Giới thiệu khái quát huyện Yên Sơn

huyện Yên Sơn - Tỉnh Tuyên Quang

Giới thiệu khái quát huyện Yên Sơn

Yên Sơn là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam tỉnh Tuyên Quang. Quá trình lao động, xây dựng, bảo vệ quê hương, đấu tranh cải tạo thiên nhiên đã hun đúc nên tình yêu quê hương đất nước, tạo nên truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm, nhân ái nghĩa tình, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ của đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống nơi đây. Nhân dân các dân tộc anh em sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản, một số ít có nghề mây tre đan, dệt vải, thêu may, đánh bắt thủy sản và buôn bán nhỏ.

– Vị trí địa lý:

+ Huyện Yên Sơn nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Tuyên Quang.

+ Phía đông giáp các huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn).

+ Phía tây giáp huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái).

+ Phía nam giáp huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang)

+ Phía bắc giáp huyện Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang).

Đến năm 2010, diện tích đất tự nhiên của huyện là 113.242,26 ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 18.297,15 ha, chiếm 16,16%; đất lâm nghiệp là 83.976,48 ha, chiếm 74,16%; các loại đất khác là 11.994,54 ha, chiếm 10,59%.

– Địa hình Yên Sơn hình thành ba vùng rõ nét.

+ Vùng thượng huyện (phía đông và đông bắc) là những dãy núi đá có độ cao trung bình khoảng 600 m so với mặt biển.

+ Vùng trung và hạ huyện là những dãy đồi bát úp, đất đai màu mỡ, thích hợp cho cây công nghiệp như chè, cà phê, hoa màu và chăn nuôi gia súc.

+ Phía tây huyện là nơi có những cánh đồng rộng phì nhiêu như Kim Phú, An Tường, Mỹ Bằng, Lang Quán… thích hợp cho phát triển cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi. Ôm lấy những cánh đồng này là dãy núi Là đồ sộ (có đỉnh cao hơn 900m so với mặt nước biển), núi Quạt, núi Nghiêm.

– Do địa hình phức tạp nên khí hậu ở Yên Sơn cũng phân thành hai khu vực khác biệt: phía đông mát mẻ, ôn hòa; phía tây, nhiệt độ nóng hơn 10C, số ngày nắng và lượng mưa cũng cao hơn phía đông.

– Chảy qua địa bàn Yên Sơn có bốn con sông: sông Lô, sông Gâm, sông Chảy ở phía tây và tây bắc, sông Phó Đáy ở phía đông cùng mạng lưới suối, ngòi dày đặc. Sông suối của huyện nhiều thác ghềnh, thường có lũ trong mùa mưa, tuy gây một số khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội song cũng có những tiềm năng, giá trị về mặt kinh tế. Ngoài cung cấp nước phục vụ đời sống, sản xuất, sông suối còn cung cấp nguồn thủy sản khá phong phú, có giá trị kinh tế cao phục vụ đời sống nhân dân, đồng thời là đường giao thông quan trọng giữa các vùng và tiềm năng phát triển thuỷ điện, du lịch.

– Mạng lưới giao thông đường bộ, đường sông tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa miền núi với vùng trung du và đồng bằng. Từ Yên Sơn có thể xuôi về Hà Nội, ngược lên Hà Giang trên quốc lộ số 2, sang Thái Nguyên và Yên Bái trên quốc lộ 13A (nay là quốc lộ 37). Cũng có thể cơ động bằng đường thủy đến các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Hà Giang… tương đối thuận tiện, đặc biệt là vận chuyển tre, nứa, gỗ…về xuôi. Ngoài ra, Yên Sơn còn có nhiều đường liên xã, liên thôn, đường dân sinh nối các điểm dân cư, các vùng kinh tế với nhau.

– Diện tích đất nông nghiệp của huyện khá lớn và màu mỡ, thích hợp với việc phát triển cây lương thực, cây công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện còn có thảm thực vật phong phú để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ngoài nguồn tài nguyên chính là rừng, Yên Sơn còn có các loại khoáng sản: sắt, chì, kẽm, vàng, barít…

– Là địa bàn bao quanh thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn luôn gắn bó chặt chẽ với thành phố trên nhiều phương diện và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng. Ngoài những lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, khoáng sản… để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, huyện có suối nước khoáng nóng Mỹ Lâm, những cảnh đẹp như núi Nghiêm, các di tích lịch sử cách mạng: ATK Kim Quan, Bình Ca, Làng Ngòi – Đá Bàn, Km7, Khe Lau… các đền, chùa, đình… mở ra khả năng phát triển du lịch, thu hút khách tham quan khi đến Tuyên Quang.

YÊN SƠN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO VĂN HÓA, VĂN NGHỆ QUẦN CHÚNG

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện Yên Sơn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, chất lượng cuộc sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện phong trào của huyện được kiện toàn và củng cố; các thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu nắm vững các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phong trào và hướng dẫn các cơ sở triển khai thực hiện trên phạm vi toàn huyện.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào nhân dân các dân tộc trong huyện, khơi dậy được các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, toàn huyện có 496 đội văn nghệ quần chúng với hơn 12.600 diễn viên, hạt nhân văn nghệ trong các cơ quan, đơn vị, trường học, các thôn, bản. Trung bình hàng năm, các đội văn nghệ đã tổ chức biểu diễn gần 1.800 buổi văn nghệ, phục vụ hàng chục nghìn lượt người xem. Trong các buổi biểu diễn văn nghệ đã xuất hiện nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số do  những nghệ nhân, diễn viên quần chúng người dân tộc trình bày đã tạo nhiều ấn tượng, được người xem nhiệt tình cổ vũ…

Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa, Thông tin – Thể thao huyện chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn, các hạt nhân văn nghệ ở thôn, bản và trong các cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện, khuyến khích các đội, các câu lạc bộ văn nghệ ở địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với phương châm xã hội hóa trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ hoạt động văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 17/31 xã, thị trấn và 374/473 thôn, bản có nhà văn hóa. Công tác điều tra, khảo sát, đánh giá di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn được quan tâm, thông qua đó bước đầu huyện đã xây dựng thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Các làn điệu hát Páo Dung, múa quy phục gà thần của dân tộc Dao, hát Then, hát cọi của dân tộc Tày, hát Sình ca, múa xúc tép của dân tộc Cao Lan… Nhiều lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện được bảo tồn, khôi phục theo hướng phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp như lễ hội Đình làng Giếng Tanh, Lễ hội Chùa Hang, chùa Phổ Linh, lễ hội Đầm Mây… Các hoạt động trong hội được tổ chức phong phú và đa dạng, thực sự trở thành ngày hội văn hóa, thể dục thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Qua hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở đã có nhiều nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ của huyện tham gia các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, giành được nhiều huy chương vàng, bạc. Nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich, Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tặng bằng khen, giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào văn hóa, văn nghệ.

Tuy nhiên, chất lượng nghệ thuật biểu diễn trong hoạt động văn nghệ quần chúng và phương pháp tổ chức các cuộc hội diễn, liên hoan giao lưu văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ còn hạn chế. Một số lễ hội được khôi phục, song việc tổ chức các hoạt động còn nhiều mặt hạn chế, nhất là nội dung văn hóa truyền thống chưa được phát huy, kế thừa một cách đầy đủ và phong phú. Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao ở cơ sở như tăng âm, loa, đàn nhạc chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin ở một số xã, thị trấn kiêm nhiều việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa cao, chưa theo kịp yêu cầu của phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. 

Để phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển cả chiều rộng và từng bước nâng cao chất lượng, huyện Yên Sơn xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi tiềm lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Trong quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn mới, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang… bảo đảm dành quỹ đất phù hợp cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Trước mắt, huyện tập trung đầu tư xây dựng Khu Liên hợp Văn hóa – Thể thao của huyện, gồm nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, sân vận động huyện, nhà thi đấu thể thao, bể bơi, sân quần vợt, công viên…. đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân trong huyện. Huyện phấn đấu đến năm 2015, 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa xã với đủ trang, thiết bị hoạt động.  

YÊN SƠN BẢO TỒN CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ

Huyện Yên Sơn hiện có 99 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, trong đó có 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Trong những năm qua, huyện đã chú trọng công tác tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hoá, khôi phục các lễ hội truyền thống, giúp nhân dân hiểu và tôn thêm niềm tự hào dân tộc.

7 xã khu ATK Yên Sơn có 64 di tích lịch sử văn hoá, trong đó riêng xã Kim Quan có 16 di tích. Nơi đây, Bác Hồ và hầu hết các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến xã Kim Quan, chúng ta được đến thăm lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Khuôn Điển, được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đầu năm đến tháng 8 năm 1945. Chính tại nơi này, Người đã chỉ đạo nhiều phiên họp của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Tại thôn Khuôn Điển còn có các di tích: Hầm an toàn của Trung ương Đảng, hầm an toàn của Chính phủ, văn phòng làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh…

Trong kháng chiến, nhân dân các dân tộc xã Kim Quan đã giúp đỡ, che chở cho cách mạng. Ngày hôm nay, nhân dân các dân tộc xã Kim Quan vẫn luôn tự hào về những truyền thống đó và cùng nhau gìn giữ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Yên Sơn còn nổi tiếng với di tích đình làng Giếng Tanh, thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đình làng Giếng Tanh là tên thường gọi của nhân dân địa phương đã có từ lâu đời. Theo thần phả và tư liệu dân gian còn lưu truyền tại địa phương, Đình được xây dựng năm 1706. Tương truyền, có một cụ già tên là Tiêu Hiệp Phượng thương dân sống trong cảnh bần hàn, đã đến đền thờ Hùng Vương xin vua Hùng phù hộ cho dân qua cơn hoạn nạn. Trước lời cầu xin của ông, vua Hùng cắt cử hai vị tướng đã được phong sắc với hiệu là “Đức vua cả Ngọc Sơn quân linh ứng đại vương và Đức vua cả Nghiêm Sơn trung chính lệnh ứng đại vương” đến miền Yên Sơn để bảo hộ dân làng Giếng Tanh. Từ ngày có 2 vị tướng bảo hộ, dân làng làm ăn yên ổn, mùa màng bội thu. Để tỏ lòng biết ơn 2 vị thành hoàng, người dân đã dựng lên ngôi đình để tưởng nhớ và lấy ngày 10 tháng Giêng là ngày giỗ làng.

Vì vậy, cứ vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm, người dân Giếng Tanh lại tổ chức lễ hội. Mỗi nhà đều góp gạo, góp thịt hoặc hoa quả để cùng với cộng đồng làng xã mang lên tế đình. Mọi người cùng cầu mong một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhân dân có cuộc sống no ấm. Lễ hội đã trở thành sinh hoạt văn hoá truyền thống không chỉ thu hút người dân trong huyện, trong tỉnh tham gia mà còn thu hút khách thập phương về dự. Ông Tiêu Cao Bắc, 76 tuổi, thôn 15, xã Kim Phú cho biết: “Từ thời ông, cha của ông đã sống ở đây và hàng năm nhân dân đều nô nức chuẩn bị tham dự lễ hội đình làng. Từ năm 2006 đến nay, ông được nhân dân tin tưởng bầu làm quản lý đình (hay còn gọi là ông trùm đình). Người được bầu làm ông trùm phải được nhân dân bầu, có gia đình nền nếp, con cháu ngoan ngoãn, thảo hiền. Năm 2009, huyện đã chọn tổ chức Lễ hội Đình làng Giếng Tanh quy mô cấp huyện, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào cho nhân dân trong làng, vừa là lời nhắc nhở đối với mỗi người dân hãy góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hoá của dân tộc mình”.

NÉT MỚI TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA YÊN SƠN

Xuân Nhâm thìn 2012, huyện Yên Sơn có thêm một lễ hội mới, đó là Hội thi tuyển trâu chọi được tổ chức tại thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh. Công ty TNHH một thành viên Tâm Xuân (Chiêm Hóa) là đơn vị đăng cai tổ chức.

Từ hội thi tuyển trâu chọi, trâu khỏe, trâu đẹp đến hội chọi trâu tại các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa đã thu hút nhiều du khách thập phương đến dự và tham quan vào dịp đầu xuân, nhờ đó tăng doanh thu cho ngành du lịch tỉnh nhà. Anh Ngô Quang Huấn, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Tâm Xuân chia sẻ: “Đã có nhiều kinh nghiệm, đã thành công ở Hàm Yên, Chiêm Hóa nhưng lần đầu tổ chức hội tuyển trâu chọi tại huyện Yên Sơn đặt trên vai chúng tôi không ít áp lực”. Chọn Phúc Ninh làm nơi đặt nền móng cho lễ hội tuyển trâu chọi của huyện bởi giống trâu tại đây hội đủ tố chất của trâu chọi. Điển hình có hộ anh Nguyễn Văn Tuyên, thôn Ao Dăm có truyền thống nuôi trâu chọi. Kinh nghiệm chọn, chăm sóc, huấn luyện trâu chọi của anh Tuyên đã được ghi nhận. Anh Tuyên đã chọn trâu chọi ngay trên đất Phúc Ninh và huấn luyện trâu chọi đi thi tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Yên Bái, Hà Giang đều đạt được giải cao, nhiều con giành giải vô địch.

Theo kế hoạch, hội thi tuyển trâu chọi tại Phúc Ninh diễn ra vào ngày mùng 4, mùng 5 Tết Nguyên đán năm 2012. Làm sao để lễ hội diễn ra thành công, tạo ấn tượng để níu chân du khách đến với địa phương trong những mùa lễ hội tiếp theo, những ngày này chính quyền xã phối hợp đơn vị đăng cai đang bận bịu chuẩn bị những thủ tục cần thiết để lễ hội được tổ chức theo đúng quy định.

Gặp ông Nguyễn Văn Tuyên khi ông cùng với cán bộ Công ty Tâm Xuân đang khảo sát để chuẩn bị tiến hành chỉnh trang sân bãi, làm hàng rào bảo vệ an toàn. Theo thiết kế, lòng sân có diện tích 4.500 m2, có sức chứa trên 1 vạn người. Ngoài ra chỗ để xe của du khách có diện tích 1 ha, được đầu tư giai đoạn 1 với kinh phí 500 triệu, sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Với nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu chọi, ông Tuyên khẳng định, lãi suất từ chăn nuôi trâu chọi gấp từ 2 đến 3 lần so với chăn nuôi trâu cày bừa. Thi tuyển trâu chọi với hình thức đấu loại vòng tròn. Qua đó, chọn được những con trâu đạt tiêu chí về sức vóc, tính nết trâu chọi để các hộ gia đình phối hợp công ty tiến hành chăm sóc, luyện tập nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, xây dựng thương hiệu trâu chọi Phúc Ninh. Đồng thời giúp bà con nông dân tăng cao thu nhập trong việc cung cấp trâu chọi cho các lễ hội trong tỉnh và trong nước.

Việc thi tuyển trâu chọi tại huyện Yên Sơn sẽ là động lực để phát huy thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ. Khơi dậy tiềm năng chăn nuôi, khuyến khích tuyển chọn những giống trâu tốt để nâng cao chất lượng đàn trâu của huyện.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây