Lâm Thị Mỹ Dạ trong mắt các bạn văn

Lâm Thị Mỹ Dạ trong mắt các bạn văn

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh ngày 18 tháng 9 năm 1949, quê Lộc Thủy, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Bà là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Xuất hiện từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt trên cả hai miền đất nước, sáng tác của Lâm Thị Mỹ Dạ là tiếng nói trữ tình giàu bản sắc, một phong cách nghệ thuật độc, bắt nguồn từ một trong những vùng đất bom đạn tàn khốc nhất

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng công tác tại Hội Văn nghệ Quảng Bình, Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế; Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam khóa V

Những tác phẩm chính đã xuất bản: Trái tim sinh nở (thơ, 1974, in chung với nhà thơ Ý Nhi); Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983); Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1990); Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1999); Hồn đầy hoa cúc dại (thơ, 2007); Thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ (thơ chọn lọc, 2009).

Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ 1973, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1981-1983, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007).

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã thanh thản ra đi vào sáng ngày 6/7/2023, hưởng thọ 74 tuổi. Ngay sau khi được tin bà qua đời, báo Văn nghệ đã nhận được nhiều bài viết của các nhà văn, nhà thơ cùng thời với bà, hoặc những tác giả đã từng yêu mến thơ Lâm Thị Mỹ Dạ gửi đến chia sẻ những tình cảm, những câu chuyện, những cảm nhận về văn chương của bà. Song do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi chí có thể trích giới thiệu phần nào những bài viết nói trên, xem như chút tri ân tiễn người về miền mây trắng. Phần còn lại hy vọng sẽ có dịp giới tiệu cùng bạn đọc trong những số báo về sau

Qua những bài viết này, Hội Nhà văn Việt Nam, tuần báo Văn nghệ xin được gửi lời chia buồn đến gia đình, bè bạn cùng toàn thể độc giả yêu mến của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và cầu cho bà thanh thản nơi trời xanh mây trắng, như những câu thơ bà viết thuở nào.

Văn nghệ

Người thả trăng cho trời

Nguyễn Thị Ngọc Hà

Tôi đóng kín các ô cửa trong căn chung cư để thả hồn mình về những ca khúc của Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Đây là những ca khúc được phổ nhạc từ một số bài thơ trong tập Hồn đầy hoa cúc dại, tác giả tặng tôi năm 2007. Ngày ấy, đọc xong Hồn đầy hoa cúc dại, tôi cứ man mác buồn theo hồn vía từng con chữ mà tác giả của nó đã cù vào kí ức về một thời thiếu nữ của riêng mình.

Mỗi lần ra công tác, Lâm Thị Mỹ Dạ đều dành thời gian gặp gỡ các bạn thơ nữ ở Hà Nội. Tôi thường đón Dạ về nhà mình. Phần vì tôi có điều kiện đưa Dạ đi thăm thú đây đó, phần nữa vì tôi và Dạ đều yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Bên chiếc dương cầm của nhà mình, tôi cùng Dạ lại có dịp ngân nga những ca khúc của anh. Cả hai hát rất “phiêu”.

Bẵng. Mấy năm không gặp nhau, đến cuối mùa thu năm ấy, Lâm Thị Mỹ Dạ ra Hà Nội cùng Nguyễn Bính Hồng Cầu. Trong bữa cơm thân mật tại gia đình tôi, chẳng ai nghĩ sự minh mẫn của Dạ không còn như trước… Dạ ăn rất ít, ngủ không sâu, đang khuya bỗng thảng thốt trở dậy bồn chồn nằm ngồi không yên, như thể ở đâu đó đang có người mong đợi vậy. Có thể một người bằng xương bằng thịt, cũng có thể chỉ là sự khát vọng về một cõi tình mà chị tưởng tượng ra, như những lời tự bạch trong thơ mình:

… tưởng tượng một người/ hồn xanh như cỏ/ tâm rộng như trời/ để tôi bé nhỏ/ thả đời rong chơi…/ tưởng tượng một người/ khi tôi vấp ngã/ người ấy đỡ dìu/ ngực Người – tôi tựa/ muôn ngàn tin yêu/ tưởng tượng một người/ cho tôi úp mặt/ khóc to một lần

*

Một năm sau, trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi cùng Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đến thăm Lâm Thị Mỹ Dạ. Trên đường đi, tuy chẳng nói ra lời, nhưng cả hai đều chung một băn khoăn về tình hình sức khỏe của bạn gái… lên tầng 10, phòng số… Chuông reo…

Bước sau người đàn bà thô đậm ra mở cửa là nàng thơ của chúng tôi. Nụ cười quen thuộc nở trên khuôn mặt với làn da trắng, hơi xanh hơn trước. Chị Nhàn hỏi Dạ có nhận ra ai không?. Nàng thơ dướn cao chân mày, vừa gõ gõ ngón trỏ lên trán vừa lắc đầu. Dạ trông quen lắm mà không nhớ nổi

Hai căn hộ của vợ chồng Dạ và gia đình con gái thông nhau, đẹp rộng thoáng mát. Trong nhà bài trí trang nhã mà sang trọng, đứng ở ô cửa sổ nào cũng thấy dòng sông Sài Gòn… Dạ dẫn chúng tôi đi thăm quan tất cả các phòng, nàng vẫn hồn nhiên như đứa trẻ…

Người đàn bà giúp việc lấy cuốn vở kẻ ô từng trang đã có chữ mẫu, trải ra mặt bàn, đặt cây bút bi vào tay Dạ, cao giọng như cô giáo: Viết cho hai chị bạn coi đi. Bàn tay khô, gân xành nổi trên màu da trắng bợt, Dạ ngoan ngoãn như trò nhỏ nhút nhát trước cô giáo ngiêm khắc. Nàng thơ cầm cây bút run run, Chị Nhàn bảo. Em viết tên chị nhé. Dạ ngước lên nhìn người giúp việc. Bắt đầu ra rang?. Chị Nhàn và tôi lặng đi trong giây lát, nhìn nhau.

*

Cuộc sống cuốn theo bao nhiêu bộn bề lo toan thường nhật có lúc lãng đi, hơn thế nữa dịch Covitd-19 diễn biến phức tạp, dẫu muốn, tôi và các bạn yêu mến Lâm Thị Mỹ Dạ cũng không thể vào thành phố Hồ Chí Minh được. Nhưng gần đây được biết, Dạ đã hoàn toàn mất trí nhớ rồi. Tôi lại mở đĩa nhạc nghe lại những ca khúc của Dạ. Khi giọng ca sĩ Tấn Minh trầm ấm da diết cất lên… thả mây cho gió…/ thả trăng cho trời/ thả người thục nữ/ hồn nhiên nói cười/ thả người tục lụy/ danh vọng đua đòi… Tôi tôi về với tôi /… thơ như máu thắm… đau không còn kêu/ người im như bóng…/ tôi về với tôi…(1)

Sáng nay (6/7/2023) hay tin Lâm Thị Mỹ Dạ đã về muôn cõi. Tội thảng thốt lặng vào những kỉ niệm với Dạ. Ra ban công tôi ngước lên trời cao lồng lộng nắng gió tháng 5 âm lịch, trong tôi bỗng văng vẳng nửa gần nửa lại rất xa… thả thời thiếu nữ/ khuất vào xa xăm/ thả chùm tóc bạc/ trắng cả ngàn năm… Những lời thơ trong ca khúc ấy, khiến lồng ngực tôi nặng trĩu.

Bay đi thanh thản với trời xanh mây trắng

Nguyễn Thị Hồng Ngát

Vừa nghe các bạn văn báo nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã ra đi sáng nay (thứ 5 ngày 6/7/2023). Buồn quá và thương bạn quá. Một bạn gái thơ hay, xinh đẹp, tấm lòng đối với bạn bè nhân hậu ấm áp, tính tình hài hước vui vẻ đã ra đi. Biết nhau từ đầu những năm 70 của Thế kỷ trước, khi mà Lâm Thị Mỹ Dạ vừa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1973-1974 với một chùm thơ trong đó có bài Khoảng trời và hố bom, còn tôi thì được giải khuyến khích với vài Theo anh vào Trường Sơn. Trong buổi tiệc nhận giải vào buổi tối hôm đó Dạ mời tôi tối hôm sau đến dự cưới Dạ lấy anh Hoàng Phủ Ngọc Tường (Khi ấy là Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Tri). Đám cưới tổ chức ở tầng 2 nhà 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội, trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT đến tận ngày nay. Chắc biết tôi ngày đó là văn công nên biết trang điểm, Dạ bảo tôi đến sớm một chút để đánh phấn môi son cho cô dâu dùm. Tôi đến trễ nên khi đến thì người ta cũng vừa đón cô dâu rồi, chỉ còn mùi nước hoa ngào ngạt  vương lại…

Đám cưới Mỹ Dạ và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường thật vui. Chỉ nước chè và bánh kẹo, không cỗ bàn linh đình như bây giờ, nhưng có đủ mặt các nhà văn nhà thơ tên tuổi đến dự. Nhà thơ Xuân Diệu làm chủ hôn… Từ ngày ấy cho đến những năm gần đây, trước khi Dạ bị bệnh, không nhớ gì nữa, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau khi thì ở Hà Nội, khi thì ở Huế  hoặc gọi điện cho nhau mỗi khi cần. Mỗi lần Dạ ra Hà Nội, bận mấy Dạ cũng không quên ghé đến nhà thăm vợ chồng tôi và ở lại ăn cơm, đôi ba lần còn ngủ lại để hai chị em được nằm bên nhau trò chuyện trên trời dưới bể… Nhìn Dạ ngủ ngon, nước da trắng bóc, hai má lúc nào cũng ửng hồng, môi không tô son mà lúc nào cũng thắm đỏ, tôi đâu nghĩ con người ấy sao lại ra đi sớm thế. 74 đâu đã quá già Dạ ơi…

Thơ Dạ rất hay, nhiều bài thơ trong trẻo nhân hậu mượt mà giống như chất người của Dạ vậy. Như bài Anh đừng khen emChuyện cổ nước mìnhHoa Quỳnh… và nhiều bài khác. Dạ hạnh phúc và tự hào bên người chồng tài hoa, hiểu nhiều biết rộng. Hai người sinh được hai cháu gái xinh đẹp học giỏi, hiếu thảo.

Hơn 20 năm trước, Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến phải nằm một chỗ. Rồi đến Dạ bị bệnh mất trí nhớ, quên hết mọi người, quên hết mọi thứ, nhìn ai cũng ngơ ngơ không có phản xạ gì. Hỏi bao nhiêu câu “Dạ nhận ra mình không?”, chỉ thấy bạn im lặng ngơ ngác. Thương lắm. Xưa líu ríu với nhau chuyện trăm chuyện nghìn là thế. Vậy mà…

Giờ bạn đi rồi. Hết một đời Trần gian vinh quang cũng nhiều mà vất vả cũng không ít. Mệt mỏi vất vả cũng đủ rồi và cũng qua rồi.

Bay đi thanh thản với trời xanh mây trắng. Dạ nhé.

Một hồn thơ trẻ mãi…

Mai Văn Hoan

Phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ định hình từ rất sớm.  Đời người và thời cuộc luôn biến động, thơ cũng biến đổi theo, nhưng chị luôn giữ nét riêng của mình. Lâm Thị Mỹ Dạ từng chia sẻ với các bạn nữ làm thơ: Đàn bà làm thơ trăm cái khổ (Thân phận tơ trời). Cái thân phận tơ trời mong manh ấy đang hàng ngày phải đối mặt với “chuyện đời thường”. Kể từ khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (chồng Mỹ Dạ) không may bị bạo bệnh, chị âm thầm chịu đựng: Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười… (Cho anh tựa vào em). Điều kỳ lạ là sau bao nhiêu thăng trầm, vận hạn, tâm hồn của Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn luôn tươi trẻ và chứa đầy “hoa cúc dại”. Chị hỏi con gái: Có nghe trong cơn gió/ Hương của mùa xuân nào, không phải bất cứ ai cũng nghe được như chị. Tại sao một người “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” như vậy? Phải chăng vì Mỹ Dạ có một tuổi thơ hết sức hồn nhiên, trong sáng? Chị sinh ra và lớn lên bên bờ sông Kiến Giang thơ mộng, lại được tắm mình trong giọng hò khoan Lệ Thuỷ ngọt ngào. Có ai như chị đi chợ tết lại tìm mua cho mình (chứ không phải cho con) chú gà đất và sung sương reo lên: Chợt thấy cầu vồng sà trước mặt/ Trăm loài hoa đẹp nói lời mơ/ Sáng nay thời tiết như mười bảy/ Tở mở lá cành ngơ ngác hương. Hình ảnh phiên chợ quê cứ hiện rõ mồn một trước mắt Mỹ Dạ: Bây giờ xa lắc chợ tuổi thơ/ Mùi quả, mùi rau thơm đến giờ/ Cá tôm còn nhảy long tong nước/ Tôi còn bé nhỏ mỗi lần mơ… Cái tính hay thương người của chị đã bộc lộ từ lúc còn bé nhỏ ấy. Thấy ông lão bán quạt đi đi lại lại mấy vòng, chợ thì đã quá trưa mà vẫn không có ai mua, thế là cô bé Mỹ Dạ động lòng trắc ẩn, dồn tất cả tiền mẹ cho mua hết quạt của ông lão. Lâm Thị Mỹ Dạ cứ tiếc mãi cái tuổi hồn nhiên, trong trẻo ấy: Biết bao giờ trở lại/ Màu trong vắt của trời/ Khép làn mi trinh nữ/ Tháng giêng tràn lên môi… Dạ bồi hồi nhớ: Bông lay ơn – ai tặng/ Tháng Giêng giấu nơi nào/ Để màu hoa lửa cháy/ Chập chờn trong chiêm bao... Rồi chị đứng ngẩn ngơ: Tuổi vèo bay cùng gió/ Ta sắp qua tháng mười/ Ngoảnh lại nhìn xa lắc/ Một tháng giêng nhoẻn cười! (Tháng Giêng).

Một lý do giúp cho chị mặc dù “gập lưng lặng lẽ giữa đời thường”, “tóc điểm bạc mà hồn còn trẻ nít” như thế chính là tình yêu thương các con. Mỗi lần các con ở xa về thăm là “lòng mẹ tươi nắng mới”. Chị nói với con gái: Này con con thơ ngây/ Hồn đầy hoa cúc dại/ Mẹ ước chi mỗi ngày/ Được gần bên con mãi (Hồn đầy hoa cúc dại). “Hồn đầy hoa cúc dại” của con đã lan toả sang cả mẹ. Lâm Thị Mỹ Dạ như: Những bông hồng nhung lặng lẽ/ Thăm thẳm tuổi mình lắng sâu. Còn các con là những bông hoa cúc: Dịu thơm, chúm chím, nở đầy/ Cúc trắng, cúc vàng, cúc tím/ Vui như bầy trẻ thơ ngây. Và khi nghiêng đầu bên cúc: Hồng nhung nghe hồn trẻ lại/ Tin mùa xuân mãi vẫn còn (Hồng nhung và hoa cúc). Cũng chính các con đã làm sống lại “Ngày tình yêu của mẹ”: Con tặng mẹ hoa hồng/ Cháy bừng bao ngọn lửa/ Lắng trong làn hương thoảng/ Mẹ bỗng thành… ngày xưa!

Thiên nhiên cũng đã dạy cho chị rất nhiều điều. Đầu tiên là tấm lòng hào sảng: Mùa đông bán cho mùa xuân/ Những búp đèn màu xanh biếc/ Dòng sông bán cho biển cả/ Bao nhiêu ngọn sóng trong ngời/ Mặt trời bán cho quả đất/ Triệu chùm ánh sáng tinh khôi... Thiên nhiên “bán” một cách vô tư, không cần tính toán thiệt hơn, không cần bạc tiền lời lãi. Nhờ tấm lòng hào sảng ấy mà thiên nhiên đẹp mãi, trẻ mãi không già. Lâm Thị Mỹ Dạ “Ngước nhìn trời cao” và suy ngẫm: Vũ trụ bao nhiêu tuổi/ Mà ngây thơ lạ lùng/ Xin biết ơn mây trắng/ Cho tôi lòng bao dung. Nhờ tấm lòng bao dung học được từ thiên nhiên mà chị có cái nhìn hết sức nhân ái đối với những người lính Mỹ chết trận ở Việt Nam: Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới lần da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây (Khuôn mặt ẩn kín). Thiên nhiên còn “gây men” cho chị hồi xuân: Nói chi, sao thiết tha/ Nói chi, sao êm ái/ Hoa cho tôi thắm lại/ Tuổi xuân mình đã phai! (Hoa Hà Nội). Sự hồn nhiên, trong sáng, đa cảm là một nét trong phong cách thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Mỹ Dạ đã từng “Nguyện cầu”: Vì cái đẹp/ Vì thơ/ Ta sống/ Tâm hồn ơi/ Đừng hoá thạch/ Xin đừng… Cái tâm hồn luôn tươi trẻ, chứa đầy “hoa cúc dại” của chị sẽ sống mãi với thời gian, cho dù chị như một “thiên thần” vừa lãng du vào miền mây trằng…

Tiễn chị

(Tiễn biệt nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ)

Phận bạc sinh phải thời khói lửa

“Khoảng trời hố bom”

In bóng giai nhân.

 

Chị lớn lên trong vòng tay mạ

Đất Quảng Bình sỏi đá

Nở bông hồng vàng

Chị bước vào văn chương

Mềm mại bóng thi nhân.

 

Mang khuôn mặt thiên thần

Chị làm đầy ắp sông Hương

Giai nhân toả bóng kinh thành

Sen Tĩnh Tâm mở nụ

Thơ nhen lên ngọn lửa

Sưởi ấm những khoảng đời

băng giá.

 

Thanh xuân chớp mắt trôi vèo.

 

Bến Thương Bạc còn kia

Dáng chị mềm như lụa

Phu Văn Lâu sẫm mặt rêu xanh

Bóng chị về thấp thoáng kinh thành.

Con thuyền trôi về Vĩ Dạ

Ngân rung nam ai nam bằng.

 

Đọc thơ chị, nỗi đời trong đục

Kiếp tài hoa luỵ gió, neo trăng.

Đau đời đã cạn nước mắt

Thế mà chiều nay em khóc

Tiễn chị tôi về phía vô cùng.

Nha trang chiều 6/7/2023

________

1. Bài thơ: Tôi về với tôi. Dạ đã phổ nhạc với tên: Thả mây cho gió.

Trần Chấn Uy

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây