng và Chợ Phiên là sản phẩm của hình thái sinh hoạt văn hóa và kinh tế của dân cư làng Cam Lộ từ khi vùng đất được định hình và kiến tạo. Đình làng được đặt ở vị trí hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa lý phong thủy: Sau lưng đình là dòng sông Hiếu uốn lượn, nước trong veo chảy nhẹ quanh năm; trước mặt đình là con đường giao thông huyết mạch xe cộ tấp nập ngày đêm; phía xa là các dãy núi bao bọc trùng điệp, sơn thủy hữu tình.
Chợ Phiên nằm trước ngôi Đình làng trên khuôn viên khoảng 1 ha, là một chợ lớn nhất, nhì của Trung bộ trong các thế kỷ  XII – XVII. Do nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa, luồng buôn bán trên bộ dưới thuyền theo tuyến Cửa Việt – Cam Lộ – Ai Lao đã hình thành thị trường nội địa liên kết một cách sầm uất, Chợ Phiên trở thành trung gian giữa cảng Cửa Việt và Dinh Ai Lao. Thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha … vào Cửa Việt lên; thương nhân các bộ lạc: Lạc Hoàn, Vạn Tường, miền Tây Thanh Nghệ từ Trấn Ninh Quy Hợp qua, cửa khẩu Dinh Ai Lao về. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này đã tạo điều kiện hình thành con đường, tiền thân của Quốc lộ 9 ngày nay. Gọi là Chợ Phiên vì chợ nhóm họp theo phiên “kỳ” và được duy trì cho đến nay, mỗi tháng có 6 Phiên gồm các ngày: 3, 8,13,18,23,28 (âm lịch). Trong những ngày Phiên, chợ đông đúc hẳn và được xem như ngày hội của dân trong vùng, dân địa phương hầu như nhà nào cũng có đi chợ trao đổi buôn bán, đôi lúc chỉ là vài nải chuối, mớ rau, bó chè. 
Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi ngược qua chợ Phiên đã tạo nên sự giao lưu văn hóa, thương mại từ rất sớm, tạo cho Cam Lộ có một hương vị riêng đậm nét so với các vùng quê Quảng Trị. 
Chợ Phiên và đình Làng Cam Lộ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đánh dấu những bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Cam Lộ.         
3. Loại hình lịch sử – cách mạng           
Sơn phòng Tân Sở:
Địa điểm: Thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính (vùng Cùa).
Thành Tân Sở được xây dựng từ năm 1883, đến năm 1885 thì cơ bản hoàn thành. Thành được cấu trúc theo hình chữ nhật, dài 548 m, rộng 418 m, tổng diện tích là 22,9 ha. Tân Sở là một công trình thành luỹ dã chiến, ở một vùng kín đáo, biệt lập với đồng bằng và xa trung tâm các sở lỵ, rất thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ kháng chiến. Ba mặt Tây, Nam, Bắc là dãy đồi núi tự nhiên tạo thành một vòng khép kín. Phía Đông hướng ra đồng bằng Hải Lăng, Triệu Phong rất thuận lợi cho việc giao lưu với miền xuôi.
Sau sự kiện binh biến đêm 23/05 Ất Dậu (1885) tại kinh thành Huế, phái chủ chiến tiến hành đánh úp Pháp bị thất bại, vua Hàm Nghi và các quan đại thần của phái chủ chiến kéo ra Tân Sở. 
Ngày 13/07/1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh Pháp. Từ đó Tân Sở trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến của phong trào Cần Vương. Phong trào phát triển kéo dài đến những năm đầu thế kỷ XX.
Tân Sở, nơi ghi dấu một mốc lịch sử vô cùng anh dũng trong giai đoạn chống ngoại xâm. Nơi đây chứng kiến những ngày bi hùng của dân tộc, ghi nhận sự vùng dậy cuối cùng của giai cấp phong kiến quân chủ Việt Nam trong phong trào lãnh đạo dân tộc chống ngoại xâm.
Sau khi Pháp chiếm được Tân Sở, chúng biến Tân Sở chìm vào biển lửa. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ tiếp tục biến nơi đây thành căn cứ quân sự của chúng. Vì vậy Tân Sở bị phá vỡ hoàn toàn.
Mộ Trung Lang Tướng Quân Hoàng Kim Hùng
Địa điểm: Ở làng Vĩnh An, xã Cam Hiếu. 
Mộ được đắp bằng đất có diện tích 15 m2. Ông Hoàng Kim Hùng là một vị Tướng  dưới thời Tây Sơn từ lúc 15 tuổi. Năm 24 tuổi ông được phong Trung Lang Tướng Quân (1788). Ông có hiệu là Hổ Hầu, được Nguyễn Huệ rất yêu mến và trọng dụng. Trong kháng chiến chống Mãn Thanh ông chỉ huy một cánh quân tiến đánh giải phóng thành Thăng Long năm 1789 trong đại quân của vua Quang Trung. Ông mất năm 1935, thọ 71 tuổi.
Nhà Tằm:
Địa điểm: Ở thôn Tân Tường, xã Cam Thành, cách QL9 800 m về phía Tây – Nam tại đoạn km 15.
Tháng 5/1930, tại đây BCH lâm thời đầu tiên của Huyện ủy Cam Lộ được thành lập. Tất cả có 3 đ/c, đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư Huyện ủy.
Chùa An Thái:
Địa điểm: Ở làng An Thái, xã Cam Tuyền.
Tháng 4/1930 dưới sự chỉ đạo của Xứ Ủy Trung Kỳ ban vận động thành lập Đảng của Tỉnh Quảng Trị đã ra đời và cũng trong tháng 4 này chi bộ xã Cam Tuyền được thành lập, là một trong những chi bộ ra đời đầu tiên trong địa bàn Đông Hà, Cam Lộ.
Miếu An Mỹ:
Ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền cách đường 15 đi Cồn Tiên khoảng 30 km. Ngày 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa của huyện Cam Lộ đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền vào ngày 23/8 trên địa bàn huyện.
Đình Mai Lộc: 
Ở thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, cách trụ sở UBND 200 m về phía Đông. Tại đây, tháng 4/1930 chi bộ xã Cam Chính thành lập do đ/c Nguyễn Duệ làm Bí thư là một trong những chi bộ ra đời sớm trong địa bàn Cam Lộ – Đông  Hà.
Đình làng Cam Vũ:
Ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy. 
Hiện nay, Đình làng Cam Vũ chỉ còn lại nền đình, có diện tích chừng 40 m2.
Năm 1939, nơi đây Chi bộ xã Cam Thuỷ đã ra đời gồm 4 đồng chí, là một trong những Chi bộ mạnh của huyện Gio Cam trong giai đoạn 1936 – 1945. 
Địa điểm ghi dấu trận đánh Pháp tại km 8 QL9:
Tại Ngã 3, đường 9, rẽ vào Công ty cổ phần gạch ngói Vĩnh Đại, thuộc xã Cam Hiếu. 
Tại đây bộ đội chủ lực đã phối hợp với du kích xã Cam Hiếu chặn đánh cuộc hành quân, làm thất bại âm mưu của quân Pháp nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, đàn áp phong trào cách mạng. Sau 1 ngày chiến đấu đã tiêu diệt 180 tên, bắt sống 5 tên. Đây là 1 trận thắng lớn của bộ đội và du kích trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Vụ thảm sát Cùa năm 1947: 
Thuộc làng Bảng Sơn và Định Sơn, nằm giáp giới giữa 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa nay chỉ còn vùng đất bỏ hoang.
Để trả thù cho sự thất bại nhục nhã và tổn thất quá nặng nề của Pháp tại trận càn tại Cùa ngày 04/01/1947, ngày 06/01/1947 Thực dân Pháp đã kéo vào 2 làng Bảng Sơn và Định Sơn xả súng giết hại 1 lúc hàng trăm người dân vô tội. Có những gia đình bị sát hại hầu như toàn bộ, có những em bé không còn cha mẹ. Đây là vụ thảm sát khốc liệt nhất mà Thực Dân Pháp gây ra đối với nhân dân Cam Lộ.
Trận đánh vùng Sẩm năm 1952
Nằm ở phía Tây Bắc, xóm đốc Kỉnh, xã Cam Chính, cách chợ 400 m.
Tháng 6/1952 biết được âm mưu của Pháp đánh phá các căn cứ cách mạng của ta hầu kết thúc nhanh cuộc xâm lược của chúng. Du kích 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa phối hợp với đơn vị chủ lực C364 chặn đánh địch tại vùng Sẩm. Đây là trận đánh lớn, diễn ra ác liệt, kết quả tiêu diệt được 200 tên.
Chợ Cam Thuỷ:
Chợ Cam Thuỷ nằm sát miếu thờ Thành Hoàng của thôn Tam Hiệp, xã Cam Thuỷ, cạnh đường 71, cách cầu Đuồi 500 m về phía Đông Bắc.
Sáng 8/9/1954, giữa lúc chợ đang đông, để trả thù phong trào quần chúng ủng hộ cách mạng, bọn ngụy quyền Cam Lộ và một đại đội lính bảo an địa phương quân đã dùng vũ khí đàn áp, khủng bố buộc mọi người họp chợ phải giải tán và dời chợ đi nơi khác. Bọn chúng đã nổ súng vào chợ giết hại nhiều người.
Địa điểm Đồn Thượng Nghĩa:
Ở phía Nam thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa. 
Đồn Thượng Nghĩa là một căn cứ quân sự của Mỹ được xây dựng vào cuối năm 1965. Từ đây chúng thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét vào các xã vùng Cùa và các căn cứ của ta. Tháng 6/1966, đơn vị Thu Bồn thuộc Sư đoàn 324 phối hợp với du kích xã Cam Nghĩa tiến đánh đồn Thượng Nghĩa, kết quả tiên diệt một đại đội Mỹ và nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.
Trận Thượng Nghĩa là một trận thắng lớn của quân và dân Cam Lộ trong phong trào “Đánh Mỹ và thắng Mỹ” năm 1966. Hiện nay chỉ còn một ít dấu tích của hầm hào công sự.
Trận càn Rẫy Dương:
Ở thôn Lâm Lang, xã Cam Thuỷ.
Đầu năm 1967, một tiểu đoàn Mỹ đã tổ chức một trận càn vào khu vực Rẫy Dương. Đơn vị chủ lực Sư đoàn 324 kết hợp với bộ đội địa phương Cam Lộ tổ chức chống càn tại Rẫy Dương. Sau 1 ngày chiến đấu anh dũng, ta đã tiêu diệt được một đại đội, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh.
Trận chống càn Rẫy Dương là một trận thắng lớn của quân và dân Cam Lộ, góp phần làm thất bại “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Trận đánh khu vực Ngã Tư Sòng:
Ngã Tư Sòng nắm trên quốc lộ 1A, thuộc thôn Phổ Lại, xã Cam An.
Tháng 6/1967, tiểu đoàn “Trâu Điên” nguỵ quyền Sài Gòn tổ chức một cuộc hành quân từ Đông Hà ra vùng Bắc Quảng Trị nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang xã Cam An chặn đánh địch tại vị trí Ngã Tư Sòng. Trận đánh tại Ngã Tư Sòng góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường Quảng Trị mùa Xuân năm 1968.
Cứ điểm 241 (Carol)
Thuộc địa phận xã Cam Nghĩa
Cứ điểm 241 là tuyến hàng rào điện tử phòng ngự Macnamara, là một điểm cao án ngự phía Tây Đông Hà, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng nên cuối năm 1966 Mỹ – ngụy bắt đầu xây dựng 241 thành cứ điểm trọng yếu của tuyến phòng thủ. Từ cứ điểm này, Mỹ – Ngụy có thể khống chế toàn bộ đường 9 – Khe Sanh, cả khu vực hành lang Nam vĩ tuyến 17 bảo vệ căn cứ Ái Tử, thị xã Đông Hà, Thị xã Quảng Trị.
Để mở màn cho chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và đập tan toàn bộ các căn cứ trong tuyến phòng thủ phía Nam vĩ tuyến 17, trước hết phải giải phóng cứ điểm 241. Đúng 12 giờ 45’ ngày 02/4/1972, cứ điểm 241 đã bị tê liệt hoàn toàn. Toàn bộ binh lính ngụy quyền đã đầu hàng. 
Chiến thắng cứ điểm 241 có ý nghĩa hết sức to lớn để quân giải phóng tiến lên hoàn thành xuất sắc chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa xuân năm 1972.
Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền nam Việt Nam :
Thuộc thị trấn Cam Lộ, cách UBND huyện Cam Lộ 150 m về phía Bắc, được khởi công xây dựng từ ngày 06/05/1973, đến ngày 30/05/1973 thì hoàn thành.
Mặc dù được xây dựng khẩn trương trong một thời gian ngắn nhưng vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang và đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu.
Tại đây, ngày 06/06/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp 5 châu tới dự và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh hy sinh gian khổ của nhân dân Miền Nam như đồng chí Phiden Catxtơrô – Chủ tịch Đảng cộng sản CuBa, đồng chí Gioóc-giơ-mác-xen – Bí thư Đảng cộng sản Pháp, …
Khu Chính phủ CMLT từ khi ra đời đã tập hợp các lực lượng dân chủ đấu tranh đòi dân chủ và độc lập dân tộc, đại diện cho nhân dân Miền Nam nói lên tiếng nói của mình, là nơi đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước anh em bạn bè gần xa trên thế giới. Chính phủ CMLT với những chiến lược, sách lược nhạy bén, sáng suốt đã lãnh đạo nhân dân Miền Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống đề quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Hiện nay, trụ sở được Bảo tàng Quảng Trị xây dựng tượng đài kỷ niệm vào tháng 5/1993 và khôi phục lại Nhà Trình quốc thư.
Tổng trạm thông tin A30:
Tổng trạm thông tin A30 thuộc Bộ tư lệnh 559 đóng tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm nhiệm vụ nhận, chuyển những chỉ thị quan trọng phục vụ cho chiến dịch, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử năm 1975.
Chùa An Bình:
Nằm giáp giới giữa 2 thôn Phú Ngạn và An Bình xã Cam Thanh.
Tại cây đa Chùa An Bình, nhân dân thường xuyên treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, đặc biệt đêm 02/02/1965 (ngày 01 tết Ất Tý), lực lượng vũ trang đã treo cờ trên cây đa An Bình, nhân dân xã Cam Thanh vui mừng, phấn khởi khi nhìn thấy cờ phất phới bay trước gió Xuân trong 3 ngày tết cổ truyền của dân tộc. Đây là sự khẳng định, biểu thị lòng tin tưởng sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng và Mặt trận.
Địa điểm hầm mộ liệt sỹ thị trấn Cam Lộ:
Hầm mộ này thuộc địa phận thôn An Hưng, thị trấn Cam Lộ, cách UBND huyện 80 m về phía Tây, nguyên đây là Chi khu Cam Lộ, một căn cứ trung tâm đầu não của Ngụy quyền Cam Lộ.
Trong cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, đêm 30 tết, một đơn vị thuộc Sư đoàn 320 tiến đánh Chi khu, do không nắm được sự tăng cường lực lượng và thay đổi bố phòng mới của địch nên từ thế chủ động rơi vào thế bị động, lực lượng ta hy sinh khoảng 100 người.
Sáng 01 tết, chúng trả thù một cách man rợ, cột xác liệt sỹ chất vào một hầm rộng 2 m, dài 15 m rồi san bằng hầm mộ, lát ri sắt làm bãi đáp cho máy bay. Đây là một tội ác dã man của Mỹ – Ngụy. 

Khái quát lịch sử hình thành

Nhiều nơi tại Cam Lộ, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của cư dân người tiền sử sinh sống từ 1,5 vạn đến 3 vạn năm về trước.
Dấu tích cư trú của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá cũ được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Tân Sở – vùng Cùa, gồm nhiều công cụ làm bằng đá quacdit có hình thù đặc trưng cho thời kỳ văn hoá Sơn Vi (niên đại từ 2 đến 3 vạn năm về trước); tại các hang Dơi (Tân Lâm – xã Cam Thành) tìm thấy một số công cụ chặt, chày nghiền…làm bằng đá và một số dụng cụ làm bằng xương, đồ gốm đặc trưng văn hoá Hoà Bình (niên đại từ 1,5 đến 2 vạn năm về trước); ở “Đồi không tên” (Tân Lâm) phát hiện dấu tích của một công xưởng chế tác công cụ đá lửa (Silic) của người nguyên thuỷ thuộc hậu kỳ đá mới, cách ngày nay chừng 5.000 năm.
            Đến thời Trần – Lê ( thế kỷ XIV – XVI) đã có người Việt vào cư trú ở Cam Lộ dọc theo bờ sông Hiếu và tên Cam Lộ cũng xuất hiện từ đó, được gọi là nguồn Cam Lộ. Nguồn Cam Lộ có 2 châu Sa Bôi và Thuận Bình. Đến thời các Chúa Nguyễn, chính sách khẩn hoang lập làng được đẩy mạnh hơn đã phát triển khu cư trú về phía Nam sông Hiếu đến vùng gò đồi và một số làng được thành lập ở Cùa đầu thế kỷ XVII.
            Năm 1803, sau khi đánh bại Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, Gia Long  lấy các huyện: Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh để lập ra doanh Quảng Trị và phía Tây  đặt đạo Cam Lộ, lỵ sở đóng tại làng Nghĩa An, tổng An Lạc (Thuộc vùng đất xã Cam An ngày nay). 
            Năm 1831 ( Minh Mạng thứ 12) đổi đạo Cam Lộ thành phủ Cam Lộ. Trong triều đại này, năm 1829 ( Minh Mạng thứ 10) thành Vĩnh Ninh cũng được xây dựng tại làng Cam Lộ ( Nay là di tích Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam)
            Năm 1851 (Tự Đức) đổi đạo Cam Lộ thành bảo Cam Lộ. Cũng  thời kỳ này (1883 -1885) Sơn phòng Tân Sở được xây dựng tại Cùa. Vào niên hiệu Đồng Khánh (1886-1888) huyện Cam Lộ có 3 tổng: Tổng An Lạc gồm các xã Cam An, Cam Thanh và Thị xã Đông Hà ngày nay; tổng Cam Đường (đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945 đổi tên thành tổng Cam Vũ) gồm các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành, Cam Tuyền và thị trấn Cam Lộ; tổng Mai Lộc bao gồm các xã Cam Chính, Cam Nghĩa.
            Trong thời kỳ chế độ miền Nam Việt Nam,, ngày 17/5/1958 chính quyền Miền nam cho lập quận Cam Lộ.
            Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Cam Lộ là một đơn vị hành chính có tổ chức Đảng, các đoàn thể và chính quyền Cách mạng.
            Ngày 11/3/1977 huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh sáp nhập lại thành huyện Bến Hải, trực thuộc tỉnh Bình Trị Thiên.   
Ngày 19/10/1991 huyện Cam Lộ được lập lại trên cơ sở tách 8 xã nguyên thuộc huyện Cam Lộ được sát nhập vào thị xã Đông Hà năm 1981, với dân số 44.232 người và diện tích 346/9Km2.
 Ngày nay huyện Cam Lộ gồm 8 xã và 01 thị trấn: xã Cam chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thuỷ, Cam Thanh, Cam An và thị trấn Cam Lộ. 
            Mảnh đất và con người Cam Lộ đã cùng cả dân tộc đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển, nơi đây đã để lại những dấu ấn lịch sử thật đậm nét. Những tên đất, tên người gắn liền với những sự kiện lịch sử đã bồi đắp cho Cam Lộ một bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng thật đáng tự hào. Truyền thống tốt đẹp ấy được biết bao thế hệ người CamLộ không ngừng kế tục và phát huy.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây