LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 13

chiến tranh nhân dân

NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH NHÂN DÂN – NHÌN TỪ TRƯỜNG HỢP KHU CĂN CỨ CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC

Tác giả: Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm qua, người Việt rất coi trọng chiến tranh nhân dân. Nhờ biết phát động chiến tranh nhân dân, hơn thế nữa, nhờ biết sáng tạo nên nghệ thuật chiến tranh nhân dân, mà ông cha xưa và cả chúng ta ngày nay từng giành được thắng lợi ngay trong những cuộc đối đầu không cân sức. Từ lâu, nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã được giới quân sự và sử học cả nước tiến hành nghiên cứu thực tiễn và tổng kết thành những bài học sâu sắc không chỉ góp phần làm sáng tỏ quá khứ/giáo dục truyền thống mà còn có ý nghĩa thời sự trong công cuộc bảo vệ đất nước/bảo vệ chủ quyền nóng bỏng của Tổ quốc ta hiện nay.

Tuy nhiên trước một thực tiễn chiến tranh nhân dân hết sức đa dạng và phong phú như cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, đặc biệt là ở các đô thị miền Nam, ngay trong vùng địch tạm chiếm, rõ ràng cánh cửa hiện thực sinh động ấy vẫn chưa thể khép lại đối với khoa học lịch sử và khoa học quân sự. Người ta thường nói lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng viết sử thì phải viết nhiều lần mới mong tiếp cận và khám phá diện mạo lịch sử một cách chân xác nhất, là theo nghĩa đó. Với cách suy nghĩ như vậy, người viết bài này xin góp vào tiến trình tổng kết nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam một góc nhìn mới – góc nhìn từ trường hợp Khu căn cứ cách mạng Hồng Phước (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

*

  1. Vấn đề quan trọng nhất để nâng chiến tranh nhân dân thành một nghệ thuật là ở sự lựa chọn nguồn lực làm nên sức mạnh của chúng ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc/chiến tranh giải phóng. Đối với trường hợp khu căn cứ mang mật danh B1 của Ban Cán sự Đảng Khu Tây/Quận ủy Quận Nhất/Quận ủy Quận Nhì, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao lại chọn thôn Hồng Phước? Chắc lúc đó không ai nghĩ chọn nơi đây là vì cái tên mang ý nghĩa tốt đẹp và may mắn này: Hồng Phước, cũng còn gọi Hường Phước, tức là hồng phúc/phúc lớn, mặc dầu bây giờ nghĩ lại thì hoàn toàn có thể khẳng định rằng chọn được Hồng Phước thật sự là hồng phúc của phong trào cách mạng Quảng Đà nói chung, phong trào cách mạng Quận Nhì nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Có thể thấy ít nhất có ba lý do để Ban Cán sự Đảng Khu Tây/Quận ủy Quận Nhất/Quận ủy Quận Nhì chọn Hồng Phước làm căn cứ lõm – căn cứ địa ngay trong vùng địch kiểm soát gọi là căn cứ lõm (Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự , Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr 127):

Thứ nhất là vì Hồng Phước có địa thế hiểm trở, với cồn cát trắng nằm lọt thỏm giữa bàu sậy, với cây cối mọc um tùm, chung quanh là đầm lầy có  nhiều bụi cây có gai – chính vì thế nên sớm được Huyện ủy/Việt Minh Hòa Vang chọn làm nơi trú ẩn, che giấu lực lượng trong kháng chiến chống Pháp. Nay yếu tố địa lợi ấy cơ bản vẫn còn nguyên như thế, chỉ cần có thêm yếu tố nhân hòa – tức là các gia đình cơ sở vẫn trụ bám tại chỗ và vẫn một lòng một dạ kiên trung với cách mạng – thì đây chính là phương án lựa chọn tối ưu, bởi trong công việc đầy nhạy cảm đòi hỏi bề dày kinh nghiệm ứng phó với rủi ro bất trắc này, những người “từng xông pha trận mạc” chắc sẽ phù hợp hơn so với những “tân binh”.

Thứ hai là ngay cả sau khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng bắt đầu quá trình trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam, tập trung xây dựng nhiều đồn bốt vây quanh Hồng Phước – phía tây bắc là hệ thống chốt phòng thủ liên hợp, phía đông là căn cứ hậu cần Bàu Mạc và sân bay Xuân Thiều, phía tây là tiểu đoàn pháo binh của Sư đoàn 3 Lính thủy đánh bộ Mỹ, phía tây nam là khu vực đóng quân của Liên đoàn 11 Biệt động quân quân đội Sài Gòn, phía đông nam là tiểu đoàn công binh Mỹ, ngay sát phía nam là khu phố Hòa Khánh dày đặc cảnh sát, mật vụ, bảo an, dân vệ… – biến địa bàn Hồng Phước thành một túi chứa tưởng chừng không có lối thoát hiểm/không có đường rút lui, khác với trường hợp Khu căn cứ cách mạng K20 ở Quận Ngũ Hành Sơn, thì lựa chọn Hồng Phước vẫn là phương án tối ưu. Ở đây Quận ủy Quận Nhì đã khai thác và tận dụng yếu tố bất ngờ của quy luật “bóng tối dưới chân đèn” – nơi nguy cơ cao nhất thường là nơi có độ an toàn lớn nhất. Mặt khác, với bề dày kinh nghiệm của các gia đình cơ sở kiên trung trụ bám tại chỗ và “hợp pháp” đối với địch, trong thực tế ở B1 Hồng Phước vẫn luôn có đường cho cán bộ ra vào an toàn.

Thứ ba, Quận Nhì theo địa giới hành chính của đối phương là một quận nội thành, khác với Quận Nhì theo địa giới hành chính của cách mạng vừa có nội thành – là địa bàn Quận Nhì của đối phương trừ Thạc Gián, lại vừa có nông thôn ngoại thành – gồm ba xã Hòa Minh, Hòa Khánh và Hòa Phát mới được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Đà sáp nhập từ huyện Hòa Vang vào tháng 10 năm 1962, cơ sở cách mạng tại chỗ có nhưng không nhiều, càng khó tập trung để tiến hành những hoạt động thường xuyên quy mô lớn và nhất là rất dễ bị phát hiện do địch có điều kiện quản lý chặt chẽ hơn do với khu vực ngoại thành. Trong khi đó phương án xây dựng sử dụng căn cứ sẵn có ở vùng giải phóng Quảng Đà – như ở một số xã của huyện Điện Bàn – không chỉ bất tiện vì quá xa mà còn bởi ngày càng trở nên khó khăn trở ngại về giao thông liên lạc, đặc biệt sau khi khu vực Trảng Nhật xã Điện Hòa bị địch tăng cường phong tỏa. Chính trong bối cảnh ấy, vừa không nằm trong khu vực nội thành cũng không nằm ở địa bàn ngoài quận, gần mà xa/ xa mà gần, lại là “đất nhà” dễ thông thuộc mọi đường đi nước bước, Hồng Phước trở thành sự lựa chọn tối ưu.

Câu hỏi thứ hai được đặt ra là làm sao để đảm bảo an ninh/an toàn tuyệt đối cho các hoạt động cách mạng trên địa bàn Hồng Phước? Cả ba lý do chọn Hồng Phước đều nhắm đến mục tiêu được xem là tối thượng này.

2.1. Hầm trú ẩn là vấn đề quan trọng thậm chí sinh tử nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động bí mật trong lòng địch. Cách mạng rất cần những căn hầm thật được đào và ngụy trang kỹ để che mắt địch, để giấu cán bộ và thậm chí giấu tài liệu/vũ khí. Hầm bí mật thì cả miền Nam nơi nào cũng có, và hầu hết đều che được mắt quân thù, bởi nói như nhà thơ Dương Hương Ly: Đất quê ta mênh mông/ Quân thù không xăm hết được. Hầm ở Hồng Phước đương nhiên cũng phải che được mắt địch, nhưng điều cốt lõi nhất là không được… sập. Hồng Phước là vùng cát, đào hầm ở vùng cát đòi hỏi phải có kỹ thuật riêng, khó hơn nhiều so với đào hầm ở vùng đất. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà vừa đến Hồng Phước, Bí thư Quận ủy Quận Nhì Lê Thị Tính đã mở ngay một lớp huấn luyện không phải về sử dụng súng ngắn mà là về… kỹ thuật đào hầm. Qua huấn luyện mới thấy hầm bí mật rất đa dạng về kiểu loại: có kiểu hầm nổi hai lớp – lớp trên giả làm hầm tránh bom đạn công khai, lớp dưới mới là hầm bí mật, có loại hầm chìm trong cát, được chèn cây, bao cát cho khỏi lún sụt, lại có loại đào sâu dưới bụi tre, bụi chuối… Nhân lực đào hầm chủ yếu là phụ nữ Hồng Phước, nhưng ở giai đoạn đầu một số cán bộ chủ chốt cũng trực tiếp tham gia vào công việc này nhằm đảm bảo kỹ thuật và tính kịp thời. Ông Phan Văn Tải, nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì và ông Lê Đức Cưu ngày đó như cặp bài trùng, được đồng đội gọi là chuyên gia đào hầm. Tính chung trong những năm chiến tranh, Hồng Phước đào được cả thảy 46 hầm bí mật, có gia đình cơ sở như gia đình bà Phạm Thị Miên đào đến 7 hầm trong vườn nhà, và cả 46 căn hầm này đều đảm bảo an toàn cho đến ngày Hồng Phước được giải phóng.

2.2. Báo an cũng là một yêu cầu cấp bách của căn cứ cách mạng trong lòng địch, nhất là với một Hồng Phước tứ bề thọ địch, gần như độc đạo, không có lối thoát hiểm/không có đường rút lui. Về hoạt động ở Hồng Phước mà không được báo an chính xác, kịp thời thì nguy cơ đụng độ với địch đang hành quân càn quét hoặc đang đánh hơi do thám là rất lớn và lớn hơn là nguy cơ địch phát hiện ra… Hồng Phước, dẫn đến Hồng Phước sẽ bị đối phương giải mật và vô hiệu hóa. Các cơ sở cách mạng ở Hồng Phước đã thực hiện nhiệm vụ báo an một cách gan dạ và tận tụy, chủ yếu bằng hình thức chong ngọn đèn dầu làm ám hiệu vào ban đêm. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị nhớ lại: “Tôi về đây hoạt động từ cuối năm 1973. Mỗi tối đứng trên núi nhìn về phía Hồng Phước, thấy ánh đèn được các chị, các má treo trên am thờ ngoài ngõ, là biết an toàn, bộ đội, cán bộ có thể về ở lại, chờ hôm sau vào nội thành hoặc nghỉ ngơi trước khi vào trận đánh mới. Người đầu tiên nghĩ ra việc dùng ngọn đèn dầu làm ám hiệu là bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương, một trong những cơ sở cách mạng kiên trung nhất. Hồi đó, có quy định thế này: Nếu không có đèn hoặc treo đèn trong nhà và đóng cửa lại là có địch đang đi rình mò, lùng sục, bố ráp. Đèn treo ở am thờ ngoài ngõ, cửa không đóng hoặc chỉ khép hờ là tín hiệu không có địch, quân ta có thể xuống” .

Thật ra đây không phải là sáng kiến riêng của người Hồng Phước, bởi từ năm 1965 nhà thơ Chính Hữu đã ghi nhận: Trên đường ta đi đánh giặc/ Ta về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu/ Cũng gặp/ Những ngọn đèn dầu/ Chong mắt/ Đêm thâu và nhân cách hóa ngọn đèn báo an ấy thành ngọn đèn đứng gác. Ngay trên chiến trường Quảng Nam cũng nổi bật hình ảnh ngọn đèn không tắt Phạm Thị Cộng – người phụ nữ quê làng Châu Bái xã Điện Tiến huyện Điện Bàn nhiều năm liền chong đèn làm tín hiệu lúc đêm về để báo động cho cán bộ/du kích/bộ đội vượt sông Yên tránh được lực lượng địch phục kích, mở đường thông tuyến hành lang từ Đại Lộc xuống Điện Hồng, Điện Tiến và các xã quanh cứ điểm Bồ Bồ. Nhưng điều đáng nói là Hồng Phước đã kết hợp hình thức chong đèn với một số ám hiệu khác để tăng độ chính xác khi báo an.

2.3. Hồng Phước có 64 hộ dân nhưng không phải tất cả đều là cơ sở cách mạng. Cho nên công việc đầu tiên của những người gầy dựng căn cứ lõm Hồng Phước không phải là đào hầm trú ẩn hay chong đèn/mở cửa báo an. Công việc đầu tiên ở căn cứ lõm này là tranh thủ sự ủng hộ của các hộ dân không/chưa là cơ sở cách mạng, nếu chưa vận động được họ cộng tác với cách mạng/trở thành cơ sở cách mạng thì cũng có thể yên tâm hoạt động mà không sợ họ cung cấp thông tin cho đối phương. Có thể nói Hồng Phước những năm chống Mỹ đã đạt được mục tiêu kép này, bằng chứng là Hồng Phước chưa từng bị lộ, chưa từng có cán bộ nào về hoạt động mà bị bắt ở đây, cũng chưa có người dân nào vì sợ mà khai báo với địch.

Cần nói thêm rằng cán bộ thì đúng là an toàn, không ai bị bắt khi về hoạt động ở Hồng Phước, nhưng người dân Hồng Phước thì nhiều lần đã phải chịu cảnh bắt bớ giam cầm – có điều không một ai phản bội cách mạng, làm lộ bí mật của cách mạng. Cho nên căn hầm vững chắc nhất, nơi trú ẩn bình an nhất chính là từng gia đình cơ sở Hồng Phước nói riêng và từng hộ dân Hồng Phước nói chung. Chính người dân mới là yếu tố quyết định đảm bảo an ninh/an toàn tuyệt đối cho các hoạt động cách mạng trên địa bàn Hồng Phước những năm tháng chiến tranh. Những ngọn đèn dầu được thắp hay được tắt, những cánh cửa được mở ra hay được khép lại là do tấm lòng/bàn tay của người Hồng Phước chứ không phải do bản thân cánh cửa/ngọn đèn.

Quận Nhì nhưng chưa bao giờ chịu lùi xuống tuyến hai, Quận Nhì nhưng lúc nào cũng xông pha trên tuyến đầu chống Mỹ, đó là cảm giác chung của nhiều người khi nghĩ về Quận Nhì vào những năm tháng anh hùng 1954-1975”. Đó là một đoạn trong bài diễn văn của người viết tham luận này, với tư cách Bí thư Quận ủy Thanh Khê, đọc tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Quận Nhì (nay là quận Thanh Khê) do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổ chức vào ngày 21 tháng 12 năm 2003.

Cũng trong bài diễn văn này, tôi đã nêu rõ: “Trên mặt trận đấu tranh vũ trang, suốt mười năm trực tiếp đương đầu với Mỹ, ở Quận Một – Quận Nhì luôn vang dội những chiến công, chiến công nối tiếp chiến công. Có thể kể trước tiên trận đánh của Tiểu đoàn Đặc công 89 vào sân bay Đà Nẵng đêm 30 tháng 6 năm 1965, phá huỷ 47 máy bay Mỹ, trong đó có cả máy bay F102, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Chỉ năm ngày sau, cũng chính Tiểu đoàn Đặc công 89 tiếp tục tập kích Kho xăng Liên Chiểu, đốt cháy hàng chục triệu lít xăng, diệt gọn một đại đội lính nguỵ và một trung đội cảnh sát. Có thể kể thêm hàng chục trận đánh lớn nhỏ như vậy nữa… Tuy nhiên có thể nói gây được tiếng vang lớn nhất trên chiến trường Quận Nhì vẫn là trận đánh Mỹ, diệt nguỵ giữa ban ngày của bảy dũng sĩ Thanh Khê vào cuối năm Mậu Thân 1968. Chiến công này gắn liền với bản lĩnh chiến đấu gan dạ, mưu trí của các dũng sĩ Nguyễn Văn Huề, Trần Thanh Trung, Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Mười, Võ Văn Năm, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Thị Tám, đặc biệt gắn liền với sự hy sinh cao cả của Mẹ Nhu – liệt sĩ Lê Thị Dãnh, từ lâu đã trở thành biểu tượng ngời sáng của Quận Nhì anh hùng thời chống Mỹ”.

Tôi cũng khẳng định: “Vinh quang này trước hết thuộc về nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân, từ những bà mẹ được hay chưa được phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng từng bao lần dắt tay con mình dứt ruột đẻ ra trao cho cách mạng, cho đến những gia đình cơ sở bất chấp hiểm nguy rình rập vẫn bí mật đào hầm nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí; từ những người đứng mũi chịu sào, luôn xông pha đi đầu đấu tranh chính trị cho đến những người chỉ cốt giữ mình lương thiện trong cái xã hội Mỹ hoá như một cách đóng góp vào đại cuộc; từ những chiến sĩ biệt động với lối đánh táo bạo ngang dọc tung hoành trên đường phố cho đến những chiến sĩ đặc công chuyên đánh lớn, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh…”.

Những gia đình cơ sở bất chấp hiểm nguy rình rập vẫn bí mật đào hầm nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí mà tôi long trọng nhắc đến ở đây bao gồm hầu hết các gia đình cơ sở ở Hồng Phước. Và tôi cũng rất đồng tình với nhận xét mới đây của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: “Có thể người dân Hồng Phước đã không làm nên những chiến công gì ghê gớm lắm trong thời gian đó, nhưng nếu không có họ thì không có bất cứ chiến công nào của chúng tôi. Chiến công của lực lượng biệt động, quân Giải phóng, nếu không có dân thì không có gì cả. Thành tích đó, chiến công đó trước hết thuộc về nhân dân” .

*

Một cuộc chiến tranh mà thành tích/chiến công trước hết thuộc về nhân dân thì chỉ có thể là chiến tranh nhân dân, chính vì thế tôi hy vọng những nội dung phân tích trên đây về trường hợp Khu căn cứ cách mạng B1- Hồng Phước sẽ góp thêm một góc nhìn mới trên tiến trình tổng kết nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây