‘Gừng Xứ Nghệ’ – Thông điệp mới của PGS.TS Đỗ Lai Thúy – Tác giả: Lâm Như Quỳnh

‘Gừng Xứ Nghệ’ là đóng góp rất riêng của PGS.TS Đỗ Lai Thúy khi khắc họa 20 học giả – trí thức thông qua việc đưa văn chương vào trong nghiên cứu. Bằng ngòi bút xuất sắc của mình, ông đã thành công khi khắc họa những chân dung cá nhân mà ẩn sâu trong đó chính là chân dung của một vùng văn hóa.

PGS – TS Đỗ Lai Thúy từ lâu đã được biết đến là một nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng. Các sách của ông nhiều cuốn đã trở thành sách công cụ để người viết tra cứu, trích dẫn như: “Từ cái nhìn văn hóa, tập tiểu luận”; “Văn hóa dân tộc, 1999”; “Tri thức, 2018”; “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, chuyên luận, 1999”; “Văn học, 2010”; “Chân trời có người bay, tập chân dung học thuật, 2003, 2005”; “Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa, chuyên luận, 2005”; “Tri thức, 2018”;…

PGS TS Do Lai Thuy min 750x540 - 'Gừng Xứ Nghệ' - Thông điệp mới của PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Tác giả: Lâm Như QuỳnhPGS.TS Đỗ Lai Thúy.

Với “Gừng Xứ Nghệ, 2022”, ngay trang đầu tiên, ông đã đặt ra tiêu chí, khung khổ riêng nhưng cũng rất mở với vùng địa văn hóa – chính trị – xã hội rất thú vị: “Việt Nam có nhiều địa danh nổi tiếng được gọi bằng xứ, như xứ Bắc, xứ Đoài, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng, thậm chí xứ Đồng Nai. Xứ vốn là một đơn vị hành chính, sau trở thành một vùng địa – văn hóa. Đất đai, sông núi, phong tục tập quán, lịch sử, văn hóa của một vùng đất đã tạo ra những anh hùng, nhà thơ, nhà tư tưởng không chỉ của vùng đất ấy”.

Xứ Nghệ (gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) có sông Lam, núi Hồng và biển cả. Đứng ở đồng bằng, chỉ liếc mắt đã thu gọn cả nước non. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất cằn cỗi, khí hậu gió Lào khắc nghiệt. Xứ Nghệ trước đây vốn là vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chăm Pa. Chiến tranh giữa hai nước trước hết xảy ra trên đất này. Nên, nơi đây ngoài chiến địa, cũng là đất lưu đày của những dòng họ phạm tội với triều đình, nhưng cũng là mảnh đất tự do cho tay anh chị, những kẻ hành tung bất hảo trú ngụ. Con người sống trong một môi trường thiên nhiên và xã hội hoang dã và khắc khổ như vậy lâu dần hình thành nên tính cách Nghệ: bền bỉ, kiên cường, bất khuất đến duy ý chí, ham học, thích làm giàu, làm quan, nhưng cũng không kém phần mơ mộng”.

Điều đó đã cho thấy, với “Gừng Xứ Nghệ”, những gương mặt tiêu biểu nhất của giới học giả – trí thức đã được Đỗ Lai Thúy tường minh với các cung bậc khác nhau. Những nhân vật được ông lựa chọn viết, đều có những dấu ấn rất riêng và về cơ bản là tiếp cận từ vấn đề học thuật, có tư tưởng, và hơn thế nữa họ song hành với những hoàn cảnh đặc biệt để bộc lộ những tính cách đặc biệt, thân phận đặc biệt. Họ có thể là những trí thức, nhà khoa học, học giả, tác gia có dấu ấn đậm nét trong hành trình tư tưởng và sáng tạo của dân tộc. Và, những chân dung nhân vật tưởng như riêng lẻ này, lại như những mảnh ghép để cho thấy bức tranh văn hóa.

Trong cuốn sách, tác giả tập trung viết về 20 tên tuổi và họ vẫn luôn là cái tên gắn liền với bạn đọc như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tâm Tuyền, Hoài Thanh, Phan Ngọc, Trần Đình Hượu, Hoàng Ngọc Hiến, Thái Bá Vân, Trương Đăng Dung, Nguyễn Trường Tộ, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Huy, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Cẩn, Từ Chi. Với Đỗ Lai Thúy, ông vận dụng các lý thuyết linh hoạt với phong cách rất khác, đi sâu tìm đến bản chất và nét riêng của từng nhân vật, trong đó nhân vật nào cũng có những phát hiện thú vị.

Đến với “Gừng Xứ Nghệ” chỉ cần đọc tít các bài viết, chúng ta có thể dễ dàng hình dung, nắm bắt những ý chủ chốt nhất của chân dung các vị học giả – trí thức đáng kính của vùng đất xứ Nghệ như: Hồ Xuân Hương – Cọ tình vào đá; Xuân Diệu – Nỗi ám ảnh thời gian; Hoài Thanh – Tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người; Nguyễn Khắc Dương – Tìm mình qua những xung đột văn hóa; Hà Văn Tấn – Theo dấu các văn hóa cổ;…

Trong chuyên luận “Phan Ngọc – Tấm huy chương nhìn từ mặt trái”, bằng giọng văn thủ thỉ tạo nên sự thân quen mà làm nổi bật góc nhìn không kém phần khách quan về con người và cuộc đời Phan Ngọc: “Với Phan Ngọc, tôi nghĩ, nhược điểm của ông là do sự bành trướng không kiểm soát nổi ưu điểm mà thành. Bởi vậy, đến với Phan Ngọc từ những ưu điểm bị đẩy đến thái quá, trở thành nhược điểm, một nét nghệ sĩ trong con người của ông, sẽ làm cho người đọc dễ hình dung ra diện mạo và tầm vóc của ông hơn”.

Hay, trong “Hà Văn Tấn – Theo dấu các văn hóa cổ”. Đỗ Lai Thúy đã có một cái nhìn khát quát về cuộc đời và sự nghiệp của Hà Văn Tấn từ suốt những ngày bắt đầu tự học, bắt đầu dạy, và bắt đầu từ khoa sử bước chân sang nhân học hình thể: “Về nhân học hình thể, ông viết “Vấn đề người Indonesien và loại hình Indonesien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam” được các nhà nhân chủng học nổi tiếng thời đó của Liên Xô là M.G.Levin và N.N.Cheboksarov đánh giá cao. Về toán học thống kế, có “Ứng dụng thống kê toán học trong khảo cổ học”, thậm trí còn có quá trình giảng dạy toán thống kê trong khảo cổ học cho sinh viên. Ở nhiều lĩnh vực khác cũng thế, Hà Văn Tấn không bao giờ học để học, mà học để ra sản phẩm dưới dạng này hoặc dạng khác. Từ đó ông rút ra hai kinh nghiệm quý giá cho các nhà khoa học sau ông là “muốn học có kết quả môn nào thì phải biết gắn những điều đã học với nghiên cứu giảng dạy” và “say mê không đủ, phải bền gan, và có chút ít liều mạng, liều mạng một cách nghiêm túc!”…”.

Bia cuon sach Gung Xu Nghe min - 'Gừng Xứ Nghệ' - Thông điệp mới của PGS.TS Đỗ Lai Thúy - Tác giả: Lâm Như QuỳnhBìa cuốn sách “Gừng Xứ Nghệ”.

Có thể thấy rằng, một trong những đặc sắc nhất của “Gừng Xứ Nghệ” là tác giả vừa khái quát thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của các học giả – trí thức, đồng thời cũng bày tỏ quan điểm cá nhân của mình với thời cuộc, thời đại tương đồng với các vị ấy còn liên thông tới hôm nay. Đây chính là sự cần thiết, công cụ hiệu quả của thế hệ sau khi tìm hiểu về các nhân vật kể trên. Đây cũng là công phu, những đóng góp về học thuật của PGS.TS Đỗ Lai Thúy.

PGS.TS Đỗ Lai Thúy thời gian gần đây chủ trì, làm Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa đã chủ biên nhiều cuốn sách có giá trị như: “Truyện ngắn Phùng Cung”; “Nhà văn Lê Lựu – văn chương và số phận”; “Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch”; “Gừng Xứ Nghệ”; “Trưng Nữ Vương”,… đã thấy được sự chú tâm về văn hóa – lịch sử – con người của viện trong hành trình phát triển. Đây cũng là một trách nhiệm hết sức đáng quý trong việc góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với “Gừng Xứ Nghệ”, những đóng góp về lịch sử văn hóa của các học giả – trí thức trong tập sách qua lăng kính Đỗ Lai Thúy là vô cùng to lớn. Dưới góc nhìn của ông chính các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ được khái quát tưởng như là chung về văn hóa xứ Nghệ nhưng giữa họ lại mang đậm nét riêng. Từ đó, nhờ lối kể riêng của mình để làm nổi bật những sự kiện cuộc đời, những đóng góp của các nhân vật từ trung đại, cận đại đến hiện đại, tạo sự cuốn hút cho người đọc.

Một cuốn sách được viết ra trước tiên và sau cùng đều là vì phục vụ nhu cầu bạn đọc. “Gừng Xứ Nghệ” đến tay bạn đọc không chỉ hữu ích cho nhu cầu giải trí mà còn giúp bạn đọc có thêm nền tảng kiến thức từ những bộ óc lớn đã được chưng cất, nghiền ngẫm, thể hiện thành văn của một bộ óc lớn.

Vùng đất xứ Nghệ từ thượng cổ với biết bao thăng trầm của lịch sử, biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân, danh tướng, danh thần, các anh hùng liệt sĩ có công với nước đến hôm nay đã và đang tiếp tục có những đóng góp, cống hiến lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời đại Hồ Chí Minh. “Gừng Xứ Nghệ” chính là nơi khơi dẫn những mạch nguồn văn hóa, những tư duy canh tân đổi mới, những nghiên cứu sâu sắc trên toàn lĩnh vực của những học giả – trí thức tiêu biểu nhất với giới trẻ hiện nay.

“Gừng Xứ Nghệ” xứng đáng là một cuốn sách hay, quan trọng, bổ ích với nhiều khu vực độc giả nhất là trong việc nghiên cứu học tập.

L.N.Q

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây