Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Sử học

Sáng 28/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Viện Sử học tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (2/12/1953-2/12/2023).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định thành tựu Viện Sử học đã đạt được là toàn diện, cả về nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ cũng như về đào tạo đội ngũ cán bộ, hợp tác quốc tế, phối hợp với các ngành, các địa phương… Những thành tựu ấy là niềm tự hào to lớn của các thế hệ cán bộ Viện Sử học trong suốt 70 năm qua.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tình hình và nhiệm vụ mới hiện nay, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cho rằng, cần tích cực xây dựng đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ; tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế – xã hội cho các bộ, ngành, các địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện. Viện Sử học cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao để xứng đáng với những thành tựu trong quá khứ và đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, xứng đáng là đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Ky niem 70 nam - Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Sử họcTS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao Bằng khen cho Viện Sử học và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (phải).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tiến sĩ Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học cho biết, trong 70 năm qua, các hoạt động của Viện Sử học tập trung thực hiện và đạt được những thành tựu quan trọng. Đó là nghiên cứu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam, biên soạn các bộ thông sử, sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và công bố tư liệu lịch sử, biên soạn các bộ sách công cụ, thực hiện những nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch về văn hóa, khoa học xã hội, hợp tác với các ngành, các địa phương và quốc tế, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử.

Trong 70 năm hình thành và phát triển, những thành tựu của Viện Sử học đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao qua những phần thưởng cao quý.

Năm 1980, Viện Sử học được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Huân chương Lao động hạng Nhì.

Năm 1998, trong dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập, Viện Sử học vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Năm 2000, Viện Sử học lại vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.

Ky niem 70 nam 2 - Kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Sử họcMột tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm.

Cùng với những danh hiệu cao quý mà tập thể Viện Sử học được phong tặng, nhiều nhà khoa học của Viện đã được Nhà nước trao tặng các phần thưởng cho các công trình nghiên cứu.

Nhấn mạnh mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược của Viện Sử học thời gian tới, Tiến sỹ Lê Quang Chắn chia sẻ, Viện tiếp tục xây dựng Viện Sử học trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học lịch sử của đất nước, giải quyết những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam và thế giới; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Viện Sử học sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học lịch sử có trình độ cao cả về số lượng và chất lượng; góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội quan trọng theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ về những vấn đề kinh tế – xã hội cho các bộ, ngành, các địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Sử học.

Cùng với đó, Viện Sử học tiếp tục nghiên cứu và biên soạn các bộ lịch sử chuyên ngành và lịch sử các địa phương, lịch sử các nước trên thế giới phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường hội nhập quốc tế qua việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn có uy tín; nâng cao chất lượng của Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.

Viện Sử học tiền thân là Tổ Lịch sử thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử-Địa lý-Văn học được thành lập ngày 2/12/1953 tại chiến khu Việt Bắc theo Quyết định số 34 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Trong số các thành viên sáng lập và lãnh đạo Ban Nghiên cứu Lịch sử-Địa lý-Văn học lúc đó có 4 thành viên của Tổ Lịch sử, gồm: Trần Huy Liệu, Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh và Trần Đức Thảo. Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu là Trưởng ban, đồng thời là người trực tiếp phụ trách Tổ Lịch sử.

Sang năm 1960, để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ngày 6/2/1960, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 039-TTg thành lập Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Cơ quan ngôn luận của giới sử học Việt Nam từ tập san mang tên Văn Sử Địa được chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Sự ra đời của Viện Sử học là một bước tiến trên con đường xây dựng một Viện nghiên cứu đầu ngành về sử học nói riêng và về khoa học xã hội ở nước ta, nói chung.

Thanh Xuân

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây