Mang quê ra đảo của Nhà thơ Nguyễn Thị Mai – Kỳ 1

Mang quê ra đảo của Nhà thơ Nguyễn Thị Mai - Nguyễn Thị Mai - Trưởng Ban văn Nữ - Hội Nhà văn Việt Nam

Nguyễn Thị Mai min - Mang quê ra đảo của Nhà thơ Nguyễn Thị Mai - Kỳ 1

NGUYỄN THỊ MAI 

I. Bản thân

– Họ tên: Nguyễn Thị Mai – Năm sinh: 1955
– Sinh ra và lớn lên tại Quận Long Biên – Tp Hà Nội.
– Nơi ở hiện nay: Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Tp Hà Nội.
– Dân tộc: Kinh
– Học vị: Thạc sĩ, chuyên ngành ngữ văn.
– Giảng viên chính Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nghỉ hưu
– Hiện nay: là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Trưởng Ban Công tác Nhà văn nữ – Hội Nhà văn Việt Nam.
– Số điện thoại; 0982055620, facebook: hamilam

II. Thành tich sự nghiệp công tác:

1. Tác phẩm về thơ: có 14 tập Trong đó có 1 tập thơ thiếu nhi.
2. Giải thưởng sáng tác chính:
1) Giải A và B (tập thơ) Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam.
2) 02 lần giải thưởng văn học Nguyễn Trãi (Hội Văn học NT Hà Tây trao tặng)
3) Giải nhất (chùm thơ) sáng tác văn học cho trẻ em – Hội Nhà văn và UB thiếu niên nhi đồng Việt Nam tổ chức năm 1992.
4) Giải C cuộc thi thơ tình – Báo Văn nghệ trẻ
5) Giải Nhất cuộc thi thơ về đề tài Ma túy.
6) Và nhiều giải thưởng thơ do một số ngành tổ chức

 

MANG QUÊ RA ĐẢO 

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

Mang quê ra đảo

Thương người canh giữ biển xanh
Mang quê ra đảo cho anh gặp nhà
Để quê gần lại Trường Sa
Để ngàn dặm biển chỉ là tấc gang

Này là trái bưởi, trái cam
Này là hạt giống rau làng vườn quê
Cả đây gói bánh, hộp chè
Cây hoa giấy thắm để che nắng trời

Quê ra còn có bao người
Tiếng thương như mẹ, giọng cười như em
Gửi vào lời hát thân quen
Là bao chia sẻ đáp đền buồn vui.

Sinh Tồn ơi! Cô Lin ơi!
Và bao đảo giữa biển trời của ta
Mang quê ra với Trường Sa
Để anh được trở về nhà với quê.

Trên tàu HQ 996, ngày đi Trường Sa 2/5/2014

 

X- men lính đảo

Nồng nã
Gây gây
Đườm đượm mặn
Ập vào vai, vào cổ, vào tóc chúng tôi ngay khi xuồng cập cầu tầu
Những cánh tay trai trần mở ra như cánh hải âu
Choàng ôm chúng tôi, ôm lấy quê hương, gia đình, bè bạn…
Ôm lấy đất liền
tìm hơi mẹ, hơi em…

Đó là mùi mồ hôi của riêng lính đảo
Mùi can trường tháng năm… dữ dằn dông bão
Mùi biển khơi thiếu thốn nước dùng
Mùi mặn mòi và nắng khét kết chưng

Ôi cái mùi lính đảo – đặc trưng
Mạnh mẽ, nam nhi, quyết liệt
Mùi con trai nước Việt
Cắm mốc chủ quyền – mùi lãnh thổ của riêng ta.

Mùi X-men lính đảo
Phải vượt nghìn trùng dặm biển khơi xa,
được ôm trọn bờ vai
lặng thở …
Và thương vô cùng,
tôi mới nhận ra.

Trên tàu HQ 996, tháng 5/2014

 

ĐÊM HÁT VỀ TỔ QUỐC
(Tặng những người con đất Việt ở Cộng hòa liên bang Đức)

Em đứng chỗ nào trong số những người kia?
Những người mặc áo màu cờ đang hát về Tổ quốc
Tổ quốc đang bừng bừng như bó đuốc
Cháy rực bên bờ Thái Bình Dương.

Cảm ơn những người con xa quê hương
Khi nước lâm nguy biết thương về đất mẹ
Biết nắm tay nhau đồng lòng quyết chí
Chờ một ngày Tổ quốc gọi tên

Em đứng chỗ nào trong tấm ảnh tôi xem?
Nhưng tất cả đều là em,
đều là người yêu nước mình tha thiết.
Đều là con của mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân trên rừng dưới biển
Quyết giữ chủ quyền, bờ cõi nước non ta.
Mỗi một người – một trái tim thiết tha
Một đốm lửa đang góp thành bó đuốc
Muôn bó đuốc đang hướng về Tổ Quốc
Sẵn sàng đốt thiêu bọn cướp biển ngang tàng.

 

Khóc chữ

Không phải chữ hồi đi học
Run run những nét dại khờ
Không phải chữ trong lá thư
Viết cho người yêu thời trẻ

Mà là chữ trong chiếc lọ
Chôn cùng đồng đội hy sinh
Một lần đi tìm liệt sĩ
Anh gặp lại chữ của mình

Còn nguyên những dòng nắn nót
Tự tay anh viết rõ ràng
Tên tuổi, quê hương, đơn vị
Hy sinh vào ngày, tháng, năm…

Chữ đã nằm cùng đồng đội
Năm mươi năm dưới đất sâu
Thay anh làm nhân chứng sống
Đợi người thương xót tìm nhau

Anh nấc nghẹn trong nước mắt
Khóc chữ của mình năm xưa
Ai hay cỏn con chiếc lọ
Làm bia giữ bạn đến giờ

 

Anh rể

Tuổi trai đương sức, đương thì
Nghe tiền tuyến gọi là đi chiến trường
Chưa người yêu để yêu đương
Đã thành LÍNH XẾ vượt đường
Trường Sơn.
Bom rơi, pháo dập ngàn cơn
Người, xe nguyên vẹn là ơn số trời.

Một kỳ phép – Có ngày vui
Anh thành con rể nhà tôi bấy giờ
Bầm nghèo một lũ em thơ
Bố già, đơn độc cậy nhờ chị tôi
Chị như hoa nụ thắm tươi
Ấm êm vừa bén thì người lại xa
Hai vai gánh vác hai nhà
Chị đi ngược bão để qua tháng ngày
Sông sâu, sóng cả, đò đầy
Cố qua được hết bấy chầy gian nan
Để anh vượt dốc băng ngàn
Xe vào tuyến lửa vững vàng vô lăng
Đành rằng quý máu như xăng
Quý xe như vợ… đâu bằng nước non
Chị tôi là tấm lòng son
Góp chồng ra trận để còn hôm nay

Ngày thống nhất rợp cờ bay
Một ba lô với đôi tay anh về
Con thuyền lại đậu bến quê
Thôi trận mạc để chọn bề yêu thương
Bàn tay lính xế chiến trường
Ngày về chăm bón ruộng vườn tăng gia
Chặt tre, lợp lại mái nhà
Sửa chuồng lợn, đóng chuồng gà … an cư
Hòa bình chưa hết cơn mơ
Bập vào nghèo túng, chẳng ngờ… hụt hơi
Có người khuyên nhỏ chị tôi
Cho chồng đi lái xe hơi đường dài
Cảnh nhà thôi hết sắn khoai
Vợ con sung túc, đời trai huy hoàng
Chị tôi là gái ngoan làng
Quyết không đánh đổi giàu sang bằng người
Chồng con như thể vàng mười
Khó khăn, khổ cực là cười lấp đi
Còn anh hiền hậu nhu mì
Chỉ mong bù đắp những gì mình chưa
Yên lòng cùng vợ sớm trưa
Bám vài mảnh ruộng nắng mưa trên đồng
Bơi thuyền vớt củi trên sông
Thồ hàng đỡ vợ gánh gồng thảnh thơi…

Lặng im như mảnh trăng trời
Không ai biết lính một thời Trường Sơn

(16 Tết Đinh Dậu – 2017)

 

NẰM GIƯỜNG BỘ ĐỘI

Nằm giường bộ đội đêm biên giới
Nghe rõ sương rừng thả giọt khuya
Cảm rõ hiên ngoài run bước gió
Thấm tận thang giường lưng tái tê

Bên trong phòng lính đơn chăn gối
Bên ngoài cửa sổ đơn vầng trăng
Chỉ tiếng chim ngàn là đôi tiếng
Gọi nhau trên đỉnh Chùng Sủa Sằn
Đồn hiếm có ngày đông chiến sĩ
Khách lên, mây đón quấn quện liền
Mận chín tự tay mà hái quả
Chủ còn mê mải dọc đường biên

Nằm giường bộ đội không muốn ngủ
Để dành cơn thức lắng nghe sương
Tí tách những lời bên bờ dậu
Như khía vào đêm xót canh trường

Sáng mai trở dậy, phòng lưu luyến
Biết để lại gì chuyến ghé thăm
Có sợi tóc mềm vương lại gối
Xin gửi làm tin một đêm nằm.

Đồn Biên phòng Dào San, 2016

 

THƯƠNG BINH NGOÀI CHÍNH SÁCH

Rõ ràng sẹo đạn đầy thân
Viên bi chứng tích trong chân vẫn còn
Đã từng bao trận hứng bom
Tưởng nằm lại Cánh Đồng Chum không về

Ra đi giữ trọn lời thề
Hồ sơ đời lính ngày về lại rơi
Để rồi tập tễnh muôn nơi
Xin người chứng nhận, xin lời xác minh
Vết thương đủ lý, đủ tình
Mà không chứng nổi cho mình nỗi đau

Giờ hơn bốn chục năm sau
Chờ mong, ngóng đợi… quá lâu thành thường
Mỗi lần giời đất ẩm ương
Viên bi lại nhắc mình thương lấy mình
Mỗi năm, tháng Bảy nghĩa tình
Người như cây khuất, lặng thinh rừng già

Lạt Thuồng, đồng đội đã xa
Cánh Đồng Chum biết… nhưng mà ai tin?

Thanh Xuân, ngày 8/4/2017

 

Tạ ơn mắm – đước

Nửa thân dầm trong ngập mặn
Ngón rễ bấm sâu xuống bùn
Xanh suốt đời này đời khác
Giữ bền bờ cõi nước non

Ngàn năm mắm đi mở đất
Đẩy thêm con sóng xa bờ
Ngàn năm đước theo chung giữ
Rễ ghì ôm đất nguyên sơ

Không là đại ngàn đại thụ
Cứ bền xanh, sức trường tồn
Vuốt nhọn dài thêm Đất Mũi
Tổ Quốc mỗi ngày lớn hơn

Chẳng bao giờ kể công ơn
Cứ âm thầm sống với bùn, với nhau
Chẳng bao giờ lui phía sau
Ấy là mắm – đước Cà Mau cuối trời

Tận cùng cây vẫn xanh tươi
Tận cùng nắng vẫn chói ngời sắc mây
Tận cùng … tôi chắp hai tay
Tạ ơn mắm, đước – ngàn cây THÀNH ĐỒNG

Cà Mau, ngày 23/8/2013

 

Đón anh về

Chín mươi bảy tuổi rồi
Không ai tin mẹ còn được sờ vào đứa con đã hơn bốn mươi năm xa cách
Ôi đứa con!
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ
Sang ngày 30 tháng tư
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ
Con vào Thành phố
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ…
Mà con không thể về với mẹ
Nằm lại Đồng Dù –
Vĩnh viễn tuổi 23.

Hanh Cù mưa suốt đêm qua
Sáng nay anh về trời xanh thăm thẳm.
Sáng nay rợp cờ đỏ thắm
Vẫn nguyên tuổi trai ngày anh lên đường
Cờ hoa vẫy người , loa vang tiếng hát…

Nhưng hôm nay
trong những lá cờ đỏ thắm
Có một lá cờ phủ đắp người anh
Những bông hoa trắng hết mình tinh khiết
Và nhạc Hồn tử sĩ buồn thương, không phải Khúc quân hành.
Mẹ vẫn mẹ
Nhưng bàn tay như lá héo trên cành
Mắt rờ rẫm tìm con trong hư ảo
Lặng phắc ngồi tâm sự với khói hương

Đón anh về
Làng xóm thân thương/
Vẫn những người tiễn anh ngày ra trận
Trong niềm xót thương, thành kính
Có người con gái ngày xưa yêu thầm lặng một đời

Liệt sĩ ơi!
Đón anh long trọng về nhà
Đất lành ôm ấp bao la ân tình
Khói hương dẫn lối tâm linh
Đưa người về lại nơi mình sinh ra
Quê hương còn chút mẹ già
Đợi anh, nước mắt canh gà …hóa vôi.

Đêm 24/9/2014
Ngày đón liệt sĩ Lê Quang Đông về quê nhà

 

Chuyện của các anh

Có một bát hương thờ chung đồng đội
Các anh thay nhau cất giữ tại nhà
Mỗi năm một lần ngày vinh danh quân đội
Người đến lượt mình lại bưng bát hương ra.

Các anh thắp hương và cúi đầu
tưởng nhớ đồng đội xa
Rồi sau đó mới là đàn, là hát
Là kỷ niệm kể một thời trận mạc
Là buồn vui cuộc sống tuổi đông về…
Anh chân tình kể chuyện em nghe
Về những cựu chiến binh giữ bát hương
thầm lặng
Như người lính đêm đêm đổi gác
Thay phiên nhau giữ cây súng canh thù.

Nhưng súng canh thù không phải bát hương
Trong nắm tro có linh hồn linh cốt
Anh ôm vào trái tim, mười ngón tay
giữ chặt
như ôm đồng đội xưa

Những chân hương càng dày, càng
đầy thêm lớp tro
Người “đổi gác bát hương” đang ngày
càng thưa vắng.
Đến một ngày…
đến một ngày….
tất cả thành im lặng
Người cuối cùng sẽ đổi gác cho ai?

 

Thị xã ra quân
(Bài thơ viết năm 1979 cho các em học sinh của tôi ngày lên đường đánh giặc Tàu xâm lược)

Thị xã mình sáng nay ra quân
Tháng Ba đang mùa hoa gạo đỏ
Những phố đường đêm qua như chẳng ngủ
Thức dậy sớm hơn mọi ngày
Những nhà có con đi sáng nay
Lục tục đỏ đèn từ mờ đất
Hàng xóm hỏi nhau thân mật
– Phố mình sáng nay mấy đứa ra đi?

Không giống ông bà mình tiễn nhau xưa kia
Chỉ lặng im, bịn rịn
Không giống mẹ tiễn cha thuở nào đi trận
Bâng khuâng, thèn lẹn, dặn dò…
Thị xã mình sáng nay tiễn đưa
Cái háo hức nhân lên, niềm vui chia để lại
Con trai con gái
Nghe họ cười, không đoán nổi ai đi…

Ngã ba phố mình thênh thang mọi khi
Sáng nay ứ dòng xe cộ
Sáng nay đò sang bến chợ
Nhường cho khách lên đường
Mậu dịch bách hóa mở sớm hơn ngày thường
Đông con gái vào mua bút, sổ
Chị bưu điện luôn tay, lòng cởi mở
Trao tập phong bì và những con tem

Thị xã rộn lên
Chẳng ai biết tiếng loa nhắc gì trong hội trường nhà văn hóa
Cứ nghe rôm rả
Chuyện quân ta chống trả giặc Tàu
Đêm qua đài đưa tin biên giới rất lâu
Từ hôm tổng động viên bao nhiêu lá đơn gửi về Thị ủy…
Biên giới trở thành thiêng liêng trong suy nghĩ
Tiếng súng kéo khoảng trời gần hơn…

Chưa bao giờ máu gửi nhiều theo những lá đơn
Chưa buổi lên đường nào tình nguyện đông như vậy
Sông Đà tháng ba – mùa hoa gạo cháy
Đuốc non sông hừng hực lửa căm hờn

Tiễn những người con lên phía biên cương
Có tình thương trong gói cơm của mẹ
Có dáng tiễn đưa còng lưng của bà
Có cuốn sổ lưu niệm chật lời bè bạn
hẹn gặp cùng trên biên giới xa.
Và ra đi sáng nay tháng Ba
Có chàng trai bỗng đọc to bài Bình Ngô đại cáo.

Thị xã Hòa Bình, 28/3/19

 

Trở lại Tiên Sa
(Tặng những người lính Tiểu đoàn bộ D127, E282. PKKQ
đóng ở đảo Sơn Trà năm 1975)

Tiên Sa
Không có em chắc gì anh trở lại
Bến thầm kín như người con gái
Anh một thời đã tắm, đã dừng chân.

Đảo giống hình chiếc nấm giữa biển xuân
Che bờ cát mịn màng eo tiên nữ
Anh đã từng canh giữ một thời trai.

Biển dạt dào như nhận ra ai
Sóng hát lại bài ca ngày giải phóng
Đá lặn ngụp… vẫn là tiên đang tắm
Thấy anh về, trẫm ngực xuống lòng sâu.

Em bấy giờ chưa biết anh đâu
Chưa biết biển ẩn mình trong ngực đảo
Những người lính lặng thầm qua dông bão
Giữ đá, giữ bờ, giữ cát cho… tiên.

Ngoài xa kia vẫn có những con thuyền
Từ sông Hàn chở nắng ra cửa biển
Con thuyền nào ngày ấy ghé đón anh
Chở cả nỗi niềm người sau cuộc chiến?

Tiên Sa
Có một ngày anh lại về thăm
Lối xuống bến phải vạch cây rẽ cỏ
Vết dép lốp, may cát còn giữ hộ
Ngôi nhà thờ hoang phế dọc thời gian

Mất – được qua rồi, sau bọt sóng tan
Còn lại anh trầm tư ngày trở lại
Còn lại anh và cát vàng trên bãi
Còn lại anh – người lính – trái tim hồng.

Ngày 17/3/2013

 

Cảm xúc ngày trở về

Chúng tôi trở về từ Trường Sa
Giọt nước mắt mang theo đã trả về biển cả
Nỗi lo lắng trong tim đã tan theo gió trời
Và những băn khoăn đã vùi xuống trùng khơi

Hành trang trở về đầy trái tim tôi
Niềm tin yêu
Lòng kiêu hãnh
Sự vững vàng…
Đó là sức mạnh
Ngăn được mọi kẻ thù đến từ phía mưu toan

Trên tàu HQ 996, ngày 7/5/2014

 

Thuyền trưởng

Trên đại dương mênh mông, mênh mông
Rình rập bão dông, bất ngờ sóng dữ
Con tàu vượt ngàn trùng cách trở…
Nhờ bàn tay thuyền trưởng vững vàng

Mắt anh nhìn trời rộng, biển xa
Chân sóng bao la, chân mây bát ngát
Định hướng tàu đi chỉ một đường đã chọn
Đích đến nơi là bến đỗ an lành

Đứng mũi chịu sào trên sóng cả là anh
Biển dẫu trong xanh, vẫn thình lình bão tới
Người yêu ơi đừng giận hờn em hỡi
Khi anh hiểu con tàu hơn cả hiểu tình em.

Gặp bão tố gian nguy anh vững niềm tin
Phía nhổ neo có mẹ hiền – Tổ quốc
Tay cầm lái vững vàng trên sóng nước
Bao người trông mong…
Một thyền trưởng con tàu!

 

Như là đã đến Trường Sa
Kính tặng các chiến sĩ tàu Trường Sa 10 – Hải đội 1- Lữ đoàn 125 Quân chủng hải quân

Ước thầm một chuyến ra khơi
Giang tay ôm đảo, nghe lời phong ba
Thế mà được gặp Trường Sa
Một ngày anh đón em ra thăm tàu.

Những người lính trẻ như nhau
Tóc đùa gió biển, da màu nắng non
Thả neo một chuỗi cười giòn
Làm nghiêng mạn phía em còn … chung chiêng

Tàu anh cập bến đất liền
Lên tàu là chạm sóng miền đảo xa
Nắm tay anh… thế nghĩa là
Nắm tay người lính Trường Sa thật rồi.

Ngắm ‘vườn” xanh biếc rau tươi
Biết người canh giữ nước – trời gian nan
“Ba thừa, hai thiếu, ba khan”
Thừa nắng, sóng, gió. Thiếu ngàn rau xanh
Thiếu nước ngọt, khát gia đình
Khát văn công, khát ấm tình quê hương…

Bao lời tâm sự thân thương
Vẫn trong ý chí cương thường hiên ngang.

Ước thầm một chuyến mênh mang
Ra cùng Nam yết, An Bang, Ba Bình…
Ngợp muôn lớp sóng cuộn mình
Mới thương đảo chịu rập rình phong ba

Như là đã đến Trường Sa
Hồn nôn nao sóng, đập va gió trời
Như là được vượt trùng khơi
Nâng ca nước ngọt, thương người chắt chiu

Ơn người làm dậu tiền tiêu
Giang tay giữ đảo thương yêu cho mình

Ngày 27/8/2013

 

Suối Mỡ
(Mến tặng các bạn trai cùng học một thời đã lên đường nhập ngũ)

Từ Mai Sưu ra Lục Nam
Đến trường tôi phải lội ngang suối này
Có lần cúi xuống rửa tay
Ngẩng lên, ông Ác chau mày, nắm gươm
Có khi ngã sấp mặt đường
Đứng lên, ông Thiện cảm thương mắt nhìn
Cửa đền bên suối vắng, im
Mà tôi sợ thót trái tim trăng rằm

Bấy giờ mới tuổi mười lăm
Tóc tôi suối chảy đằm đằm bờ vai
Bỏ phanh, xe thả dốc dài
Bạn chở tôi sức trẻ trai đương thì
Ngày nhập ngũ tiễn bạn đi
Có dòng suối biết thầm thì lời thương
Đưa nhau ấm một đoạn đường
Về sao trống trải mái trường bạn xa…

Cái thời sơ tán đã qua
Tôi rời đất Lục và hoa suối ngàn
Tay quen “di chuột” mặt bàn
Giờ về chắp lạy trước làn khói hương
Lạy ông Hiền – Dữ, còn thương
Xin cho nước mắt soi gương bạn cười
Tìm trong bao dấu chân người
Có ai?
mãi tuổi hai mươi chưa về?
Dấu nào dép lốp đi bê (B)
Suối còn lưu bước dòng quê cho mình?

Bạn ơi! Tôi gọi thật tình
Thưa tôi, chỉ núi Huyền Đinh vọng lời

Tháng 8/2011

 

Hoa tầm xuân
(Tặng người nữ quản trang ở nghĩa trang Vĩnh Linh)

Bắt gặp bụi hoa tầm xuân
Trồng góc nghĩa trang một miền gió cát
Những cánh hoa rưng rưng
Dịu mềm…
trong nắng trưa bỏng rát
Sắc hồng thắm giữa lá xanh.
Vin một nhành hoa lòng nghĩ chân thành
– Ông lão quản trang chắc yêu loài hoa ấy
Lòng bâng khuâng dõi tìm người, chưa thấy
Bất ngờ… nón trắng hiện ra

Người nữ quản trang thắt đáy áo bà ba
Đang xén cỏ âm thầm quanh mộ chí
Chẳng ngại nắng trưa
Chị dắt tôi đi giữa năm ngàn liệt sĩ
Nói thuộc quê hương, tên tuổi từng người
Trưa Vĩnh Linh nắng bỗng dịu khoảng trời
Chị đi trước – vầng mây trôi gầy nhỏ
Chiếc nón trắng lỏng quai
Chòng chành mỗi khi có gió
Nghiêng che một mảnh trăng ngần

Chị kể rằng: Ngày về sau chiến tranh
Cha mẹ không còn, đất đai không có
Đồng đội cùng thời, người đi, người ở
Người ở thì nằm với cát trắng quê hương
Thương bạn bè vùi lạnh gió sương
Chị ra đây với tháng ngày còn lại
Để chăm chút các anh
Dù nhổ cỏ, trồng hoa
Trông “cửa” trông “nhà”
Như một người em gái
Giữa đồng đội xưa chị tìm lại tuổi xuân mình…

Cúi xuống nâng một nhành hoa xinh
Sửa lại cây hương chợt nghiêng trên mộ
Vừa làm chị vừa tâm sự
Nghe giọng ngọt thương, đắng đót nỗi niềm…

Ngắm cành tầm xuân nghiêng nghiêng
Tôi đứng lặng với mình trước khi xa chị
Cứ thương thương loài hoa dung dị
Nở lặng thầm trong góc nghĩa trang

Vĩnh Linh 28/6/1998

Nguyễn Thị Mai


[1] Viết tặng Cựu chiến binh Nguyễn Đình Kiềm trợ lý chính trị Sư đoàn 312, đã tham gia mặt trận Quảng Trị năm xưa, từng xin nhận trách nhiệm viết thông tin về các đồng đội hy sinh để đặt trong lọ thủy tinh nhỏ chôn cùng họ sau các trận đánh ác liệt. Năm 2017, trong chiến dịch đi tìm hài cốt liệt sĩ, anh đã tìm được nhiều đồng đội với chiếc lọ thủy tinh trong đó còn nguyên mẩu giấy do tay anh viết rất cẩn thận và nắn nót.
[2] Kính tặng anh Nguyễn Văn Trọng
[3] Mượn ý thơ Nguyễn Đức Mậu
[4] Viết tặng anh Nguyễn Văn Mừng- thôn Bãi Cả- xã Bình Sơn- huyện Lục Nam- Tỉnh Bắc Giang, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 866 – Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào, bị thương năm 1971 tại Xiêng Khoảng.
[5] Bãi tắm Tiên Sa thuộc bán đảo Sơn Trà – thành phố Đà Nẵng
[6] Cây phong ba trên đảo
[7] Lời đúc kết vui của các chiến sĩ ngoài đảo TS

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây