Giới thiệu khái quát huyện Nghĩa Đàn

Giới thiệu khái quát huyện Nghĩa Đàn

Giới thiệu khái quát huyện Nghĩa Đàn

Nghĩa Đàn thuộc vùng trung du miền núi, ở về phía Bắc – Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có toạ độ từ 1050 15’ đến 1050 30’ kinh độ Đông và từ 190 13’ đến 190 33’ vĩ độ Bắc, phía Bắc giáp huyện Như Xuân (Thanh Hoá), phía Nam giáp huyện Tân Kỳ, phía Đông giáp huyện Quỳnh Lưu, phía Tây giáp huyện Quỳ Hợp, và Quỳ Châu. Nghĩa Đàn có lãnh thổ trải rộng theo hướng Đông – Tây (từ khe Đổ đến Truông Rếp) dài 26 km và theo hướng Bắc – Nam (từ Làng Tra xã Nghĩa Lâm đến cuối xã Nghĩa Khánh) dài 30 km với tổng diện tích hơn 752,68 km2. Với vị trí địa lý của mình, huyện Nghĩa Đàn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Sau khi chia tách thị trấn Thái Hoà và 7 xã vùng phụ cận để thành lập thị xã Thái Hoà, Nghĩa Đàn là một huyện miền núi phía Tây – Bắc tỉnh Nghệ An với diện tích tự nhiên 61.754 ha, trong đó một diện tích lớn là đất đỏ ba gian và đất lâm nghiệp phù hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày và phát triển kinh tế. Với dân số gần 13 vạn người và 24 đơn vị hành chính cấp xã, có đường quốc lộ 48,quốc lộ 15A và đường Hồ Chí Minh đi qua thuận lợi cho việc phát triển, giao thương và hội nhập kinh tế, đồng thời khi tuyến đường Thái Hoà qua Nghĩa Đàn đến cảng Đông Hồi (Quỳnh Lưu) xây dựng xong sẽ rất thuận lợi cho Nghĩa Đàn và các huyện trong vùng vận chuyển hàng hoá qua lại theo đường biển. Trong lòng đất chứa nhiều đá Bazan với số lượng hàng trăm triệu m3 phục vụ cho sản xuất xi măng và xây dựng các công trình thuỷ điện theo công nghệ mới. Hệ thống sông ngòi và hồ đập của Nghĩa Đàn với tổng trữ lượng nước khá lớn: sông Hiếu chảy dọc chiều dài huyện và hơn 100 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có hồ Khe Đá, 15 triệu m3, hồ Sông Sào 50 triệu m3, không chỉ phục vụ tốt cho việc tưới các loại cây trồng mà đang tạo ra vùng sinh thái tốt và mở ra 1 hướng du lịch sau này…

Nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ – một trong ba cực tăng trưởng chính của tỉnh được xác định từ nay đến năm 2020 – từ lâu Nghĩa Đàn đã được xem là một trong những trọng điểm kinh tế của tỉnh, nhất là về tiềm năng phát triển nông nghiệp. Mặc dù sau khi chia tách để thành lập thị xã Thái Hoà, có những lợi thế không còn ở huyện, nhưng Nghĩa Đàn vẫn còn những ưu thế không thay thế. Vẫn là huyện có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trông chiến lược với quy quy mô lớn, tập trung của tỉnh: 4.950 ha cao su, 1.000 – 1.500 ha cà phê , 1.000 – 1.500 ha cam tập trung và 10.000 ha mía nguyên liệu.

Nghĩa Đàn còn là huyện có dân cư, lao động dồi dào, đa dạng, có kinh nghiệp sản xuất từ các nông trường cũ; cơ sở hạ tầng đang được đầu tư và nâng cấp, thị trường tiêu thụ hàn hoá dồi dao, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

1. Đất:

Đất đai Nghĩa Đàn rất tốt, màu mỡ dễ bị xói mòn về mùa mưa, khô hạn về mùa nắng. Trước khi chia tách, trong tổng diện tích trên 75.268 ha đất tự nhiên, Nghĩa Đàn có khoảng 13.000 ha đất đỏ bazan, loại đất rất thích hợp đối với việc trồng cây công nghiệp và cây ăn quả đặc sản, như cao su, cà phê, trẩu, chè, cam, chanh, dứa, mít. Ngoài ra, còn có 20.000 ha đất dốc tụ, 6.000ha đất đen, 1.000 ha đất phù sa và 2.500 ha đất lúa nước có thể trồng các cây lương thực cho năng suất cao và phát triển chăn nuôi. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Nghĩa Đàn để thành lập thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn còn lại 61.754 ha ha diện tích tự nhiên, 802,42  ha đất lúa nước, diện tích đất cho hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện là 111,89 ha.

Đất lâm nghiệp của Nghĩa Đàn có trên 50.000 ha, chiếm hơn hai phần ba diện tích toàn huyện, trong đó có 27.000 ha đất rừng, 13.000 ha có thể trồng cây gây rừng và 10.000 ha có độ dốc dưới 150, thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp và chăn nuôi trâu, bò, dê, hươu… Tài nguyên rừng của Nghĩa Đàn phong phú và có trữ lượng lớn. Cây rừng có 12 họ và gần 150 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng gỗ ở rừng Nghĩa Đàn bình quân có 73 mét khối trên mỗi ha. Vùng rừng già phía Tây Bắc giáp với Thanh Hoá có đủ các loại gỗ quý như lát, gụ, lim, sến, kiền kiền, chò chỉ, dổi, de, vàng tâm… 20% diện tích rừng là nơi phát triển của tre, nứa, mét, giang, mây… Nhiều vùng có sa nhân, nấm hương, mộc nhĩ và các loại cây làm thuốc, cây hương liệu quý hiếm. Thú rừng có nhiều loại như voi, hổ, hươu, nai, khỉ, lợn rừng… Rừng Nghĩa Đàn cũng là nơi cư trú, sinh trưởng của rất nhiều loại chim muông và các loài bò sát, như công, hoạ mi, cò, vạc, trăn hoa, rắn hổ mang…

2. Nước:

Huyện có nguồn nước phong phú với con Sông Hiếu bắt nguồn từ vùng biên giới Việt- Lào, chảy qua các huyện Quế Phong, Quỳ Châu rồi xuyên qua giữa Nghĩa Đàn. Ngoài sông Hiếu, Nghĩa Đàn còn có hàng trăm cây số khe, suối, sông nhỏ do 7 phụ lưu chính của sông Hiếu (Sông Sào, khe Dền, khe Đổ, khe Cung, khe Ang, khe Đá, khe Cái) tạo nên. Sông Hiếu và các khe, suối này đã hợp thành mạng lưới song – suối dẫn nước đến các vùng trong huyện.

3.Khí hậu: Thời tiết, khí hậu của Nghĩa Đàn cơ bản có chung các đặc tính của vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, đồng thời có thêm những đặc điểm riêng của khu vực trung du đồi núi, á nhiệt đới. Khí hậu Nghĩa Đàn dung hoà giữa không khí của vùng đồng bằng ven biển Nghệ An với không khí nóng từ Lào sang. Hàng năm có hai mùa khá rõ rệt là mùa hè nóng và mùa đông lạnh rét, còn hai mùa xuân và mùa thu mang tính chất là những mùa chuyển tiếp, xen kẽ. Từ tháng 5 đến tháng 8 thường có gió Phơn (gió Lào) thổi về theo hướng Tây Nam gây nên vùng tiểu khí hậu khô và nóng, nhiệt độ không khí có ngày lên tới 410C. Độ ẩm không khí xuống rất thấp, có ngày xuống 30-40% gây nên hạn hán nghiêm trọng. Từ cuối tháng 8 đến tháng 10 thường có mưa to và bão lụt. Năm mưa nhiều lượng mưa lên tới 2.610 ml, năm mưa ít cũng có trên dưới 850 ml. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau lượng mưa rất thấp, trung bình chỉ có 450 ml. Thời gian này hay có các đợt gió mùa đông bắc khô hanh và giá rét, có lúc xuống tới âm 30, có năm hạn hán kéo dài 2- 3 tháng liền.

4. Khoáng sản: Lòng đất Nghĩa Đàn chứa đựng nhiều loại khoáng sản quý, như thiếc, vàng, than đá. Ở đây còn có nhiều núi đá vôi, đá xốp, nhiều hang động rất có giá trị về kinh tế và quốc phòng

Lịch sử văn hoá

Từ ngàn xưa, vùng đất Nghĩa Đàn đã là một trong những cái “nôi” của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học làng Vạc, với những chiếc trống đồng và những dụng cụ lao động, săn bắn … biểu tượng rực rỡ của nền văn hoá Đông Sơn từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Quá trình lao động chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống của người Việt cổ ở Nghĩa Đàn đã góp phần vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước. Những giá trị to lớn về văn hoá và lịch sử của di chỉ khảo cổ học Làng Vạc để lại là niềm tự hào lớn lao của mỗi người dân Nghĩa Đàn qua bao thế hệ.

Trong sự tiếp biến của lịch sử, cùng với người bản địa, trên điạ bàn Nghĩa Đàn xuất hiện thêm các cộng đồng cư dân mới, trong đó đáng kể nhất là đồng bào dân tộc Thổ, Thái di cư từ các địa phương khác đến và người Kinh từ miền xuôi lên sinh sống, lập nghiệp. Từ đây, các thế hệ người Thái, người Thổ, người Kinh chung sống trong sự cố kết cộng đồng hoà thuận, cùng nhau hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, thuỷ chung, cần cù, sáng tạo và tạo nên bản sắc văn hoá riêng của người dân Nghĩa Đàn.

Trải qua nhiều triều đại trong lịch sử dân tộc, đến năm Minh Mệnh thứ 21 – tức năm 1840, tổ chức hành chính Nghệ An được sắp xếp lại, huyện Nghĩa Đường được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Quỳ Châu. Đến năm 1885, Vua Đồng Khánh lên ngội, vì huý kỵ nên triều đình đổi tên huyện Nghĩa Đường thành huyện Nghĩa Đàn và tên gọi Nghĩa Đàn có từ đó.

Huyện Nghĩa Đường – Nghĩa Đàn thành lập chưa được bao lâu thì nhân dân Nghĩa Đàn một mặt vừa chống sự áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến, của thổ ty, lang đạo lại vừa cùng nhân dân cả nước chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Người dân Nghĩa Đàn phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Không cam chịu cảnh đời nô lệ, tiếp nối truyền thống chống giặc ngoại xâm của các thời kỳ trước, hưởng ứng các phong trào yêu nước, nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn đã tích cực tham gia lực lượng, quyên góp tiền bạc, thực phẩm và trở thành hậu cứ quan trọng của các nghĩa quân yêu nước.

Khi thực dân Pháp thực thi Chính sách khai thác thuộc địa, người dân Nghĩa Đàn phải trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề. Một mặt bị thực dân Pháp cướp đoạt ruộng vườn, nhà cửa để lập đồn điền, trở thành người làm thuê, nô lệ, sưu cao thuế nặng; mặt khác, bị nô dịch về văn hoá do chính sách “ngu dân để trị”. Cũng từ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá của Nghĩa Đàn đã từng bước biến đổi, từ tính chất phong kiến chuyển sang thuộc địa nửa phong kiến với sự xuất hiện của một số cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa và các giai cấp, các tầng lớp xã hội mới, trong đó một lực lượng lớn công nhân ra đời.

Lúc này, lớp người trẻ tuổi ở Nghĩa Đàn tiếp thu mạnh mẽ những tác động từ các phong trào yêu nước đương thời; một số thành viên của các tổ chức yêu nước đã lên Nghĩa Đàn tập hợp lực lượng, gây dựng cơ sở, đã giác ngộ và truyền bá tư tưởng cứu nước trong thanh niên.

Ngày 3-2-1930, một sự kiện chính trị có ý nghĩa quyết định của cách mạng Việt Nam đã diễn ra – Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Và ở Nghĩa Đàn, tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn và một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của các huyện miền núi Tây Bắc đã ra đời do đồng chí Võ Nguyên Hiến làm Bí thư. Ánh sáng của con đường cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã bắt đầu dẫn đường, soi rọi và thôi thúc phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn. Một trang sử mới hào hùng và vẻ vang đã mở ra.

Ngay sau khi thành lập, Chi bộ và sau này là Đảng bộ (được thành lập tháng 4/1931) đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh trong cao trào cách mạng rộng lớn của cả tỉnh, của toàn quốc – cao trào cách mạng 1930-1931; Lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống bọn chủ đồn điền cướp đất và ra sức phục hồi đảng bộ sau những trận khủng bố dữ dội của kẻ thù những năm 1932-1935; Lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai, rộng rãi của nhân dân đòi các quyền dân sinh dân chủ và duy trì lực lượng những năm 1936-1940. Sau một thời gian tập trung khôi phục Đảng bộ và xây dựng phong trào, chuẩn bị tích cực giành chính quyền, ngày 22 tháng 8 năm 1945, thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo, tổ chức của Uỷ ban khởi nghĩa huyện, hàng ngàn quần chúng đã giương cao cờ, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ kéo về huyện lỵ, bắt giữ tri huyện, thu giữ ấn tín và tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân lâm thời và Uỷ ban Mặt trận Việt Minh huyện, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đây, đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, lịch sử Nghĩa Đàn bước sang một trang mới, trang sử của nền độc lập, tự do.

Từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với cả nước, Nghĩa Đàn bước vào công cuộc “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Đảng bộ Nghĩa Đàn đã nhanh chóng trưởng thành, lãnh đạo nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến và xây dựng Nghĩa Đàn xứng đáng là vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc. Thành công lớn của Đảng bộ Nghĩa Đàn trong 9 năm đấu tranh bảo vệ chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là đã chú trọng lãnh đạo toàn diện mọi mặt về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa xã hội, đã nắm vững phương châm kháng chiến đi đôi với kiến quốc, kết hợp nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ hậu phương và chi viện cho tiền tuyến, vừa phấn đấu hoàn thành các công tác trước mắt, vừa tích cực chuẩn bị cho sự tiến lên lâu dài. Lúc mới dành được chính quyền cũng như khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, Nghĩa Đàn là một trong những huyện còn khó khăn về nhiều mặt, đảng viên ít, cán bộ thiếu và yếu, ruộng đất hoang hóa nhiều, phần đông nhân dân bị mù chữ, phong tục, tập quán lạc hậu… nhưng càng về sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong huyện đã nỗ lực đoàn kết vươn lên đưa địa phương mình trở thành một căn cứ địa, hậu phương vững mạnh. Nhiều cơ quan, đơn vị kinh tế, quốc phòng, văn hóa của tỉnh, của Liên khu 4 và của cả nước bạn Lào đã đóng trụ sở, đặt công xưởng, mở trại sản xuất, đến tản cư, sơ tán và làm chỗ hội họp, học tập, huấn luyện tại đây. Nghĩa Đàn đã tích cực chi viện cho các chiến trường Bình – Trị – Thiên, Thượng Lào, Trung Lào và chiến trường chính Bắc bộ. Công tác xây dựng đảng được chú trọng, số đảng viên và tổ chức cơ sở đảng tăng nhanh, đến năm 1949, đã có chi bộ ở khắp các xã, từ 30 đảng viên năm 1945 đã lên tới hơn 1.300 đảng viên vào năm 1953. Hầu hết đảng viên đều có ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn tự rèn luyện mình trong kháng chiến, mẫu mực trong sinh hoạt thường ngày nên có tín nhiệm cao trong quần chúng. Những thành tích đó đã góp phần to lớn và quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ- lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cả miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, là hậu phương lớn cùng tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Cán bộ, đảng viên Nghĩa Đàn đã làm nòng cốt trong mọi phong trào sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Các nông trường Tây Hiếu, Đông Hiếu, 1-5, 19-5, Cờ Đỏ được thành lập và trở thành mô hình sản xuất tiên tiến mới của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với khẩu hiệu “một người làm việc bằng hai”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” đã tạo nên một làn sóng thi đua khắp mọi nơi và đã thu được nhiều thắng lợi lớn, kịp thời tiếp ứng cho chiến trường miền Nam và xuất khẩu hàng hoá sang các nước xã hội chủ nghĩa. Các kho quân sự, các tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua Nghĩa Đàn luôn là điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhưng quân và dân Nghĩa Đàn vẫn luôn trụ vững và đảm bảo thông xe trong mọi tình huống ác liệt nhất. Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong huyện phấn đấu giành được những thành tích phi thường, làm nên những biến đổi to lớn trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có 1.602 người con của Nghĩa Đàn anh dũng hy sinh, 1978 thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu ở trên các chiến trường. Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn và sự hy sinh của các thương binh, liệt sỹ.

Trong gian khó của thời kỳ vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu và xây dựng quê hương, Đảng bộ Nghĩa Đàn đã trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và năng lực tổ chức thực tiễn. Đảng bộ được bổ sung thêm lực lượng mới, trẻ, có năng lực và có trình độ. Hoạt động của các tổ chức Đảng nhịp nhàng, chặt chẽ, đi vào nề nếp và có hiệu quả. Đây là nhân tố có tính quyết định làm nên lịch sử vẻ vang của Nghĩa Đàn trong thời kỳ này.

Với những thành tích to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Nghĩa Đàn.   

Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 đại thắng, non sông liền một dải, Bắc- Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui, nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn hoà cùng niềm vui vô bờ của cả dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất đến năm 1986, cả nước bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả nặng nề của những năm chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong khó khăn chung của đất nước, vừa phải khắc phục khủng hoảng kinh tế, vừa phải chiến đấu chống chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước, Nghĩa Đàn còn phái gánh chịu và giải quyết những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, bão lụt xẩy ra thường xuyên, rét đậm kéo dài rồi nắng hạn gay gắt. Khó khăn là vậy, nhưng trong giai đoạn này, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã lãnh đạo phong trào huyện nhà thu được thành tựu đáng kể, chặn được đà giảm sút của sản xuất và đời sống. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quân sự địa phương, giữ vững an ninh trật tự… được chú trọng và làm tốt, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đảng viên được tăng cường. Hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố, nhiều tổ chức đảng, nhiều đơn vị luôn dẫn đầu trong các phong trào, giữ vững danh hiệu đơn vị vững mạnh, xuất sắc.

Trong thời kỳ đổi mới, Nghĩa Đàn là một trong những huyện tiên phong, biết tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng và lợi thế phát triển, không ngừng đưa huyện nhà tiến nhanh trên con đường đi tới, hoà nhịp với sự phát triển của đất nước. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các khoá đề ra đều hoàn thành và vượt mức. Kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Văn hoá- xã hội có nhiều tiến bộ. Cơ sở hạ tầng, kiến trúc đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới nhanh chóng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Sự phát triển trên các lĩnh vực trong những năm đổi mới đã là nhân tố có tính quyết định để hình thành và ra đời một đô thị mới- thị xã Thái Hoà được thành lập và chính thức công bố vào ngày 10/5/2008.

Thực hiện việc chia tách, huyện Nghĩa Đàn mới bắt đầu được tổ chức lại. Một Nghĩa Đàn đầy khó khăn, thách thức bởi gần như trở lại điểm xuất phát của một huyện miền núi nghèo, song từ khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà lại thắp sáng lên niềm tin mới, đoàn kết và quyết tâm xây dựng quê hương Nghĩa Đàn sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng “thay da, đổi thịt”. Đảng bộ tập trung sớm ổn định tổ chức và bộ máy cán bộ; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch và triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính huyện, khu công nghiệp nhỏ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tích cực thu hút đầu tư vào địa bàn; chăm lo ổn định và nâng cao đời sống tinh thần vật chất của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Với quyết tâm cao và định hướng đúng, chỉ sau hơn hai năm kể từ ngày chia tách, Nghĩa Đàn đã cơ bản ổn định về mọi mặt, đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, thế và lực của Nghĩa Đàn từng bước nâng lên. Những thành quả và sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn đã và đang thu hút được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, của bạn bè khắp gần xa và sự đồng tâm, đồng lòng của đồng chí, đồng bào trong toàn huyện.

Thành tựu kinh tế – Xã hội

Sau khi chia tách để thành lập thị xã Thái Hoà theo Nghị định 164 CP của Chính phủ Nghĩa Đàn là một huyện nghèo với  diện tích trên 61.000 ha đất tự nhiên, dân số trên 13 vạn người, có 24 xã trong đó sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, CN – TTCN và thương mại – dịch vụ còn sơ khai, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân nhìn chung còn thấp, có 9/24 xã đặc biệt khó khăn và hơn một nửa số xã có xóm, bản đặc biệt khó khăn. Các lĩnh vực giáo dục -đào tạo, y tế, văn hoá xã hội có mặt bằng phát triển thấp, trật tự an toàn xã hội còn những bất cập. Là địa phương duy nhất chưa có thị trấn huyện lỵ, trụ sở các cơ quan hành chính huyện phải xây mới hoàn toàn. 

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, Nghĩa Đàn từng bước khẳng định được vị trí và nỗ lực của địa phương, tạo thế và lực mới cho những năm tiếp theo với những thành tựu nổi bật. 

Sớm ổn định tổ chức bộ máy của cả Hệ thống Chính trị. Tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc lập quy hoạch, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020. Điều chỉnh mở rộng quy hoạch thị trấn hợp lý. Xác định lại cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Sau chia tách Nghĩa Đàn là huyện sản xuất nông nghiệp thuần túy, trước thực tế đó, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ hơn 10% cuối năm 2008 lên 11,27% năm 2010; tổng giá trị sản xuất đã tăng 684.850 triệu đồng năm 2008 lên 782 tỷ 741 triệu đồng vào năm 2010, tăng 14,05% so với cùng kỳ. Năm 2010, nông lâm ngư nghiệp đạt 439.878 triệu đồng (tăng 7,66%); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản đạt 201.442 triệu đồng (tăng 33,13% so với……); thương mại – dịch vụ đạt 141.421 triệu đồng (tăng 11,86% so với……); giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 16,4 triệu đồng/ người/ năm; thu ngân sách tăng, từ 24.302 triệu đồng (2008) lên 31 tỷ đồng (năm 2010) vượt 158% kế hoạch. Là huyện đầu tiên trong tỉnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. 

Đồng thời đề ra nhiều giải pháp cụ thể, đồng thời xác định và lựa chọn hợp lý các mũi và khâu đột phá trong từng ngành nghề sản xuất – kinh doanh phù hợp với tình hình của địa phương. Tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn các nhà đầu tư. Tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả các tiềm năng góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ sự quan quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, với tiềm năng, lợi thế của mình, Nghĩa Đàn đã kêu gọi được nhà đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp và một số dự án công nghệ cao khác vào địa bàn, đưa Nghĩa Đàn trở thành một trong những huyện dẫn đầu toàn tỉnh về thu hút đầu tư với số vốn hàng ngàn tỷ đồng.

Tập trung cao độ cho xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạchĐó là các quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên môi trường; khu trung tâm thị trấn, các thị tứ; quy hoạch khu công nghiệp như khu công nghiệp nhỏ Nghĩa Long bước đầu đã thu hút một số doanh nghiệp vào hoạt động. Triển khai tốt quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cơ sở gắn với các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tiến hành quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân ở vùng dự án.

Quan tâm đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó dành nhiều thời gian, huy động lực lượng lớn cán bộ, công chức triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo đúng luật pháp, chính sách và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân liên quan.

Nhiều công trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Tính từ thời điểm chia tách đến đầu tháng 4 năm 2011 tổng mức đầu tư các dự án là 707 tỷ 166 triệu đồng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công, xây dựng các tuyến đường giao thông lớn như: Đường Đông Hồi – Nghĩa Đàn – Thái Hoà , đường Hồ Chí Minh nối quốc lộ 48, đường Trung – Bình – Lâm, đường cứu hộ cứu nạn, Trung tâm Y tế huyện, Nghĩa trang liệt sỹ huyện… và nhiều dự án đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện đang được khẩn trương xây dựng khang trang, đẹp đẽ, được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011.

Hoạt động văn hoá, giáo dục đào tạo và y tế có nhiều tiến bộKết quả phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ được duy trì và giữ vững. Số trường đạt chuẩn Quốc gia tăng từ 8 trường (2008) lên 25 trường (hiện nay). Các chương trình quốc gia về y tế được quan tâm thực hiện tốt, có 24/24 trạm Y tế xã có bác sỹ, 15/24 xã đạt chuẩn Quốc gia về Y. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cũng được quan tâm, đã khởi công xây dựng Trung tâm y tế với tổng giá trị xây lắp trên 93 tỷ đồng, quy mô 80 giường bệnh.  Đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo (theo chuẩn cũ) giảm từ 23,12% (cuối năm 2008) xuống còn 18% (năm 2010), bằng 100% kế hoạch. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp cũng như đội ngũ cán bộ từng bước được củng cố, kiện toàn và nâng cao.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây