Giới thiệu khái quát phường Tứ Hạ

Giới thiệu khái quát phường Tứ Hạ - thị xã Hương Trà - tỉnh Thừa Thiên Huế

I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Tứ Hạ là vùng đất  bán sơn địa của thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có tọa độ 16031’33” độ vĩ Bắc; 107027’52” độ kinh Đông, cách thành phố Huế chừng  16km về phía Bắc.

+Phía Đông Bắc giáp với xã Quãng Phú, huyện Quảng Điền (qua sông Bồ)

+Phía Đông Nam giáp phường Hương Văn, thị xã Hương Trà

+Phía Tây Bắc giáp xã Phong An, huyện Phong Điền (qua cầu An Lỗ)

+Phía Tây Nam giáp với phường Hương Vân, thị xã Hương Trà.

Tổng diện tích tự nhiên của phường 845,4 ha, trong đó:

Đất nông nghiệp: 317,85 ha, chiếm 37,59% tổng diện tích tự nhiên

Đất lâm nghiệp: 80,64 ha, chiếm 9,53% tổng diện tích tự nhiên

Đất phi nông nghiệp: 476,26 ha, chiếm 56,33% tổng diện tích tự nhiên

Tứ Hạ là vùng đất hình thành khá sớm, cách ngày nay hơn 600 năm. Về địa hình, Tứ Hạ thuộc vùng đất bán sơn địa, nếu nhìn theo mặt cắt ngang, địa hình hơi nghiêng về vùng đồng bằng, có chiều dài theo hướng Bắc – Nam khoảng 4,5 km  và chiều rộng theo hướng Đông – Tây chừng 3 km.

Về hệ thống giao thông, Tứ Hạ là địa bàn có trục đường Quốc lộ 1A và đường sắt đi qua, có dòng sông Bồ nằm về phía Đông và phía Bắc ôm lấy Tứ Hạ từ hai phía. Trong những năm trước thế kỷ XX, khi mà hệ thống giao thông chưa phát triển, thì trục đường số 1, đường sắt và sông Bồ là hệ thống giao thông thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân trong Phường và giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các xã, phường trong vùng. Trong những năm gần đây, bằng nguồn ngân sách của nhà nước cấp cùng với sự đóng góp của nhân dân, hệ thống giao thông dần dần được cải thiện, đó là các trục đường nội thị được mở rộng, được nhựa hóa và bê tông hóa, tạo ra các trục ô hình bàn cờ mới để phát triển đô thị

Tứ Hạ nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa của vùng duyên hải Trung Trung Bộ, theo Dương Văn An nhà nghiên cứu nổi tiếng thời phong kiến Việt Nam, thời tiết của thị xã Hương Trà nói chung, Phường Tứ Hạ nói riêng là: “Vào mùa Xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông thường mưa. Về khí hậu, rét ít ấm nhiều, có nhiều bão lớn” . Tứ Hạ là phường có nhiệt độ trung bình hàng năm từ 150C đến 200C vào mùa đông và từ 30 đến 360C vào mùa hè, hàng năm có khoảng 2.100 giờ nắng, lượng mưa vào khoảng 2.000mm, độ ẩm không khí trung bình 84%. Trong năm có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, mùa mưa từ tháng 9 năm trước kéo dài đến tháng ba năm sau, mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8. Mặt khác Tứ Hạ còn hứng chịu nhiều cơn bão, lũ lụt gây nhiều thiệt hại cho nhân dân.

Do đặc thù của tự nhiên nên hệ động, thực vật trên cạn của Tứ Hạ không phong phú, chủ yếu là do con người thuần chủng, lai tạo, nuôi trồng. Bù đắp lại, trước đây nhờ sông Bồ nằm về phía Đông và phía Bắc của phường nên hàng năm thiên nhiên đã mang lại cho nhân dân trong phường lượng thủy sản, cá nước ngọt khá dồi dào, phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

II. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ – XÃ HỘI

Nếu so với các tỉnh Bắc Bộ, thời gian và quá trình ra đời của làng xã người Việt ở vùng đất Bình Trị Thiên muộn hơn, gắn liền với hai sự kiện, vào năm 1306 vua Trần Nhân Tông gã con gái của mình là Huyền Trân cho vua Chămpa là Chế Mân với sính lễ mang màu sắc chính trị là vua Chế Mân nhường hai châu Ô và Lý cho Đại Việt, và sự kiện năm 1558 khi nhà Lê đồng ý cho Thái úy Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (vùng đất Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay). Kể từ hai sự kiện đó, cùng với quá trình di cư là sự ra đời làng xóm mới của người Việt diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

Theo Ô Châu Cận lục của Dương Văn An, làng Khúc Ốc là một trong 59 làng của huyện Đan Điền. Như vậy, ngót 6 thế kỷ người Việt đến khai phá đất đai, lập nên làng xóm đã nếm trãi các vận hạn của cuộc sống, nhưng rồi những vận hạn bị khuất phục bởi những con người kiên cường trên vùng đất đầy nắng gió. Truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó đã hình thành cho con người Tứ Hạ ngày nay một bản lĩnh kiên cường không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ để vượt lên chiến thắng thiên tai, địch họa. Quá trình tồn tại và phát triển là quá trình con người tự chinh phục, đấu tranh , sáng tạo để khẳng định mình. Ý thức tin tưởng vào ngày mai “còn da lông mọc, còn chồi nãy cây” đã trở thành nền tảng cho con người nơi đây vượt lên tất cả để chiến thắng. Đất và người Tứ Hạ ngày nay cứ thế chạm khắc vào lịch sử dân tộc với biết bao biến cố thăng trầm.

Cùng với quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, Phường Tứ Hạ ngày nay đã trãi qua nhiều lần tên gọi và thay đổi địa giới hành chính như sau:

Thời các Chúa Nguyễn, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn vào năm 1776, làng Phú Ốc năm 1553 được đổi thành xã Phú Ốc, thuộc huyện Quảng Điền, Phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

Năm 1802, Vua Gia Long của triều Nguyễn chia vùng đất từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên Huế ngày nay thành 3 doanh, Phú Ốc thuộc doanh Quảng Đức (Thừa Thiên Huế hiện nay).

Năm 1835 dưới thời Minh Mạng thứ 16, ba huyện cũ của Thừa Thiên chia làm 6 huyện, huyện Hương Trà được thành lập, Phú Ốc thuộc tổng Phú Ốc, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tỉnh Thừa Thiên giải thể cấp tổng, thành lập cấp xã là cấp hành chính cơ sở để thống nhất trên toàn quốc, huyện Hương Trà hình thành 10 xã, 89 thôn. Thôn Phú Ốc là một trong 8 thôn của xã Hương Vân.

Sau năm 1954, Chính quyền Sài Gòn luôn luôn thay đổi địa giới hành chính cấp xã. Năm 1955, hai thôn Phú Ốc và Lai Thành lập thành xã Hương Ốc. Năm 1956, lập xã Hương Việt gồm các thôn Phú Ốc, Lai Thành, Văn Xá, Tiến Lộc, Thanh Lương, Xuân Đài Liễu Nam và Liễu Thượng. Năm 1960, lập xã Hương Phú gồm các thôn Phú Ốc, Lai Thành và Văn Xá.

Thôn Phú Ốc có 4 giáp là Nhất, Nhì, Tam, Tứ. Riêng giáp Tứ chia làm hai là Tứ Thượng và Tứ Hạ. Địa danh Tứ Hạ được sử dụng chung cho địa phận hành chính Phú Ốc trước đây.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1977 ba huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà sát nhập thành huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên. Tứ Hạ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng an ninh của huyện Hương Điền. Đến ngày 12/01/1984 Tứ Hạ trở thành thị trấn của huyện Hương Điền.

Năm 1990, sau khi tách Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định số 345 – HĐBT chia huyện Hương Điền thành 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phong Điền. Tứ Hạ trở thành thị trấn của huyện Hương Trà.

Ngày 15/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 99/ QĐ-CP thành lập thị xã  Hương Trà gồm có 7 phường, 9 xã, Tứ Hạ trở thành Phường của thị xã cho đến đầu năm 2015, Phường Tứ Hạ có 11 tổ dân phố, toàn phường có 9.182 hộ thường trú, với 2.325 khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động 7.202 người, chiếm 78,4%, trong các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp, …

Về kinh tế, do đặc điểm về địa hình và thổ nhưỡng, ngay từ khi khai canh lập làng , ông cha chúng ta đã biết dựa vào lợi thế của từng vùng để phát triển kinh tế. Nếu như ở vùng đồng bằng, nhân dân thường trồng cây lúa nước, thì ở vùng trung du, gò đồi lại phát triển cây hoa màu, cây ăn quả, ngoài các loại cây trồng , nhân dân còn phát triển các loại gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho gia đình. Để có được hạt lúa, củ khoai, củ sắn, ông cha chúng ta đã cật lực lao động, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thức khuya dậy sớm, gắn bó với đồng ruộng, chế ngự thiên tai hạn hán, lũ lụt, đào kênh, chống úng, … Vào đầu thế kỷ XX, khi mà nền kinh tế tư bản thâm nhập vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, nghề buôn bán cũng bắt đầu phát triển, nhân dân ta có câu: “Nghênh ngang như Hạ Lang xuống nước, lộc tộc như con gái Phú Ốc đi buôn” .

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của kinh tế thị trường, trên địa bàn Phường Tứ Hạ xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới như xây dựng, cơ khí, nhà nghĩ, nhà hàng, … theo hướng cơ cấu của nền kinh tế địa phương dịch vụ – Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – nông nghiệp.

Về văn hóa, cũng như bao làng quê khác, ở Phường Tứ Hạ quan hệ họ hàng cũng được coi trọng và tồn tại lâu đời, điều đó được thể hiện qua việc xây dựng nhà thờ họ. Ngay từ khi dựng làng, Phú Ốc có 12 họ: Hoàng, Hà, Trịnh, Nguyễn, Trương, Ngô, Hồ, Đổ, Đoạn, Cao, Trần và Lê, đến nay hai họ Đổ và Đoạn không còn dân sinh sống, sau này còn có thêm ba họ Phạm, Võ và Tạ, về họ khai canh, tại đình làng có câu:

“Tộc truyền thập nhị ngó dân thỉ

Miêu xưởng tùng tân Phước Chỉ đường”.

Việc giáo dục con cháu “uống nước nhớ nguồn”, nhất là sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa những người cùng họ hàng. Mặt khác, tuy có lúc va vấp, xung đột, nhưng để tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khá khắc nghiệt, chiến tranh liên miên, các dòng họ ở Tứ Hạ luôn giữ mối đoàn kết trên tinh thần cộng đồng khá bền chặt.

Do sinh sống trên vùng đất mà nguồn lợi từ thiên nhiên không mấy phong phú, điều kiện khí hậu, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, ngay từ buổi đầu khai phá vùng đất mới, với đôi bàn tay khéo léo, cần cù, chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương cha ông chúng ta đã khai phá đất đai, mở rộng diện tích, phát triển kinh tế, hết sức quý trọng tình làng nghĩa xóm, không ích kỷ, hẹp hòi, lúc buồn vui tối lửa tắt đèn có nhau, sẳn sàng nhường cơm xẻ áo giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Những đức tính trên đã góp phần hình thành tính cách kiên cường trong sản xuất và xây dựng cuộc sống, có tâm hồn trong sáng và bình dị, khí khái mà bộc trực, thẳng thắng mà cũng rất mực thủy chung của con người Tứ Hạ.

Về đời sống tâm linh, nhân dân Phường Tứ Hạ xưa nay vẫn có những tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, ông bà, các bậc tiền nhân có công với quê hương đất nước. Hàng Năm, để tưởng nhớ các bậc tiền nhân khai phá ra vùng đất, lập nên làng xóm, cầu mong cho quê hương bình yên và những người đã khuất không nơi nương tựa, nhân dân Tứ Hạ đã tổ chức lễ tế Xuân Thủ (lễ Kỳ an) vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch, lễ Thanh minh vào ngày 27 đến 29/3 dương lịch, lễ Thu tế (lễ kỵ ngài khai canh, khai khẩn) vào ngày 15 và ngày 16 tháng 7 âm lịch, tết nguyên đán, … Trong những ngày lễ của quê hương, đất nước, nhân dân Tứ Hạ còn tổ chức đua ghe, kéo co, bơi lội, … tạo nên nếp sống văn hóa lành mạnh. Về tôn giáo, nhân dân Tứ Hạ chủ yếu theo đạo Phật, hiện nay Đảng bộ và chính quyền địa phương đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con giáo dân trong mọi hoạt động.

Phường Tứ Hạ còn là địa bàn có khá nhiều di tích lịch sử – văn hóa, như Cồn Tháp, Cửa Thiền, lổ vàng, lổ bạc của người Chiêm Thành. Miếu Vua, Cửa Tàu, Cồn Phàn trận dưới thời Nguyễn Huệ – Quang Trung, Chùa Cổ ở Cồn Chùa, Phủ thờ Dẩn Khánh – Chương Trạch, Giếng trấn hỏa, miếu thờ đền Cầu bông, … Mặc dầu các di tích hiện nay không còn, chỉ còn lại phế tích, nhưng đây là niềm tự hào của nhân dân Tứ Hạ trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương đất nước 

Về truyền thống đấu tranh cách mạng, trong suốt hàng trăm năm sống dưới chế độ phong kiến, nhân dân Tứ Hạ phải chịu cảnh đói nghèo và lạc hậu, nhất là tư tưởng nho giáo và các hủ tục nặng nề luôn ràng buộc nhân dân vào các khuôn phép của phong kiến. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Tứ Hạ phải chịu cảnh “một cổ  hai tròng”, nạn sưu cao, thuế nặng, chính sách phu phen tạp dịch của thực dân, phong kiến đã đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bần cùng, không lối thoát, nhiều người dân Tứ Hạ phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn đi làm ăn nơi khác để kiếm kế sinh nhai.

Không cam chịu cuộc sống nô lệ, cùng với nhân dân Hương Trà, nhân dân Tứ Hạ đã vượt qua những khó khăn và thử thách, vượt qua bao nỗi gian truân của đời thường, đoàn kết kiên cường đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân, phong kiến. Đặc biệt, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tinh thần và khí phách quả cảm của nhân dân Tứ Hạ đã trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chống lại sự cai trị hà khắc của chế độ quân chủ phong kiến, cũng như sự đàn áp bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, đưa quê hương đi theo con đường mà Đảng, bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.  

Lê Kim Long

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây