Giới thiệu khái quát huyện Yên Thế

Giới thiệu khái quát huyện Yên Thế

Giới thiệu khái quát huyện Yên Thế

1. Điều kiện tự nhiên:
Yên Thế là huyện Miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, có diện tích trên 303 km2, trong đó diện tích đất lâm nghiệp (chủ yếu là đồi núi thấp) 13.285,11 ha chiếm 43,36% so với tổng diện tích tự nhiên; Đất nông nghiệp 25.874,8 ha chiếm 84,55%; Đất phi nông nghiệp 4.664,8 ha chiếm 15,2%; Đất chưa sử dụng 97,44 ha chiếm 0,32%.
 Phía Đông Bắc giáp huyện Hữu Lũng – tỉnh Lạng Sơn; phía Đông Nam giáp huyện Lạng Giang; phía Tây Bắc giáp huyện Phú Bình, Đồng Hỷ và Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên; phía Nam giáp huyện Tân Yên.
Toàn huyện có 21 xã, thị trấn với 3 trung tâm kinh tế xã hội là thị trấn Cầu Gồ, thị trấn Bố Hạ và trung tâm cụm xã vùng cao Mỏ Trạng; có khoảng 10 vạn dân với 14 dân tộc cùng nhau chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao lan, Hoa, Sán Dìu…. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Cầu Gồ cách thành phố Bắc Giang 27 km và cách thủ đô Hà Nội 75 km. Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến Quốc lộ 17 (từ Nhã Nam – Yên Thế – đi Xuân Lương- Tam Kha); tuyến đường tỉnh lộ 242 (từ thị trấn Bố Hạ – Đèo Cà đi Hữu Lũng – Lạng sơn); tuyến đường tỉnh lộ 292 (từ thị trấn Cầu Gồ đi Bố Hạ – Kép); tuyến đường tỉnh lộ 294 (từ ngã ba Tân Sỏi – Yên Thế đi Nhã Nam huyện Tân Yên – Cầu Ca huyện Phú Bình); tuyến đường 268 Mỏ Trạng – Bố Hạ đi Thiện Kỵ – Lạng Sơn. Các tuyến đường tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện.
Yên Thế là huyện thuộc vùng núi thấp, nhiều sông suối, độ chia cắt địa hình đa dạng. Địa hình dốc dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Có thể phân ra 3 dạng địa hình chính như sau:
+ Địa hình vùng núi: Diện tích 9200,16 ha (chiếm 30,56% diện tích tự nhiên của huyện), phân bố chủ yếu ở phía Bắc huyện, thường bị chia cắt bởi độ dốc khá lớn (cấp III và cấp IV), hướng dốc chính từ Bắc xuống Nam. Độ cao trung bình so với mực nước biển từ 200-300m. Dạng địa hình này đất đai có độ phì khá, thích hợp với các loại cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
+ Địa hình đồi thấp: Diện tích 8.255 ha (27,42% tổng diện tích tự nhiên), phân bố rải rác ở các xã trong huyện, có độ chia cắt trung bình, địa hình lượn sóng, độ dốc bình quân 8-150 (cấp II,III). Độ phì đất trung bình, chủ yếu là đất sét pha sỏi, độ che phủ rừng trung bình. Loại địa hình này có khả năng phát triển cây lâu năm (vải thiều, hồng…), cây công nghiệp.
+ Địa hình đồng bằng: Toàn vùng có diện tích 10.633 ha (35,32% tổng diện tích tự nhiên). Ven các sông suối và các dải ruộng nhỏ xen kẹp giữa các dãy đồi. Độ dốc bình quân 0-80. có khả năng phát triển cây lương thực và rau màu.
* Khí hậu, thời tiết
Yên Thế nằm trong vòng cung Đông Triều, có khí hậu nhiệt  đới gió mùa nóng ẩm, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ bình quân cả năm là 23,40c. Nhiệt độ trung bình cao nhất năm 26,90C, nhiệt độ trung bình thấp nhất năm 20,50C;  tháng có nhiệt độ cao nhất là các tháng 6, 7, 8; tháng có nhiệt độ thấp nhất là các tháng 12, 1, 2 (có khi xuống tới 0 – 10C).
* Lượng mưa: Lượng mưa bình quân hàng năm là 1.518,4 mm, Yên Thế thuộc vùng mưa trung bình của trung du Bắc Bộ. Lượng mưa phân bố không đều trong năm chiếm tới 85% tổng lượng mưa của cả năm. Lượng mưa tập trung nhiều vào các tháng 6,7, 8, dễ gây ngập úng ở những nơi địa hình thấp, tuy thời gian ngập không kéo dài nhưng thường có lũ ống, lốc xoáy. Ngược lại, trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 15% lượng mưa cả năm. Trong mùa này lượng nước bốc hơi mạnh, ảnh hưởng lớn tới trồng trọt nếu không có hệ thống tưới. Lượng bốc hơi trung bình năm 1012,2 mm, tập trung nhiều vào các tháng 5,6,7, các tháng còn lại lượng bốc hơi phân bố khá đều.
* Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí bình quân cả năm là 81%, cao nhất là 86% (tháng 4) và thấp nhất là 76% (tháng 12).
*  Gió: Trong vùng có hai mùa gió chính: Gió mùa Đông Bắc thịnh hành trong mùa khô, với tốc độ gió trung bình 2,2 m/s. Trong mùa mưa, hướng gió chủ yếu của vùng là gió mùa Tây Nam với tốc độ trung bình 2,4 m/s. Nhìn chung huyện Yên Thế nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa Hạ nóng ẩm mưa nhiều, mùa Đông ít mưa, lạnh và khô. Có lượng mưa trung bình, với nền nhiệt độ trung bình khá cao, giàu ánh sáng. Đây là những điều kiện thuận lợi cho nhiều loại cây trồng phát triển và có thể làm nhiều vụ trong năm.
* Thủy văn: Yên Thế có 2 con sông lớn (sông Thương chảy qua ranh giới phía Đông huyện dài 24 km từ Đông Sơn đến Bố Hạ; sông Sỏi chạy dọc huyện từ Xuân Lương đến Bố Hạ hợp lưu với Sông Thương, dài 38 km) tổng lưu lượng nước khá lớn. Ngoài ra, huyện còn có hệ thống các hồ chứa, ao và các suối nhỏ thuộc hệ thống sông Sỏi và sông Thương. Nguồn nước mặt được đánh giá là dồi dào, phân bố khá đều trên địa bàn, tạo thuận lợi cơ bản cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
2. Các nguồn tài nguyên
 a. Tài nguyên đất
+ Nhóm đất phù sa nằm trong vùng địa hình bằng phẳng (độ dốc 0 – 80), là nhóm đất thuận lợi cho sản xuất lương thực và rau màu, bao gồm 3 đơn vị đất:
* Phù sa được bồi (Pb): diện tích 180 ha phân bố ở địa hình vàn cao.
* Phù sa không được bồi (P): diện tích 280 ha phân bố ở trong đờ.
* Phù sa ngòi suối (Py): Có diện tích 1835 ha, phân bố ven các suối.
+ Nhóm đất xám bạc màu: Có diện tích 3163 ha, tuy nghèo đạm, lân và mùn song giàu kali, tơi, xốp, thoát nước tốt thích hợp với các loại cây có củ.
+ Nhóm đất đỏ vàng: Tổng diện tích 24017,15 ha chiếm 79,72% diện tích tự nhiên, phân bố ở tất cả các xã và ở cả ba dạng địa hình.
+ Nhóm đất tầng mỏng có nhiều sỏi đá: diện tích 650 ha, phân bố chủ yếu ở các sườn đồi, đất bị xói mòn, có tầng đất mỏng, độ phì kém, bạc màu.
– Xét về độ dốc, đất đai trong huyện được chia làm 4 cấp độ dốc như sau:
+ Độ dốc cấp I (0o – 80): chiếm 35,32%.
+ Độ dốc cấp II (8o – 150): chiếm 18,47%.
+ Độ dốc cấp III (15o – 250): chiếm 8,94%.
+ Độ dốc cấp IV (>250): chiếm 30,56%.
+ Sông, suối, mặt nước và đất chưa điều tra: chiếm 6,8%.
b. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê đất đai đến 01/01/2015 đất lâm nghiệp có rừng toàn huyện là 13.285,11 ha, chiếm gần 43,36% tổng diện tích tự nhiên. Các cây trồng chủ yếu là các loại cây keo lai, bạch đàn…. hàng năm cho khai thác 40.000- 50.000 m3 gỗ các loại.
Trong những năm gần đây được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhân dân đã chú ý nhiều đến việc trồng rừng, trồng cây ăn quả, do đó thảm thực vật rừng ngày càng phát triển.
c. Tài nguyên khoáng sản
+ Than đá: Có mỏ Bố Hạ phân bố ở 2 xã Đồng Hưu và Đông Sơn. Tổng trữ lượng khoảng  4.000 ngàn tấn. Than  đá được khai thác chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương (đốt gạch, nung vôi …).
+ Nhóm kim loại đen: Quặng sắt ở Xuân Lương, có trữ lượng khoảng 500 ngàn tấn,  hiện đang được khai thác phục vụ công nghiệp địa phương và cung cấp cho các cơ sở luyện gang thép, làm phụ gia sản xuất xi măng…
+ Nhóm kim loại quý: Chủ yếu là vàng sa khoáng do dân khai thác tự do, sản lượng không nhiều, tập trung ở thượng nguồn sông Sỏi (có chiều dài khoảng 3km rộng 300-400m), cần được thăm dò khảo sát để đánh giá và lập kế hoạch khai thác.
+ Đất sét: Có ở nhiều nơi trong huyện (đặc biệt ở khu vực Đồi Mồ – Bố Hạ và La Lanh, Đồng Vương trữ lượng khoảng 300.000m3), hiện tại đang được khai thác phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.
 d. Tài nguyên nhân văn
Yên Thế là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại thực dân Pháp gần 30 năm (1884- 1913) do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Hiện nay trên đất Yên Thế còn lưu lại được nhiều di tích quý báu của cuộc khởi nghĩa: Đồn Phồn Xương, Đền Cầu Khoai, Đền Huyết Hồ, Đền Suối Cấy, Đồn Hố Chuối, Đồn Hom, Chùa Lèo, Đình Dĩnh Thép, Chùa Thông, là những di tích lịch sử ghi lại những chiến công của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp gần 30 năm. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có một số di tích lịch sử văn hoá khác được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.
3. Về môi trường
Yên Thế có nhiều cảnh quan thiên nhiên có thể phát triển du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng:
+ Hồ Suối Cấy: Thuộc địa bàn xã Hồng Kỳ và Đồng Hưu có diện tích mặt nước 180 ha, khả năng sinh thuỷ lớn, lòng hồ có đảo nhỏ có khả năng phát triển du lịch sinh thái.
+ Hồ Cầu Rễ: Thuộc địa bàn xã Tiến Thắng và xã Tam Tiến, có diện tích mặt nước 200 ha, xung quanh là đồi núi, rừng cây che phủ, địa điểm này nằm trong quy hoạch tổng thể du lịch của tỉnh.
+ Hồ Đá Ong: Thuộc địa bàn xã Tiến Thắng huyện Yên Thế có diện tích mặt nước 150 ha; xung quanh được bao bọc bởi rừng núi, có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
+ Hồ Chùa Sừng: Thuộc địa bàn xã Canh Nậu, diện tích 41 ha; xung quanh bao bọc bởi rừng tự nhiên, rừng trồng, có điều kiện để phát triển kinh tế- du lịch.
+ Hệ thống thủy lợi Sông Sỏi: Gồm Hồ chứa nước(Đập Dâng), Hồ Quỳnh và hệ thống kênh (Kênh Đông, Kênh Tây, Kênh Giữa) là công trình thuỷ lợi kết hợp du lịch đang được hoàn thiện. Đây là công trình nằm trên phạm vi 12 xã của huyện Yên Thế với diện tích trên 260 ha, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế- du lịch.
+ Khu Thác Ngà (Xuân Lương): Diện tích khoảng gần 50 ha, đây là khu rừng tự nhiên có nhiều tiềm năng, có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái.
Ngoài ra trên địa bàn huyện một số hệ thống hồ đập như: Hồ Ngạc Hai, Hồ Suối Ven ở xã Xuân Lương; Hồ Cầu Cài, Hồ Chín Suối ở xã Đông Sơn; Hồ Cầu Cháy ở xã Hồng Kỳ; Hồ Chồng Chềnh xã Đồng Vương… Góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế và cảnh quan môi trường của địa phương./.

KHAI QUÁT LỊCH SỬ HUYỆN YÊN THẾ

Yên Thế là huyện miền núi nằm ở phía tây bắc của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 303km2; bắc giáp huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên, nam giáp huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang, đông giáp huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn và Lạng Giang tỉnh Bắc Giang, tây giáp huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, sự thay đổi địa giới chung của cả nước, tên gọi và địa giới hành chính huyện Yên Thế cũng có nhiều thay đổi.
Từ khi có dân cư sinh sống đến thời Lý (1009-1225), vùng đất Yên Thế chưa là một đơn vị hành chính riêng mà nằm trong đất Lạng Châu. Đến thời Trần (1225-1400), huyện mang tên là Yên Viễn thuộc lộ Như Nguyệt Giang, khi nhà Minh thống trị huyện đổi tên thành Thanh Yên, thuộc châu Lạng Giang. Thời Quang Thuận nhà Lê (1460-1469), Thanh Yên được gọi là Yên Thế, nằm trong phủ Lạng Giang trấn Kinh Bắc.
Đến thời kỳ đầu nhà Nguyễn, Yên Thế vẫn giữ hiện trạng đó. Từ năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) trực thuộc phân Phủ Lạng Giang. Đầu thế kỷ XX phủ Yên Thế gồm 10 tổng, trừ tổng Yên Thế đã biến mất và thêm 03 tổng khác là Hương Vỹ, Hữu Thượng (trước thuộc huyện Hữu Lũng) và Ngọc Cục (trước thuộc huyện Yên Dũng). Theo danh mục các làng xã Bắc kỳ (1927) và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (đầu thế kỷ XX), huyện Yên Thế gồm 10 tổng. Trước năm 1945, Yên Thế là một phủ nằm trong tỉnh Bắc Giang, địa giới bao gồm cả 2 huyện Yên Thế và Tân Yên ngày nay.
 Năm 1957, theo Nghị định số 532-TTg ngày 6/11/1957 của Thủ tướng Chính phủ huyện Yên Thế chia thành 02 huyện Yên Thế và Tân Yên. Đến nay huyện Yên Thế có 19 xã và 02 thị trấn là: Xuân Lương, Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Vương, Đồng Tiến, Tiến Thắng, An Thượng, Tân Hiệp, Tam Hiệp, Hồng Kỳ, Phồn Xương, Đồng Lạc, Tân Sỏi, Đồng Kỳ, Đồng Hưu, Hương Vỹ, Đông Sơn, Bố Hạ, Đồng Tâm, thị trấn TT Cầu Gồ và  thị trấn Bố Hạ.
Địa lý tự nhiên của Yên Thế gồm hai phần: Vùng rừng núi và trung du. Yên Thế có nhiều sông ngòi trong đó có các con sông lớn là sông Thương, sông Sỏi; sông Thương đồng thời là đường ranh giới giữa huyện Yên Thế và huyện Lạng Giang. Ngoài hai con sông lớn trên, ở Yên Thế còn có rất nhiều con suối, ngòi lớn nhỏ chạy đan xen giữa các vùng.
Yên Thế là vùng đất có con người tụ cư sớm; Trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, con người nơi đây đã chứng kiến bao cảnh hợp tan và từ những thế kỷ XVIII – XIX; nhất là từ đầu thế kỷ XX đến nay, Yên Thế lại là miền đất thu hút hội tụ đông đảo cư dân từ các vùng lân cận như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương… tụ cư sinh sống tạo thành những cộng đồng làng bản đan xen gắn bó khăng khít, đoàn kết bảo vệ và xây dựng quê hương Yên Thế giàu đẹp như ngày hôm nay. Hiện nay, Yên Thế có trên 10 vạn người gồm 14 dân tộc anh em chung sống.
Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng đất Yên Thế đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được có những đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc như: Chống quân xâm lược Tống thế kỷ thứ XI, quân xâm lược Nguyên – Mông, cuộc kháng chiến chống quân Minh, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi – Nguyễn Trãi mà đỉnh cao là chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang năm 1427 và sau nay là chống giặc cờ đen, cờ vàng…
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám đã cùng nhân dân Yên Thế dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp ngót 30 năm (1884 -1913). Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược được đánh giá là một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất trong phong trào vũ trang chống Pháp của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX trước khi có Đảng. Suốt 30 năm chiến đấu, nghĩa quân đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, điển hình là các trận ở Cao Thượng (06-11-1890), Hố Chuối (22-11-1890), Phồn Xương (29-12-1895)…Cuộc khởi nghĩa phát triển khá sâu rộng và có sức ảnh hưởng lớn không chỉ ở trong vùng Yên Thế mà còn lan sang cả các vùng khác trong cả nước. Nhằm đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thực dân Pháp đã tập trung vào đây một lực lượng đông đảo các tướng, tá, binh lính cũng như vũ khí, đạn dược hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa. Trong các trận đánh có sự tham gia chỉ huy của toàn quyền Đông Dương Pônđume, thống xứ Bắc Kỳ Moren, 3 thiếu tướng, 4 đại tá, 30 thiếu tá, hàng ngàn sĩ quan và trên 48.000 lượt lính với đầy đủ các quân binh chủng và cùng nhiều phương tiện vũ khí hiện đại…
Cuộc khởi nghĩa của Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám dần đi đến thất bại và kết thúc, nhân dân Yên Thế lại sớm tham gia phong trào cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Năm 1940, nhân Ngày quốc tế Lao động 1-5, cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện ở Phồn Xương, Tổ Cú (Tân Hiệp) báo hiệu một bước ngoặt cách mạng mới. Tháng 9-1944, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Yên Thế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kể từ đây cơ sở cách mạng ở Yên Thế đã có những thay đổi với nhiều hình thức hoạt động phù hợp, đáp ứng được được những đòi hỏi của thực tiễn, biết cách bám rễ phát triển, chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi thời cơ đến để vùng lên giành chính quyền.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954), cùng với quân dân cả nước, quân và dân Yên Thế đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh và đã giành được thắng lợi vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ghi tiếp những chiến công chói lọi vào trang sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Sau gần 3.000 ngày đêm chiến đấu không mệt mỏi, với lời thề “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Yên Thế đã chiến đấu, chiến thắng, chấm dứt gần một thế kỷ cai trị của thực dân và hàng ngàn năm thống trị của phong kiến.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Thế đã đoàn kết một lòng, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, gần 6.000 nam nữ thanh niên đã lên đường nhập ngũ, đi khắp các chiến trường đánh giặc, có gia đình cả cha, con cùng lên đường đi chiến đấu. Trong các cuộc kháng chiến huyện Yên Thế có 1.085 liệt sĩ, 609 thương binh, 340 bệnh binh. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có: 4 Huân chương lao động (hạng nhì, ba); 14 Huân chương kháng chiến; 2 Huân chương Quân công; 3 Anh hùng lực lượng vũ trang; 59 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 6.443 huân chương, huy chương Kháng chiến cho các cá nhân. Lực lượng vũ trang huyện Yên Thế và xã Tam Tiến được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Không chỉ có truyền thống chống giặc ngoại xâm, người dân Yên Thế còn có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lao động cần cù, sáng tạo. Quá trình phát triển, khai phá và cải tạo đất đai, những cư dân nơi đây đã tạo ra nhiều cánh đồng màu mỡ đồng thời tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và khai thác rừng. Nhiều sản phẩm ở Yên Thế xưa đã trở nên nổi tiếng, trong đó phải kể đến cam, quýt Bố Hạ. Hiện nay, ở Yên Thế có vải thiều, chè, thuốc lá, mật ong, rừng kinh tế và “Gà đồi Yên Thế”… đã trở thành hàng hóa cho giá trị khá cao.
Người dân Yên Thế không chỉ giỏi trong sản xuất, mà còn khá thành thạo việc buôn bán. Từ xưa thị trấn Bố Hạ là một nơi sầm uất, trung tâm trao đổi hàng hóa với các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, sang Kép, Cao Thượng, Nhã Nam, Cầu Gồ… hoặc xuống Vôi, Bắc Giang. Bước vào thời kỳ mới, ngoài thị trấn Bố Hạ, Yên Thế còn có thị trấn Cầu Gồ là trung tâm hành chính của huyện và một số thị tứ mới hình thành, ở đó các hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ, là trung tâm giao lưu kinh tế – văn hóa.
Là một vùng đất cổ, sớm có con người đến định cư do đó cuộc sống tinh thần của người dân Yên Thế phong phú và đa dạng, biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian mà sự phản ánh rõ nét nhất được thể hiện qua các lễ hội, tiêu biểu như: Lễ hội chùa Tân Sỏi ngày 15 tháng Giêng (âm lịch); lễ hội Hội đền Cầu Khoai ngày 23 tháng Giêng (âm lịch); lễ hội đình chùa Hương Vỹ ngày 25 tháng Giêng (âm lịch); hội đình chùa Bố Hạ ngày 15 tháng Hai (âm lịch); hội vùng Bo (Đông Sơn) ngày 14 tháng Hai (âm lịch); lễ hội chùa Thông ngày 14 tháng Ba (dương lịch); lễ hội chù Lèo, lễ hội đình chùa Dĩnh Thép ngày 15 tháng Ba (dương lịch); trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến lễ hội Phồn Xương xưa và nay (Lễ hội Yên Thế ngày 16 tháng Ba dương lịch) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Nhiều công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh: Đình – chùa Bố Hạ, đình – chùa Hương Vỹ, đình Đông Kênh, đình Bo Chợ (Đông Sơn) đặc biệt 09 điểm di tích lịch sử những điểm khởi nghĩa Yên Thế là: Đình Dĩnh Thép, Chùa Lèo, Đền Thề, Hố Chuối, Chùa Thông, Đồn Phồn Xương, Đồn Hom, Động Thiên Thai (Đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm), đền Cầu Khoai.

 

Tiếp nối truyền thống quê hương Yên Thế anh hùng, ngày nay trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế luôn đoàn kết, thống nhất giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực… Nền kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, sản xuất nông – lâm nghiệp tăng mạnh cả về năng suất và sản lượng là một trong những huyện dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế đồi rừng và đàn gia cầm, trong đó sản phẩm Gà đồi Yên Thế đạt top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2015. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và t
hương mại dịch vụ có bước phát triển mới, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế  theo hướng ngày càng hiện đại. Cơ sở hạ tầng của nền kinh tế được đầu tư lớn và có sự cải thiện rõ nét. Hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc được đầu tư phát triển khá mạnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ huyện, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất hàng hóa hàng năm đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; an ninh lương thực được đảm bảo. Nhiều hạng mục công trình của hạ tầng kinh tế – xã hội, đô thị, nông thôn được đầu tư xây dựng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được nâng lên. Năm 2014, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Những kết quả đó đã tăng thêm niềm tự hào, phấn khởi và lòng tin của nhân dân vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới làm tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo./.

TIỀM NĂNG DU LỊCH HUYỆN YÊN THẾ

Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích trên 303 km2. Huyện Yên Thế có 21 xã, thị trấn với 3 trung tâm kinh tế xã hội là thị trấn Cầu Gồ, Bố Hạ và Mỏ Trạng. Toàn huyện có khoảng 10 vạn dân với 08 dân tộc cùng nhau chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao lan, Hoa, Sán Dìu. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Cầu Gồ cách thành phố Bắc Giang 27 km và cách thủ đô Hà Nội 75 km. Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến Quốc lộ 17 (từ Nhã Nam – Yên Thế – đi Tam Kha – Xuân Lương); tuyến đường tỉnh lộ 242 (từ thị trấn Bố Hạ – Đèo Cà đi Hữu Lũng – Lạng sơn); tuyến đường tỉnh lộ 292 (từ thị trấn Cầu Gồ đi Bố Hạ – Kép; tuyến đường tỉnh lộ 294 (từ ngã ba Tân Sỏi – Yên Thế đi Nhã Nam huyện Tân Yên – Cầu Ca huyện Phú Bình); tuyến đường huyện 268 Mỏ Trạng – Bố Hạ đi Thiện Kỵ – Lạng Sơn. Các tuyến đường tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện. Vị trí địa lý đã tạo cho huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Trên mảnh đất lịch sử này đã ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Yên Thế dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám – vị thủ lĩnh áo nâu – đã cùng nhân dân Yên Thế và các sĩ phu của nhiều vùng miền trên cả nước dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp ngót 30 năm (1884 – 1913). Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa oanh liệt nhất, bền bỉ nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Đó là niềm tự hào, là động lực để Đảng bộ và nhân dân Yên Thế hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng quê hương.
Là một huyện vinh dự được đón nhận danh hiệu ”Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Nhà nước trao tặng. Nhân dân các dân tộc Yên Thế coi đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Thế đã dày công phấn đấu, xây dựng trong suốt chặng đường lịch sử của dân tộc.
Lịch sử văn hoá về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử có giá trị to lớn được chính quyền và người dân nơi đây trân trọng, gìn giữ. Những điểm quốc gia đặt biệt khởi nghĩa Yên Thế là bằng chứng thuyết phục cho tinh thần quả cảm, bất chấp hy sinh của nghĩa quân Yên Thế nhằm giành lại độc lập, tự do. Hệ thống đồn Phồn Xương, Đền Thề, Đồn Hố Chuối, đồn Hom, chùa Lèo, đình Dĩnh Thép, chùa Thông, động Thiên Thai, đền Cầu Khoai là 9 điểm trong tổng số 23 điểm di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012. (Xem giới thiệu 9 điểm di tích Quốc gia đặc biệt của Yên Thế – tại đây)
Năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được phép của Bộ văn hoá thông tin, UBND tỉnh, tại Trung tâm Đại bản danh, Đồn Phồn Xương năm xưa vào ngày 15, 16, 17 tháng ba dương lịch, lễ hội Yên Thế được diễn ra hàng năm – đây là một trong hai lễ hội lịch sử lớn nhất của tỉnh Bắc Giang hiện nay (cùng với Lễ hội Xương Giang). Lễ hội Yên Thế với nhiều hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Trong lễ  hội, có tổ chức  thi võ vật cổ truyền, cờ vua, cờ người, bắn nỏ, kéo co, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn… và biểu diễn võ sáo, võ cổ truyền dân tộc.v.v..  Các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, nấu cơm gánh, Hội diễn văn nghệ quần chúng, thi người đẹp mặc trang phục dân tộc đẹp và nhiều hoạt động văn hoá khác được nhân dân kế thừa, bảo tồn và phát triển.
Trên địa bàn huyện Yên Thế hiện có 120 di tích, trong đó: 43 di tích lịch sử được xếp hạng (9 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, 07 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh). Hàng năm các di tích đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám trung bình mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn cơ sở lưu trú du lịch và hệ thống nhà hàng có thể phục vụ hàng trăm lượt khách trong ngày ở TT Bố Hạ và TT Cầu Gồ. Ngoài ra còn có một số công trình văn hoá dân gian thu hút khách thập phương đến viếng lễ, vãn cảnh như Đền Huyết Hồ (Nguyệt Hồ) xã Hương Vĩ (Xem chi tiết tại đây), Đền Suối Cấy xã Đồng Kỳ, Đền Trắng  xã Đông Sơn (Xem chi tiết tại đây).
Trong những năm qua, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng ở một số điểm du lịch đã từng bước được huyện Yên Thế quan tâm đầu tư xây dựng. UBND huyện đã tranh thủ thu hút đầu tư với số vốn trên 30 tỷ đồng để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám. Đặc biệt, công tác xã hội hóa đã góp phần không nhỏ vào khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám như huy động nguồn vốn xã hội hóa trên 4 tỷ đồng thay thế chất liệu tượng Hoàng Hoa Thám từ bê tông cốt thép sang chất liệu bằng đồng. UBND huyện cũng đã xây dựng đề án bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc huyện Yên Thế.
Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, với việc quy hoạch các điểm phát triển du lịch lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Du khách đến với Yên Thế còn được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên của núi rừng Yên Thế. Tài nguyên du lịch rừng Yên Thế phong phú vẫn giữ được dáng vẻ oai nghiêm, hùng vĩ của đại ngàn với các thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng sơn thuỷ hữu tình sẽ làm bâng khuâng, lưu luyến ai đó mỗi lần về thăm. Đến nay tỷ lệ độ che phủ của rừng ở Yên Thế đạt 40% tổng diện tích đất tự nhiên, Yên Thế là huyện thực hiện tốt nhất chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và độ che phủ của rừng cao hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh và cả nước.
Du khách có thể đến thăm những mô hình kinh doanh rừng kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập trên 500 triệu đồng 1 năm từ nghề trồng rừng. Rừng và dịch vụ từ rừng đã trở thành một điều kiện sống không thể thiếu được với người dân Yên Thế. Tài nguyên rừng ở Yên Thế đã và đang được đầu tư bảo vệ cho phát triển kinh tế và du lịch sinh thái. Khu rừng đầu nguồn Thác Ngà xã Xuân Lương, đã thu hút nhiều du khách từ các vùng miền, các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… Về tham quan du lịch. Du khách có thể vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ dưới tán cây rừng còn hoang sơ, được tắm mình dưới thác nước đổ và thưởng thức rượu mật ong trên nhà sàn giữa rừng. Để rồi cảm nhận mối giao hoà giữa con người và thiên nhiên hoà quyện vào nhau, để tâm hồn thư giãn sau những công việc thường ngày.
Cùng với khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám có tầm cỡ quốc gia, Yên Thế còn có các đặc sản nổi tiếng trong cả nước như vải, nhãn, trám, chè. Các lâm lộc, sản vật quí của núi rừng như nấm hương, mộc nhĩ, măng đắng, hạt dẻ, mật ong được lấy từ những cánh hoa rừng, các cây thuốc quý hiếm…Ngoài ra Yên Thế còn có đặc sản ẩm thực phong phú như bánh khảo, chè lam, bánh dầy, xôi vò, rượu nếp nương… Đây là lợi thế quan trọng mà không phải địa phương nào cũng có được để phát triển du lịch.
Tài nguyên du lịch của Yên Thế không những hấp dẫn vì tính đa dạng và thuận lợi về vị trí địa lý mà còn hấp dẫn bởi tính nguyên khai của thiên nhiên ban tặng thuở nào. Nhân dân Yên Thế có truyền thống mến khách, có nếp sống văn hoá mang đậm bản sắc của các dân tộc địa phương. Về Yên Thế, du khách thắp hương vãn cảnh khu di tích lịch sử Hoàng Hoàng Hoa Thám, sau đó có thể đi đến một số Đền, Chùa, rồi du khách ngược lên vùng cao, đi vào Thác Ngà tắm mát, hay đến với bản Ven – Xuân Lương, thăm và thưởng thức hương vị chè xanh của người Cao Lan được sản xuất theo quy trình khép kín kết hợp với những phương thức bí truyền từ bao đời nay, sản phẩm Chè Xanh Bản Ven đã được nhiều nơi biết đến. Du khách có thể nghỉ dưỡng để tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và trải nghiệm cùng bà con dân tộc Cao Lan trong cuộc sống đời thường.
Cùng với thế mạnh từ rừng, phát huy tiềm năng kinh tế đất vườn đồi, huyện Yên Thế đã trở thành một huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc với tổng đàn trên 4,5 triệu con; trong đó đàn gà đạt trên 4,3 triệu con, giá trị sản xuất hàng năm đạt từ 1.300 tỷ đến 1.500 tỷ đồng. Yên Thế đã trở thành điểm sáng với thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” được trong và ngoài tỉnh và một số quốc gia trong khu vực tiêu dùng. Chăn nuôi gà đồi thực sự đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ dân. Giống gà địa phương được thả trong đồi vải với những chiếc “nhà sàn” nhỏ nhắn xinh xắn làm nơi trú ngụ. Thức ăn chủ yếu là ngô hạt, côn trùng nên thịt săn chắc, có vị ngọt đậm đà và mùi thơm đặc trưng của vùng rừng núi. Giống gà Yên Thế không chỉ có mẫu mã đẹp, mà điều quan trọng là chất lượng thịt gà có hương vị rất đặc trưng mà chỉ “Gà đồi Yên Thế” mới có. Du khách đến Yên Thế sẽ được thưởng thức hương vị của đặc sản “Gà đồi” và chắc chắn khi ra về sẽ còn lưu luyến.
Với tiềm năng thế mạnh điều kiện tự nhiên của vùng quê Yên Thế, cùng với lòng hiếu khách của người dân nơi đây, vùng quê Yên Thế đã và đang phát huy tiềm năng du lịch, mở rộng cửa đón du khách gần xa về thăm quan, nghỉ dưỡng…
Huyện Yên Thế đặt ra mục tiêu huy động và sử dụng lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để từng bước đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. Lấy du lịch văn hóa lịch sử làm nền tảng gắn với du lịch sinh thái làng nghề và du lịch tâm linh làm động lực. Huyện Yên Thế đã xác định tiềm năng và địa điểm các sản phẩm du lịch tiềm năng gồm 3 loại hình, đó là: Du lịch văn hóa lịch sử; Du lịch tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội; và Du lịch sinh thái- làng nghề, khu vui chơi, giải trí. Trong đó:
Du lịch văn hóa lịch sử: bao gồm
– Quần thể khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám bao gồm: Khu trung tâm (Đại bản doanh), Đồn Hố Chuối (Phồn Xương), Đình Dĩnh Thép (Tân Hiệp), Đồn Hom (Tam Hiệp), chùa Thông (Đồng Lạc), Chùa Lèo (Phồn Xương).
– Di tích Kỳ Đồng (xã Hồng Kỳ).
Du lịch tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội: gồm
– Đền Nguyệt Hồ (xã Hương Vĩ).
– Đền Cô (Đền Cầu Khoai – xã Tam Hiệp).
– Đền Trắng, Đền Thượng (xã Đông Sơn).
– Lễ hội Yên Thế, lễ hội Đền Cầu Khoai, lễ hội Đình Dĩnh Thép, lễ hội Đình Bố Hạ, Hương vĩ, Đông Sơn, lễ hội Chùa Lèo (xã Phồn Xương).
Du lịch sinh thái- làng nghề, khu vui chơi, giải trí: gồm
– Các điểm du lịch sinh thái: hồ Cầu Rễ, hồ Đá Ong (Tiến Thắng), hồ Suối Cấy (Đồng Kỳ), hồ Ngạc Hai (Xuân Lương), hồ Quỳnh (Canh Nậu, Tam Tiến), đập dâng Sông Sỏi (Tam Hiệp), thác Ngà (Xuân Lương).
– Các làng nghề: Chế biến chè (Xuân Lương), nuôi ong lấy mật (Hồng Kỳ), chế biến chè lam, bánh khảo (Tam Tiến).
– Các điểm vui chơi, giải trí: Xã Phồn Xương, khu Trung tâm di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (mở rộng), khu vui chơi giải trí Bố Hạ.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, lực lượng vũ trang nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Qua bao thăng trầm của lịch sử, vùng đất Yên Thế hôm nay đang trên đà phát triển với nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội dựa trên việc phát huy những tiềm năng và thế mạnh của chính địa phương. Là địa phương có địa hình đa dạng, lắm sông nhiều suối, Yên Thế có nhiều tiềm năng về du lịch, khoáng sản và phát triển nông lâm nghiệp. Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 30.000ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm khoảng 48%, Yên Thế có thế mạnh rất lớn trong việc phát triển nghề trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gà thả đồi, có sản phẩm chè, mật ong, chè lam, bánh khảo…. Nơi đây có con sông Thương, sông Sỏi cùng nhiều hồ lớn và suối nhỏ, cùng với nhiều di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đặc biệt là 9 điểm nằm trong “Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế” được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt …. là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và văn hóa. Trong công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng đời sống mới, vùng đất Yên Thế sẽ không ngừng vươn lên làm bừng sáng vùng núi phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang./.

TỔNG QUAN VỀ KINH TẾ – XÃ HỘI HUYỆN YÊN THẾ

Yên Thế huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích trên 303 km2. Huyện Yên Thế có 21 xã, thị trấn với 3 trung tâm kinh tế xã hội là thị trấn Cầu Gồ, thị trấn Bố Hạ và trung tâm cụm xã vùng cao Mỏ Trạng (đạt tiêu chuẩn đô thị loại V). Toàn huyện có gần 10 vạn dân với 08 dân tộc anh em cùng nhau chung sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao lan, Hoa, Sán Dìu. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Cầu Gồ cách thành phố Bắc Giang 27 km và cách thủ đô Hà Nội 75 km. Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến Quốc lộ 17 (từ Nhã Nam – Yên Thế – đi Tam Kha – Xuân Lương); tuyến đường tỉnh lộ 242 (từ thị trấn Bố Hạ – Đèo Cà đi Hữu Lũng – Lạng sơn); tuyến đường tỉnh lộ 292 (từ thị trấn Cầu Gồ đi Bố Hạ – Kép); tuyến đường tỉnh lộ 294 (từ ngã ba Tân Sỏi – Yên Thế đi Nhã Nam huyện Tân Yên – Cầu Ca huyện Phú Bình); tuyến đường 268 Mỏ Trạng – Bố Hạ đi Thiện Kỵ – Lạng Sơn. Các tuyến đường tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện.
Trong những năm qua kinh tế – xã hội của huyện phát triển khá toàn diện, có nhiều khởi sắc:
+ Về nông- lâm nghiệp thuỷ sản, xây dựng Nông thôn mới
  Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển nhanh và tương đối toàn diện; an ninh lương thực được đảm bảo, nhiều loại cây, con hàng hóa địa phương có thế mạnh được khai thác hiệu quả như: rừng kinh tế, chè, cây ăn quả, gà đồi… Tốc độ tăng trưởng chung của ngành đạt 8,5%/năm; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 65%, và từng bước trở thành ngành sản xuất chính; giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác ước đạt 55 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị chăn nuôi đạt 16,8%/năm; năm 2015, giá trị ngành chăn nuôi ước thực hiện 1.581 tỷ đồng, tăng 610 tỷ đồng so với năm 2010. Trong đó, đàn gia cầm 4.500.000 con, giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng. Yên Thế trở thành huyện có quy mô tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc, bình quân duy trì 4 triệu đến 4,2 triệu con, giá trị sản xuất đạt trên 1000 tỷ đồng.
Từ năm 2012 – 2015 sản phẩm gà đồi đã được bình chọn và nhận các giải thưởng như: “Sản phẩm tin cậy – dịch vụ hoàn hảo – nhãn hiệu ưa dùng” , “Sản phẩm tin cậy” cho sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”, danh hiệu “Thương hiệu tin dùng Thủ đô”, Cúp chứng nhận “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á-ASEAN BESTFOOD/BESTFOOD PRODUCT”, danh hiệu “Thương hiệu – nhãn hiệu nổi tiếng”, vinh danh Top 100, tốp 50, tốp 10 “Thương hiệu – Nhãn hiệu nổi tiếng do Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế, Tạp trí Sở hữu trí tuệ, sáng tạo phối hợp với Bộ KH&CN Việt Nam trao tặng giúp thương hiệu Gà đồi Yên Thế ngày càng phát triển.
Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn huyện 5.218 ha và gần 1,6 triệu cây phân tán, nâng độ che phủ rừng lên 40%, đạt 100% chỉ tiêu. Mỗi năm khai thác 41.400 m3 gỗ và trên 15.700 ste củi, cho thu nhập trên 143 tỷ đồng. Kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục phát triển mạnh, đến nay toàn huyện có 1.400 trang trại, gia trại (21 trang trại theo tiêu chí mới); trong đó, có nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm..
Toàn huyện 19/19 xã hoàn thành công tác quy hoạch, phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 04 năm thực hiện chương trình, đến nay đã có 01 xã điểm về đích xây dựng nông thôn mới (An Thượng), các xã còn lại mỗi xã đều đạt 12,45/19 tiêu chí xã nông thôn mới; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể.
+ Sản xuất Công nghiệp – Xây dựng
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,4%/năm. Đến nay, đã xây dựng, bổ sung xong quy hoạch 04 cụm công nghiệp và 03 điểm công nghiệp với tổng diện tích trên 100ha; đã có 06 dự án được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động, bao gồm 03 nhà máy may xuất khẩu, 01 nhà máy chế biến chè xanh, chè đen xuất khẩu, 02 cơ sở chế biến gia cầm, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động. Bên cạnh đó, các ngành nghề nông thôn như: sản xuất gạch, vôi hòn, cay vôi, mộc dân dụng, tre đan, khai thác cát sỏi, chế biến lâm sản… tiếp tục phát triển thu hút khoảng 4.000 hộ tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động.
+ Hoạt động dịch vụ
Tốc độ tăng trưởng bình quân huyện đạt 28,23 %/năm. Dịch vụ vận tải, viễn thông phát triển nhanh, khối lượng luân chuyển hành khách, hàng hóa trên 15 %/năm; số thuê bao điện thoại đạt 91,5 máy/100 dân. Mạng lưới chợ, nhất là chợ nông thôn được củng cố và phát triển mạnh góp phần to lớn trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ nông sản cho nông dân, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu các loại sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: Gà đồi Yên Thế, Chè xanh Bản Ven…
+ Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế
Công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đầu tư được quan tâm. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 61 dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận đầu tư (tỉnh 30, huyện 31 dự án) với tổng số vốn đăng ký 842 tỷ đồng; có 59 dự án được triển khai thực hiện với tổng số tiền 659 tỷ đồng.  Toàn huyện hiện có 127 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 133 tỷ đồng; thành lập mới được 08 HTX (hợp tác xã), nâng tổng số HTX trên địa bàn là 23, với tổng số vốn đăng ký trên 34 tỷ đồng.
+ Huy động vốn đầu tư  xây dựng phát triển kinh tế – xã hội
Yên Thế đã thực hiện nhiều cơ chế thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của ngân sách cấp trên và lồng ghép các nguồn vốn khác để xây dựng, nâng cấp kết cấu kinh tế – xã hội. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện thực hiện 3.194 tỷ đồng, đạt 118,15% kế hoạch. Kết quả trên các ngành, lĩnh vực, cụ thể như sau:
– Về giao thông: Đã đầu tư nâng cấp 17 km đường tỉnh lộ 292 đoạn Cầu Gồ – Tam Kha (nay là Quốc lộ 17); xây mới cầu Quỳnh – xã Xuân Lương và cầu Bến Trăm – xã Đông Sơn. Đến nay, 100% tuyến đường tỉnh được nhựa hoá theo tiêu chuẩn đường cấp 4; đầu tư cải tạo, nâng cấp 11 công trình đường huyện, đường liên xã với tổng chiều dài trên 35 km theo tiêu chuẩn đường cấp 5, cấp 6; đầu tư cứng hoá 75,6 km đường trục xã, đường liên thôn, bản. Đến nay, 21/21 xã, thị trấn có đường nhựa hoặc đường bê tông qua trung tâm xã, ô tô các loại đã đến được các thôn, bản trong toàn huyện.
– Về thuỷ lợi:. Toàn huyện có 05 hồ đập lớn, 14 công trình hồ, đập nhỏ; hệ thống kè chống sạt lở kết hợp đê ngăn lũ 04 xã vùng sông Thương, sông Sỏi. Hệ thống kênh mương kiên cố hóa 27 km, đảm bảo tưới, tiêu chủ động cho khoảng 90% diện tích đất canh tác lúa.
– Về điện lực: Yên Thế đã hoàn chỉnh quy hoạch phát triển điện lực huyện giai đoạn 2009 – 2015. Bàn giao đưa vào sử dụng các công trình thuộc dự án năng lượng nông thôn II ở 05 xã; phối hợp đầu tư để xây dựng mới 24 trạm biến áp và một số tuyến đường dây hạ áp tại 11 xã, thị trấn, nâng tổng số trạm biến áp toàn huyện lên 194 trạm với công suất 35.325 KVA. Đến nay, 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia.
– Về hạ tầng đô thị: Yên Thế có nhiều hạng mục công trình như: Hạ tầng kỹ thuật khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám; khu dân cư thị trấn Cầu Gồ, Bố Hạ, điểm dân cư Tân Sỏi; hệ thống đèn tín hiệu giao thông khu vực ngã tư thị trấn Cầu Gồ, Bố Hạ; hệ thống đèn chiếu sáng xã Phồn Xương, ngã tư Tân Sỏi, Mỏ Trạng và thị trấn Bố Hạ.
– Về cơ sở vật chất trường học, y tế, văn hoá và các hạng mục công trình khác được củng cố và phát triển: Toàn huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 253 phòng học kiên cố, 49 phòng công vụ giáo viên; xây mới 01 trường học và 99 hạng mục công trình phụ trợ. Đã đầu tư  xây mới trụ sở Trung tâm Y tế huyện; nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Đa khoa huyện và 15 trạm y tế xã, thị trấn. Hạ tầng văn hoá, thông tin, truyền thông phát triển mạnh: hiện toàn huyện có 117 trạm BTS. Nhiều tuyến cáp quang được xây dựng; Đài TT-TH huyện được đầu tư, nâng cấp; đầu tư cải tạo, nâng cấp sân vận động huyện; xây mới 20 nhà văn hoá thôn, bản, phố.
Với  lợi thế về điều kiện tự nhiên  và sự quyết tâm của toàn đảng, toàn dân huyện Yên Thế trong những năm qua và thời gian tới. Mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Yên Thế  luôn được coi trọng và là một trong trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa huyện Yên Thế ngày càng phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây