Giới thiệu khái quát thành phố Cao Lãnh

thành phố Cao Lãnh - Tỉnh Đồng Tháp

Giới thiệu khái quát thành phố Cao Lãnh

Thành phố Cao Lãnh, tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp nằm chếch về phía Tây Nam trung tâm tỉnh, trên tọa độ 10030’ vĩ bắc và 105020’ kinh đông. Phía bắc và phía đông giáp huyện Cao Lãnh, phía tây giáp huyện Chợ Mới (An Giang), phía nam giáp huyện Lấp vò. Thành phố Cao Lãnh có diện tích tự nhiên là 107 km2với 149.839 nhân khẩu, mật độ dân số 1.400/km2 , gồm 8 phường (1, 2, 3, 4, 6, 11, Mỹ Phú và Hoà  Thuận) và 7 xã (Hòa An, Tịnh Thới, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Mỹ Tân).

Vào buổi đầu thời khai hoang lập ấp, khu vực này thuộc quyền quản lý của khố trường Bả Canh. Khố trường không phải là phân hạt hành chính mà là một nơi đặt kho thu thuế bằng hiện vật, được các chúa Nguyễn lần lượt thiết lập ở những nơi mà các xã thôn còn rời rạc chưa liền ranh để có thể thành lập các cấp hành chính tổng, huyện. Đến năm 1741, toàn Nam kỳ có tất cả 9 khố trường; mỗi khố trường có quan lại phụ trách việc trưng thu quản lý, khố trường đặt nơi nào thì lấy tên thôn xóm đó làm tên. Vào khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, cùng với những lưu dân khác, một số lưu dân gốc người thôn Bả Canh (nay thuộc xã Đập Đá, thị trấn Đập Đá, tỉnh Bình Định) vào khai hoang, định cư ở ven rạch Cái Sao Thượng (trung tâm của thôn Mỹ Trà sau này) hình thành nên xóm Bả Canh. Đến cuối thế kỷ 18, xóm Bả Canh cùng các xóm khác hợp thành thôn Mỹ Trà và ông Nguyễn Tú là người có công lớn trong việc qui dân khai phá lập nên thôn này; nên khi qua đời, ông được tôn là tiền hiền của làng.

Theo bảng danh sách tên xã thôn Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 19 do Trịnh Hoài Đức lập, thì trên địa bàn thành phố Cao Lãnh ngày nay có 8 thôn; trong đó ba thôn: Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân An (thuộc tổng Kiến Phong huyện Kiến Đăng, trấn Định Tường), và 5 thôn (trên cù lao Trâu) Tân Thuận, Tân Hòa, Phú An Đông, Tân Tịch, Tân Phước (thuộc tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, trấn Vĩnh Thanh). Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), thành lập phân huyện Kiến Đăng, lỵ sở đóng tại thôn Mỹ Trà.

Cuộc đo đạc địa chính năm 1836, cho thấy trên địa bàn thành phố Cao Lãnh cũng có 8 thôn, nhưng trong đó ba thôn: Mỹ Trà, Mỹ Nghĩa, Tân An thuộc tổng Phong Thạnh, phân huyện Kiến Đăng , tỉnh Định Tường và 5 thôn thuộc tổng An Tịnh, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang là: Phú An Đông, Tân Tịch, Tịnh Thới, Tân Thuận, Hòa An. Năm 1838 lập huyện Kiến Phong và phủ Kiến Tường (kiêm quản hai huyện Kiến Đăng và Kiến Phong), huyện lỵ Kiến Phong và phủ lỵ Kiến Tường đều đặt tại thôn Mỹ Trà, cả hai đều nằm trong khuôn viên Trường mẫu giáo Hồng Gấm và Phòng giáo dục thành phố Cao Lãnh ngày nay. Như vậy, tính đến năm 2000, thành phố Cao Lãnh tròn 167 tuổi.

Hòa ước 1862, công nhận sự chiếm đóng của thực dân Pháp trên ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Bằng nghị định ngày 3-6-1865, chúng chia tỉnh Định Tường ra làm 4 khu thanh tra, còn gọi là tham biện (Inspection): Kiến Hòa, Cai Lậy, Mỹ Tho và Cần Lố. Khu tham biện Cần Lố quản lý cả huyện Kiến Phong và vùng Cái Bè, chúng dời lỵ sở huyện từ Mỹ Trà về vàm Cần Lố (Doi Me) thuộc làng Mỹ Thọ. Tiếp đến quyết định ngày 5-6-1871 sáp nhập khu tham biện Cần Lố vào khu tham biện Tân Thành (Sa Đéc). Từ đây đến năm 1900, trên địa bàn thành phố Cao Lãnh có thêm hai làng mới là An Nhơn (lập năm 1873, sau khi thôn Phú An Đông biến mất) trên cù lao Trâu, (tổng An Tịnh) và Mỹ Thạnh lập năm 1894 trong tổng Phong Thạnh.

Đầu thế kỷ 20, bằng nghị định toàn quyền ngày 20-12-1899, thực dân Pháp qui định từ ngày 1-1-1900, các tham biện ở Nam Kỳ thống nhất gọi là tỉnh; theo đó, địa bàn thành phố Cao Lãnh thuộc tỉnh Sa Đéc và gồm có 7 làng, gồm ba làng Mỹ Trà, Mỹ Ngãi (trừ một phần tách ra lập làng Mỹ Thạnh năm 1894), Tân An và 4 làng Hòa An, Tân Thuận, Tịnh Thới, Tân Tịch (làng An Nhơn sáp nhập vào Tân Tịch năm 1891).

Đầu năm 1914, quận Cao Lãnh thành lập (bằng nghị định ngày 10-12-1913); đây là lần đầu tiên Cao Lãnh, một tên chợ, được chọn làm tên một quận. Quận Cao Lãnh gồm ba tổng với 19 làng:

– Tổng Phong Thạnh có 7 làng: Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân An, Phong Mỹ, Nhị Mỹ, An Bình, Mỹ Thạnh.

– Tổng An Tịnh có 4 làng: Hòa An, Tịnh Thới, Tân Tịch, Tân Thuận.

– Tổng An Thạnh Thượng có 8 làng: An Hội, Hội An Đông, Hội An Thượng, Mỹ An, Mỹ Hưng, Tân Mỹ, Tòng Sơn.

Trong đó, thành phố Cao Lãnh chỉ chiếm 7 làng, gồm ba làng Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân An (của tổng Phong Thạnh) và 4 làng của tổng An Tịnh. Trong thời gian 1921 đến 1923, dưới thời ông Phạm Chánh Lý làm chủ quận, quận lỵ Cao Lãnh dời về làng Mỹ Xương một thời gian. Danh nghĩa là một quận của tỉnh Sa Đéc, nhưng trên thực tế Cao Lãnh chỉ là một “Đồn hành chính” (Postl Administratif), phải đến nghị định ngày 23-9-1925 Cao Lãnh mới được chính thức nâng cấp lên thành quận với một “đại lý hành chính” (Délégation Administrative) và quận lỵ đóng tại làng Mỹ Trà. Quận Cao Lãnh có 20 làng, gồm ba tổng: Phong Thạnh (có 6 làng như trước), An Tịnh (có 5 làng do Tân Thuận tách ra thành Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông) và Phong Nẫm (tổng An Thạnh Thượng trả về quận Châu Thành, tổng Phong Nẫm có 9 làng: Mỹ Long, Mỹ Hiệp, Bình Thạnh, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây, Mỹ Hội, Mỹ Thành, Mỹ Xương, Mỹ Thọ). Địa giới này giữ nguyên cho đến hết thời Pháp thuộc; trong đó thành phố Cao Lãnh chỉ chiếm 8 làng gồm 5 làng của tổng An Tịnh và ba làng Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân An (của tổng Phong Thạnh).

Đến ngày 22-10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Kiến Phong, Cao Lãnh trở thành tỉnh lỵ cho đến ngày 30-4-1975.

Về qui mô, Cao Lãnh là một trong các thị xã nhỏ ở các tỉnh phía Nam. Song, do vị trí đặc biệt, nên trong mọi giai đoạn lịch sử quan trọng của Nam Bộ đều lưu lại dấu ấn đậm nét ở đây. Sự xuất hiện khố trường Bả Canh đánh dấu thành công bước đầu của công cuộc khai hoang thế kỷ 17, 18. Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp vào giữa thế kỷ 19, Mỹ Trà đã là chiến trường ác liệt giữa nghĩa quân Thiên hộ Dương và thực dân Pháp. Trong vài thập niên đầu thế kỷ 20, Cao Lãnh là một trong những địa phương có phong trào Đông Du rầm rộ ở Nam Kỳ với nhiều người tham gia, trong đó Nguyễn Quang Diêu được coi là một lãnh tụ của phong trào. Cao Lãnh còn là nơi dừng chân của nhiều nhà yêu nước, lãnh tụ của các phong trào yêu nước trên đường bôn ba hoạt động như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), Tôn Dật Tiên (Tôn Văn) cha đẻ của chủ nghĩa Tam dân Trung Quốc… Năm 1926, Cao Lãnh là nơi tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh với hàng ngàn người tham dự. Những thanh niên đứng ra tổ chức lễ truy điệu này chính là những hội viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, rồi trở thành những Đảng viên Cộng sản đầu tiên trong chi bộ Hòa An, chi bộ đầu tiên thành lập vào cuối năm 1929. Năm 1930, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của chi bộ này nhân dân Cao Lãnh biểu tình thắng lợi vào ngày 1-5 đã gây tiếng vang lớn có tác dụng thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân ở các vùng lân cận mở màn cho giai đoạn chiến đấu mới. Mười lăm năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Cao Lãnh, nhân dân các xã tập trung về Cao Lãnh cướp chính quyền trong tay Pháp – Nhật. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Genéve được ký kết, Cao Lãnh là nơi tập kết bộ đội, cán bộ của khu 8 chuyển ra Bắc. Trong thời gian 100 ngày tập kết, cán bộ , chiến sỹ cùng nhân dân tu bổ phần mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và xây dựng đài liệt sỹ tại trung tâm thị xã (bị chính quyền Ngô Đình Diệm đập phá khi lập tỉnh Kiến Phong, vị trí tại nhà trọ Bích Vân ngày nay).

Mặc dù thị xã có địa bàn nhỏ hẹp, hệ thống kềm kẹp của địch rất chặt chẽ, nhưng mối quan hệ giữa đồng bào nội thị với cách mạng vẫn được duy trì và giữ vững. cuộc tổng công kích tết Mậu Thân (1968) và các hoạt động thường xuyên của đội biệt động thị xã đã làm cho kẻ thù hoang mang. Đặc biệt là hoạt động cách mạng của giới trẻ học sinh ở đây đã làm cho thành phố Cao Lãnh trở thành một nơi ở miền Nam trong thời kỳ địch tạm chiếm có chi bộ Đảng và một đoàn ủy với 75 đoàn viên thanh niên trong trường học. Cùng với đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chiều ngày 30-4-1975, lực lượng võ trang cách mạng địa phương đã tiến vào giải phóng thị xã, kết thúc 30 năm chiếm đóng của giặc.

Suốt trong thời kỳ tạm chiếm, tốc độ phát triển của Cao Lãnh rất chậm. Sau khi thành lập quận, từng bước thực dân Pháp cho xây dựng các công thự: nhà dây thép tức bưu điện (1914), nhà thương (1923), quận đường, dinh quận nằm trên bờ sông Cao Lãnh (1926) thuộc làng Hòa An đối diện với chợ Cao Lãnh bên kia sông thuộc làng Mỹ Trà, có cầu kỹ tam sơn bắc ngang khá cao để ghe tàu qua lại dễ dàng. Năm 1932 cầu này được thay thế bằng cầu quay bê tông cốt thép. Mãi đến năm 1942 mới xây dựng nhà máy nước, nhà máy điện. Khu vực Phòng giáo dục thành phố Cao Lãnh và trường mẫu giáo Hồng Gấm vốn là trường tổng (Ecoles Cantonals) được xây dựng vào năm 1888 vẫn còn sử dụng đến năm 1975. Con đường An Hữu – Cao Lãnh (nay là quốc lộ 30) nối liền quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) được hoàn thành vào năm 1944 nhằm rút ngắn thời gian đi Sài Gòn phải qua bắc (phà) Cao Lãnh đến Sa Đéc rồi qua bắc Mỹ Thuận trước đây; song cũng không đưa Cao Lãnh ra khỏi tình trạng cô lập của vùng cận biên giới. Trong giai đoạn 1954-1975, bộ mặt thành phố Cao Lãnh cũng không có thay đổi gì lớn. Sau khi tỉnh Kiến Phong thành lập (1956), tòa hành chính tỉnh cũng được xây dựng với các bộ phận trực thuộc của bộ máy cai trị của chính quyền Sài Gòn. Chợ Cao Lãnh cũng được dời về vị trí hiện nay. Một dãy ki-ốt được dựng lên ở bờ sông Cao Lãnh, đối diện với khu vực quận đường và dinh quận cũ bên kia sông được chỉnh trang lại làm Tòa án.

Hai mươi năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, thành phố Cao Lãnh được xây dựng, mở rộng gấp nhiều lần nhất là từ khi được chọn làm tỉnh lỵ. Hệ thống đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học… được chỉnh trang hoặc xây dựng mới để đáp ứng yêu cầu xã hội ngày càng tăng. Nhiều công sở, ngân hàng, bưu điện, bảo tàng, đài phát thanh truyền hình, khách sạn… với qui mô to đẹp được xây dựng. Về giáo dục đến năm học 1996 – 1997, thành phố Cao Lãnh có 80 lớp mẫu giáo với 2.744 cháu; 42 trường tiểu học, trung học cơ sở và 3 trường phổ thông trung học với 768 lớp học, 986 giáo viên và 27.388 học sinh (trong đó học sinh trung học cơ sở là 7.806 học sinh, học sinh phổ thông trung học là 2.459); về bổ túc văn hóa có 450 học sinh phổ thông trung học, 827 học sinh trung học chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có Trường Cao Đẳng Sư phạm và Trung tâm Đại Học tại chức với 3.438 sinh viên.

Trong năm học 2004-2005, thị xã Cao Lãnh có 47 trường, trong đó, cấp tiểu học có 32 trường với  584 giáo viên và 12.828 học sinh, cấp  trung học cơ sở có 11 trường với 537 giáo viên và 11.609 học sinh, cấp phổ thông trung học có 4 trường với 168 giáo viên và 4.657 học sinh. Riêng cấp mẫu giáo có 100 giáo viên với 2.089 cháu. Trường Cao Đảng Sư Phạm nay đã trở thành trường Đại học và Trung tâm Đại học tại chức trở thành  trường Cao Đẳng Cộng đồng, với tổng số sinh viên là 6.150, chia ra: số sinh viên học dài hạn là 2.933, số sinh viên chuyên tu là 2.119 và tại chức là 1.098 sinh viên.

 Về y tế, ngoài bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp thuộc tuyến tỉnh, các xã phường đều có trạm y tế và một phòng khám khu vực.

Trên địa bàn thị xã hiện nay còn lưu lại một vài di tích lịch sử-văn hóa, đáng chú ý đó là mộ và bia tiền hiền làng Mỹ Trà (Nguyễn Tú), nằm cạnh dốc cầu Đình Trung (phía phường 2); mộ chôn cất cách nay khoảng 200 năm, bia được dựng năm 1876. Văn Thánh miếu được tri phủ Kiến Tường Hồ Trọng Đính xây dựng vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) tại làng Mỹ Trà (nay thuộc phường 3), nhằm mục đích khuyến khích Nho học; đến năm Mậu Dần (1878) được bang biện Phạm Văn Khanh dời về vị trí hiện tại, nay đang được sử dụng làm thư viện tỉnh và khu vực chung quanh được cải tạo thành công viên, mang tên “Công viên Văn Miếu”.

Sau năm 1975, với sự hỗ trợ của nhiều địa phương trong nước, nhân dân Đồng Tháp xây dựng lại ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1977 và được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp nhà nước năm 1992. Để tưởng niệm công lao của các liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, nhân dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã xây dựng một nghĩa trang bề thế trên địa bàn thị xã.

Là một vùng được khai phá tương đối sớm trong tỉnh, đến nay, về tên gọi và địa giới hành chính ngoài ba xã Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Mỹ Tân (gồm một phần của hai xã Mỹ Ngãi và Tân An) là ít thay đổi; còn các xã thuộc tổng An Tịnh cũ (cù lao Trâu) có sự thay đổi rất lớn. Các tên thôn làng Tân Hòa, Tân Phước, Phú An Đông, An Nhơn ra đời trong buổi đầu khai phá nay không còn nữa; sau khi tái lập thị xã (1991), xã Tân Tịch biến mất, nhường chỗ cho phường 6. Vết tích các tên xã thôn này còn lại đến nay là các đình làng. Trên địa bàn thị xã Cao Lãnh có 8 ngôi đình: đình Tân Tịch (phường 6), đình Tân Phước hay An Nhơn (phường 6), đình Tịnh Thới (còn gọi là đình Dưới), đình Tân Thuận (Tân Thuận Tây), đình Hòa An (đã đổ nát), đình Tân An (phường 11), đình Mỹ Ngãi (Mỹ Tân) và đình Cả Môn (Mỹ Trà, nguyên đình này của Nhị Mỹ, do sự sắp xếp lại ranh giới các xã phường, đình này nằm trên địa bàn xã Mỹ Trà.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây