Tác giả Phạm Việt Long

Phạm Việt Long

PHẠM VIỆT LONG

Sinh ngày 01 Tháng Bảy năm 1946
Quê quán: Ninh Bình

Từ năm 1966 đến 1975: phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ. Năm 1977 đến 1981 học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó về làm việc ở Bộ Văn hóa – Thông tin, từng là Chánh Văn phòng Bộ; Phó tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2002. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2006).

Tác phẩm chính:

Âm bản (truyện ngắn, 1999, 2004); B trọc (tiểu thuyết tư liệu, 1999, 2001, 2002, 2003); Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9 (ký sự, 2002); Ngờ vực (truyện ngắn và tản văn, 2006); Giã từ (tiểu thuyết, 2007).

Giải thưởng:

B trọc (tiểu thuyết) – Giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000; Giải khuyến khích Báo Văn Nghệ cuộc thi Bút ký phóng sự Việt Nam Tổ quốc tôi (2007-2008).

 

QUẢNG NAM, NHỮNG NGÀY THƯƠNG NHỚ

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng miền Trung Trung bộ, còn gọi là Khu 5. Suốt nhiều năm gian khổ và hào hùng đó, tôi đã sống trên đất Quảng Nam, với những con người Quảng Nam, để lại trong tôi biết bao kỷ niệm sâu nặng. Tôi xin ghi ra đây hai kỷ niệm lưu dấu hai giai đoạn chiến đấu ở Quảng Nam – một thuộc về thời kỳ còn khó khăn, và một thuộc thời kỳ quân, dân ta tấn công giành thắng lợi.
Những ngày gian khó và những con người bình dị, kiên cường
Vào quãng thời gian tháng 7, tháng 8 năm 1970, căn cứ của Khu ủy Khu 5 đóng ở vùng rừng núi cao Tây Quảng Nam. Giai đoạn này, cán bộ thuộc các cơ quan Khu ủy như chúng tôi vừa làm công tác chuyên môn, vừa tham gia gùi cõng, sản xuất lương thực. Theo sự phân công của cơ quan, tôi và anh Giáo, một cán bộ Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu 5, đi Kỳ Long (Tam Kỳ, Quảng Nam) để mua hàng và tuyển người. Đây là một chuyến đi hết sức chật vật.
Khi mới bước chân xuống khỏi con dốc đầu cơ quan thì đã nghe tin địch càn ở Trà My. Song chúng tôi quyết bám đường đi bằng được. Tới nơi, mới biết địch đã rút rồi.
Tới sông Trường, đi trên đường chiến lược, tôi thấy dưới bờ sông có một cô gái đang vội vã bước đi. Trông dáng người, tôi biết ngay là giao liên. Tôi hỏi: “Về trạm Hoà đi đường nào đồng chí?”. Cô ngước nhìn lên: “Đi đường nớ!” và vẫn hối hả bước. Đoạn sông này địch rất chú ý: Máy bay trinh sát (Moranh) của địch lượn lờ suốt buổi, hễ thấy gì khả nghi là gọi pháo nã đạn tới vô hồi, gọi máy bay trực thăng loại nhỏ (tàu rọ), hoặc loại lớn (HUIA) tới bắn phá điên loạn. Dọc sông, đất đai đầy thương tích. Cây cối nát nhừ. Những nấm mộ nằm rải rác đó đây. Đó chính là nguyên nhân làm cho cô giao liên đi như bị ma đuổi vậy. Cô đi quá nhanh, gần như là chạy. Chúng tôi theo hút cô, bàn chân dường như không bám đá sỏi và cát ven bờ, song lại đạp nước bắn tung toé, khiến quần áo ướt mèm mỗi khi phải lội ngang sông. Thật chết tiệt, cái bao mang của tôi bị sút quai. Đành phải ngồi cột lại. Thế là mất hút cô giao liên, bị lạc mất gần buổi đường. Tới 3 giờ chiều mới tìm được vào trạm. Cũng may, lúc đó trời mới giáng cho một cơn mưa đá, mưa rào dữ dội. Những viên nước đá to bằng đốt ngón tay rào rào rơi xuống, lóng lánh như những giọt nước mắt khóc cho cuộc đời của nó ngắn ngủi quá, vì chỉ một lúc nó đã tan biến thành nước và bị đất hút sạch… Tôi lượm mấy viên đá cho vào miệng, cố tìm lại cảm giác mát lạnh và thú vị khi còn ở Hà Nội ăn kem, uống càfê đá. Song vô hiệu. Mát lạnh thì có, nhưng chẳng thú vị gì. Lạt lẽo.
Phải chờ trạm một ngày mới có trực (ôi, chờ và trực). Tôi và Giáo vào cơ sở sản xuất 2. Được biết tin anh Cẩm mới hy sinh – vì địch phục kích trong đợt càn vừa rồi. Nơi này chỉ có 3 người. Chi lại về cơ quan nên còn 2. Tiến ốm. Một mình Mai lủi thủi đi làm cỏ lúa. Gặp Phạm Hồng ở đây. Vui quá, 2 đứa ôm lấy nhau. Hồng chiêu đãi chúng tôi một bữa thịt gà rừng (Hồng bẫy được) và một bữa chè đỗ đen sữa. Hồng cho xem những bức tranh vẽ từ khi xuống Quảng Nam. Phần lớn là ký họa và tương đối có sức sống. Hồng là họa sĩ, đi B trước tôi, đã giúp đỡ tôi rất nhiều lúc tôi mới vào, từ việc dạy cho cách buộc gùi tới cách phát rẫy hoặc chống trả với những cơn sốt rét. Dạo ở A9, Vượng vào Quân khu, tôi và Hồng ở cùng nhà, thường cùng Nga nghe chương trình sân khấu truyền thanh vào các tối thứ Bảy, mà vở kịch chúng tôi thích nhất là Tiền tuyến gọi.
Bắt đầu theo trạm đi. Giao liên dẫn đường cho chúng tôi là cô Xuân. Chân Xuân đi hơi cà nhắc vì bị tiêm ký ninh quá nhiều, song cô đi rất nhanh. Có điều cô biết chờ khách chứ không bỏ khách như cô bữa trước.
Khi đi từ trạm 25 xuống trạm 24, tôi theo một giao liên nhỏ. Đó là Ba, em mới chừng 13, 14 tuổi. Khi ngồi đợi giao trực, tôi được nghe cô giao liên ở trạm 25 kể rằng: Ba bé xíu thôi và còn ngây thơ lắm. Có lần, dẫn đường cho một đoàn khách, thấy khách đi quá chậm, hay nghỉ, Ba khóc lóc, van nài: “Các chú ơi, đi nhanh lên, không quá giờ, trạm trên bỏ trực, con bị phê bình đấy!”. Tôi hình dung Ba yếu đuối lắm. Song không phải vậy, Ba ở trước mặt tôi đó: Vui tươi, nhanh nhẹn. Em dẫn đầu đoàn người, đầu đội mũ Giải phóng, lưng mang bao bột mì đựng công văn, vai còn khoác một cái túi giúp một chị đi sau. Ba chào chúng tôi bằng nụ cười rất tươi. Gặp lại mấy anh quen, Ba liến thoắng: “Ôi, anh Thoại sao ốm nhom vậy? Anh Lang có nặng, sớt bớt đồ tôi mang cho!”. Và Ba mang bớt một số vải cho Lang. Đi đường, Ba luôn chuyện trò. Đủ thứ chuyện ngộ nghĩnh: “Chui, mấy trứng gà rừng cho ấp nở ra mấy con gà đen thui như Mỹ đen, trông phát phiền!”, “Con Liên mới đi đồng bằng về, dẫn theo mấy đứa chút chun!”.
Sáng sau, Liên dẫn chúng tôi đi. Liên mới chừng 16 tuổi, nước da hơi xanh, yếu và nét mặt có gì hơi già dặn, khắc khổ của người phải lo nghĩ quá sớm. Liên bảo chúng tôi đi trước vì em còn phải đi nhận hàng. Liên dặn: “Các anh ráng đi sớm, đi nhanh qua mấy bãi trống ven sông nghe!”.
Đoạn đường này địch dùng máy bay B57 đánh phá liên tục. Thỉnh thoảng lại gặp vài hố bom – thường là hai hố một chỗ. Nhiều hố bom trúng giữa đường khiến chúng tôi phải đi vòng, luồn trong cây cối mà đi.
Gần trưa, Moranh quần dữ. Đường chúng tôi đi qua rừng non, theo suối nên nhiều chỗ trống trải. Liên luôn nhìn lên bầu trời quan sát máy bay và ra lệnh cho chúng tôi: “Nó tới đó, đứng im”, “Nó quần đó, rúc sâu vào bụi”, “Đi nhanh!”… Chúng tôi răm rắp làm theo lời Liên như theo lệnh người chỉ huy vậy.
Ăn cơm trưa rồi Liên tạm biệt chúng tôi để dẫn khách về trạm. Liên nói: “Chào hết mấy anh nghe!”. Rồi thoăn thoắt bước đi, rồi lại nói với lại: “Tôi chào rứa đó!”. Những lời nói của Liên có gì hơi cộc cằn đôi chút và có nhiều khi không hợp với một cô gái ở lứa tuổi Liên. Song tôi không cho Liên là một con người cộc cằn. Khi Liên nói: “Tôi chào rứa đó!” và cười cười thì tôi hiểu rằng em đang bối rối trước những câu nói của chính mình. Chắc em cũng muốn nói những câu tế nhị hơn song tìm không ra. Ở những nơi ác liệt trên chiến trường Quảng Nam này, người ta quen nói ngắn, gọn rồi. Khi máy bay địch quần lượn, bắn phá thì giao liên làm sao có thể nói những câu dài dòng, văn vẻ ngoài mấy câu: “Dừng lại!”, “Núp kín nghe!”, “Chạy nhanh!”, “Nằm xuống!”… Nhưng chính trong những câu cộc lốc đó, tôi lại thấy chứa chất biết bao tình cảm rộng lớn, sâu sắc. Những lời nói xuất phát từ đáy lòng thương yêu anh, che chở, bảo vệ anh đó!
Càng đi xuống gần đồng bằng, tình hình càng căng hơn. Địch càn ở Kỳ Yên (nay là xã Tam Sơn) đã gần tháng rưỡi rồi. Quân của chúng lết khắp nơi: Xóm Mới, Nhà thờ, Dương Bông, Bầu Tre… và sáng nay chúng lại đổ quân ở Danh Sơn – nơi chúng tôi định đi qua.
Được cái giao liên rất thạo đường. Đoàn đi lại có mấy giao liên thuộc tuyến này đi mua hàng nên tôi thêm tin tưởng ở sự dẫn dắt của họ. Sang, một thanh niên khoảng 23, 24 tuổi – có dáng người to, khoẻ, da ngăm đen, là linh hồn của đoàn. Sang thuộc đường và rất xông xáo. Ít nói, nhưng hay nói vui, cởi mở, Sang thu hút được tình cảm của tôi ngay từ đầu. Tay cầm chắc khẩu AK báng xếp, Sang luôn đi trước bám đường. Gần tới con sông Kỳ Yên, bọn tôi phải đi tách ra xa nhau, vì ở đây dễ gặp địch. Chúng mới đi khỏi nơi đây. Giấy tờ, sách báo lố lăng, lon đồ hộp còn vứt bừa bãi. Khu vực này là một thung lũng khá phẳng và rộng, cây cỏ thấp, thưa. Chúng tôi vừa thận trọng vừa khẩn trương vượt qua bãi trống đó. Nắng chói chang, bầu trời cao rộng, in hình mấy cái trực thăng phía xa. Chúng tôi lội ào qua khúc sông cạn, nước tới mắt cá chân. Đạp nước bắn tung toé, ướt cả hai ống quần. Rồi vượt qua một bãi cát lẫn đá sỏi. Ở mé sông, cát, sỏi bị nhuộm đỏ thẫm vì máu. Lại lội qua sông. Đoạn này nước chảy mạnh. Khi tôi vừa định bước chân trái lên một hòn đá to thì nước cuộn tới cướp phăng chiếc dép. Bỏ dép mà đi thôi. Đi khỏi bờ sông một quãng, chúng tôi gặp một nhóm người dân. Họ ngồi tản mác trong các bụi cây, quanh đó là một vài thứ đồ đạc dùng hàng ngày. Họ cho biết: máu ở bờ sông là của hai anh bộ đội bị bọn Mỹ phục kích bắn chết từ chiều hôm kia. Một anh khác bám ra chôn đồng đội lại bị HU1A của Mỹ bắn chết. Du kích mới chôn ba anh chiều qua.
Đây là một thôn thuộc xã Kỳ Yên. Ở đây, đồng bào trồng sắn trên luống cao, to, rất đẹp, sạch cỏ. Lác đác có những đám bắp, đậu. Vài rẫy lúa. Có rẫy lúa bị chất độc hoá học cháy vàng. Bọn Mỹ hồi này rải chất độc với diện rất nhỏ chứ không tràn lan như trước, nhưng toàn nhằm vào nương rẫy. Thật là thâm độc!
Đi loanh quanh một hồi, chúng tôi gặp rất đông người – phần lớn là cán bộ, bộ đội. Họ ùn lại ở một đám rừng non thưa thớt, đứng ngồi lộn xộn. Họ cho biết còn phải chờ du kích bám đường mới đi được. Chúng tôi cũng ngồi lại. Mỏi quá, ngồi lê la trên cát, cỏ. Thỉnh thoảng, vài chiếc trực thăng lại quần lượn trên đầu, khiến chúng tôi phải nép vào bụi. Có những tiếng pháo, tiếng súng liên thanh, tiếng đạn cối nổ rải rác đó đây. Rồi đi, đúng là lối đi “bám”. Có một số đi trước dò đường. Rồi mọi người theo sau, đi cách xa nhau. Súng đạn sẵn sàng. Đi chậm rì. Thỉnh thoảng phải dừng lại nghe ngóng, đợi chờ. Thỉnh thoảng vượt qua một quãng đồng trống, phải chạy cho nhanh, đồng thời phải giữ khoảng cách cho thưa nhau. Với cách đi như vậy, chúng tôi vượt qua nhiều quãng đồng trống, nhiều khu nhà dân. Nói là khu nhà dân, thực ra chỉ là từng cụm nhà thưa thớt. Nhà, thực ra là những túp lều nhỏ, dựng tạm bợ che mưa nắng cho căn hầm. Có mấy ngôi nhà bị đốt cháy, tro còn nóng. Hầm cũng bị bọn giặc quẳng lựu đạn sát thương, lựu đạn lân tinh gây bỏng xuống, khiến hầm sập lở hoặc tanh lợm.
Đường Hố Nước, Bầu Tre có địch, bọn tôi phải vòng qua đường Danh Sơn. Lúc này đi rất nhanh, gần như là chạy. Vượt qua vài khu ruộng. Ở một bờ ruộng, văng đầy vỏ đạn AR15 – chứng tỏ bọn Mỹ đã có mặt ở đây và bắn rất dữ. Trời nhập nhoạng tối. Trên trời, vài chiếc trực thăng vận tải bay nặng nề, in bóng đen sẫm, to xù và nổ máy ầm ĩ. Khát nước vô kể. Đạp qua vài thửa ruộng đầy cỏ, sình bùn. Nhập vào đường Danh Sơn. Con đường này tương đối lớn, chạy qua những khu đồi sim thấp và toàn đá sỏi. Chân tôi không dép, đạp lên đó đau ê ẩm. Tuy nhiên, phải ráng chịu đau mà đi cho nhanh. Đi như chạy trong bóng tối nhập nhoạng. Đường chỉ hiện ra mờ trắng dưới chân. Thỉnh thoảng lại bước hẫng xuống một hố nhỏ hoặc vấp vào mô đá đau điếng người. Chẳng thèm xuýt xoa, cứ cắn răng mà bước tới. Sang đi đầu. Mọi người đi sau, im lặng hoặc chỉ nói chuyện nho nhỏ.
Rồi nghe tiếng đài văng vẳng ở phía đồi trước mặt – Đài Tiếng nói Việt Nam. Như vậy là không có địch. Chúng tôi mạnh dạn bước tới. Băng qua một khu ruộng nhỏ. Lội qua một con sông – lội mò mẫm, chẳng biết nông sâu ra sao. Lại dò dẫm bước lên bãi cát sỏi. Tiếp qua một con sông nhỏ. Rồi chui vào một ngõ xóm. Ở đó im lặng như tờ. Tối như bịt mắt. Người đi trước bỗng sụp xuống một cái hầm. Xì xào lộn xộn một lát rồi lại đi. Tôi cứ bám theo người đi trước mà tiến, chẳng rõ đường sá quanh co ra sao. Rồi bỗng thấy ánh đèn dầu hắt ra từ một ngôi nhà. Hóa ra đó là trạm. Chúng tôi bước vào. Những người trong nhà đang ăn cơm. Lúc này đã gần 8 giờ tối. Nhà thật đơn sơ, không phên vách, không bàn ghế. Dưới nền là một căn hầm rộng, có thể cột võng được. Chúng tôi lên nhà trên ngủ. Ngôi nhà đó đã bị pháo bắn sập, người ta đã dỡ đi và cắm 4 cây lớn vào chỗ 4 cây cột để nguỵ trang. Tuy nhiên, cái hầm vẫn tốt. Trời nóng như rang. Muỗi vo ve, vo ve, ùa vào đốt. Phủ bọc võng vào, nóng vô kể. Mà hất ra thì muỗi đốt, không chịu được. Đành phải đưa võng hoài. Rồi cũng thiếp đi trong cái mệt nhọc. Đêm nay im tiếng pháo.
Sáng dậy, tuy chẳng đi đâu cũng phải nấu cơm 2 bữa từ sớm. Ăn cơm xong rồi cột bao gọn gàng. Và cứ ngồi đó đợi. Trạm cũng làm như vậy. Những đồ dùng không sát với thân thể lắm như con rựa, thùng nước v.v… thì quẳng bừa ra bụi bờ, bãi cỏ. Đó là một kiểu nghe ngóng xem địch có càn không, nếu có thì có thể lánh kịp và không để đồ đạc cho địch phá.
Nghe tiếng động cơ xe tăng rú phía xa xa. Đó là đồn địch. Vài chiếc tàu rọ quần lượn cao cao. Vài chiếc tàu vận tải bay qua bay lại. Có những tiếng pháo điểm cầm chừng. Xa xa có những tràng liên thanh nổ. Như vậy là buổi sáng yên lành. Ăn cơm trưa rồi có thể đi làm mọi việc cần thiết.
Chúng tôi đi Kỳ Long mua ít hàng. Phải chú ý đi nhanh qua những chỗ trống để rọ khỏi thấy, khỏi kít xuống bắn chết hoặc bắt sống. Trên trời, một chiếc Moranh hai thân lượn vòng miết trên cao và dùng loa cực đại để phát đi những lời dụ dỗ, chiêu hồi. Tiếng nói ve vãn bị át đi một cách thảm hại bởi tiếng ù ù của động cơ máy bay.
Đi băng ngang qua con đường lớn – nó chạy về phía đồn Chóp Chài( ). Vết xe hằn rõ trên đường. Vượt qua những bãi trống. Ở đây, cỏ tranh bị địch đốt cháy trụi. Bình yên một cách kỳ lạ. Băng qua một cánh đồng lúa, chúng tôi lọt vào vùng 4 Kỳ Long. Xóm nhà thưa thớt, ít dân. Trẻ con ở đây quần áo màu sặc sỡ. Nhiều người la hét gọi chúng tôi đi nhanh hoặc núp vào bụi vì có địch ở Dương Tranh, cách xóm đó vài phút đi bộ. Từ ngọn đồi đó, địch có thể thấy rõ và bắn trúng chúng tôi. Lúc này tôi thấy tiếng mìn nổ ở đó, đất bụi bay mù mịt. Rồi một quả mù của địch nổ, tung khói màu tím mờ đặc. Ngay sau đó, có 2 chiếc HU1A bay tới, lượn quanh quả đồi. Tôi thấy cửa máy bay mở toang. Một chiếc rà sát rồi hạ ngay xuống đám khói mù màu tím và cất cánh lên sau đó một lúc. Chiếc kia cũng làm như vậy.
Chúng tôi đi tìm hàng để mua. Rất hiếm và rất đắt. Họ đòi gần 600 đồng (bằng 30 đồng miền Bắc) một bao gạo (nặng 6 kg) – nếu tính ra tiền miền Bắc là 5 đồng một kg, gấp hơn 10 lần gạo ngoài đó! Thị trường tư bản thật kinh khủng.
Lại nghe tiếng mìn nổ, thấy khói mù màu đỏ và 2 trực thăng xuống, lên. Đồng bào bảo rằng bọn Mỹ mới lên đồi đó, bị vấp mìn của du kích và phải gọi máy bay tới chở những tên chết, những tên bị thương.
Quẩn quanh mua hàng, trời đã tối. Chúng tôi nấu cơm ăn – thứ gạo máy trắng muốt mua ở vùng địch chuyển ra. Ngồi giữa sân mà ăn cơm – nhà ở đây bị địch đốt cháy trụi, bà con chỉ dựng mấy túp chật chội, tấp mấy tấm tranh vào tạm bợ để dễ vứt ra bụi mỗi khi địch càn đến. Đang ăn cơm, chúng tôi giật mình vì những tiếng súng nổ loạn xạ. Đạn bay veo véo trên đầu, đỏ lừ. Đó là đạn do địch ở trên xe bắn tới. Tầm đạn đi hơi cao. Lại có tiếng súng nổ phát một chắc chắn ở phía gần đó – đạn của du kích “bia” Mỹ – ngụy.
Tôi vào một ngôi nhà nhỏ mua gạo. Trong nhà chật ních người – toàn là cán bộ, miền Bắc có, miền Nam có. Một cô bé chừng 14-15 tuổi đang bán gạo. Cô bé nói rằng, chỉ còn một ang thóc thôi. Tôi vội bảo “Mua gạo chứ ai mua thóc làm gì?”. Cô bé giải thích: “Ang thóc tức là nửa ang gạo chứ không phải là thóc chưa giã”.
Khoảng 8-9 giờ tối, chúng tôi ra về. Không thể ở lại đây qua ngày sau, vì xe tăng địch có thể lên rất sớm. Dấu vết của nó còn hằn lên đó: Chằng chịt trên các thửa ruộng lúa khô nước. Lúa đang thì con gái, bị hạn, xơ xác, bị xe nghiền nát. Sang vẫn cắp khẩu súng AK đi đầu. Giáo lăm lăm súng ngắn đi thứ hai. Tôi đi liền đó. Trăng lờ mờ. Khi đi qua ruộng, chúng tôi không dám đi theo con đường mờ trắng mà phải đi ven nó vì sợ địch ở phía quả đồi gần đó phát hiện. Khi đi khỏi khu ruộng, chúng tôi thấy những bóng đen lố nhố phía trước. Sang ghìm súng, khẽ hỏi: “Ai?”. Có tiếng đáp khẽ: “Chúng tôi!”. Thở phào nhẹ nhõm. Không phải địch mà là anh em đi về, thấy rợn quá đang chần chừ ở đó, chờ người cùng đi lên. Lại bám đường đi. Nhiều khi phải nép vào bụi hoặc nằm rạp xuống đường nghe ngóng từng động tĩnh nhỏ. Rồi vượt qua đường xe. Con đường này chạy về đồn Chóp Chài – đi bộ mất chừng 20 phút là tới đồn thôi. Vượt vào dãy đồi bát úp, cây cối lúp xúp và đường lạo xạo đá sỏi. Vấp liên tục và luôn đạp lên những hòn đá sắc cạnh, đau điếng. Khuya mới về tới trạm. Lại cột võng trên nóc hầm. Ngủ trằn trọc trong cái nóng hầm hập, trong tiếng muỗi vo ve và trong tiếng pháo địch cầm canh.
Trưa nay, ăn cơm xong thì Giáo đi Kỳ Long, còn tôi ở nhà giữ đồ. Giáo đi một hồi lâu thì tôi nghe mấy tràng súng máy nổ phía đường cái gần thôn Kỳ Qúy. Rõ ràng là tiếng súng địch bắn. Tôi bồn chồn không yên. Giữa lúc ấy thì Giáo chạy về, nói gấp: “Phước hy sinh rồi!”. Tôi sững người vì bất ngờ quá. Phước là trạm trưởng trạm giao liên vùng dưới – giáp thị xã, đi chỉnh huấn về. Trưa nay, Phước cùng đi xuống với đoàn của Giáo, Sang. Phước mang AK đi đầu, tới đường cái thì gặp địch phục kích. Chúng bắn Phước gãy chân. Ngã xuống rồi, Phước còn dùng AK quạt lại bọn địch. Chúng ném tới một trái lựu đạn làm nát cả người anh. Sang cũng dùng AK bắn trả mấy loạt rồi mới chịu chạy. Cũng may, đoàn có tới gần chục người, đi liền nhau, gặp đạn địch bắn loạn xạ mà chỉ một mình Phước hy sinh.
Tối, tôi vác cuốc cùng mấy anh em trong trạm 24 đi chôn Phước – người ta đã khiêng Phước về để gần nhà ông Phán. Trời tối thui. Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, tôi thấy Phước được cột dọc theo một cây tre, đặt nằm dài dưới bãi cỏ. San – cô giao liên của trạm 24 – soi đèn sát mặt Phước rồi thốt lên: “Trời ơi, tội quá anh Phước ơi!”. Tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Mới đó thôi, Phước còn sống vui tươi, khoẻ mạnh. Phước vào loại hơi xấu trai, cao và gầy, hàm răng khấp khểnh, miệng quá rộng so với khuôn mặt nhỏ, xương xương. Song Phước rất hay cười, nụ cười rất tươi và cởi mở, dễ chiếm được tình cảm của mọi người. Sáng nay, Phước còn đứng nói chuyện với chúng tôi. Sang trách Giáo là sáng nay không xin đôi dép của một nông dân bị chết vì lựu đạn về cho tôi. Tôi bảo: “Thôi, đồng bào họ nói cho. Nếu như anh em mình thì được, mình sẽ vỗ vai anh bạn hy sinh mà xin đôi dép, chắc anh ta cũng thông cảm !”. Lúc ấy Phước đứng gần tôi, cười cười: “Ừ. anh em mình thì thông cảm thôi, chắc anh bạn đó sẽ đồng ý!”. Vậy mà bây giờ Phước nằm đó, bất động, câm lặng…
Khoảng 8-9 giờ tối, chúng tôi bắt tay vào đào huyệt cho Phước. Trời mưa bụi lất phất. Ánh đèn dầu hắt lên một vùng sáng nhỏ vàng vàng giữa khoảng trời đất đen thẫm. Rồi chúng tôi khiêng Phước về phía huyệt. Tôi đi cuối đoàn, sát với đầu Phước. Mùi máu người tanh vô cùng. Hình bóng Phước cứ hiển hiện trước mắt tôi. Cánh tay trái anh nắm chặt, hơi giơ lên trong tư thế cầm súng. Cánh tay phải bị mảnh lựu đạn làm gãy nát, lủng lẳng, lủng lẳng phía dưới, mỗi khi đi qua một bụi cây, vướng phải cây, cỏ, lại đung đưa, đung đưa. Chúng tôi lót bộ quần áo của Phước dưới huyệt. Xong, tôi cùng một anh giòng giây ở đòn khiêng, đưa Phước xuống huyệt. Xác anh đã cứng đờ, lạnh ngắt. Máu đẫm quần áo, đẫm cả tấm dù bọc xác anh. Ngọc cố ấn cánh tay trái của Phước xuống, song không được. Đành để Phước nằm dưới huyệt với cánh tay trái giơ lên trong tư thế cầm súng bắn. Rồi lấp đất, đắp mộ cho anh. Im lặng, đau đớn tiễn Phước đi. Mưa lâm thâm. Lạnh lẽo vô cùng!
Ra về trong mưa lạnh và trong nỗi buồn thương Phước. Đôi dép cao su của Phước giờ đây đang nâng bước chân tôi. Một cô giao liên ở trạm 23 có thân hình mập mạp nói: “Thật tội nghiệp anh Phước, trưa nay còn đi với bọn mình mà giờ đã nằm đó. Nhưng cũng còn may là chôn cất kịp”. Lan (nữ giao liên) bảo: “Anh Phước sống tội lắm, luôn thông cảm với mọi người, luôn tươi cười, vui vẻ”. Tôi đi sau hai cô, nghe họ thì thầm trong hơi gió lạnh:
– Anh Phước được công nhận đảng viên chính thức rồi…
– Ừ, mới cánh đây ba – bốn bữa.
– Mới 20 tuổi chứ mấy.
– Công tác tiến bộ lắm.
– Anh ấy tội lắm, chỉ lo cho công tác thôi. Anh ấy bảo đi xa trạm có mấy ngày mà nhớ quá, chỉ muốn bay về trạm mà công tác thôi. Mỗi khi nghe nói có địch, mọi người hỏi thì anh trả lời: “Cứ đi, gặp địch thì đánh, không thể để đứt liên lạc được” và đội mũ, xách súng đi liền.
Không thể chờ mua tiếp hàng nữa, chúng tôi phải đi lên. Ở nhà, mọi người đang chờ, công việc đang chờ. Lại bám giao liên lên theo đường Danh Sơn. Lên đèo, ngồi nhìn lại miền xuôi. Phía xa, ở ngọn đồi cao nhất – đồn Chóp Chài – phơi mình dưới nắng. Cả khu đồi trọc lóc, đỏ lói và xen vào những khu nhà trắng. Một con đường ngoằn ngoèo theo triền dốc lên đó.
Lên khỏi Nước Y, chúng tôi định nghỉ một ngày. Song thật dáng ghét, khi mới nấu cơm sáng ăn xong một lát thì lũ máy bay trực thăng ở đâu đột ngột bay tới. Chúng bay thấp tới mức chúng tôi nhìn thấy cả những thằng Mỹ lố nhố trong máy bay qua khung cửa mở toang. Chúng bắn rốc két, đại liên, cối xuống đồi tranh gần đó. Sợ bọn địch đổ quân thì phiền, chúng tôi vội thu dọn đồ đạc, tiếp tục hành quân.
Về tới nóc ông Chanh, không khí thật dễ chịu. Lũ trẻ ùa ra ôm lấy tôi. Chúng bảo bọn con gái đã khóc vì tưởng tôi chết rồi. Tôi thường dạy chúng hát và được chúng rất mến. Chị Lý gọi tôi vào nhà, lấy chuối và đưa nước đoác cho tôi. Chị Chanh vội đi nấu cơm. Đồng bào đã thu hoạch lúa, nhà nhà đều no. Ai cũng tíu tít gọi tôi vào nhà, mừng mừng, rỡ rỡ. Tôi rất cảm động trước tình cảm đó.
Về cơ quan trước sự mừng rỡ của anh em, kết thúc chuyến đi mua hàng, tuyển người 21 ngày đêm nhọc nhằn và căng thẳng của mình.
Tấn công và nổi dậy, tiến về giải phóng Tiên Phước
Từ tháng 3 năm 1975, tình hình chiến trường diễn biến rất nhanh, quân Giải phóng tiến công trên khắp các mặt trận. Sớm ngày 10 tháng 3, quân ta đánh Phước Lâm, Tiên Phước, diệt 17 điểm chốt xung quanh. Ở Tây Nguyên, chúng ta chiếm 2 đường phố của thị xã Buôn Mê Thuột. Các thị xã Kon Tum, Pleiku nằm chơ vơ, không còn đường bộ tiếp tế. Trong khi đó, các Sư đoàn 3, 2, 22 ngụy đang rải ra ở đồng bằng (Quảng Đà, Quảng Ngãi, Bình Định). Việc điều bọn này đi ứng chiến đâu phải chuyện dễ.
Trong không khí tấn công hừng hực ấy, tôi được phân công tham gia chiến dịch: Làm Phó trưởng đoàn đội quân tuyên truyền Khu 5 xuống vùng mới giải phóng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng, ổn định tình hình.
Đoàn chúng tôi có 72 người, do anh Nguyễn Văn Bình làm Trưởng đoàn. Cùng đi có đội chiếu bóng của Điện ảnh, cùng một số diễn viên đoàn Dân ca và Tuồng của Khu. Nhà văn Phan Tứ được Thường vụ Khu ủy cử cùng đi với đoàn chúng tôi.
Tôi đi trước bằng xe U oát để kịp thời nắm tình hình làm tin. Buổi trưa, tạm biệt hậu cứ, với những người đồng chí thân mến và người vợ trẻ, tôi khoác ba lô bước lên xe để tiến về Tiên Phước – quê hương của vợ tôi, cũng là cửa ngõ chiến dịch xuống đồng bằng của quân Giải phóng Khu 5. Xe lạng lách trên những con đường ô tô ta mở xuống tận sát trung tâm quận lỵ. Dọc đường, đầy những xe tải chở vũ khí và các chiến sĩ Giải phóng, có cả những chiếc xe tăng hùng dũng.
Chiều, thấy 2 chiếc máy bay AD6 quần thả bom ở ngã ba Cây Cốc và dọc đường vào quận lỵ Tiên Phước. Chúng bay trên cao. Những chùm đạn cao xạ của ta nổ bùm bụp, toả khói trắng xung quanh.
Đêm, một máy bay cánh quạt C130 quần lượn, bắn ò ò một hồi rồi cũng cút. Địch phản ứng yếu ớt.
Ban chỉ huy Tiền phương của chúng tôi đóng ở một vùng rừng thưa, không dân, cách huyện lỵ Tiên Phước khoảng trên chục cây số. Phải đào hầm phòng phi pháo. Tối, làm việc sơ bộ với Huyện ủy mới. Tình hình phát triển rất nhanh. Toàn bộ địch ở Phước Lâm đã bỏ chạy. Ta cũng đã tiến vào quận lỵ Tiên Phước. Kiểu này sẽ có rất nhiều tàn binh lẩn trốn.
Có buổi, chúng tôi đang họp nghe báo cáo tình hình chiến sự thì địch dội pháo tới, mảnh văng sàn sạt quanh hầm. Tôi muốn lao ngay vào Tiên Phước, nhưng Ban chỉ huy vẫn trụ lại nơi này.
Ngày 11 tháng 3, trời nắng rực rỡ. Nghe pháo nổ ì ầm phía Tiên Phước. Có thông tin là ta đã bắt trên 100 tù binh, thu 10 pháo, 11 xe.
Ngày 12 tháng 3, tôi ra trại tù binh do quân Giải phóng mới lập để giam số lính ngụy vừa bị bắt, toàn là lính Bảo an, Dân vệ.
Gặp anh Duk, người dân tộc Sêđăng, du kích Bắc Bền (nay là xã Trà Linh, huyện Nam Trà My), đang đứng đón tù binh vào trại, tôi hỏi có bao nhiêu tên, anh cười hồn nhiên: “Nhiều quá, mình không biết đếm!”.
Anh em trong trại mời tôi nói chuyện với bọn tù binh. Tôi nhấn mạnh rằng tình hình chiến sự đang sôi động, quân cách mạng đã tỏa xuống đồng bằng, làm chủ hầu hết địa bàn, do vậy, tốt nhất là ở yên trong trại, đừng tìm cách trốn chạy mới mong an toàn tính mạng. Có một tên chuẩn uý Bảo an mắc bệnh xã hội, lở lói cùng mình, tôi bảo anh em coi trại thả ra, cho về nhà chữa bệnh.
Từ ngày 13 tháng 3, tôi rời Ban chỉ huy Tiền phương để vào Tiên Phước. Không thể cứ ngồi ở sở chỉ huy mà nghe ngóng mãi. Phải tận mắt chứng kiến những biến động lịch sử hiện nay, tận mắt chứng kiến cảnh nhân dân phá khu dồn, về vùng giải phóng và làm chủ vùng mới giải phóng. Hai xe Giải phóng chở quân Tuyên huấn của đoàn anh Bình đã đi Tiên Phước trước tôi rồi.
Nghe tin cả 2 xe của đoàn bị lật ở phía trên Cống Vôi. Chắc chạy đường bằng, rộng, tốc độ nhanh, không quen! May không ai chết.
Hồi nửa đêm về sáng nghe pháo ta nổ cấp tập hướng Suối Đá, Dương Con. Bọn biệt động và Trung đoàn 4 – Sư 2 ngụy lên phản kích, đóng ở chân núi này.
Thị trấn dưới quyền kiểm soát của chúng ta có gương mặt xán lạn, hồ hởi. Tôi viết một bài ghi nhanh gửi về Khu, sau đó nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã thấy phát sang sảng. Tôi làm việc cật lực: khai thác tài liệu, viết tin, rồi ngồi quay ragono (máy phát 15 Wat) để điện báo viên chuyển tin về Khu… Khoẻ mạnh và hồ hởi, ít ăn, quên ngủ, lòng tràn ngập niềm vui.
Thật là sung sướng, Ngân, vợ tôi, cũng được tham gia chiến dịch và dịp này đã nhập vào đoàn quân của tôi. Thế là không những chúng tôi được kề vai sát cánh trên chiến khu cùng nếm trải mọi nỗi nhọc nhằn mà còn được gắn bó với nhau trên đường giải phóng quê hương đầy vinh quang. Chúng tôi gặp được người nhà của Ngân vừa bung từ khu dồn về, mừng mừng tủi tủi, ôm nhau khóc hoài. Má Nga – mẹ kế của Ngân, người đã có công nuôi Ngân từ tấm bé – đang ở tạm nhà của một người dân ở xã Phước Kỳ, gần thị trấn Tiên Phước, kể cho chúng tôi nghe chuyện khổ cực những tháng năm nằm trong vùng kìm kẹp của địch. Vậy mà má vẫn giữ nguyên 5 chỉ vàng do ba Ngân giao cho lúc ông sắp hy sinh, và dúi vào tay Ngân! Ôi, lòng người mẹ nào cũng mênh mông như trời biển, không ai lường hết được tình yêu thương, đức hy sinh cao cả của người! Chúng con xin nhận ở má trọn vẹn tình cảm sâu nặng, còn hơn ruột thịt, nhưng xin người giữ lấy chút của để về quê gây dựng cuộc sống mới! Bây giờ, má thiếu mặc, thiếu cả muối. Chúng tôi đang trên đường đi chiến dịch, chỉ kiếm được cho má 3 lon muối và mấy bộ quần áo cũ!
Tình hình dân bung từ các khu dồn về cũng giống gia đình má Nga: Thiếu gạo, muối, mì chính. Chính quyền cách mạng đã tổ chức cho quần chúng mua lương thực, mở các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm cho dân ở Phước Hiệp, Kỳ Sơn. Tuy vậy, nhiều người cũng không có tiền để mua hàng hóa. Chính quyền giải quyết bằng cách vận động nhân dân giúp nhau, trường hợp quá khó khăn thì cho mua chịu.
Tôi ghi lại tình hình Tiên Phước trong bài viết dưới đây.

TIÊN PHƯỚC NHỮNG NGÀY SÔI ĐỘNG

Suốt mấy ngày nay, cả huyện Tiên Phước sống trong bầu không khí sôi động lạ thường. Cái ổ ung nhọt lớn của bọn Thiệu gây nhức nhối bấy lâu trên vùng đất này, đã bị quân và dân ta phá vỡ. Hai chi khu quân sự, 74 chốt điểm địch đã dày công xây dựng bỗng chốc biến thành tro bụi. Sáu tiểu đoàn Bảo an, 39 trung đội Dân vệ, 32 liên toán Phòng vệ dân sự, cùng toàn bộ hệ thống kìm kẹp của bọn Thiệu bị đánh tả tơi.
Trong những ngày đầu giải phóng, đi trên những con đường ô tô xuyên huyện hoặc những con đường mòn xuyên xã, tôi gặp nhiều tù binh lếch thếch kéo nhau về trại. Bên bờ sông Tiên, chừng gần trăm tên đang ngồi chờ dẫn lên tuyến trên. Tôi gặp một tù binh tên là Lê Trường Sổ, 17 tuổi, cấp bậc binh nhì, thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 135 địa phương quân, đóng ở dương Bàn Quân. Sổ cho biết: trước khi bị tấn công, đơn vị hắn đã nhịn đói hai ngày vì sợ nấu cơm có khói, quân Giải phóng pháo kích. Hôm bị tấn công, ngay từ mấy loạt pháo đầu, cả đơn vị hắn đã bỏ chạy, vậy mà cũng không tránh khỏi những đòn trừng trị. Hắn kể: Sáng ngày 10 tháng 3, đạn pháo của quân Giải phóng nổ trúng ngay giữa đồn, giết chết 20 tên. Tên Truyền, tiểu đoàn trưởng, nói với bọn hắn: “Pháo quá trời, chịu chi thấu, chạy bớ tụi bay”. Rồi tên Truyền biến mất. Đơn vị hắn chạy tan tác mỗi đứa một ngả. Hắn mò đến chân núi thì vì mệt và đói, không chạy nổi nữa.
Được biết, trong số tù hàng binh có tên thiếu uý Thê, phân chi khu trưởng phân chi khu Phước Lộc, sau khi bị bắt, đã dùng loa kêu gọi đồng bọn ra hàng, tôi liền đến hỏi chuyện. Thê cho biết, tuy đồn hắn chưa bị tấn công, nhưng thấy đồng bọn ở Dương Ươi bị tê liệt trong phút chốc và bị mất liên lạc với chi khu, hoảng sợ quá, đơn vị hắn đã bỏ chạy. Tôi hỏi hắn nghĩ thế nào mà kêu gọi đồng bọn ra hàng, hắn nói, trước đây hắn bị lừa dối, nay bị bắt, được cách mạng đối xử nhân đạo nên làm việc đó để lấy công chuộc tội, và cũng để đồng ngũ được hưởng lượng khoan hồng như hắn.
Tôi còn hỏi chuyện các tên trung uý Phan, thiếu uý cảnh sát Nguyễn Minh Cứ, thiếu uý Trần Văn Song và nhiều tên khác, tên nào cũng thể hiện sự khiếp sợ của mình trước sức tiến công vũ bão của quân Giải phóng, và oán trách cấp trên của chúng đã cưỡng bức, lừa dối. Họ đều biết ơn cách mạng đã đối xử nhân đạo với binh sĩ Sài Gòn bị bắt.
Rời đám tù binh, tôi đi tới trạm lương thực của huyện. Ở đây, công việc thật nhộn nhịp, xe tới lui, người qua lại chuyển gạo như thoi đưa. Tôi gặp đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng huyện, đẫm mồ hôi, đang vác một bao gạo lớn chất lên xe. Đồng chí Chủ tịch tuy bận việc suốt ngày đêm, nhưng hôm nay cũng tranh thủ ra giúp đội công tác chuyển gạo về vùng mới giải phóng. Vùng giải phóng mở ra rộng, thật phấn khởi, đồng thời cũng thật nhiều công việc phải lo toan. Việc trước mắt là phải thu xếp nơi ăn, chốn ở cho đồng bào từ các khu dồn về, hoặc sơ tán từ những nơi ác liệt đến. Gạo trên đã cấp, huyện phải lo chuyển tới tận tay bà con. Công sức dồn vào đây không phải ít. Hàng chục thanh niên xung phong và cán bộ phía sau của huyện hăng hái làm việc đó.
Với tấm lòng nhiễu điều phủ lấy giá gương, đồng bào vùng giải phóng cũ đã cùng cán bộ dựng nhà giúp đồng bào mới giải phóng. Những ngày trước đây, bà con đã chuẩn bị sẵn mỗi nhà 10 cây tre, tranh, hom, lạt… Bởi vậy nhà cửa cứ đua nhau mọc lên. Trong khi ấy, đồng bào cũng đua nhau bung về. Từ 10, 20 tăng lên 50, 55 người. Lo cho dân ăn ở, chính quyền cách mạng còn chăm lo sức khoẻ cho dân nữa. Anh Hoàng, phụ trách y tế huyện, cho biết: Huyện đã tổ chức được một nhà thuốc, lập hai đội phẫu, một đội sơ cứu, 10 tổ y tế lưu động đi khắp các xã, thôn chăm nom sức khoẻ cho đồng bào. Tới một khu nhà mới dựng, xung quanh quét dọn sạch sẽ, tôi gặp hai cán bộ y tế đang phun thuốc trừ muỗi. Anh Hoàng cho biết đồng bào ở trong khu dồn sống cơ cực nên sức khoẻ yếu. Vì thế, chính quyền cách mạng đã lo ngăn chặn dịch bệnh cho đồng bào từ đầu. Tất cả bà con mới về đều được uống thuốc phòng sốt rét kèm thuốc bổ để trợ sức.
Đem theo niềm vui của những người dân mới được giải phóng, tôi rảo bước theo con đường tiến về quận lỵ. Nhìn cảnh những chốt điểm, đồn bót địch như Dương Dẽ, Dương Ươi, điểm cao 211 v.v… tan hoang xơ xác, nằm phủ phục dưới bầu trời trong xanh, nhìn cảnh những xóm làng vừa thoát khỏi ách kìm kẹp của địch đang đổi sắc thay da, lòng người nào chẳng bồi hồi xúc động. Cuộc sống thay đổi nhanh quá. Chỉ vài ngày sau khi bọn địch bị quét sạch, chính quyền cách mạng các thôn, xã đã ra mắt, lãnh đạo nhân dân ổn định đời sống. Cán bộ tỏa đi tìm dân tạm lánh khi xảy ra chiến sự, đưa về nhà cũ. Cán bộ trông nom, bảo vệ tài sản cho dân. Đồng bào trở về nhà ngày càng nhiều; khắp các xã đều có những cuộc mít tinh chào mừng ngày Giải phóng. Ở xã Phước Lâm – nơi bọn tề lưu vong của quận Hậu Đức đặt làm quận lỵ – có tới trên 700 người dân dự mít tinh. Mọi công việc nhanh chóng vào nề nếp. Bà con cuốc khoai, xắt khoai, sửa lại bờ xe nước, đào hầm, dựng lại nhà cửa…
Và đây, quận lỵ Tiên Phước đã hiện ra trước mắt tôi với bộ mặt thật rạng rỡ. Đường tấp nập người qua lại. Chợ quận và các cửa hàng tạp hoá, thực phẩm, gạo… người tới lui, mua bán. Trên nóc nhà thông tin của địch trước đây, lồng lộng tung bay lá cờ xanh đỏ sao vàng. Nổi bật trên cổng chợ tấm băng đỏ mang dòng chữ lớn: “Kiên quyết đánh bại âm mưu phản kích lấn chiếm của địch, bảo vệ và giữ vững thành quả cách mạng”. Tôi được biết băng khẩu hiệu đó do chính tay những thanh niên ở quận lỵ mới giải phóng này căng lên. Những thanh niên ấy giờ đây không còn phải trốn chui, trốn lủi vì sợ bị bắt vào lính ngụy nữa. Họ hớn hở tự do đi trên đường phố làm những việc có ích cho quê hương. Họ xoá các dấu tích của địch, viết khẩu hiệu, treo cờ, dán thông báo, mệnh lệnh của cách mạng. Họ nhanh chóng đứng vào các tổ chức cách mạng. Ở đây vừa thành lập bốn chi hội Thanh niên giải phóng. Trong buổi lễ, thay mặt cho các bạn, cô Phấn phát biểu: “Em không nói nhiều nhưng những hành động của em và các bạn em sẽ nói lên tình cảm của chúng em đối với cách mạng”. Tôi biết, trong mấy ngày qua, Phấn không nề hà một việc gì khi cán bộ phân công: nào viết khẩu hiệu, dán mệnh lệnh, nào vận động, tổ chức thanh niên vào đội ngũ. Cứ như thế, Phấn và lớp thanh niên ở đây đang mạnh bước tiến theo con đường mà cách mạng mở ra cho họ – con đường của người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
Cùng với thanh niên, các đoàn thể quần chúng khác như thiếu niên, phụ nữ, phụ lão… đã được thành lập. Đội Thiếu nhi giải phóng mới thành lập đã trống dong cờ mở, đi cổ động, mừng cuộc sống mới. Các bậc cha mẹ, anh chị gấp rút tiến hành những công việc góp phần giành giữ quê hương. Bà con nhanh tay đào nhiều hầm hào phòng tránh bom đạn. Bác Lê Tới là người đầu tiên đào hầm phòng tránh và vận động bà con trong phố cùng đào. Từ dãy phố ấy, hầm hố lan ra khắp nơi. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của người dân Tiên Phước đều nói lên lòng tin tưởng và quyết tâm giữ vững quê hương giải phóng của mình. Khi kể cho tôi nghe những chuyện trước đây về bọn địch, như chuyện một người lính ngụy tự chọc kim và đổ mủ xương rồng vào mắt để khỏi phải ra trận, chuyện cả đại đội Bảo an góp tiền lo lót cho tên chỉ huy tiểu đoàn để khỏi phải đóng quân ở nơi nguy hiểm, chuyện vừa qua có đơn vị đã bỏ chạy trước khi bị quân Giải phóng tấn công, một công nhân xe thồ kết luận: “Chúng nó nhất định phải thua trước sức mạnh tấn công và nổi dậy của ta”.
Tin vào chính sách khoan hồng của cách mạng, những gia đình có người thân cầm súng cho địch đã đi kêu gọi chồng con còn lẩn trốn trở về. Chị Vân ở thôn Bình An gọi về một lúc 6 lính dân vệ. Anh Niệm đã dẫn 7 lính tới đăng ký và nộp vũ khí cho cách mạng. Ở các địa điểm đăng ký, lúc nào cũng có người đến xin được tiếp nhận. Tại nơi đăng ký ở trung tâm quận lỵ, một lính dân vệ xin trở lại nơi lẩn trốn để lấy vũ khí về nộp, sau đó đã về nộp 1 súng M.79 và nhiều đạn. Anh ta được cấp giấy và trở về nhà. Lúc tôi đến, bà mẹ vợ anh ta mừng mừng tủi tủi nói: “Thiệt may phúc, tôi tìm gặp, kêu được hắn về”.
Bà con ở đây hiểu rằng, những người đã lầm đường, lạc lối theo địch, nay ra trình diện với cách mạng thật là có phúc lớn, nếu không sẽ chết uổng mạng. Con số người ra đăng ký tăng lên vùn vụt, từ hàng chục lên hàng trăm. Đến nay, toàn huyện đã có gần 600 binh lính, sĩ quan, cảnh sát và nhân viên ngụy quyền Sài Gòn đem theo nhiều vũ khí, tài liệu ra trình diện với cách mạng và đã được đối xử tử tế.
Về chiều, quận lỵ Tiên Phước càng đông vui. Mọi người ra đường nghe loa truyền thanh, xem tranh ảnh, áp phích của cách mạng.
Tiên Phước sôi động, náo nức và cảnh giác. Trưa hôm nay 17 tháng 3, một máy bay A37 của địch mò đến xâm phạm vùng giải phóng đã bị quân và dân trong vùng quật tan xác, đâm đầu dưới chân núi Sấu. Đòn trừng trị lũ giặc trời, bảo vệ vùng giải phóng càng làm nức lòng quân dân Tiên Phước – động viên họ thừa thắng xốc tới lập những chiến công vang dội hơn nữa.
Ngày 24 tháng 3 năm 1975, chúng tôi nghe tin ta đã giải phóng thị xã Tam Kỳ. Dân túa ra đường vỗ tay reo hò. Có người khóc vì vui mừng. Những chiếc honda lao vùn vụt về phía đường số 1.
Ngày 25 tháng 3, chúng tôi tiến vào Tam Kỳ. Đông vui tấp nập.
Quảng Nam, mảnh đất thấm đẫm tình người
Sau ngày Quảng Nam, Đà Nẵng vừa được giải phóng, chúng tôi về thăm gia đình vợ tôi ở Phước An, Tiên Phước. Trên mảnh đất còn loang lở vết đạn bom, người dân Tiên Phước không quản ngại khó khăn, gian khổ, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Bà con nhanh chóng dọn cỏ, cày bừa, trồng trọt trên những thửa ruộng bị bỏ hóa. Rồi trồng lại cây hạt tiêu, cây quế. Rồi chăn nuôi gia súc… Với tinh thần “Trung dũng, kiên cường”, người Quảng Nam tiếp tục đi đầu trên mặt trận mới – mặt trận kinh tế, tạo nên những kỳ tích mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Tri ân mảnh đất ân tình này, tôi đã viết ca khúc Quê vợ tôi – Quảng Nam thân thương, với ca từ như sau:
Quê vợ tôi – Quảng Nam, Tiên Phước
Đất núi đồi, mưa chưa thấm đã khô
Dòng sông Tiên uốn khúc lững lờ
Tắm mát quê hương nhà bằng câu hát “Lý thương nhau”
Người nơi ấy đằm thắm, kiên trung
Qua muối mặn gừng cay xây cơ đồ rạng rỡ
Ở nơi đây, vượt qua ngàn bão tố
Tôi rõ hơn chính mình và học được câu ca:
“Thương nhau dù mấy núi cũng trèo
Thương nhau cùng vượt thác ghềnh
Cùng sẻ chia mọi buồn vui
Cùng hướng tới ngày tươi sáng”
Bài ca ấy đi cùng tôi biết bao năm tháng…
Qua những trận mưa rừng lở núi trôi sông
Vượt qua những ngày đói cơm nhạt muối
Qua những trận bom cày đạn xới
Càng bầm vập nghĩa tình càng gắn bó keo sơn…
… Chiến tranh lùi xa
Mầm xanh trỗi dậy
Quế lại xanh rừng
Tiêu lên mươn mướt
Đập Phú Ninh nước về chan hòa
Đồng ruộng bao la dập dờn biển lúa
Dòng sông Tiên lững lờ uốn khúc
Rì rầm ca mãi câu hát “Lý thương nhau…”
Đất Quảng quê ta ngày một đổi mới
Vẫn còn nhớ mãi ngày kháng chiến trường kỳ
Tuổi trẻ qua đi
Tình yêu ở lại
Người ơi hát mãi câu hát “Lý thương nhau…”
Xin gửi tới Quảng Nam câu hát “Lý thương nhau”, câu hát sẽ ngân vang mãi trong cuộc đời tôi…

P.V.L.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây