Giới thiệu khái quát huyện Trà Cú

huyện Trà Cú - Tỉnh Trà Vinh

Giới thiệu khái quát huyện Trà Cú

1. Vị trí địa lý:

Trà Cú nằm cách tỉnh lỵ Trà Vinh 33km đường lộ trên tuyến quốc lộ 53 và 54. Phía Đông tiếp giáp huyện Cầu Ngang , phía Nam giáp huyện Duyên Hải, phía Bắc giáp huyện Tiểu Cần và Châu Thành, phía Tây giáp sông Hậu. Đây là tuyến vận tải hàng hóa quốc tế qua cửa biển Định An

Phía Đông giáp huyện Cầu Ngang, Duyên Hải. 

Phía Tây giáp sông Hậu(tỉnh Sóc Trăng). 

Phía Nam giáp huyện Duyên Hải.

Phía Bắc giáp huyện Châu Thành, Tiểu Cần.

Trà Cú mang đặc điểm địa hình rỏ nét của vùng đồng bằng ven biển, địa hình huyện có nhiều giồng cát hình cánh cung song song với bờ biển, có cao trình cao trên 2 m. Cao trình bình quân phổ biến từ 0,4 m đến 0,8 m so với mặt nước biển, cao trình tháp phân bố rãi rác ở các xã Đại An, Ngãi Xuyên, Ngọc Biên. 

Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa ven biển (có hai mùa mưa nắng rỏ rệt trong năm) rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; nhiệt độ trung bình từ 24,9 – 28,50C; tổng lượng mưa bình quân trong năm đo được khoảng 1.900 mm.

Sông Hậu qua huyện là 1 trong 2 nhánh chính của đoạn cuối sông Hậu phân cách bởi Cù Lao Dung, nhánh qua huyện có mặt rộng 1,5 – 2,5 km, sâu trên 10m. Các sông rạch chính: Rạch Trà Cú – Vàm Buôn dài khoảng 18km, bắt nguồn từ sông Hậu nối thông với Rạch Trà Mềm qua cống Tập Sơn; Rạch Tổng Long dài khoảng 17 km  bắt nguồn từ sông Hậu thông với kênh 3/2. Ngoài ra còn nhiều kênh rạch khác như: Kênh 3/2, kênh An Quảng Hữu, kênh Nguyễn Văn Pho, rạch Vàm Ray, rạch Bắc Trang, rạch Trà Mềm.

Chế độ thủy triều: chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều biển Đông, trong ngày nước lên xuống hai lần, mỗi tháng có hai lần triều cường sau ngày mồng 01 và ngày 15 âm lịch(từ 2 – 3 ngày), biên độ triều hằng ngày rất lớn, nhất là khu vực gần cửa sông. Vùng đất phía Tây Quốc lộ 53 của huyện bị xâm nhập mặn vào mùa khô, chủ yếu từ sông Hậu như rạch Trà Cú, Tổng Long, Vàm Ray.

Với địa hình cập sông Hậu với chiều dài trên 20 km có tiếp giáp cửa biển Định An, thuận tiện cho phát triển nghề đánh bắt thủy sản và giao thông đường thủy. 

2. Tài nguyên thiên nhiên:

Đất nông nghiệp; 31.261,7 ha, chiếm 84,51% diện tích tự nhiên gồm: đất trồng cây hàng năm 23.986,81 ha, chiếm 76,73% diện tích đất nông nghiệp(trong đó đất trồng lúa); đất trồng cây lâu năm 4.919,77 ha, chiếm 15,74% diện tích đất nông nghiệp; đất nuôi trồng thủy sản 2.355,12 ha, chiếm 7,53% diện tích đất nông nghiệp. Đất phi nông nghiệp 5.708,85 ha; đất chưa sử dụng 21,9 ha; sông rạch 3.043,24 ha.

Tài nguyên khoáng sản: theo khảo sát lập bản đồ địa chất khoáng sản đồng bằng Nam Bộ huyện có mỏ đất sét ở xã Phước Hưng với trữ lượng tương đối lớn, dân đã khai thác để làm gạch, nhưng gạch thường bị vênh và trọng lượng viên gạch nặng. Nhìn chung, sét có thành phần hóa học đạt so với yêu cầu, nhưng lượng cát ít, trong sét có nhiều Hydrô-mica nên gạch dễ bị vênh khi nung.

Huyện Trà Cú có nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm khá phong phú, trong đó nguồn nước mặt chủ yếu từ sông Hậu, rạch Trà Cú – Vàm Buôn, rạch Tổng Long… phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. 

Trà Cú: Tiềm năng và hướng phát triển du lịch

Trong thời gian qua, huyện Trà Cú phát huy mọi nguồn lực; đồng thời, kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, phát triển các làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực như: dệt chiếu, đan đát, bột nưa, bún nước lèo, cốm dẹp, nước thốt nốt, đường cát trắng, các sản phẩm khô…, đặc biệt là công tác bảo tồn, bảo tàng ở các di tích lịch sử cách mạng…nhằm từng bước tiến tới khai thác phát triển ngành kinh tế du lịch tâm linh của huyện. Ông Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trà Cú cho biết: Hàng năm, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của huyện được tổ chức với nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ và thể dục-thể thao thu hút khoảng hơn 10.000 người đến tham quan tại các khu di tích, các cơ sở tôn giáo và các cơ sở chế biến nông sản, làng nghề dệt chiếu, đan đát.

Tính đến nay, Trà Cú có khoảng 95 di tích, trong đó di tích khảo cổ là 06, di tích lịch sử cách mạng là 21, di tích kiến trúc nghệ thuật là 68 và nhiều thắng cảnh đẹp. Hiện đã được công nhận 06 di tích lịch sử cấp tỉnh và 01 di tích khảo cổ cấp Quốc gia.

Về một số sản phẩm du lịch: Trên địa bàn huyện Trà Cú có Di tích Óc Eo tọa lạc tại ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986. Tháng 12/1986 tiến hành khai quật và đến tháng 02/1987 kết thúc. Di tích có bình diện hình chữ nhật, chiều dài 31,2m theo hướng Đông Tây, chiều rộng 17,20m theo hướng Bắc Nam.     

Chùa Vàm Ray có tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, tọa lạc tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, với chiều dài lên tới 54m, cổng chùa được xây dựng theo môtíp Angkor rất hoành tráng và toàn bộ được sơn thếp vàng. Đỉnh cổng là 09 ngọn tháp lớn được tạo thành từ hàng trăm ngọn tháp nhỏ chất chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp – mô phỏng đỉnh núiXômê linh thiêng trong thần thoại Khmer. Độ hoành tráng và sự nổi bật của kiến trúc cổng chùa có một sức hút kỳ lạ, khiến cho bất kỳ ai vô tình đi ngang qua cũng phải đứng lại ngắm nhìn.

Chùa Phnô Đôn (hay chùa Cò) tọa lạc tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An. Chùa được xây dựng từ năm 1677, cổng chùa, chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội có kiến trúc đặc sắc của người Khmer ở Trà Vinh; khu chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như: tượng thần Riehu, thần 4 mặt Mhabrom, chim thần Kâyno. Từ nhiều năm trở lại đây, khuôn viên chùa đã là nơi làm tổ, sinh sôi phát triển của hàng ngàn loài chim, cò đủ loại. Chùa Phnô Đôn được ghi nhận như một trong những sân chim lớn nhất của vùng Nam Bộ.

Có dịp đi du lịch Trà Cú, Trà Vinh, du khách không nên bỏ qua chuyến tham quan, vãn cảnh chùa Phnô Đôn, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, thư giãn thoải mái với không gian thoáng mát và yên bình nơi đây. Ngoài ra, cạnh bên chùa còn có Dinh thự của người Khmer được xây dựng theo kiến trúc rất tinh xảo và hoành tráng.       

Cây nưa là một loài cây thân thảo, cho củ, được trồng ở vùng đất giồng cát và đất thịt. Bà con nông dân trồng nưa lấy củ chế biến thành bột, là một trong những loại cây được trồng tập trung chủ yếu ở ấp Vàm, xã An Quảng Hữu từ hàng chục năm nay.          

Làng nghề dệt chiếu Cà Hom – Bến Bạ thuộc địa bàn xã Hàm Tân. Đây là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được các thế hệ người dân truyền nghề nhau gần 100 năm nay.

Sự xuất hiện của nghề dệt chiếu ở Cà Hom – Bến Bạ kể ra như một sự tình cờ khi mấy phụ nữ địa phương trong chuyến đi thăm họ hàng tận đất mũi Cà Mau học lỏm được. Trở về, họ nhờ cánh đàn ông làm khung căng sợi, rồi ra biển cắt lát, chẻ nhỏ phơi khô, dệt thử. Những chiếc chiếu đầu tiên thô ráp, vụng về ấy chỉ cốt sao cho đỡ tốn tiền ra mua chiếu chợ. Rồi nghề dạy nghề, những chiếc chiếu sau trông vừa mắt hơn, sờ mịn tay hơn. Rồi từ một vài khung lẻ tẻ ban đầu lan ra cả vùng Cà Hom – Bến Bạ. Mẹ truyền nghề cho con. Con giữ lấy và cố cho mình, cho con gái mình vài bí quyết riêng. Nhờ vậy, từ những chiếc chiếu thô ráp ban đầu, qua ba, bốn thế hệ, chiếu Cà Hom – Bến Bạ ngày nay tạo được uy tín trên thương trường các tỉnh Nam Bộ với các chủng loại chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ…Nhiều phụ nữ làng chiếu trở thành nghệ nhân trong nghề được gần xa biết đến như: bà Ngô Thị Pho, Mã Thị Dứt…Những sản phẩm của họ là những đôi chiếu cao cấp, giá thành lên đến vài trăm ngàn đồng và chỉ sản xuất theo sự đặt hàng của khách hạng sang;

Ngoài ra, huyện Trà Cú còn có Phước Thắng Cung của người Hoa và các sản phẩm đan đát ở xã Đại An; cảng cá, các sản phẩm khô và hải sản thị trấn Định An.         

Thực hiện Kế hoạch số 48-KH/TU, ngày 12/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị“về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch phát triển ngành du lịch huyện Trà Cú đến năm 2030.           

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyệnhình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch sinh thái, danh lam thắng cảnh và làng nghề truyền thống; nâng một số lễ hội truyền thống của huyện lên lễ hội cấp tỉnh như: lễ hội truyền thống 31/12 của huyện, lễ hội Nguyên tiêu xã Đại An.          

Đến năm 2025, đón hơn 9.000 lượt khách/năm, trong đó có khoảng 800 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 13,5 tỷ đồng/nămnăm 2030 đón hơn 14.000  lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 1.000 lượt. Tổng thu du lịch đạt 21 tỷ đồng/năm.

Phn đấu đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.          

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, giai đoạn 2018-2020, huyện Trà Cú tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, khu vui chơi giải trí, điểm dừng chân để tham quan các công trình kiến trúc, làng nghề, vườn cây ăn trái, cảng biển tại xã Lưu Nghiệp Anh, xã Đại An, thị trấn Trà Cú, thị trấn Định An nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng thích hợp tại điểm du lịch; đầu tư khai thác các dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, ẩm thực tại khu du lịch sinh thái Cù Lao sông Phen, Cảng cá thị trấn Định An, khu di tích Óc Eo…; đầu tư phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng (homestay) để góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của huyện.

Và trong năm 2018, Đoàn khảo sát phân tích hiện trạng du lịch trên địa bàn huyện Trà Cú gồm: Công ty TNHH Vòng Tròn Việt; Trung tâm Xúc tiến Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã khảo sát phân tích hiện trạng các điểm và cơ sở như: Chùa Vàm Ray thuộc ấp Vàm Ray, 02 hộ dân làng nghề dệt chiếu và khu vực cảng sông Hậu ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân; 01 hộ dân kinh danh các sản phẩm đan đát thủ công thu nhỏ ấp Giồng Đình, xã Đại An; 01 hộ dân đóng vườn tre ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang; 05 hộ dân ấp Trà Lés, xã Thanh Sơn; vườn dừa ấp Sóc Tro Giữa, Cơ sở sản xuất bột nưa ấp Vàm, xã An Quảng Hữu…

Qua kết quả khảo sát phân tích, đoàn có nhận định bước đầu, đó là huyện có tiềm năng để phát triển du lịch sông nước “Bến du thuyền trên sông Hậu”, có cảnh quan thiên nhiên thuận lợi cả về đường thủy và đường bộ, liên kết với tỉnh Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ…Về du lịch cộng đồng có các hộ dân ấp Trà Lés, xã Thanh Sơn thuận lợi về đường bộ, có cánh đồng lúa trãi dài đang xen những hàng cây sao và cây dầu tạo không khí mát mẽ, cảnh quan đẹp, có điều kiện về cơ sở vật chất để kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.

Theo Nghị quyết năm 2019 của Huyện ủy, tăng cường công tác liên kết, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, nhất là các loại hình du lịch mà huyện có tiềm năng, thế mạnh.

Các sản phẩm làng nghề đặc trưng của huyện Trà Cú

Làng nghề dệt chiếu lá: Đây là một trong những làng nghề thủ công truyền thống của huyện, làng nghề có trên 150 hộ ở tại ấp Cà Hom và Vàm Ray xã Hàm Giang, hàng năm sản xuất trên trên 64.000 sản phẩm xuất bán trên thị trường 

Làng nghề đan lát sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc như: Cần xé, giỏ thúng đựng lúa, rổ,…. Làng nghề có trên 300 hộ ở ấp Giồng Đình, xã Đại An, hàng năm tạo ra hàng chục ngàn sản phẩm.

Làng nghề đóng đồ mộc bằng tre gai và tầm vong như: giường tre ghế, thang,….Làng nghề có trên 100 hộ ở tại ấp Trà Tro, xã Hàm Giang. Hàng năm sản xuất hàng ngàn sản phẩm.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây