Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] – (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) – Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn

Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn

Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn .

cuon Tuy but phe binh NXB Hoi Nha van 2023 cua Hoang Lien Son - Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnCuốn “Tùy bút phê bình” (NXB Hội Nhà văn, 2023) của nhà nghiên cứu Hoàng Liên Sơn.

Đất nước vào giai đoạn mà các tác phẩm văn học trong nước phải cạnh tranh độc giả với vô vàn tác phẩm nước ngoài được dịch và xuất bản. Các độc giả trẻ thông thạo ngoại ngữ và có thiên hướng trông ra nước ngoài để hiểu hơn những ông chủ, những đồng nghiệp, hay khách hàng của mình. Vì vậy văn học trong nước vẫn đang lớn mạnh không ngừng, nhưng để thắng thế trong cuộc cạnh tranh ấy cũng không hề dễ.

Nhắc tới tiểu thuyết lịch sử, dễ có sự hiểu bộp chộp là viết về những chuyện đã cũ, ít đề cập đến các vấn đề nóng bỏng cần kíp của hiện tại.

Tuy nhiên, lại có câu “ôn cố tri tân”. Vấn đề chỉ là tiểu thuyết lịch sử có làm nổi điều đó hay không.

Bản thân người viết, đọc sách chưa tới vạn quyển, nhưng nghìn thì chắc đã nhiều hơn. Nhưng tận tới ngũ thập mới giật mình nhận ra: Ngay chỉ một chữ KHÔNG của kinh Phật đã hiểu sai gần như hoàn toàn. Thế nên, nhân ngày được nhà văn Phùng Văn Khai tặng tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân, tỉnh thức kịp thời mà tự nhủ rằng: Cần đọc trước rồi kết luận sau.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có một khái niệm độc đáo là chiến tranh du kích. Lần ngược lên dăm thế kỷ, Cáo Bình Ngô viết “Thế trận xuất kỳ lấy yếu thắng mạnh – Dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều”.

Và khi đọc Nam Đế Vạn Xuân, tôi nhận thấy hóa ra báu vật ấy đã được cất giữ, trao truyền qua 15 thế kỷ.

Thời Hậu Lý, khi Lý Thường Kiệt chủ động tập kích quân Tống ngay trên đất đối phương; thì đã có một “bài mẫu” là cuộc tập kích của nhà Tiền Lý vào Hợp Phố, nơi đối phương đang tập trung binh lính và lương thảo, vũ khí chuẩn bị cho cuộc tấn công hòng đánh tan nhà nước Vạn Xuân vừa lập.

Tôi cũng chợt “mở biên” rằng, sẽ không chỉ nghệ thuật chiến tranh, mà cả nghệ thuật hòa bình, đàm phán; nghệ thuật trồng cấy, đánh bắt… cũng được trao truyền theo cách đó.

Nhận ra cuộc chạy tiếp sức này, không phải để tự ti về những gì con cháu thời đại chúng ta làm được; mà để càng tự tin, yên tâm hơn: Chúng ta như một cây cao được gieo trồng từ hạt giống tốt và chăm sóc qua nhiều thế hệ chứ không phải loại cây từ cành chiết ra mang cắm xuống đất.

Nha phe binh Hoang Lien Son bia trai - Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnNhà phê bình Hoàng Liên Sơn (bìa trái) tặng cuốn sách “Tùy bút phê bình” (NXB Hội Nhà văn, 2023).

Bạn đọc sẽ đòi hỏi: Đồng ý là ôn cố tri tân rồi, nhưng trước khi cầm sách ở nhà sách bỏ vào túi, sẽ vẫn phải quan tâm là có hấp dẫn không? Có kịch tính không? Có gay cấn hồi hộp không?

Tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân đã đảm bảo các yếu tố đó.

Học lịch sử về nhà Tiền Lý có nhiều cấp độ khác nhau. Học trung học cơ sở đã biết tên Lý Nam Đế, Lý Bí; biết năm ông khởi binh và năm ông bị đánh bại. Những ai quan tâm đọc các tài liệu như Đại Việt sử ký toàn thư thì còn biết nhiều, biết chi tiết hơn nữa. Vì vậy thật khó cho tiểu thuyết gia tạo được sự tò mò, sức hấp dẫn thông qua số phận của các nhân vật chính.

Đã vậy, tác giả lại còn chia thành hồi và tóm tắt mỗi hồi bằng hai câu văn vần, khiến cốt truyện sẽ càng lộ rõ. Tự bỏ đi công cụ hiệu quả trong tạo sức hấp dẫn, vậy tác giả sẽ bù đắp bằng cách nào? Các dòng tiếp theo sẽ từ từ khơi mí và giải đáp.

Xin bắt đầu là một vị khách đi đường vào chùa “bận bộ vải thô màu xám lồ lộ những miếng vá to tổ bố song đường kim mũi chỉ gọn gàng lắm, chứng tỏ là một tay thuần thục vá may”; khiến độc giả tò mò nhân vật ở trong tầng lớp nào của xã hội mà có trang phục kỳ lạ như vậy?

Thì ra đó là một vị sư, và mặc y phục hao hao bộ y phấn tảo của các vị theo hạnh đầu đà. Nhìn sư Minh Tuệ ngồi khâu những lúc nghỉ giải lao trên con đường du hành khất thực dọc đất nước mấy ngày nay, tôi hiểu hóa ra chữ “thuần thục vá may” không hề là sản phẩm của tô vẽ, và chứng tỏ tác giả đã có cái phông kiến văn Phật pháp rất dày.

“Sư thầy rất kiệm lời, chỉ luôn theo lối tâm truyền”. Chỉ một dòng như vậy đủ biết Từ sư phụ thuộc dòng “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”, và cũng cho thấy đẳng cấp học trò ưu tú của Đức Phật đã chứng tha tâm thông bởi vì “hiểu thấu tâm can người khác”.

Với vị sư như vậy, và vị hương trưởng Lý Cạnh “Có thể cắt cử một người trong tôn tộc tới trụ trì cũng là nhất cử lưỡng tiện. Song họ Lý chưa bao giờ làm điều đó”, chúng ta đã có phôi thai hình ảnh Phật giáo đồng hành cùng dân tộc từ rất sớm.

Các vị sư không chỉ giáo hóa chúng sanh bằng Phật pháp, mà còn là những bậc thầy “tinh thông võ học và y thuật”. Còn các vị thủ lĩnh dân chúng thì “đạo pháp đã ngấm rất sâu vào những người chủ trì Lý Gia Trang từ lúc tóc còn để chỏm. Xuân thu nhị kỳ, vẫn là đời đấy mà đạo đấy”; quả là “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Những trụ cột đầu tiên đã dần lộ diện.

Nha phe binh Hoang Lien Son giua va cac ban van - Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnNhà phê bình Hoàng Liên Sơn (giữa) và các bạn văn.

Con người là thế, còn thiên nhiên thì sao? “Chỉ những cây ngâu ngót trăm năm tuổi mới có hoa lúc đông lạnh. Mới hay tạo hóa không chỉ biết khắc nghiệt thử thách lòng người mà còn luôn ban tặng những món quà đầy thâm ý”. Và “hương Cổ Pháp luôn mấy năm nay đều được mùa, thóc lúa đủ chi dùng trong vài năm không hết”. Tất cả đang ươm mầm cho một cuộc chuyển biến lớn lao.

Ở trong thiên nhiên và con người ấy, vẫn là Từ sư phụ chỉ dạy: “tìm cây sơn đen lấy nhựa về trộn với chu sa quét trám lên khe gỗ khiến thuyền kín nước mà vững vàng lắm”, rồi “Cổ Pháp tuy là vùng đất truyền đời của Lý gia nhưng phải biết mở mang đi khắp nơi mới là ý chí của tiền nhân”. Bảo sao rất nhiều ngôi chùa đã là nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ cách mạng trong những năm tiền khởi nghĩa hay kháng chiến chống Pháp!

Nhưng cuộc chuyển biến ấy cần những nhân tố đột biến mới có thể bắt đầu. Và chỉ một câu tả ta đã có thể mường tượng ra: “Đôi chân Lý Bí đã tướp máu nhưng những bước giật lùi của họ Lý lại tỏ ra khá vững trãi”. Bước giật lùi chính là khi đưa tang thân mẫu, lúc chỉ mới bảy tuổi! Chi tiết ông hùm vàng phủ phục bên cạnh Lý Bí khi cậu ở bên mộ mẹ một mình trong đêm tối chính là biểu tượng của sự lựa chọn, ủng hộ của hồn thiêng sông núi dành cho cậu.

*

*     *

Khi tổ Bồ Đề Đạt Ma sang tới Trung Hoa giáo hóa, vua Lương Vũ Đế đã mời ngài tới cung điện để đàm đạo. Vua hỏi: Ta xây nhiều chùa, nuôi nhiều sư như vậy hỏi có công đức gì chăng? Tổ trả lời: Không có công đức gì cả! Vậy là chia tay và tổ tiếp tục vân du tới một hang đá, ngồi quay mặt vào vách suốt chín năm.

Với sự hiểu biết hạn hẹp, tôi vốn nghĩ hẳn tâm hướng Phật của vua cũng rất lớn dù có thể chưa thấu đạt. Vị vua này phức tạp hơn tôi tưởng rất nhiều!

“Mùa xuân năm 502, khi Tiêu Diễn trên đường đưa hoàng đế Nam Tề trở về Kiến Khang, đến đất Cô Thục đã buộc hoàng đế phải ban thánh chỉ nhường ngôi cho mình kết thúc triều Nam Tề mở ra triều Lương”.

“Lương Vũ Đế phong cho cựu hoàng Nam Tề tước hiệu Ba Lăng vương sau đó lập tức giết chết”.

“Mấy vụ tướng lĩnh đại thần đột ngột bị Lương Vũ Đế gọi vào mật điện tuyên tội giết cả nhà”.

Vẻ như, chăm xây chùa chỉ là để hóa giải các nghiệp nặng đã tạo ra!

Và dưới ngòi bút của tiểu thuyết gia họ Phùng, chuỗi nhân quả trùng trùng đang mở ra.

Cái nhân “Vùng dất phương Nam giàu khoáng sản tài vật lại xa cách kinh thành nhà Tề” tạo quả “luôn tàng ẩn những dã tâm phản phúc của đám tướng soái”.

Cái nhân “khi Tiêu Diễn cướp ngôi Nam Tề” tạo quả “cũng là lúc Lý Khải làm phản mưu đồ nghiệp riêng muốn hùng cứ phương Nam”.

Cái nhân “Lý Khải không được dân chúng Giao Châu ủng hộ” tạo quả “binh tướng của Khải cạn kiệt lương thực mà bị Lý Tắc bắt giết đi”.

Cái nhân “Lý Tắc nhiều năm không chịu đưa của cải thóc gạo, vàng bạc châu báu, thợ giỏi gái đẹp về kinh đô Kiến Khang tấn hiến” tạo quả là Lương Vũ Đế gọi Tiêu Tư đến mà “tuyên chỉ Vũ Lâm hầu sớm thụ mệnh thứ sử Giao Châu, thay trẫm dẫn binh đi hỏi tội phản thần Lý Tắc”.

Và chúng ta sẽ hồi hộp chờ đợi xem cái nhân“Cuộc đi lần này, bề ngoài các đại thần Lương triều tưởng dồn ta vào vùng đất khó song cũng là mở ra cho Tiêu mỗ thực hiện hùng tâm tráng trí của mình” thì sẽ tạo quả gì?

Đó là “phe địch”, còn “phe ta” thì sao?

Nha van Phung Van Khai noi chuyen - Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnNhà văn Phùng Văn Khai (bìa phải) trong buổi nói chuyện ‘Những bài học lịch sử’.

Cái nhân từ nhận thức của vị tiểu tăng Tinh Thiều: “An Dương Vương, Cao Lỗ, Trưng Vương, Triệu Vương đều xưng vương lập nước nhưng cũng chẳng được lâu bền mà đều bị người phương Bắc đàn áp dã man” đã tạo quả lành “Con muốn sang phương Bắc một chuyến, tới kinh đô Kiến Khang của nhà Lương học thi thư, thuật pháp, nghiên cứu quân chế, binh giáp, xem người phương Bắc có gì ưu việt mà ngàn năm nay chiếm cứ nước ta, ép ta mãi mãi làm quận huyện của chúng như thế.”

Người anh hùng dân tộc trong tương lai thì nhắn nhủ: “Sư huynh sang phương Bắc, dẫu có học thi thư của chúng cũng chớ có quên mình là người hương Cổ Pháp xứ Giao Châu”.

Bấy nhiêu đủ thấy những cuộc đông du do Phan Bội Châu chủ trương, và đặc biệt là cuộc xuống tàu sang Pháp tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đều có nguồn gốc lâu đời, không phải ngẫu nhiên trên trời rơi xuống.

*

*     *

Một đoạn trích từ sách lịch sử: “Năm 179 TCN, thành Cổ Loa thất thủ trước cuộc tiến công xâm lược của Triệu Đà, Âu Lạc bước vào đêm trường Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm.”.

Cách mô tả “đêm trường Bắc thuộc” có vẻ như nghiêng về cảm xúc và để nhấn mạnh nhiều yếu tố thua thiệt đối với người Việt bản xứ, chứ thực ra quá trình đó không hẳn chỉ đem lại toàn điều tiêu cực.

Không có hoàng đế riêng, quân đội riêng, và quan cai trị của người Bắc có giai đoạn nắm giữ đến chính quyền cấp huyện; thì rất “đêm trường” rồi. Nhưng bên cạnh đó còn diễn ra quá trình khác: Học chữ, học nghề. Có điều, như Mao Trạch Đông từng nói: Phương Tây là thầy của phương Đông trên nhiều lĩnh vực, mà thầy nào chả đánh trò!

Trong hàng ngũ quan lại, cũng có những quan cai trị khá được lòng dân, chẳng hạn Sĩ Nhiếp là người “nắm giữ đại quyền kiêm quản Giao Châu trên 40 năm qua hai triều Hán – Ngô”. Khi tác giả đề cập đến nhân vật này, tôi cũng khấp khởi hy vọng Vũ Lâm hầu có thể sẽ là một Sĩ Nhiếp thứ hai chăng? Và trong tiêu đề của hồi 3 “Vũ Lâm hầu tạo nghiệp” là nghiệp lành chăng?

Thế nên, khi Lý Tắc cầu thị đi “thăm thú các đình đền chùa miếu do Sĩ Vương tôn dựng”, tôi có nghĩ về một kết cục tốt đẹp cho bản thân ông ta và cho dân bản xứ, ít nhất là trong ngắn hạn.

Nhưng ngay sau đó ông ta đã ngẫm phận mình “ngàn dặm xa xôi, có về thanh minh chắc cũng đầu lìa khỏi cổ”, và phận những kẻ trên mình “cái trò ưa thoán đoạt của tướng soái Lương triều chắc chắn sẽ khiến triều đình gãy đổ trong sớm tối”.

Thường dân, bên cạnh việc lo công việc mưu sinh thường ngày, luôn có ít nhiều nhu cầu theo dõi, tìm hiểu và tham góp vào công việc nơi thượng tầng kiến trúc của xã hội mà thời phong kiến là triều đình. Và một trong các tư duy là so sánh nơi thượng tầng ấy với đời sống sát cạnh mình. Có góc nhìn thấy nó thật to tát hệ trọng và đáng kính sợ kiểu “ban ngày quan lớn như thần”, nhưng lại có góc nhìn kiểu này: “Lương Vũ Đế luôn nửa tháng liền vào chùa tu Phật không còn triều nghị nữa. Bởi thế, Tiêu Tư đã lựa thời cơ lấy toàn ngựa tốt, giáp mới, lại xin thêm hơn vạn bộ cung tên tốt cùng hai vạn lạng vàng trong quốc khố chuyên chở xuống phía Nam”.

Từ “tu Phật” định danh sai một cách cố ý cũng mang hàm ý mỉa mai tư chất “hổ mang” của Lương Vũ Đế chăng? Và vua nào thì tôi nấy, cái nghiệp mà Vũ Lâm hầu tạo ở Luy Lâu khó mà là nghiệp lành!

Cung cách “lựa thời cơ” từ kinh thành mang sang bắt đầu thi triển ở miền đất mới: “Nay ta hãy giả lái buôn vào cổ trấn Luy Lâu trước”. Làm chính trị có thủ đoạn cũng là thường, đôi khi thế mới được việc đại cục. Thậm chí có những cái ganh đua xem ra rất thiện chí: “Dạy cho dân chúng biết Lương triều ta hoặc là lễ nghi triều dã hoặc là ân uy trong ngoài quốc thổ biên trấn đều phải hơn hẳn họ Sĩ kia mới được”.

Tuy nhiên, các tổ đã dạy trình tự là “văn, tư, tu”. Cái tư của con cáo già còn chưa kịp chuyển sang tu được sát-na nào thì đuôi cáo đã thò ra. Ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với dân sở tại, y để Mã Phương manh động giết người không chính đáng, rồi liền đó còn dọa nạt các bô lão tới hành lễ ở đền thờ các vua Hùng: “Đừng để lão gia nổi giận thì ngay cả cổ trấn Luy Lâu của các ngươi cũng khó mà toàn vẹn”.

Tạm ngắt khỏi cái không khí cọ xát va chạm căng thẳng giữa những người bị trị và kẻ thống trị, xin trở lại với những điều thiện lành.

Nha van Phung Van Khai trao tang sach 1 - Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnNhà văn Phùng Văn Khai trao tặng cuốn sách tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân.

“Khi được đổi sang Giao Châu kiêm quản, những người tránh loạn nhà Hán đều được Sĩ Nhiếp chiêu an cấp đất, dạy dỗ cấy cày”. Chi tiết này, cùng với đoạn viết tổ bảy đời của Lý Bí gốc cũng từ phương Bắc sang phương Nam lập nghiệp, tôi chợt tự hỏi biết đâu tổ trăm đời họ nhà tôi cũng từ đâu đó Tây Thục hay Giang Đông mà ra. Cũng cho thấy lòng dân phương Nam cởi mở bao dung, không kỳ thị; ai đủ tài đức “Tự chế ra chiếc cày hai lưỡi có thể vừa úp thành luống đất vừa mở thành rãnh sâu để tiện việc trồng cấy” (đoạn tả về Lý Bí khi còn là tiểu tăng) chẳng hạn thì sẽ được tôn vinh.

Và dù mới là tiểu tăng, nhưng sư phụ đã bắt đầu chủ động gieo duyên với cậu những điều như thực tuệ tri: “Ngay như vua chúa, hoàng đế nước chúng cũng rặt một bầy gian hùng khát máu, chuyên rình rập cướp ngôi lẫn nhau. Vua nào tôi đó. Chủ nào tớ đó. Bởi vậy, người Giao Châu chúng ta mới nối kiếp lầm than đã mấy trăm năm”.

Mặc dù là một tiểu thuyết tập trung chủ yếu vào các hoạt động mang tính cọ xát cao của một giai đoạn biến động mạnh, nhưng tác giả không quên tặng chúng ta những đoạn văn tả cảnh, tả vật rất tinh tế: “Lúc mới lên thuyền vó ngựa còn nghi ngại, chỉ giây lát chúng điềm nhiên gại móng nhìn kỹ hai bên bờ chừng như để nhớ đoạn đường đang vượt qua nhằm ngày về không lạc lối”.

*

*     *

Nội dung lớn nhất của tiểu thuyết là cuộc đối đầu. Tới lúc này tuyến nhân vật của phía áp bức thống trị đã bộc lộ khá rõ ràng và tư chất ổn định. Còn phía bị trị từ đây mới bắt đầu được giới thiệu.

“Dòng thiền Luy Lâu vừa có bề ngoài trang nghiêm qui củ theo tổ chế của Phật tổ vừa có sự mềm mại, ôn hòa nhập thế theo bản tính của người Giao Châu”.

“Các bậc cao tăng xuất thân từ dòng thiền Luy Lâu vừa quán thông đạo pháp vừa rất giỏi lục nghệ, văn võ đều thuần thục”.

Xưa nay, tư tưởng chủ đạo của Phật giáo là bất bạo động. Đạo Phật đã bị gần như xóa sổ, kinh sách bị đốt sạch; tăng ni bị giết sạch ở ngay quê hương của đạo bởi những kẻ Hồi giáo xâm lược nhưng họ vẫn không phản kháng.

Cac ban van tai buoi noi chuyen ve Tieu thuyet lich su cua Phung Van Khai - Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnCác bạn văn tại buổi nói chuyện về Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai.

Nhưng tới đất ta thì người Việt đã giữ lấy cho mình quyền có nền Phật giáo đặc thù của mình mà vẫn tuân thủ lời dạy của Thiên Nhân Sư: Không dính mắc, không chấp chước vào bất kỳ vật gì ở đời. Tinh thần ấy cũng tương ưng với tổ Bồ Đề Đạt Ma người giỏi võ vô song, ngài còn chủ động truyền dạy võ nghệ ấy cho các đệ tử thiền tông Trung Hoa.

Võ nghệ ấy, lấy thủ làm trọng, lấy thủ làm công và thiên về tự vệ hơn là thoán đoạt sinh mệnh kẻ khác. Phải chăng, chữ “quốc phòng” cũng bắt đầu từ tư tưởng ấy?

Tuy nhiên căn cốt thì vẫn là “Từ ngày khoác áo Phật môn, hai vị huynh đệ dần dà không trổ tài nữa”.

Sau khi các ngài đàm đạo về những điềm báo “có đôi rồng bay vút lên từ Đầm Vực ra hướng sông Cái”, hay quí tướng “Tiểu tăng, con có một nốt ruồi son đỏ ở chính giữa lưng phải không?” thì cùng nhận định “Giao Châu ta, như thế là trời sinh vương tướng chứ không phải chuyện thường”. Nhưng liền đó lại dặn nhau “Dù sao thì sư huynh hãy giữ kín đi cho là hơn” – khác nào các chiến sĩ cách mạng tri thức đầy mình nhưng cũng áo tơi nón lá trong thời kỳ hoạt động bí mật?

Với những kẻ phương Bắc thạo phong thủy sẵn sàng chỉ cần thấy đất Nam ở đâu có long mạch là lập tức tìm cách trấn yểm, sự cẩn trọng của các sư thật hợp lẽ.

Nhân vật của tiểu thuyết Nam Đế Vạn Xuân hay khóc. Tôi ít khóc theo nhưng tới chi tiết các sư dặn dò nhau, cũng cay khóe mắt thương những cao nhân từ buổi bình minh mang hoài bão tự chủ cho dân tộc mình.

Tuy nhiên, việc giỏi võ thì chưa tới lúc cần phải giấu: “Khi tất cả còn đang mải quan sát, bỗng giữa sới Trịnh trưởng tràng loạng choạng chao đảo rồi cứ thế bị Lý tiểu tăng dùng miếng vai kéo lùi dần như cảnh tiều phu kéo cây trong rừng rồi đột ngột nhảy thoát ra khiến cả tâm thân nặng đến ngót trăm cân của vị trưởng tràng vật ngửa ra giữa sới”.

Là võ thuật ngày xưa, nhưng cũng là chiến thuật đào địa đạo Củ Chi ngay sát hậu phương của địch để ngày rút đêm đánh sau này.

Cac ban van tai buoi noi chuyen ve Tieu thuyet lich su cua Phung Van Khai 2 - Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 1] - (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) - Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên SơnCác bạn văn tại buổi nói chuyện về Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai.

Và cũng vì vậy mà bài tùy bút này có tên là MIẾNG RÊ VAI NGƯỢC NÚI.

Song song với việc xây dựng trục dọc của tuyến nhân vật, tác giả cũng mở rộng theo chiều ngang, cả người và đất:

“Trong vùng có trang chủ họ Phạm vốn dòng dõi danh gia vọng tộc, từng nhiều đời làm tướng từ thời Hùng Vương dựng nước”.

“Danh tiếng đô Tu không chỉ vang đến tận các vùng Chu Diên, Luy Lâu, Cổ Loa, còn vang vào tận vùng Hoài Hoan, Cửu Đức”.

Tất cả cùng phôi thai cho một cuộc chiến mang tính chất mà thời hiện đại chúng ta gọi là chiến tranh nhân dân!

*

*     *

Thành phần quan trọng của tiểu thuyết là nhân vật. Nếu sau khi gấp tiểu thuyết này lại mà bạn đọc tự thấy nảy ra cách gọi kiểu như tay này Tiêu Tư thế nhỉ, gã nọ Trương Húc ra phết, thì tác giả đã thành công.

Giờ trở lại nhân vật Vũ Lâm hầu. Những dòng tiếp theo ngày một khắc họa đậm nét tính cách võ biền được che đậy khá tinh vi. Bản thân y cũng ý thức được đầy đủ việc phải che đậy bởi “Không khéo triều đình biết tin lại cho ta là vụng về nóng nảy”, nhưng bản chất ấy thỉnh thoảng lại manh động phát lộ trong những hoàn cảnh mang yếu tố kích hoạt, chẳng hạn khi bị cụ già mắng ở sân đền.

Khi nhìn viên võ tướng tuy tính nóng như lửa nhưng rất mực trung thành thì “vờ tỏ vẻ giận mắng”.

Khi Lưu Thạo gợi ý “gọi mấy tên hương trưởng đến sắp đặt để đại nhân phủ dụ bọn Nam man ấy còn tiện bắt chúng tìm chọn ít gái đẹp dâng lên để đại nhân giải sầu” thì y tỉnh táo xua tay “Chuyện chọn mỹ nhân chưa được nóng vội. Ở đây thiếu gì tai mắt bọn xúc xiểm về Lương triều”. Chỉ riêng chữ “giải sầu” đủ cho thấy thầy trò chúng là một cặp đăng đối dạng chợ búa thô thiển. Trò cũng hiểu thầy như đi guốc trong bụng “Đúng là dòng giống họ Tiêu, vừa đa nghi vừa xoay lật xoành xoạch”.

Và góc nhìn của thầy với trò thì: “Thấy chúng luôn lo lắng công cuộc trị nhậm Giao Châu trong lòng họ Tiêu cũng có phần cảm kích dù Vũ Lâm hầu đã từ lâu tự đặt ra khoảng cách chủ nhân với các tùy tướng, mưu thần”.

Với tổng quản họ Trương thì “Phiền hà cho Trương tổng quản rồi! Ta vâng mệnh hoàng thượng đến Giao Châu mọi việc nay mai đều trông cả vào Tổng quản ngươi đây. Có điều gì chớ có giấu ta mới được”. Chỉ trong vài từ, y vừa mơn trớn vừa tâng bốc vừa dọa dẫm đe noi!

Và chân dung dạo đầu của Tiêu Tư ở Giao Châu được hoàn thiện khi mà “Đám quan văn võ mặt mũi nhớn nhác sợ hãi biết chắc Cổ Đạo Lâu sẽ bị xử tội chết song không ngờ Hầu gia lại hiểm độc đến mức giao cho Trương Húc phải hành xử viên ái tướng của mình”.

Nhân vật được xây dựng thành công thường lại song song với việc xây dựng hoàn cảnh để nhân vật thể hiện, cùng với tạo tình tiết, xây dựng kịch tính thành công.

Ta có thể hình dung mồn một về Tiêu Chu như thế, cũng bởi tác giả đã tạo ra hoàn cảnh và số phận cho các nhân vật xung quanh. Chẳng hạn Trương Húc, thông qua hàng loạt những dò đoán và phấp phỏng:

“Từ ngày thu xếp vàng lụa dâng sang cho Lý Tắc trở về Kiến Khang luôn đứng ngồi không yên”.

“Lương Vũ Đế vốn đa nghi nên dùng người rất cẩn thận. Vị hoàng thất họ Tiêu này tất không phải tầm thường”.

“Khi thám mã phi báo có đám quan quân lạ bất đồ gây án mạng ở cổ trấn Luy Lâu, tổng quản Trương Húc đã đoán là tân Thứ sử bảy tám phần rồi. Nay thì quả là cầu được ước thấy”.

“Vừa qua kiếp nạn Lý Tắc khôn ngoan ranh mãnh bất chấp thủ đoạn khiến những kẻ thuộc quyền đứng ngồi không yên lại đến ông kễnh hoàng tộc họ Tiêu ngông nghênh hiểm hóc khó lường”.

Và y kết luận “mới thấy cái hung hiểm của việc làm quan đất người luôn chín chết một sống là đều có căn nguyên”.

Chưa biết cuối cùng số phận Trương Húc ra sao, nhưng bấy nhiêu đã đủ thấy hẳn là chẳng suôn sẻ gì. Dù sao, chúng ta cũng có thể cười nhẹ khi bắt gặp cụm từ “quả là cầu được ước thấy” dí dỏm và hài hước lẫn giữa những dòng sắt máu!

————-

Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 2] – (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) – Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn

Miếng rê vai ngược núi [Kỳ 3] – (Tùy bút phê bình tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân của Phùng Văn Khai) – Tác giả: Nhà phê bình Hoàng Liên Sơn

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây