Giới thiệu khái quát huyện Cầu Ngang

huyện Cầu Ngang - Tỉnh Trà Vinh

Giới thiệu khái quát huyện Cầu Ngang

 Vị trí địa lý
Huyện Cầu Ngang nằm về phía Đông Nam tỉnh Trà Vinh và nằm bên bờ sông Cổ Chiên và cửa Cung Hầu.

+ Phía Đông giáp huyện Châu Thành và tỉnh Bến Tre;
+ Phía Nam giáp huyện Trà Cú và huyện Duyên Hải;
+ Phía Tây giáp huyện Châu Thành và huyện Trà Cú;
+ Phía Bắc giáp huyện Châu Thành.
Toàn huyện hiện có 15 đơn vị hành chính, gồm 13 xã và 2 thị trấn: thị trấn Cầu Ngang, thị trấn Mỹ Long, xã Kim Hòa, Hiệp Hòa, Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, Mỹ Hòa, Thuận Hòa, Nhị Trường, Trường Thọ, Long Sơn, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây và Thạnh Hòa Sơn. Trung tâm hành chính huyện đặt tại thị trấn Cầu Ngang, nằm cách trung tâm hành chính tỉnh Trà Vinh 23 km theo quốc lộ 53 về phía Tây Bắc.

* Tài nguyên thiên nhiên
– Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện: 31.885,97ha, chiếm 14,39% diện tích toàn tỉnh (221.515 ha); phần lớn đất đai của huyện là đất nông nghiệp, với 27.569,55ha chiếm 86,463% diện tích tự nhiên của huyện, đất phi nông nghiệp có 4.303,63ha, chiếm 13,5% diện tích đất tự nhiên của huyện, hiện còn 11,79ha đất chưa sử dụng, chiếm 0,03% diện tích đất tự nhiên của huyện.
Gồm 3 nhóm đất chính:
+ Đất cát giồng: có 4.181,79 ha, chiếm 12,81% diện tích đất;
+ Đất phù sa: có 21.357,72 ha, chiếm 65,44% diện tích đất;
+ Đất phèn: có 7.899,08 ha, chiếm 21,75% diện tích đất.
Nhìn chung, đất đai trong huyện có sa cấu là sét đến sét pha thịt, tầng canh tác trung bình đến khá dày, thích hợp cho việc trồng lúa và các loại cây màu.

– Tài nguyên nước
Huyện Cầu Ngang có đặc điểm nguồn nước mặt rất đặc biệt, bao gồm ba nguồn mặn, ngọt, lợ do đó rất phù hợp cho việc canh tác đa cây, đa con của huyện. Nguồn nước mặt của huyện chủ yếu được cung cấp từ sông Cổ Chiên, sông Thâu Râu và sông Vinh Kim và nguồn nước mưa, vào mùa khô do tác động của thủy triều đưa nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào nội địa làm nhiểm mặn nước khu vực cửa sông nên khả năng cung cấp nước ngọt cho sinh họat và sản xuất có gặp khó khăn, nhưng đây lại là lợi thế cho việc phát triển nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm sú. Nguồn nước ngầm khá phong phú, với 3 tầng chứa nước thay đổi từ 60 – 400 m, phổ biến từ 90 – 120 m; khả năng khai thác 97.000m3/ngày.

* Thủy sản
Huyện Cầu Ngang thuộc vùng đồng bằng ven biển và giáp với sông Cổ Chiên nên chịu sự chi phối bởi chế độ triều cường biển Đông thông qua sông Cổ Chiên, nên sự xâm nhiểm của nước mặn vào mùa khô đã hạn chế đến việc khai thác và sử dụng đất nông nghiệp, nhưng đây lại là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là nuôi tôm sú), từ đó có nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến. Ngoài ra huyện còn có 15 km đường bờ biển thuộc khu vực các xã Vinh Kim, Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long, đây cũng là lợi thế của huyện trong việc phát triển ngành khai thác và đánh bắt thủy hải sản xa bờ.

* Du lịch
Tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái Cồn Nghêu (xã Mỹ Long Nam), Cồn Bần (xã Mỹ Long Bắc), Hàng Dương (thị trấn Mỹ Long) và tôn tạo khu di tích lịch sử Chùa Dơi (xã Mỹ Long Bắc).

– Dân số: Năm 2005 ước khoảng 136.244 người, mật độ dân số 428 người/km2, tỷ lệ sinh 1,64%, tỷ lệ tăng tự nhiên 1,4%; tỷ lệ phân bố dân cư theo khu vực thành thị 13.946 người, đạt 10,23%, nông thôn 122.361 người, đạt 89,77%.

– Nguồn lao động: số người hoạt động trong nền kinh tế quốc dân là 79.405 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 75.774, chiếm 55,62% số dân, trong đó có việc làm 72.885 người, tỷ lệ thất ngiệp tương đối thấp, còn khoảng 3,83%; tỷ lệ lao động tại khu vực thành thị là 62,8%, nông thôn là 85,5%.

– Dự báo nguồn nhân lực: Dân số trong thời gian tới được xây dựng trong điều kiện kinh tế – xã hội tăng trưởng đều; tỷ lệ tăng trưởng dân số bình quân giai đoạn từ 2006 – 2010 là 1,3%, giai đoạn 2011 – 2015 là 1,1%, giai đọan 2016 – 2020 là 1,0%. Tương ứng dân số năm 2010 là 145.332 người, năm 2015 là 153.500 người, năm 2020 là 163.000 người.

Cơ sở tôn giáo

Huyện có 23 chùa Khmer, trong đó có 2 chùa đặc trưng là chùa Cossom, ở xã Hoà Thuận và Chùa Ô Răng ở xã Long Sơn; đồng thời có chùa Dơi – Chùa Liên Giác (Chùa phật) ở xã Mỹ Long Bắc, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tài nguyên du lịch

Trong tháng 5 năm 2008, huyện tiến hành điều tra tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ cho công tác phân loại tài nguyên du lịch, quảng bá du lịch và quy hoạch du lịch, trong đợt I tiến hành điều tra 14 tài nguyên du lịch bao gồm:

– Chùa Giác Linh, ấp Nhứt A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang.
– Chùa Phước Mỹ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang.
– Miếu Bà Chúa Xứ, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang.
– HTX sản xuất Tôm khô Vinh Kim, ấp Chà Và, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang.
– Làng nghề Cốm Dẹp, ấp Ba So, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang.
– Lễ hội SanDolta- CholchămThmây, xã Thuận Hoà, Nhị Trường, Thạnh Hoà Sơn, Trường Thọ, Hiệp Hoà.
– Hàng Dương, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang.
– Cồn Bần, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang.
– Lễ hội Nghing Ông, tại Miếu Bà Chúa Xứ, thị trấn Mỹ Long.
– Bào Dài, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang.
– Cồn Nghêu, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang.

Làng nghề 
Bánh tét Trà Cuôn tự tin đi xa

Nhiều chủ lò bánh tét ở Trà Cuôn nhìn nhận người có công khởi nghiệp làng nghề bánh tét Trà Cuôn là bà Thạch Thị Lý, người dân tộc Khmer ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Năm nay, bà Lý đã ngoài 70 tuổi và có trên 37 năm làm nghề gói bánh tét. Nhờ nghề này bà đã nuôi dạy được 12 người con khôn lớn.

Làng nghề bánh tét Trà Cuôn (chợ Trà Cuôn, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang) nằm trên tuyến Quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 12 km, từ hơn một tháng nay sôi động hẳn lên. Chị Mai Thị Hoàng Lý, Chủ cơ sở làm bánh tét có qui mô lớn nhất làng nghề, cho biết: “Càng cận Tết, bánh tét càng đắt hàng.

Mỗi ngày, cơ sở của tôi cho ra lò khoảng 1.000 đòn bánh. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008, tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các công ty, doanh nghiệp, chợ đầu mối ở ĐBSCL, TP HCM và cả các kiều bào từ nước ngoài về quê ăn Tết”. Bánh tét Trà Cuôn có 3 loại, loại nhỏ có trọng lượng 900 gr, giá 10.000 đồng/đòn, loại trung 1,2 kg giá 15.000 đồng/đòn và loại lớn 1,5 kg giá 18.000 đồng/đòn.

Nhiều chủ lò bánh tét cho biết, trước đây bánh tét Trà Cuôn được làm từ loại nếp sáp địa phương. Hiện nay, nhu cầu ngày càng tăng cao, nguồn nếp địa phương không đủ cung cấp nên các lò bánh phải nhập nếp sáp của Thái Lan để làm bánh. Năm nay, giá các loại nguyên vật liệu làm bánh (nếp, đường, đậu, thịt heo…) đều tăng từ 1,5-2 lần so với năm trước, lợi nhuận của các lò bánh bị sụt giảm. Nhưng nhờ lượng bánh tiêu thụ tăng nhiều so với năm rồi nên cũng bù đắp được phần nào.

Theo chị Mai Thị Hoàng Lý, để làm được đòn bánh tét ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu đầu đem nếp đi vo (khoảng 6-7 nước), để cho ráo nước, sau đó trộn đều với nước lá rau ngót (loại rau ngót dùng nấu canh) để tạo màu tươi và có mùi thơm. Thịt nạc, mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh là những nguyên liệu chính làm nhưn bánh tét. Nếp dẻo, thơm, ngon, gia vị độc đáo, người gói khéo tay và có “bí quyết” đã làm nên nét đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn.

Bánh tét Trà Cuôn ngoài hương vị độc đáo còn có thể bảo quản được lâu (7-8 ngày). Nhiều kiều bào về quê ăn Tết còn mang bánh tét Trà Cuôn sang tận trời “Tây” để kiều bào xa quê thưởng thức hương vị độc đáo của quê nhà.

Hiện nay, chợ bánh tét Trà Cuôn có trên 12 sạp bán lẻ, tiêu thụ từ 1.000 – 1.500 đòn bánh/ngày. Khách hàng chủ yếu là người dân thị xã Trà Vinh, khách du lịch từ TP HCM và các tỉnh ĐBSCL. “Bánh tét Trà Cuôn giờ đã có uy tín, mỗi ngày có hàng ngàn đòn bánh tét tới tay người tiêu dùng. Xây dựng một thương hiệu cho bánh tét Trà Cuôn là việc cần làm. Chúng tôi đang xúc tiến thủ tục xây dựng thương hiệu cho làng nghề, để đưa sản phẩm đi xa hơn nữa”. Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, lạc quan nói.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây