Giới thiệu khái quát huyện Yên Dũng

Giới thiệu khái quát huyện Yên Dũng

Giới thiệu khái quát huyện Yên Dũng

Yên Dũng là một huyện nằm ở tiểu vùng miền núi và trung du của tỉnh Bắc Giang được bao bọc bởi 3 con sông là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam. Huyện  có diện tích tự nhiên là 19042 km2 bao gồm 19 xã và 2 thị trấn. Phía Bắc giáp thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang; phía Đông giáp huyện Lục Nam; phía Nam giáp với huyện Quế Võ ( Bắc Ninh), huyện Chí Linh ( Hải Dương); phía Tây giáp với huyện Việt Yên. Dân số của huyện tính đến năm 2017 là 135,599 người. Mật độ dân số là 707 người/km2. Trung tâm huyện là thị trấn Neo.

Yên Dũng là huyện miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Giang, gồm 19 xã và 2 thị trấn. Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Bắc Giang 16 km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60 km.

Tài nguyên đất đai của huyện tương đối đa dạng, phong phú, với tổng diện tích tự nhiên trên 19.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 12.200 ha (bao gồm đất đồi núi với phần lớn diện tích thuộc dãy núi Nham Biền, đất ruộng bằng phẳng và đất thấp trũng), diện tích đất phi nông nghiệp trên 6.800 ha; dân số trên 136.000 người.

Hệ thống giao thông với các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 17 và 4 tuyến đường tỉnh (398, 299, 299B, 293) chạy qua địa bàn huyện, ngoài ra còn có hệ thống giao thông đường thuỷ do được bao bọc bởi 3 con sông (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) là điều kiện thuận lợi trong việc liên kết vùng, giao thương và tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Huyện có chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng di tích quốc gia với Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nguồn lao động của huyện dồi dào với truyền thống cần cù, chịu khó và hiếu học… Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.

Văn hóa Yên Dũng

Đây là một vùng đất cổ có bề dày về lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Yên Dũng tự hào là một vùng đất thiêng với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng hốt cấu tạo nên dãy Nham Biền kỳ vĩ; có chốn tổ Vĩnh Nghiêm ( xã Trí Yên) của thiền phái Trúc lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, chùa được coi là trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Yên Dũng tự hào là nơi sinh ra hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích ( xã Song Khê), nơi ẩn chứa và phát tích tinh hoa của nhiều thế hệ; một vùng đất đã biết lấy câu trong sách thánh hiền để dạy con cháu: ” Thiên kim di tử, bất như nhất kinh”, nghĩa là để cho con ngàn vàng không bằng một quyển sách. Bởi vậy từ xưa Yên Dũng đã sinh ra và nuôi dưỡng hàng chục tiến sĩ làm nên niềm tự hào của một vùng quê hiếu học. Đến nay truyền thống ấy đã và đang được các thế hệ người Yên Dũng kế tiếp.

Tiềm năng kinh tế

Yên Dũng có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế- xã hội. Với vị trí tương đối thuận lợi: là cửa ngõ của thành phố Bắc Giang ở phía Bắc, nằm trên trục đường Quốc lộ 1A, được bao bọc bởi ba con sông lớn là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá cả đường bộ và đường thuỷ. Chính vì lẽ đó mà hiện tại Yên Dũng đang là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh. Tính đến hết năm 2007 toàn huyện đã có 72 tổ chức và cá nhân được chấp nhận đầu tư vào địa bàn, diện tích thuê đất là 77,5 ha, với số vốn đăng ký đạt 629,369 tỷ đồng và 7,83 triệu USD.

Là một vùng đất phù sa cổ, có nhiều cánh động rộng, bằng phẳng cùng vời hệ thống thuỷ lợi đã và đang được cứng hoá, huyện có điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp 10.499 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 10.171 ha, Yên Dũng đang tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đặc biệt là lúa chất lượng cao. Hàng năm, năng suất lúa bình quân đạt 52 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 87.230 tấn. năm 2009 huyện hoàn thành xây dựng thương hiệu Gạo thơm Yên Dũng. Nuôi trồng thuỷ sản cũng là thế mạnh của huyện với trên 1.015 ha mặt nước tự nhiên và khoảng 761 ha diện tích  chuyển  đổi sang nuôi cá, sản lượng thuỷ sản toàn huyện hàng năm đạt trên 3.000 tấn. Do vậy Yên Dũng được quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Bắc Giang.

Dãy Nham Biền là một biểu tượng đẹp của vùng đất nơi đây. Cho đến nay toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã được phủ xanh bằng các loại cây như thông, keo và cây ăn qủa.

Tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của huyện rất lớn. Trong những năm qua cùng với sự lãnh đạo của Đảng bộ, Uỷ ban nhân dân huyện cùng với sự đoàn kết của toàn thể nhân dân trong huyện Yên Dũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế và các hoạt động văn hoá, xã hội; chính trị, an ninh được giữ vũng. Yên Dũng đang phấn đấu trở thành một huyện “mạnh về kinh tế, giàu về văn hoá”.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây