Giới thiệu khái quát huyện Sông Mã
Huyện Sông Mã nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Sơn La. Độ cao trung bình 600 m so với mực nước biển.
Tọa độ địa lý : từ 20039’33”-21022’ vĩ độ bắc; từ 103014’56”-104006’ kinh độ đông. Tứ cận: phía Bắc giáp huyện Thuận Châu; phía Nam giáp huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) và huyện Sốp Cộp; phía Đông giáp huyện Mai Sơn; phía Tây giáp huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Huyện lỵ đặt tại Thị trấn Sông Mã.
2- Địa hình
Đặc điểm địa hình Sông Mã: kéo dài dọc sông Mã, địa hình khá phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam xen kẽ với các thung lũng và hệ thống sông, suối. Hệ thống núi dọc biên giới Việt – Lào đại diện cho vùng cao của huyện, có độ cao từ 306 – 1819m so với mực nước biển (thấp nhất là cánh đồng Nà Co Nghe, bản Trại Phong, xã Chiềng Cang và cao nhất là đỉnh núi bản Huổi Hưa, xã Mường Cai) độ dốc chung từ 250-300. Phần lớn là địa hình cao và dốc gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng; các khu vực bằng và thung lũng chiếm tỉ lệ nhỏ phân bố rải rác tạo ra tiểu vùng khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, con giống khác nhau.
Từ Thành phố Sơn La đến trung tâm huyện Sông Mã 110 km đi theo đường Quốc lộ 4G. Từ Hà Nội đến huyện lỵ Sông Mã 300 km đi theo đường Quốc lộ 6, sau đó theo Quốc lộ 4G.
3- Khí hậu, thuỷ văn
Nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 220c. Thường nóng nhiều vào các tháng 5, 6, 7 và lạnh nhiều vào các tháng 12 và tháng 1 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6. Thường mưa nhiều vào các tháng 6, 7, 8. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.419 mm.
Các hiện tượng thời tiết đặc biệt, đặc trưng ở địa phương: Mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chịu ảnh hưởng của gió tây khô nóng; tuy ít chịu ảnh hưởng của bão nhưng do địa hình phức tạp nên các tiểu vùng không khí khác nhau nên một số nơi thường xuất hiện gió lốc gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Đồng thời, do địa hình đồi núi dốc nên khi mưa thường bị xói mòn rửa trôi, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Ngày 01/9/1975, trận lũ lịch sử dâng cao tới 9,5 m đã tàn phá phá hệ thống cầu đường, thuỷ lợi, làm sạt lở hoặc vùi lấp nhiều ha đất ruộng canh tác, cuốn trôi nhiều gia đình, giao thông gần như tê liệt hoàn toàn, Trung ương phải dùng máy bay để chở hàng cứu trợ cho nhân dân Sông Mã.
Nguồn nước tự nhiên cho sản xuất và đời sống: Nguồn nước chủ yếu từ hệ thống Sông Mã, các phụ lưu, suối nhỏ dày đặc trên địa bàn.
4- Diện tích, dân số
Tổng diện tích tự nhiên huyện Sông Mã là 163.992,3 ha. Dân số là 142.400 người.
5- Hành chính
Huyện Sông Mã gồm 19 đơn vị hành chính là Thị trấn Sông Mã và 18 xã: Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong, Mường Cai, Huổi Một, Nậm Mằn, Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Nậm Ty, Chiềng Phung, Yên Hưng, Đứa Mòn, Mường Lầm, Chiềng En, Bó Sinh, Pú Bẩu.
6- Lịch sử
* Thời Pháp thuộc (1884-1945):
Dưới thời Pháp thuộc (trước cách mạng tháng 8/1945) chưa có huyện Sông Mã, lúc đó ba vùng đất của Sông Mã thuộc ba châu khác nhau. Vùng Sốp Cộp là một tổng thuộc Mường Thanh (Điện Biên), vùng Mường Lầm thuộc Mường Muổi (Thuận Châu), vùng Mường Hung thuộc Mường Mụa (Mai Sơn).
* Sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay:
– Thay đổi địa giới hành chính huyện:
+ Ngày 07.3.1953 Khu ủy Tây Bắc quyết định tách ba vùng: Sốp Cộp (thuộc Điện Biên), Mường Lầm (thuộc Thuận Châu), Mường Hung (thuộc Mai Sơn) gộp lại thành lập châu mới là châu Sông Mã, thuộc tỉnh Sơn La.
+ Từ 1953 đến giữa năm 1962 gọi là châu Sông Mã; từ giữa năm 1962 đến nay gọi là huyện Sông Mã.
+ Thực hiện Quyết định số 105-CP ngày 13.3.1979 của Hội đồng Chính phủ, sáp nhập xã Mường Sai của huyện Mai Sơn vào huyện Sông Mã với diện tích tự nhiên là 3.136 km2.
+ Thực hiện Nghị định số 148/2003/NĐ-CP ngày 02/12/2003 của Chính phủ, điều chỉnh địa giới huyện Sông Mã để thành lập huyện Sốp Cộp, huyện Sông Mã hiện nay còn 19 đơn vị hành chính với tổng diện tích tự nhiên là 163.992,3 ha.
– Thay đổi địa giới, tên gọi đơn vị trực thuộc:
+ Tháng 3/1953 châu Sông Mã chuyển từ bản Lấu Ngày (xã Mường Lầm) về khu cánh kiến (nay thuộc xã Nà Nghịu) và đến đầu năm 1976 châu Sông Mã chuyển trung tâm từ khu cánh kiến (nay thuộc xã Nà Nghịu) về địa điểm mới (Thị trấn hiện nay).
+ Thực hiện Quyết định số 173-CP ngày 26.10.1961 của Hội đồng Chính phủ, giải thể xã Mường Cai thuộc châu Sông Mã và sáp nhập bản Co Phương vào xã Mường Và, các bản Huối Co, Na Don, Hin Khoang và bản Hin vào xã Chiềng Không, các bản Mường Cai, Huối Khe và Huối Sum vào xã Mường Lạn.
+ Thực hiện Quyết định số 13-BT ngày 13.4.1977 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, thành lập Thị trấn Sông Mã thuộc huyện Sông Mã.
+ Thực hiện Quyết định số 130-BT ngày 25.7.1978 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, xã Chiềng Ban được đổi tên thành xã Nậm Lạnh, xã Chiềng Đen đổi tên thành xã Nậm Ty, xã Pắc Ma đổi tên thành xã Bó Sinh.
+ Thực hiện Quyết định số 18-CP ngày 16.01.1979 của Hội đồng Chính phủ, cắt một số bản thuộc các xã Sốp Cộp, Chiềng Khoong, Mường Và, Mường Lạn thuộc huyện Sông Mã để thành lập một xã mới lấy tên là xã Mường Cai.
+ Thực hiện Quyết định số 04/HĐBT ngày 11.01.1986 của Hội đồng Bộ trưởng, chia xã Púng Bánh thành hai xã: Púng Bánh và Sam Kha.
7- Di tích
Huyện Sông Mã có 02 di tích lịch sử được công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh:
– Di tích Cây đa Mường Hung được công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 28.4.2006 của UBND tỉnh Sơn La về việc xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh.
– Di tích Đền thờ Hai Bà Trưng (bản Nam Tiến, xã Chiềng Khương) được công nhận xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 2636/QĐ-UBND ngày 11.11.2011 của UBND tỉnh Sơn La về việc xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
8- Kinh tế – xã hội
Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện Sông Mã luôn tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các thành phần kinh tế đều có bước phát triển khá. Kết cấu hạ tầng có nhiều tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Giá trị tổng sản phẩm huyện Sông Mã năm sau cao hơn năm trước. Sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp và kinh tế nông thôn liên tục phát triển khá theo hướng sản xuất hàng hóa. Diện tích cây ăn quả được duy trì và phát triển; chăn nuôi phát triển khá toàn diện và đa dạng. Nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp có hiệu quả đang hình thành và nhân rộng; các dự án khoanh nuôi và bảo vệ vốn rừng, tái tạo môi sinh, môi trường được quan tâm thực hiện.
Thế mạnh kinh tế của huyện Sông Mã chủ yếu là một số cây ăn quả, cây lương thực như nhãn, ngô, một số vật nuôi như: Trâu, bò, dê, ba ba gai, cá lăng và một số dịch vụ.
Những ngành phát triển mạnh tại huyện Sông Mã thời điểm này chủ yếu là Nông – Lâm nghiệp, công nghiệp – xây dựng và chế biến sản phẩm nông nghiệp như: Nhãn, ngô.
Điều kiện tự nhiên huyện sông Mã
Huyện Sông Mã có dòng sông Mã, núi mường hung, có bài hát “Tình ca Tây Bắc”, nơi đây có nhiều suối nước nóng, nhiều hang động đẹp, có thể xây dựng thành các điểm du lịch, đặc biệt là quần thể động Ten Ư (Chiềng Sơ) gồm 36 hang động đẹp.
Huyện có địa hình bị chia cắt mạnh và phức tạp, có độ cao trung bình 600 m so với mặt biển. Nằm trên khối núi giữa Thuận Châu và Sốp Cộp và dãy núi biên giới Việt – Lào, dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam địa hình chia cắt phức tạp, có nhiều dãy núi cao tạo nên hình khe suối khá sâu và hẹp, cố độ cao trung bình từ 1.000 m đến 1.500 m. Độ dốc bình quân 200-300 địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, có độ nghiêng dồn theo hướng Nam xuôi theo dòng Sông Mã, dọc Sông Mã theo hướng Tây Bắc có các khe suối Nậm Sọi, Nặm Công, Nậm Mừ, Nậm Con và Nậm Huổi Tinh; dọc sông theo hướng Đông Bắc có suối Nậm Lẹ, Nậm Ty, Nậm Và, Nậm Phống chảy đổ ra Sông Mã. Như vậy, ngoài ý nghĩa cảnh quan, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh khu vực, huyện Sông Mã còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn.
Diện tích đất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp là: 22.545ha chiếm 13,82% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất để canh tác ruộng nước 1.700 ha chiếm 0,9% diện tích đất nông nghiệp, còn lại hầu hết là đất dốc.
Đất có rừng có 55.814ha chiếm 34%, đất chưa sử dụng 93.364 ha chiếm 57,23% tổng diện tích đất tự nhiên.
Huyện Sông Mã với công tác bảo tồn các di tích lịch sử văn hoá
Đến với di tích lịch sử cây đa Mường Hung trong một buổi nắng sớm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các bác cựu chiến binh, cô giáo và các em học sinh trường tiểu học Mường Hung đang tổ chức cho các em thăm quan và giáo dục truyền thống lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trung tâm xã Mường Hung hiện nay là nơi địch chọn để xây dựng đồn bốt với nhiều tường rào, dây thép gai, lô cốt, chúng liên tục tổ chức các đợt tuần tra, càn quét, bắt giam, tra tấn cán bộ, du kích và những người đi theo kháng chiến, chúng sử dụng nhiều hình thức giết người hết sức dã man Năm 1948 Chúng bắt hai đồng chí là Lò Văn Địa và Cầm Văn Lún rồi hành quyết bằng hình thức thiêu sống bên gốc đa trước sự chứng kiến của nhiều người dân địa phương. Hành động tàn ác này của chúng chẳng những không làm cho người dân Mường Hung run sợ mà còn gây ra mối hận thù và thổi bùng lên ngọn lưả đấu tranh cách mạng mạnh mẽ. Với tinh thần yêu nước lòng căm thù giặc sâu sắc, cán bộ và nhân dân Mường Hung vẫn một lòng theo đảng ủng hộ kháng chiến. Lần lượt các cơ sở cách mạng được gây dựng tháng 11 năm 1949 chiến dịch Sông Mã đã diễn ra phá vỡ phòng tuyến của địch mở thông biên giới Việt Lào. Tháng 1/1952 nhân dân và du kích địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công tiêu diệt đồn Mường Hung lật đổ chính quyền tay sai của thực dân Pháp.
Di tích lịch sử cây đa là một chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai đồng thời cũng như biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên trung bất khuất đối với Đảng với cách mạng của nhân dân Mường Hung noí riêng cũng như nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung. Ngày 28/4/2006 cây đa Mường Hung đã được UBND tỉnh Sơn La xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, thành phố. Năm 2009 sau khi tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận UBND huyện Sông Mã đã giao cho xã Mường Hung quản lí, đến năm 2012 huyện đã giao cho Trường THPT Sông Mã phối hợp với UBND xã Mương Hung chăm sóc di tích lịch sử. Năm 2013 huyện Sông Mã cũng đã phối hợp với Sở Văn Hoá thể thao và du lịch Bảo tàng tỉnh sơn La xây dựng kè chống sạt lở gốc cây đa phía bờ sông. Hằng năm vào những ngày lễ, tết bà con nhân dân địa phương thường xuyên dâng hương và dọn dẹp tại cây đa và bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, đồng thời xã cũng làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn di tích lịch sử văn hoá tại địa phương.
Cách di tích cây đa Mường Hung khoảng chừng 15 km xuôi theo dòng Sông Mã là đền thờ Hai Bà Trưng tại bản Nam Tiến xã Chiềng Khương cũng đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Được biết năm 1975, 21 hộ dân làng Nại Tử lên xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Chiềng Khương huyện Sông Mã, làng Nại Tử lúc này đổi thành Bản Nam Tiến, được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền hai tỉnh Hà Tây cũ và Tỉnh Sơn La, đã tạo điều kiện và quan tâm đến đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân, đồng thời tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc tới các vị anh hùng dân tộc, ngôi đền đã được chuyển lên vào cuối năm 1975. Tuy đã được di chuyển và trùng tu thay đổi nhiều lần, nhưng ngôi đền vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật có từ hàng trăm năm như: Hoành phi, câu đối, trống, tráp đựng mũ, chiêng, … Và đặc biệt là văn bản 6 bản sắc phong thời Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn. Các sắc phong nguyên văn chữ Hán đã được cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch sang tiếng việt, với nội dung chính là: Cho phép dân làng được thờ phụng để ghi nhớ công đức của 2 bà Trưng. Sắc phong lâu đời nhất được vua Tự Đức đời thứ 6 sắc phong Ngày 11 tháng Giêng năm 1853, Sắc phong gần đây nhất được vua Khải Định đời thứ 9 sắc phong Ngày 25 tháng 7 năm (1924).
Đến nay di tích đã được đầu tư tu bổ khang trang hơn và đã thành lập một ban quản lý đền thờ gồm 7 người trong đó có ông thủ từ là ngươi dân làng Nại Tử cũ được chính quyền và nhân dân tin tưởng giao cho ông trông coi và mở cửa đón nhân dân vào tham quan làm lễ tưởng nhớ công ơn của hai bà, ngoài ra để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tín ngưỡng, văn hóa dân gian của người dân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy vốn di sản của dân tộc. Hằng năm cứ đến những ngày kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của hai bà trưng và ông thi sách chồng bà Trưng Trắc thì người dân địa phương lại đem lễ đến đền thờ và tổ chức lễ hội từ ngày 12 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn, và chiêm ngưỡng anh linh của 2 bà Trưng.
Ngày 11/11/2011, di tích đã được UBND tỉnh Sơn La ra quyết định công nhận và trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Đây cũng là tiền đề để ngôi đền có thể phát huy giá trị tâm linh, hứa hẹn nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Đồng thời giới thiệu quảng bá địa chỉ văn hóa của địa phương đến các tỉnh lân cận, nhằm giao lưu, mở rộng, tiếp xúc văn hóa để di tích phát huy giá trị vốn có, góp phần vào việc bảo tồn vốn di sản dân tộc.
Cây đa Mường Hung và Đền thời Hai Bà Trưng là những di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của huyện Sông Mã. Đây là những nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương từ bao đời nay. Đồng thời cũng là nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào, tự tôn của dân tộc, qua đó phát huy những giá trị văn hóa vật thể đã được kết tinh hàng trăm năm nay./.