Giới thiệu khái quát huyện Hoàng Su Phì

Giới thiệu khái quát huyện Hoàng Su Phì

Giới thiệu khái quát huyện Hoàng Su Phì

Hoàng Su Phì là một trong 2 huyện vùng cao biên giới phía tây của tỉnh Hà Giang. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc như Dao, Tày, Nùng, Mông, Cờ Lao, La Chí… Đây cũng là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

1. Vị trí địa lý.
Hoàng Su Phì là huyện biên giới phía tây của tỉnh Hà Giang nằm trên thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc, cách thành phố Hà Giang 100km về phía tây. Phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp huyện Xín Mần, phía đông giáp huyện Vị Xuyên, phía đông nam và nam giáp các huyện Bắc Quang, Quang Bình tỉnh Hà Giang.
Về địa giới hành chính: Toàn huyện có tổng số 193 thôn bản và 06 tổ dân phố thuộc 24 xã và 1 thị trấn gồm: Bản Luốc, Bản Máy, Bản Nhùng, Bản Péo, Bản Phùng, Chiến Phố, Đản Ván, Hồ Thầu, Nam Sơn, Nàng Đôn, Nậm Dịch, Nậm Khòa, Nậm Ty, Ngàm Đăng Vài, Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Xả Hồ, Tả Sử Choóng, Tân Tiến, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Thông Nguyên, Tụ Nhân, Túng Sán, thị trấn Vinh Quang.

  1. Điều kiện tự nhiên

Toàn bộ địa hình của huyện Hoàng Su Phì nằm trên lưu vực thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc, có kết cấu địa hình phức tạp chủ yếu là đồi núi dốc bị nhiều con suối chia cắt nên giao thông đi lại khó khăn, vào mùa mưa thường xảy ra lũ quét, lũ ống. Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên là 63.238,06 ha.

  1. Kinh tế.

Tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành (không bao gồm XDCB và thương mại, dịch vụ) là 1.074,4 tỷ đồng. Thu NSNN trên địa bàn đạt 53,06 tỷ đồng, trong đó: thu thuế và phí đạt 36,58 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,7 triệu đồng/người/năm, đạt 101,2%NQ. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 37.627 tấn, đạt 99,7%NQ; bình quân lương thực đầu người đạt 570 kg/người/năm, đạt 101,8%NQ. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 53,19% (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Đến nay đã có 100% các xã trong Huyện có đường ô tô đến trung tâm xã (Trong đó có 23/25 xã có đường nhựa hoặc đường bê tông), hệ thống trường lớp học, trạm xá bệnh viện, điện lưới Quốc gia được xây dựng đã làm thay đổi về cơ bản bộ mặt của nông thôn huyện Hoàng Su Phì.

Nông – Lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu Kinh tế của huyện . Từ năm 2004 đến nay, huyện chủ trương kêu gọi đầu tư theo hướng liên doanh liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, đồng thời qua đó xây dựng tác phong công nghiệp trong lao động sản xuất của nhân dân, từng bước thay đổi cơ cấu Kinh tế mang tính bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong huyện.

  1. Dân cư.

Năm 2017 dân số của huyện là: 64.991 với mật độ dân số trung bình 103 người/km2, trong đó thị trấn Vinh Quang, xã Tân Tiến là những xã có mật độ dân số cao, một số xã như Túng Sán, Hồ Thầu có mật độ dân số thấp. Lực lượng lao động dồi dà. Tổng số 13 dân tộc chủ yếu gồm: dân tộc Nùng 38,8%, Dao 21,8%, Mông 12,6%, Tày 14,2%, La Chí 6%, Kinh 4,8%, Hoa Hán 1,25% Cờ Lao 1,43%, Thái 0,02%, Phù Lá 0,2%, Cao Lan 0,06%, Mường 0,07%.

  1. Văn hóa. 

Do yếu tố về địa lý và địa bàn nằm cách biệt nên sự giao thoa tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc và địa phương trong huyện diễn ra chậm, trong nhân dân còn lưu trữ được rất nhiều vốn văn hoá truyền thống độc đáo và phong phú của cộng đồng nhân dân các dân tộc trong Huyện. Tiêu biểu là các lễ hội dân gian như: Lễ hội Quýa hiéng của dân tộc Dao đỏ xã Hồ Thầu, lễ hội cúng rừng của dân tộc Nùng; lễ hội Khu cù tê dân tộc La Chí, lễ cấp sắc dân tộc Dao; lễ hội gầu tào của dân tộc Mông, lễ cúng Hoàng Vần Thùng của dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán cùng nhiều huyền thoại và khu mộ Hoàng Vần Thùng của dân tộc Lao Chí và những trò chơi dân gian, những làn điệu dân ca dân vũ truyền thống của các dân tộc Dao, Tày Nùng, Mông, Cờ Lao …

Do điều kiện về khí hậu và địa lý, địa hình nên hiện nay Hoàng Su Phì vẫn giữ được vẻ thiên nhiên hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh, sông suối đầu nguồn sông Chảy và sông Bạc, nương chè san tuyết cổ thụ.

Về di tích, di sản: Hiện nay, toàn huyện đã có 04 di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm: Di tích đền Suối Thầu xã Bản Luốc, di tích đền Vinh Quang, di tích đồn Pố Lũng thị trấn Vinh Quang, di tích khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng xã Bản Phùng, Bản Máy;  04 di sản cấp Quốc gia trong đó có 01 di tích ruộng bậc thang tại 11 xã: Bản Luốc, Bản Phùng, Nậm Ty, Hồ Thầu, Sán Sả Hồ, Thông Nguyên, Bản Nhùng, Tả Sử Choóng, Nậm Khòa, Pố Lồ, Thàng Tín và 03 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lễ hội Quyã Hiéng của dân tộc Dao đỏ xã Hồ Thầu, Lễ cúng Thần rừng của dân tộc Nùng, Tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí.

  1. Địa lý, thủy văn.

Toàn bộ địa hình của huyện Hoàng Su Phì nằm trên khối núi đất thượng nguồn sông Chảy được cấu tạo cách đây ít nhất 500 triệu năm có độ cao trung bình từ 1.300 -1.700 m trong đó có 2 đỉnh núi cao nhất nhì nước ta là Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.423m và đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.402m. Do địa hình núi đất có độ đốc lớn, kết cấu yếu, bị nhiều khe suối chia cắt nên địa bàn huyện Hoàng Su Phì tương đối phức tạp, thường hay sạt lở về mùa mưa, khí hậu chia thành nhiều tiểu vùng khác nhau với 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tại các xã vùng cao khí hậu mát mẻ phù hợp cho việc trồng trọt canh tác nhiều loài cây đặc hữu như: Chè san tuyết, thảo quả và các loài dược liệu quý hiếm khác.

Trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có 2 con sông suối lớn chảy qua đó là: Sông Chảy được bắt nguồn từ các khe núi thuộc sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi trên khối núi Tây Côn Lĩnh phía tây bắc tỉnh Hà Giang nằm trên địa phận các xã Túng Sán, Hồ Thầu, Sam Sơn huyện Hoàng Su Phì và xã Thượng Sơn huyện Vị Xuyên. Sông Bạc có khởi nguồn từ các nhánh suối thuộc sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh thuộc các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Nậm Khòa và sườn đông nam đỉnh Chiêu Lầu Thi trên khối núi Tây Côn Lĩnh thuộc địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Đây là nguồn cung cấp nước rồi rào cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình và Bắc Quang, đồng thời là nguồn năng lượng quan trọng cho việc duy trì hoạt động của Nhà máy thủy điện Thác Bà cũng như việc xây dựng các công trình thủy điện của các địa phương tỉnh Hà Giang.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây