Giới thiệu khái quát huyện Tiên Phước

huyện Tiên Phước - Tỉnh Quảng Nam

Giới thiệu khái quát huyện Tiên Phước

Tiên Phước là huyện miền núi trung du nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam. Là một vùng đất có nhiều đồi núi, sông suối chia cắt.  Phía Đông giáp huyện Phú Ninh, phía Bắc giáp huyện Thăng Bình, phía Tây giáp huyện Hiệp Đức, phía Nam giáp  huyện Bắc Trà My.  Cách Thành phố tỉnh lỵ  Tam Kỳ 25 km về hướng Đông.  Diện tích tự nhiên hơn 45.322 ha.

Dân số hiện nay khoảng 75.001 người. Là một miền quê giàu truyền thống yêu nước, Tiên Phước đã sản sinh ra các nhà ái quốc nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Trần Huỳnh, Lê Vĩnh Huy…Trước Cách mạng Tháng Tám – 1945, Tiên Phước là nơi có phong trào chống sưu thuế vào những năm 1908 – 1909 và Tỉnh ủy đã chọn Tiên Sơn xây dựng Lò Chén trong đầu những năm 1930 để tự túc kinh phí hoạt động. Hai Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Tiên Phước được thành lập tại Tài Đa (nay thuộc xã Tiên Phong) và Thạnh Bình (nay thuộc xã Tiên Cảnh) vào thập kỷ 40 của thế kỷ XX.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, khi có Đảng lãnh đạo, người dân Tiên Phước đã tích cực tham gia cách mạng.  Ngày 18/8/1945, nhân dân Tiên Phước đã nhất tề đứng lên cướp chính quyền thắng lợi. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đất nước ta lần thứ 2 (1946-1954), Tiên Phước trở thành hậu phương lớn của Liên khu V, của Quảng Nam và cũng là hậu cứ kháng chiến của lực lượng Cách mạng vùng Hạ Lào và Đông Bắc CampuChia, cung cấp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp Cách mạng.  Các đơn vị quân giới, tài mậu, các Trạm xá, Bệnh viện quân dân y tỉnh, Liên khu V chuyển về đóng tại Tiên Thọ, Tiên Lãnh, vùng Sơn – Cẩm – Hà.  Trong phong trào “ Tiêu thổ kháng chiến” nhân dân các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình… tản cư lên Tiên Phước đều được bà con ở các địa phương cưu mang, đùm bọc, chở che, nhường cơm, sẻ áo.  Đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, hàng ngàn người dân Tiên Phước đã đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển súng đạn, thuốc men, lương thực, thực phẩm và tải thương ở các chiến trường Hạ Lào, Tây Nguyên…đồng thời hàng ngàn thanh niên trai tráng trong huyện cũng đã tình nguyện tham gia Vệ quốc đoàn. “Ủng hộ kháng chiến”, “Ủng hộ Chính phủ cụ Hồ” luôn là khẩu hiệu được người dân Tiên Phước nhắc nhở nhau, động viên nhau cùng thi đua thực hiện.  Chỉ trong một thời gian ngắn phát động phong trào “ Tuần lễ vàng”, “ Tuần lễ đồng”, nhân dân Tiên Phước đã đóng góp được hàng tấn đồng, cùng nhiều vàng bạc, châu báu, đá quý…Riêng về “ đảm phụ nuôi quân” toàn huyện cũng đã huy động hàng ngàn con trâu bò, hàng chục ngàn tấn thóc…

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Ở miền Nam, Chính quyền Ngô Đình Diệm được đế quốc Mỹ hỗ trợ đắc lực đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, hô hào “ Bắc tiến” và điên cuồng đàn áp, khủng bố cách mạng, đảng viên trung kiên và những gia đình có người thân tham gia kháng chiến.  Ngày 01/10/1954, bọn chúng đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại chợ Cây Cốc (xã Tiên Thọ) làm chết và bị thương gần 400 người dân vô tội. Trong năm 1955, chúng lại bắt bớ tra tấn dã man rồi đem thủ tiêu gần 500 cán bộ, đảng viên và những người tham gia kháng chiến tại Hầm Heo, Gò Vàng, Đồng Trại ở khu vực Sơn – Cẩm – Hà.  Trong những ngày đen tối ấy, thực hiện “ luật 10/59”,  Mỹ – Diệm lê máy chém khắp làng quê Tiên Phước, chém giết rất nhiều đồng bào, đồng chí của ta.

Năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời. Huyện ủy Tiên Phước được thành lập lại, phong trào Cách mạng ở Tiên Phước được khôi phục.  Lực lượng vũ trang huyện nhanh chóng hình thành. Cuối năm 1960, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với bộ đội tỉnh đánh tan một Đại đội dân vệ và Tổng đoàn thanh niên cộng hòa tại đồn Trà My và 2 xã Tiên Hương, Tiên Lãnh, tiêu diệt nhiều tên địch, thu 80 súng các loại.  Đây là trận đánh mở đầu cho phong trào tấn công vũ trang, diệt ác phá kìm ở 02  huyện Trà My – Tiên Phước.  Được nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, lực lượng vũ trang huyện không ngừng lớn mạnh.  Ngày 27/10/1961, lực lượng vũ trang huyện hỗ trợ cho H21 mở chiến dịch “ Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh – Tiên Ngọc” thắng lợi vang dội.  Ngày 25/9/1962, bộ đội huyện phối hợp với bộ đội tỉnh mở chiến dịch “ Vượt sông Tiên giải phóng Sơn – Cẩm – Hà” và cũng đã chiến thắng oanh liệt.  Từ đây, 06 xã miền núi phía Nam, Tây – Bắc của huyện được hoàn toàn giải phóng và trở thành vùng tự do của ta.  Đây là thắng lợi lớn của phong trào cách mạng ở Quảng Nam. Lần đầu tiên cách mạng Quảng Nam và khu V đứng chân được ở vùng Trung du tiếp giáp với đồng bằng  để phát triển ra các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình, Tam Kỳ…

Tháng 3/1965,  Mỹ đổ quân vào miền Nam. Ở Tiên Phước, chúng xây dựng căn cứ sân bay dã chiến ngay tại thị trấn Tiên Kỳ.  Từ ngày 9 đến ngày 17/12/1965, Lữ đoàn 101 của Sư đoàn American (Mỹ) chiếm núi Vú, chiếm đồi tranh giáp 3 xã Tiên Thọ – Tiên Lập – Tiên Lộc, đỉnh núi Bàn Cồng xây dựng những cứ điểm có bãi đáp máy bay lên thẳng, có pháo tầm xa, pháo cao xạ để khống chế các hành lang của ta từ Sơn – Cẩm – Hà lên vùng căn cứ địa Khu V ở Trà My, từ Tiên Lập đi các xã miền núi về phía Tây Núi Thành. Quân Ngụy cũng thiết lập hệ thống đồn bót dày đặc ở các xã tiếp giáp với vùng giải phóng của ta và cắt một số xã phía Tây của huyện thành lập quận Hậu Đức tại xã Phước Lâm (nay là Tiên Hiệp).  Mỹ – Ngụy liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân với quy mô lớn, có máy bay, xe tăng thiết giáp và pháo tầm xa yểm trợ, càn quét vào vùng giải phóng và khu căn cứ địa Sơn – Cẩm – Hà.  Trong đợt này, tại vùng Sơn – Cẩm – Hà, bộ đội huyện phối hợp với bộ đội tỉnh, bộ đội  Sư đoàn 2 Quân khu V đã bám đánh địch quyết liệt, tiêu diệt 450 tên Mỹ, bắn rơi 3 máy bay.  Trong những năm tháng gian nan, ác liệt nhất, Mỹ – Ngụy thay nhau mở các cuộc càn quét như “ Lam Sơn 7” “Lam Sơn 8” “ Bình Châu – Dân Chiến”, đồng thời dội bom đạn,  chất độc hóa học xuống vùng núi rừng mà chúng nghi ngờ có bộ đội ta đóng quân.  Sự tàn ác của quân thù đã không khuất phục được tinh thần quật khởi của quân và dân Tiên Phước.  Tiểu đoàn 72 bộ đội tỉnh được thành lập tại xã Tiên Thọ.  Sư đoàn 2 bộ binh quân giải phóng Khu V ra đời tại xã Tiên Hà. Và những cứ điểm quân sự của Mỹ – Ngụy như núi Vú, đồi Tranh, 3 xã Tiên Thọ, Tiên Lập – Tiên Lộc, Bàn Cồng…lần lượt bị quân ta tiến công tiêu diệt. Kết quả ta diệt 5 máy bay, 01 Đại đội pháo binh với 60 tên Mỹ, thu nhiều chiến lợi phẩm quân trang, quân dụng.  Tiên Phước trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng, được Khu ủy khu V tặng danh hiệu “Vùng đất thánh” bất khả xâm phạm của cách mạng.  Những năm 1968- 1973 địch tăng cường đánh phá khốc liệt, chúng thực hiện 3 sạch “ đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, chúng tập trung bắt bớ, đánh đập, tra tấn dã man, cày ủi, xúc dân vào khu dồn, song vẫn không lay chuyển được ý chí, truyền thống cách mạng của nhân dân Tiên Phước.  Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân vừa tổ chức chiến đấu, vừa ra sức xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt, giữ vững địa bàn hoạt động, đánh bại chiến dịch “ Tràn ngập lãnh thổ” của địch.  Do địch đánh phá ác liệt nên lương thực thiếu hụt nghiêm trọng. Với khẩu hiệu “ Địch phá một, ta sản xuất mười” “Ba mươi bom nổ, mồng mười sắn lên” nhân dân Tiên Phước quyết tâm lao động để khắc phục thiếu thốn, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đã liên tục đánh thắng giòn giã với các trận đánh tiêu biểu ở Núi Ngang, đồi Nỗng Phú, đồi Lê Duy Hòa, Dương Hợi, Rừng Miếu, Tài Đa làm cho quân Mỹ phải kinh hồn bạt vía.  Năm 1972, cùng với bộ đội chủ lực của Khu V, lực lượng vũ trang của tỉnh và huyện đã tiến công giải phóng quận lỵ  Tiên Phước lần thứ nhất, làm chủ được hơn 01 tháng, phá vỡ phòng tuyến từ xa của tỉnh tỵ Quảng Tín, phát triển thế và lực mới, góp phần cùng với toàn miền Nam buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari vào tháng 01/1973.

Mùa xuân năm 1975, Tiên Phước vinh dự được chọn làm nơi cùng với Buôn -Mê -Thuột nổ phát súng đầu tiên vào lúc 0 giờ ngày 10/3/1975, mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam, giải phóng vùng đồng bằng duyên hải miền Trung.  Miền nam sạch bóng quân thù. Bắc – Nam thống nhất.  Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc. Trong gần 15 năm đấu tranh vũ trang (1960-1975) quân và dân Tiên Phước đã đánh 17.858 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 34.518 tên, bắt sống 1.071 tên địch, diệt gọn 7 đại đội, 25 trung đội, tiêu diệt 2 Chi khu Quân sự của 2 cơ quan đầu não chỉ huy 2 huyện Tiên Phước và Hậu Dức, phá hủy 72 xe tăng và xe quân sự, bắn rơi 42 máy bay các loại…Quân và dân Tiên Phước đã sử dụng bom, pháo lép cải tiến thành 3.000 quả mìn để đánh địch.  Điển hình là trong trận đồi Dương Sẻ, ta đã gài một quả bom 500 kg, diệt gọn 62 tên Mỹ. Các xã Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Lãnh, Tiên Sơn, Tiên Cẩm và Tiên Hà và hai cá nhân liệt sỹ Trần Ngọc Sương và liệt sỹ Lê Duy Đình được Đảng và Nhà nước tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;  226 bà mẹ được truy tặng và tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 2.009 người con ưu tú hy sinh đã được công nhận là liệt sỹ;  16.716 cá nhân, gia đình được tặng thưởng Huân – Huy chương các loại;  307 cá nhân được tặng các danh hiệu “ Dũng sĩ diệt Mỹ” “ Dũng sỹ diệt máy bay”…

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cán bộ và nhân dân Tiên Phước cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.  Trong công cuộc đổi mới, dưới ánh sáng các Nghị quyết Trung ương đảng,  Đảng bộ tỉnh,  Tiên Phước đã bám sát tình hình cụ thể của địa phương, xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu phát triển cho từng chặng đường, phát huy được tiềm nắng thế mạnh của huyện nhà đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.   Trên lĩnh vực nông nghiệp, với chủ trương phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá,  thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng dần trình độ sản xuất của nhân dân. Thực hiện giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nhân dân, phát triển giao thông, thuỷ lợi đã thiết thực khơi thông sản xuất.  Năng suất cây trồng, vật nuôi tăng nhanh, đặc biệt là cây lúa từ 20 tạ/ha (năm 1994) lên 45 tạ/ha năm 2007,  sản lượng lương thực có hạt đạt gần 20.000 tấn, từ một huyện thiếu đói đến nay nhân dân đã đủ ăn về lương thực.

Phong trào phát triển chăn nuôi,  kinh tế vườn, kinh tế trang trại ngày càng mở rộng quy mô, tăng diện tích, đi đôi với chú trọng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất tăng đáng kể năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá  trị trên đơn vị diện tích.  Toàn huyện có hàng chục trang trại đạt tiêu chí với diện tích hàng trăm ha, trồng mới hơn 7.000 ngàn ha rừng, cải tạo, mở mới trên 5.000 ha vườn nhà, vườn đồi thành vườn có hiệu quả kinh tế.   Tổng đàn gia súc  gần 60.000 con. Bằng việc vận dụng cụ thể hoá các cơ chế khuyến khích sản xuất kinh doanh đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mở rộng các ngành nghề Tiểu thủ công nghiệp, Thương mại, Dịch vụ đưa giá trị sản xuất Tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng bình quân mỗi năm 25%, đến nay đạt  gần 20 tỷ đồng.  Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, tạo tiền đề và tăng năng lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.  Huyện coi thuỷ lợi là giải pháp hàng đầu để tăng diện tích, năng suất, sản lượng đối với cây trồng.  Toàn huyện xây dựng được 118 hồ, đập, Trạm bơm điện, đào đắp gần 200 km kênh mương nội đồng.  Mạng lưới điện Quốc gia đã hạ thế phục vụ sản xuất sinh hoạt ở tất cả các thôn xóm, tỷ lệ hộ dùng điện trên 90%.  Lĩnh vực đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông phát triển rất nhanh,  với 132/160 km đường ĐH đã thâm nhập nhựa, mở mới gần 500 km đường liên thôn, nhiều tuyến đã bê tong hoá. Xây dựng đưa vào sử dụng nhiều cây cầu kiên cố vững chải như: cầu sông Tiên, cầu sông Trạm, cầu Tiên Châu, cầu Tiên Thọ…  Sự phát triển tiến bộ vượt bậc trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội đã tạo ra diện mạo nông thôn Tiên Phước ngày càng văn minh, hiện đại.

Sự nghiệp Giáo dục được đầu tư phát triển, toàn huyện có 15 trường Mầm non, 16 trường Tiểu học, 15 trường THCS, 02 trường THPT và 01 Trung tâm dạy nghề. Hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, 25.000 học sinh, bình quân 03 người dân có 01 người đi học. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, toàn huyện hoàn thành phổ cập Tiểu học, THCS, nhiều trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Hàng ngàn học sinh Tiên Phước theo học các trường Đại học, hàng chục người đã đạt các học vị cao: Tiến Sĩ, Thạc sĩ. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, khám chữa bệnh được chú trọng. Mạng lưới y tế từ huyện đến xã, thôn phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sỹ được tăng cường. Bệnh viện huyện và Trạm y tế các xã được xây dựng khang trang với hơn 170 y, bác sỹ thường xuyên chăm lo phục vụ phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Sự nghiệp văn hoá, thể thao nhất là thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đạt kết quả thiết thực góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy các phong trào, hoạt động xã hội, xây dựng đời sống văn hoá  tiên tiến. Phong trào đền ơn đáp  nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với nước, công tác xoá đói giảm nghèo được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Đời sống nhân dân ngày càng khá giả, hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 5%, trên 85%  gia đình có nhà ở kiên cố, trên 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn.

Những thành tựu đạt được trong 33 năm xây dựng và phát triển là vô cùng quan trọng, bên cạnh sự nổ lực vươn lên của toàn thể cán bộ, nhân dân huyện nhà có sự giúp đỡ quí báu của tỉnh, Trung ương, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, những người con quê hương Tiên Phước đang công tác trên mọi miền đất nước.   Trong những năm đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Phước tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ và manh mẽ các nhiệm vụ, biện pháp lớn nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế – xã hội đáp ứng yêu cầu đòi hỏi tiến trình phát triển hội nhập. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phục vụ ngày một tốt hơn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, vùng cây nguyên liệu, đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi, kinh tế vườn, kinh tế trang trại.  Quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển dụ lịch, thương mại, dịch vụ. Chú trọng các chương trình xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

DANH NHÂN HUYỆN TIÊN PHƯỚC 

Huỳnh Thúc Kháng

* Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947): Chí sĩ, danh sĩ, nhà yêu nước; tiểu danh là Thước, trước gọi là Hanh, sau đổi là Thúc Kháng; sinh năm 1876 tại làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Năm 16 tuổi ông đi thi Hương; đến năm 29 tuổi đỗ Tiến sĩ. Cũng từ đó, ông bắt đầu học chữ Quốc ngữ; tham gia sáng lập phong trào Duy Tân (năm 1904). Ông bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo cho đến năm 1921 mới được trả tự do.

Năm 1926, ông ứng cử và đắc cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, được bầu làm Viện trưởng. Năm 1928, ông từ chức Nghị viên để lập ra công ty Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Tiếng Dân.

Năm 1946, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông ra hợp tác với Chính phủ liên hiệp kháng chiến và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, ông giữ Quyền Chủ tịch nước (năm 1946).

Ông qua đời năm 1947 tại Quảng Ngãi.

 Hồ Truyền

* Hồ Truyền (1902 – 1967): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ; sinh năm 1920 tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông đang làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ, phụ trách vành đai diệt Mỹ Chu Lai (nay là huyện Núi Thành).

          Sau năm 1954, ông được phân công ở lại hoạt động bí mật. Đầu năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Nam điều động và bổ sung Hồ Truyền vào Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Kỳ và giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng tại xã Tam Hải, Tam Hiệp, Tam Xuân, Tam Giang, Tam Quang.

          Năm 1959, ông được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam và điều động làm Trưởng Ban cán sự huyện Tiên Phước

          Từ năm 1960-1963, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Với cương vị là cán bộ chủ chốt của huyện, ông đã cùng cán bộ và nhân dân trong huyện tổ chức thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy là lập trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Quyết tâm giữ vững vùng căn cứ địa và phát triển vùng hậu phương, kêu gọi nhân dân chiến đấu anh dũng kiên cường với Đế quốc Mỹ và bọn tay sai, giành thắng lợi giải phóng các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, …. Đây là những địa bàn trọng yếu của căn cứ địa cách mạng, làm bàn đạp để bảo vệ cho hoạt động của Tỉnh ủy Quảng Nam

Năm 1965, Tỉnh ủy Quảng Nam đã điều động ông làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ (Núi Thành) để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ông đã cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo quân và dân trụ bám giữ đất, giữ làng xây dựng cơ sở cách mạng, đồng thời xây dựng Vành đai diệt Mỹ Chu Lai…

Năm 1967, trong một lần đi kiểm tra để chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo ở các xã vùng Đông của huyện, ông đã bị địch bao vây và hy sinh.

Năm 2010, liệt sĩ Hồ Truyền được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lê Cơ

* Lê Cơ (1870 – 1918): Nhà thực hành duy tân xuất sắc; chí sĩ yêu nước của phong trào Duy Tân; sinh năm 1870 tại làng Phú Lâm, nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Tú tài năm 1900. Năm 1903 làm lý trưởng làng Phú Lâm. Trong thời gian làm lý trưởng Phú Lâm, ông đã xây dựng nơi đây trở thành làng duy tân kiểu mới.

 Năm 1908, nhân vụ chống thuế Trung kỳ, ông bị bắt giam đến năm 1911. Năm 1916, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và bị đày ra Lao Bảo (Quảng Trị)

Năm 1918, trong một lần tham gia đấu tranh phản đối bọn cai ngục ở nhà tù Lao Bảo, ông đã bị chúng giết hại.

         

Nguyễn Đình Tựu

* Nguyễn Đình Tựu (1828 – 1888): Nhà giáo triều Nguyễn, Đốc học tỉnh Quảng Nam; tự là Doãn Ngũ, Vọng Chi; sinh năm 1828 tại làng Hội An, nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

 Ông đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu (1861); đỗ Phó Bảng khoa Mậu Thìn (1868); làm quan trải các chức: Đốc học Quảng Nam, Tế tửu Quốc Tử giám (như Giám đốc Trường Đại học Quốc gia ngày nay), Thị giảng học sĩ – hàng tuần giảng sách cho vua. Ông còn được vua Tự Đức giao dạy học cho các hoàng tử Ưng Chân, Ưng Đăng.

Năm 1886, vua Đồng Khánh bổ nhiệm ông giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam thay Tiến sĩ Trần Văn Dư. Theo Huỳnh Thúc Kháng, sau khi Nghĩa hội tan ra, các lãnh tụ của Nghĩa hội hy sinh, Nguyễn Đình Tựu đã đứng ra che chở, bảo lãnh nhiều thành viên khác.

Năm 1887, Nguyễn Đình Tựu về Huế và tiếp tục nhận chức Thị giảng, sau đó về làm Đốc học Quảng Nam cho đến khi qua đời (năm 1888).

Ông là người mô phạm khuôn mẫu, uyên bác nổi tiếng, đào tạo được nhiều nhà khoa bảng yêu nước đương thời. 

Cây Cốc

* Cây Cốc là một địa danh thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước. Tại đây, ngày 01 tháng 10 năm 1954, trước việc chính quyền Mỹ – Diệm vô cớ bắt ông Nguyễn Thông, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính – Kháng chiến xã Tiên Thọ, đồng bào đã kéo đến bao vây, buộc bọn lính phải thả ông Thông và yêu cầu chúng phải tôn trọng các điều khoản của Hiệp định Giơ ne vơ.

Tuy nhiên, kẻ thù đã ngoan cố, nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết và làm bị thương hàng trăm người và bắt đi nhiều người khác. Dã man hơn, chúng còn đưa những người bị thương nặng xuống hố rồi lấp đất lại.

Ngày nay, một tượng đài đã được xây dựng tại ngã ba Cây Cốc nhằm tưởng niệm những người ngã xuống trong cuộc đấu tranh ngày 01/10/1954, đồng thời ghi lại tội ác của kẻ thù.

Phan Châu Trinh

* Phan Chu Trinh (1872 – 1926): Chí sĩ, danh sĩ, nhà yêu nước Việt Nam nổi tiếng; tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1901, ông thi đỗ Phó bảng. Năm 1903, được bổ làm Thừa biện bộ Lễ. Tuy nhiên một năm sau ông đã từ quan và dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân.

Năm 1904, ông cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Sau đó, ông cùng với các nhân sĩ, trí thức miền Bắc thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội.

Năm 1908, phong trào Duy Tân phát triển mạnh mà đỉnh cao phong trào chống thuế ở Trung Kỳ. Lúc đó, Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội liền bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Đến năm 1911, được trả tự do, ông bắt đầu sang Pháp.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ, ông bị bọn quan lại, thực dân âm mưu hãm hại và tiếp tục bị bắt giam nhưng ông đã đấu tranh quyết liệt và một lần nữa, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho ông. Năm 1925, ông trở về Tổ quốc trong tình cảnh bệnh nặng.

Ngày 24/3/1926, Phan Châu Trinh trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn. Đám tang của ông đã trở thành cuộc vận động chính trị lớn lúc bấy giờ.

Lê Vĩnh Khanh

* Lê Vĩnh Khanh: Danh thần triều Nguyễn; quê ở làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1843, ông đỗ Giải nguyên khoa thi hương; năm 1884, đỗ Phó bảng. Ông làm quan trải qua các chức: Hàn lâm viện Kiểm khảo, Tri huyện Phù Cát (Bình Định), Tri phủ Tuy Hòa (Phú Yên).

Nổi tiếng là vị quan thanh liêm cương trực và hết lòng thương yêu, chăm sóc đời sống nhân dân, nên ông thường bị bọn tham quan ghen ghét. Khi làm Tri huyện Phù Cát, gặp phải năm mất mùa đói kém, khiến nạn trộm cướp sách nhiễu; nhân đó lại có lệnh triệu hồi ông về kinh để cùng phái đoàn Phạm Phú Thứ sang Pháp điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhận chiếu chỉ của vua Tự Đức,nhưng ông thẳng thắn không tuân lệnh, thoái thác xin ở lại địa phương để tiếp tục chăm lo cho dân.

Cả gia đình ông đều giàu lòng yêu nước, yêu dân, các con và các cháu ông như Lê Vĩnh Huy, Lê Thúc Duyện, Lê Liễn, Lê Triêm… đều tham gia các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX và đều hy sinh cho đất nước.

Trần Ngọc Sương

* Trần Ngọc Sương (1940 – 1972): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; sinh năm 1949 tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông là thiếu uý, Huyện đội phó huyện Tiên Phước.

Ông nhập ngũ tháng 1 năm 1968, cho đến khi hy sinh, ông đã tham gia đánh 170 trận, đều dũng cảm, mưu trí, chỉ huy linh hoạt, dẫn đầu đơn vị vượt qua mọi khó khăn, ác liệt; đã chỉ huy đơn vị diệt hơn 1.000 tên địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh của nhân dân trong huyện. Riêng ông diệt 430 tên địch (có 47 Mỹ), phá huỷ 4 xe bọc thép, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.

Ngày 12 tháng 5 năm 1972, trong một trận đánh, Trần Ngọc Sương đã anh dũng hy sinh.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, Trần Ngọc Sương đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhiều bằng khen, 6 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, liệt sĩ Trần Ngọc Sương đã được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trần Huỳnh

Trần Huỳnh (1858 – 1908): quê ở làng Tân An Tây, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

        Trong các năm từ 1905-1908, ông cùng với các chí sĩ Lê Cơ ở Phú Lâm, Lê Vĩnh Huy ở Thạnh Bình, Phan Quang ở Cẩm Y đứng ra tiến hành cải cách làng quê mình bằng việc lập trường Tân Xuân dạy chữ Quốc ngữ, trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên trai tráng địa phương nhằm mưu việc nước về sau…

         Tháng 8 năm 1915, hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội do vua Duy Tân và hai chí sĩ xứ Quảng là Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương, Ban chỉ huy khởi nghĩa tổng Phước Lợi chính thức được thành lập, do Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh và Trần Tùy Vân làm Phó lãnh binh.

           Chiều ngày 3 tháng 5 năm 1916, theo kế hoạch của cuộc khởi nghĩa, gần 1.000 dân binh tập trung về căn cứ Gò Chùa (còn gọi là Gò Đỏ) để làm lễ tế cờ xuất quân. Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh, sau đó tiến về phía phủ đường Tam Kỳ.

          Tuy nhiên, do kế hoạch của cuộc khởi nghĩa đã bị bại lộ ở kinh thành Huế nên thực dân Pháp đã nhanh chóng đàn áp. Trần Huỳnh và nhiều chỉ huy nghĩa binh khác bị bắt. Trong lao tù, mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ nhưng Trần Huỳnh vẫn tỏ ra khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình.

Ngày 27 tháng 5 năm 1916, thực dân Pháp đã mở phiên xét xử Trần Huỳnh và các đồng chí của ông. Tuy chúng tuyên án đày biệt xứ ông lên Buôn Ma Thuột, nhưng sau đó đã lén lút đưa ông đi xử chém tại Chợ Củi (huyện Điện Bàn).      

 

Lê Vĩnh Huy

* Lê Vĩnh Huy (1842 – 1916): Chí sĩ yêu nướcsinh năm 1842 tại làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1885, ông gia nhập Nghĩa hội Quảng Nam, giữ chức Bang tá rồi Tán lý Quân vụ. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận như Nà Lầu, Dốc Miếu, Suối Đá.

Năm 1887, Phong trào Nghĩa hội tan rã, ông về quê ở ẩn để chờ cơ hội.

Năm 1904, Duy Tân hội được thành lập, ông đã tích cực hỗ trợ và cùng với Nguyễn Thành (Tiểu La) vận động phong trào Đông Du ở Quảng Nam.

 Năm 1916, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Duy Tân, ông tham gia đánh đồn Trà My, phủ Tam Kỳ nhưng không thành.

Ông bị bắt và mất năm 1916 tại nhà lao Hội An. 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây