Giới thiệu khái quát thành phố Sa Đéc

thành phố Sa Đéc - Tỉnh Đồng Tháp

Giới thiệu khái quát thành phố Sa Đéc

Hiện nay thành phố Sa Đéc là một trong hai thị xã của tỉnh Đồng Tháp[1].  Sông Tiền chảy dọc phía đông bắc thị xã, bờ bắc là huyện Cao Lãnh; phía tây bắc giáp huyện Lấp Vò; Tây Nam giáp huyện Lai Vung; phía Nam giáp huyện Châu Thành.

Thành phố Sa Đéc có diện tích tự nhiên 60 km, dân số trung bình 102.399 người (năm 2005), mật độ 1.707 người/ km2([2]).  Trước năm 2004 có 4 phường, 4 xã; nay là 6 phường: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, Phường An Hòa và Phường Tân Qui Đông; 3 xã: Xã Tân Phú Đông, xã Tân Qui Tây và xã Tân Khánh Đông.

Buổi đầu mở đất phương Nam, dưới thời các Chúa Nguyễn, tên gọi Sa Đéc gắn với vùng đất Tầm Phong Long, Đông Khẩu Đạo. Năm 1808, Gia Long đặt toàn bộ đất Nam Bộ ngày nay là “Gia Định Thành”, chia làm 5 trấn. Chợ Sa Đéc ở thôn Vĩnh Phước, thôn này cũng là nơi đặt trụ sở huyện lỵ huyện Vĩnh An thuộc trấn Vĩnh Thanh. Sông Sa Đéc đã được Trịnh Hoài Đức ghi chép trong Gia Định Thành Thông Chí với những nét phong cảnh, sinh hoạt tiêu biểu của một nơi “làm chỗ đại đô hội cho trấn này” (trấn Vĩnh Thanh):

“Sông Sa Đéc ở bờ phía nam Tiền Giang, rộng 42 tầm, sâu 28 thước, cách phía tây trấn 56 dặm rưỡi. (Trước chỗ đây 4 dặm ở bờ phía nam có sông nhỏ Cái Sơn và có cầu ngang thông qua chợ Sa Đéc; phía tây nam 7 dặm rưỡi đến ngã ba ngòi Nàng Hai, chỗ đây người ta làm sàn gác trên sông để ở). Nước sông trong ngọt, ruộng vườn rộng tốt, nhân dân giàu đông; có đạo Đông Khẩu đóng ở phía nam, chợ phố liên lạc, ghe thuyền nhóm đông, làm chỗ đại đô hội cho trấn này. Phía tả có Tiên Phố (thuộc về thôn Tân Qui Đông, mỏm cát trắng lè ra như cái lưỡi, nước trong, gió mát, sông êm, người ta thường đậu thuyền nơi ấy, không có ruồi muỗi quấy nhiễu, nên gọi là Tiên). Phía hữu có bãi Phụng Nga hình như la thành hộ vệ, núi sông hiểm yếu, bờ cõi vững yên. Chảy qua tây nam 33 dặm có rạch Dầu (ở phía tây), rạch Nàng Hai (ở bờ phía đông), rạch Sa Nhân (ở bờ phía tây), rồi đến ngã ba nước xoáy, mạch đất bị đến khẩn cấp, dòng nước chảy loanh quanh như kiểu chữ chi chữ huyền, để giữ chặt khí sinh vượng”[3].  

Đọc lại những dòng ghi chép của Trịnh Hoài Đức hơn 180 năm về trước cho thấy từ thời ấy Sa Đéc đã giữ vị trí, vai trò quan trọng chẳng những của trấn Vĩnh Thanh, mà còn là một trong những nơi “đại đô hội” của “Đất phương Nam”.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm trọn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Để trực tiếp cai trị, chúng chia đặt Nam Kỳ thành 4 khu vực (Circonscription) với 19 hạt và hai thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn[4] ; sau đó là 24 sở tham biện (Inspection). Sa Đéc là nơi đặt “dinh tham Biện” làm nhiệm vụ cai quản 3 huyện: An Xuyên, Vĩnh  An, Phong Phú (Cần Thơ).

Năm 1900, Nam Kỳ chia thành 20 tỉnh (Province), Sa đéc là “Thành phố”-tỉnh lỵ. Tỉnh Sa Đéc có 10 tổng, 79 làng[5]. Năm 1914, thế chiến thứ nhất nổ ra, để dốc sức cho cuộc chiến tranh của mẫu quốc ở Châu Âu, thực dân Pháp sắp xếp lại việc cai trị ở Nam Kỳ và Đông Dương; theo đó, Sa Đéc sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long, được gọi là “Sở đại lý” (từ Province de Sa Đéc, trở thành Délégation de Sa Đéc). Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, thực dân Pháp lập lại tỉnh Sa Đéc. Hồi những năm 1930, tỉnh Sa Đéc gồm có ba quận:

– Quận Sa Đéc (tức quận Châu Thành) gồm các tổng An Hội, An Thạnh Thượng, An Thạnh Hạ, An Mỹ.

– Quận Lai Vung gồm các tổng An Phong, An Thới.

– Quận Cao Lãnh gồm các tổng An Thạnh, Phong Nẫm, Phong Thạnh.

Dưới thời Pháp thuộc cho đến năm 1956, tỉnh Sa Đéc có diện tích 1.353km2, dân số đông nhất vào năm 1994 có 260.400 người[6] . Riêng tỉnh lỵ Sa Đéc vào năm 1956 có 35.410 người.

Tháng 10 năm 1956, chính quyền Sài Gòn phân vạch lại địa giới hành chính[7], sáp nhập phần đất phía Nam sông Tiền của tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 1966, tỉnh Sa Đéc lại được tái lập[8] gồm 4 quận: Châu Thành (thành phố Sa Đéc, tỉnh lỵ), Đức Tôn, Đức Thành và Lấp Vò. Quận Châu Thành bao gồm thành phố Sa Đéc, đổi tên thành quận Đức Thịnh vào năm 1968 có 13 xã, 102.345 dân; năm 1970 có 118.752 dân.

Năm 1975 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng sắp xếp lại các đơn vị hành chính; thành phố Sa Đéc có diện tích 28 km2, gồm 5 xã, 15 ấp với 64.113 dân[9].

Lược kể một số mốc thời gian có liên quan đến tên gọi đơn vị hành chính Sa Đéc, cho thấy thành phố Sa Đéc ngày nay gắn liền với vùng đất Sa Đéc trong diễn trình lịch sử, là một trong những đầu mối giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa… quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long. Sa Đéc cũng là một trong những nơi sớm hình thành “văn minh miệt vườn”, nơi được người Pháp ca ngợi là “vườn cây trái của xứ Nam Kỳ”, cũng là nơi có bề dày văn hóa-lịch sử đáng kể.[10]

Là nơi quần cư dân Việt từ thuở còn mang tên đất Tầm Phong Long, Đông Khẩu Đạo (1757); Sa Đéc có nhiều di tích thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Miếu thờ ông Tống Phước Hòa, người từng giữ chức Tổng binh Đông Khẩu Đạo; khi thực dân Pháp phá hủy miếu này, bô lão trong làng mang bài vị về thờ trong đình Vĩnh Phước. Khu mộ ông Nguyễn Văn Nhơn (quan lớn Sen, ở làng Tân Đông, nay thuộc xã Tân Khánh Đông)- một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn, người đầu tiên giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành. Ký ức các kỳ lão trong vùng còn nhắc chuyện “Gia Long tẩu quốc” gắn với “Cây da bến Ngự” ở Long Hưng – Nước xoáy bên bờ sông Sa Đéc (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò).

Là vùng đất sớm sung túc nên làng nào cũng xây cất đình làng. Trên địa bàn thành phố Sa Đéc ngày nay vẫn còn các ngôi đình được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20: đình Vĩnh Phước, đình Tân Qui Tây, đình Tân Qui Đông, đình Tân Đông, đình Tân Khánh (nay thuộc xã Tân Khánh Đông), đình Tân Phú Đông, đình Tân Hưng (bị lở mất năm 1984).

Theo điều tra khảo sát năm 1995, thành phố Sa Đéc có 13.325 người theo các tôn giáo; 6,096 tín đồ Phật Giáo; 3.469 tín đồ Cao Đài; 2.767 tín đồ Công Giáo (Thiên Chúa); 611 tín đồ Hòa Hảo; 382 tín đồ Tin Lành và 54 tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm.

Phật giáo du nhập đến đây khá sớm, hiện còn nhiều chùa cổ. Chùa Phước Thạnh được xây cất từ trước thời Gia Long tương truyền biển hiệu “Việt Hoàng sáng tạo Phước Thạnh tự” là do nhà vua ban tặng. Chùa Phước Hưng (còn gọi là chùa Hương) xây cất từ năm 1838. Chùa Kiến An Cung (còn gọi là chùa Ông Quách) với kiến trúc độc đáo, đã được Bộ Văn Hóa công nhận di tích văn hóa – lịch sử, và hơn 30 ngôi chùa trên địa bàn thành phố Sa Đéc…

Sa Đéc cũng là nơi hình thành các làng nghề khá sớm. Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã có hơn 200 lò thợ bạc từng làm ra “Những kiệt tác chạm trổ thực sự”. Rồi nghề  làm bột và các sản phẩm hủ tiếu, bánh tráng… ở Tân Phú Đông, nghề trồng hoa kiểng ở Tân Qui Đông…

Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất này, Sa Đéc đã trở thành nơi “đầu sóng ngọn gió” ở bờ nam sông Tiền trong suốt thời Pháp thuộc, rồi cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, nhân dân Sa Đéc đã tiếp thu, hưởng ứng các phong trào yêu nước Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục…, là nơi gặp gỡ của các nhà nho, sỹ phu yêu nước như các cụ Võ Hoành, Nguyễn Quyền, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nguyễn Quang Diêu,v.v…

Từ những năm 1927-1929, thành phố Sa Đéc là nơi đặt trụ sở Tổ Thanh Niên Cách Mạng đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh, tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam; nơi giao tiếp của các nhà hoạt động cách mạng Châu Văn Liêm, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Trần Kim Giáp, Nguyễn Kim Cương, Trần Ngọc Điệp, Nguyễn Kiều, Lê Văn Định, Trần Nhật Tân, Nguyễn Thuật, Nguyễn Văn Phát, Võ Bửu Bính, Lưu Kim Phong… Ngay trong lòng thị xã này, các đồng chí đã có nhiều sáng kiến hoạt động phù hợp với tình hình lúc bấy giờ để gây dựng phong trào cách mạng như mở tiệm thuốc Bắc, trường tư thục Sa Đéc Học Đường…

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân thành phố Sa Đéc đã nổi dậy cùng nhân dân các nơi trong tỉnh giành lại chính quyền về tay nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến, dù ở vùng ven, vùng tạm chiếm, bị địch kiểm soát gắt gao, nhưng ngay trong lòng nội ô thị xã chưa bao giờ vắng bóng cách mạng, lúc nào quần chúng nhân dân cũng hướng về cách mạng, sẵn sàng đóng góp công sức cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Sa Đéc cũng là nơi sản sinh nhiều trí thức yêu nước; tuy được đào tạo từ các nhà trường khác nhau, nhưng khi có điều kiện, họ sẵn sàng đóng góp sức mình cho cách mạng, đất nước. Tiêu biểu nhất có kỹ sư Lưu Văn Lang, mà nhân dân địa phương kính quí gọi: “Bác vật Lang”; ngoài ra còn có Michel Văn Vĩ, André Thận v. v….

Thành phố Sa Đéc vốn có bề dày lịch sử, là đầu mối giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa  trong vùng. Từ năm 1990 đến nay tuy không còn là thị xã tỉnh lỵ, song với lợi thế so sánh về vị trí và nhiều mặt khác, Sa Đéc vẫn ngày càng có điều kiện phát triển.

Trong vòng 5 năm 1991-1995, tổng sản phẩm nội thị (GDP) tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,72% so với 5 năm trước đó. Cơ cấu kinh tế thành phố Sa Đéc thời kỳ 1995-2000 được xác lập là: thương mại dịch vụ 62%; công nghiệp 29%; nông nghiệp 9%[11]                        

Về phát triển công nghiệp-xây dựng, trên địa bàn thành phố Sa Đéc, ngoài 4 cơ sở do tỉnh quản lý là Công ty xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty thực phẩm Bích Chi, Xí nghiệp in và Nhà máy thuốc lá Đồng Tháp, còn có 1.251 cơ sở công nghiệp tư nhân, hỗn hợp và cá thể[12].  

Sau đây là những số liệu về cơ sở công nghiệp và lao động công nghiệp trên địa bàn thành phố Sa Đéc 2 năm 1995-1996.

Năm

1995

1996

1- Số cơ sở công nghiệp

1160

1247

     Trong đó: nhà nước

04

04

     Ngoài nhà nước

1156

1243

2- Số lao động công nghiệp

6035

6863

     Trong đó: Nhà nước

1085

1090

     Ngoài nhà nước

4950

5773

 Ngoài các cơ sở của tỉnh, công nghiệp của thị xã chủ yếu là chế biến lương thực, thực phẩm. Với lợi thế Sa Đéc là một trong những nơi giữ vị trí trung chuyển lúa gạo trong vùng nên thu hút khá đông tư nhân đầu tư các cơ sở xay xát và lau bóng gạo. Một số ngành nghề truyền thống của thị xã như sản xuất bột lọc, hủ tiếu, bánh phồng tôm…và các ngành phục vụ cho tiêu dùng địa phương khá ổn định.

Từ năm 2000-2005 số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Sa Đéc tăng từ 1.265 cơ sở lên 1.482 cơ sở, số lao động từ 5.610 lên 6.416 người với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.456.684 triệu đồng (giá hiện hành), chiếm 36,56% tổng giá trị công nghiệp toàn Tỉnh.

Từ năm 1975 đến nay, các công trình xây dựng lớn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt thị xã như khu trụ sở hành chánh (UBND thị xã và các ban ngành), trung tâm thương mại (chợ Sa Đéc và Chợ Thực phẩm), Nhà Văn Hóa, Công viên bên tượng đài Bác Hồ, bờ kè sông Sa Đéc, Bưu Điện, các Khu Công Nghiệp, hệ thống giao thông nội thị và ngoại ô, bến cảng,…Tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh về hướng Tân Qui Tây (Phường An Hòa), hai bờ sông Sa Đéc…Ngoài vốn đầu tư của nhà nước, vốn trong dân cũng được huy động cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, cơ sở sản xuất… Năm 2005, vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố Sa Đéc đạt 169.283 triệu đồng (giá hiện hành), chiếm 18,03% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của toàn Tỉnh.

Về thương mại – dịch vụ, vốn là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh nên khu vực này sớm thích nghi và phát triển. Số cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng ở thành phố Sa Đéc trong những năm gần đây cũng đã được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển khá mạnh. Số người kinh doanh thương mại, dịch vụ lên đến 11.453 người (năm 2005).

Về y tế, Sa Đéc là trung tâm của khu vực phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã cho xây dựng một bệnh viện (dân ta gọi Nhà Thương) nằm bên rạch Tân Hưng. Cuối những năm 1980, dòng nước sông Tiền xói lở, bệnh viện Sa Đéc phải dời về vị trí hiện nay (dưới cầu Hòa Khánh, quốc lộ 80, thuộc Phường 2). Năm 2005, thành phố Sa Đéc có 1 Bệnh viện đa khoa (trực thuộc Tỉnh, với 410 giường bệnh), 1 Phòng khám khu vực và 9 trạm y tế xã phường. Hàng năm, các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt.

Về giáo dục, Sa Đéc có thể xem là “đất học”, một trong những trung tâm văn hóa khá sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay (năm 2005), trên địa bàn thành phố có 19 trường phổ thông: 12 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở, 2 trường phổ thông trung học, với tổng số 18.898 học sinh. Ngành học mẫu giáo có 8 trường với 2.040 cháu. Ngòai ra các Trường trẻ khuyết tật, Trường dạy nghề Tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp cũng đặt trên địa bàn thị xã Sa Đéc.

*

Là phủ lỵ của phủ Tân Thành dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, Đông Khẩu Đạo – Sa Đéc từng được Trịnh Hoài Đức ca ngợi là một trong những nơi “Tiên phố”, rồi chính người Pháp cũng công nhận là “vườn hoa của xứ Nam kỳ”… Thành phố Sa Đéc, năm 2005 được công nhận là đô thị loại III, và sẽ phát triển chẳng những xứng đáng với mỹ danh xưa ấy, mà còn là một trong những nơi đi đầu của tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

[1] Trước năm 1975, dưới chế độ Sài Gòn, thị xã Sa Đéc ngày nay thuộc quận Đức Thịnh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975) đến tháng 3-1976 là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Sa Đéc; từ 1976-1989 là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. 

[2] Thống kê năm 1997, thị xã Sa Đéc có dân số 102.240  người, mật độ trung bình 1.763 người /km2 ,năm 1999 có 58km2, dân số trung bình 96.659 người, mật độ 1.667 người /km2 chia  bốn phường: Phường 1, phường 2, phường 3, phường 4; bốn xã: Tân Qui Đông, Tân Qui Tây, Tân Phú Đông và Tân Khánh Đông.

[3] Gia Định Thành Thông Chí, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, tập thượng, Nha văn hóa, PQVKDTVH, xuất bản 1972, tr. 84.

[4] “Hạt Sa Đéc thuộc khu vực Vĩnh Long, theo nghị định ngày 5-1-1876 gồm địa bàn hai huyện An Xuyên và Vĩnh An, với số dân là 110.467 người. Xin tham khảo: Nguyễn Đình Dầu; tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục Tỉnh, NXB.TP. Hồ Chí Minh, năm 1994. Dương Kinh Quốc; chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, NXB, KHXH, Hà Nội 1988.

[5] Mongaphie de la  province de Sa Đéc, Sài Gòn, Imprimerie L.Ménard, 1903, P.10.

[6] Dân số tỉnh Sa Đéc qua một số năm: 1910 có 172.130 người; 1915 có 173.812 người; 1943 có 260.400 người; 1955 có 122.000 người; 1956 có 147.550 người. Riêng tỉnh lỵ (thị xã) Sa Đéc năm 1956 có 35.410 người (theo Nguyễn Đình Đầu; sách đã dẫn).

[7] Sắc lệnh 134/NV, ngày 22-10-1956; trước đó ngày 17-2-1956 có quyết định tách quận Cao Lãnh khỏi tỉnh Sa Đéc hợp với hai quận Hồng Ngự (tỉnh Châu Đốc) và Phong Thạnh Thượng (tỉnh Long Xuyên) thành tỉnh Phong Thạnh. Sa Đéc trở thành một trong sáu quận của tỉnh Vĩnh Long (Châu thành, Chợ Lách, Tam Bình, Bình Minh, Sa Đéc, Lấp vò).

[8] Sắc lệnh số 162-SL/ĐU.HC ngày 29-4-1966 tái lập tỉnh Sa Đéc, bắt đầu chính thức hoạt động vào ngày 23-12-1966. Nghị định 76/NĐ/NV ngày 14-2-1968 đổi tên quận Châu Thành (thị xã Sa Đéc) thành quận Đức Thịnh.

[9] Theo niên giám thống kê tỉnh Đồng Tháp 1975-1976-1977.

 

[10]  Về nguồn gốc tên gọi, địa danh Sa Đéc, đến nay có mấy giả thiết:1- Sa Đéc xuất phát từ tiếng Khơ-me “Phsar-Dek” có nghĩa là chợ sắt hay chợ bán sắt. Đây là giải thích của người Pháp. Trong Monographie de la province de Sa Đéc, 1903 ghi “…au Cambodge et portait le nom de “Phsr-Dek”, qui signitie “Marché au fers”. Giả thiết này không được nhà nghiên cứu Sơn Nam chấp nhận.

2- Sa đéc là tên gọi một vị nữ thủy thần của người Chân Lạp, có nhiệm vụ phò trợ cho nhân dân trong vùng, thường được thờ trên sông (tượng tự Bà Chúa Xứ của người Việt). Xưa, vàm rạch Sa Đéc có miếu thờ thần Phsar-Dek. Một số các vị bô lão có truyền kể truyện tích về vị nữ thủy thần này, được huyền thoại hóa thành một người con gái co tên Phsar-Dek.

3- Sa Đéc là tên một vị thần, được thờ nhiều nơi. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi ở núi Tô, vùng Thất Sơn có miếu thờ thủy thần, gọi là “Sa-Dích”, tiếng địa phương âm lại gọi Sa Đéc. Ngày xưa, ở Sa Đéc cũng có miếu thờ vị thần này. Giả thiết này được nhà nghiên cứu Sơn Nam thống nhất.                                                      

[11] Những chỉ tiêu theo nghị quyết Đại Hội đại biểu Đảng Bộ thị xã Sa Đéc lần thứ VII. Đến Đại Hội Đảng Bộ thị xã lần thứ VIII (09 và 10-11-2000) đã đánh giá: “Trong thời kỳ 1996-2000, giá trị tổng sản phẩm nội thị (GDP) tăng bình quân hàng năm 13,19%. Trong đó công nghiệp-xây dựng tăng13,94%; thương mại-dịch vụ tăng 15,83%; nông nghiệp tăng 4,12%. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ. Đến nay (cuối năm 2000); khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 27,26%; thương mại-dịch vụ chiếm 60,84% và nông nghiệp chiếm 11,9% GDP. Đặc biệt  giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp năm 200 ước đạt 373 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), bằng 2 lần so với năm 1995.   

[12] Nguồn: Cục Thống kê Đồng Tháp, tháng 6 năm 2000; 2005.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây