Khúc du ca từ miền suy tưởng – Tác giả: Phạm Vân Anh

Khúc du ca từ miền suy tưởng - Tác giả: Phạm Vân Anh

Nhà thơ Hoàng Quý tại buổi ra mắt sách của mình.

Định danh trong văn đàn với thi pháp ấn tượng, giọng thơ tinh tế, vạm vỡ và vững chãi; tiếng thơ đa thanh, trong trẻo đầy biến ảo; tứ thơ sâu lắng, nhiều lớp nghĩa và đầy ma lực, nhà thơ Hoàng Quý luôn tâm niệm: “Văn học chia sẻ và cho tôi quyền chia sẻ. Văn học cho tôi phiêu linh miền tự thoại và đôi khi đối thoại với miền người”. Từ miền suy tưởng riêng có trong tư duy và cảm thức thi nhân, ông đã trình làng các tập thơ Giấc phì nhiêu (1996), Đi bên mùa lá rụng (2000), Ngang qua cánh đồng (2002), Giả trang (2007) cùng hai trường ca: Đối thoại trắng (2004), Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc (2011) và mới đây nhất là Tuyển tập thơ Hoàng Quý (2022)… 

Có thể nói, thơ Hoàng Quý có biên độ rộng và mở như chính cuộc đời khoáng đạt và đầy trải nghiệm của ông. Và qua thơ, có thể hình dung rõ nét những chặng đời mà Hoàng Quý đã trải qua với nhiều chức phận khác nhau từ một người lính chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, một nhà nghiên cứu văn hóa sâu sắc, tinh tường, một chuyên viên chống ăn mòn kim loại kỹ thuật cao và nhiệt thành yêu nghề. Nhưng say đắm nhất, yêu thương nhiều nhất trong ông có lẽ là “nghề” làm thơ. Bởi chỉ cần ngắm nhìn ông nói chuyện thơ, bình thơ và ngân lên những thi khúc của bạn bè, của chính mình qua giọng đọc sang sảng, ngữ điệu truyền cảm thì đủ hiểu thơ ca với ông là máu thịt, là thiêng liêng đến nhường nào.

Sinh thời, nhà thơ Trinh Đường từng nhận xét: “Hoàng Quý có một giọng thơ riêng, rất riêng. Hình ảnh trong thơ lạ, do cảm xúc lạ của nhà thơ. Cùng một cảnh vật ấy, trong mắt Hoàng Quý đã biến ảo như trong một thế giới khác, gây buồn sâu hơn và gợi nghĩ nhiều hơn (…) Hoàng Quý có những bài thơ rất “lắng”, lại cũng có những bài thơ rất “lẳng”, như những sắc độ khác nhau của tâm hồn và khoảng khắc người mà để ghi lại được phải có đủ sự tinh tế cùng với hồn nhiên”. Cá nhân tôi, là một tác giả ở thế hệ sau, có điều kiện đọc và cảm nhận hầu hết các tập thơ và trường ca của Hoàng Quý, tôi cho rằng những nhận định của nhà thơ Trinh Đường là hết sức sát đúng.

Tôi đã đọc ông qua hai giai đoạn. Trước tiên là những tác phẩm sáng tác kho Hoàng Quý công tác tại Ty Văn hóa và sau đó là Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Các bạn văn của ông khi đó như nhà văn Sao Mai, nhà thơ Hoàng Hữu, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đều gọi ông là “Vua Mèo” bởi sự lăn lộn, thiết tha và trách nhiệm với công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian. Hẳn vì lẽ ấy, mà ở thời kỳ “Tráng niên đại mộng” này, Hoàng Quý đã có được hai công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành văn hóa nói chung và văn nghệ dân gian nói riêng. Ông đã góp phần phục dựng thành công các bài đánh trống đồng cổ và điệu trống hùng thiêng cùng dàn cồng đồng đã ngân tiếng núi sông ngàn năm tại đển Thượng, trong Lễ hội Đền Hùng năm 1979,

Một tác phẩm khác của ông mà từ khi còn trẻ tôi đã đọc một số trích đoạn giới thiệu trong tạp chí văn nghệ dân gian những năm đầu thế kỷ 21 là cuốn Truyện cổ Mường Châu Phong. Ở đó là những câu truyện cổ được các nghệ nhân, các bậc cao niên của các vùng Mường trung du kể cho ông ghi lại và văn học hóa, văn bản hóa thành một tác phẩm dày dặn, nhiều cảm xúc và tính tư liệu dã sử của một cộng đồng người được đưa đến độc giả một cách cuốn hút. Và nhờ đọc một số mẩu chuyện này, tôi đã dễ dàng chinh phục được bên ngoại của chồng tôi bây giờ bởi ông bà cùng các cô bác vốn là người Mường. Đặc biệt nhất cả tập có lẽ là bài Ngẫu hứng qua Mường với lời thơ lấp lánh được chuyển hóa thành lời thoại của các nhân vật thật ấn tượng, cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời của tâm hồn người Mường và tình thú của trai gái Mường: “Một năm Hội Tú Mường chỉ có một lần/ Một năm anh ơi nhớ mà đến chơi với em, với hội!/ No xôi, no thịt thì cứ chơi liền liền đi/ Trên đầu lắc lư con ma rượu rồi có đứa trốn ra nương, hai đứa khéo mà thành một đứa”.

Giai đoạn tiếp theo của Hoàng Quý thì gần như ông hoàn toàn tập trung cho thơ, nhất là khi ông cùng gia đình định cư tại thành phố biển Vũng Tàu. Ở tuổi 44, người thơ từ miền sóng ấy mới xuất bản tập thơ đầu tiên có tên Giấc phì nhiêu. Một giọng thơ tân cổ điển đã vút lên, khiến nhà thơ Vân Long phải thốt lên rằng “Hoàng Quý ít có những câu thơ có độ tu từ quánh, chặt, mà đôi lúc anh lại làm lỏng ra để thổi hồn mình vào: “Ừ! Mùa thu nào có nhiều nhặn gì/ Em cứ đẹp nhiều vào cho đường phố trẻ”. Hoặc: “Trời chưa làm thu đãi đằng thiên hạ/ Cây giương con mắt lá như người”. Đó là những dòng thơ mang phẩm cấp thi sĩ”.

Ở trong thơ Hoàng Quý, thấy được cái tôi trữ tình hòa quyện với cái tôi cá nhân ngang tàng, giao thoa với cái ta đầy trách nhiệm của một con người trước nhân dân, đất nước. Điều đó được biểu hiện bằng một giọng thơ riêng, lạ, một tình cảm nồng nàn, say đắm cùng những liên tưởng bay bổng, bất ngờ rất Hoàng Quý. Và sau mỗi bài thơ, là sự nồng hậu, nhạy cảm, thẳng thắn đã thấm từng câu chữ như chính sự ấm áp, chân thành của ông dành cho bạn bè, đồng nghiệp. Sau tập thơ Giấc phì nhiêu, ông liên tiếp trình làng những thi phẩm mới như Đi bên mùa lá rụngNgang qua cánh đồng và tập thơ Giả trang, trường ca Đối thoại trắng… Tập thơ nào cũng đầy đặn, cuồng nhiệt và miên man nhạc điệu, khiến cho người đọc như thấy quanh mình là những khúc biến tấu của thiên nhiên.

Xin dẫn chứng ra đây những câu thơ, bài thơ găm sâu về thân phận con người, nhân dân làm người đọc rạo rực, bồi hồi trăn trở và những câu thơ, bài thơ lắng sâu về Tổ quốc, Nhân dân: “Nếu bạn hỏi Đất Nước tôi bao tuổi/ Xin hãy đếm những ngấn bùn châu thổ quê tôi/ Nếu bạn hỏi về tầng sâu lịch sử/ Xin đếm những ngấn bùn bồi đắp nước non tôi” (Trích Trường ca Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc) hay  “Ôi! Nhân dân kiêu dũng của tôi/ Nhân ái và thật thà/ Cởi mở và bồng bột/ Người nâng thuyền mà nổi trôi như lá/ Người bộc trực, tuềnh toàng/ Cả nghe và hiếu thiện/ Tin đạo mà chở đạo/ Đạo rối/ Thuyền chao/ Qua mỗi cửa bão giông lại đắm đuối nâng thuyền/ Néo chèo theo lái/ Bến yên bình một giấc tít xa/ Mà người có bao giờ không nhẹ dạ” (trích trường ca Đối thoại trắng).

Bằng bút pháp “nội tĩnh ngoại động” và đôi khi là ngược lại, cách lập tứ trong thơ Hoàng Quý cũng có nhiều điểm khác biệt. Ngôn từ đẹp, sang trọng kết hợp với cấu trúc thơ giàu nhạc tính và một tư duy thơ vừa văn minh vừa truyền thống đã giúp cho thơ ông có hài hòa, tinh tế, nhuần Việt, đầy sinh khí nhưng tính dự báo, sự tiên lượng về xã hội, thời cuộc cũng khá rõ. Nhiều bài thơ dù có vần điệu hay tự do cũng đều triển khai khá hiệu quả tứ và tình của tác giả: “Ở phía trước/ Ở phía trước nữa/Ai như ta?/ Ai đã là ta?/ Chao ôi! Đời nến sáp/ Ta đấy à, hay chưa từng ta!”, (Đêm nghe gió qua vườn); “Sao cứ nhớ vu vơ như chưa từng được nhớ/ Trang thơ xanh. Và những cánh đồng chiều/ Càng đọc càng thấy mình nhẹ dạ/ Sự cả tin thường xót xa nhiều” (Trước mùa thu) hay “Lỗi của ta là rất nhiều yêu/ Lỗi của ta là quá nhiều say đắm/ Quá nhiều cả tin/ Quá nhiều hi vọng/ Trước trùng vây phờ phỉnh hư danh” và “Tôi tìm mãi vòng trời anh vẫy cánh/ Tìm mãi cái đường bay anh mường tượng trong thơ/ Con ong trước lúc lấy được một phần nghìn gram phấn hoa về gieo giọt mật/ Nó phải vòng vo đo đếm trăm lần rồi mới lao đi/ Mà cái hướng nó bay, cái vệt nó lao trong trời hun hút ấy/ Thiếu gì những quạ đen và chim cắt rình chờ…” (Hãy biết yêu rồi hãy đau).

Đọc thơ Hoàng Quý, sẽ thấy ấn giấu sau mỗi bài thơ không chỉ mới, lạ ở cách nói, mà còn vạm vỡ ở cả phương diện tu từ học với những hình ảnh nhân hóa, trừu tượng được đan cài khéo léo trong mỗi câu thơ, thúc đẩy trường liên tưởng thú vị và cả sự sáng tạo trong suy luận, tưởng tượng của bài thơ ở các chiều kích khác nhau. Đơn cử như việc ông sử dụng các từ, câu như: “cánh đồng đời”, “giấc mơ phì nhiêu”, (Giấc phì nhiêu), “Trên đĩa dầu loang loáng của kiếp người” (Tự khúc) “Đời người thêm một đoạn văn viết dở…” (Điệp khúc), “Chợt nhớ ngày xa ấy gió/ Đuềnh đoàng nón thúng quai thao…/ Chợt nhớ ngày xa ấy chiều/ Hai bờ sương khói như reo” (Chợt nhớ sông Cầu)… đều là hình thức tiếp – thủ – ngữ và tiếp – vĩ – ngữ nhuần nhuyễn.

Là thế hệ con cháu, có lẽ tôi không thể cảm nhận và đánh giá hết được tầm vóc và giá trị của thơ ông. Vì thế, xin được dẫn lại đánh giá của hai nhà thơ đàn anh khi nói về Hoàng Quý, ngõ hầu để mọi người rộng đường tâm cảm trước khi bước vào miền suy tưởng của gã du ca Hoàng Quý. Người thứ nhất là nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: “Hoàng Quý là một thi sĩ tài năng bẩm sinh, giọng thơ rất riêng đầy ma lực và khác thường, một giọng thơ độc đáo, một tâm tưởng độc đáo và thi pháp độc đáo. Thơ của nhà thơ tài năng và lãng tử này rồi sẽ còn phải bàn đến vào lúc những giá trị thật của thi ca được định giá sòng phẳng. Hoàng Quý là nhà thơ luôn mang nghĩa cử của một thi sĩ đích thực trong cái không gian sống đã chen chúc nhiều tệ hại”.

Còn người thứ hai là Du Tử Lê: “Tôi muốn nói với Hoàng Quý, thi ca là chiếc cầu nối quá khứ nghìn năm một đất nước. Hầu khua thức hồn thiêng dân tộc và tìm về cuống rốn cội nguồn một tổ quốc, hôm nay. Sau khi đọc “Ngẫu hứng qua Mường” và, “Những ngấn bùn trên mũi chân tổ quốc,” tôi muốn mượn câu thơ mở đầu bài “Tự khúc” của ông: “Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới” để nói với ông rằng: Vâng. Ông “đã đến đã gieo trồng và vun xới” cho thơ hiện đại, như một hiện diện vững chãi, khả tín trước những sạt, lở thi ca và chữ, nghĩa châng lâng, bập bềnh mảng tối”.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây