Giới thiệu khái quát huyện Yên Định

huyện Yên Định - Tỉnh Thanh Hóa

Giới thiệu khái quát huyện Yên Định

Phần thứ nhất

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên huyện Yên Định

Yên Định là một huyện thuộc vùng đồng bằng bán sơn địa, tiếp giáp với vùng trung du, miền núi của tỉnh, cách thành phố Thanh Hoá 28 km về phía Tây Bắc. Huyện có 27 xã, 2 thị trấn, với diện tích tự nhiên 228km2, dân số 163.151 người; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó đất nông nghiệp 14.414 ha; Qua quá trình lao động sáng tạo không ngừng của nhân dân Yên Định đã xây đắp nên một vùng quê có bề dày lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng, một huyện anh hùng cả trong chiến đấu và lao động sản xuất. Đặc biệt trên chặng đường 10 năm đầu của thế kỷ XXI (2000 – 2010) xây dựng huyện trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Yên Định đã đoàn kết thống nhất, lao động sáng tạo, cần kiệm để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Trong quá trình xây dựng CNXH, Yên Định có nhiều điển hình tiên tiến, trở thành điểm sáng để cả tỉnh, cả nước tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm, như: Yên Trường, Định Công, Quý Lộc, Định Tường… được Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước về thăm, biểu dương, khen ngợi. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đạt đã được, nhân dân và cán bộ huyện Yên Định, xã Định Tường, xã Quý Lộc và 1 cá nhân đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới”.

Phần thứ hai

Tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của huyện

Trong những năm qua, huyện đã tập trung phát triển kinh tế, Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 17,66%, tốc độ tăng trưởng năm 2015 đạt 18,68%; cơ cấu kinh tế được chuyển dịch tích cực và đúng hướng; kết cấu hạ tầng được tăng cường. Bình quân thu nhập đầu người năm 2015 ước đạt 28,198 triệu đồng. Trong các chương trình phát triển kinh tế đã có những chương trình đột phá, đi đầu và tiêu biểu trong phạm cả tỉnh và cả nước, như: Tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất nông nghiệp trình độ cao – đó là sản xuất giống lúa lai F1, ngô lai F1 và các giống thuần; là huyện đi đầu trong thực hiện “đổi điền, dồn thửa lần 2”; thực hiện có hiệu quả chương trình về xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/năm, hộ nông dân có thu nhập 50 triệu đồng/năm và phát triển mô hình kinh tế trang trại; tổ chức tốt phong trào làm đường giao thông nông thôn; triển khai có hiệu quả chương trìng xây dựng vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả…

          Chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, đến tháng 5/2016 có 24/27 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo sự tin tưởng cho nhân dân và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.Với thành quả trên cán bộ và nhân dân huyện Yên Định vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 560/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015 và ngày 20/5/2016, huyện đã tổ chức buổi lễ trang trọng, thành công tốt đẹp và vinh dự được đồng chí Trịnh Đình Dũng –  UV TƯ Đảng – Phó Thủ tướng Chính Phủ về dự, trao quyết định công nhận.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2011-2015. Trong những năm qua huyện đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào huyện như: Công ty may XK Tiên Sơn, Quang Minh; Nhà máy giầy XK ALENA (Đài Loan); Công ty bò sữa Thống Nhất… Do vậy đã góp phần rất lớn vào tăng trưởng giá trị CN- TTCN trên địa bàn huyện thời gian qua.

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá cao, kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, công tác quản lý môi trường được chú trọng hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2015 đạt 1 626 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2015 đạt 24,87 triệu USD, các mặt hàng chủ yếu, như: đá xẻ, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, lợn siêu nạc và lợn sữa v.v…

Song song với phát triển kinh tế, tình hình văn hoá – xã hội huyện Yên Định đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao phát triển sâu rộng. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở đã tập trung vào xây dựng đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh được phát động thường xuyên và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng. Đến nay, có 29/29 xã, thị trấn đã khai trương xây dựng đơn vị văn hoá, 24 xã được công nhận là xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới và 01 thị trấn được công nhận thị trấn văn minh đô thị; 243/243 thôn, khu phố được công nhận đơn vị văn hóa; 85% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Giáo dục – đào tạo phát triển toàn diện ở các ngành học, cấp học, tăng nhanh về số lượng và nâng cao chất lượng; xã hội hoá giáo dục ngày càng phát triển. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT bình quân hàng năm đạt 99,62%. Số học sinh giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước. Số học sinh đậu vào đại học, cao đẳng bình quân mỗi năm có trên 1.100 em, (năm 2014 có 4 thủ khoa đại học). Thi học sinh giỏi các môn văn hoá lớp 9 năm 2014, Yên Định luôn đứng tốp đầu của tỉnh. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý không ngừng được nâng cao về chuyên môn và chính trị. Đến cuối năm 2015 có 70/93 (75%) trường học đạt chuẩn quốc gia. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, 100% trạm y tế xã được kiên cố hóa và đã đạt chuẩn. Đến cuối năm 2015, có 28/29 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 74,1%. Cuộc vận động thực hiện kế hoạch hoá gia đình đạt được hiệu quả cao, đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ còn 5,9%. Công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em cũng được chú trọng, số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn 9,9%.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và đơn vị 2 lần Anh hùng, trong những năm qua, phong trào thi đua bảo vệ Tổ quốc và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong nhân dân, trong lực lượng vũ trang tiếp tục được phát huy và đạt nhiều thành tích. Phong trào “Tuổi trẻ giữ nước” đã trở thành phong trào thi đua lớn thu hút hàng nghìn thanh niên tham gia khám tuyển, trong những năm qua, đã có hàng nghìn thanh niên tòng quân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự phối hợp trong diễn tập quân sự với phòng chống thiên tai, xây dựng khu vực phòng thủ được tổ chức tốt. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh – trật tự luôn được các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng qua tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Do đó chính trị luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhất là an ninh nội bộ, an ninh văn hoá tư tưởng, an ninh nông thôn và an ninh vùng giáp ranh.

Với những thành tựu suất sắc đã đạt được, nhân dân và cán bộ huyện Yên Định đã được tặng nhiều phần thưởng nhiều cao quý như: đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân năm 1999, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2010; Huyện và các ngành được tặng thưởng: 4 Huân chương Lao động, 02 Huân chương độc lập, 9 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 5 Cờ thi đua của UBND tỉnh… Đây là những thành tích đầy tự hào, nối tiếp truyền thống vẻ vang của mảnh đất Yên Định anh hùng và cũng là động lực quan trọng để người dân Yên Định ngày hôm nay nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, góp phần làm rạng danh xứ Thanh trên chặng đường phát triển và hội nhập.

Phần thứ ba

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nhanh và bền vững kinh tế – xã hội – môi trường, từng bước xây dựng đô thị và nông thôn theo hướng văn minh hiện đại đưa huyện trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2016 và hướng đến trở thành trung tâm giao lưu kinh tế – thương mại, văn hóa xã hội, trung tâm đô thị ở Vùng đồng bằng phía Tây của tỉnh vào năm 2020. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tập trung xây dựng phát triển thị trấn Quán Lào lên đô thị loại 4 trong thời gian sớm nhất.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đến năm 2020

2.1. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18,52% trở lên, trong đó: nông nghiệp tăng 6,16%; công nghiệp – TTCN – XDCB tăng 25,71%; dịch vụ tăng 22,80%.

2.2. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 42,560 triệu đồng (năm 2015 ước đạt 24,775 triệu đồng).

2.3. Cơ cấu giá trị sản xuất (giá hiện hành): NN – CN và XDCB – DV: 31,09% – 30,28% – 38,63%

2.4. Tổng sản lượng lương thực đạt 127.420 tấn trở lên, bình quân lương thực đầu người 780 kg/người/năm.

2.5. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đến năm 2020 đạt 50  triệu USD trở lên.

2.6. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm đạt 8.550 tỷ đồng.

2.7. Tỷ lệ đô thị hoá năm 2020 đạt 31,03%.

2.8. Tỷ lệ xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới đến 2020:

+ Tỷ lệ số xã: năm 2015 đạt 77,78% (21/27 xã); năm 2016 đạt 100%.

+ Tỷ lệ số thôn: Năm 2015 đạt 76,52%; Năm 2017 đạt 100%  

2.9. Giá trị sản xuất 1 ha canh tác đến năm 2020 đạt 150 triệu đồng trở lên.

2.10. Thu ngân sách hằng năm tăng 12% trở lên.

2.11. Tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn được cứng hoá đến năm 2020 đạt 100%.

* Về văn hoá –  xã hội

2.12. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm 0,58%.

2.13. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động vào năm 2020 còn 23%.

2.14. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế: 100%.

2.15. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 100%.

2.16. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: dưới 8%.

2.17. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%-3%/năm (tiêu chí giai đoạn 2016 -2020).

2.18. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm 2020 đạt 75%.

2.19. Trong 5 năm giải quyết việc làm mới cho 20.000 người.

2.20. Tỷ lệ nhà kiên cố đến năm 2020 đạt 95%.

2.21. Tỷ lệ “Xã kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ đến năm 2020 đạt 30%.

* Về môi trường

2.22. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 3,5%.

2.23. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đến năm 2020 đạt 96%.

2.24. Tỷ lệ dân số thị trấn được dùng nước sạch đến năm 2020 đạt 100%.

* Về an ninh, trật tự

2.25. Năm 2020 có 95% khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự.

3. Chương trình trọng tâm

3.1. Chương trình trọng tâm và các đột phá

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra 4 chương trình trọng tâm sau:

 Một là: Tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh đô thị hoá.

Hai là: Phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, nhất là doanh nghiệp, doanh nhân liên kết với nông dân để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ba là: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bốn là: Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người lao động.

3.2. Về các đột phá

Một là: Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, phư­ơng pháp công tác, tạo sự chuyển biến về chất lư­ợng, hiệu quả hoạt động của cấp uỷ, chính quyền các cấp.

 Hai là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ Tỉnh.

Ba là: Tăng c­ường tiềm lực con ngư­ời và phư­ơng tiện kỹ thuật; đổi mới cơ chế quản lý để phát triển, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

4. Các giải pháp chủ yếu

– Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất với tốc độ cao và bền vững. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ và hiện đại.

– Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, đường dây tải điện trạm điện trung gian 110KV và nâng cấp lưới điện trung và hạ áp để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

– Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và quản lý tốt các quy hoạch. Ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng giao thông, hạ tầng khu đô thị 10ha Thị trấn Quán Lào, trung tâm thương mại 20 ha Thị trấn Quán Lào; Đô thị mới Định Tân, Kiểu – Yên Trường, Yên Tâm, Quý Lộc; mở rộng Cụm công nghiệp phía Tây Bắc thị Trấn Quán Lào, cụm công nghiệp làng nghề khai thác chế biến đá xẻ Yên Lâm, Đường nối Cầu Hoành đi Định Tường, Định Tăng nối với Quốc lộ 47… với đa hình thức đầu tư.

– Tiếp tục thực hiện xã hội hoá và nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động văn hoá – xã hội; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, đời sống. Quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo và bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn … . Đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng. Nâng cao chất lượng làng, xã văn hoá; 100% xã đạt chuẩn VHNTM, thị trấn chuẩn văn minh đô thị.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội./.

Yên Định xưa và nay: Vùng đất chiều sâu những tầng văn hóa

Có thể nhiều người biết đền Đồng Cổ, biết Triệu Thị Trinh, Đào Cam Mộc, Lê Đình Kiên, nhiều người biết sông Mã, sông Nhà Lê, nhưng không phải ai cũng biết sâu sắc về Yên Định, vùng đất sản sinh ra những di tích, những nhân vật nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử và tinh hoa văn hóa Việt. Ký của Nguyễn Minh Khiêm

Yên Định là huyện thuộc vùng trung du tỉnh Thanh Hóa. Theo Quốc lộ 45, Yên Định cách thành phố Thanh Hóa chừng hai mươi tám ki-lô-mét về phía Tây. Thời xa xưa, Yên Định là vùng đất của bốn con sông. Đó là sông Mã, sông Cầu Chày (tên cổ là sông Chùy), sông Mạn Định và sông Nhà Lê. Mỗi mùa lũ về, sông Mã, sông Cầu Chày vẫn còn tràn trề sức sống mãnh liệt. Nó mang đến nguồn phù sa vô tận cho những cánh đồng, cánh bãi. Nhưng đôi khi nó cũng mang đến nỗi kinh hoàng trong giấc mơ đại hồng thủy thời khai sơn lập địa. Sông Mạn Định là sông tự nhiên và sông Nhà Lê (hay kênh Nhà Lê chỉ còn lại trầm tích lưu miên sử sách. Suốt chiều dài 528km, một lần duy nhất đổi dòng của sông Mã lại nằm trên đất Yên Định, do nhà Trần đào nắn từ Đồng Cổ, Đan Nê đến Kẻ Rọi, Yên Phong đã tạo nên một hồ nước mang tên Cựu Mã Giang dài 5,5km, rộng hơn trăm thước chạy qua bốn xã: Yên Thọ, Yên Trung, Yên Bái, Yên Trường. Nhiều người vẫn gọi Cựu Mã Giang là Tây Hồ của Yên Định. Nhìn rộng ra, Yên Định nằm giữa Đông Sơn, Thành Nhà Hồ và Lam Kinh.

Từ văn hoá, khảo cổ, di tích, truyền thuyết đến chính sử đều khẳng định, Yên Định có nhiều cái tự hào. Nhiều cái khởi nguồn, nhiều cái sớm nhất và nhiều cái nhất. Trải qua bao biến thiên thăng trầm lịch sử, nghìn năm Bắc thuộc, có lúc biến vĩ thay đổi từ chữ cái này thành chữ cái khác: An Định hay Yên Định, nhưng cơ bản, hàng nghìn năm vẫn là Yên Định. Tưởng đơn giản nhưng không phải vùng đất nào cũng có được sự bền vững hành chính, niềm tự hào nguồn cội ấy. Sách Địa chí huyện Yên Định ghi rõ “Cương vực huyện Yên Định ngày nay bao gồm đất đai của huyện Quan Yên (thời thuộc Tuỳ), Quân Ninh (thời thuộc Đường), thuộc quận Cửu chân. Trong suốt thời Hán đến Tam Quốc-Lưỡng Tấn, quận trị Cửu Chân đặt tại thành Tư Phố (làng Giàng, Thiệu Dương, Thiệu Hóa)” ( tr171). Một tài liệu khác ghi chép: “Gần hai nghìn năm trước, đây là vùng đất tạo nên các huyện Từ Phố, Võ Biên thuộc quận Cửu chân. Sau đó đổi thành các huyện Quân An, Ninh Duy. Thời thuộc Đường, hợp lại thành huyện Quân Ninh. Đến đời Đại Việt tự chủ, huyện được gọi là An Định rồi Yên Định”. Thời Đinh-Lê, nước Đại Việt, Yên Định vẫn giữ được tên An Định, rồi Yên Định. Thời Lý-Trần, Thanh Hóa có lúc đổi thành Thanh Hoa, thành Phủ, thành Trấn… nhưng Yên Định vẫn là huyện Yên Định. Năm 1242, thời Trần Thái Tông, Đại Việt có 12 bộ. Thanh Hóa đổi thành trấn Thanh Đô có 7 huyện, gồm: Cổ Đằng, Cổ Hoằng, Đông Sơn, Cổ Lôi, Vĩnh Ninh, Lương Giang và Yên Định. Năm 1403, triều Hồ, (Hồ Hán Thương là vua, Hồ Quý Ly là Thái Thượng Hoàng) đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiệu Xương, có 4 châu, 11 huyện. Yên Định vẫn giữ được tên Yên Định. Thời nhà Hậu Lê, Thanh Hóa được đổi thành Thừa tuyên Thanh Hóa, có 6 phủ. Yên Định thuộc phủ Thiệu Thiên. Khi nhà Nguyễn lật nhà Tây Sơn cai trị đất nước, năm Gia Long thứ nhất, Thanh Hóa đổi thành trấn Thanh Hóa. Yên Định vẫn là Yên Định. Đó không đơn giản chỉ là một cái tên. Đó là sức sống, sự bền vững, định hình và khu biệt nhiều mặt địa lý, lịch sử, văn hoá, nhân chủng học tạo nên sự trường tồn của một vùng đất.

Yên Định cũng được khẳng định là chiếc nôi của người Việt cổ, là nơi xuất hiện đồng thời nền Văn minh núi Đọ, nền Văn hóa Sơn Vi và nền Văn minh trống đồng Đông Sơn rực rỡ.

Năm 1978, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại núi Nuông, nằm sát bên tả ngạn Cầu Chày, thuộc xã Định Tiến nhiều công cụ đá cùng thời Núi Đọ. Cũng giai đoạn này, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều hiện vật thời đồ đá cũ tại núi Quan Yên thuộc Định Tiến, Định Công. Từ những phát hiện các địa điểm khảo cổ học, các nhà khảo cổ học đã nghĩ tới mối liên hệ mật thiết thời đại đồ đá cũ cách đây ba bốn mươi vạn năm vùng Đọ – Nuông – Quan Yên. Như vậy Yên Định là một trong chiếc nôi đầu tiên của người Việt cổ sinh sống. Sang đến nền văn hoá Sơn Vi, có niên đại cách đây từ một đến hai vạn năm. Trên các gò, đồi thấp thuộc các xã Yên Lâm, Yên Tâm, Yên Lạc, Yên Thịnh, Yên Phú các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một số công cụ đá ghè đẽo thô sơ mang dấu ấn văn hoá Sơn Vi. Về giai đoạn tiền Đông Sơn và văn hoá Đông Sơn, Yên Định có hai di tích tiêu biểu là khe Tiên Nông, nằm trong núi Nuông và di tích Đan Nê (thuộc xã Yên Thọ). Các di vật được phát hiện ở đây chủ yếu là trống đồng, nồi đồng, vòng tai, khuyên tai. Tiêu biểu như trống đồng Định Công I, trống đồng Định Công II, trống đồng Định Công III, trống đồng Định Công IV. Trống đồng Định Công V, có đường kính lớn 61,5cm, hoa văn ba tầng, rất đẹp. Rồi trống đồng Đan Nê (Yên Thọ). Còn nhiều nơi nữa trên đất Yên Định tìm thấy trống đồng, thạp đồng thời văn hoá Đông Sơn. Cực đông huyện Yên Định là ngã ba Bông, nơi sông Mã phân thủy, một nhánh chảy ra Lèn, một nhánh chảy về Hàm Rồng rồi đổ ra cửa Hới, Sầm Sơn. Đoạn sông từ ngã Ba Bông lên đến Đồng Cổ của Yên Định đã xảy ra hàng trăm trận chiến ác liệt thời Lê – Mạc (1532 -1592).

Cực Tây Yên Định là hồ sen Đa Ngọc xã Yên Giang, (nơi được gọi là Cửu long tranh châu. Các thầy địa lý Trung Quốc coi Hồ Sen Yên Giang là huyệt đất phát đế vương). Yên Giang còn có Mã Cao là căn cứ của Hà Văn Mao, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn) do Đinh Công Tráng (1842-1887) chỉ huy. Yên Giang còn được truyền tụng nhau sự kỳ bí về hố Sao Xỉa. Giữa một vùng đồi, cách không xa sông Hép, có một hồ nước sâu thẳm hàng trăm mét. Các cụ kể rằng, từ xa xưa, có một vì sao rơi xuống đó, tạo nên hồ nước kỳ lạ đó. Tây bắc Yên Định là dãy núi đá vôi trùng điệp Yên Lâm nối với trùng điệp núi non Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Có một hệ thống hang động mang tên Lê Lợi ở nơi này. Truyền thuyết cây đèn Phúc Chí như một minh chứng cho cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi đã gắn chặt với nơi này. Bây giờ, Yên Lâm được ví là bàn tiệc của ngành công nghiệp đá Thanh Hóa. Bao bọc cả miền Tây – Bắc Yên Định là một Nông Trường quân đội, một trăm phần trăm là những người lính miền Nam, vừa giải phóng Điện Biên Phủ 1954, được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập ngày 30 tháng 4 năm 1957, mang tên Nông trường Thống Nhất, Yên Định. Đất nước ta thống nhất đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một sự trùng hợp lạ lùng. Nó như một linh cảm, một tiên tri của Đại tướng.

Hầu như làng nào của Yên Định cũng ghi dấu huyền thoại, truyền thuyết, sự tích, các tầng văn hoá nhiều đời, nhiều dòng họ chồng lớp lên nhau. Anh hùng hào kiệt sinh ra ở đây. Các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử sinh ra ở đây. Các công thần của các triều đại lẫy lừng sinh ra ở đây. Các đền chùa miếu mạo linh thiêng, cổ xưa nhất Việt Nam sinh ra ở đây. Nếu ví Yên Định là một cây cổ thụ thì nhìn vào vân gỗ của cây cổ thụ ấy có thể soi thấu suốt chiều dài lịch sử văn hoá của dân tộc Việt.

Trước hết, nói về các ngôi đền cổ. Ở nước ta có nhiều đền chùa cổ. Đền thờ Ma Xuân Trường ở thành phố Việt Trì Phú Thọ, xây dựng năm 930, nay được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, tính tuổi mới hơn một nghìn năm. Đền Bạch Mã ở Thăng Long, được vua Lý Thái Tổ cho xây năm 1010 thờ thần Long Đỗ. Đến nay, tuổi cũng mới hơn một nghìn năm. Nếu tính cả hệ thống Tháp Chàm Nha Trang, Ninh Thuận, Phú Yên, thánh địa Mỹ Sơn, tháp được xây sớm nhất cũng bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy. Nhưng ở Yên Định có hai ngôi đền tuổi cao gần hai nghìn năm. Theo Linh tích núi Thiên Thai và Lịch sử Đảng bộ xã Yên Thọ năm 1930 – 2010: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương thứ nhất, năm 938 TCN”. Tương truyền, đời vua Hùng Vương thứ nhất (938 TCN), khi nhà vua đi chinh phạt quân giặc Hồ Tôn ở phương Nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao Thôn. Đêm đến, nhà vua chiêm bao thấy có một thần tự xưng là thần miền Khả Lao Thôn xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Khi tỉnh giấc, nhà vua sai quân lính mang trống đồng, dùi đồng cho thần núi Khả Lao Thôn. Quả thực, khi xung trận, tiếng trống đồng vang lên văng vẳng trên không trung khiến quân giặc hồn siêu phách lạc. Thắng trận trở về, vua Hùng cho xây dựng lại miếu thờ. Trải qua nhiều đời vua tôn tạo, xây dựng, miếu thờ thần khả Lao thôn được gọi là đền Đồng Cổ – đền thờ thần Trống Đồng. Hiện nay ở nước ta có bốn đền Đồng Cổ: ngoài đền Đồng Cổ Khả Lao thôn (tức Đan Nê), còn có đền Đồng Cổ, Tây Hồ (Hà Nội), đền Đồng Cổ làng Nguyên Xá (Hà Nội) và đền Đồng Cổ, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Có một điều kỳ diệu là, cả ba đền Đồng Cổ kia đều được sinh ra từ đền Đồng Cổ ở Đan Nê.

Một đền rất cổ sơ nữa là Đền thờ thần Hợp Lang, người con thứ mười một của vua Hùng ở Chân Bái (xã Yên Bái). Theo truyền thuyết, đền được xây ngay từ thời thần Hợp Lang còn sống. Chuyện kể rằng, người con thứ 11 của Long Quân, diện mạo khác thường, trí dũng siêu việt, tính thích nước vui chơi nơi sông nước, có tên kiêng huý là Hợp Lang tước, xưng là tướng văn lạc hầu, chia ở phủ Hoài Hoan. Lạc hầu tính bẩm trời sinh, Long Quân có giặc mệnh sai ông nhậm trị ở giang đầu có thể nổi, chìm đùa chơi nơi sông nước hỏi thăm bến bờ, thời gian đó Lạc hầu bỗng theo dòng sông Mã, tìm đến sông ngòi nước biếc đất linh thiêng, một mình hiện hình đi đến đất Trang Chân Bái ở huyện Yên Định, nhiều lần ngóng 4 phương ngắm phía đông trông phía tây, quan sát trời đất, thấy giao tụ nước biếc linh thiêng, trong lành, hình sông thế núi uyển chuyển với giải đất anh linh trọng yếu. Lạc hầu gọi Cụ già Bản Trang cho xây dựng một ngôi Đền thờ ở bên sông. Công việc xong, Lạc hầu biến về thủy cung (tức ngày 4 tháng 4). Mấy trăm năm sau, khi giặc xâm phạm bờ cõi, Hai Bà Trưng đã vào đền Hổ Bái khấn cầu xin phù hộ. Quả nhiên linh nghiệm. Hai bà đánh giặc. Bà cho quân dân mở hội ăn mừng đúng một tháng (từ mùng chín tháng Hai đến mùng chín tháng Ba âm lịch). Từ đó đến nay, cứ vào dịp mùng Chín tháng Hai (âm lịch), xã Yên Bái lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Hai Bà Trưng. Như vậy, ở Yên Định, hiện còn hai ngôi đền có lịch sử hơn hai nghìn năm tuổi. Ngoài ra, Yên Định còn hàng chục ngôi đền khác như đền thờ thần Cao Sơn (thờ Sơn Tinh) ở Yên Thọ, đền thờ Bạch Hổ Thiên Thần ở Yên Phú, Đền thờ Trương Công Mỹ ở làng Kiểu, Yên Trường…

Yên Định cũng là nơi sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc, có nhiều công lao đóng góp to lớn cho lịch sử oai hùng và tinh hoa văn hóa dân tộc. Định Công – Định Tiến đã sinh ra Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh, những anh hùng chống giặc phương Bắc, thế kỷ thứ ba. Bà Triệu Thị Trinh còn có các tên khác như Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương. Các sách Nam Việt chí, Quảng Châu ký (sách của Trung Quốc viết vào thế kỷ IV, V) đã ghi rõ, Triệu Thị Trinh sinh ngày mùng 2 tháng 10 năm 226 tại Quân Ninh (tức huyện Quan Yên). Đến đời Đường được đổi thành huyện Quân An rồi Quân Ninh (Định Công – Định Tiến huyện Yên Định). Định Thành là nơi sinh ra Khương Công Phụ (731- 805). Theo cuốn tộc phả của họ Khương ở Thạch Thất (Hà Nội), Khương Công Phụ có nguyên quán tại hương Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, huyện Quân Ninh, Ái Châu, quận Nhật Nam (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành). Ông được vua Đường Đức Tông (nhà Đường) cho làm đến chức Tể tướng (780). Người được vua Đường đặc biệt yêu quý, trọng dụng. Bài thơ Bạch vân chiếu xuân hải phú của ông được coi là một kiệt tác văn học chữ Hán. Có người trong giới nghiên cứu văn học sử đánh giá là một tác phẩm mở đầu của nền văn học chữ Hán Việt Nam, là bài sớm nhất trong các bài phú hiện còn của nước ta. Đền thờ Khương Công Phụ ở Định Thành được xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia. Xã Định Tiến sinh ra Đào Cam Mộc, công thần số một đời Lý Thái Tổ. Ông có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua năm 1009 và có công soạn Chiếu dời đô cho Lý Công Uẩn. Thời nhà Lý còn có Định Long sinh ra Ngọ Tư Thành, Định Công sinh Lê Quốc Thực. Đời Nhà Hồ, Định Tăng sinh ra Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh. Thời hậu Lê, Định Hòa sinh ra Ngô Kinh (1350-1433), Ngô Từ (1370-1453). Hai cha con nhà ông Ngô Kinh thuộc nhóm công thần số một của Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh (1418-1428). Định Hòa cũng là nơi sinh Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (1421, con gái Ngô Từ). Bà là mẹ của vua Lê Thánh Tông. Đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao và Phúc quang từ đường của họ Ngô ở Định Hòa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Yên Định cũng là nơi sinh các nhân vật nổi tiếng như Trịnh Thiết Trường, tiến sĩ Trần Ân Chiêm, bảng nhãn Hà Tông Huân. Một nhân vật không ai quên được là Đại vương Lê Đình Kiên. Quê ông ở làng Thiết Đinh, Định Tường. Ông đã có công xây dựng phố Hiến, Hải Dương thành thương cảng sầm uất, được ca ngợi “Thứ nhất kinh kỳ. Thứ nhì phố Hiến”. Đền thờ ông ở làng Thiết Đinh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây