Giới thiệu khái quát thành phố Sơn La

thành phố Sơn La - Tỉnh Sơn La

Giới thiệu khái quát thành phố Sơn La

I. Điều kiện tự nhiên

  1. Vị trí địa lý

Thành phố Sơn La là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế của tỉnh Sơn La có toạ độ địa lý: 21015′ – 21031′ vĩ độ bắc, 103045′ – 104000′ kinh độ đông. Có vị trí địa lý được xác định như sau:
Phía Bắc giáp huyện Mường La
Phía Đông giáp huyện Mai Sơn.
Phía Tây giáp huyện Thuận Châu.
Phía Nam giáp huyện Mai Sơn.

  1. Địa hình

Nằm trong vùng có quá trình kaster hoá mạnh, địa hình của thành phố chia cắt phức tạp, núi đá cao xen lẫn đồi, thung lũng, lòng chảo. Một số khu vực tương đối bằng phẳng thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng chỉnh trang đô thị, sản xuất nông nghiệp, tập trung ở trung tâm phường nội thành, các xã Chiềng Ngần, phường Chiềng Sinh và xã Chiềng Xôm. Độ cao trung bình  từ  700 – 800 m  so với mực nước biển.

Do đặc điểm kiến tạo địa chất với các đứt gãy điển hình, đã tạo cho thành phố nhiều dạng địa hình đặc trưng vùng núi, có địa thế hiểm trở, cát cứ, nhiều đỉnh núi cao xen kẽ các hẻm sâu, mức độ chia cắt sâu và mạnh. Diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, thế đất dốc dưới 250 chiếm tỷ lệ thấp. Với dạng địa hình như vậy cho phép phát triển đa dạng các loại cây trồng vật nuôi nhưng cũng gây nhiều khó khăn trong việc hình thành những vùng chuyên canh có lượng sản phẩm lớn cũng như việc đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất và canh tác.

  1. Khí hậu, thời tiết

Thành phố Sơn La nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có tính chất lục địa, chịu ảnh hưởng của địa hình. Có hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh trùng với mùa khô, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, lượng mưa chiếm 25% lượng mưa trung bình trong năm, hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc; mùa hè nóng trùng với mùa mưa, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, lượng mưa tập trung nhiều nhất vào tháng 7, 8, 9. Các yếu tố cơ bản về khí hậu Sơn La như sau:

– Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm 2018 đạt 230C(*), nhiệt độ cao nhất trong năm là 28,40C diễn ra vào tháng 5, nhiệt độ thấp nhất 15,50C vào tháng 1.

– Độ ẩm không khí: trung bình/năm 78,80%, cao nhất vào tháng 12 đạt 85%, thấp nhất vào tháng 5 với 69,0%. Lượng bốc hơi trung bình năm là 800mm/năm. Lượng bốc hơi quan hệ với lượng mưa phân bố không đều trong năm tạo nên một thời kỳ khô hạn gay gắt (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 băm sau). Đây là thời kỳ lượng bốc hơi cao hơn lượng mưa nhiều lần, khiến độ ẩm ở tầng đất mặt luôn dưới độ ẩm cây héo rất nhiều nên thời kỳ này rất khó canh tác cây trồng ngắn ngày nếu không chủ động được nguồn nước tưới.

– Lượng mưa: Tổng lượng mưa bình quân cả năm 2018 là 1.434,1 mm/năm với 215 ngày mưa/năm. Lượng mưa phân bổ không đều, tập trung nhiều nhất vào các tháng 6, 7, 8, 9 với lượng mưa chiếm 69% lượng mưa cả năm.

– Nắng: Tổng số ngày nắng năm 2018 là 2.115,7 giờ, tập trung chủ yếu vào các tháng 4, 5, 6 kèm theo gió nóng (gió Lào).

– Gió: Thịnh hành theo hai hướng là gió mùa Đông – Bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau và gió Tây – Nam xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 9. Đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5 còn chịu ảnh hưởng của gió nóng (gió Lào). Số ngày bị ảnh hưởng của gió nóng 15 – 18 ngày/năm. Tốc đọ trung bình đo được là 0,8 – 1,90 m/s, tốc độ gió cực đại 28 m/s. Thành phố Sơn La năm sau trong nội địa, được các dãy núi che chắn không bị ảnh hưởng của Bão song thỉnh thoảng vẫn có lốc cục bộ.

  1. Thuỷ văn

Do địa hình phức tạp chia cắt mạnh tạo cho thành phố có một hệ thống suối, khe khá phong phú, song phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở vùng thấp. Trên địa bàn thành phố có suối Nậm La, chiều dài 25 km, ngoài ra còn nhiều suối nhỏ nằm rải rác ở các xã Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Xôm. Lưu lượng dòng chảy biến động theo mùa, mực nước thường thấp hơn so với bề mặt canh tác gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Dòng chảy của các suối này là nguồn cung cấp nước chủ yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

Ngoài ra thành phố cũng có hệ thống các công trình thủy lợi dày đặc: 5 đập xây, đập bê tông, 06 phai rọ thép xếp đá học loại vừa và nhỏ, 15 pphai tạm, 06 trạm thủy nông và 48 hồ chứa các loại. Công trình thủy lợi Bản Mòng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đang được xây dựng có hồ chứa gần 8 triệu m3 nước ở vùng thượng nguồn suối Nậm La. Do cơ chế kiến tạo địa chất và thủy văn đặc biệt nằm trong vùng đá vôi, quá trình karst diễn ra mạnh tạo nhiều hang ngầm và đây cũng là do ảnh hưởng nhiều đến chế độ thủy văn của thành phố.

II. Các nguồn tài nguyên

  1. Tài nguyên đất

Trong tổng diện tích tự nhiên 32.351,45 ha, theo kết quả tính toán trên bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 của tỉnh Sơn La cho thấy trên địa bàn thành phố Sơn La có các loại đất chính:

Đất vàng đỏ trên đá sét (Fsx) diện tích khoảng 4.565,8 ha.

Đất vàng nhạt trên đá sét (Fqx) diện tích khoảng 12.774,1 ha.

Đất đỏ nâu trên đá vôi (Fvh) diện tích khoảng 5.197,9 ha.

Đất nâu đỏ trên đá mắc ma trung tính (Fkx) diện tích khoảng 3.853,3 ha.

Đất đỏ vàng trên đá biến chất (Fj) diện tích khoảng 1.726,0 ha.

Đất feralit mùn đỏ vàng trên đá biến chất (FHj) diện tích 3.692,8 ha.

Đất feralit mùn trên núi (FHa) diện tích khoảng 682,36 ha.

Hầu hết các loại đất ở thành phố có độ dày tầng đất từ trung bình đến khá, có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, tỷ lệ mùn và các chất dinh dưỡng từ trung bình đến khá, độ chua trung bình, nghèo bazơ trao đổi, đất thiếu lân, kali và các chất dễ tiêu. Tuy nhiên là địa bàn thuộc khu vực cao nguyên Sơn La – Nà Sản là nơi phân bố các loại đất có độ phì cao, tầng đất dầy mang lại ưu thế để canh tác một loại cây có giá trị kinh tế mang lại hiệu quả năng suất cao.
         2. Tài nguyên rừng

Diện tích đất lâm nghiệp của thành phố là 9.882,60  ha, chiếm 30,55% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là 2.169,02 ha, diện tích rừng phòng hộ là 7.672,81 ha, diện tích rừng đặc dụng là 40,77 ha. Trước đây, trên địa bàn thành phố, diện tích đất rừng còn nhiều, rừng có thảm thực vật phong phú với nhiều loài thực vật quý, hiếm như Đinh, Sến, Lát Hoa, … trong vùng cũng có nhiều loài động vật là các loài thú, chim, bò sát, … có giá trị đặc trưng vùng. Tuy nhiên những năm trở lại đây quá trình khai thác không hợp lý, diện tích đất rừng bị suy giảm mạnh, nhiều loại gỗ quý hiếm, thảo dược và động vật đã biến mất; mật độ che phủ rừng không cao, thảm thực vật tự nhiên còn lại thưa thớt. Để tăng độ che phủ rừng cũng như tăng cường môi trường, vấn đề trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, bảo vệ rừng thời gian qua đã được các cấp chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện nhiều diện tích rừng đã và đang được các tổ chức, cá nhân khoanh nuôi bảo vệ, phát triển.

2.3. Tài nguyên khoáng sản

Thành phố có địa hình đồi núi bị chia cắt bởi các khe suối, cấu trúc địa
chất phức tạp, khoáng sản ở đây đã được điều tra nghiên cứu trên nhiều vùng với các mức độ khác nhau nhưng chưa đầy đủ. Trong những năm tới cần có các nghiên cứu, thăm dò cụ thể hơn về nguồn tài nguyên này để có kế hoạch đầu tư và khai thác hiệu quả. Hiện tại trên địa bàn thành phố có một số mỏ như: Vàng gốc bản Cằm xã Hua La; sét xi măng ở phường Chiềng Sinh, trữ lượng 110.000 ngàn tấn; sét gạch ngói Bản Dửn, xã Chiềng Ngần; đá vôi xi măng Chiềng Sinh; đá vôi bản Hôm, xã Chiềng Cọ.

         III. Tiềm năng kinh tế

  1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế

Trong hoàn cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, định hướng của Sơn La trong thời gian tới là xây dựng thành phố trở thành đô thị hiện đại mang bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù của tiểu vùng Tây Bắc, là một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, là động lực tăng trưởng kinh tế vùng dọc quốc lộ 6 của tỉnh. Phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 10-12%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8-10%/năm. Năm 2020 phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 85 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 800 tỷ đồng…

Nhằm tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển, trong thời gian tới Thành phố Sơn La tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực.

Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các Sở, Ban Ngành của tỉnh, các tổ chức quốc tế và thực hiện các mục tiêu, giải pháp thu hút đầu tư vào thành phố Sơn La. Ngoài ra, xây dựng đa dạng các kênh thông tin để thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, xây dựng phương án triển khai dự án đầu tư… Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh DN tư nhân, các thành phần kinh tế, kể cả các DN đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng với hình thức hợp tác công tư (PPP); mở rộng hình thức đầu tư BOT, BT…

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ đất; các dự án khai thác quỹ đất tạo vốn đầu tư; tham gia tổng rà soát diện tích đất, tài sản giao cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức, doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, để trống gây lãng phí, phát huy giá trị sử dụng và nguồn lực từ đất tạo vốn đầu tư phát triển

Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tập trung phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế; dịch vụ hỗ trợ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững. Mở rộng và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống bán buôn, bán lẻ, dịch vụ vận tải; phát triển thương mại. Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, tập trung tuyên truyền, vận động hộ gia đình liên kết xây dựng phương án sản xuất, tạo mặt bằng, các điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hướng về khu vực nông thôn. Phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại; nhân rộng và phát triển mô hình trồng rau, hoa có giá trị kinh tế cao tại các xã, phường trên địa bàn. Phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

  1. Tiềm năng du lịch

Thành phố Sơn La còn có những địa chỉ hấp dẫn dành cho du khách phải kể đến là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; di tích lịch sử Hang Bia Quế Lâm Ngự Chế – nơi ghi dấu bút tích của Vua Lê Thái Tông năm 1440… Thêm một lựa chọn dành cho du khách khi đến với Sơn La đó là điểm du lịch cộng đồng, Rừng vàng,  Hoa đẹp Sơn La, cũng như các Home stay mang đậm bản sắc dân tộc

Thành phố Sơn La còn được du khách biết đến bởi những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em với lễ hội như: Lễ hội hoa ban, xíp xí, cầu mưa, cầu mùa…; cùng các trò chơi dân gian như: đua thuyền, tung còn, ném pa pao, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tó mak lẹ…; các điệu xòe, múa xạp, múa nón, múa khèn,… Đặc biệt du khách sẽ không thể nào quên hương vị của những món ăn truyền thống của đồng bào vẫn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

Lịch sử thành phố

THÀNH PHỐ SƠN LA – MIỀN ĐẤT CON NGƯỜI

  1. Quá trình thành lập

    Thành phố Sơn La trước năm 2008 là Thị xã Sơn La. Địa phận Thị xã Sơn La được chia ra từ châu Mường La. Châu Mường La xưa kia có 5 mường phìa: mường phìa Mường La hay còn gọi là Chiềng An(1), mường phìa Mường Bú (Chiềng Biên); mường phìa Mường Trai (Chiềng Nghiêm); mường phìa Mường Chiến (Ngọc Chiến) và mường phìa Mường Chùm. Mường phìa Chiềng An còn gọi là Mường phìa trong, là trung tâm lỵ sở, nơi châu mường đóng. Các mường phìa khác là Mường phía ngoài. Như vậy, lãnh thổ Thị xã là mường phìa Chiềng An, một trong năm mường phìa của châu Mường La ngày xưa.

Năm 1886, thực dân Pháp đánh chiếm Tây Bắc. Ngày 25-5-1886, Tổng Trú sứ Trung – Bắc kỳ ra nghị định chuyển châu Sơn La thuộc phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa thành một cấp tương đương với cấp tỉnh do một sĩ quan với cương vị Phó công sứ cai trị. Tháng 3-1888, sau khi chiếm được Tây Bắc, thực dân Pháp lập trung khu Vạn Bú – Nghĩa Lộ, đặt trụ sở tại bản Pá Giạng, tổng Hiếu Trai. Ngày 20-8-1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đưa địa hạt Sơn La vào địa bàn của Đạo quan binh thứ Tư(2), thủ phủ đặt tại Sơn La. Ngày 10-10-1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ tiểu quân khu Vạn Bú và Lai Châu nhập thành tỉnh Vạn Bú(3). Việcchuyển Vạn Bú sang chế độ dân sự chính là thời điểm ra đời của tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ đặt tại bản Pá Giạng, xã Ít Ong, châu Mường La. Ngày 23-8-1904, toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển tỉnh lỵ Vạn Bú về Chiềng Lề (thuộc châu Mường La) và đổi tên tỉnh Vạn Bú thanh tinh Sơn La. Năm 1908 chính quyền thuộc đỉa Pháp cho xay dựng Toa sư, nhà Giám binh Trại lính, các công sở, nhà tù trên đồi Khau Cả, tĩnh lỵ vẫn đặt tại đây cho đến ngày nay.

Ngày 28-6-1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách các châu: Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, Châu Lai và phủ Châu Luân của tỉnh Sơn La để thành lập tỉnh Lai Châu. Tỉnh Sơn La còn lại 6 châu: Mường La, Châu Yên, Mai Sơn, Châu Thuận, Phù Yên, Châu Mộc.

Sau khi chuyển Sơn La sang chế độ dân sự, chính quyền thực dân đã xúc tiến ngay việc thành lập và hoàn chỉnh bộ máy cai trị của chúng từ tỉnh cho đến các bản mường, phục vụ cho việc áp bức về chính trị, khai thác, bóc lột về kinh tế.

Tổ chức bộ máy cai trị của thực dân Pháp, phong kiến tay sai ở tỉnh Sơn La: Chính quyền thuộc địa cấp tỉnh lúc đầu là Phái bộ Chính phủ rồi Tòa công sứ đặt tại tỉnh lỵ. Đứng đầu Tòa công sứ là viên Công sứ người Pháp. Chính quyền thuộc địa tiếp tục duy trì bộ máy hành chính phong kiến để thông qua đó thực thi các chính sách cai trị của chúng bằng cách biến các quan lại địa phương từ cấp tỉnh xuống cấp châu, phủ thành những quan chức ăn lương, hưởng đặc quyền, đặc lợi…

Tháng 8-1945, nhân dân các dân tộc tỉnh lỵ Sơn La dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã cùng với nhân dân trong toàn tỉnh đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi đế quốc Pháp và phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 26-8-1945.

Tháng 12-1946, khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc vùng tỉnh lỵ Sơn La đứng lên cùng cả nước anh dũng chiến đấu, giành lại tự do độc lập.

Năm 1952 giải phóng Tây Bắc, các cơ quan hành chính của tỉnh Sơn La đóng tại phố Chiềng Lề. Chiềng Lề lúc này giữ vị trí của một thị trấn, là trung tâm buôn bán nhỏ, nằm gọn dưới chân đồi Khau Cả, trước đó là trung tâm hành chính đóng bộ máy cai trị của thực dân Pháp.

Năm 1955, Khu tự trị Tây Bắc được thành lập, các cơ quan khu tạm thời đóng trụ sở tại thị trấn Thuận Châu. Năm 1959, theo đề nghị của Ban Chấp hành Khu ủy Tây Bắc và ủy ban hành chính Khu tự trị Thái – Mèo, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn y cho khu xây dựng hạ tầng cơ sở ở thị trấn châu Mường La thành đơn vị hành chính cấp thị xã đầu tiên ở khu Tây Bắc, đồng thời trụ sở các cơ quan khu chuyển về đây. Ngày 26-10-1961, theo Quyết định sô” 173-CP của Hội đồng Chính phủ, Thị xã Sơn La – thị xã đầu tiên của miền Tây Bắc thành lập. Nơi đây trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Khu tự trị Tây Bắc. Lúc bấy giờ địa bàn Thị xã Sơn La bao gồm: Thị trấn Chiềng Lề(4), xã Chiềng Cơi, bản Họ Hẹo và bản Lầu của xã Chiềng An thuộc châu Mường La.

Tháng 10-1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa III quyết định đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc; thành lập lại 2 tỉnh: Sơn La, Lai Châu và lập tỉnh mới Nghĩa Lộ. Các cơ quan của khu Tây Bắc và tỉnh Sơn La đều đóng trên địa bàn Thị xã Sơn La.

Thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, Thị xã Sơn La trở thành trọng điểm bắn phá, hủy diệt của máy bay địch; các cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất của khu và tỉnh đều sơ tán khỏi địa bàn Thị xã. Sau Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết ngày 27-01-1973, Ban Thường vụ Khu ủy Tây Bắc ra nghị quyết(5) địa điểm Thị xã Sơn La vẫn là thị xã cũ để tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa.

Thực hiện Nghị quyết Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V kỳ họp thứ hai (12-1975) về bỏ cấp khu trong đơn vị hành chính của nước Việt Nam, Khu Tây Bắc giải thể. Tháng 6-1976, Tỉnh ủy quyết định các cơ quan hành chính sự nghiệp và các cơ sở sản xuất của tỉnh đóng ở Hát Lót, nơi di tản trong chiến tranh chuyển về Thị xã Sơn La. Thị xã Sơn La trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh.

Để tạo điều kiện mở rộng và phát triển Thị xã, thực hiện Quyết định số 105-CP ngày 13-3-1979 của Hội đồng Chính phủ, sáp nhập 7 xã của huyện Mường La vào Thị xã Sơn La. Địa bàn Thị xã Sơn La lúc này gồm 2 khu phố: Chiềng Lề, Quyết Thắng và 8 xã: Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Chiềng Sinh, Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen.

Thực hiện Quyết định số 03-CP của Hội đồng Chính phủ về đơn vị hành chính cơ sở nội thành, nội thị của Thị xã gọi là phường, 2 khu phố: Chiềng Lề, Quyết Thắng đổi gọi thành phường Chiềng Lề và phường Quyết Thắng.

Từ năm 1979 đến nay, diện tích của Thị xã không thay đổi, nhưng tên gọi có sự đổi thay vì đô thị được mở rộng. Năm 1998, phường Chiềng Lề được chia tách thành 2 phường: Chiềng Lề và Tô Hiệu; phường Quyết Thắng cũng tách thành 2 phường: Quyết Thắng và Quyết Tâm; các xã đổi thành phường là: Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Sinh. Năm 2008, Thị xã có đủ các chỉ tiêu về đô thị loại III nên ngày 03-9-2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2008/NĐ-CP công nhận Thị xã Sơn La trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện nay, Thành phố Sơn La có 5 xã: Chiềng Xôm, Chiêng Ngần, Hua La, Chiềng Cọ, Chiềng Đen và 7 phường: Chiềng Lề, Tô Hiệu, Quyết Thắng, Quyết Tâm, Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Sinh.

  1. Điều kiện tự nhiên

Thành phố Sơn La nằm ở trung tâm cao nguyên Sơn La, phía Bắc giáp huyện Mường La, phía Đông và phía Nam giáp huyện Mai Sơn, phía Tây giáp huyện Thuận Châu. Địa hình Thành phố rất đa dạng, núi non xen kẽ với đồng ruộng. Những dãy núi đá vôi nối tiếp trùng điệp, có những dãy núi cao, vách dựng đứng, có nhiều hang động, thạch nhũ kỳ diệu. Những dãy núi đất xen kẽ đồng ruộng, suối khe. Đất đai màu mỡ nối tiếp nhau vòng quanh Thành phố, có thể phát triển chăn nuôi, trồng cây lương thực, hoa màu, cây lấy gỗ, cây ăn quả và cây nguyên liệu làm hàng xuất khẩu.

Thành phố Sơn La có suối Nậm La bắt nguồn từ Mường Chanh (Mai Sơn), xuống bản San (xã Hua La), chảy dọc Thành phố đến bản Lả Mường (xã Chiềng Xôm) theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Hai bên bờ suối là những cánh đồng màu mỡ và vành đai thực phẩm. Suối Bó Cá tuy ngắn nhưng là nguồn nước đáng kể cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân Thành phô”.

Diện tích Thành phố không rộng, tổng diện tích tự nhiên là 33.514 ha, trong đó đất nông nghiệp và có khả năng nông nghiệp chỉ có 6.494 ha, bằng 19,4% tổng diện tích đất tự nhiên; đất lâm nghiệp và có khả năng lâm nghiệp là 22.540 ha, bằng 67,2% tổng diện tích đất tự nhiên; còn lại là đất đô thị.

Dân số Thành phố Sơn La có 98.954 người, trong đó dân số thành thị có 66.636 người, nông thôn có 32.318 người(6).

Mật độ trung bình 303 người/km2. Hai dân tộc: Thái và Kinh chiếm đa số cư dân thành phố. Ngoài ra còn có các dân tộc: Mường, Mông, Khơ Mú, Tày, Nùng… đến công tác và sinh sống trên địa bàn, tạo cho Thành phố một cộng đồng các dân tộc cùng kề vai sát cánh, đoàn kết xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp.

Về giao thông, Thành phố Sơn La có Quốc lộ số 6 nối liền Hà Nội – Sơn La – Điện Biên, thuận lợi cho việc giao lưu ngược xuôi. Nơi đây còn tập trung đầu mối giao thông đi các huyện trong tỉnh. Thành phố Sơn La cách sân bay Nà Sản 20 km; cách Nhà máy thủy điện Sơn La 35 km và cảng Tạ Bú 25 km, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường sông.

  1. Truyền thống đấu tranh cách mạng

Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chông thực dân Pháp, đời sống nhân dân vùng tỉnh lỵ Sơn La vô cùng cực khổ, nghề sản xuất chính là nông nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, buôn bán nhỏ. Ngoài ra còn có các nghề thủ công truyền thống như: rèn, kim hoàn, đúc kim loại, nuôi tằm trồng bông, dệt thổ cẩm, đan lát… Hiện nay nhiều ngành nghề mới được hình thành và từng bước phát triển phục vụ cho sản xuất và đời sống như: Sản xuất vật liệu xây dựng, trồng hoa trồng rau và các ngành dịch vụ…

Về chính trị: Chính quyền thực dân thi hành chính sách chia để trị rất hiểm độc. Chúng triệt để chia rẽ các dân tộc, gây sự tách biệt giữa các dòng họ, ly gián giữa các châu mường, kích động tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, miệt thị lẫn nhau. Đặc biệt chúng tìm mọi cách chia rẽ dân tộc Thái với dân tộc Kinh.

Về kinh tế: trước Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp dùng chính sách kìm hãm trong vòng lạc hậu, nền kinh tế không có cơ hội phát triển. Trung tâm tỉnh lỵ chỉ có vài ba cửa hàng nhỏ bé của tư nhân, giao thông đi lại rất khó khăn, sự giao lưu hàng hóa giữa các địa phương, giữa miền xuôi và Sơn La rất hạn chế. Cuộc sống của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, săn bắn, hái lượm, tự cấp tự túc. Ruộng nước lại rất ít, phần nhiều nằm trong tay phìa, tạo phong kiến tay sai. Chúng chiếm hết ruộng tốt, ruộng chia cho người dân vừa ít, vừa xấu. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, quanh năm đói rách, thiếu thốn, hạt muối ăn cũng không đủ, chính quyền thực dân lợi dụng dùng hạt muối để chia rẽ những người chiến sĩ cách mạng với đồng bào các dân tộc.

Về văn hóa, xã hội: hơn nửa thế kỷ thông trị, thực dân Pháp thực hiện chính sách văn hóa nô dịch, kìm hãm nhân dân sống trong cảnh tối tăm, ngu muội, ở vùng tỉnh lỵ lúc đầu chúng không mở trường học mà cho duy trì chữ Thái, học theo lối truyền khẩu để dùng vào các văn bản giấy tờ từ cấp tổng xuống đến bản. Đến năm 1917, chính quyền thực dân mới cho mở một trường Tiểu học ở tỉnh lỵ dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp, trường chỉ dành riêng cho con em tầng lớp trên và gia đình công chức, nhà khá giả; con em lao động không đủ điều kiện vào học. Do đó, hầu hết nhân dân các dân tộc trong tỉnh đều mù chữ; nhà cầm quyền còn duy trì, khuyến khích những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, mê hoặc người dân, làm cho họ chỉ biết phục tùng sự bóc lột và cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai.

Nhà cầm quyền cũng không quan tâm đến sức khỏe của người dân. Năm 1922, cả vùng Tây Bắc mới có 4 y tá người Thái. Năm 1932, tỉnh lỵ Sơn La mới có một Nhà thương (Bệnh viện) với 2 y sỹ Đông Dương, 4 khán hộ (y tá), 2 hộ sinh. Trong khi đó các bệnh xã hội như: phong, lao, hoa liễu, sốt rét, đậu mùa ngày càng trầm trọng. Nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến trong nhân dân các dân tộc. Riêng bệnh sốt rét, có năm số dân mắc bệnh chiếm từ 60 – 70%. Chỉ tính riêng từ năm 1930 đến năm 1933, bệnh sốt rét ác tính đã cướp đi sinh mạng của gần 100 chiến sĩ ở nhà tù Sơn La.

Không chịu nổi cảnh áp bức bóc lột, với truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc ngược, xuôi, đồng bào vùng tỉnh lỵ Sơn La đã liên tục tham gia các cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm. Truyền thống đó được sử sách ghi lại những nét lớn:

Năm 1886, thực dân Pháp xâm chiếm Sơn La, nhân dân các dân tộc Mường La đã tích cực hưởng ứng tham gia nghĩa quân vùng Thập Châu. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Quang Bích chống Pháp quyết liệt. Mặc dù lực lượng địch rất đông, có vũ khí tốt hơn, nghĩa quân Mường La đã dựa vào pháo đài Dua Cá (bản Cá, phường Chiềng An ngày nay) chống lại chúng rất anh dũng. Sau nhiều ngày cầm cự, nghĩa quân đã xông ra khu ruộng “Na tướng Xam Kha” đánh giáp lá cà với địch, nhiều xác địch chết ngổn ngang.

Năm 1897, sau khi phong trào cần Vương ở Tây Bắc bị tan rã, thực dân Pháp bước đầu củng cố bộ máy thống trị của chúng ở vùng tỉnh lỵ. Tuy nhiên, những cuộc bạo động chông Pháp vẫn nổ ra: Cuộc bạo động của ông Bô, ông Khụt ở Mường Bú (Mường La); nhân dân Mường La do hai ông đứng đầu đã nổi dậy bắt giết phìa Phanh và xổng Chom. Tuần phủ Cầm Bun Hoan phải báo quân Pháp đưa lính về bắt hai ông đem giết ở Dua Cá.

Năm 1909, nhân dân tỉnh lỵ hưởng ứng cuộc nổi dậy của những người bị cầm tù ở Sơn La do Cai Khạt lãnh đạo. Những người tù đã phá ngục, chiếm khu đồi Khau Cả, chiếm Tòa sứ, Trại lính, Nhà giám binh và Kho bạc ở tỉnh lỵ Sơn La. Nghĩa quân thực hiện được mục tiêu thoát khỏi nhà tù đế quốc. Song vì không có sự lãnh đạo thống nhất, tương quan lực lượng chênh lệch, nên cuộc nổi dậy của nghĩa quân bị Pháp dìm trong biển máu. Riêng Cai Khạt được đồng bào đùm bọc, che chở. Song ông lại bị bắt trong một lần trên đường đi Tạ Bú và quân Pháp đem ra hành hình ở tỉnh lỵ Sơn La.

Năm 1914 – 1916, một cuộc khởi nghĩa lớn nổ ra ở Thượng Lào và Tây Bắc do Lường Xám lãnh đạo, nhân dân các dân tộc vùng tỉnh lỵ hưởng ứng sôi nổi, đồng bào đã giúp nghĩa quân về lương thực thực phẩm và một số vũ khí. Ngày 11-12-1914 nghĩa quân từ Mai Sơn kéo về đánh chiếm tỉnh lỵ Sơn La. Chỉ sau vài giờ, nghĩa quân đã chiếm được đồi Khau Cả. Chánh sứ Sơn La và Tuần phủ Cầm Bun Hoan phải rút vào trại lính cố thủ. Cuộc khởi nghĩa đã gây cho địch nhiều tổn thất. Năm 1916, các cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh các châu mường chống Pháp lan rộng nhiều địa phương trong tỉnh, nhân dân các dân tộc vùng tỉnh lỵ hưởng ứng nhiều phong trào đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống sưu thuế, chống ách áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân và tay sai.

Các cuộc nổi dậy của nhân dân các dân tộc Sơn La dưới sự lãnh đạo của các nhà yêu nước và các thủ lĩnh châu mường đều kết thúc trong sự đàn áp dã man của quân thù, nhiều người yêu nước đã hy sinh oanh liệt. Song, đó là những minh chứng lịch sử hùng hồn nói lên truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, giữa miền ngược và miền xuôi, cùng nhau đấu tranh kiên cường, bất khuất chống kẻ thù xâm lược và phong kiến tay sai.

Cùng với truyền thống đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc vùng tỉnh lỵ còn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đoàn kết, đùm bọc yêu thương nhau, tạo thành sức mạnh đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt, khắc phục mọi khó khăn, tự lực tự cường, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống. Tinh thần đó ngày nay đã trở thành truyền thống cực kỳ quý báu, tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Thành phố Sơn La.

Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, có một đường lối cách mạng đúng đắn để giành quyền độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các truyền thống đó ngày càng được phát huy mạnh mẽ trong các cuộc đấu tranh: khởi nghĩa giành độc lập dân tộc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, kháng chiến trường kỳ chống quân Pháp quay trở lại xâm lược, trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt trong công cuộc đổi mới của Đảng và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đât nước và hội nhập quốc tế.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây