Giới thiệu khái quát huyện Tân Yên

Giới thiệu khái quát huyện Tân Yên

Giới thiệu khái quát huyện Tân Yên

Ngày 6/11/1957 Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ra Nghị định số 523/TTg chia huyện Yên Thế thành 2 huyện Tân Yên và Yên Thế. Trước thời điểm ấy Tân Yên là phần đất phía nam của huyện Yên Thế mà sử sách dân gian vẫn quen gọi là miền Yên Thế Hạ.

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN TÂN YÊN

I. Vị trí địa lý.

Tân Yên là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có tổng diện tích đất tự nhiên là 204 km2, ở toạ độ 106000’20” – 06011’40” độ kinh đông và 21018’30” – 21023’00” độ vĩ bắc. Phía Bắc giáp huyện Yên Thế và huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), phía Đông giáp huyện Lạng Giang, phía Tây giáp huyện Hiệp Hoà, phía Nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang. Vị trí địa lý của huyện tương đối thuận lợi trong giao lưu phát triển KT – XH với thành phố Bắc Giang cách 15 km theo tỉnh lộ 398 (đường 284 cũ), huyện Sóc Sơn – Hà Nội (cách 30 km theo tỉnh lộ 295), thành phố Thái Nguyên cách 40 km theo tỉnh lộ 294 (đường 287 cũ)…

II. Đặc điểm địa hình.


1. Đặc điểm chung. Huyện Tân Yên mang đặc trưng địa hình bán sơn địa, được chia thành 3 vùng là: Vùng đồi núi thấp nằm ở phía Đông và phía Bắc; Vùng trung du nằm ở phía Tây; Vùng thấp ở phía Nam. Độ cao trung bình của huyện từ 10 – 15 m so với mực nước biển, điểm cao nhất là núi Đót 121,8 m (thuộc xã Phúc Sơn), điểm thấp nhất 1,0 m (thuộc cánh đồng Chủ, xã Quế Nham). Đất độ dốc nhỏ hơn 8 độ có 12.563 ha chiếm 61,5 % ; Từ 8 – 15 độ có 1.563 ha; Từ 15 – 25 độ có 2.960 ha ; Trên 25 độ có 3.346 ha chiếm 16,4 % so với tổng diện tích đất tự nhiên.
2. Tài nguyên đất. Trên địa bàn Tân Yên có 17 loại đất chính, chủ yếu có 3 nhóm: Đất đồi và ruộng bậc thang nằm chủ yếu ở phía Đông Bắc, chiếm khoảng 20 % tổng diện tích tự nhiên; Đất phù sa cũ bạc mầu nằm chủ yếu ở phía Tây Nam, chiếm khoảng 70 % tổng diện tích tự nhiên; Đất phù sa có địa hình thấp trũng nằm chủ yếu ở phía Đông Nam, chiếm khoảng 10 % tổng diện tích tự nhiên.
3. Hiện trạng cơ cấu sử dụng đất đến 31/12/2008.
Tổng diện tích đất tự nhiên: 20.441,85 ha; Trong đó:
3.1. Đất nông nghiệp. 12.825,62 ha, chiếm 62,74 %; Trong đó:
– Đất SX nông nghiệp: 11.343,94 ha.
– Đất lâm nghiệp: 665,14 ha.
– Đất nuôi trồng thuỷ sản: 776,24 ha.
– Đất nông nghiệp khác: 40,3 ha.
3.2. Đất phi nông nghiệp. 7.112,65 ha, chiếm 34,79 %; Trong đó:
– Đất ở: 2.585,73 ha.
– Đất chuyên dùng: 3.364,83 ha.
– Đất tôn giáo, tín ngưỡng: 56,17 ha.
– Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: 844.95 ha, cụ thể:
+ Đất sông ngòi, kênh, rạch, suối: 485,98 ha.
+ Đất mặt nước chuyên dùng: 358,97 ha.
– Đất phi nông nghiệp khác: 5,26 ha.
3.3. Đất chưa sử dụng. 503,58 ha, chiếm 2,46 %; Trong đó:
– Đất bằng chưa sử dụng: 271,01 ha.
– Đất đồi núi chưa sử dụng: 204,93 ha.
– Đất núi đá có rừng cây: 27,64 ha.
III. Khí hậu, thuỷ văn.
1. Khí hậu thời tiết. Huyện Tân Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm; 2 mùa rõ rệt: Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, nóng và mưa nhiều, lượng mưa chiếm khoảng 90 % tổng lượng mưa trong năm; Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thời tiết khô, hanh, mưa ít chỉ khoảng 10 % tổng lượng mưa trong năm. Tính 5 năm 2000-2004 có: Tổng giờ nắng TB 1475,5 giờ/năm, lượng mưa TB 1407,3 mm/năm, độ ẩm TB 82,1 % và nhiệt độ TB 23,90c.
2. Thuỷ văn, nguồn nước. Nguồn nước phục vụ tưới cho sản xuất, cung cấp cho sinh hoạt và hệ thống tiêu úng trong huyện bao gồm:
2.1 Hệ thống kênh đào tự chảy thuộc Thuỷ nông Sông Cầu. Công trình này nằm trên địa bàn huyện gồm có:
– Kênh Chính: Chiều dài 26,2 km, khả năng tưới 2.860 ha.
– Kênh Năm: Chiều dài 17,7 km, khả năng tưới 1.950 ha.
2.2. Hồ. Tân Yên có 78 hồ lớn, nhỏ nằm rải rác trong huyện, trữ lượng nước thiết kế khoảng 39 triệu m3.
Ngoài ra , còn có hai hồ nằm trên địa bàn huyện Yên Thế là hồ Đá Ong với sức chứa 6,38 triệu m3 nước và hồ Cầu Rễ có sức chứa tương tự cũng là nguồn cung cấp nước cho huyện, phục vụ tưới cho phần lớn xã Tân Trung và một phần xã Nhã Nam.
Ảnh : Hồ Đá Ong – Nguồn nước dự trữ – Một phong cảnh hấp dẫn du khách
2.3. Sông, ngòi chính.
+ Sông Thương: Dài 178 km, bắt đầu từ bản Thí tỉnh Lạng Sơn chảy về Phả Lại. Đoạn sông chảy qua Tân Yên dài 16 km hình thành biên giới của huyện (tại xã Phúc Hoà, Hợp Đức, Liên Chung, Việt lập và Quế Nham) với huyện Lạng Giang. Sông có độ dốc lớn, về mùa lũ độ cao chênh lệnh từ 3 – 5 cm/km. Lòng sông hẹp bình quân 80 – 100 m, lưu lượng 52,0 m3/s. Thường có lũ sớm nhất là tháng 5 và muộn nhất vào tháng 10.
Ảnh: Buổi sáng Sông Thương tại Bến Tuần-Lục Liễu xã Hợp Đức
+ Ngòi Phú Khê: Dài 36 km bắt đầu từ Lan Giới chảy qua các xã Đại Hoá, Quang Tiến, An Dương, Ngọc Châu, Ngọc Lý, Việt Lập, Liên Chung đổ ra sông Thương tại bến đò Mom xã Quế Nham. Lòng ngòi rộng bình quân về mùa cạn 15 – 20 m, lưu lượng 25,5 m3/s ứng với tần xuất 10 %.
+ Ngòi Đa Mai: Bắt nguồn từ huyện Phú Bình (Thái Nguyên) chảy qua Tân Yên dài 14,5 km tại các xã Việt Ngọc, Song Vân, Ngọc Vân, Ngọc Thiện, sau đó chảy sang huyện Việt Yên. Lòng ngòi rộng trung bình là 30 m, nơi rộng nhất là 50 m và hẹp nhất là 4 m, có lưu lượng nước 14,8 m3/s ứng với tần suất 10 %.
+ Ngòi Cầu Liềng: Bắt nguồn từ huyện Yên Thế chảy qua Tân Yên là 8 km tại các xã Tân Trung, Phúc Hoà, hợp với sông Sỏi rồi chảy ra sông Thương. Lòng ngòi rộng bình quân 12 m, nơi rộng nhất 20 m và nơi hẹp nhất là 4 m.

Truyền thống văn hóa

Huyện Tân Yên nằm ở toạ độ không gian 10600’20 – 106011’40 độ kinh đông; 21018’30”– 21023’’00 độ vĩ bắc. Phía bắc giáp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Yên Thế; phía đông giáp huyện Lạng Giang; phía tây giáp huyện Hiệp Hoà; phía nam giáp huyện Việt Yên và thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) có diện tích tự nhiên là 203,8 km2. Ở phía đông của huyện, sông Thương nước chảy gần theo hướng Bắc – Nam là ranh giới tự nhiên với huyện Lạng Giang. Huyện có một con đường quốc lộ chạy theo hướng Bắc – Nam và 2 đường tỉnh lộ chạy qua theo hướng Đông – Tây.

Tân Yên là một tiểu vùng chuyển tiếp của vùng núi Việt Bắc và Đông bắc với vùng châu thổ Sông Hồng. Đặc điểm trên làm cho huyện Tân Yên có địa hình đồi núi thấp, thoai thoải hướng Tây bắc – Đông nam, với độ cao trung bình là 10-15m so với mặt biển. Điểm cao nhất là núi Đót 221,8m thuộc xã Phúc Sơn nằm ở cực Tây bắc, điểm thấp nhất là cánh đồng Chủ 1m ở xã Quế Nham. Cứ 1 km địa hình trung bình hạ bớt độ cao thêm 1m. Đặc điểm địa hình và tính chất tiểu vùng chuyển tiếp của huyện về cơ bản được quy định bởi quá trình phát triển địa chất lâu dài và phức tạp do sự vận động kiến tạo của vỏ trái đất cách ngày nay từ vài trăm triệu năm.

Theo sự nhận biết ban đầu, huyện Tân Yên có một số tài nguyên, khoáng sản: Nổi rõ nhất là Ba rít, loại khoáng sản phi kim loại ở Lang Cao xã Cao Xá và Nguyễn xã Việt Lập. Cả hai mỏ đều có trữ lượng nhỏ 30.502 tấn và 47.000 tấn. Quặng ba rít ở Lăng Cao là quặng giầu, đạt những chỉ tiêu công nghiệp dùng cho kỹ nghệ thuộc da, làm giấy ảnh, chế tạo thuỷ tinh, làm sơn và sử dụng trong nghành dầu khí… cấu tạo địa chất ở Tân Yên cũng có thể cho phép tìm kiếm các loại sét gốm sứ, sét chịu lửa, cát xây dựng.

Khí hậu ở Tân Yên bị quy định bởi địa hình toàn tỉnh, nó vừa mang tính chất nhiệt đới nóng ẩm, vừa mang tính chất á nhiệt đới. Chế độ nắng và bức xạ phong phú. Hàng năm nhiệt độ trung bình 22,9oC nhiệt độ cao tuyệt đối là 37oC, thấp tuyệt đối là 1,4oC, tổng tích ôn 8268oC. Khí hậu có 2 mùa tương đối rõ rệt, mùa hè gió đông nam và mùa đông gió bắc chiếm ưu thế, lượng mưa trung bình cả năm là 1594mm. Do vị trí của huyện nằm ở khá sâu trong nội địa nên các cơn bão phần lớn bị núi chặn bớt làm yếu đi và ít gây ra những tác hại lớn. Với những điều kiện nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa và độ ẩm trên, Tân Yên có điều kiện trồng trọt nhiều vụ trong năm, phát triển chăn nuôi, áp dụng đa dạng cơ cấu cây trồng và thời vụ của một huyện nông nghiệp.

Nguồn nước của huyện có sông Thương, hệ thống nông giang sông Cầu và một hệ thống suối, ngòi nhỏ chảy qua. Sông Thương được phát nguyên từ phía đông nam tỉnh Lạng Sơn, dài 175km chảy qua huyện ở đoạn trung lưu dài 16km, lòng sông mở rộng từ 70m đến 100m, qua địa phận 3 xã là Hợp Đức, Liên Chung và Quế Nham. Hệ thống nông giang sông Cầu được đưa vào sử dụng từ năm 1929 gồm có kênh chính đoạn chảy qua Tân Yên từ kè Lữ Vân đến Điếm Thôn dài 25,8 km, và với 9 kênh cấp 2; 50 kênh cấp 3 dài 744km cung cấp nước cho 5574 ha, chiếm 56,6% diện tích đất trồng của huyện trong một vụ. Toàn huyện có 77 hồ lớn nhỏ, lớn nhất là hồ Đá Ong dung tích 7 triệu m3 nước, diện tích mặt nước có khoảng 400 ha. Lượng nước phân bổ trong năm không đều, về mùa mưa chiếm khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm. Sông ngòi, hệ thống nông giang của Tân Yên là một yếu tố rất cơ bản và thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và vận tải thuỷ, tuy nhiên việc sử dụng vào các lĩnh vực vận tải chưa được khai thác hết tiềm năng.
Thổ nhưỡng của huyện trên diện tích 20.332 ha, có 2 loại đất chính hình thành từ 2 nguồn gốc: Loại đất hình thành tại chỗ do phong hoá đá mẹ và loại đất hình thành do phù sa sông bồi tụ. Căn cứ vào ngồn gốc, trên  đất Tân Yên nổi rõ 3 nhóm đất: Nhóm đất đồi và ruộng bậc thang nằm chủ yếu ở phía đông bắc của huyện, chiếm 20% diện tích đất tự nhiên, nhóm đất phù sa cũ bạc màu nằm ở phía tây nam cũ của huyện, chiếm tới 70% tổng diện tích tự nhiên, nhóm đất phù sa có địa hình thấp trũng nằm ở phía đông nam, chiếm 10% tổng diện tích đất tự nhiên.
Điều kiện tự nhiên Tân Yên có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như: Trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rau và phát triển chăn nuôi để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm làm hàng hoá và phục vụ đời sống nhân dân. Các hoạt động kinh tế khác như giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ đều có cơ sở của điều kiện tự nhiên đảm bảo và cần hoạch định trong những thập niên tới, để xây dựng và phát triển.

Mặt khác, chúng ta cũng cần nhận thức có những mặt không thuận lợi của điều kiện tự nhiên như vị trí địa lý: Không có đường giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua, thảm rừng tự nhiên của những năm gần đây không còn nữa, kéo theo sự thu hẹp và mất hẳn nhiều loại động thực vật. Thổ nhưỡng ngày càng bị xói mòn, lượng mưa phân bổ không đều trong năm, nguồn nước mới chỉ đủ cung cấp cho 62% diện tích đất canh tác. Đó là những khó khăn đặt ra cho Tân Yên thực hiện công tác điều tra quy hoạch cơ bản, ưu tiên cho việc giữ gìn và bồi đắp tự nhiên trong thế kỷ mới.

Tân Yên hiện nay có 22 xã, An Dương, Cao Xá, Cao Thượng, Ngọc Lý, Đại Hoá, Lam Cốt, Lan Giới, Liên Sơn, Liên Chung, Nhã Nam, Ngọc Vân, Ngọc Thiện, Ngọc Châu, Tân Trung, Phúc Hoà, Phúc Sơn, Quế Nham, Quang Tiến, Song Vân, Việt Lập, Việt Ngọc và có 2 thị trấn là Cao Thượng và Nhã Nam. Huyện lỵ đóng tại thị trấn Cao Thượng.

Theo điều tra dân số: Năm 1979, dân số của Tân Yên là  99.364.000 người. Năm 2003 dân số Tân Yên là 150.540.000 người. Năm 2009 là 158.534.000 người, năm 2012 là 161.239.000 người.

Trong huyện có các dân tộc anh em đang chung sống chủ yếu là: Việt, Tày, Nùng, Hoa… Người Việt đông nhất chiếm 99,4% dân số, các dân tộc ít người chiếm 0,6%, chủ yếu ở các xã: An Dương, Quang Tiến, Lan Giới, Liên Sơn sống xen kẽ với các dân tộc anh em khác trên địa bàn.

Dân cư Tân Yên phân bố không đều, mật độ cao nhất là thị trấn Cao Thượng (1952 người/km2), Nhã Nam (1718 người/km2), Song Vân (1010 người/km2); mật độ dân số thấp ở Liên  Chung (550 người/km2), Việt Lập (569 người/km2), Phúc Hoà (571 người/km2). Tốc độ  phát triển dân số của Tân Yên cũng khá cao, tỷ lệ tăng bình quân dân số tự nhiên hàng năm (tính từ năm 1986 đến 1999) biến thiên từ 2,225% đến 1,12%. Trong khoảng 40 năm qua dân số Tân Yên được tăng 2,5 lần (năm 1960 dân số 63.142 người), năm 1979 dân số 135.033 người, năm 1979 dân số 100.973 người; năm 1989 dân số 135.033 người và năm 1999 dân số 156.464 người). Trong điều kiện của huyện nông nghiệp, dân cư ở nông thôn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì việc tăng dân số như trên là việc khó khăn cho việc thực hiện chính sách xã hội và phát triển kinh tế, đòi hỏi phải tiếp tục có biện pháp đồng bộ để hạ tỷ lệ phát triển dân số nhằm tập trung nguồn lực để xây dựng huyện và nâng cao đời sống nhân dân.

Trong cơ cấu dân số của Tân Yên vào năm 1999, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam (có 52 nữ, 48 nam trong 100 người), về cơ cấu tuổi số người chiếm tỷ lệ khá cao, phần lớn là trẻ em và thanh niên, chỉ tính riêng từ năm 1989 đến năm 1999, số trẻ được sinh ra là 32.229 cháu. Nghề nghiệp chủ yếu là dân Tân Yên là nghề nông, có 97% dân số sản xuất nông nghiệp, có 4.857 người thuộc thị trấn. Đến nay, tỷ lệ này đã có thay đổi. Năm 2012 tổng dân số là 161.239.000 người trong đó thành thị là 8.417.000 người, nông thôn là 152.882.000 người

Hoà cùng với dòng chảy của lịch sử dân tộc, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 2 chiếc cuốc bằng đá ở Phúc Sơn, một số mảnh tước và công cụ không định hình như rìu tay hoặc công cụ hình hạt nhân, có dấu ghè tu chỉnh… Tuy những cổ vật còn đơn lẻ và chưa nhiều, song đó là dấu hiệu của con người thuộc sơ kỳ kim khí – tức thời kỳ đồ đồng với kỹ thuật chế tác đá và đạt tới đỉnh cao là cưa, mài tinh xảo, kết hợp với ghè, đập. Điều này càng khẳng định Tân Yên miền đất có lịch sử lâu đời và phát triển tiếp tục.

Theo nguồn sử cũ, Tân Yên là một bộ phận của bộ Vũ Ninh (Vũ Ninh là một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời các vua Hùng), là địa bàn cư trú, làm ăn của người Việt cổ. Cùng với những cổ vật trên sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, lẽ hội dân gian ở Tân Yên cũng phản ánh lịch sử lâu đời của con người trên miền đất này: Các đình thờ thần Cao Sơn – Quý Minh, những vị tướng có công đánh giặc thời kỳ các Vua Hùng; đình Bậu (thôn Bùi xã Cao Thượng), đình làng Chuông (xã Liên Chung), đình Dương Lâm (xã An Dương) và nhiều phong tục, trò chơi như cướp cầu, cấm đồng, gọi gạo, múa rối nước… được nhân dân lưu giữ và truyền lại nhiều đời. Qua hoạt động khảo cổ và qua huyền thoại cho ta thấy đất Tân Yên thời cổ, con người Tân Yên thời cổ đã góp phần xây dựng, bảo vệ, khai thác vùng đất này, góp phần tạo dựng truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc hết sức cao đẹp.
Ở thời nhà Lý các tù trưởng họ Giáp, họ Thân có thế lực lớn, có uy tín nối đời làm phò mã. Với lòng yêu nước và tinh thần quả cảm, các ông đã cùng nhân dân các dân tộc thiểu số vùng đông bắc tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, nhiều thế hệ con cháu tham gia vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông thời nhà Trần.

Thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII vùng đất này xuất hiện nhiều nhân kiệt đó là các quan văn, xuất thân từ khoa bảng (đỗ tiến sĩ)  đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước như các ông: Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Vĩnh Trinh, Dương Thận Huy, Phùng Trạm, đó là các quan võ như hai anh em quận công Dương Quốc Minh và Dương Hùng Lượng ở Vân Cầu, Song Vân, Văn thần Nguyễn Vĩnh Trinh, Võ tướng Giáp Trinh Tường (Nguyễn Giáp Thái) giữ tới chức Thái bảo thuộc hàng nhất phẩm, có địa vị ngang với tể tướng.

Từ một vùng đất hoang vu, nhờ có chính sách khai phá mạnh thời hậu Lê, dân cư Tân Yên từng bước đông lên, chung sức, chung lòng lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tinh thần ngày càng phong phú.
Những công trình tín ngưỡng, tôn giáo (như các đình chùa) đều có cấu trúc đẹp, quy mô lớn, trạm khắc, đắp vẽ tài nghệ. Ở Tân Yên còn lưu giữ nhiều bia đá, sắc phong, thần tích, hoành phi câu đối và các tục lệ thờ cúng, lễ hội, các trò chơi dân gian nói lên vùng đất mà từ ngàn xưa, con người đã giàu lòng yêu nước, yêu quê hương cùng với những ước vọng khao khát xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bước vào thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn và thời thuộc Pháp ở miền Yên Thế hạ này đã có đến 8 cuộc khởi nghĩa. Rực sáng nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Lương Văn Nắm sau đó là Hoàng Hoa Thám làm thủ lĩnh. Ngót 30 năm chiến đấu quật cường (1884- 1913), Lương Văn  Nắm, Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế là những trang sử chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Từ khi có Ðảng lãnh đạo, truyền thống nghĩa khí cao đẹp của Tân Yên được nhân lên gấp bội, là huyện khởi nghĩa giành chính quyền sớm, có lực lượng vũ trang mạnh với phong trào quần chúng cách mạng sôi sục trong những ngày tiền khởi nghĩa. Tháng 9-1944, hai chi bộ Ðảng đầu tiên đã được thành lập ở Yên Lý (xã Phúc Sơn) và Ðồng Ðiều (xã Tân Trung). Ðể lãnh đạo phong trào quần chúng cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Ðảng như: Hoàng Quốc Việt, Hà Thị Quế, Ngô Thế Sơn… đã từng hoạt động, dẫn dắt phong trào cách mạng ở Tân Yên. Ðỉnh cao là cuộc đánh chiếm giải phóng Phủ Yên Thế ngày 17-7-1945, thành lập chính quyền cách mạng và đây là một trong những địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bắc Giang.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Ðảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất vừa chiến đấu, kiên quyết bảo vệ vùng tự do, chặn đứng mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh tàn bạo của kẻ địch, động viên nhân dân hăng hái sản xuất, cung cấp đủ mọi yêu cầu về con người, vật lực cho tiền tuyến. Những người con quê hương Tân Yên tham gia, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những tấm gương sáng ngời dũng cảm như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Ðược (bí danh Cao Kỳ Vân)…

Thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954-1964), Ðảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân xây dựng hợp tác xã với hơn 90% số hộ tham gia, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Hằng năm, Tân Yên đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nghĩa vụ lương thực, nông sản, thực phẩm đối với Nhà nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1965-1975), Ðảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là phải vừa giữ vững và phát huy tác dụng của phương thức sản xuất mới, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân, vừa phải cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt”, quân và dân Tân Yên đã chi viện, đạt và vượt chỉ tiêu sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền nam.

Trong hai cuộc kháng chiến, Tân Yên là nơi che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhiều cơ quan, đơn vị, trường học của tỉnh và Trung ương về sơ tán, trong đó có các cơ quan đầu não của tỉnh. Tân Yên cũng là chiếc nôi của phong trào được cả nước biết đến như phong trào Hội mẹ chiến sĩ, cô Tấm hậu phương, xây dựng nhà bia liệt sĩ…

Phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ðảng bộ và nhân dân Tân Yên đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Giai đoạn 2006-2010, kinh tế của huyện liên tục phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm. Giá trị sản xuất tăng bình quân 25,8%/năm, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 15,2%, công nghiệp – xây dựng tăng 50,9%, dịch vụ tăng 30,8%. Giá trị sản xuất năm 2010 ước đạt 16,9 triệu đồng/người. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng tăng nhanh (chiếm 36,1%); ngành nông, lâm nghiệp giảm dần (còn 43,9%); dịch vụ chiếm 20%. Hầu hết các mục tiêu của sáu chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng tâm giai đoạn 2006-2010 đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 20 (2010-2015) với chủ đề: “Phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ, đẩy mạnh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đưa Tân Yên phát triển toàn diện”.

Với truyền thống anh hùng, cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, trưởng thành và phát triển, Ðảng bộ và nhân dân Tân Yên quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh và phát triển bền vững cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đối với văn hóa, về Di tích cho đến thời điểm hiện nay đã có trên 70 di tích đã được xếp hạng Di tích LS – VH, trong đó có 12 điểm di tích được công nhận Di tích QG đặc biệt. Tân yên là vùng đất có đậm đặc các di tích, minh chứng  cho dải đất vốn xưa là vùng phên dậu của đất nước có một bề dầy văn hóa và lịch sử.

Một trong những điểm di tích LS – VH có tiếng của huyện Tân Yên chính là đình Vường. Điểm di tích này nằm trong quần thể Núi Dành, Chùa Không bụt, Đình Liên Bộ, đình chùa Lãn Tranh. Tại dải núi Dành, phong cảnh thiên nhiên hy hữu với những lớp thông xanh ngắt trải suốt từ chân núi lên tới đỉnh. Trên địa bàn huyện Tân yên, Đình Vường còn là ngôi đình nguyên mẫu hoàn hảo nhất trong tỉnh Bắc Giang. Đây là công trình kiến trúc của thế kỷ 18, tuy đã trải trên 300  năm nhưng chưa hề trùng tu lớn lần  nào.

Từ Liên Chung, về trung tâm huyện bắt gặp cụm di tích cũng không kém phần bề thế đó là đình Cao Thượng. Nét độc đáo của ngôi đình này  nằm trong những mảng điêu khắc dân gian chân thực và sống động như vợ chồng hạnh phúc, bắt hổ, uống rượu thể hiện khát vọng sống của người nông dân miền bán sơn địa. Theo quan niệm dân gian, đình chùa đền miếu vốn là chốn thiêng, không có đất cho sự dung tục. Nhưng khi đưa những bức tranh dân giã đời thường vào mảng điều khắc của ngôi đình, những người thợ xưa đã thổi hồn vào những đường cưa nét đục tạo nên sự thanh thoát, thực mà không thô. Hơn thế cũng tại di tích này ngày nay vẫn còn lưu giữ những câu chuyện chứa đựng đầy những giá trị nhân văn, như tục kết chạ giữa hai làng Hậu và Cao Thượng, Chuyện về những trận đánh nổi tiếng của Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế, tục họp chợ mùng 2 tết, đây cũng là phiên chợ độc nhất vô nhị của tỉnh Bắc Giang khi mỗi năm chỉ họp một lần và người mua người bán đều ít quan tâm tới lợi nhuận – dân gian thường gọi là phiên chợ cầu may.

Xuôi theo tỉnh lộ  297 chúng ta sẽ về với xã Song Vân, nơi có di tích Đình Chùa Vồng, đình chùa Lợ – tâm điểm của một thời được lưu danh với câu phương ngôn: Trai cầu Vồng Yên Thế. Xưa kia đình Vồng qui mô khá lớn, thờ Cao Sơn Quí Minh và các vị quân công họ Dương. Theo như những gì còn lưu giữ được thì di tích đình chùa Vồng được xây dựng vào thế kỷ 17, năm 1916 đình đã được trùng tu lại và mới đây đã được nâng cấp toàn bộ. Đình Vồng từng là nơi nhiều thủ lĩnh phong trào nông dân Yên Thế dùng là nơi tế cờ và cũng từ miền quê này đã xuất hiện rất nhiều những vị nhân kiệt được đề danh trong lịch sử. Nét độc đáo của di tích đình Vồng còn thể hiện ở những màn diễn trong lễ hội đình Vồng, như lễ tế ngựa, đua ngựa bắn cung, thả diều, vật thờ …tựu chung thể hiện khí phách thượng võ của người dân Yên Thế. Và từ lễ hội của một làng xã, qua thời gian cùng với sự tích hợp của nhiều sự kiện lịch sử, ảnh hưởng của vùng quê này đã lan rộng, trở thành tâm điểm của cả một vùng, biểu trưng khí phách cho cả một vùng đất – Vùng Đất Cầu Vồng.

Miền quê nhiều di tích văn hóa lịch sử nhất của Tân Yên phải kể tới Việt Lập – một trong những nơi phát tích của dòng họ Giáp họ Thân. Đó là ngôi chùa Thú gắn liền với giai thoại về vị quan thanh liêm Giáp Văn Thú, là Đình Ngò với tấm bia đá hình trụ – loại hình thuộc diện hiếm trong cả nước. Đó là lăng Phục Chân Đường của Quận công Giáp Đăng Luân người giúp dân khai đất lập làng, xây dựng cây cầu quận và  trước khi về cõi hạc đã để lại triết lý sống vô  thường: Tiêu dao để tự tại. Di tích tiêu biểu nhất của miền qua này còn phải kể tới chùa Kim Tràng tục truyền do một vị thiên sư phải Trúc Lâm Yên tử dựng nên. Chùa Kim Tràng kiến trúc theo lối chữ quốc gồm có nhà khách, tiền đường, tam bảo, nhà tổ, nhà tăng ni, vườn ao hồ , tháp và dãy hành lang. Trong chùa có hệ thống những pho tượng từ tam thế, adi đà, quan âm tống tử, thiên thủ thiên nhãn. Cấu trúc và bài trí trong chùa giống như chùa tổ Vĩnh Nghiêm. Đây là ngôi chùa đẹp và giá trị, nhất là khi trải qua thời gian và binh lửa xâm lược của nhà Thanh nó vẫn tồn tại.

Tân Yên – Vùng quê Yên Thế Hạ còn khá nhiều những di tích đình chùa đền miếu cổ kính, có thể kể tới chùa Phúc Lễ Phúc Hoà, tục truyền nó liên quan tới các vị công chúa Nhà Lý,  Đình Hả Tân Trung quê hương đề Hả và là nơi khởi nguồn của cuộc khởi Yên Thế. Quán Chúc Đại Hoá được người làng Chúc dựng lên ở đầu làng, dành cho khách bộ hành dừng chân, cho nông phu sau buổi cấy cầy nghỉ ngơi và là điểm vui chơi của trẻ nhỏ. Ngôi quán này tuy rất đơn sơ với 5 gian nhà gỗ, bào trơn đóng bén nhưng sâu xa lại ẩn chứa văn hóa ứng xử tài tình và đạo lý truyền thống của người Việt ta đó là: Thương người như thể thương thân…

Theo số liệu điền giã, Tân Yên có trên 300 di tích, gồm đình, chùa, đền miếu, nghè, quán. Bên cạnh di sản văn hoá vật thể, Tân Yên cũng là vùng đất của rất nhiều hội và lễ hội, là quê hương của nhiều nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, riêng có trong tỉnh. như: Hội đình Vồng, tục gọi gạo đêm 30 Phúc Hoà, phiên chợ mùng 2 Cao Thượng, du xuân Núi Dành, hội thả diều Việt Lập. Với trên 300 lễ hội lớn nhỏ tổ chức trong những ngày đầu xuân, đã thể hiện được cái hồn của những nét sinh hoạt dân gian xưa cũng như nay.

Trong sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, những di sản văn hoá quí giá của Tân Yên đã và đang được bảo tồn và phát huy góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc.  

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây