Hai Bà Trưng có phải mang họ Trưng? – Tác giả: Nhà dân tộc học Tạ Đức

Hai Bà Trưng có phải mang họ Trưng? - Tác giả: Nhà dân tộc học Tạ Đức

Đền Hai Bà Trưng - Di tích Quốc gia đặc biệt thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Cho đến nay, các tên gọi Hai Bà Trưng, Trưng Trắc, Trưng Nhị đã được chốt chặt trong lịch sử. Từ tên Trưng Trắc, Trưng Nhị, có người cho rằng tên gốc Việt của Hai Bà là Trứng Chắc và Trứng Nhì, bắt nguồn từ nghề dệt lụa, tương tự như tên gốc Việt là các loài cá của các vua nhà Trần, bắt nguồn từ nghề chài lưới của tổ tiên họ. Tuy nhiên, cách lý giải trên bị phê phán là mang tính tư biện và thiếu cơ sở khoa học. Mặt khác, một số tư liệu tuyên truyền về Hai Bà, dựa vào các thần tích, thần phả lại viết ông thân sinh của Hai Bà có tên là Trưng Định (Hùng Định), tức coi Trưng là họ của Hai Bà…

Gần đây, nhà văn Phùng Văn Khai trong tiểu thuyết lịch sử “Trưng Nữ Vương” (mới công bố các chương đầu) cũng tạo ra nhân vật Trưng Định là thân phụ của Hai Bà.

Vậy Trưng có thực là họ của Hai Bà và nguồn gốc của từ Trưng là gì? Tôi sẽ đưa ra một câu trả lời khác, mời bạn đọc xem xét và suy ngẫm.

Tư liệu sử học Thái Lan cho biết người Lava ở Bắc Thái Lan đã từng có một vương quốc cổ có tên là Yang hay Yonok với kinh đô Ngeun Yang. Sau trong quá trình Thái hóa và tiếp thu văn hóa Ấn Độ, tên nước chuyển thành Lanna, một từ Thái nghĩa Triệu Nương Lúa.

Theo biên niên sử Lava, trước thế kỷ 4, Vua Bà của người Lava là người cai quản lãnh thổ Yonok và có quyền phong đất và tước cho các con trai, trong khi Vua Ông là người lo việc buôn bán với tộc láng giềng. Từ thế kỷ 4, trong xã hội Lava, cả đàn ông và đàn bà đều nắm quyền lực chính trị và kinh tế, nhưng sau đó, đàn bà Lava mất dần quyền lực. Từ thế kỷ 7, trong biên niên sử Lava, người ta chỉ thấy tên các Vua Ông.

Vào đầu thế kỷ 13, triều đình Lanna tôn một người đàn bà có tên Me Ku lên làm nữ hoàng với niềm tin đất nước sẽ chống lại được sự bành trướng của người Miến nếu triều đình duy trì truyền thống cổ. Khi lên ngôi, một trong những nghi lễ cổ mà nữ hoàng phải tiến hành là làm lễ trở thành Khun Chuang hay Chương, người được tin là có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của vương quốc.

Khun là từ chỉ người cha, sau thành từ chỉ thủ lĩnh, vua trong tiếng Bách Việt thời xa xưa, tiếng Thái, Mường, Chăm sau này. Khun chính là gốc của Hùng trong Hùng Vương.

Chương có gốc Yang là từ chỉ Thần, Trời trong tiếng Việt xưa, trong tiếng Mông, Êđê, Bru-Vân Kiều nay, chuyển thành Giàng trong tiếng Việt.

Vào năm 40, khi phất cờ lãnh đạo người Nam Việt nổi dậy chống ách thống trị của nhà Hán, Hai Bà cũng đã tiến hành nghi lễ thành Khun Chương để trở thành Vua Thần hay Bà Trời, với niềm tin sẽ “đuổi sạch bóng thù và nối nghiệp xưa vua Hùng”. Điều này cũng lý giải vì sao “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: Hai Bà gốc họ Lạc, khi tự xưng làm vua mới có họ Trưng.

Người Lava là con cháu người Lạc Việt nước Âu Lạc di tản, di cư về phía Nam tới vùng Thanh – Nghệ, rồi sang phía Tây sau khi nước Âu Lạc mất vào tay Triệu Đà và đặc biệt sau khi nước Nam Việt rơi vào tay nhà Hán.

Lập nước trên vùng đất mới, họ vẫn giữ tên gọi nước cũ. Rõ ràng, tên gọi Yonok tương ứng với Âu Lạc, còn Ngeun Yang tương ứng với An Dương hay Việt Thường. Sử Việt viết Thục Phán đắp thành ở Việt Thường, xưng hiệu là An Dương Vương. Văn Lang, Việt Thường và An Dương là các phiên âm khác nhau của cùng một tên gọi gốc Việt cổ có dạng Ya Yang, là tên tộc người và cũng là tên nước của người Việt cổ.

Không ngạc nhiên, khi chúng ta thấy văn hóa và ngôn ngữ Lava còn bảo lưu khá nhiều yếu tố của văn hóa và ngôn ngữ Việt cổ.

Từ Me trong tên gọi Me Ku tương ứng với Mị trong tên gọi Mị Nương, Mị Châu (nghĩa gốc là Mẹ, từ chỉ phụ nữ hoàng tộc thời Hùng Vương và An Dương Vương, hóa thành Mệ – chỉ người thuộc hoàng tộc thời Nguyễn).

Truyền thống cổ mà triều đình Lanna phải duy trì có lẽ là truyền thống mẫu quyền. Và nghi lễ xưa mà hoàng hậu Mae Ku phải tiến hành chính là nghi lễ hóa thành Chương – Vua Thần, cũng là nghi lễ Hai Bà đã tiến hành khi phất cờ khởi nghĩa chống nhà Hán.

Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, một số tướng lĩnh của Hai Bà đã di tản sang vùng núi phía Tây, thuộc Lào và Thái ngày nay. Một số nhóm di dân Lạc Việt dần trở thành người Lào, Thái, Khmú.

Từ đó, theo truyền thống, Chương đã thành một danh hiệu thiêng gắn với nhiều vị vua, thủ lĩnh, anh hùng chống áp bức và xâm lược trong truyền thuyết và huyền thoại của các tộc người trên.

Người Thái ở Việt Nam có sử thi Chương Han, trong đó Chương Han là vị anh hùng có tầm vóc và sức mạnh phi thường, bách chiến bách thắng.

Người Lào có sử thi Tạo Hùng hay Tạo Chương trong đó Tạo Chương, là người từ trời xuống làm vua của nước Ngeun Yang (nước của người Lava/Lạc Việt).

Người Khmú ở Việt Nam, Lào, Thái Lan có các truyền thuyết và huyền thoại về Chương Nhi (chưa rõ có quan hệ gì với Trưng Nhị?), chàng trai đúc một chiếc trống đồng linh diệu bằng sáp ong và sau đó trở thành một vị tướng vĩ đại, một anh hùng văn hóa, người dạy dân Khmú trồng lúa, dựng nhà, lập làng, và cuối cùng là vị cứu tinh giải phóng người Khmú.

Tương tự như Hùng, danh hiệu Trưng cũng được sử sách ghi như họ và hiểu là họ. Và thực sự, Chương đã trở thành họ Trương của một số nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.

Cụ thể, Chương đã trở thành họ của Trương Hống và Trương Hát, hai vị thần sông – thần rắn nước với tên dân gian là Ông Dài – Ông Cụt, được phong là Thành hoàng của 372 làng thuộc 172 xã thuộc 5 tỉnh ven sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Thương, từ đó được gọi là Thánh Tam Giang. Theo truyền thuyết, hai ông vốn là hai vị tướng của Triệu Quang Phục. Khi Triệu Việt Vương mất, hai ông không làm quan cho Lý Phật Tử mà tự vẫn, trở thành thần thánh hiển linh báo mộng âm phù cho Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán, cho Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đánh bại giặc Tống, từ đó được phong là Đô hộ quốc thần vương – Vua Thần hộ quốc. Bài thơ “Thần” – được coi như Bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của Việt Nam – được tin là đã vang lên như lời sấm truyền từ đền của hai Ngài.

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường khi viết về hai vị thần này từng cho rằng “sức mạnh thiên nhiên có công phù trợ nhà nước như thế, đã được nhân thần hóa thì phải mang họ của người và tất nhiên phải là họ tôn quý”. Nhưng ông đã không hiểu vì sao họ Trương lại là họ tôn quý lúc bấy giờ. Ông chỉ biết đó là họ tôn quý qua sự kiện năm 1129, thái úy Lê Bá Ngọc, người được Lý Nhân Tông mời đến khi hấp hối, giao cho việc trấn giữ cung điện đề phòng bạo loạn và khi Thần Tông lên ngôi là người truyền chỉ dụ của vua, tức người nắm trong tay vận mệnh của dòng họ Lý lúc đó đã được phong chức Thái sư và được đổi làm họ Trương.

Có vẻ Tạ Chí Đại Trường khi đó đã không biết cách lý giải về họ Trương được ghi trong Thần phả đền thờ Thánh Mẫu, mẹ của Trương Hống – Trương Hát ở thôn Vân Mẫu, xã Vân Dương, Quế Dương, Bắc Ninh và trong Thần tích đền thờ Trương Bá Ngọc cùng Nguyễn Minh Không tại xã Gia Trung, Gia Viễn, Ninh Bình. Theo đó, họ Trương là “Thiên tính” (họ Trời) hay là họ của Ngọc Hoàng Thượng đế.

Rõ ràng, quan niệm về họ Trương thời nhà Lê là sự kế thừa và đổi mới quan niệm về danh hiệu Chương – Trưng của người Việt xa xưa.

Như vậy, rõ ràng Trưng không phải là họ thực của Hai Bà mà là một phiên âm của Chương với nghĩa Vua Thần hay Bà Trời. Rất có thể, hai tên gọi Trưng Trắc và Trưng Nhị là phiên âm của Chương Nhất và Chương Nhị, tức Vua Thần Nhất và Vua Thần Nhì.

Chúng ta biết rằng, thời nước Nam Việt, tiếng và chữ Hán đã được dùng ít nhiều trong giới Lạc hầu Lạc tướng. Trống đồng Cổ Loa đúc thời Nam Việt có khắc chữ Hán với nội dung: “Trống (đồng) thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng 281 cân”. Nên việc Hai Bà dùng từ Hán – Việt trong vương hiệu của mình là điều không có gì khó hiểu.

Họ thực của Hai Bà, đúng như sử Việt ghi, là họ Lạc. Thời Văn Lang – Âu Lạc – Nam Việt, họ của vua và quý tộc thường có gốc từ tên nước, tên tộc người. Hùng Vương, trong sử còn được ghi là Lạc Vương, cũng như các Lạc hầu, Lạc tướng có họ Lạc gốc từ tên Lạc Việt. Lạc cũng là họ của vua một số nước Bách Việt khác. Thục Phán có họ Thục bởi gốc là người nước Thục, hơn nữa còn là con cháu vua Thục. Triệu Đà có họ Triệu bởi là người đến từ nước Triệu.

Tóm lại, để giải mã nhiều bí ẩn trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, không thể không tham chiếu văn hóa và lịch sử của các tộc láng giềng. Chính từ một sự kiện trong sử biên niên của người Lava ở Thái Lan, chúng ta mới có thể khám phá được ý nghĩa tâm linh của từ Trưng trong tên gọi Hai Bà, của họ Trương trong tên hai vị thần – hai vị anh hùng cứu nước và của một vị Thái sư thời Đại Việt. Rõ ràng, những người có danh hiệu Trưng – Trương đó là những người có sứ mệnh thiêng liêng đưa dân tộc và đất nước vượt qua các cơn nguy biến.

Và chúng ta cũng thấy, một truyền thống Lạc Việt thời Đông Sơn đã được tổ tiên chúng ta kế thừa, đổi mới qua hàng ngàn năm lịch sử ra sao.

Tạ Đức

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây