Giới thiệu khái quát huyện Krông Bông

Giới thiệu khái quát huyện Krông Bông

Giới thiệu khái quát huyện Krông Bông

I. ĐỊA GIỚI VÀ BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH

Krông Bông là một huyện vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 50 km. Phía Tây giáp huyện Lắk, Phía Tây Bắc giáp huyện Cư Kuin, huyện Krông Ana. Phía Bắc giáp huyện Krông Pác, huyện Ea Kar. Phía Đông giáp huyện M’Drăk, huyện Vĩnh Khánh (Khánh Hòa). Phía Nam giáp huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). 

Diện tích tự nhiên là: 1.257,49 km2.

Dân số là: 90.207 người.   

Mật độ dân số là: 71,13 người/km2 (Theo số liệu thống kê 31/12/2011). 

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Tên gọi Krông Bông xuất phát từ tên con sông chính chảy qua địa phận của huyện. Sông này cùng với sông Krông Pắc gặp nhau giữa địa phận xã Hòa Lễ và Cư Kty, chảy vào sông Krông Ana, là thượng nguồn của sông Sê-rê-pốc đổ vào sông Mê Kông.

Huyện thành lập từ ngày 19 tháng 9 năm 1981, trên cơ sở chia tách 10 xã phía Nam của huyện Krông Pắc. Trong những năm tháng chiến tranh, đây là vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đăk Lăk, với địa danh nổi tiếng H9, Hang đá Đắk Tur …

Krông Bông có điểm du lịch nổi tiếng là thác Krông Kmar. Nơi đây có dòng suối nước trong vắt, chảy quanh co qua những ghềnh đá rất đẹp, hai bên là núi non hùng vĩ; kéo dài từ đỉnh thác – nơi tiếp giáp với huyện Lăk, thuộc đỉnh núi Chư Yang Sin đến thị trấn Krông Kmar. Trước năm 2005, vào những dịp lễ, tết…, hàng ngàn người du lịch đã đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên.

Ngày 19 tháng 9 năm 2011 huyện Krông Bông tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập trong dịp này Huyện làm lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ Huyện.

III. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

1. Điều kiện tự nhiên:

a) Vị trí địa lý:

Huyện Krông Bông nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 55 km về phía Tây – Bắc, ranh giới hành chính của huyện như sau:

– Phía Bắc giáp 3 huyện Krông Pắc, Ea Kar, M’Đrăk.

– Phía Nam giáp huyện Lăk.

– Phía Đông Nam giáp vùng núi hiểm trở ngăn cách giữa tỉnh Đắk Lắk với 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng.

Tổng diện tích tự nhiên (DTTN) toàn huyện là 1.257,49 km2 chiếm 6,38% DTTN toàn tỉnh, tổng dân số 90.207 người (năm 2011). Mật độ dân số là: 71,13 người/km2 (Theo số liệu thống kê 31/12/2011).

Toàn huyện có 1 thị trấn và 13 xã gồm: Thị trấn Krông Kmar, các xã Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân, Cư Kty, Hòa Thành, Dang Kang, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao.

Huyện có quốc lộ 27 đi qua, là trục giao thông huyết mạch của tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Lâm Đồng; có tỉnh lộ 12 chạy từ Thị trấn Krông Kmar đi các xã phía Đông;  tỉnh lộ 9 nối huyện với các huyện Ea Kar, Krông Pắc… tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế – xã hội với các địa phương trong khu vực.

b) Địa hình, địa mạo:

Nằm ở vị trí tiếp giáp giữa cao nguyên Buôn Ma Thuột với Trường Sơn Nam nên địa hình của huyện bị chia cắt rất mạnh, thấp dần theo hướng Đông – Nam xuống Tây – Bắc, về đại thể có thể chia địa hình huyện thành 3 địa hình chính: núi cao, núi thấp và thung lũng.

Dạng địa hình núi cao: Diện tích 80.102 ha, chiếm 63,70% DTTN toàn huyện, tập trung thành vòng cung lớn bao quanh 3 phía Bắc, Đông, Nam; mức độ chia cắt mạnh: độ cao trung bình từ 1.500 – 2.500m, độ dốc phổ biến trên 2500, bao gồm một số dãy núi cao như Cư Yang Sin (độ cao 2.442m), đỉnh Cư Yang Hanh (độ cao 1.991m), đỉnh Cư Bukso (độ cao 1.538m). Nhìn chung, dạng địa hình này không thích hợp cho phát triển nông nghiệp, hiện trạng chủ yếu là rừng tự nhiên.

Dạng địa hình núi thấp: Diện tích 23.968 ha, chiếm 19,06% DTTN toàn huyện, phân bố ở khu vực phía Bắc – Đông Bắc huyện và trải dài từ Đông sang Tây; độ cao trung bình từ 500m – 1.000m, bao gồm một số đỉnh núi như đỉnh Cư Goa (độ cao 953m), đỉnh Cư Drang (độ cao 698m), đỉnh Cư Ya Trang (độ cao 982m), độ dốc phổ biến từ 1500- 2500. Nhìn chung, dạng địa hình này thích hợp cho phát triển nông nghiệp, hiện trạng chủ yếu là rừng tự nhiên.

Dạng địa hình thung lũng ven sông: Diện tích 21.679 ha, chiếm khoảng 17,24% DTTN toàn huyện, phân bố ven các sông lớn như sông Krông ANa, sông Krông Bông, Krông Pắc; địa hình tương đối bằng, độ cao trung bình dưới 500m, độ dốc biển dưới 800. Do hạ lưu các con sông hẹp nên nhiều khu vực bị ngập nước sau các trận mưa lớn, nhưng sau đó nước rút nhanh; thổ nhưỡng chủ yếu là phù sa và đất xám, khá thích hợp với canh tác lúa và các cây công nghiệp ngắn ngày.

c) Khí hậu:

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng do vừa bị ảnh hưởng của độ cao, vừa bị ảnh hưởng của các dãy núi lớn Cư Yang Sin nên khí hậu Krông Bông có hai mùa mưa nắng rõ rệt với những đặc trưng chính sau:

– Nắng nhiều: trung bình 180 giờ/tháng. Năng lượng bức xạ tổng cộng lớn: trung bình từ 150 – 160 kcal/cm2 năm. Nhiệt độ cao và ôn hòa: nhiệt độ trung bình năm từ 23,7 – 27,30C. Tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 12 và tháng 1, nhiệt độ có thể xuống đến khoảng 17,3 – 20,10C. Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 4 và tháng 5, nhiệt độ trung bình có thể lên đến 28 – 300C. Bên cạnh đó, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá lớn (mùa khô biên độ nhiệt trên 100C). Nắng nhiều, bức xạ dồi dào nhiệt độ cao và hầu như không có bão là những thuận lợi rất cơ bản cho Krông Bông trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các cây công nghiệp như cà phê, thuốc lá, bông vải… .

– Lượng mưa: Có hai tiểu vùng mưa: vùng phía Đông bao gồm xã Hòa Phong và 3 xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao, có mùa mưa kéo dài và kết thúc cũng muộn hơn. Lượng mưa nhiều hơn so với các xã phía Tây và phía Bắc của huyện. Nhìn chung, trên toàn huyện có lượng mưa lớn (trung bình từ 1.800 – 2.200 mm/năm), mùa mưa dài: Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12, khá thuận lợi với các loại cây lâu năm. Tuy nhiên, vào những năm hoặc những tiểu vùng mùa mưa kết thúc muộn thì ảnh hưởng nặng đến chất lượng thụ phấn của một số loại cây trồng (điều).

– Do mưa rất lớn vào thời kỳ tháng 9 đến tháng 11 (từ 400 – 500 mm/tháng), trong khi hạ lưu các con sông nhỏ hẹp, thoát nước chậm, nên lượng nước đổ về một mặt gây xói mòn và rửa trôi đất ở vùng đồi núi thượng nguồn, mặt khác làm mực nước sông dâng nhanh và tràn vào đồng ruộng, gây tình trạng ngập lũ cục bộ ở các khu vực trũng và ven sông.

– Mùa khô bắt đầu từ tháng 12I đến tháng 4 năm sau với lượng mưa chỉ chiếm khoảng 5 -10% tổng lượng mưa năm. Tuy chỉ kéo dài 4 tháng nhưng lượng mưa ít cũng đủ gây tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về các cân ẩm, ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng – phát triển của cây trồng, vật nuôi. Việc xây dựng các công trình thủy lợi để cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

2. Các nguồn tài nguyên:

a) Tài nguyên đất:

Theo số liệu hiện trạng sử dụng đất năm 2010, tổng diện tích tự nhiên huyện Krông Bông là 125.749,00 ha, trong đó: sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 107.726,98 ha, chiếm 85,67%; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp là 4.368,35 ha, chiếm 3,47%; đất chưa sử dụng 13.653,67 ha chiếm 10,86% diện tích tự nhiên.

Kết quả điều tra phân loại đất trên bản đồ toàn huyện có 4 nhòm đất chính với 15 loại đất sau:

* Nhóm đất phù sa: Diện tích 10.890 ha, chiếm tỷ lệ 8,66% DTTN toàn huyện, phân bố tập trung ở khu vực thung lũng ven sông thuộc các xã phía Tây và phía Bắc huyện. Đất được bồi đắp phù sa hàng năm do ngập lụt nên khá phì nhiêu. Thành phần cơ giới đất từ trung bình đến nặng, tương đối giàu mùn và đạm, hàm lượng lân tổng số từ trung bình đến nghèo. Theo nguồn gốc phát sinh được chia thành 4 đơn vị chú giải bản đồ: đất phù sa được bồi hàng năm, đất phù sa có loang lổ đỏ vàng, đất phù sa glây và đất phù sa ngòi suối. Hiện nay đất phù sa đang được sử dụng vào trồng cây lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

– Đất phù sa được bồi (Pb): Diện tích khoảng 4.854 ha, chiếm 3,86% DTTN, phân bố tập trung ven sông suối thuộc các xã Hòa Phong, Cư Kty, Hòa Thành và Hòa Tân. Đất có tầng dày lớn (>100cm), khá phì nhiêu, hơi chua, thành phần cơ giới từ trung bình đến nhẹ, một số ngập vào mùa mưa, phân bố ven sông suối, thích hợp cho trồng lúa nước, các cây hàng năm như ngô, đậu đỗ và các cây công nghiệp ngắn ngày như bông, thuốc lá…

– Đất phù sa glây (Pg): Diện tích 2.930 ha, chiếm tỷ lệ 2,33% DTTN, phân bố chủ yếu ở các xã  Hòa Lễ, Hòa Phong,, thuộc dạng đất cát pha, một số có đá lẫn trên 30%.

– Đất phù sa có đất có tầng loang lổ đỏ vàng (Pf): Diện tích 1.622 ha,  chiếm tỷ lệ 1,29% DTTN toàn huyện.

– Đất phù sa ngòi suối (Py): Diện tích 1.484 ha, chiếm tỷ lệ 1,18% DTTN toàn huyện.

* Nhóm đất xám: Diện tích 2.829ha, chiếm tỷ lệ 2,25% DTTN toàn huyện, thường phân bố rải rác xen kẽ với các loại đất nâu đỏ bazan, tập trung nhiều tại các xã phía Bắc huyện như Thị trấn, Cư Kty, Dang Kang. Đất có thành phần cơ giới nhẹ hàm lượng mùn, đạm, lân, kali ở mức từ nghèo đến trung bình. Theo nguồn gốc phát sinh được chia thành 2 đơn vị chú giải trên bản đồ: Đất xám trên phù sa cổ và đất xám bị glây. Hiện đang được khai thác để trồng cà phê, tiêu, điều, sắn….

* Nhóm đất đỏ vàng: Diện tích 112.042 ha, chiếm tỷ lệ đa số 89,1% DTTN toàn huyện. Phân bố khắp các xã trong huyện. Theo nguồn gốc phát sinh được chia thành 7 đơn vị chú giải trên bản đồ: Đất nâu đỏ trên đất bazan, đất nâu vàng trên đá bazan, đất đỏ vàng trên đất phiến sét, đất đỏ vàng trên đá granit, đất vàng trên phù sa cổ, đất nâu thẫm trên sản phẩm đá bọt bazan, đất mùn vàng đỏ trên đá granit.

– Đất nâu đỏ, nâu vàng trên đát bazan (Fk, Ku): Diện tích khoảng 1.185ha, chiếm 0,95% DTTN toàn huyện. Tập trung chủ yếu ở các xã phía Tây, trên địa hình đồi thấp lượn sóng. Nhóm đất này giàu dinh dưỡng, tầng dày trên 70cm, cấu tượng viên hạt, độ xốp cao, thành phần cơ giới nặng, khả năng giữ nước tốt, thích hợp cho cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả.

– Đất đỏ vàng trên đất phiến sét (Fs): Diện tích 30.920ha, chiếm 24,33% DTTN toàn huyện, phân bố nhiều ở các xã phía Đông Bắc như Hòa Phong, Hòa Lễ, Hòa Tân. Đất có thành phần cơ giới thịt trung bình, tầng dày <30cm.

– Đất vàng trên đá granit (Fa): Chiếm tỷ lệ lớn nhất 33,76% DTTN toàn huyện với 42.210ha. Phân bố chủ yếu ở các xã phía Đông (giáp huyện M’Đrắk), phía Đông Nam (giáp Lâm Đồng) và một số xã như Ea Trul. Đất có tầng dày <30cm, thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét, khả năng giữ ẩm kém, có đá lẫn. Nhóm đất này thích hợp cho phát triển cây công nghiệp.

* Nhóm đất khác: Bao gồm các loại đất lầy thụt và đất dốc tụ, phân bố dưới các khe suối, hợp thủy. Loại đất này có độ phì khá cao, giàu mùn, khả năng giữ ẩm rất tốt, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 0,02% DTTN với diện tích 25 ha.

Nhìn chung, so với các huyện trong tỉnh Đắk Lắk và ở Tây Nguyên, tài nguyên đất của Krông Bông có nhiều hạn chế như: Đất đồi có độ dốc lớn, tầng đất không dày và nghèo dinh dưỡng, cùng với cường độ mưa lớn dễ làm đất bị xói mòn; Đất đồng bãi thung lũng có độ phì khá nhưng bị nguy cơ ngập lụt hàng năm. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, cần đặc biệt coi trọng biện pháp cải tạo, bảo vệ và tăng dần độ phì nhiêu cũng như các biện pháp thủy lợi và lịch canh tác hợp lý.

b)Tài nguyên nước:

* Nước mặt:  Krông Bông là một trong những huyện có hệ thống nước mặt khá phong phú với mạng lưới sông suối dày đặc (mật độ 0,35- 0,55 km/km2). Có 3 sông chính: sông Krông ANa, sông Krông Bông và sông Krông Pắc, chảy theo hướng Đông Nam – Tây Bắc.

Ngoài ra, huyện còn có mạng lưới suối nhỏ phân bố khá đều trên khắp địa bàn huyện: phía Bắc có các suối nhỏ đổ ra sông Krông Bông, phía Nam có suối đổ ra sông Krông ANa, đoạn chảy qua huyện có dòng chảy theo hướng Đông sang Tây, lưu lựng trung bình khoảng 1,1m3/s.

Chất lượng nước mặt khá tốt, nước suối thường có độ khoáng nhỏ, độ PH trung tính, sử dụng tốt cho nông nghiệp. Cùng với đặc điểm địa hình, mạng lưới sông suối của huyện thuận lợi cho việc xây dựng một số công trình thủy lợi, thủy điện nhỏ.

Nhìn chung, sông suối trên địa bàn huyện có tổng lưu lượng dòng chảy năm tương đối lớn nhưng phân bố không đều giữa mùa mưa và mùa khô, trong đó; mùa khô dòng chảy nhỏ, mực nước và cao trình đồng ruộng chênh lệch lớn nên ít khi có khả năng khai thác nếu không có các công trình thủy lợi; mùa mưa dòng chảy lớn, nhất là thời kỳ mưa lũ, đã gây ra tình trạng ngập nước ở các khu vực đất thấp.

* Nước ngầm: Trên địa bàn huyện hiện chưa có tài liệu nghiên cứu, đánh giá chi tiết về nước ngầm, song dựa vào kết quả điều tra của Sở Công nghiệp Đắk Lắk và kết quả lập bản đồ Địa chất thủy văn của Liên đoàn ĐCTV – ĐCCT Miền Trung, cho thấy: Nước ngầm trên địa bàn huyện thuộc phức hệ chứa nước lỗ hổng các thành tạo bở rời đệ tứ (albQ): diện phân bố của phức hệ chứa nước này không lớn và chủ yếu dọc theo các thung lũng sông suối như sông Krông Bông, Krông ANa, Krông Pắc. Phức hệ này có khả năng cung cấp nước khá phong phú. Nước thường tồn tại trong các lỗ hổng của đất đá, trong thành tạo phun trào basalt, độ sâu phân bố 15 đến 20m, mức độ chứa nước tăng dần từ trên xuống dưới, đặc biệt là trong các lớp cát thô dưới cùng, khả năng lộ nước của phức hệ rất hạn chế, mật độ xuất lộ nhỏ, lưu lượng không lớn, loại nước chủ yếu là Bicarbonate- clorua natri, thuộc loại nước nhạt, môi trường trung tính. Một kết quả thăm dò khác cho thấy nguồn nước ngầm ở khu vực phía Bắc có trữ lượng phong phú hơn phía Nam.

c) Tài nguyên rừng:

Theo số liệu hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của huyện, đất lâm nghiệp có 80.390,13 ha, chiếm 63,93% so với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó rừng sản xuất 35.994,27 ha chiếm 44,77%  tổng diện tích đất lâm nghiệp, rừng phòng hộ 14.116,79 ha, chiếm 17,56% tổng diện tích đất lâm nghiệp, rừng đặc dụng 30.279,07 ha, chiếm 37,77% tổng diện tích đất lâm nghiệp.

Nằm trong vùng có điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai nhiều thuận lợi nên thảm động thực vật ở đây phát triển đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều chủng loài khác nhau:

* Thảm thực vật rừng:

Thảm thực vật rừng tại đây là kho tàng thiên nhiên quý giá và đa dạng với nhiều chủng loại cây rừng có giá trị như thông 2 lá dẹt, hoàng đản giả (thiên tùng), thông nàng, pơ mu…, vốn là những loài cây đặc hữu và quý hiếm được ghi trong sách đỏ của Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Về diện tích và trữ lượng rừng của huyện Krông Bông, theo kết quả kiểm kê tài nguyên rừng năm 1999 (theo chỉ thị 286/TTg của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy như sau:

– Rừng gỗ: Rừng nhiệt đới xanh quanh năm, phát triển trên địa hình núi cao phía Đông và Nam của huyện, ven các khe suối và hợp thủy, có nhiều tầng và nhiều loài cây quý hiếm như cẩm lai, gõ, trắc, kiền kiền… Tập trung nhiều là thảm rừng tại dãy núi cao Cư Yang Sin, Cư Yang Hanh, Cư Hoa… Đây là những nguồn tài nguyên quý giá không chỉ của tỉnh, vùng mà còn là của cả nước. Hiện rừng Cư Yang Sin đã được nâng cấp thành Vườn Quốc Gia để bảo vệ môi trường sinh thái và các loài động thực vật quý hiếm nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học, du lịch và bảo tồn..

– Rừng tre nứa, lồ ô: Đây là loại rừng với thành phần chủ yếu là các cây họ tre, nứa, le, hiện đang là đối tượng bị khai thác mạnh.

Rừng hỗn giao tre nứa gỗ: Đây là loại rừng với thành phần chủ yếu là các cây họ tre, nứa, le và các loại cây gỗ họ dầu như dầu trà ben, diện tích khá tập trung.

– Rừng trồng: Chủ yếu là rừng trồng cây lấy gỗ. Hiện nay toàn huyện có 80.390 ha.

* Động vật rừng:

Nằm trong tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước nên số lượng và chủng loại động vật cũng có nhiều vào bậc nhất. Hệ động vật của rừng khá phong phú và đa dạng, có giá trị kinh tế cũng như nghiên cứu khoa học: nhóm động vật quý hiếm (Bò rừng, hổ, báo, cầy mực, vượn đen…), nhóm động vật kinh tế (Nai, hoẵng, lợn rừng, khỉ, vượn, voọc…), nhóm động vật cung cấp nhiên liệu, da lông, làm cảnh (tê tê, rắn, bò sát…) cùng các loài chim, bò sát, ếch nhái…, trong đó có rất nhiều loài được nêu trong sách đỏ Việt Nam cần được phục hồi và phát triển.

Dưới sức ép của sự gia tăng dân số tự nhiên, do di dân từ các tỉnh duyên hải Miền Trung, các tỉnh phía Bắc vào xây dựng các vùng kinh tế, nạn phá rừng để khai thác lâm sản, làm nương rẫy … đã làm cho diện tích rừng càng thu bị thu hẹp. Bên cạnh đó, cùng với hoạt động khai thác săn bắn động vật rừng trái phép… đã làm cho các nguồn tài nguyên trên ngày càng trở nên cạn kiệt.

d) Tài nguyên khoáng sản:

Theo kết quả ngiên cứu và đánh giá ở mức độ sơ bộ cho thấy huyện Krông Bông không giàu về tài nguyên khoáng sản, đáng chú ý chỉ có sét, cao lanh để làm gạch ngói, ngoài ra còn có đá Granit, cát xây dựng.

– Sét: Mỏ sét với trữ lượng đáng kể (trữ lượng cấp P) phân bố tập trung ở Thị trấn Krông Kmar, Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân, Cư Kty… thuộc loại sét cao nhôm (hàm lượng AL2O3 >25%), chỉ số dẻo cao (20 – 22%), chất lượng đạt tiêu chuẩn sản xuất gạch ngói.

– Cát xây dựng: Nằm rải rác ven sông Krông Bông, Krông Ana, trong đó đáng chú ý có bãi cát tại các xã Ea Trul (Giang Sơn), Cư Kty, Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân và thị trấn Krông Kmar, nhưng chất lượng không cao và không đồng đều, trữ lượng cũng không lớn.

– Đá Granit: phân bố chủ yếu ở thị trấn Krông Kmar, Ea Trul, Yang Reh, Cư Đrăm; trữ lượng không lớn. Qua phân tích các đặc tính kỹ thuật cho thấy, đá ở đây có độ nguyên khối thấp, chỉ có thể làm đá xây dựng.

e) Tài nguyên du lịch, nhân văn:

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất và con người Đắk Lắk nói chung và Krông Bông nói riêng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Các dân tộc tuy không hình thành nên những lãnh thổ tộc người riêng biệt nhưng mỗi dân tộc đều tập trung ở một số vùng nhất định. Huyện Krông Bông là địa bàn cư trú của người M’nông và Ê Đê. Các dân tộc di cư đến như: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái, Sán Chỉ, H’Mông,… hình thành nên những cụm dân cư ở rải rác trên khắp địa bàn huyện. Cộng đồng các dân tộc với những truyền thống riêng dã hình thành nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú và có những nét độc đáo, trong đó nổi bật là bản sắc văn hóa truyền thống của người Ê Đê, M’nông.

Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, các di tích lịch sử tại huyện như Hang đá Đak Tuôr… vẫn được lưu giữ và tồn tại. Bên cạnh đó , những sinh hoạt lễ hội, phong tục tập quán lành mạnh vẫn duy trì, gìn giữ và phát triển như các lễ hội (lễ cúng bến nước, lễ cơm mới, lễ bỏ mả, lễ cầu phúc, lễ vòng đời), các di sản văn hóa (tại huyện cho đến nay vẫn còn khoảng 2.000 cái chiêng, 5-6 nghệ nhân thổi kèn đinh pút, đinh năm, kèn sừng trâu…).

Trong quá trình phát triển, các dân tộc trong huyện luôn kề vai sát cánh với quân dân cả nước chống giặc ngoại xâm, đồng thời năng động sáng tạo, có ý trí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, thành quả đạt được trong lao động sản xuất, đấu tranh cải tạo tự nhiên, phát triển văn hóa-xã hội. Đây thực sự là thế mạnh để huyện phát triển mạnh trong tương lai.

3. Thực trạng môi trường:

Hai phần ba diện tích đất đai của huyện thuộc là đất rừng, cùng với khu bảo tồn Cư Yang Sin được nâng cấp thành vườn quốc gia, với những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp và thơ mộng như thác Krông Kmar, hồ Yang Réh sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các hoạt động du lịch cảnh quan và du lịch sinh thái.

Một phần diện tích đất nông nghiệp đang khai thác ở mức độ khá cao, đặc biệt việc sử dụng một khối lượng lớn phân vô cơ và thuốc sát trùng, cộng với các chất thải rắn từ sinh hoạt đang là một trong những nguy cơ làm cho môi trường đất, nước và không khí của huyện ngày càng bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có một số vấn đề về môi trường đáng được quan tâm như sau:

– Vấn đề bức xúc nhất về môi trường sinh thái nhất hiện nay là sự giảm mạnh diện tích rừng sang làm nông nghiệp trong những năm qua, thậm chí trên cả những diện tích đất không thích hợp cho nông nghiệp như độ dốc lớn, tầng dầy đất mỏng.

– Môi trường khu vực nông thôn: Trong khu vực nông thôn nguồn nước sạch cho sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất là rất khan hiếm nhất là vào mùa khô. Rừng đã bị tàn phá dẫn đến khả năng giữ nước và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân không đảm bảo. Qua phân tích chất lượng nước mặt thấy rằng nước bị nhiễm các chỉ tiêu BOD5 và thành phần vi sinh E- Coli. Điều kiện vệ sinh môi trường hàng ngày của nhân dân còn nhiều bất cập, nhà vệ sinh nhiều nơi chưa có hoặc tạm bợ gây ô nhiễm môi trường, gia súc gia cầm nuôi thả rông làm ảnh hưởng đến nguồn nước mặt dùng cho sinh hoạt, các công trình chuồng trại chưa được bố trí hợp lý… nhiều tập tục lạc hậu trong đời sống không hợp vệ sinh vẫn tồn tại.

 – Môi trường đô thị: tại trung tâm huyện và thị trấn, rác thải sinh hoạt được thu gom khá tốt, đạt khoảng 75%, tuy nhiên rác thải chưa được xử lý đảm bảo gây ô nhiễm môi trường.

– Chất thải y tế tại trung tâm y tế các huyện, y tế xã chưa được xử lý triệt để sẽ là nguồn phát sinh ô nhiễm và dịch bệnh.

III. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ – XÃ HỘI

1. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

a) Tăng trưởng kinh tế.

Cùng với xu hướng phát triển chung của cả nước và tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây nền kinh tế của Krông Bông cũng có bước phát triển khả quan. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn trong năm 2010 đạt: 608,37 tỷ đồng ( giá hh ), tăng 1,9 lần so với năm 2005, tăng bình quân hàng năm 13,7%. Trong đó:

– Giá trị sản xuất Nông – lâm – ngư nghiệp bình quân hàng năm tăng 10,7%, vượt 2,2% so với kế hoạch.

– Giá trị sản xuất Công nghiệp – xây dựng bình quân hàng năm tăng 26,4%, vượt 6,4% so với kế hoạch.

– Giá trị sản xuất Thương mại dịch vụ bình quân mỗi năm tăng 10,4%, giảm 3,1% so với kế hoạch.

b) Cơ cấu kinh tế.

Cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm gần đây đã có bước chuyển dịch quan trọng, đúng hướng phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng dần, tỷ trọng nông lâm nghiệp thủy sản trong GDP giảm dần. So với năm 2005, năm 2010 tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp giảm 7 %; công nghiệp – xây dựng tăng 10,9 %; thương mại dịch vụ ngày càng phát triển tốc độ tăng trưởng 18,3% năm 2010 so với năm 2005, tỷ trọng trong cơ cấu ngành chiếm 25% tuy có phát triển  nhưng chưa bền vững, còn chậm so với tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của toàn tỉnh.

Krông Bông là huyện có nhiều lợi thế phát triển các loại hình dịch vụ, công nghiệp chế biến nông, lâm và thủy sản sẽ đảm bảo cho Krông Bông nhanh chóng có được cơ cấu kinh tế hiện đại.

2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế.

a) Khu vực kinh tế nông nghiệp.

Trong sản xuất nông nghiệp: Cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong 5 năm qua đều có những chuyển đổi theo hướng tích cực, phù hợp với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng; việc đầu tư thâm canh tăng vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chú trọng nên năng suất các loại cây trồng và vật nuôi tăng cao, đặc biệt về tổng diện tích các loại cây trồng ngày càng tăng tập trung chủ yếu vào chủ lực như: Giống lúa địa phương thay thế bằng giống lúa lai, lúa nhị hưu, ML48, cây ngô lai diện tích, sản lượng ngày càng tăng, cây sắn cao sản tăng về năng suất kể cả diện tích. Sản xuất trồng trọt có nhiều thuận lợi, đặc biệt kết quả sản xuất vụ đông xuân 2008- 2009 đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích 2.100 ha năm 2010 tăng 755 ha so với năm 2005, và sản lượng 11.340 tấn tăng 1,85 lần so với năm 2005, tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm 2010 là 27.268 ha tăng 1,22 lần so với năm 2005, trong đó diện tích cây hằng năm: 23.555 ha, cây lâu năm: 3.245 ha. Tổng sản lượng lương thực năm 2010 ước đạt 77.015 tấn tăng 1,26 lần so với năm 2005, đặc biệt đối với cây thuốc lá vàng sấy có thể nói năm 2009 là năm bà con nông dân được mùa, được giá, lợi nhuận thu được từ cây thuốc lá tăng cao, diện tích gieo trồng tăng 2,73 lần so với năm 2005.

Đối với ngành chăn nuôi: Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tục xảy ra, đặc biệt là dịch bệnh ở trâu bò. Tuy nhiên do có sự chủ động phòng, chống kịp thời nên ngành chăn nuôi của huyện ổn định và có bước phát triển khá, cùng với chăn nuôi hộ gia đình chăn nuôi trang trải được đầu tư mở rộng, năm 2010, tổng đàn gia súc: 87.450 con, tăng 1,61 lần, tổng đàn gia cầm 245.000 con, tăng 1,45 lần, sản lượng thịt hơi các loại tăng 2,04 lần so với  năm 2005. Kết quả chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong 5 năm qua đã tạo ra được sản phẩm hàng hóa có giá trị nhằm cải thiện được đời sống nhân dân và có thêm công ăn việc làm ổn định thu nhập. Công tác thủy lợi đã được quan tâm: Tổng vốn đầu tư cho nâng cấp, sửa chữa và làm mới các công trình thuỷ lợi trong 5 năm qua là 111,6 tỷ đồng, góp phần củng cố và nâng cao năng lực tưới. Công tác huy động ngày công lao động nghĩa vụ để thực hiện tu bổ, nạo vét kênh mương hàng năm cũng được chú trọng triển khai. Trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, quản lý bảo vệ rừng: Đã có nhiều cố gắng, công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán được tổ chức có kết quả. Trồng rừng tập trung trong 5 năm qua đều vượt kế hoạch giao, năm 2010 dự kiến đạt 400 ha /KH 350 ha vượt kế hoạch 14%,  công tác khoán quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng được chú trọng, ước tính năm 2010 đạt 700 ha tăng 2,33 lần so với năm 2005. Trồng cây phân tán năm 2010 ước tính thực hiện : 30.000 cây ( keo lai và xà cừ ) do chi cục lâm nghiệp tỉnh phối hợp  với hạt kiểm lâm huyện đầu tư giống cây con và hổ trợ công chăm sóc để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trồng phân tán trên nương rẫy. Tổng diện tích rừng trồng ước tính đến cuối năm 2010 đạt: 2.361 ha, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng lên 70,5%. Việc tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình những khu vực trọng điểm về khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy trái phép… Qua đó, đã phát hiện các hành vi khai thác, săn bắn, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản và động vật hoang dã, tiến hành xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Nhìn chung, khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của huyện mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế do điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nhưng trong những năm gần đây đã có những tiến bộ nhất định trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, việc bố trí cơ cấu mùa vụ tương đối phù hợp với điều kiện tự nhiên, bắt đầu hình thành các vùng chuyên canh. Trong tương lai một phần diện tích đất cho phát triển nông, lâm nghiệp nhất là sản xuất nông nghiệp của huyện bị thu hẹp do chuyển sang sử dụng vào các mục đích khác, khi đó bên cạnh việc khoanh định và duy trì một quỹ đất sản xuất nông nghiệp thì cần phải kết hợp với việc khai hoang, cải tạo, mở rộng diện tích; bố trí cơ cấu cây trồng vật, nuôi hợp lý,… nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị sản xuất, giữ vững ổn định sản lượng lương thực, tạo tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

b) Khu vực kinh tế công nghiệp.

– Về Công nghiệp: Giá trị sản xuất năm 2010 ước tính đạt 84,5 tỷ đồng (giá so sánh năm 94), tăng 4,56 lần so với năm 2005, tăng bình quân hàng năm 35,5%. Ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt được những kết quả rất khả quan, tuy nhiên đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, tự phát, qui mô nhỏ nên việc sử dụng máy móc thiết bị, kỷ thuật tiên tiến vào sản xuất còn ít, phần nào đã hạn chế đến sản lượng và chất lượng sản phẩm. Trong 5 năm qua UBND huyện đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh và đã có 3 doanh nghiệp đang triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, chủ yếu là khai thác đá Granit, chế biến đá ốp lát. Công ty chế biến tinh bột sắn, Công ty thuốc lá vàng sấy đã đi vào hoạt đông có hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm và thu nhập cho nhân dân địa phương.

Đặc biệt, huyện đang hoàn chỉnh các thủ tục lập dự án cụm công nghiệp tại xã Dang Kang nhằm khai thác các tiềm năng về công nghiệp trên địa bàn huyện.

– Về tiểu thủ công nghiệp: Nhìn chung trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, huyện đã hết sức chú trọng khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển. Tuy ở mức độ còn nhỏ bé, non yếu, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn. Nhưng ngành tiểu thủ công nghiệp đã mở mang được nhiều ngành nghề mới, giải quyết được việc làm và lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp.

c) Khu vực kinh tế dịch vụ.

Các ngành dịch vụ từng bước được mở rộng lĩnh vực hoạt động và chất lượng phục vụ được nâng cao. Tổng mức hàng hóa bán lẻ trên địa bàn ước năm 2010 là 475 tỷ đồng, tăng 2,31 lần so với năm 2005, mức tăng bình quân hàng năm 18,3%. Các  lĩnh vực về vận tải, bưu điện ngày càng được mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ. Khối lượng luân chuyển hàng hóa năm 2010 tăng 1,85 lần so với năm 2005; dịch vụ viễn thông được đầu tư mở rộng mạng lưới, 100% số xã, thị trấn có lưới điện thoại và bình quân có 66 máy/100 người dân. Hoạt động ngân hàng đã từng bước đáp ứng được nhu cầu vốn vay của nhân  dân địa phương để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, ngân hàng chính sách xã hội từ khi đi vào hoạt động đến nay đã góp phần cùng địa phương xóa đói giảm nghèo, cho vay các chương trình mục tiêu quốc gia, nhân dân sử dụng nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả. Đến hết năm 2009, số hộ được vay vốn dự kiến khoảng 1.579 hộ. Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động dịch vụ thương mại từng bước được củng cố phát triển. Mạng lưới chợ, cửa hàng, siêu thị…. được đầu tư, nâng cấp và khai thác có hiệu quả, bước đầu đã phục vụ tốt cho hoạt động thương mại. Trên địa bàn huyện hiện có 1 chợ trung tâm hoạt động ổn định, có vị trí thuận lợi phục vụ cung cấp hàng hóa tiêu dùng, nông sản…Tuy nhiên quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại. Các chợ ở trung tâm xã, thị trấn có quy mô nhỏ, chủ yếu là buôn bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.

Hoạt động du lịch mới có bước phát triển trong những năm gần đây và có tốc độ tăng trưởng khá. Số lượt khách du lịch hàng năm được tăng cao vào năm 2010, gấp 1,6 lần so với năm 2008, đạt tốc độ tăng bình quân 20,2%/năm, trong đó tăng trưởng số khách quốc tế đạt 33,6%/năm, khách nội địa 26,8%/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn huyện khá nhanh, đạt 23,3%/năm giai đoạn 2008-2010. Tuy nhiên, đầu tư cho phát triển du lịch của huyện chưa xứng với tiềm năng, không tăng đầu tư cho du lịch. Huyện chưa đầu tư xây dựng các khu du lịch  văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện và lợi thế trong phát triển các tuyến du lịch liên kết với các tuyến du lịch chính của thành phố Buôn Ma Thuột và vùng tỉnh Đắk Lắk nhằm thu hút khách du lịch đến với huyện.

3. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập.

a) Dân số.

– Về dân số: Theo kết quả thống kê, năm 2010 dân số trung bình của huyện Krông Bông có 88.520 người, tăng 1,05 lần so với năm 2005, bình quân tăng  1,1%/năm. Trong đó: Nội thị dân số 6.611 người (chiếm 7,83%), nông thôn dân số 81.909 người (chiếm 92,17%). Mật độ dân số bình quân toàn huyện 70,32người/km2, trong đó cao nhất là thị trấn Krông Kmar (1.185người/km2), thấp nhất là xã Yang Mao (11 người/km2). Số lao động được đào tạo trong 5 năm là 6.840 lao động. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như vay vốn hỗ trợ và giải quyết việc làm, các chính sách ưu đãi khác để phát triển sản xuất, trong 5 năm đã giải quyết việc làm cho 7.732 lao động.

Tốc độ tăng dân số tự nhiên giảm từ 3,34% năm 1995 xuống còn 1,98% năm 2010. Đây là một trong những thành công đáng ghi nhận của công tác quản lý và truyền thông dân số, tuy nhiên, đây vẫn là một tỷ lệ khá cao so với mức trung bình cả nước.

– Tăng dân số cơ học: Nằm trong một tỉnh vốn có tốc độ tăng dân số cơ học lớn nhất so với 61 tỉnh thành trong cả nước, bản thân huyện Krông Bông vốn là một huyện kinh tế mới nên trong những năm gần đây di dân tự do đến huyện đã tăng vọt và trở thành một vấn đề gây nhiều tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Di dân tự do đến huyện bắt đầu từ năm 1996 chủ yếu là người H’mông từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống tại các xã Cư Pui và Cư Drăm. Đến năm 2001 đã hình thành nên các điểm dân di cư tự do. Hiện cuộc sống của các hộ dân này đang gặp nhiều khó khăn. Việc ổn định cuộc sống cho số dân này là một việc làm cần thiết.

– Dân tộc: Theo số liệu cuộc tổng điều tra dân số 4/2009 cho thấy, toàn huyện có trên 16 dân tộc khác nhau, trong đó: người kinh chiếm trên 71%, các dân tộc còn lại chiếm 29%, gồm: người Ê đê 15,09%, người M’mông 6,39%, người H’mông 5,79%, người Mường 0,74%, người Tày 0,26%, các dân tộc còn lại 0,73%. Trình độ dân trí ở vùng đồng bằng dân tộc tại chỗ còn hạn chế nên công tác định canh định cư chưa vững chắc, tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhiều vùng đồng bằng còn thiếu đất và vốn để sản xuất.

b) Lao động và việc làm.

Tổng lao động xã hội trong độ tuổi lao động năm 2010 là 44.310 người, chiếm khoảng 50,11% dân số toàn huyện, trong đó: lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế 35.439 người, chiếm khoảng 92% tổng lao động xã hội. Cơ cấu sử dụng lao động của huyện trong những năm qua có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Tỉ trọng lao động ngành nông – lâm – ngư nghiệp giảm từ 92,79% năm 2000, xuống còn 90% năm 2010 tương ứng tỉ trọng lao động ngành công nghiệp – xây dựng tăng từ khoảng 1,94% lên gần 10%. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi cơ cấu lao động của Huyện diễn ra chậm, đến nay lao động nông – lâm nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng cao. Ngoài ra, vẫn còn một số lượng lớn lao động chưa có việc làm hoặc công việc thời vụ và tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn.

Trình độ chuyên môn của lao động: theo kết quả thống kê sơ bộ của Sở Khoa học công nghệ, lực lượng lao động dồi dào song có trình độ hạn chế, lao động chuyên môn với trình độ cao còn thiếu hụt rất lớn. Toàn huyện có khoảng 500 người có trình độ đại học và cao đẳng (tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục). Đây là một tỷ lệ thấp so với mức bình quân chung của toàn tỉnh và cả nước.

c) Mức sống dân cư.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách cụ thể, kịp thời, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương, đời sống người dân đã có nhiều tiến bộ, bộ mặt của nông thôn đã có nhiều thay đổi. Công tác xoá đói, giảm nghèo được triển khai thường xuyên đã góp phần không nhỏ trong việc giảm số lượng các hộ đói nghèo. Theo kết quả điều tra phân loại đời sống cộng đồng dân cư theo khu vực thì hiện nay toàn huyện được chia làm 3 khu vực :

– Khu vực I : bao gồm thị trấn Krông Bông, xã Khuê Ngọc Điền.

– Khu vực II : có 8 xã gồm : Ea Trul, Hòa Sơn, Hòa Tân, Cư Kty, Hòa Thành, Hòa Lễ, Hòa Phong, Dang Kang.

– Khu vực III – Vùng khó khăn: gồm có các xã : Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui và 1 Buôn Ngô A (Hòa Phong), Yang Reh.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Krông Bông là 33,53%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn tỉnh (12%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở 3 xã khu vực II là cao nhất (xã Cư Pui là 69,18%, Cư Drăm là 55,01%, Yang Mao là 49,52%). Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực I là thấp nhất : xã Khuê Ngọc Điền là 12,84%. Như vậy nhìn tổng thể hiện nay mức sống của nhân dân trong huyện còn rất nhiều khó khăn so với các huyện khác trong tỉnh và mặt bằng chung của các nước. Các xã vùng sâu vùng xa trong huyện thì lại càng khó khăn hơn. Do đó, trong những năm tới cần đầu tư phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế – xã hội nhằm rút ngắn khoảng cách về đời sống và tránh tụt hậu xa hơn so với các vùng trong toàn tỉnh.

d) Các chính sách xã hội.

– Về công tác xóa đói giảm nghèo: Được xác định là vấn đề chiến lược nên công tác xóa đói giảm nghèo được Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, công tác giảm nghèo đã thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp dân cư, các phong trào “Ngày vì người nghèo” đã được sự giúp đở các tổ chức xã hội. Qua 5 năm, trên cơ sở thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm từng bước xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm rõ rệt. Năm 2010, tổng số hộ nghèo trên địa bàn ước tính là 2.562  hộ, chiếm 14,39% so với tổng số hộ toàn huyện, giảm 17,1% so với năm 2005; tổng số hộ thoát nghèo trong 5 năm: 5.230 hộ trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.517 hộ.

4. Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn.

a) Thực hiện phát triển đô thị.

Krông Bông có 1 thị trấn duy nhất là Krông Kmar diện tích 558,00 ha, với chức năng vai trò là trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội của huyện nên thị trấn không ngừng được đầu tư phát triển, mở rộng theo các trục giao thông, bộ mặt kiến trúc đô thị được chỉnh trang, cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng, vị trí đô thị ngày càng được khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Tuy nhiên trong quá trình phát triển và sử dụng đất đô thị của huyện vẫn còn nhiều tồn tại, đó là:

– Hình thái sử dụng đất mang tính chất đô thị hiện đại mới chỉ thể hiện ở một khu vực trung tâm và vẫn còn mang dáng dấp nông thôn.

– Cơ sở kinh tế – kỹ thuật tạo động lực phát triển đô thị cũng như cơ sở hạ tầng trong các đô thị còn yếu kém, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn phát triển bền vững của đô thị trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

– Quá trình phát triển chưa đồng bộ trong quy hoạch mở rộng đô thị và đô thị hoá các khu dân cư nông thôn.

– Việc phân bố dân cư đô thị và sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích xây dựng đô thị còn nhiều bất cập, cần có quy hoạch kịp thời.

– Phần lớn nhà ở nhân dân vẫn là nhà cấp bốn, chưa được xây dựng kiên cố. Các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng và văn hoá cho nhân dân còn thiếu. Tốc độ đô thị hoá còn chậm, hạ tầng kỹ thuật sơ sài chưa tương xứng với tầm vóc của thị trấn.

– Chưa giải được yêu cầu đảm bảo tốt về môi trường của đô thị.
Trong giai đoạn tới, để hệ thống đô thị của huyện thực sự hoàn chỉnh xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế – văn hoá – xã hội của các cấp hành chính, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng, khu vực ra xung quanh cần thiết phải xây dựng, mở rộng quy mô các đô thị, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải…), các công trình phúc lợi công cộng,…

b) Thực trạng phát triển khu dân cư nông thôn.

Krông Bông là huyện có nhiều dân tộc anh em sinh sống nên cũng hình thành nhiều hình thái dân cư khác nhau, phổ biến là hình thái thôn, buôn với 81.909 người chiếm 92,17% dân số toàn huyện. Do điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, lịch sử để lại mà các điểm dân cư nông thôn cũng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như:

– Hình thức điểm dân cư tập trung: chủ yếu là những điểm dân cư phát triển như trung tâm xã, theo tuyến chủ yếu phân bố theo trục đường giao thông.

– Ngoài các điểm dân cư tập trung và theo tuyến, các điểm dân cư theo nông thôn còn lại chủ yếu nằm dưới dạng phân tán. Các điểm dân cư nông thôn ở huyện Krông Bông đời sống còn thấp, điều kiện xã hội và kỹ thuật hạ tầng chưa phát triển. Việc xây dựng phát triển còn chậm và mang tính tự phát, chưa có sự quản lý.

Những năm qua, việc thực hiện các chương trình quốc gia như chương trình định canh định cư, chương trình xóa đói giảm nghèo, dự án xây dựng khu trung tâm cụm xã, chương trình 135, 134… đã gắn việc sắp xếp ổn định dân cư với đất sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong nông thôn. 
Đến nay, các công trình công cộng trên địa bàn các xã như: trụ sở hành chính, trường học, trạm y tế, chợ,…chưa được xây dựng kiên cố hoặc còn ở tạm. Đến nay, nhiều vùng nông thôn đã được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhiều khu dân cư có quy mô và mật độ dân số lớn, có nhiều công trình xây dựng và nhà ở kiên cố, hoạt động kinh tế xã hội đang dần mang tính đô thị hoá, năm 2010 đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia, đường ô tô vào tới trung tâm và phần lớn các ấp, 100% số xã có điện thoại.
Nhìn chung các khu dân cư nông thôn của huyện chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu nhiều điều kiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn chậm và chưa đồng bộ, chưa có sự quản lý chặt chẽ nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Việc bảo vệ môi trường ở các khu vực nông thôn có nhiều hạn chế, chất thải, rác thải sinh hoạt chủ yếu vẫn tự phát theo phương pháp truyền thống, chưa có quy định cụ thể gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất, không khí,…

c) Định canh định cư, kinh tế mới, ổn định dân di cư tự do.

Trong chương trình định canh định cư, các thôn buôn được chuyển về sống tập trung gần trung tâm xã, diện tích đất từng thôn buôn bị giảm đi. Theo truyền thống, tuy chưa được công nhận chính thức nhưng giữa các thôn buôn luôn có sự ngầm thỏa thuận ranh giới với nhau về khu đất ở và đất canh tác. Xét chung trên toàn xã hoặc khu vực, diện tích đất nông nghiệp sẽ tạo đủ cho các hộ dân canh tác. Tuy nhiển do truyền thống trên, do phân bố không đều, do tình trạng xâm canh giữa các thôn buôn nên hiện còn nhiều hộ dân đang thiếu đất canh tác. Trong những năm gần đây, do thay đổi khí hậu, mùa mưa kéo dài, nước sông Krông Bông dâng cao đã gây lũ lụt, ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt của một bộ phận cộng đồng dân cư dọc sông, trong đó có một số khu vực ảnh hưởng nặng như Thôn 3 – Hòa Lễ, Thôn 2 – Ea Trul, Thôn 5 – Hòa Tân với tổng dân số khoảng 300 hộ (1.600 khẩu). Hiện huyện đã có kế hoạch xây dựng các vùng quy hoạch để đưa dân cư đến khu vực an toàn, ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất.

Ngoài ra, việc triển khai những chương trình thiết thực như dự án 327, dự án xây dựng trung tâm cụm xã, dự án 135… dã góp phần ổn định dân cư, hạn chế tình trạng du canh du cư, di dân tự do, bước đầu làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

5. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng.

a)Thực trạng về giao thông.

Trong 5 năm qua huyện Krông Bông đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn II và một số dự án đóng trên địa bàn. Tại nhiều xã đường liên xã và liên thôn, liên xóm được nâng cấp cải tạo, tạo dựng một diện mạo mới cho vùng nông thôn và tạo thuận lợi lớn cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

* Tính đến năm 2010 toàn huyện có khoảng 420 km giao thông đường bộ, gồm có các loại đường sau:

+ Quốc lộ: Tuyến quốc lộ 27 là tuyến đường trục quan trọng của tỉnh Đắk Lắk, nối Đắk Lắk với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Duyên Hải Miền Trung. Chiều dài đoạn chạy qua địa phận Huyện 10,5km. Tuyến đường này được nâng cấp, trải nhựa đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi. Chất lượng lưu thông tốt.

+ Đường tỉnh: Có 2 tuyến tỉnh lộ quan trọng là Tỉnh lộ 9 và tuyến Tỉnh lộ 12. Các tuyến đường này chạy xuyên suốt, nối liền các xã và tạo thành trục giao thông huyết mạch trong huyện.

– Tỉnh lộ 9: Tuyến đường nối liền giữa tỉnh lộ 12 và quốc lộ 26 (Ea Kar), tạo tuyến huyết mạch nối liền giữa các vùng cây công nghiệp Ea Kar – Krông Pách – Krông Bông. Bắt đầu từ thị trấn Krông Kmar, chạy qua các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân, Cư Kty, Dang Kang. Tổng chiều dài đoạn chạy qua huyện 14,9km, hiện là đường nhựa nhưng nhiều chỗ đã xuống cấp ảnh hưởng đến việc luu thông, do dó trong thời gian tới cần nâng cấp, sửa chữa.

– Tỉnh lộ 12: Bắt đầu từ QL 27 – xã Ea Trul, chạy xuyên suốt qua huyện và tạo thành tuyến giao thông huyết mạch Đông – Tây. Chiều dài toàn tuyến 53,7km. Bắt đầu từ QL 27 đến thị trấn Krông Kmar tổng chiều dài là 15,1km hiện là đường nhựa đạt tiêu chuẩn dường cấp IV miền núi, chất lượng lưu thông trên đoạn này rất tốt. Đoạn còn lại từ thị trấn qua các xã Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao hiện là đường nhựa, có đoạn được đổ bê tông, hệ thống cầu cống đang được xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh nên lưu thông trên đoạn đường cũng rất thuận tiện.

+ Giao thông nông thôn: mạng giao thông nông thôn bao gồm: đường huyện, đường liên xã và đường buôn thôn, giao thông nội đồng. Bố trí mạng đường giao thông tương đối hợp lý. Đường thôn buôn chủ yếu là đường đất, hệ thống các công trình vượt sông, suối chưa hoàn chỉnh nên lưu thông vào mùa mưa còn nhiều khó khăn.

– Đường huyện: Có 10 tuyến, với tổng chiều dài 65,8km. Đây là các trục giao thông chính nối liền trung tâm các xã. Hầu hết các tuyến đường đã được trải nhựa, bê tông nhưng nhiều chỗ đã xuống cấp do đó trong thời gian tới cần nâng cấp, sửa chữa để thuận tiện cho việc lưu thông.

– Đường xã: Tổng chiều dài khoảng 342km, tuy nhiên ngoài các tuyến giao thông chính là đường nhựa, bê tông chủ yếu là đường đất, ngắn, xuống cấp, do đó việc lưu thông còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt vào mùa mưa.

* Đường thủy: Giao thông đường thủy chếm tỷ trọng nhỏ trong vận tải của Huyện. Sông Krông Bông và sông Krông Ana là tuyến giao thông thủy nối 7 xã, thị trấn trong Huyện và với bên ngoài, đoạn nằm trong Huyện dài 57km, khả năng lưu thông thuyền trọng tải dưới 5 tấn, lưu thông vào mùa khô hạn chế.

b) Thủy lợi và nước sinh hoạt.

Với những đặc thù về địa hình, nguồn nước mặt, Krông Bông có những thuận lợi để xây dựng các công trình thủy lợi. Hiện tại trên địa bàn Huyện có 21 công trình thủy lợi, trong đó có khoảng 8 công trình thủy nông và 13 công trình tiểu thủy nông, chủ yếu tưới tiêu cho cây hàng năm (lúa màu). Tuy các công trình đã được xây dựng với số lượng khá nhiều, nhưng do kinh phí đầu tư còn hạn chế, chất lượng thiết kế cũng như thi công còn nhiều tồn tại, hệ thống công trình lại chưa được xây dựng hoàn chỉnh, nhất là phần kênh mương chủ yếu là kênh đất lại đi qua vùng địa hình, địa chất phức tạp, bị bồi lấp, thu hẹp và sạt lở qua quá trình sử dụng làm hạn chế khả năng tưới tiêu. Tổng công suất thiết kế các công trình tưới tiêu cho khoảng 1,400ha lúa màu, nhưng thực tưới chỉ khoảng gần 1.000ha.

Thủy lợi là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, sản lượng, khả năng tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu của cây trồng. Việc chú trọng hơn nữa vào công tác duy tu, bảo dưỡng, đầu tư nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi kết hợp cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và công nghiệp là một công việc quan trọng. Vì vậy trong thời gian tới, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về nước sạch sinh hoạt cho đồng bào, huyện cần tiếp tục quan tâm xây dựng các hồ chứa nước nhằm dự trữ nguồn nước trong mùa mưa, xây dựng các bể chứa nước đầu nguồn, bể lọc, bể áp lực sau đó dẫn nước về các xóm thông qua hệ thống ống dẫn. Đây là những việc làm cần thiết và cấp bách của Đảng bộ và chính quyền huyện Krông Bông trong tương lai gần nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.

– Đối với thoát nước mưa: Nước mưa chủ yếu thoát theo địa hình dọc theo các mương hở theo đường giao thông, xả vào các tụ thủy và suối nhỏ. Khu vực trung tâm huyện đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung bằng cống BTCT. Hệ thống thoát nước của huyện chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại và tương lai, hệ thống cống dọc quốc lộ 27 có tiết diện nhỏ làm cho đường giao thông dễ bị ngập úng, hư hỏng, xuống cấp.

– Đối với hệ thống thoát nước thải: Khu vực trung tâm huyện có hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung. Nước thải sinh hoạt của nhà ở và các công trình được xử lý cục bộ qua các bể tự hoại trước khi thoát vào hệ thống cống chung và thoát ra môi trường. Huyện chưa có trạm xử lý nước thải. Ở các khu vực khác, nước thải thoát theo địa hình tự nhiên và tự thấm xuống đất, gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

c) Về giáo dục và đào tạo.

Công tác giáo dục – đào tạo luôn là một trong những lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và nhân dân trong toàn huyện được quan tâm hàng đầu. Trong những năm qua, cơ sở trường lớp, trang thiết bị dạy và học thường xuyên được đầu tư nâng cấp. Phong trào khuyến học ngày càng được mở rộng trên địa bàn. Hàng năm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng đáng kể.

Đặc biệt là đối với con em đồng bào dân tộc thiểu. Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp các cấp năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2005-2006 toàn huyện có 24.702 học sinh các cấp, đến năm học 2008-2009 trên địa bàn huyện có 23.461 học sinh các cấp, 7.986 học sinh là người dân tộc thiểu số (chiếm  31,25%). Phân ra các bậc học gồm: bậc tiểu học 10.380 học sinh,  trung học cơ sở  6.917 học sinh, trung học phổ thông 3.008 học sinh. Đặc biệt năm học 2009 – 2010 với chủ đề “ Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Nhìn chung, sự nghiệp giáo dục – đào tạo trên địa bàn huyện trong những năm qua đã từng bước xã hội hóa, không chỉ phát triển nhanh về cơ sở trường lớp mà chất lượng giáo dục cũng đã có những bước tiến đáng kể. Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, chiếm tỉ lệ trên 95%, tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 0,5%, bình quân 3 người dân có 1 người đi học, tỷ lệ người mù chữ còn dưới  0,7%.

d) Về y tế và kế hoạch hóa gia đình.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn được triển khai thực hiện, chất lượng các dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt công tác khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng. Đến nay, 100% thôn buôn có cán bộ y tế và 14/14 Trạm y tế có Bác sĩ; việc khám chữa bệnh cho nhân dân được chú trọng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể, tỷ lệ tử vong thấp, dịch bệnh không xảy ra; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin đạt trên 90%,…Công tác kế hoạch hóa gia đình được triển khai sâu rộng trong đại bộ phận dân cư. Do đó, đã đạt đựơc những kết quả nhất định ( Tỷ suất sinh thô giảm 0,3%0). Mức giảm tỷ lệ sinh năm 2010 xuống còn 0,55% (năm 2005 là 0,90%), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,98% năm 2005 xuống còn 1,68% năm 2010.

đ) Về Văn hóa – Thông tin và thể thao.

Trong 5 năm qua, hoạt động ngành văn hóa thông tin có những bước phát triển tích cực, công tác tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị được triển khai rộng khắp và có hiệu quả, tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, Đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cho các phòng ban chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền cổ động, triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn trong năm và các hội thao văn hoá các dân tộc trên địa bàn hàng năm. Công tác xây dựng thôn buôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa cũng được đặc biệt chú trọng. Dự kiến đến cuối năm 2010, trên toàn huyện có 75 thôn, buôn đạt tiêu chuẩn thôn, buôn văn hóa; 13.000 hộ gia đình được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, hiện nay đã có 11/14 xã, thị trấn có bưu điện văn hóa xã. Trong các năm, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đã đầu tư cho huyện hệ thống phát thanh tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt là mạng lưới truyền thanh các cơ sở của xã, công tác phát thanh truyền hình cũng được chú trọng đúng mức và đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của nhân dân. Toàn huyện đã có 2 trạm đài phát sóng truyền hình, 100% dân số được xem truyền hình, mạng lưới Bưu điện cũng đã được phủ đến 100% số xã, thị trấn, đáp ứng từng bước nhu cầu về thông tin liên lạc của nhân dân và phục vụ cho sự nắm bắt thông tin chỉ đạo của các cấp các ngành trong huyện.

e) Nước sạch nông thôn.

Việc cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư chưa được quan tâm, do hạn hẹp về kinh phí nên trong một thời gian dài chương trình nước sạch sinh hoạt cho dân chưa được chú trọng. Hầu hết nhân dân trong vùng sử dụng nước giếng. Tại một số vùng trong huyện, tại xã vùng sâu vùng xa, từ năm 1999, với sự đầu tư từ các chương trình, dự án tài trợ nên đã có một số công trình cung cấp nước sạch cho dân, song do nguồn vốn đầu tư không đáng kể nên tỷ lệ người dân được hưởng lợi ích không cao. Đến năm 2010, trên địa bàn huyện có 97,66% người dân dùng nước sinh hoạt từ giếng đào; 1,1% dừng nước giếng khoan do UNICEF tài trợ 0,7% sử dụng công trình cấp nước tập trung và 42,8% sử dụng nguồn nước khác. Kết quả điều tra mới đây cho thấy trên địa bàn huyện, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 28,5%, thấp hơn mức trung bình của tỉnh là 33,2%.

Trong thời gian tới, để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu về nước sạch sinh hoạt cho đồng bào, huyện cần tiếp tục quan tâm xây dựng các hồ chứa nước nhằm dự trữ nguồn nước trong mùa mưa, xây dựng các bể chứa nước đầu nguồn, bể lọc, bể áp lực sau đó dẫn nước về các xóm thông qua hệ thống ống dẫn. Đây là những việc làm cần thiết và cấp bách của Đảng bộ và chính quyền huyện Krông Bông trong tương lai gần nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt,góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc.

g) Hệ thống mạng lưới điện.

Hệ thống điện lưới quốc gia được chú trọng đầu tư, đến nay 13/13 xã đã có hệ thống điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và một số thôn. Nâng số hộ sử dụng điện lưới quốc gia của toàn huyện từ 41% năm 2001 lên 100% năm 2010. Trong những năm qua huyện đã có nhiều chính sách kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực khai thác thủy điện, hiện trên địa bàn huyện có 1 nhà máy thủy điện tại khu vực thác Krông Kmar tại thị trấn nhưng công suốt vẫn còn thấp. Hiện nay, huyện đang sử dụng điện từ nguồn lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp 15KV Krông Bông với công suất 6.300KVA. Tính đến năm 2010, mạng lưới điện quốc gia đã đến được trung tâm của 13/13 xã, thị trấn qua 17 trạm hạ áp thế với tổng công suất 3.630KVA.

h) Bưu chính – viễn thông.

Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã có đường dây điện thoại cố định, các xã, thị trấn đã có trạm bưu điện văn hóa. Hiện nay huyện được trang bị 1 tổng đài điện tử với dung lượng 512 số, bình quân 65,30 máy điện thoại/100 dân. Các thuê bao điện thoại tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn (trên 50%). Hiện ngành bưu điện đang có kế hoạch lắp đặt thêm tổng đài để có thể tăng thêm dung lượng.

i) Hệ thống cung cấp xăng dầu.

Krông Bông hiện chỉ có 2 cửa hàng cung cấp xăng dầu. Từ thực trạng trên có thể nhận thấy ngành xăng dầu của Krông Bông chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc ở các xã, việc cung cấp đầy đủ nguồn cung xăng dầu trên địa bàn đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân địa phương. Do vậy, trong thời gian tới việc mở rộng, duy trì các điểm bán xăng dầu tại các địa phương là rất cần thiết, nên huy động thêm các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu bên cạnh các cửa hàng xăng dầu quốc doanh.

k) An ninh – quốc phòng.

Nhìn chung trong 5 năm qua, công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững. Huyện luôn xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng cũng cố AN- QP là trọng yếu, cho nên UBND huyện  đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và các tổ chức quần chúng phối hợp các đơn vị cơ sở tổ chức tốt công tác dân vận; tăng cường công tác kiểm tra hộ khẩu. Nhờ đó, đến nay tình hình an ninh chính trị trên địa bàn luôn ổn định, các vụ việc vi phạm trật tự an toàn xã hội ở các xã làm cũng đã có chiều hướng giảm.

Về công tác quân sự địa phương: Thường xuyên xây dựng, làm tốt công tác động viên tuyển quân; thực hiện kế hoạch tập huấn, huấn luyện hàng năm đạt kết quả khá. Củng cố kiện toàn biên chế lực lượng dân quân tự vệ ở 14 xã, thị trấn và trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn; tổ chức tốt việc diễn tập cơ chế 02 của Bộ chính trị ở huyện và các xã, thị trấn. Về công tác tuyển  quân, hàng năm đều hoàn thành 100% chỉ tiêu trên giao. Ngoài ra, đã tổ chức các đợt đón nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và làm tốt công tác hậu phương quân đội.Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân dân được tăng cường. An ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

VI. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

– Hình thành được một Cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động trong khu vực.

– Lập được kế hoạch khai thác và sử dụng quỹ đất một cách hợp lý, tạo ra một môi trường không gian, kiến trúc cảnh quan mới phù hợp với sự phát triển chung trong khu vực, thu hút các nguồn vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

– Phục vụ cho sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và tăng trưởng kinh tế- xã hội tại địa phương và khu vực;

– Góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại và quản lý tiên tiến vào sản xuất: San ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, hệ thống điện phục vụ sản xuất và chiếu sáng, thoát nước

– Tạo điều kiện áp dụng các cơ chế, chính sách mới trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

– Khu đất được qui hoạch xây dựng cụm công nghiệp thuộc xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Giáp QL26 về phía Bắc. Cách trung tâm thị trấn Phước An 4km về phía Đông và thành phố Buôn Ma Thuộc 26km về phía Tây.

* Các đơn vị hành chính: 

Huyện Krông Bông bao gồm 1 thị trấn, 13 xã: 

1.                Thị trấn Krông Kmar. 

2.                Xã Hòa Sơn. 

3.                Xã Hòa Lễ. 

4.                Xã Hòa Phong. 

5.                Xã Hòa Thành. 

6.                Xã Hòa Tân. 

7.                Xã Dang Kang. 

8.                Xã Yang Reh. 

9.                Xã Yang Mao. 

10.             Xã Cư Đrăm. 

11.             Xã Khuê Ngọc Điền. 

12.             Xã Ea Trul.

13.             Xã Cư Kty.

14.             Xã Cư Pui. 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây