Giới thiệu khái quát huyện Mường Chà

Giới thiệu khái quát huyện Mường Chà

Giới thiệu khái quát huyện Mường Chà

1. Lịch sử hình thành:

Thời Hùng Vương, nước Văn Lang được chia làm 15 bộ thì Mường Chà thuộc bộ Tân Hưng, thời Lý thuộc Châu Tây, thời Trần thuộc Châu Ninh Viễn, lộ Đà Giang. Thời Lê thuộc trấn Gia Hưng

Năm 1463, thị trấn Hưng Hóa được thành lập gồm 3 phủ: Gia Hưng, Quy Hóa, An Tây. Phủ An Tây có 10 châu, Mường Chà lúc đó thuộc Châu Lai của phủ Tây An.

Năm 1841, nhà Nguyễn lấy đất các Châu Ninh Biên, Tuần Giáo và Châu Lai thành lập phủ Điện Biên. Châu Lai thuộc phủ Điện Biên.

Năm 1858 Thực dân Pháp xâm lược nước ta đến năm 1890 Châu Lai bị chiếm đóng.
Năm 1909, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách các châu: Quỳnh Nhai, Điện Biên, Tuần Giáo, Châu Lai, Luân Châu thành lập tỉnh Lai Châu.

Ngày 12-12-1953, huyện Châu Lai và thị trấn Lai Châu được bộ đội chủ lực giải phóng trong chiến cuộc Đông xuân 1953-1954. Đồng bào các dân tộc của huyện  được hưởng tự do, hòa bình. Do địa bàn rộng, cán bộ ít nên Ban cán sự Đảng liên huyện Tuần – Lai không đảm đương được địa bàn mới, do đó Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu quyết định tách Ban cán sự Đảng liên huyện Tuần – Lai thành Ban cán sự Đảng huyện Tuần Giáo và Ban chi ủy huyện Mường Lay. Từ đây huyện Châu Lai được đổi tên là huyện Mường Lay.

Ngày 8-10-1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 189-CP về thành lập thị xã Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Thị xã Lai Châu được thành lập trên cơ sở thị trấn Lai Châu, xã Lay Cang, xã Lay Tở và bản Nậm Cản.

Ngày 23-02-1977, Phủ Thủ Tướng ra Quyết định số 612-CP về việc thành lập thị trấn Mường Lay, thuộc huyện Mường Lay, nâng một số đơn vị hành chính của huyện lên 12 xã và 01 thị trấn. Ngày 28-4-1997, Chính phủ ra Nghị định số 40-CP với nội dung: Giải thể thị trấn Mường Lay cũ, giao toàn bộ diện tích gồm 827,5 ha và 879 nhân khẩu của thị trấn Mường Lay cũ cho xã Lay Nưa quản lý. Thành lập thị trấn Mường Lay mới trên cơ cở diện tích tự nhiên và nhân khẩu của bản Na Pheo (xã Mường Mươn) cùng với nhân khẩu của thị trấn Mường Lay cũ chuyển về. Giao xã Mường Mươn của huyện Điện Biên cho huyện Mường Lay quản lý.

Ngày 26-5-1997, Chính phủ ra Nghị định số 52-CP về thành lập xã Si Pa Phìn thuộc huyện Mường Lay trên cơ sở diện tích và nhân khẩu của xã Chà Nưa.

Theo Nghị định số 08/2002/NĐ-CP, ngày 14-1-2002 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai xã Nà Hỳ và xã Chà Cang của huyện Mường Lay được cắt chuyển sang huyện Mường Nhé. Huyện Mường Lay còn lại 14 đơn vị hành chính trực thuộc: Lay Nưa, Mường Tùng, Chăn Nưa, Nậm Hàng, Pú Đao, Pa Ham, Hừa Ngài, Huổi Lèng, Sá Tổng, Mường Mươn, Chăn Nưa, Chà Tở, Si Pa Phìn và thị trấn Mường Lay.

Từ ngày 21 đến 26-11-2003, kỳ họp thứ 4 Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 22 về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được tách thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Huyện Mường Lay là một trong 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên.

Ngày 2-3-2005, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 25/2005/NĐ-CP về việc đổi tên huyện Mường Lay và thị trấn Mường Lay thành huyện Mường Chà và thị trấn Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Huyện Mường Chà gồm có 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: Mường Tùng, Sá Tổng, Pa Ham, Hừa Ngài, Huổi Lèng, Chà Nưa, Chà Tở, Si Pa Phìn, Mường Mươn và thị trấn Mường Chà.

Ngày 14-11-2006, Chính phủ ra Nghị định số 135/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, huyện; thành lập xã. Theo Nghị định này, huyện Mường Chà thành lập thêm 5 xã: Na Sang, Sa Lông, Ma Thì Hồ, Phìn Hồ, Nậm Khăn. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Mường Chà có 15 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm các xã: Mường Tùng, Sá Tổng, Pa Ham, Hừa Ngài, Huổi Lèng, Chà Nưa, Chà Tở, Si Pa Phìn, Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Ma Thì Hồ, Phìn Hồ, Nậm Khăn và thị trấn Mường Chà.

Trải qua những tháng năm thăng trầm của lịch sử, địa danh Lai Châu – Mường Lay – Mường Chà vẫn mãi mãi trường tồn.

 2. Vị trí địa lý:

Mường Chà là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Điện Biên.
Phía Bắc giáp thị xã Mường Lay;
Phía Nam giáp huyện Điện Biên;
Phía Đông giáp huyện Tủa ChùaTuần Giáo;
Phía Tây giáp huyện Mường Nhé;
Phía Tây Nam giáp với cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Mường Chà có 6 xã biên giới với đường biên giới Việt – Lào dài 56 km. Diện tích tự nhiên 1.177,17 km, tổ chức hành chính gồm có 14 xã và 01 thị trấn với, các xã đều là xã vùng sâu, vùng cao giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán.

Mường Chà chủ yếu là núi cao với độ dốc từ 400 – 600, độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 350-1.500m, nghiêng dần theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Có nhiều lòng chảo, nhìn chung mức độ chênh lệnh địa hình lớn.

3. Khí hậu thủy văn:

Mường Chà nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh, mưa ít, mùa hạ nóng và mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình trong năm là 220C-25oC. Lượng mưa trung bình cả năm là 2.432 mm. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 9 với đặc trưng là nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, có khí hậu lạnh, mưa ít.

Địa hình Mường Chà nằm trong phạm vi đầu nguồn của lưu vực sông Đà, bao gồm một số hệ thống sông suối chính: sông Nậm Mức, suối Nậm Lay…Hệ thống sông suối dày đặc của Mường Chà có nhiều tiềm năng về thủy lợi và thủy điện, là điều kiện để khai thác phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp.

4. Dân số lao động:

 Tổng dân số trung bình toàn huyện năm 2008 là: 49.327 người, có 13 dân tộc khác nhau, trình độ dân trí không đồng đều. Do đặc điểm đặc trưng của huyện miền núi nên mật độ dân cư của huyện bố trí không đồng đều. Vùng cao bà con dân tộc Mông sinh sống do đặc trưng canh tác nên đồng bào sống không tập trung. Vùng thấp quần thể dân cư của dân tộc Thái tập trung và đông đúc hơn, do tập quán canh tác nên đồng bào sống chủ yếu ven sông suối và những bãi đất bằng phẳng. Vì vậy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vẫn được duy trì và thường xuyên trau luyện. Tuy có phong tục tập quán khác nhau song các dân tộc của huyện Mường Chà đều có chung đặc điểm đó là có tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường dũng cảm trong đấu tranh cách mạng, có tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.

Nguồn nhân lực dồi dào tổng số người trong độ tuổi lao động của huyện năm 2008 là: 30.259 người. Nhưng do trình độ dân trí không đồng đều và chủ yếu là lao động nông nghiệp Vì vậy cần được quan tâm của các cấp ngành liên quan về công tác đào tạo ngắn hạn cho lực lượng lao động này để người lao động tin tưởng làm chủ tương lai trong lao động sản xuất làm giàu cho bản thân và cho xã hội.
 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây