Giới thiệu khái quát huyện Yên Châu

huyện Yên Châu - Tỉnh Sơn La

Giới thiệu khái quát huyện Yên Châu

Yên Châu là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, nằm trên trục Quốc lộ 6, cách Hà nội 240 km theo hướng tây bắc, cách thị xã Sơn La 64 km về phía đông, là khu vực đệm giữa 2 cao nguyên Nà Sản và Mộc Châu, có toạ độ địa lý: 104010’ – 104040’ kinh độ đông, 2107’ – 21014’ vĩ độ bắc, phía đông giáp huyện Mộc Châu, phía tây giáp huyện Mai Sơn, phía bắc giáp huyện Bắc Yên, phía nam tiếp giáp với nước CHDCND Lào, có 47 km đường biên giới.

2. Địa hình: Yên Châu là một huyện miền núi cao, địa hình chia cắt nhiều và chia thành 2 vùng rõ rệt:

– Vùng lòng chảo Yên Châu và vùng cao biên giới. Vùng lòng chảo có 9/15 xã, xen giữa 2 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản nằm ở độ cao trung bình 400 m so với mặt biển.

– Vùng cao biên giới có 6/15 xã, nằm ở độ cao từ 900 – 1000m so với mặt nước biển, các xã cách trung tâm huyện từ  30 -70 km.

3. Khí hậu thời tiết: Huyện thuộc vùng khí hậu nhiệt đới chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5- 10, mùa khô hanh từ tháng 11-4 năm sau, mùa khô thường có rét đậm kéo dài nhiệt độ trung bình năm 23 0c, nhiệt độ có ngày cao nhất 40,5 0c, nhiệt độ có ngày thấp nhất 1,7 0c, biên độ chênh lệch ngày đêm khá cao. Độ ẩm trung bình 78,2 %, độ ẩm thấp nhất 38,7 %.

4. Về gió: Chịu ảnh hưởng của gió bắc và gió đông bắc song không nhiều, gió thổi từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Vùng quốc lộ 6 bị ảnh hưởng của gió tây (gió Lào) khô và nóng, gió thường thổi từ tháng 3 đến tháng 5.

5Tài nguyên đất: Gồm nhiều loại đất Ferlit phát triển trên các loại đá nên phụ thuộc nhiều vào tính chất của đá mẹ, do nguồn gốc hình thành chia ra làm 3 loại chính: Đất núi, đất nhiệt đới ẩm, đất ruộng.

6. Tài nguyên nước:

– Vùng quốc lộ 6 có 2 hệ thống suối chính: Hệ thống suối Sặp và hệ thống suối Vạt. Hệ thống suối Sặp bắt nguồn chảy từ Mộc Châu và các nhánh khác nhập về như: Huổi Tô Buông, Huổi Nà Ngà, Suối Phà… và hợp với suốt Vạt ở xã Sặp Vạt. trữ lượng nước nhiều nhưng giá trị sử dựng của suối này còn thấp, chưa đựơc khai thác tốt chủ yếu là phục vụ cho sinh hoạt. Hệ thống suối Vạt bắt nguồn từ dãy Khau cạn thuộc xã Chiềng Đông và các nhóm suối khác như: Huổi Hịt, Huổi Lưu, Huổi Tủm… nhập vào chữ lượng nước không nhiều nhưng nó là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của vùng.

– Vùng cao biên giới có hệ thống suối Nậm Pàn chảy theo hướng Tây bắc đổ ra sông Đà (huyện Mai Sơn), suối này chỉ phục vụ một phần ít cho xã Chiềng On, Yên Sơn, Phiêng Khoài và tập trung chủ yếu cho công trình thủy lợi Chờ Lồng.

Lịch sử hình thành và phát triển huyện Yên Châu

Yên Châu là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Sơn La, là vùng đất có truyền thống lâu đời gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua các thời kì lịch sử, nhân dân các dân tộc Yên Châu luôn có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, giàu tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, từ khi có ánh sáng cách mạng của Đảng, nhân dân các dân tộc Yên Châu đã một lòng, một dạ theo Đảng Cộng sản Việt Nam, theo cách mạng, lập được nhiều thành tích rất đáng tự hào.

Như các địa phương khác trong tỉnh Sơn La, Yên Châu ngày nay đã trải qua nhiều lần thay đổi địa giới và tên gọi. Qua các di chỉ khảo cổ ở bản Phố, Thẳm Puốc (Tạ Khoa), Cum Đồn, Hang Chướng, Hang Tống, Thọc Kim (Chiềng Sại – Bắc Yên ngày nay) với các hiện vật có trước văn hoá Hoà Bình cho thấy, Yên Châu là một vùng đất có người cư trú từ lâu đời. Vào những năm thuộc thiên niên kỉ thứ nhất, ở vùng Tây Bắc đã có người Thái đến cư trú. Là mảnh đất nằm giữa những mường lớn của người Thái như Mường Sang (Mộc Châu), Mường Mụa (Mai Sơn), Yên Châu cũng nằm trong phạm vi cư trú đó[1].

Vùng đất này vốn có lịch sử và tên gọi riêng của mình. Người Thái Mường Vạt ở Tây Bắc quen gọi vùng đất này là Mường Vạt. Ý nghĩa và lịch sử của tên gọi này có nhiều cách chú giải khác nhau. Có ý kiến cho rằng: Mường Vạt là mường nhỏ như vạt áo; ý kiến khác lại giải thích: Tên gọi này xuất phát từ truyện cổ tích nàng “Phồm Hom” (nàng tóc thơm)[2] hay Mường Vạt, tức là mường có người đàn ông mặc áo xẻ nách, có miếng vải viền bên trong gọi là Vạt theo tiếng Thái nên gọi là Mường Vạt (vạt áo)[3].

Vào thế kỉ XIII, tương đương với thời kì người Thái di cư từ nước Lào sang địa bàn Mường Sang (Mộc Châu), Yên Châu có tên gọi là Mường Vạt. Khi ấy, trung tâm Mường Vạt đóng ở Chiềng Khoóng[4], nên Mường Vạt còn có tên gọi là Chiềng Khoóng. Ngoài ra, Mường Vạt còn có cách giải thích nữa: Theo cuốn Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam của Cầm Trọng, người Thái Yên Châu ngày xưa theo Đạo Phật. Phật tiếng Thái gọi là Vạt. Người Thái ở Yên Châu người ta gọi là Thay Vạt[5]. Trung tâm Mường Vạt là bản Mường Vạt nên có thể (người ta) gọi Vạt tức là người từ đất Phật (Vạt) và theo đạo Phật (Mường Vạt là mường của người từ đất Phật sang).

Thời Trần, Yên Châu có tên gọi là Mường Việt[6] (hoặc Mang Việt). Trần Minh Tông sau khi đánh Ngưu Hống đã đóng quân ở đây và gọi là phủ Thái Bình[7]. Đến đầu thời Lê, phủ Thái Bình được đổi tên thành Việt Châu. Họ Hoàng thay nhau cai trị châu mường. Đến đời nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) mới đổi Việt Châu thành Yên Châu.

Yên Châu trước kia nằm trong tổng Lâm Thạch, thuộc phủ Gia Hưng và có ba mường phìa chính là: Mường Vạt, Chiềng Đông và Chiềng Sàng. Mường Vạt là mường phìa trong có lị sở của châu mường đóng ở Viêng Lán, còn các mường khác là mường phìa ngoài.

Tuy có nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử, nhưng tất cả các tên gọi đó đều chỉ Yên Châu – vùng đất có từ lâu đời đã gắn liền và không thể tách rời với dải đất Tây Bắc, một vùng non nước của Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 21-7-1959, Uỷ ban hành chính Khu tự trị Thái-Mèo ban hành Quyết định số 20-QĐ/TC đã chia lại địa dư các xã: Chiềng On, Chiềng Xôm, Chiềng Sại thuộc châu Yên Châu[8].

Yên Châu lúc đó có 13 xã: Chiềng Đông (Chiềng Đông khi đó bao gồm cả Mường Khoa, Tạ Khoa ngày nay), Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng An (Sặp Vạt), Chiềng Hặc, Chiềng Xôm (Mường Lựm), Chiềng Sại, Chiềng Sinh (Phiêng Côn), Tạ Khoa, Chiềng On, Chiềng Chung (Phiêng Khoài) và Chiềng Khoi.

Ngày 16-01-1979, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 18-CP, phân vạch hành chính một số xã của huyện Yên Châu, chia xã Tạ Khoa thuộc Yên Châu thành hai xã: Mường Khoa và Tạ Khoa[9].                                                                       

Ngày 29-2-1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 18-HĐBT về việc thành lập Thị trấn Yên Châu, thuộc huyện Yên Châu[10].

Ngày 16-5-1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/1998/NĐ-CP về việc thành lập một số xã, phường thuộc thị xã Sơn La và các huyện Yên Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, tỉnh Sơn La, trong đó có thành lập xã Yên Sơn[11] thuộc huyện Yên Châu.

Như vậy, đến năm 1998, Yên Châu có 14 xã, 1 thị trấn, đó là các xã: Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt, Chiềng Khoi, Chiềng Hặc, Mường Lựm, Tú Nang, Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Phiêng Khoài, Chiềng On, Yên Sơn và Thị trấn Yên Châu, với tổng số 184 bản, 6 tiểu khu. Trong đó, các xã: Chiềng On, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Chiềng Tương là xã vùng cao, biên giới; xã Mường Lựm là xã vùng cao nội địa. Thị trấn Yên Châu và các xã còn lại là vùng thấp.

Là một huyện nông nghiệp miền núi, xác định nông nghiệp là thế mạnh, trong thời gian qua Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Thực hiện Thông báo số 121-TB/TU ngày 30.11.2015 của Tỉnh ủy Sơn La về kết luận của Ban Thường vụ tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020, Ban Thường vụ huyện ủy đã lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo rà soát diện tích đất trồng cây hàng năm trên đất dốc có nhu cầu chuyển sang trồng cây ăn quả giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn toàn huyện, đã trồng được 811 ha cây ăn quả, chủ yếu là cây ăn quả có thế mạnh của huyện ( gồm Xoài, Chuối, Nhãn, Mận hậu); tích cực áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ghép các giống cây ăn quả có năng xuất cao, chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng đến nay toàn huyện đã ghép được 963 ha gồm: xoài Thái và xoài Đài Loan, Nhãn chín muộn, bước đầu cho thu nhập cao. Kết quả, toàn huyện hiện có 2.563 ha, (trong đó, xoài 595 ha, nhãn 743 ha, chuối 410 ha, mận 640 ha, cây ăn quả khác 175 ha), đã có 1.940 ha cho sản phẩm với tổng sản lượng 11.926 tấn, giá trị thu hoạch mỗi hộ từ 100 triệu đến hơn 01 tỷ đồng/năm và được tập trung tại một số xã: Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài.  Liên kết với viện nghiên cứu rau quả Hà Nội tổ chức triển khai xây dựng mô hình cây ăn quả, rau, hoa, bảo quản chế biến; Tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý, thương hiệu xoài tròn Yên Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XX về xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội huyện đăng ký giúp đỡ xã Chiềng Pằn trong việc thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới; xây dựng kế hoạch công nhận xã Chiềng Pằn đạt chuẩn về nông thôn mới năm 2016. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các tuyến đường giao thông theo Nghị quyết số 40/2012/NQ-HĐND, Nghị quyết số 63/2013/NQ-HĐND, Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện xây dựng được 115 công trình đường giao thông đến bản, nội bản, nội đồng với 59,213 km, với tổng mức đầu tư 72,096 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 21,188 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 50,908 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Bước đầu thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các cấp học tiếp tục phát triển nhanh về quy mô trường, lớp; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giữ vững phổ cập trung học cơ sở và thực hiện giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; từ sau Đại hội Đảng bộ huyện đến nay có 05 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia (toàn huyện hiện có 18/63 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia). Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân và xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế được quan tâm (đã xây dựng được xã Chiềng Pằn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, toàn huyện hiện có 02 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế); mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ khám chữa bệnh. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng (tổ chức Hội khỏe Phù Đổng huyện lần thứ XI; thành lập 03 đoàn tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Sơn La đạt giải ba toàn đoàn): chú trọng giữ gìn, xây dựng, phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; tiến hành lập và đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với quần thể hang động Chi Đảy, Nhả Nhung, Ta Búng và danh lam thắng cảnh hồ Chiềng Khoi tạo tiền đề phát triển du lịch.

Đảng bộ huyện Yên Châu luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm chỉ đạo, đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của các tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

Chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, quy trình công tác; các khâu tuyển dụng, đánh giá quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí sử dụng, đề bạt và thực hiện chính sách cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Công tác nắm tình hình và những vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ, nhất là về chính trị hiện nay của cán bộ được quan tâm chỉ đạo, góp phần tăng cường sự đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình về công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.

Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn phấn đấu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, thu ngân sách trên địa bàn vượt chỉ tiêu đề ra; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tiếp tục được đầu tư; chính trị – xã hội ổn định, khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường, quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đối ngoại được nâng cao; các vấn đề xã hội bức xúc được tập trung giải quyết; đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý; các lĩnh vực văn hoá và giáo dục, khoa học và công nghệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái đều có bước tiến bộ; công tác xây dựng Đảng đạt những kết quả tích cực, hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Với sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, các cơ quan chức năng và sự đoàn kết, phấn đấu của nhân dân sẽ là những nhân tố quan trọng để trong thời gian tới huyện Yên Châu sẽ có những bước phát triển ngày càng vững chắc, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

 Ban Tuyên giáo huyện ủy, phòng VHTT

[1]- Tư liệu về Lịch sử xã hội dân tộc Thái, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr 29.

[2]- Theo truyền thuyết nàng tóc thơm: nàng “Phồm Hom” là con út trong một gia đình giàu có, dân bản thường gọi nàng là nàng Lả. Nàng Lả có nhan sắc đẹp mê hồn, đặc biệt là mái tóc dài khắp chín quả núi, lượn khắp chín đèo và thơm ngào ngạt, sắc đẹp của nàng khiến bọn nhà giàu ghen ghét và tranh giành, chiếm đoạt. Thấy vậy, “Then” (ông trời) bèn sai người xuống bắt nàng về trời để giữ yên bản, mường. Một hôm, nàng Lả đang cấy lúa ở khu ruộng bản Nà Và (xã Viêng Lán ngày nay), bỗng có một đám mây sà xuống và cuốn nàng lên trời, nàng xé vội vạt áo ném xuống bản, mường. Vạt áo rơi đúng chỗ ruộng nàng đang cấy. Nhân dân thấy vậy, đóng hai cọc gỗ lim vào đám ruộng để tưởng nhớ nàng. Từ đó, mường này có tên là Mường Vạt (vạt áo).

[3]- Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr 320.

[4]- Chiềng Khoóng: Nay thuộc  tiểu khu 5 thị trấn Yên Châu.

[5] – Thay: theo tiếng Thái, nghĩa là ngườiThay Vạt, nghĩa là người Mường Vạt.

[6]- Đời Trần, Mường Vạt được gọi là Mường Việt, “việt” là phiên âm của “vạt”.

[7]- Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr 603.

[8]- Quyết định số 20-QĐ/TC ngày 21-7-1959 của Uỷ ban hành chính Khu tự trị Thái Mèo chia lại địa dư các xã Chiềng On, Chiềng Xôm và Viêng Lán thuộc huyện Yên Châu, Khu tự trị Thái Mèo như sau: các bản: Co Muông, Co Mị, Trạng, Sáy Liếm, Mõm Bò, Suối Ngang được sáp nhập lại thành một xã và lấy tên là Tà Sại. Các bản: Lựm, bản Mé, Ôn Ốc, Pha Đét, Cò Bạy làm một xã vẫn lấy tên là xã Chiềng Xôm. Các bản: Con Khằm, Tà Ẻn, Sa Lép, Lao Khô, Lao Bô, Pa Phiêng của xã Chiềng On và bản Keo Muông, Phiêng Khoài, Cồn Huốt, Na Nhươi và Phiêng Phát của xã Viêng Lán làm một và lấy tên là xã Chiềng Chung.

– Các bản: Chờ Lồng trong, Chờ Lồng ngoài, bản Ái, Pa Khôm, Ten Luông, Co Chịa, Trạm Hốc, Long Phách, Nà Đít, Nà Dạ, Co Tôm, A La, Co Long, Co Muông, Keo Mon, Keo Đồn và Suối Cút làm một xã, vẫn lấy tên là xã Chiềng On.     

[9]– Xã Mường Khoa gồm các bản: Chẹn, Mường Khoa, Kép Bồ, Sông Pét, Pa Vé, Môn Khọc, Cáy Khe, Nóng Ỏ A, Phố, Phúc Pót, Huổi Thôn và Huổi Hế. Xã Tạ Khoa gồm các bản: Tà Đò, Hua Nhàn, Tân Tiến, Nhàn Nọc, Nóng Ỏ B, Sặp Việt và Khúm Khia.

[10]- Thị trấn Yên Châu được thành lập trên cơ sở: tách Hợp tác xã 1-5, HTX 2-9, HTX Yên Phong và khu dân cư trên địa bàn huyện lỵ Yên Châu (thuộc xã Viêng Lán), với diện tích tự nhiên 126 ha và 2.316 nhân khẩu.

[11]- Thành lập xã Yên Sơn trực thuộc huyện Yên Châu, trên cơ sở 4.596,2 ha diện tích tự nhiên và 3.308 nhân khẩu của xã Chiềng On.

Điểm thăm quan du lịch trên địa bàn huyện Yên Châu

I. Tổng hợp chung:

Tổng số toàn huyện có: 05 di tích lịch sử và 04 danh lam thắng cảnh. 

Trong đó:

– Cấp quốc gia: 01 di tích (Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam – Lào), 01 danh lam (danh lam thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi).

– Cấp tỉnh: 04 di tích lịch sử (di tích lịch sử Cầu Tà Vài, di tích lịch sử Tượng đài chiến thắng Chiềng Đông, di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu, di tích lịch sử Cầu Sắt Yên Châu) và 03 danh lam thắng cảnh (danh lam thắng cảnh Hang Chi Đảy, danh lam thắng cảnh Hang Nhả Nhung, danh lam thắng cảnh Hang Ta Búng).

I. Tên gọi; địa điểm; ngày, nơi Quyết định công nhận:

1- Danh lam thắng cảnh Hồ Chiềng Khoi (Bản Pút, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). (Quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia số 53/2001/QĐ-BVHTT, ngày 28/12/2001 của Bộ trưởng Bộ VHTT)

2- Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam – Lào (Xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). (Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia số 1240/QĐ-BVHTTDL, ngày 03/4/2012 của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL)

3- Di tích lịch sử Cầu Tà Vài: (Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, số 174/2004/QĐ-UB, ngày 13/12/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La)

4- Di tích lịch sử Tượng đài chiến thắng Chiềng Đông (Bản Luông Mé, xã Chiềng Đông). (Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, số 174/2004/QĐ-UB, ngày 13/12/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La)

5- Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu (Tiểu khu 5 thị trấn Yên Châu, huyện Châu, tỉnh Sơn La). (Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh số 174/2004/QĐ-UB, ngày 13/12/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La)

6- Di tích lịch sử Cầu sắt Yên Châu (Bản Hin Nam, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). (Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, số 1214/QĐ-UB, ngày 28/4/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La)

7- Danh lam thắng cảnh Hang Chi Đảy (Bản Đán, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). (Quyết định xếp hạng Danh lam cấp tỉnh số 2234/QĐ-UBND, ngày 15/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La)

8- Danh lam thắng cảnh Hang Nhả Nhung (Bản Trạm Hốc, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). (Quyết định xếp hạng Danh lam cấp tỉnh số 2636/QĐ-UBND, ngày 11/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La).

9- Danh lam thắng cảnh Hang Ta Búng (Bản Trạm Hốc, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). (Quyết định xếp hạng Danh lam cấp tỉnh số 2636/QĐ-UBND, ngày 11/11/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La).

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây