Giới thiệu khái quát huyện Bắc Yên

huyện Bắc Yên - Tỉnh Sóc Trăng

Giới thiệu khái quát huyện Bắc Yên

Huyện Bắc Yên thuộc tỉnh Sơn La gồm thị trấn Bắc Yên và 15 xã: Phiêng Ban, Hồng Ngài, Song Pe, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Hua Nhàn, Tạ Khoa, Mường Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà, Tà Xùa, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú.

1. Tự nhiên

Bắc Yên là huyện vùng cao, ở phía đông bắc của tỉnh Sơn La, độ cao trung bình từ 1.000 m -1400m so với mặt nước biển. Tọa độ địa lý điểm trung tâm từ 21013 23” độ vĩ bắc đến 10402209” độ kinh đông. Phía đông giáp huyện Phù Yên; phía tây giáp huyện Mường La và huyện Mai Sơn. Phía nam huyện Mộc Châu và huyện Yên Châu. Phía bắc giáp huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Từ thành phố Sơn La theo quốc lộ số 6 (theo hướng Sơn La – Hà Nội) đến ngã ba tượng đài thanh niên xung phong rẽ trái theo quốc lộ 37 đến trung tâm huyện Bắc Yên có chiều dài khoảng 100 km. Từ thành phố Hà Nội theo quốc lộ 32 qua Sơn Tây, cầu Trung Hà đến ngã tư Thanh Sơn theo quốc lộ 32 đến ngã ba Mường Cơi rẽ trái theo quốc lộ 37 qua thị trấn Phù Yên đến ngã ba Gia Phù rẽ phải theo quốc lộ đến thị trấn Bắc Yên dài khoảng 200 km. Quốc lộ 37 kết nối Bắc Yên với 2 huyện Mai Sơn và Phù Yên.

Tổng diện tích tự nhiên 109.863,74 ha, đất nông nghiệp 68.027,76 ha, chiếm 61,9% tổng diện tích tự nhiên, (trong đó đất lâm nghiệp 42.194,2 ha, chiếm 38,4% diện tích đất nông nghiệp). Đất phi nông nghiệp 4.929,22 ha chiếm 4,48% tổng diện tích tự nhiên, (trong đó: đất chuyên dùng 3.921,57 ha, chiếm 79,55%; Đất ở 448,87 ha, chiếm 9,1% đất phi nông nghiệp). Diện tích núi đá, đồi trọc, đất chưa sử dụng 36.906,76 ha, chiếm 33,62% tổng diện tích tự nhiên[1].

Theo bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Sơn La huyện Bắc Yên có một số loại đất chính sau: đất phù sa ngòi suối (Py) diện tích khoảng 220 ha, chiếm tỷ lệ 0,2% diện tích tự nhiên, nằm ở địa hình thấp dọc theo ven sông, suối. Hàm lượng dinh dưỡng đất ở mức trung bình, thích hợp cho trồng lúa nước và một số loại hoa màu (ngô, đậu đỗ…). Đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất Fs diện tích khoảng 32.980 ha, chiếm 29,8%, phân bố chủ yếu trên địa hình đồi núi cao. Độ dốc phổ biến từ 20-30%, tầng đất dầy từ 50-100 cm. Hàm lượng dinh dưỡng ở mức trung bình đến khá, thích hợp với các loại cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao như chè, cây ăn quả… Đất vàng nhạt trên đá cát (Fq) diện tích 31.890 ha, chiếm khoảng 29%, phân bố trên địa hình đồi núi cao từ 600 – 1000 m. Độ dốc thường trên 250. Tầng đất mỏng, phổ biến từ 30- 50 cm, hàm lượng dinh dưỡng nghèo. Đất vàng đỏ trên đá mác ma axít (Fa) diện tích 16.600 ha, chiếm khoảng 15%. Phân bố trên địa hình núi cao từ 400-600 m. Độ dốc phổ biến từ 20-250, đất có hàm lượng dinh dưỡng nghèo. Tầng dầy thường từ 30-70 cm, thích hợp với cây công nghiệp ngắn ngày như đậu đỗ, sắn… Đất mùn vàng nhạt trên đá phiến sét (Hs), diện tích khoảng 11.300 ha, chiếm 10%. Phân bố trên khu vực núi cao trên 1000 m. Loại đất này chỉ có ý nghĩa về lâm sinh. Đất mùn vàng nhạt trên đá cát (Hq) diện tích khoảng 7.700 ha, chiếm 7%. Phân bố trên khu vực núi cao trên 1000 m. Loại đất này chủ yếu để khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Ngoài ra còn một số loại đất có diện tích 10.041 ha, chiếm tỷ lệ 9% so với diện tích tự nhiên như đất dốc tụ (D), đất nâu đỏ trên đá vôi (Fv). Nhiệt độ trung bình hàng năm 18,5oC – 200C. Thường lạnh nhiều vào các tháng 10, 11, 12, đến tháng 1, 2 năm sau. Thường nắng nhiều vào các tháng 4, 5, 6, 7. Thường mưa nhiều vào các tháng 6, 7, 8, 9. Lượng mưa trung bình hàng năm 1160-1600mm. Nóng ẩm mưa nhiều từ tháng 8. Huyện Bắc Yên chia thành 3 vùng: vùng cao gồm 6 xã: Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng, Hua Nhàn, độ cao trung bình 1.300m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ, mùa đông lạnh (từ 5-100C) quanh năm có sương mù. Vùng giữa gồm 4 xã Phiêng Ban, Mường Khoa, Hồng Ngài, Song Pe và thị trấn, là vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và thường có sương muối, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm có gió Lào. Vùng còn lại là các xã vùng lòng hồ sông Đà gồm: Chiềng Sại, Phiêng Côn, Tạ Khoa, Chim Vàn, Pắc Ngà, Song Pe.

Huyện Bắc Yên có 9 con suối, có chiều dài từ 10km trở lên với tổng chiều dài trên 130km. Suối Lừm khoảng 25 km bắt nguồn từ suối Chế Đồng, hợp lưu từ suối Nậm Lộng và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, phục vụ nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Hang Chú, Pắc Ngà. Suối Chim dài khoảng 30 km bắt nguồn từ suối Phình Hồ, hợp lưu từ suối Háng Năng, suối Pa Cư Sáng và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Hang Chú, Xím Vàng, Chim Vàn. Suối Vàn dài khoảng 23 km bắt nguồn từ suối Sồng Chống, hợp lưu của suối Xím Vàng và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Xím Vàng, Chim Vàn. Suối Pe dài khoảng 18 km bắt nguồn từ suối Cao, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Phiêng Ban, Song Pe. Suối Sập dài khoảng 28 km bắt nguồn từ suối Làng Sáng, hợp lưu từ suối Bẹ và các con suối nhỏ chảy ra sông Đà cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Háng Đồng, Tà Xùa, Phiêng Ban, Hồng Ngài. Suối Sại dài khoảng 10 km bắt nguồn từ suối En, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Phiêng Côn, Chiềng Sại. Suối Sập Việt dài khoảng 45 km bắt nguồn từ huyện Mộc Châu qua Yên Châu, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các xã Phiêng Côn, Tạ Khoa, Hua Nhàn. Suối Nhạn dài khoảng 18 km bắt nguồn từ bản Hua Nhàn xã Hua Nhàn, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân xã Tạ Khoa. Suối Khoa dài khoảng 20 km bắt nguồn từ suối Chẹn, hợp lưu từ các con suối nhỏ chảy ra sông Đà, cung cấp nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân xã Hua Nhàn, Mường Khoa.

Huyện Bắc Yên có khoảng 72 km chiều dài hồ sông Đà với 3.115 ha diện tích đất có mặt nước và các hồ thủy điện Suối Sập I, Suối Sập III, Nậm Chim I, Nậm Chim II, Nậm Lừm I… Bắc Yên còn có nhiều suối nước lạnh (khoảng 150C), phù hợp với nghề nuôi cá hồi (hiện đang được nghiên cứu triển khai). Hệ thống thủy lợi của huyện Bắc Yên chủ yếu là các đập, mương phai nước tự chảy từ các suối. Đã được kiên cố hóa, cơ bản bảo đảm ổn định lượng nước tưới tiêu cho trên 1000 ha lúa 1 vụ và trên 260 ha lúa 2 vụ. Các công trình nước sinh hoạt tự chảy được xây dựng thành các bể, ống dẫn nước, các mó nước từ các suối, khe suối nhỏ. Đến nay toàn huyện đã có 126/152 bản có công trình nước sinh hoạt với 85% số hộ được sử dụng.

Hệ thống sông, suối, hồ, đập là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, thủy điện. Nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ tai họa có thể xảy ra, như: Lũ quét, lũ ống năm 2003 làm chết 05 học sinh đi học qua cửa suối Sại. Ngày 25 và 26/9/2008 xảy ra mưa, lũ quét tại các xã của huyện Bắc Yên tổng thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân gần 100 tỷ đồng, làm chết 7 người, 9 người bị thương, 07 nhà lớp học bị sạt lở, vùi lấp, 54 nhà dân bị trôi hoàn toàn, 64 nhà dân bị hư hỏng nặng phải di dời, 279 nhà dân bị hư hỏng. Làm trôi 30 thuyền, hàng chục ô tô, xe máy, máy điện, hàng trăm gia cầm, gia súc bị chết. Đường quốc lộ 37 từ xã Mường Khoa đi huyện Mai Sơn bị sạt lở 25km. Tổng khối lượng sụt lở đất đá nền đường khoảng 600.000 m3. Đường nội huyện thuộc các xã Mường Khoa, Tạ Khoa, Phiêng Côn và Hua Nhàn bị sạt lở, ách tắc do đất đá vùi lấp, cô lập hoàn toàn. Tỉnh lộ 112 bị sạt lở với khối lượng đất đá phải giải toả là 3000 m3. Năm 2009, xảy ra cháy rừng khoảng 100 ha tại khu rừng đặc dụng Tà Xùa. Hạn hán năm 2009 – 2010 làm thiệt hại 70% diện tích hoa màu của nhân dân tại các xã.

Huyện Bắc Yên có địa hình rất phức tạp, bị chia cắt mạnh, dốc đứng, núi cao, khe sâu. Có đỉnh núi cao nhất là Phu Sa Phìn cao 2879m, thấp nhất là vùng hồ sông Đà có độ cao 120 m. Hướng dốc chính theo hướng tây bắc – đông nam và hướng bắc – nam 85% diện tích huyện, có độ dốc trên 25o. Có hang A Phủ tại xã Hồng Ngài; Hang Tấng ở bản Nà Dòn xã Chiềng Sại; Hang bản Phù, hang bản En, hang bản Nhèm xã Phiêng Côn; Hang Mó Tôm, hang Dơi, hang Lạnh ở bản Pe, hang Mong, hang Cỏ Thái ở bản Mong xã Song Pe. Huyện Bắc Yên có nhiều loại khoáng sản, đáng kể nhất là mỏ niken – đồng bản Phúc và bản Khoa xã Mường Khoa (diện tích trên 250 ha) có trữ lượng 984.000 tấn quặng với hàm lượng Niken (Ni) 3,55%, đồng (Cu) 1,3% (theo số liệu khảo sát của Công ty trách nhiệm hữu hạn mỏ niken Bản Phúc) hiện nay đang trong giai đoạn khai thác. Ngoài ra còn có mỏ đồng ở Chiềng Sại (diện tích khoảng 100 ha), trữ lượng khoảng 177 tấn, mỏ chì Pắc Ngà, mỏ cao lanh ở Làng Chếu, mỏ uran, kaolin ở Tà Xùa, mỏ đồng – niken ở bản Đung, bản Giàng xã Hồng Ngài, mỏ sirisít ở Hang Chú. Huyện Bắc Yên có tài nguyên rừng khá phong phú với diện tích rừng nguyên sinh đặc dụng 4.696,7 ha; Diện tích rừng phòng hộ 19.135,7  ha; Diện tích rừng sản xuất 11.851 ha; Độ che phủ của rừng 38,4%; Có những loại thực vật quý hiếm như pơ mu, sa mu, trò, vàng tâm, lát, dổi… Có những loại động vật quý hiếm như: vượn, khỉ,  lợn rừng, hoãng, rắn, trăn.

2. Dân cư                                

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/04/2009, huyện Bắc Yên có  11.256 hộ; dân số các dân tộc như sau:

 Dân số

 

Thành thị Nông thôn Tổng cộng
Nam Nữ Tổng cộng Nam Nữ Tổng cộng
Kinh 1.026 1.089 2.115  542  387  929 3.044
Tày  11  16  27  17  8  25  52
Thái  532  565 1.097 8.213 8.455 16.668 17.765
Mường  259  300  559 4.577 4.701 9.278 9.837
Hoa  0  2  2  2
Nùng   1  2  3  4  4  7
Mông  278  192  470 11.835 11.989 23.824 24.294
Dao  18  22  40  828  811 1.639 1.679
Sán Dìu  0  1  1  1
Thổ  1  1  0  1
Khơ Mú  2  1  3  45  57  102  105
Xinh Mun  0  1  1  1
Hà Nhì  1  1  0  1
La Chí  0  1  1  1
La Ha  0  1  2  3  3
Pà Thẻn  0  2  2  2
Lô Lô  0  1  1  1
Tổng cộng 2.128 2.188 4.316 26.069 26.411 52.480 56.796

Đến tháng 12-2014 toàn huyện có 12.652 hộ với 62.807 nhân khẩu (31.140 nam và 61.667 nữ).

Huyện Bắc Yên có 152 bản và tiểu khu, trong đó có 111 bản đặc biệt khó khăn, là huyện có gần 95% cư dân là các dân tộc thiểu số, có nơi sống tập trung, có nơi đồng bào các dân tộc sống xen kẽ nhau. Nhưng mỗi dân tộc đều giữ được những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng riêng của dân tộc mình. Dân tộc Thái ở Bắc Yên có hai dòng Thái trắng và Thái đen, sống xen kẽ với các dân tộc khác ở vùng thấp, sống dựa vào canh tác lúa nước nên thuần thục về khai hoang ruộng bậc thang, đập phai, khơi mương lấy nước vào ruộng. Người phụ nữ Thái trắng ở thị trấn Bắc Yên có trang phục độc đáo, hấp dẫn. Dân tộc Mường có nhiều lễ hội diễn ra trong năm, họ có nền văn nghệ dân gian khá phong phú, nhiều thể loại như truyện kể, thơ, bài mo, dân ca, hát đối (đang Mường)… Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường được dùng trong các lễ hội. Lễ ca là những áng mo, bài khấu do thầy mo đọc trong đám tang, nổi tiếng nhất là bài Đẻ đất đẻ nước (Té tất Té đác). Người Mường thờ cúng tổ tiên, ông bà. Dân tộc Mông ở Bắc Yên làm nhà trên núi cao, có kinh nghiệm về chăn nuôi, giỏi về kỹ thuật rèn, đúc, mộc như khoan nòng súng, làm súng kíp, đúc lưỡi cày, làm cuốc, rìu, dao… kỹ thuật tôi sắt thép của người Mông khá hoàn hảo, nghề mộc thể hiện kỹ thuật cao như ghép gỗ thành thùng đựng nước, đẽo, gọt gỗ làm bát, thìa rất đẹp. Người phụ nữ Mông trồng lanh, dệt vải, họ có kỹ thuật nhuộm màu tràm, thêu nhiều hoa văn rực rỡ, độc đáo tạo ra những váy, áo rất đẹp. Con trai người Mông phải biết đàn môi, thổi sáo, thổi khèn Mông. Tiếng sáo, tiếng khèn của con trai Mông trong ngày hội tìm bạn tình, thổi trước nhà cô gái gọi đi chơi, chọn làm vợ. Dân tộc Khơ Mú ở Mường Khoa có tục là mỗi dòng họ mang tên một loài thú, chim hay một thứ cây nào đó. Họ coi con thú, cây ấy là tổ tiên ban đầu của mình. Họ kiêng không giết thịt hay ăn loại động thực vật ấy. Mỗi dòng họ có huyền thoại kể về lai lịch của tổ tiên. Người cùng dòng họ coi nhau là anh em ruột thịt. Tuy đời sống còn khó khăn song đời sống người Khơ Mú rất phong phú, các loại nhạc cụ như sáo, bộ gõ bằng tre, nứa, kèn môi, tiêu biểu nhất là các vũ điệu dân gian nổi tiếng như múa tơm, xòe, trăng ba, au eo….

Lịch sử hình thành 

Huyện Bắc Yên được thành lập ngày 20 tháng 10 năm 1964 trên cơ sở tách ra từ huyện Phù Yên, khi đó gồm có 8 xã: Chim Vàn, Hang Chú, Làng Chếu, Pắc Ngà, Phiêng Ban, Song Pe, Tà Xùa, Xím Vàng.

Ngày 27 tháng 12 năm 1975, sau khi giải tán Khu tự trị Tây Bắc, huyện Bắc Yên lại chuyển về tỉnh Sơn La quản lý.

Ngày 16 tháng 1 năm 1979, chia xã Phiêng Ban thành hai xã lấy tên là xã Hồng Ngài và xã Phiêng Ban.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, sáp nhập các xã Tạ Khoa, Chiềng Sại, Mường Khoa và Phiêng Côn của huyện Yên Châu vào huyện Bắc Yên.

Ngày 20 tháng 8 năm 1999, thành lập thị trấn Bắc Yên – thị trấn huyện lỵ huyện Bắc Yên – trên cơ sở 892 ha diện tích tự nhiên và 4.240 nhân khẩu của xã Phiêng Ban.

Ngày 17 tháng 4 năm 2008, thành lập xã Háng Đồng trên cơ sở điều chỉnh 13.108 ha diện tích tự nhiên và 2.017 nhân khẩu của xã Tà Xùa; thành lập xã Hua Nhàn trên cơ sở điều chỉnh 3.536 ha diện tích tự nhiên và 1.798 nhân khẩu của xã Tạ Khoa; 2.321 ha diện tích tự nhiên và 1.259 nhân khẩu của xã Mường Khoa.

Tiềm năng kinh tế 
Là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Sơn La, Bắc Yên hiện có 15/16 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Song, với sự đổi mới toàn diện từ nhận thức, tư duy kinh tế của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cộng với tinh thần đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc, Bắc Yên đang nỗ lực, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông – lâm nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và cải thiện đời sống nhân dân.
Trong những năm gần đây, kế thừa những thành quả của quá trình xây dựng và phát triển, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Bắc Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Bắc Yên có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2011, 2012 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 11,78 triệu đồng. Tăng trưởng ở từng ngành kinh tế đều ở mức cao, theo hướng tiến bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông – lâm nghiệp (Số liệu 6 tháng đầu năm 2013: Tỷ trọng Nông – Lâm nghiệp chiếm 48,2%, tỷ trọng Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng chiếm 24,5%, thương mại – dịch vụ chiếm 27,3%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với nhu cầu thị trường.
Di tích, danh thắng
Hang vợ chồng A phủ

 Gồm có hai hang: Hang thứ nhất (hang khô) nằm dưới chân của ngọn núi U Bò, xung quanh là khu rừng nguyên sinh, khí hậu thoãng đãng, mát mẻ. Trước cửa hang là nương rẫy của bà con nhân dân được bao trùm khắp 4 mùa một màu xanh hoa trái.

Hang khô gồm có 2 cửa nằm ở 2 phía Đông, Tây nối thông với nhau chia hang làm 3 khoang. Tổng chiều dài của hang từ Tây sang Đông khoảng 200m. Cửa phía Tây cao khoảng 3 m, rộng 1,5m, lối vào hang nhỏ hẹp, hạn chế ánh sáng. Càng đi sâu lòng hang càng mở rộng , trần hang cao trung bình từ 20-40m, độ rộng trung bình 15-30m. Nền hang gồ ghề và hơi dốc, có nhiều hòn đá nằm rải rác khắp trên nền hang. Trần hang có nhiều nhũ đá khá đẹp hình các loại muông thú, rừng cây…Trong khoang thứ 2, 3 còn có nhiều ngách hẹp chạy dọc theo vách hang, sâu trung bình 10-15m. Đi hết khoang 3 là đến cửa phía Đông. Cửa hang hình bầu dục cao khoảng 50m-60m, phía đáy rộng khoảng 20m, ở phần giữa cửa hang rộng khoảng 30m. 

Đây là nơi Đại đội quân báo thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã tạm trú hai ngày để tìm cách vượt sông Đà chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc 1952. Theo lời kể của nhân dân địa phương thì hang Thẩm cắn cũng là nơi đóng quân và cất giữ vũ khí của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Ngoài ra hang Thẩm cắn đi vào văn học để lại trong lòng mọi người với tên gọi khác là hang Vợ chồng A Phủ. Theo truyền thuyết sau khi thoát khỏi gia đình Thống lý Pá Tra để đến với khu du kích Phiềng Sa thì Mỵ và Aphủ (hai nhân vật chính trong tác phẩm) đã dừng chân tại đây một thời gian để tránh sự lục soát của bọn Thống lý.

Hang thứ 2 là hang nước cách hang thứ nhất khoảng 20m về phía Nam. Cửa vào hang nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5m. Đường xuống hang dốc, nhiều tảng đá gập ghềnh, rất nguy hiểm. Hang có chiều dài khoảng 300m. Lòng hang tối, có độ rộng khoảng 7m, từ nền hang đến trần hang cao trung bình khoảng 10-12m, có chỗ chỉ cao 4-5m. Nền hang là một dòng suối chảy dọc theo hang từ Tây sang Đông. Đây là nơi Đại đội quân báo đến lấy nước sinh hoạt trong thời gian tạm trú ở hang khô.

Phát hiện khảo cổ

Bãi đá khắc ký tự cổ tại xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Hang Chú là một xã vùng cao của huyện Bắc Yên cách trung tâm huyện lỵ 56 km về phía Đông Bắc.

Địa hình xã Hang Chú nằm trên độ cao khoảng 1.000m so với mặt nước biển; gồm ba dạng chính đó là: Địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn. Độ cao trung bình từ 1.600 – 2.900m so với mực nước biển; địa hình đồi núi trung bình có độ cao từ 1000-1600m; địa hình đồi núi thấp có độ cao từ 430-1000m so với mặt nước biển và có độ dốc từ phía Tây sang phía Đông.

           Thành phần dân tộc nơi đây 100% là đồng bào Mông, nền kinh tế nông nghiệp ruộng khô mang tính chất tự cung, tự cấp. Khí hậu cận ôn đới, quanh năm mây mù bao phủ.

          Khu vực bãi đá có khắc ký tự cổ nằm dưới một thung lũng cách trung tâm xã 3km về phía Tây. Phía Nam và phía Bắc bãi đá là những dẫy núi trùng điệp bao bọc với nhiều hòn đá lớn nhỏ, nằm rải rác từ đỉnh núi xuống chân núi. Phía Đông được trải rộng tạo ra địa hình ở đây là một thung lũng rộng và sâu. Bãi đá khắc ký tự cổ nằm về phía Tây cách trụ sở UBND xã Hang Chú 3km, khu vực này trước kia là khu vực hoang vắng.

           Vị trí những hòn đá có khắc ký tự cổ “mọc” đơn lẻ, không mọc thành cụm hay thành dãy và mọc nổi  lên trên mặt đất. Về địa hình bãi đá có độ dốc tương đối thoai thoải, có dòng suối Hang Chú chảy từ phía Tây sang phía Đông (ở trước mặt của di tích) và là con đường mòn duy nhất tới xã Hang Chú. Trước kia khu vực này có tên địa phương là “há chó” nghĩa là khe hổ. Bởi vì nơi đây thường có Hổ phục để bắt người qua lại.

          Hiện nay nhân dân địa phương đã khai phá khu vực này thành một số ruộng bậc thang.

          Những hòn đá có khắc ký tự cổ là đá tự nhiên nằm trồi hẳn lên trên mặt đất, thuộc loại đá granít. Những vết khắc ký tự cổ sâu từ 1-1,5cm và độ rộng từ 2-3cm, những nét khắc phía trên to và dưới được thu nhỏ dần theo hình chữ “V,”. Những hình khắc chủ yếu là hình tròn xoắn trôn ốc và hình mây, núi cách điệu và những đường chạy song song. Gồm 3 hòn:

          Hòn số 1: Nằm cách hòn số 2 và 3 về phía Tây 30m. Hòn đá có hình dáng con cóc, mặt trên bằng phẳng, được vát xuống 1,70m, chiều dài 3,70m. Trên mặt hòn đá được khắc nhiều ký tự, mật độ dày đặc. Các đường khắc to và sâu từ 1-1,5cm. Những đường khắc cách nhau từ 3-4cm. Đột biến có những hình khắc cách nhau 6cm, vết chạm khắc thô. Những hình khắc chủ yếu hình sông, suối, núi đồi cách điệu. Cạnh những hình khắc này còn điểm xuyến các vòng tròn từng nhóm từ 2-3 nhóm.

          Hòn số 2: Là hòn to nhất (còn gọi là hòn bố), đặt chồng lên hòn số 3 (còn gọi là hòn mẹ), chiều cao từ mặt đất lên đỉnh hòn số “bố” khoảng 4m. Hòn đá có hình dáng con cá mập, đầu quay về hướng Đông. Bề mặt bằng phẳng, có chiều dài khoảng 14m, chiều ngang chỗ rộng nhất 5m, chỗ hẹp nhất khoảng 3,5m. Toàn bộ bề mặt được phủ các ký tự cổ. Phía Đông của bề mặt được khắc chủ yếu hình chữ nhật lồng vào nhau dạng xoắn trôn ốc. Hình chữ nhật ngoài cùng chiều rộng 30cm, chiều dài khoảng 50cm. Hình chữ nhật trong cùng rộng khoảng 5cm, dài khoảng 10cm. Phía Tây của bề mặt các hình khắc chủ yếu là hình tròn xoắn trôn ốc trung bình từ 9-12 vòng, đường kính từ 50-55cm.

          Hòn số 3 (hòn mẹ): Nằm dưới hòn bố, phần chân lộ diện khỏi mặt đất có chiều rộng khoảng 2m, chièu dài 8m. Diện tích phần mặt chườm ra rất ít so với phần còn lại của bề mặt đã bị hòn bố chồng lên. Phần mặt chườm ra (phía Nam của hòn mẹ) có chiều rộng 1,2m, chiều dài 4m, diện tích phần này được khắc chủ yếu hình xoắn ốc từ 9-12vòng, vòng ngoài cùng có đường kính khoảng 40cm, tiếp theo những đường tròn xoắn ốc là các hình dấu hỏi chấm, hình chữ S nằm ngang và hình các dãy núi chạy dài và song song với nhau, những hình khắc tương đối thô và rõ nét. Phần mũi phía Đông của hòn mẹ chườm ra so với hòn bố khoảng 2,3m và bị tách thành hai phần bởi một đường rãnh rộng 4cm. Phần thứ nhất có chiều dài 0,5m, rộng khoảng 2m, phần thứ hai vát nhọn dần vê phía Đông, chỗ rộng nhất khoảng 1,5m, chiều dài khoảng 1,8m. Trên mặt được khắc nhiều khóm hình tròn, mỗi khóm từ 4-6 hình tròn lồng móc vào nhau tạo ra những cụm hoa văn tách biệt. 
    

 

          Hiện nay toàn bộ diện tích quanh bãi đá khắc ký tự cổ là ruộng bậc thang, rừng tái sinh của nhân dân bản Hang Chú

          Đây là di tích đá có khắc ký tự cổ thứ hai được tìm thấy ở tỉnh Sơn La sau di tích có khắc ký tự cổ được phát hiện ở Pá Màng (xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) bên bờ sông Đà.

          Cùng với bãi đá khắc ký tự cổ tại Sa Pa (Lào Cai) và Xím Mần (Hà Giang) thì đây là bãi đá khắc ký tự cổ thứ 3 được phát hiện tại vùng núi cao của các tỉnh vùng núi phía Tây- Bắc Việt nam. Những nét chạm khắc tại bãi đá khắc ký tự cổ Hang Chú có những nét đồng dạng về vết khắc và hình dáng hoa văn như ở bãi đá cổ Sa Pa và ở Xím Mần( Hà Giang)

          Trên bề mặt của những hòn đá có khắc ký tự cổ tại Hang Chú còn giữ nguyên trạng thái phong hoá ban đầu, không có vết gia công nhân tạo hoặc của con người sau này.

          Việc phát hiện bãi đá khắc ký tự cổ tại xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu quá trình lịch sử

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây