Giới thiệu khái quát huyện Lấp Vò

huyện Lấp Vò - Tỉnh Đồng Tháp

Giới thiệu khái quát huyện Lấp Vò

Huyện Lấp Vò nơi tiếp giáp giữa Long Xuyên, Sa Đéc (có lúc là Vĩnh Long), biến đổi không ngừng về địa giới hành chánh, mỗi khi thời cuộc thay đổi. Theo dòng thời gian, chúng ta có thể ghi ra những mốc niên đại đáng lưu ý.

Trước khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Lấp Vò thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.

Từ 1867 đến 1951: Đầu tiên Lấp Vò thuộc tham biện Châu Đốc, rồi tham biện Long Xuyên (sau là tỉnh Long Xuyên).

+ Ngày 19/5/1947 Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Nam Kỳ quyết định cho thành lập huyện Lấp Vò.

+ Tháng 6 năm 1951: Quận Lấp Vò giải thể, sáp nhập 5 xã: Bình Thành Đông, Bình Thành Tây, Định Yên, Tân Bình, Tân Thạnh Trung vào quận Lai Vung (tỉnh Sa Đéc).

– 1951-1957: Lấp Vò thuộc quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc.

(trong lúc đó, 1948 – 1954: chính quyền cách mạng xếp huyện Lai Vung vào tỉnh Long Châu Tiền rồi Long Châu Sa).

– 1957-1966: Quận Lấp Vò thuộc tỉnh Vĩnh Long.

– 1966-1975: Quận Lấp Vò thuộc tỉnh Sa Đéc, gồm 8 xã: Bình Thành Đông, Bình Thành Tây, Bình Thạnh Trung, Hội An Đông, Mỹ An Hưng, Định Yên, Vĩnh Thạnh và Long Hưng.

– Tháng 12 năm 1976: Hợp nhất quận Lấp Vò (8 xã) với quận Lai Vung, lấy tên là huyện Thạnh Hưng thuộc tỉnh Đồng Tháp, gồm 22 xã: Bình Thạnh Trung, Hội An Đông, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Tân Khánh Trung, Tân Khánh Đông, Vĩnh Thạnh, Hòa Long, Long Hậu, Long Thắng, Bình Thành, Định An, Định Yên, Phước Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa và Phong Hòa.

– Tháng 8 năm 1989: huyện Thạnh Hưng lại tách ra hai huyện: Thạnh Hưng và Lai Vung.

Huyện lỵ Lai Vung đóng tại thị trấn Hòa Long (chỗ huyện lỵ Thạnh Hưng cũ). Huyện Thạnh Hưng mới đặt huyện lỵ tại xã Bình Thành (Lấp Vò cũ). Tháng 12-1996, đổi tên Thạnh Hưng thành Lấp Vò.

Hiện nay huyện Lấp Vò có 13 xã và một thị trấn, gồm: Bình Thành, Định An, Định Yên, Vĩnh Thạnh, Long Hưng A, Long Hưng B, Tân Khánh Trung, Tân Mỹ, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Hội An Đông, Bình Thạnh Trung và thị trấn Lấp Vò.

Huyện Lấp Vò, bắc giáp huyện Chợ Mới tỉnh An Giang; nam giáp huyện Lai Vung; đông giáp thị xã Sa Đéc, sông Tiền; tây giáp sông Hậu.

Diện tích : 246km2.

Dân số: 180.074 người. Mật độ trung bình: 732 người /km2 (2005). Huyện Lấp Vò nằm giữa sông Tiền và sông Hậu; sông Hội An Đông giới hạn phía bắc (9,5km). Kinh Lấp Vò nối Sa Đéc – Vàm Cống (30km) giới hạn phía đông nam; các sông: Tân Đông (Cái Bè cạn), Mỹ An (Đất Sét), Hội An (Cái Tàu Thượng) phía ven sông Tiền, Cái Bí, Cường Thành, Cái Dầu phía ven sông Hậu. Hai sông Sa Đéc, Cường Thành từ hai hướng đông tây, với các nhánh tủa ra như hình gân lá cây, đã giao nhau làm cho mật độ sông rạch nội đồng chi chít như mạng nhện. Tại các sông này, dân đến định cư rất sớm.

Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Sông Cường Thành ở đông nam huyện Đông Xuyên 137 dặm, bờ phía đông sông Hậu Giang, rộng 6 trượng sâu 18 thước: Bờ phía nam có sông Du Giang chảy ra đại giang, cách nửa dặm về phía nam bờ sông có cựu thủ sở Cường Thành. Cách 25 dặm đến ngã ba: Chi phía bắc thông với Qua Giang (hay Trảo Giang) và Tiền Trường Giang rồi chảy ra đại giang. Chi phía Đông 21 dặm đến ngã ba Bình Thành Tây. Một ngả chạy về phía Bắc 15 dặm thông với sông Hội An và Tiền Giang; một ngả chảy về phía đông qua thủ Điểu Hồi Oa (Thủ Ô Nước Xoáy – NB) rồi chảy ra sông Sa Đéc, lại cũng thông với sông Tiền Giang, quanh queo 13 dặm. Hai bên bờ toàn là ruộng vườn của nhân dân”[2].

Thời xưa, đường thủy là chính, muốn đi từ đông sang tây (sông Tiền qua sông Hậu) nhất là Vĩnh An qua Đông Xuyên Cảng Đạo (tức Long Xuyên), hẳn phải qua sông Sa Đéc – Cường Thành. Phương tiện đi lại lúc đó chủ yếu là xuồng ghe nên phụ thuộc nước lớn, nước ròng; nước xuôi, nước ngược; cả đến hướng gió cũng phải tính tới.

Nằm ở giao điểm đông – tây, bắc – nam, Cường Thành đóng vai trò một điểm dừng tự nhiên để nghỉ ngơi, tiếp tế thức ăn và bắt đầu khởi động lại của khách thương hồ. Dần dần, Cường Thành trở thành nơi trao đổi hàng hóa, nơi tụ cư sầm uất “chợ Bình Thành Tây, ở huyện Đông Xuyên, là sở tại Thủ sở Cường Uy cũ, phố xá trù mật”[3].

Trong điều kiện giao lưu hàng hóa, các nghề thủ công như làm nơm giỏ, nón lá, chiếu… bắt đầu chuyên môn hóa và phát triển. Nghề chăn nuôi vịt đàn nẩy nở ở cửa sông và cồn bãi, nơi có nhiều tôm tép, ốc hến.

Đến tháng 5 năm 1907, khai thông kinh Lấp Vò nối liền Sa Đéc – Long Xuyên. Kinh này được đào bằng xáng múc thẳng tắp, rút ngắn cự ly, sâu rộng, ghe thuyền đủ cỡ trọng tải có thể đi lại được. Hãng vận tải đường sông cũng có tàu phục vụ tuyến này. Tên gọi Vàm Cống xuất hiện (do Pháp đặt hai miệng cống ở hai đầu kinh nhỏ chứa nước sinh hoạt trong khu vực chợ).

Vàm Cống – Lấp Vò “ngang dọc buồm giăng thẳng cánh cò”.

Vào đầu thế kỷ này, khi Pháp đẩy mạnh việc khai thác thuộc địa lần 1, những cánh đồng miệt Hậu Giang, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên được khai hoang, lúa thóc ngày một nhiều. Vàm Cống – Lấp Vò trở thành một vựa lúa. Nhiều chành tung ghe thuyền thu mua lúa các nơi đem về xay ra gạo tại bốn nhà máy chạy hơi nước ở chợ Lấp Vò. Sau đó chuyển gạo lên Sài Gòn bằng ghe chài có trọng tải lớn. Các ghe rỗi chở cá từ Núi Sập, Ba Thê, Rạch Giá, Châu Đốc và xa nữa tận bên Campuchia cũng đổ về đây. Vì thế, nhu cầu ăn uống, sinh hoạt tăng, kéo theo dịch vụ mua bán trên sông nước, các “xuồng vàm” bơi tới bơi lui bán đủ thứ trái cây, xôi bắp, chè cháo…

Còn ở phía ven sông Tiền, chợ Đất Sét (làng Mỹ An), chợ Cái Tàu Thượng (làng Hội An) là những điểm nối dài của chợ Vĩnh Phước (tục danh chợ Sa Đéc), các chợ này nằm trên đê ven sông phù sa màu mỡ, quanh vùng trồng dưa, bí, khoai, đậu, bắp, thuốc lá…

Các dịch trạm Giang Đông (Tân Đông), Giang Mỹ (Mỹ An) nằm trong hệ thống liên lạc từ Long Hồ lên Châu Đốc và ngược lại.

Về mặt quân sự: có thủ sở Cường Thành tại chợ Bình Thành Tây (Lấp Vò) thiết lập năm Kỷ Dậu (1789); xưởng đúc tiền Ba Thắt tại sông Trường Tiền (Bình Thạnh Trung), bảo đất Vĩnh Thạnh: chu vi 23 trượng, cao 4 thước, đắp năm Thiệu Trị thứ 2.

Năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, không vấp phải một sự chống cự nào. Nhưng trước đó tỉnh An Giang (có Sa Đéc – Lấp Vò, Lai Vung) nhân dân đã từng ủng hộ tiền bạc, lúa gạo cho cuộc kháng chiến của Thiên hộ Dương – Đốc binh Kiều bên kia sông Tiền tại Đồng Tháp Mười. Trong hàng ngũ của hai Ông không thiếu quan lại của triều đình tại An Giang và các suất đội đồn điền của vùng này ly khai.

Để nhanh chóng bình định quận Sa Đéc, đầu thế kỷ 20, Pháp tiến hành đào 14 con kinh, trong đó ba con kinh nằm trong huyện Lấp Vò ngày nay. Đó là kinh Lấp Vò đã nêu trên, kinh Thầy Lâm (dài 7,5km) nối từ sông Sa Đéc qua rạch Đất Sét để tưới tiêu cho vùng Long Hưng và Mỹ An Hưng, kinh Simonar (dài 4km) nối ngọn Sa Đéc với ngọn Lai Vung.

Đồng thời, Pháp bắt dân đi làm xâu mở các đường bộ, đáng chú ý là đường thuộc địa số 4 từ Sài Gòn đến Hà Tiên, băng qua Sa Đéc – Long Xuyên với chiều dài 64 km đi ngang các làng Tân Qui Đông, Tân Đông, Tân Khánh, Tân Khánh Đông, Tân Khánh Trung, Tân Mỹ, Mỹ An, Tòng Sơn và Hội An. Kế đến con đường đi dọc theo rạch Cái Tàu Thượng (dài 9,5km) đến địa giới tỉnh Long Xuyên.

Đến giữa những năm 20, lộ liên tỉnh 8 (nay là quốc lộ 80) nằm cặp theo kinh Lấp Vò mới hoàn thành.

Từ năm 1903-1955, những người yêu nước ở Lấp Vò đã thành lập tổ chức Thiên Địa Hội ở Định Yên, hoặc núp dưới danh nghĩa “Đạo Lành” tại hai xã Mỹ An Hưng và Hội An Đông để nhen nhóm chống Pháp.

Mục tiêu đấu tranh là “bất hợp tác với Pháp, không làm tề, không đi lính cho Pháp, không đi xâu”. Xã Mỹ An Hưng còn hưởng ứng phong trào Đông du của Phan Bội Châu.

Trong những năm 1924-1926, hai thanh niên của Lấp Vò là: Nguyễn Văn Pháp (Cái Tàu Thượng), Võ Vửu Bính (Mỹ An Hưng) được giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự khóa huấn luyện do Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội mở ngày 7-11-1927. Tổ chức Thanh niên Cách Mạng đồng chí hội ra đời sớm tại Cái Tàu Thượng, Bình Thành (Lấp Vò), Tân Bình Đông, Bình Thạnh Trung.

Cuối tháng 11 năm 1929, được sự công nhận của Châu Văn Liêm (Lâm thời Trung ương An Nam Cộng Sản Đảng), Chi Bộ An Nam Cộng Sản Đảng Lấp Vò đã thành lập tại làng Mỹ Đông. Tiếp theo là chi bộ Bình Ninh (nay là Bình Thành), Tân Bình Đông (nay là phần đất của xã Bình Thành), Tân Bình (Bình Thạnh Trung), Mỹ An Hưng, Hội An… kéo theo phong trào cách mạng tại xã Tân Mỹ, Tân Khánh, Long Hưng.

Đặc biệt ở Lấp Vò còn có tổ chức Hội phản đế đồng minh, chi bộ Lấp Vò cho xuất bản tờ nguyệt san lấy tên là “Tiếng gọi dân cày” để giáo dục đảng viên và đưa tiếng nói của Đảng xuống tận quần chúng.

“Sự kiện Bến Bắc” ngày 23-8-1945 buộc tỉnh trưởng Bửu (Sa Đéc) chấp thuận yêu sách:

-Giao Việt Minh quyền giữ gìn trật tự ở hai xã Mỹ An Hưng và Tân Mỹ.

– Không đóng đồn tại bến bắc Cao Lãnh.

Sự kiện này đã góp phần đáng kể cho Cách mạng tháng Tám thành công ở Sa Đéc và Long Xuyên vào ngày 25 – 8 – 1945.

Với chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương – giáo, quyết tâm chống giặc, Đảng bộ Lấp Vò đã đứng chân được tại căn cứ Tân Bình, Tân Thạnh Trung, Vĩnh Thạnh , Long Hưng, Mỹ An Hưng. Nổi tiếng là khu “Tam giác sắt” ở Long Hưng suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Chỉ sau giải phóng 1975, với sự sáp nhập thành một huyện – huyện Thạnh Hưng, rộng lớn, mới có điều kiện điều tra qui hoạch tổng thể.

Huyện Lấp Vò tương ứng với tiểu vùng 1 của huyện Thạnh Hưng cũ nằm hai bên và chủ yếu phía bắc kinh Lấp Vò. Vùng này, phần lớn các xã nằm ở ven sông Tiền, ven sông Hậu, có cao trình từ 1,2-1,5 mét (Hội An Đông), đất phù sa các loại chiếm 83%, có thể bố trí canh tác các loại cây lương thực và hoa màu như sau:

– Đậu nành (đậu xanh), Bắp – Lúa hè thu;

– Lúa Đông xuân – Đậu nành – Lúa hè thu;

– Mía xen đậu xanh.

Mía tập trung ở hai xã Mỹ An Hưng, Hội An Đông, đậu nành ở xã Tân Khánh Trung, Tân Mỹ. Đậu, khoai, bắp, mía, vườn cây ăn trái rải rác trên các xã còn lại, nhất là ven sông Hậu.

Từ khi tách huyện vào tháng 8 năm 1989 đến nay, huyện Lấp Vò đã đạt được những thành tựu sau đây:

– Về nông nghiệp: Hàng năm đều tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 1990, diện tích: 24.765 ha, sản lượng: 109.436 tấn. Năm 1995, diện tích: 31.444 ha, sản lượng: 162.125 tấn. Năm 2005, diện tích: 34.909 ha, sản lượng:182.615 tấn (85,4% lúa chất lượng cao). Bình quân lương thực đầu người tiếp tục tăng từ 688 kg (1990) lên 955 kg (1995) và 1014 kg (2005). Diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày được duy trì và phát triển: 335 ha (1990), 3.128 ha (1995), 5.000 ha (2005). Hệ số vòng quay sử dụng đất từ 1,2 lần (1975) tăng lên 2,54 lần (2005).

Bước đầu có chuyển biến theo hướng đa dạng hóa cây giống, con giống và dịch vụ nông nghiệp. Hoạt động khuyến nông ngày càng mở rộng, góp phần đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất có hiệu quả hơn. Phong trào cải tạo vườn tạp trồng các loại cây đặc sản được nhân dân hưởng ứng, toàn huyện đã cải tạo và trồng mới 2.009 ha vườn (với 1.800 ha có giá trị kinh tế cao).

Chăn nuôi gia đình phát triển như: vịt đàn, heo, tôm cá trên ruộng lúa, ao hồ (diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 287 ha và sản lượng: 10.298 tấn).

Đầu tư thực hiện các công trình thủy lợi tạo nguồn, thủy lợi nội đồng, các trạm bơm vùng, tưới tiêu…

Đặc biệt, HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành hoạt động theo hướng liên kết, dịch vụ đã có hiệu quả. Một số tập đoàn sản xuất hiện nay vẫn còn duy trì hoạt động như ở Định An, Mỹ An Hưng B, Tân Khánh Trung… Các xã còn lại đang cố gắng làm theo mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành.

– Về sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp: Từ năm 1995 về trước, có phát triển nhưng còn chậm, các đơn vị quốc doanh làm ăn thua lỗ phải giải thể. Các cơ sở công nghiệp chủ yếu là: đông lạnh, nước đá, xay xát, cưa xẻ gỗ, chế biến đường, cơ khí… Các ngành nghề truyền thống như dệt chiếu, làm nón, nơm, chổi, sản xuất công cụ cầm tay phục vụ nông nghiệp…được duy trì nhưng còn mang tính tự phát ở các hộ gia đình, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, thị trường và tiêu thụ sản phẩm, đa số hộ còn thiếu vốn nên qui mô hoạt động chưa được mở rộng. Năm 1995, toàn huyện có 3.354 cơ sở sản xuất TTCN. Sau khi củng cố và được nhà nước trợ vốn, sản xuất CN-TTCN bắt đầu hồi phục và có chiều hướng phát triển. Hiện có 3.497 cơ sở với 9.840 lao động.

– Về hoạt động dịch vụ, thương mại: Mua bán lẻ được mở rộng đến nông thôn, đáp ứng phục vụ người tiêu dùng với 20 chợ lớn, nhỏ tại các xã, thị trấn đã và đang được qui hoạch, xây mới, sửa sang, sắp xếp đi vào nền nếp, trật tự hơn. Dịch vụ bưu chính viễn thông tăng mạnh, bình quân 100 dân thì có 6 máy điện thoại (tăng gấp 4 lần so với năm 2000) và có trên 250 hộ dân đã kết nối Internet.

Về đầu tư xây dựng cơ bản: Các năm qua từ nguồn vốn huy động có lúc lên tới 28,668 tỉ đồng (từ ngân sách và nhân dân, cùng các tổ chức xã hội), huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá, chợ và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác… Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu kết hợp với hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng, 100% xã có đường ô tô đến tận trung tâm xã, có 62,45% huyện lộ và 61,07% tuyến đường liên xã đã được bê tông hoá hoặc nhựa hoá. Huyện xây dựng được 9 cụm, tuyến dân cư (tổng diện tích là 44 ha, chia ra 1.811 nền, đã bố trí 325 hộ vào ở). Điện lưới quốc gia về đến tất cả các xã, thị trấn. Từ đó, đã làm thay đổi một bước đáng kể bộ mặt xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.

– Về văn hóa – xã hội: Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác giáo dục và đào tạo ngày càng được quan tâm nhiều hơn, chăm lo cho đời sống cán bộ giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục; giúp đỡ các học sinh nghèo hiếu học, xét và cấp học bổng cho các em vượt khó học giỏi; lập các quỹ tuổi thơ, phát hiện tài năng, bồi dưỡng năng khiếu…

Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều biến chuyển tốt. Tất cả các chương trình quốc gia về y tế đều được triển khai thực hiện có hiệu quả. Các xã, thị trấn đều có trạm y tế, cơ bản đủ y, bác sỹ và dụng cụ cần thiết để phục vụ. Kết hợp được Đông và Tây y trong chữa bệnh cho nhân dân. Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình từng bước đi vào nền nếp, hạ tỷ lệ tăng dân số từ 1,73%(1995) xuống còn 1,13% (2005). Số hộ sử dụng nước sạch đạt 60%.

Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được giữ vững và có nhiều mặt chuyển biến tốt.

Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo diễn ra ngày càng rõ rệt. Để hạn chế, huyện đã có một số chủ trương, biện pháp như: khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân đi lập nghiệp vùng mới khai hoang, cho vay vốn và gần đây với chương trình “xóa đói giảm nghèo”, “giải quyết việc làm” đã có tác dụng tích cực. Nhờ vậy, số hộ nghèo từ 11,67% (2000) chỉ còn 1,03%(2005)9.

Nhân vật và di tích lịch sử ở huyện Lấp Vò khá phong phú. Có những nhân vật dính dáng với Gia Long, có những nhân vật tham gia chính quyền thực dân Pháp, hoặc là những bậc khai sáng các mối đạo. Có thể kể ra những nhân vật và di tích sau đây:

1- Về nhân vật:

– Ông Nguyễn Văn Mậu (Hậu) – Bỏ Hậu – làng Tân Long (Long Hưng), làm Tri Thâu, Trùm Cả, giúp Nguyễn Ánh lúc về đặt bản doanh tại Nước Xoáy (Hồi Oa) 1787.

– Ông Nguyễn Văn Bình (Bường), cai đồn điền mở đất vùng Vĩnh Thạnh.

– Ông Nguyễn Văn Nhơn (1753) làng Tân Đông, từng làm Tổng Trấn Gia Định.

– Ông Nguyễn Văn Tuyên, ở làng Tòng Sơn (Tuyên Trung Hầu).

– Ông Đoàn Minh Huyên (Đức Phật Thầy Tây An) làng Tòng Sơn (Mỹ An Hưng A).

– Ông Nguyễn Văn Bồng (Đức Tông sư Minh Trí) làng Tân Mỹ.

– Ông Trần Ngươn Hanh (Vàm Cống), đã dạy cho quan lại người Pháp hiểu thêm về chính sách điền địa thời Tự Đức, giảng thơ Lục Vân Tiên, dịch ra tiếng quốc ngữ tấm bia Núi Sập ghi công lao Thoại Ngọc Hầu, qua Pháp tu nghiệp, trở về ông được bổ nhậm làm luật sư.

– Trong chống Pháp, chống Mỹ có anh hùng: Hùng Cường, Võ Thị Hồng (tự Võ Thị Phiến)…

2- Về di tích:

– Đồn cũ Hồi Oa và Cây Da Bến Ngự (Long Hưng A)

– Tây An Cổ Tự tại Tòng Sơn (Mỹ An Hưng A)

– Đình Định Yên

– Bia lưu niệm Bác Tôn tại Mỹ An Hưng

– Căn cứ Long Hưng “Khu tam giác sắt” qua hai thời kỳ kháng chiến

– Bia tội ác chiến tranh (tại lộ 13- xã Long Hưng B).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây