Giới thiệu khái quát huyện Tháp Mười

huyện Tháp Mười - Tỉnh Đồng Tháp

Giới thiệu khái quát huyện Tháp Mười

Sau năm 1975, ba quận Mỹ An, Kiến Văn và Cao Lãnh nhập lại thành huyện Cao Lãnh. Đến năm 1981, do nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phần đất của quận Mỹ An cũ được tách ra để thành lập huyện Tháp Mười .

Từ thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1, qua khỏi ngã ba An Cư rẽ vào đường 856 vào 30 km, du khách gặp một thị trấn đông vui, đó là chợ Mỹ An, thị trấn của huyện Tháp Mười. Huyện nằm về phía đông bắc của tỉnh; phía dông giáp tỉnh Long An, phía nam giáp tỉnh Tiền Giang, phía bắc và tây bắc giáp huyện Tam Nông, phía tây và tây nam giáp huyện Cao Lãnh.

Tháp Mười có diện tích tự nhiên là 528 km2 với 127.175 nhân khẩu, mật độ 241 người/km2 (2005)), gồm một thị trấn và 12 xã là Hưng Thạnh, Trường Xuân, Mỹ Quí, Đốc Binh Kiều, mỹ An, Mỹ Hòa, Mỹ Đông, Tân Kiều, Phú Điền, Thanh Mỹ, Láng Biển, Thạnh Lợi và thị trấn Mỹ An.

Địa danh Tháp Mười có lẽ ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 19 và chính thức xuất hiện trên văn bản vào những năm Thiên hộ Võ Duy Dương lấy Gò Tháp làm căn cứ nghĩa quân chống thực dân Pháp (1864-1866) với tên Hán Việt là Thập Tháp (tức Tháp Mười)[1]Người Pháp sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chủ quan đặt tên cho cánh đồng này là “Plaine inondée couverte d’herbe” sau đổi thành “Plaine des Jones” có nghĩa là cánh đồng cỏ lát hay đồng cỏ bàng; song cuối cùng họ vẫn sử dụng tên Tháp Mười[2].

Tháp Mười có tất cả đặc điểm tự nhiên của vùng trũng Đồng Tháp Mười là môi trường và cảnh quan đều bị chi phối bởi nước, gồm nước mưa và nước lũ. Vào tháng 4, tháng 5 âm lịch, khi mùa mưa bắt đầu, nước mưa từ thượng nguồn các sông Tiền và Vàm Cỏ Tây tràn vào vùng trũng; cao điểm vào tháng 8 có khi ngập sâu đến 3, 4 mét. Đến tháng 10, nước bắt đầu rút; cây cỏ chết, mục nát rữa ra tạo thành một thứ nước cỏ màu xanh đậm của phèn và có mùi hôi, gọi là “nước cỏ” hay  “nước thúi” ảnh hưởng đến môi trường sống của con người và động vật nhất là loài cá. Đến tháng 2, tháng 3 nước cạn kiệt dần, phèn lừng lên (xì phèn) làm héo úa các loại cây cỏ chịu hạn và chịu phèn kém. Cũng cần lưu ý rằng địa bàn huyện Tháp Mười nằm sâu trong vùng Đồng Tháp Mười, nên vào thời điểm này không có một con sông rạch tự nhiên nào dẫn nước sông Tiền vào; nước chỉ còn lại ở các đìa, bàu, lung, trấp, sình…

Chu kỳ này lặp đi lặp lại hàng năm có tác động lớn đối với quá trình sinh trưởng của động vật và thực vật và đời sống con người. Nơi đây là môi trường thích hợp của cây tràm, năn, lác, bàng…Riêng cây lúa ma (lúa trời) có thể lên theo mực nước tới 20-30 cm mỗi ngày . Tôm, cá, rắn, rùa, chim chuột, muỗi, đỉa… tùy theo mỗi giai đoạn của chu kỳ mà mỗi loại xuất hiện ít nhiều khác nhau. Từ lâu đời, con người ở đây đã sống chung với lũ với mái nhà sàn, nơi trú mưa nắng; chiếc xuồng, phương tiện đi lại, chuyên chở và trải qua một thời gian khá dài con người ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá và khai thác các lâm thủy sản khác chứ không phải trồng lúa. Cho đến đầu thế kỷ 20, vùng này đại bộ phận hoang hóa với rừng tràm, lau sậy; khai phá chưa được bao nhiêu; dân chúng khắp nơi chỉ vào cất chòi trại tạm bợ để khai thác cá, xong mùa cá thì trở về quê quán.

Các tài liệu còn lại đến nay chưa đủ để xác định thời điểm cụ thể mà các nhóm lưu dân người Việt dừng chân trên vùng đất này. Tuy nhiên cũng có thể khẳng định rằng, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược (1698), xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất mới lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, thì huyện Tân Bình trải dài đến tận sông Tiền, tức là bao gồm cả vùng Tháp Mười. Đất khai phá mỗi ngày một mở rộng, để quản lý có hiệu quả, năm 1732, chúa Nguyễn lấy đất phía Nam Phiên Trấn, tức vùng đất ven sông Tiền làm châu Định Viễn lập dinh Long Hồ, lỵ sở đặt tại Cái Bè, nên thường gọi là Cái Bè dinh. Năm 1772, chúa Nguyễn Phước Thuần thấy “xứ Mỹ Tho” đã định hình, nên cho thành lập đạo Trường Đồn. Đến tháng 11 năm 1799, lại thấy đạo Trường Đồn quá rộng lại nằm ở chỗ trọng yếu của ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, nên cho nâng cấp đạo Trường Đồn lên thành dinh. Dinh Trường Đồn  gồm một huyện là Kiến Khương với ba tổng. Địa bàn huyện Tháp Mười ngày nay nằm trong tổng Kiến Đăng. Năm Gia Long thứ 5 (1806), dinh Trường Đồn đổi thành trấn Định Tường với một phủ, ba huyện và 6 tổng, địa giới tổng Kiến Phong (huyện Kiến Đăng). Đến năm 1838, phần đất thượng lưu sông Tiền của huyện Kiến Đăng được tách ra để lập huyện Kiến Phong. Trong thời gian Pháp thuộc, huyện Tháp Mười thuộc quyền quản lý của khu tham biện Cần Lố từ năm 1865 đến 1876; thuộc khu tham biện Tân Thành (Sa Đéc) từ năm 1876 đến 1913 và thuộc quận Cao Lãnh từ 1914 đến 1956. Đến tháng 10 năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh kiến Phong gồm có 6 quận; huyện Tháp Mười nằm trên địa bàn của quận Mỹ An gồm có 6 xã là Mỹ An, Mỹ Qúi, Mỹ Hòa, Mỹ Đa, Mỹ Thạnh và Thạnh Lợi. Sắc lệnh số 162/SL/NV ngày 12-7-1974, chính quyền Sài Gòn cắt một phần đất thuộc xã Mỹ Đa để nhượng cho tỉnh Định Tường thành lập quận Hậu Mỹ. Sau ngày giải phóng (1975), ba quận Mỹ An, Kiến Văn và Cao Lãnh hợp lại thành huyện Cao Lãnh. Ngày 1-6-1981, phần đất của quận Mỹ An cũ được tách ra để thành lập huyện Tháp Mười.

So với một số huyện trong tỉnh, Tháp Mười là huyện được khai phá khá muộn song lại có bề dày lịch sử đáng lưu ý.

Theo kết luận của các nhà khảo cổ học thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ, đã được các khám phá của ngành khảo cổ học Việt Nam hiện nay xác minh (qua các lần khai quật vào năm 1984 và 1993); thì từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 8, gò Tháp Mười, còn có tên Prasat Pream Loven (nghĩa là Tháp Năm Căn), là một trung tâm tôn giáo khá quan trọng thuộc nền văn hóa Óc Eo, với nhiều ngôi tháp (hoặc ngôi đền), có liên quan đến sự kiện “vị thái tử Gunavarman, mặc dù còn trẻ tuổi đã được phong cho trị vì một  lãnh thổ sùng đạo được chinh phục từ đầm lầy, vì ông là một người vừa có đạo đức, vừa  có phẩm hạnh…”

Trước khi đến ở và khai phá, người Việt cũng đã biết đến vùng đất này khá sớm. Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi chép “mùa xuân năm Ất Hợi (1755), Đại binh của Thiện Chánh Hầu đã về trước ở đồn Mỹ Tho, ra lệnh cho Côn Man Thuận Thành (người Chăm) bỏ đất Kha Khâm đem cả bộ lạc xe cộ xuống đồn trú ở đất Bình Thạnh (nay là Gò Vấp-nguyên tác), quân tinh tráng có trên vạn người, đi đến đất Vô-tà-ôn (tức Đồng Tháp Mười)[3] bị binh chúng Cao Miên đông hơn một vạn, thừa cơ đuổi theo chụp đánh, quân Côn Man đuối sức và cô thế, bèn đem xe kết đúc lại thành lũy đồng tâm chống giữ và cấp báo với Thiện Chính Hầu, Thiện Chính Hầu bị rừng ao ngăn trở khó bề ứng cứu cho mau được”.

Vào cuối thế kỷ thứ 18, khi có một số người Việt đến khai phá vùng ven Đồng Tháp Mười (lúc ấy vùng này được gọi là chằm Mãng Trạch hoặc Lâm Tẫu) thì nơi đây là chiến trường tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh[4]. Sau khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông thì Tháp Mười là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân do Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cầm đầu, trung tâm đặt tại Gò Tháp. Với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong và ngoài địa bàn Tháp Mười, từ căn cứ này nghĩa quân liên tục tiến công làm cho giặc khiếp đảm trong ba năm 1864, 1865 và 1866. Đến tháng 4 năm 1866, thủy sư đô đốc De Lagrandière, chỉ huy cao nhất của Pháp ở Nam Kỳ, ra lệnh cho đại quân tấn công Gò Tháp. Sau hơn một tuần chúng mới triệt hạ được căn cứ; song phải trả một giá khá đắt.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ 2 và chống Mỹ, Tháp Mười là một căn cứ địa vững chắc của cách mạng miền Nam. Tháp Mười là nơi đóng các cơ quan của Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, Tỉnh ủy Tân An, Mỹ Tho, Long Châu Sa… Tháp Mười còn là nơi đùm bọc, nuôi dưỡng, che chở các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Thập…

Nơi đây còn được mệnh danh là “Việt Bắc của Nam Bộ”, chính vì thế nên thường xuyên bị giặc đánh phá ác liệt. Kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tháp Mười đã vượt qua nhiều khó khăn, hy sinh, gian khổ mất mát, tạo nên nhiều chiến công lừng lẫy…, gây cho giặc nhiều tổn thất, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiêu biểu là các anh hùng Nguyễn Văn Tre, Dương Văn Hòa… cùng tập thể anh hùng các xã Đốc Binh Kiều, Thanh Mỹ… với hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, nhân dân đã anh dũng hy sinh.

Trải qua một thời gian dài cuộc sống của người dân ở đây hết sức khó khăn. Đất thấp lại nhiễm phèn nặng cây lúa có khi mọc không nổi. Lúa trời, củ co, bông súng… là lương thực chủ yếu trong mùa nước nổi. Dù thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng tài nguyên Tháp Mười rất phong phú đa dạng về động vật lẫn thực vật trong hệ thống cân bằng sinh thái chung; nhất là  cá tôm mà sự giàu có về chủng loại và số lượng từng được ca ngợi như một huyền thoại về Đồng Tháp Mười[5]. Câu ca dao:

Ai ơi, về với Tháp Mười,

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn;

nhằm ca ngợi tiềm năng dồi dào đó. Nhưng dưới mắt thực dân Pháp mà cụ thể là Paulin Vial[6], vốn là một viên sỹ quan quân đội thực dân trở thành giám đốc Nội vụ Nam Kỳ, mang bản chất của một kẻ tồn tại nhờ hàng hóa và thị trường, thì toàn vùng Đồng Tháp Mười là “một vùng đất không sinh lợi”. Với tư cách của kẻ xâm lược chúng cần có tình hình an ninh xã hội ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc cai trị; và dưới cặp mắt thực dân, tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng này là nguồn thu thuế rất lớn nên qua hai lần khai thác thuộc địa, trên địa bàn huyện Tháp Mười, chúng cho đào ba hệ thống kinh:

– Kinh ngang có: kinh Nhứt cũ, kinh Tháp Mười (Nguyễn Văn Tiếp A)

– Kinh đứng có: kinh Cái Bèo, kinh Bùi

– Kinh chéo có: kinh Nhất mới, kinh Nhì, kinh Ba, kinh Tư, kinh Tư kép (Quate Bis: Cát Bíc), kinh 25, kinh 26, kinh 27…

Nhưng kết quả không như chúng mong muốn, vì số kinh đó quá ít so với yêu  cầu thau chua rửa phèn của toàn vùng. Sau 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng có tham vọng khai thác và khống chế vùng bưng biền sình lầy này. Song, do kế hoạch chưa thiết thực, quá nặng tính quân sự, lại thiếu vốn… nên không khai thác được bao nhiêu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và nhất là từ khi thành lập huyện, nhân dân Tháp Mười dưới sự lãnh đạo của Huyện đảng bộ đã lập được thành tích đáng cho cả nước chú ý. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn: làm thủy lợi là khâu đột phá để khai thác Đồng Tháp Mười, trong 10 năm (1981-1991), nhân dân trong huyện đã đào mới, nạo vét kinh tạo nguồn 5.725.196 m3; 4.361.700 m3 kinh nội đồng và sửa sang mặt bằng ruộng đồng (đó là chưa kể số lượng do nhân dân tự làm lấy), tổng cộng trên 10 triệu mét khối đất. Khâu thứ hai là tuyên truyền vận động nhân dân bỏ tập quán làm lúa một vụ để làm lúa hai vụ. Chính hai tác động chủ đạo này đã làm cho sản lượng lúa Tháp Mười tăng vọt, trở thành một trong những huyện có sản lượng lúa tính theo đầu người cao nhất nước (3.073 kg/người vào năm 1995).

Năm

Diện tích canh tác (ha)

Năng suất (tấn/ha)

Sản lượng theo đầu người

1981-1982

33.000

4

638

1991-1992

52.383

8-9

2.627

1995-1996

73.040

9

3.073

 (* Nguồn: – Báo cáo thành tựu 10 năm thành lập huyện (1981-1991) ngày 20-12-1991

– Báo cáo của Ban chấp hành huyện Đảng bộ Tháp Mười tại Đại hội đại biểu huyện lần thứ V ngày 20-3-1996).

Ngoài cây lúa, Tháp Mười còn thế mạnh thứ hai là cây tràm; hiện nay dù chưa có chính sách cụ thể, nhưng cũng đã khai thác được 6.300 ha trên 10.000 ha trồng tràm trước đây, chủ yếu tập trung ở các xã Trường Xuân, Hưng Thạnh, Mỹ Hòa và một phần xã Tân Kiều, đã mang lại cho nhân dân trong huyện một nguồn lợi đáng kể. Song đến năm 1995, diện tích trồng tràm giảm 50%, do hệ thống thủy lợi cho cây tràm và ý thức tổ chức bảo vệ rừng chưa tốt. Hơn nữa, càng ngày nông dân càng thấy trồng tràm không kinh tế bằng cây lúa.

Cây lúa đã làm cho bộ mặt Tháp Mười thay đổi. Tháp Mười có điện và việc ngồi xe hơi tại thị trấn Mỹ An để đi Sài Gòn là điều mà trước đây không có người dân địa phương nào dám mơ tưởng; nhưng nay đã là hiện thực! Hiện nay chỉ mất ba hoặc bốn giờ là có thể đến Sài Gòn và chỉ một giờ thôi là đã đến thị xã Cao Lãnh, không còn cảnh phải co ro ngồi tắc ráng mất cả buổi. Các xã đã có điện sinh hoạt, điện thoại, trạm y tế, trường trung học cơ sở… tại thị trấn Mỹ An có trường trung học phổ thông, học sinh không phải ra Cái Bè hoặc Cao lãnh để học, từng bước giải quyết được tình trạng khan hiếm trí thức ở nông thôn. Trong năm học 1995-1996, toàn huyện có 34 trường tiểu học, trung học cơ sở và một trường phổ thông trung học với 22.897 học sinh chia ra : cấp tiểu học có 18.218 học sinh; cấp trung học cơ sở có 4.085 học sinh và cấp trung học phổ thông có 594 học sinh; ngoài ra còn có 22 lớp mẫu giáo với 648 cháu.

Đến năm 2005, toàn huyện có 45 trường học, chia ra:  tiểu học (28), trung học cơ sở (13) và phổ thông trung học (4); với số học sinh là 31.270, trong đó, học sinh tiểu học là 13.612, trung học cơ sở là 13.125 và phổ thông trung học là 4.533. Số giáo viên là 1.274 người, trong đó, giáo viên  cấp tiểu học là  578 người, trung học cơ sở là 532 người và phổ thông trung học là 164 người. Riêng cấp mẫu giáo có 134 giáo viên và 3.663 cháu.

 Một trung tâm y tế với cơ sở vật chất, trang thiết bị khá hiện đại, có 100 giường; không những có đủ khả năng chuyên môn kỹ thuật điều trị cho nhân dân trong huyện mà còn chữa bệnh cho nhân dân các huyện lân cận. Toàn huyện có 13 trạm y tế xã với 56 giường bịnh, ba phòng khám khu vực với 10 giường, các trạm y tế đều có bác sĩ. Đặc biệt Tháp Mười còn có một thuyền y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng sâu. Đường liên xã hoàn chỉnh, không còn cầu khỉ, xe hai bánh đi lại dễ dàng. Đường 847 nối liền Mỹ An với thị xã Cao Lãnh, Đường 846 trổ ra quốc lộ 30 đi Hồng Ngự, đường 845 vào đến Gãy Cờ Đen (xã Trường Xuân) thông với Long An, đường 865 nối thị trấn Mỹ An với quốc lộ 1. Còn đường thủy thì vô cùng thuận lợi, với khối lượng đất đào kể trên đã hình thành một hệ thống kinh mương chằng chịt vừa phục vụ tưới tiêu vừa là đường giao thông. Dân ở đây có thói quen cư ngụ trên bờ kinh, nhà nào cũng có xuồng hoặc ghe thường có gắn máy “đuôi tôm” làm phương tiện di chuyển, vận tải rất tiện lợi.

Làng Mỹ An được thành lập bởi nghị định số 4117-CP ngày 27-11-1934 ghép một phần của làng Mỹ Lợi (Cái Bè Tiền Giang) với một phần làng Mỹ Thọ. Vào những năm đầu mới lập làng, nơi gặp nhau của kinh Nguyễn Văn Tiếp và kinh Cái Bíc có một ngôi chợ nhỏ, mang tên chợ Thầy Hai Trinh[7], chỉ buôn bán các thứ cá khô, mắm muối, cao đơn hoàn tán… Đến năm 1975, chợ chỉ là hai dãy phố lợp tôn, lá dọc theo hai bờ sông. Ngày nay chợ Mỹ An gồm hai khu cũ và mới với phố xá đông đúc, buôn bán tấp nập đông vui, trên xe, dưới thuyền…

Là một trong các huyện được khai phá muộn trong tỉnh, nên Tháp Mười chỉ có ba ngôi đình (Mỹ An, Trường Xuân và Đốc binh Kiều), không có sắc phong nhưng dân làng từ lâu đã đưa hai vị anh hùng dân tộc địa phương Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều vào thờ với tư cách là thần thành hoàng bổn cảnh. Riêng tại xã Tân Kiều, trên Gò Tháp có đền thờ Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều cùng với miếu bà Chúa Xứ (được xây dựng lại vào năm 1992); mỗi năm hai kỳ (vào rằm tháng 3 và tháng 11 âm lịch) có đến  vài chục ngàn khách hành hương từ các nơi đến viếng. Toàn huyện có 7.305 người là tín đồ các tôn giáo chiếm 9,64% dân số:

– Đạo Phật :                2.733 tín đồ

– Đạo Cao Đài:           2.370 tín đồ

– Đạo PGHH :            1.049 tín đồ.

– Đạo Thiên Chúa:         833 tín đồ

– Đạo Tin Lành:             320 tín đồ

(Nguồn: Thực trạng tôn giáo và tín ngưỡng Đồng Tháp năm 1995).

Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), chùa Ô Môi (xã Mỹ Qúi) có thời gian là nơi đặt trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, còn thánh thất Tháp Mười của đạo Cao Đài (xã Mỹ Hòa) là nơi diễn ra cuộc hội nghị hợp nhất 12 phái Cao Đài suốt 21 ngày trong tháng 10 năm 1948 để lập ra Cao Đài thống nhất lấy tên là Cao Đài Cứu Quốc do ông Cao Triều Phát nắm quyền Chưởng quản Cửu Trùng Đài. Thánh thất Tháp Mười là nơi đóng trụ sở của Cao Đài Cứu Quốc Nam Bộ.

Bên cạnh các thành tựu trên, hiện nay nhân dân và Đảng bộ huyện Tháp Mười đang ra sức phấn đấu để giải quyết một số vấn đề trước mắt: 18% hộ nghèo với nhà cửa tre lá tạm bợ, một số lớp học ba ca và tình trạng xóa dốt mới giải quyết được 50%. Hiện nay, một số nơi như ở Mỹ Đông, Mỹ Qúi… với phương thức đắp đê bao đã đảm bảo được sản xuất, sinh hoạt bình thường trong mùa lũ; song đó chỉ là giải pháp cục bộ. Về lâu dài và cho toàn vùng, huyện phải có chiến lược “sống chung với lũ” thích hợp để đời sống cư dân được ổn định, nhà cửa, đường sá, cầu cống, trường học, trạm xá… không còn bị tàn phá mỗi khi lũ về.

Là bưng biền trong kháng chiến, nhưng Tháp Mười hiện nay là một trong số địa phương có năng suất lúa cao nhất nước. Người dân Tháp Mười đã bao đời chịu nhiều hy sinh gian khổ vì thiên tai, địch họa; kế thừa truyền thống dân tộc, phát huy kinh nghiệm của thế hệ đi trước, thế hệ hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đã đẩy lùi được cảnh “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”, nhà đưng, ngủ nóp, lúa trời, củ co… vào quá khứ. Họ có quyền tự hào và tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.   

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây