Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

huyện Châu Thành - Tỉnh Đồng Tháp

Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

Nằm ở phía nam của tỉnh Đồng Tháp, huyện Châu Thành phía bắc giáp sông Tiền, đông và nam giáp tỉnh Vĩnh Long, tây nam giáp thị xã Sa Đéc và huyện Lai Vung.

Huyện Châu Thành có diện tích tự nhiên 246 km2, dân số trung bình năm 2005 có 164.248 người, mật độ 668 người/km2; chia làm 11 xã và một thị trấn[1]Các xã vùng đất cồn và ven sông Tiền gồm: An Hiệp, Tân Bình, Tân Nhuận Đông, An Nhơn, Phú Hựu, thị trấn Cái Tàu Hạ. Các xã nằm giữa sông Tiền và sông Hậu – vùng sâu gồm: Tân Phú Trung, Tân Phú, Phú Long, Hòa Tân, An Khánh, An Phú Thuận.

Dưới triều Nguyễn, vùng đất này thuộc huyện An Xuyên[2], phủ Tân Thành tỉnh An Giang. Dưới thời Pháp thuộc, khi thành lập “Hạt Sa Đéc”, rồi tỉnh Sa Đéc, vùng đất này bao gồm các tổng: An Mỹ, An Trung và An Hội. Tổng An Hội là dãy cù lao giữa sông tiền và sông Sa Đéc bao gồm các làng Thượng Văn, Nghi Phụng, Hội Xuân, ngày ấy rất sung túc; dần bị dòng nước sông Tiền xoáy lở, nay chỉ còn một xã đó là xã An Hiệp.

Đơn vị hành chính với tên gọi “quận Châu Thành” có khá nhiều ở các tỉnh Nam Kỳ, xuất hiện khi thực dân Pháp chuyển dần cấp hành chính tổng sang cấp hành chính quận: “Quận Châu Thành” lúc bấy giờ như tên gọi bao gồm cả vùng lân cận thị xã tỉnh lỵ, thường có trục chính đường thủy và đường bộ đi qua   .

Trước năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, địa bàn huyện Châu Thành có lúc rất rộng, chạy dọc sông Tiền từ Cái Tàu Hạ lên Cái Tàu Thượng. Năm 1956, khi chính quyền Ngô Đình Diệm sáp nhập phần đất phía Nam của tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Vĩnh Long, thì tổng An Mỹ Đông (vùng Nha Mân – Cái Tàu Hạ) lại thuộc quận Châu Thành của tỉnh Vĩnh Long, còn lại là thuộc quận Sa Đéc. Năm 1962[3] lại thành lập hai quận lấy tên mới là quận Đức Tôn (Cái Tàu Hạ là quận lỵ) và quận Đức Thành (Hòa Long là quận lỵ). Khi tái lập tỉnh Sa Đéc (1966), hai quận trên trở về thuộc tỉnh Sa Đéc[4].

Về phía cách mạng, trong kháng chiến chống Mỹ, địa bàn huyện Châu Thành trực thuộc Tỉnh ủy Vĩnh Long, đến cuối năm 1974 mới trực thuộc Tỉnh Ủy Sa Đéc.

Nằm ở phía hữu ngạn sông Tiền, với dãy cù lao và đất giồng ven sông tương đối cao ráo nên vùng đất Châu Thành là nơi hình thành các khu vực dân cư khá sớm. Từ cuối thế kỷ 17 đã có những người Việt từ dinh Long Hồ (Cái Bè – Vĩnh Long) sang định cư và lập nghiệp thành lập nhiều thôn trên dãy cù lao và ven sông Tiền. Tên gọi Cái Tàu, chứng tỏ đã có một nhóm người Hoa đến cư ngụ, lập nghiệp ở vàm con rạch này[5]. Qua tìm hiểu phổ hệ của những gia đình có gốc gác lâu đời, cho biết, cách nay trên 300 năm đã có một đợt người Việt từ Quảng Nam, Quảng Ngãi theo ghe bầu vào đây sinh sống.

Dưới thời Minh Mệnh, khi tiến hành lập địa bộ (1836), đã có nhiều người đăng ký làm thủ tục xác nhận diện tích mà mình đã khai khẩn. Trước đó, tại vàm Nha Mân đã có một người khẩn đất phác thảo một bản địa đồ ghi thuộc khu vực Phú An Thôn[6], theo địa đồ này, tại vàm rạch đã có những ngôi nhà lớn, khá cao, có cả đình, hoặc chùa…

Với địa hình thuận lợi, phần lớn diện tích đất đai màu mỡ do phù sa của sông Tiền, sông Hậu bồi đắp, ruộng vườn đều có vị trí “lưu thông quán khái” – sông sâu nước chảy, nên Châu Thành cũng như vùng Sa Đéc đã sớm trở thành “miệt vườn”, có điều kiện ổn định dân cư khá sớm.

Hai con rạch lớn Nha Mân và Cái Tàu Hạ giữ vai trò rất quan trọng cho giao lưu trong vùng, với những con rạch nhỏ hình xương cá dày đặc; Cái Tàu có những con rạch nhỏ như Xóm Cửi, Xẻo Trầu, Xẻo Lò, Xẻo Dời, Nhơn Lương.v.v…, Nha Mân có các con rạch nhỏ như Bà Thiên, Ông Đại, Rạch Tre, Cái Ngỗ, Rạch Chùa, Rạch Gia, Bằng Lăng, Bà Tơ.v.v…Ngay từ đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã cho nạo vét ngọn rạch Nha Mân thông qua Xẻo Mác nối liền với sông Hậu làm một trục giao thông đường thủy chính, nối liền Sa Đéc qua Cần Thơ, Ô Môn, xuống Vĩnh Long…Nhờ vậy vào những năm hưng thịnh (1923-1930), hai bên bờ rạch Nha Mân, Cái Tàu nhiều ngôi nhà ngói khang trang với những lẫm lúa của các điền chủ đã mọc lên liên tiếp kéo dài.

Vàm Cái Tàu, vàm Nha Mân, trên đoạn sông Sa Đéc chảy xuống Mỹ Thuận, xưa còn được gọi là “sông Dưa”, ghe thương hồ tấp nập; từ miệt Hậu Giang qua chờ con nước sang sông Tiền đi Mỹ Tho, lên Sài Gòn hoặc ngược lên Sa Đéc đi Nam Vang. Cái Tàu Hạ trở thành một bến ghé của “tàu Nam Vang”[7]. Đường bộ cũng đóng vai trò quan trọng. Từ năm 1908, người Pháp đã cho làm con đường trải đá nối liền Vĩnh Long lên Sa Đéc ngang qua Cái Tàu Hạ, Nha Mân. Đến năm 1930, hai con lộ chính (hương lộ) trong tổng An Mỹ được hoàn thành; một từ chợ Cái Tàu Hạ chạy cặp con rạch này, một từ Vàm Nha Mân chạy vô đến Xẻo Mác. Hai con lộ có hình chữ “V” trên bản đồ giữ vai trò quan trọng nối liền đôi bờ sông Tiền, sông Hậu (nay là tỉnh lộ 854).

Châu Thành là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Sa Đéc trước kia và tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Là nơi có vị trí giao lưu thuận lợi; đông giáp với Long Hồ đất cũ; tây giáp Sa Đéc – phủ trị Tân Thành; từ năm 1918 lại có bến phà Mỹ Thuận, cách Cái Tàu Hạ 4 km; nên Châu thành có điều kiện giữ đầu mối giao lưu thương mãi, tiếp thu các nguồn thông tin văn hóa khá sớm. Từ lâu cộng đồng người Việt, người Hoa đã cộng tác, hỗ trợ nhau để khai phá, phát triển vùng đất này . Người Việt men theo sông rạch để khẩn đất làm ruộng, lập vườn. Người Hoa, một bộ phận ở lại chợ Cái Tàu, Nha Mân làm nhiệm vụ buôn bán, cung cấp vật dụng, hậu cần, lưu thông nông sản phẩm.

Vết tích để lại cũng cho biết xưa từng có những nhóm người Khơ-Me cư trú trên vùng đất này. Tên gọi “Nha Mân” xuất phát từ một chức quan địa phương (Ốc Nha) tên Moon; “ Ốc Nha Moon” được Việt hóa thành “Nha Mân”.

Là vùng đất được định hình khá sớm, gần với dinh Long Hồ-Vĩnh Long, liên lạc với  trấn Định Tường khá gần gũi bằng đường sông nên Châu Thành có bề dày văn hóa – lịch sử đáng kể; nho học vùng này phát triển khá sớm. Con rạch Nha Mân nhận nước sông Tiền là nơi “sông sâu nước chảy”, nước ngọt quanh năm, khí hậu tốt lành… có lẽ là một trong những điều kiện để những người con gái vùng này xinh đẹp dung nhan, giỏi giang gia chánh nên từ bao giờ đã có câu:

                                Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.

Hàng chục ngôi đình ở Châu Thành được xây dựng vào khoảng cuối  thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, trong đó có ngôi đình Tân Hựu nổi tiếng với câu nói dân gian: “Ngồi chình ình như cột đình Tân Hựu”[8]. Tân Hựu có thể xem là một trong những “làng cổ” của vùng đất giữa sông Tiền, sông Hậu, được lập địa bạ đầy đủ từ năm 1836 dưới thời Minh Mệnh.

Chùa Hội Phước, nay thuộc xã Tân Nhuận Đông, một trong những “danh lam cổ tự” của đất Nam Bộ. Chùa có từ năm 1842, bấy giờ là cái am nhỏ của bà Trần Thị Ngôn, pháp danh Diệu Định nên dân địa phương gọi là chùa Cô Định. Năm 1847 ni sư Diệu Định cầu pháp với Hòa Thượng chùa Giác Lâm (Gia Định), từ đó chùa Cô Định có tên là “Hội Phước Tự”. Năm sau, 1848, sư Phổ Minh từ chùa Giác Lâm về trụ trì chùa Hội Phước, bắt tay vào việc xây cất ngôi chùa này từ năm 1849 đến năm 1892 mới hoàn thành. Từ đó đến nay chùa đã được trùng tu nhiều lần. Riêng chùa “Bà Xoàn” (Tân Hòa Tự), cách thị trấn Cái Tàu Hạ chừng một km (trên quốc lộ 80, về hướng Mỹ Thuận) được xây cất vào đầu thế kỷ 20, có thể được xem là một trong những ngôi chùa có kiến trúc và khu mộ đá cẩm thạch khá độc đáo.

Cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh, Châu Thành có nhiều tôn giáo. Theo điều tra khảo sát năm 1995, toàn huyện có 40.950 tín đồ các tôn giáo; Phật giáo có 24.379 tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo có 9.299 tín đồ, Cao đài có 5.378 tín đồ, Thiên chúa giáo có 1.181 tín đồ, Tin Lành có 713 tín đồ.

Phong trào yêu nước, kháng Pháp những năm đầu thế kỷ 20, đã thu hút nhiều người tham gia vào cáchội kín (Thiên Địa Hội). Tháng 2 năm 1916 thực dân Pháp đã bắt được nhiều người ở các làng Phú Nhơn, Tân Phú, Hòa Hưng, Phú Nhuận, An Thuận, An Hòa Đông, Khánh An Đông thuộc tổng An Mỹ (Sa Đéc) mang bùa chú hoặc phái quy y của các nhóm hội kín chống Pháp. Hội đồng bào Ái Chưởng của thầy Phụng (Nguyễn Văn Xứ) ở rạch Tre (Nha Mân) đã bị thực dân Pháp truy bắt gần 50 người, một số bị đầy ra Côn Đảo[9].

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đầu năm 1946, khi giặc Pháp chiếm lại Vĩnh Long, rồi kéo quân tiến đánh Sa Đéc; nhân dân Châu Thành đã anh dũng chiến đấu tại các phòng tuyến Cái Tàu Hạ, Nha Mân để ngăn cản bước tiến của giặc. Châu Thành cũng là nơi thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” sớm nhất, nhiều ngôi đình, nhà cửa của nhân dân đã tự phá hủy, đắp cản trên sông, đào lộ rào đường…để chống giặc. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, chợ Cái Tàu Hạ (xã Phú Hựu) là điểm tập kết của bộ đội ta để chuyển về Cao Lãnh. Với vị trí trung chuyển giữa sông Tiền, sông Hậu từ khu 8 sang khu 9; các xã vùng sâu Hòa Tân, An Khánh, An Phú Thuận (khu chữ V)…, từng là căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long và các cơ quan giao thông, liên lạc Khu, Miền…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Châu Thành đã làm nên những chiến tích to lớn góp phần trong công cuộc giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

*

Trước kia, cây lúa mùa một vụ ở huyện Châu Thành tuy năng suất không cao nhưng có nhiều giống đặc sản, phẩm chất thơm ngon được nhiều người ưa chuộng. Đất trồng lúa của huyện Châu Thành năm 1995 có khoảng 19.000 ha, hầu hết là lúa 2 – 3 vụ/năm. Sản lượng lúa đạt 139.812 tấn/ năm , bình quân đầu người đạt 992,02 kg/ năm. Từ năm 2000-2005, diện tích trồng lúa tăng từ 28.634 ha lên 36.336 ha; nâng sản lượng  từ 121.829 tấn lên 177.321 tấn, bình quân 1080 kg/ người/ năm 2005. Diện tích rau đậu từ năm 2000-2005 cũng tăng từ 183 ha lên 487 ha, cho sản lượng từ 2.022 tấn lên 9.844 tấn.

Ngoài nghề làm ruộng, từ lâu người dân Châu Thành đã có kinh nghiệm lập vườn trồng cây ăn trái. Dảiđất cồn và ven sông màu mỡ rất thích hợp cho nhiều loại cây trái: Ổi xá lỵ, mận, xoài, dừa, cam, quít, chôm chôm, mãng cầu… và đặc biệt là cây nhãn. Châu Thành là huyện có diện tích trồng cây ăn trái nhiều nhất của tỉnh hiện nay. Năm 1995, có 4.048 ha, cho sản lượng trung bình từ 8.000 tấn đến 10.000 tấn trái cây các loại. Từ năm 2000-2005, diện tích vườn cây ăn trái tăng liên tục từ 5.467 ha lên 5.572 ha. Chỉ tính riêng cây nhãn sản lượng đạt 32.142 tấn năm 2005.

Về chăn nuôi, đáng chú ý là năm 2005, số lượng heo lên đến 39.760 con, cao nhất trong toàn Tỉnh. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của huyện Châu Thành năm 1995 là 220 ha, năm sau là 318 ha, sản lượng thủy sản tương ứng là 360 tấn và 1.713 tấn. Trong vòng 5 năm (2000-2005), diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản liên tục tăng từ 281 ha lên 634 ha, cho sản lượng từ 2.024 tấn lên 19.340 tấn.

Ở Châu Thành, chúng ta dễ dàng bắt gặp mô hình kinh tế gia đình nông dân: một ngôi nhà khang trang, xung quanh là vườn cây ăn trái với những mương, hầm, ao nuôi cá, sau nữa là 5-10 công ruộng. Tuy vậy, diện tích đất bình quân đầu người ngày càng giảm dần theo đà tăng của dân số. Từ lâu, người dân ở đây đã có nhiều vận dụng, sáng tạo trong cuộc sống. Nhiều nghề phụ được phát triển để giải quyết thời gian nông nhàn và khi thuận tiện thì chuyển sang làm nghề tiểu thủ công nghiệp hoặc thương mãi, dịch vụ.

Từ lâu, Cái Tàu Hạ, xã Phú Hựu nổi tiếng với nghề rèn. Gần 200 gia đình có nghề rèn truyền thống với hơn 200 tay thợ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp làm ra nhiều sản phẩm từ phảng phát cỏ, dao, mác, len, cuốc và nhiều loại nông cụ khác mà đặc biệt là lưỡi hái. Lưỡi hái (liềm) Cái Tàu Hạ nổi tiếng nhờ những người thợ ở đây với tay nghề độc đáo trong việc trui, rèn, khắc chấu… tạo dáng cong phù hợp cho người dùng gặt lúa. Mỗi năm có hàng trăm ngàn chiếc lưỡi hái Cái Tàu Hạ được đem đi bán khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ra đến cả miền Đông và miền Trung.

 Nghề làm gạch ngói ở Tân Xuân có tiếng từ lâu. Hiện nay đã có hàng trăm cơ sở sản xuất gạch ngói cung cấp cho nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh; gần đây một số cơ sở làm thêm mặt hàng gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Nghề làm bột, chế biến lương thực, thực phẩm cũng là nghề truyền thống của nhân dân trong huyện, hiện có gần 300 cơ sở lớn, nhỏ. Rượu Nha Mân có tiếng thơm ngon, từng cung cấp rượu gốc cho xí nghiệp Sa Giang chế biến rượu xuất khẩu…

Hội nhập nền kinh tế thị trường, cơ sở sản xuất của huyện Châu Thành tăng nhanh: năm 1995 có 1.185 cơ sở, năm sau tăng lên 1.289 cơ sở; thu hút thường xuyên gần 5.000 lao động. Từ năm 2000-2005, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp từ 1.302 lên 1.530 cơ sở, với số lao động 4.348 lên 5.993; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 245.660 triệu đồng (giá hiện hành năm 2005). Thương mại- dịch vụ cũng phát triển từ 2.225 đơn vị kinh doanh (năm 2000) lên 4.193 đơn vị kinh doanh (năm 2005).

Cùng với tỉnh và cả nước, sau hơn 20 năm xây dựng hòa bình, huyện Châu Thành đã có những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáng kể. So với các huyện trong tỉnh, đời sống kinh tế hộ gia đình ở Châu Thành có mức khá[10]. Cơ sở hạ tầng khu vực thị trấn, chợ Cái Tàu Hạ, các công sở, trường học, trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã, chợ nông thôn… từng bước được qui hoạch, xây dựng khang trang. Lộ chữ V được nâng cấp thành tỉnh lộ 854, đường liên xã đã và đang được cải tạo góp phần xây dựng, phát triển nông thôn mới. Đến nay tất cả các xã đều có lưới điện quốc gia. Năm 1995 toàn huyện có 449 máy điện thoại, năm 1999 có 1.426 máy điện thoại. Từ năm 2000-2005, số máy điện thoại không ngừng tăng từ 2.233 máy cố định lên 9.841 máy cố định và 1.132 máy di động.

Về giáo dục-đào tạo: Năm 1996, huyện Châu Thành có 5 trường mẫu giáo thu nhận hơn 2.000 cháu; 36 trường phổ thông từ tiểu học đến trung học với gần 29.000 học sinh. Từ năm 2000-2005: số trường mẫu giáo từ 7 trường lên 13 trường với số cháu đến trường từ 2.779 lên 3.287. Năm 2005, toàn huyện có 39 trường phổ thông gồm 25 trường tiểu học, 11 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông, với tổng số 25.595 học sinh (11.965 học sinh tiểu học, 10.026 học sinh trung học cơ sở, 3.604 học sinh trung học phổ thông).

Về y tế: Năm 1995, toàn huyện có 13 cơ sở y tế (bao gồm 1 trung tâm y tế huyện và 12 trạm y tế xã)với 100 giường bệnh do 130 cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2005, toàn huyện có 142 cán bộ ngành y tế (trong đó có 33 bác sĩ, 65 y sĩ, kỹ thuật viên), 22 cán bộ ngành dược (trong đó 3 dược sĩ cao cấp, 19 dược sĩ trung cấp, dược tá). Hàng năm các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện khá tốt.

*

Huyện Châu Thành có vị trí thuận lợi, tiềm năng phát triển còn nhiều, cơ sở hạ tầng đã và đang được xây dựng, quốc lộ 80 và quốc lộ 54 khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội phát triển hơn nữa trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

[1] Theo niên giám thống kê tỉnh đồng Tháp 1999.- 2005.

[2] “ Huyện An Xuyên ở cách phủ Tân Thành Sa Đéc 24 dặm về phía Đông Nam, đông tây cách nhau 48 dặm, phía Đông đến giang phận tỉnh Vĩnh Long 8 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Phong Phú phủ Tuy Biên 40 dặm, Phía Bắc đến giang phận tỉnh Định Tường 16 dặm. Nguyên là đất huyện Vĩnh An, năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) trích lấy đặt huyện, hiện nay thuộc phủ Tân Thành; năm Tự Đức thứ 6 (1853) do phủ Kiêm Nhiếp. Nay đã lãnh ba tổng gồm gồm 25 xã và thôn”. (Đại Nam thống nhất chí, Tập, 5 NXB Thuận Hóa-Huế, 1992, tr. 162).

 

[3] Nghị Định số 719-NV ngày 11-7-1962.  

[4] Sắc lệnh số 162.SL/ĐUHC, ngày 24-9-1996.

[5] Hiện còn nhiều người họ Lý, họ Lục ở Nha Mân, Cái Tàu, là hậu duệ của những người Hoa đến đây sinh sống từ rất sớm.

[6] Địa đồ còn lại một mảnh (Tài liệu của Sở Lưu trữ công văn và thư  viện Sài Gòn, theo nhà nghiên cứu Sơn Nam).

                                    

[7] Hồi những Thập niên đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp cho thành lập CTy vận tải sông (Công Ty Larieu et Roque) ở Sài Gòn, với 8 chuyến tàu chạy hàng tháng lên tận Nam Vang (Phnom-Pênh), ghé qua Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc….

 

[8] Cột đình Tân Hựu to đến vòng tay một người ôm không giáp «Ngồi chình ình như cột đình Tân Hựu » ,đình Tân Hựu là một trong những ngôi đình nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long hồi bấy giờ. Đình này tại ngã ba Tân Hựu, hiện chỉ còn nền cũ (nơi đặt chi cục bưu điện Tân Hựu). Trong kháng chiến chống Pháp, hầu hết các ngôi đình ở Châu Thành đều bị phá hủy, nay chỉ còn lại nền cũ…

[9] Xem Sơn Nam “Miền Nam đầu thế kỷ 20, Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân” Phù Sa, Sài Gòn, 1971, tr. 63,64.

 

[10] Theo điều tra kinh tế hộ gia đình 1994 – 1995; Châu Thành có 33,34% hộ khá, 33,10% hộ trung bình, 33,56% hộ kém, 2,65% hộ nghèo. Căn cứ số dư tiền gửi tiết kiệm tại thời điểm 31 – 12 hàng năm của các huyện, cho thấy huyện Châu Thành có số dư cao nhất (1995: 15.071 triệu đồng; 1996: 16.411 triệu đồng…) (Niên giám thống kê 1999, tr. 27).  

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây