Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Bậc danh y của dân tộc

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Bậc danh y của dân tộc

Hải Thượng Lãn Ông là vị danh y nổi tiếng, người thầy y đức của nền y học Việt Nam. Không chỉ tinh thông y thuật, Hải Thượng Lãn Ông còn là người học cao, hiểu rộng. Cũng chính vì sự uyên bác ấy, ông được vinh danh Danh nhân Việt Nam thế kỷ 18.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Từ nhỏ, Lê Hữu Trác đã sớm chăm chỉ đèn sách để kế nghiệp cha là Lê Hữu Mưu – Đệ tam giáp Tiến sĩ. Nổi tiếng thông minh, được theo cha học từ sớm nên Lê Hữu Trác uyên bác ở nhiều lĩnh vực, song trước thời thế loạn lạc bấy giờ, ông đã sớm nhận ra làm quan không phải đích đến của mình. Nạn tranh giành quyền lực của các tập đoàn phong kiến dưới thời Vua Lê – Chúa Trịnh càng giúp ông thêm thấu hiểu nỗi cơ hàn của người dân lao động nghèo khổ trong cảnh giặc dã, đói rét, bệnh tật. Chính vì thế khi về quê mẹ ở Hương Sơn ở ẩn, ông đã quyết chí học tập nghề y. Theo nhà sử học Lê Văn Lan thì đây là bước ngoặt quan trọng không chỉ đối với Lê Hữu Trác mà còn đối với cả nền y học nước ta.

Vốn sẵn có sự uyên thâm về thiên văn địa lý nhân sự và tài năng trong pháp thuật Âm – Dương nên ông học làm thuốc rất nhanh. Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ việc cứu người làm nhiệm vụ của mình không mưu lợi kể công”. Và suốt quãng đời 40 năm còn lại, ông phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện ước vọng cao cả của mình. Điều ấy được thể hiện rất rõ trong quan niệm sống của ông.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: Có một tuyên ngôn của chính Lê Hữu Trác bằng thơ chữ Hán rất sâu sắc mà lại hóm hỉnh, đó là “thiện diệc lãn vi hà hữu ác” nghĩa là “việc thiện ta còn lười làm huống chi là việc ác”. Tức là ông ý từ chối cái ác, thích làm điều thiện, nhưng mà khôi hài một chút là lười làm việc thiện, chứ thực tâm ông cả đời hướng thiện.

Hải Thượng Lãn Ông là một trong những nhân vật đi đầu trong nền y học cổ truyền của nước ta, ông cũng đã để lại nhiều tác phẩm y học có giá trị được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu của giới y học cho đến tận ngày nay.

Trong lịch sử y học Việt Nam, ông là người đặt nền móng xây dựng y thuật với cuốn “Y tông tâm lĩnh”, ngày nay gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển. Theo PGS.TS Trần Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viên Y học cổ truyền Trung ương, có thể nói Y tông tâm lĩnh là tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam.

Tac pham Y tong tam linh min - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Bậc danh y của dân tộcTác phẩm “Y tông tâm lĩnh” – tinh hoa của Y học dược cổ truyền Việt Nam.

Có thể nói Hải Thượng Lãn Ông đã đúc rút những tinh hoa của y học nhân loại và y học cổ truyền Việt Nam. Ông là một danh y lớn của dân tộc và cho đến nay những tư tưởng, phương pháp tiến bộ cũng như lối sống chân chính của ông luôn là bài học cho hậu thế noi theo. Cả cuộc đời làm thuốc của mình, y đức là điều mà Hải Thượng Lãn Ông luôn đặt lên hàng đầu.

Không chỉ là một thầy thuốc nổi tiếng, Hải Thượng Lãn Ông còn là một nhà thơ, nhà văn để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho hậu thế. Tiêu biểu trong đó phải kể đến tác phẩm “Thượng kinh ký sự” được ông sáng tác vào năm 1783. Tác phẩm ghi lại chuyến lên kinh chữa bệnh của ông cho Thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm thì tập ký này của Lê Hữu Trác thực sự là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – một danh y tận hiến cho nền y học dân tộc, một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Và những đạo lý mà ông để lại vẫn nguyên giá trị cho đến ngày này.

NGỌC HÀ
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây