Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 1]

Cảnh sắc Đan Mạch hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Thủ đô Copenhagen là hòn ngọc trên đảo Seeland. Copenhagen có lẽ là một thành phố vào loại thoải mái nhất châu Âu.

Từ vịt con xấu xí trở thành thiên nga

Cảnh sắc Đan Mạch hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Thủ đô Copenhagen là hòn ngọc trên đảo Seeland, đảo lớn nhất của Đan Mạch. Copenhagen chỉ có khoảng một triệu rưỡi dân, có lẽ là một thành phố vào loại thoải mái nhất châu Âu.

Không có những nhà chọc trời, những trung tâm kinh tế quá ư nhộn nhịp. Nơi đây có đường Stroget dành cho người đi bộ dài nhất thế giới (2km) qua khu phố cổ, nhiều hồ và công viên. Những người bán rong, nhạc sĩ, chim ca và chuông nhà thờ ngân tạo thành bản hợp xướng hài hòa. Các cửa hàng mỹ nghệ, cửa hàng ăn với các đặc sản, tiệm cà phê, công viên giải trí Tivoli về mùa Hè, những ngôi nhà thế kỷ XVIII lợp mái đỏ hay bọc đồng xanh, những kiến trúc tối tân…

Ra khỏi thủ đô, có thể ngắm cảnh nông thôn ở ngay ba đảo nhỏ phía Nam đảo Seeland (Lolland, Falster và Mon). Ở đây có những thành phố xinh xinh của tỉnh lẻ, những làng mạc duyên dáng, nhà thờ nông thôn, lâu đài hoàng gia cổ kính.

Bán đảo Jutland là phần lục địa của Đan Mạch, thủ phủ là Arhus, thành phố lớn thứ hai của đất nước với khoảng 30 vạn dân, chứa nhiều di tích của người Viking và lâu đài cổ. Arhus có thành phố cổ chứa nhiều tòa nhà cổ từ khắp Đan Mạch được khôi phục, tạo không khí của một thành phố nông thôn cổ.

Phía Bắc Jutland là vùng đồi, có nhiều rừng nhất nước. Đảo Funen có thành phố Odense, quê hương nhà văn Hans Christian Andersen, xanh mượt, gợi không khí các truyện cổ tích của ông. Đặc biệt, đảo Borholm ở biển Baltic đẹp như tranh với những vách đá cao sát biển, bãi cát dài, rừng rậm, thành phố nhỏ nên thơ.

Greenland, theo chế độ tự trị là hòn đảo lớn thứ nhì thế giới, thủ phủ của Nuuk. Đảo có khoảng 5 vạn dân (thổ dân Eskimo và người Đan Mạch). Cảnh sắc băng tuyết: một cao nguyên đến 80% là núi phủ băng dày 1500m, trừ phía Nam và Đông Nam. Quần đảo Faroerre ở Bắc Đại Tây Dương, cũng theo chế độ tự trị, có khoảng 4 vạn dân, sống về đánh cá là chính. Ở một số đảo núi đá, hàng triệu chim biển đến đẻ và ấp trứng, có những trạm chim lớn.

Trên đất nước tươi đẹp và giàu truyền thống nảy nở một nền văn hóa phong phú, kết hợp các giá trị nghìn xưa và hiện tại.

Có 11,1 triệu lượt người đến thăm các viện bảo tàng (các bộ sưu tập về di vật người Viking, đồ chơi, hội họa, điêu khắc…). Đan Mạch còn nổi tiếng về đồ chơi Lego cho trẻ em được xuất khẩu và có mặt trên 135 nước.

Đài truyền thanh và vô tuyến của chính phủ cạnh tranh với một số kênh làm quảng cáo. Ngoài hai kênh TV và ba hệ thống truyền thanh toàn quốc, có 64 đài truyền hình và 280 đài truyền thanh địa phương.

Những rạp hát (hàng năm gần ba triệu lượt khán giả) được chính phủ trợ cấp ít nhiều, nhưng phải tự chịu trách nhiệm là chính. Arhus, thủ phủ bán đảo Jutland, nổi tiếng về Đại nhạc kịch Wagner hàng năm.

Đoàn ballet Hoàng gia Đan Mạch rất có uy tín trên thế giới. Đan Mạch có truyền thống nghệ thuật ballet từ thế kỷ XIX, do A. Bourmonvill chỉ đạo tại nhà hát Hoàng gia từ năm 1830 đến 1877.

Những năm gần đây, hàng năm Đan Mạch sản xuất gần 20 phim, hơn 10 triệu lượt người xem.

Hội họa Đan Mạch nổi do thời hoàng kim (1816-1848) và trào lưu hội họa biểu hiện Cobra (Copenhagen + Bruseles + Amsterdam) vào những năm 1948-1951. Từ đó, nó vẫn có tiếng vang quốc tế.

Âm nhạc được đại diện bởi nhiều khuynh hướng sáng tác mới, nhạc rock Đan Mạch được tán thưởng ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ và Nhật.

Nghệ thuật ăn uống là nét độc đáo của văn hóa Đan Mạch. Vốn là nước sống về nông nghiệp và đánh cá, người dân quen ăn đồ tươi và lành mạnh. Thức ăn truyền thống là Smorrebred mấy lát bánh mì đen vừa cắt, phết nhiều bơ, trên đặt ít cá herring marinalted và hành, hoặc xúc xích, patê gan… kèm theo cốc bia, đơn giản, tươi, bổ. Rất nhiều cửa hàng cà phê và cửa hàng ăn ngon ở mọi nơi.

Đan Mạch tự hào về nhiều thành tích về thể dục thể thao. Sáng tối, ngày càng nhiều người tập luyện jogging (đi nhanh chạy chậm). Bóng đá là môn thể thao quốc gia, nhưng bơi thuyền buồm, xe đạp, bóng rổ, bóng chuyền, chạy việt dã đều phổ biến. Ở những cuộc đấu Olympic quốc tế, Đan Mạch từng đoạt huy chương vàng ở nhiều bộ môn. Hai anh em cầu thủ lừng danh Michael va Brian Laudrup là niềm tự hào của bóng đá Đan Mạch.

Điểm quan trọng trong nền văn hóa Đan Mạch là bảo vệ môi trường. Công nghiệp được phát triển song song với biện pháp thanh lọc nước, phá hủy những chất hóa học độc hại; những ống lọc hơi hảo hạng được xuất cảng khắp mọi nơi.

Khoảng 20% chất thải xuất phát từ các gia đình, 50% từ các xí nghiệp, 30% từ sản xuất năng lượng và các hệ thống thanh lọc. Trong tổng số đó, 55% được tái sinh để sử dụng, 25% thiêu hủy và 20% hạ thổ. Các thành phố đều thu gom thủy tinh và đồ cũ. Việc chống ô nhiễm không khí được tăng cường. Thuế tăng lên đối với việc sử dụng các chất hóa học có hại cho môi trường. Đan Mạch đã đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường.

HỮU NGỌC – TRẦN MINH TÂM


Nha van Hans Christian Andersen min - Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 1]Nhà văn Hans Christian Andersen.

Một thoáng văn học Đan Mạch

Đầu thế kỷ XIX, văn học Đan Mạch chuyển hẳn sang chủ nghĩa lãng mạn bởi trận thủy chiến năm 1801 trong cuộc chiến với Anh làm tinh thần dân tộc bùng lên và một triết gia trẻ du nhập chủ nghĩa lãng mạn Đức vào Đan Mạch.

Giai đoạn hình thành và trưởng thành

Thời Trung cổ: Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X, những tộc người Bắc Âu nói chung, được gọi là Viking (nghĩa là vua chúa, chiến sĩ biển khơi) đã di dân từ bán đảo Scandinavia xuống mé bờ biển ở phía dưới, tung hoành trên biển, có khi cả hàng trăm chiếc thuyền. Họ là hải tặc, lái buôn, khám phá, chiếm đất, có thể đổ bộ sang cả châu Mỹ. Những cuộc phiêu lưu ấy được phản ánh trong những bản hùng ca (Saga) của văn học truyền miệng.

Sau khi Kitô giáo du nhập (thế kỷ IX-X), mãi đến thế kỷ XII, nhà sử học Saxo Grammaticus mới ghi lại bằng tiếng Latinh trong tập Gesta Danorum những câu chuyện trên, đề cao lòng dũng cảm, sự thẳng thắn và tính giản dị của người Viking.

Do ảnh hưởng của Kitô giáo, một nền văn học tiếng Latinh phát triển, trước hết phục vụ tôn giáo (thánh ca, truyền đời các thánh), nhà vua (pháp luật, biên niên sử). Đến thế kỷ XVI-XVII, cải cách tôn giáo đưa vào Bắc Âu đạo Tin lành (Tân giáo), văn học tôn giáo không ngừng phát triển (thánh ca, bài hát dân gian), cũng như trước tác lịch sử. Thơ thế tục nghèo nàn.

Sang thế kỷ XVIII, ở Bắc Âu, Đan Mạch có vai trò quan trọng nhất vì giàu có, đất tốt, vị trí sát châu Âu lục địa nhất và có cùng chế độ xã hội (chế độ phong kiến nông nô mà ở Thụy Điển và Na Uy hầu như không có), công thương khởi sắc, thị dân có vai trò tích cực. Thủ đô Copenhagen lớn nhất (khi đó là thủ đô chung của Đan Mạch và Na Uy sáp nhập).

Thời kỳ này, nhà văn, nhà viết kịch L. Holberg (1684-1754) là đại diện tiêu biểu cho phong trào Ánh sáng ở Bắc Âu, ông tổ nền văn học Đan Mạch, người sáng lập hài kịch Đan Mạch (chịu ảnh hưởng của văn học Pháp).

Nửa sau thế kỷ XVIII, ảnh hưởng văn học Đức nổi trội hơn, nhất là do sự có mặt của nhà thơ Đức Klopstock được triều đình ưa chuộng, do đó, văn học Đan Mạch quay về nguồn gốc và huyền thoại thời Bắc Âu Germatic. Điển hình cho thời kỳ ấy là nhà thơ trữ tình lớn J. Ewald (1743-1781), ông viết hai vở kịch.

Sau một cuộc khủng hoảng tôn giáo, thơ ông thâm thúy hơn. Trong vở opera Dân chài, có một điệu nhạc được sử dụng làm bài ca của Hoàng gia Đan Mạch. Vào cuối thế kỷ, bắt đầu có khuynh hướng tiền lãng mạn (tinh thần yêu nước, say mê thiên nhiên).

Đầu thế kỷ XIX, văn học Đan Mạch chuyển hẳn sang chủ nghĩa lãng mạn bởi trận thủy chiến năm 1801 trong cuộc chiến với Anh làm tinh thần dân tộc bùng lên và một triết gia trẻ du nhập chủ nghĩa lãng mạn Đức vào Đan Mạch. Văn học trở lại nguồn gốc, huyền thoại Bắc Âu cổ để tìm đề tài sáng tác, để canh tân hình thức (hình ảnh, nhịp điệu của thi ca dân gian).

Thế hệ lãng mạn thứ nhất: Tác giả tiên phong là A. Oehlenschlaeger (1779-1850) với tập thơ Những chiếc sừng vàng, sử dụng thể thơ “romancero” trữ tình – hùng ca. Bi kịch của ông lấy đề tài trong huyền thoại Bắc Âu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là vở kịch Cây đèn Aladin, dựa vào câu chuyện cổ tích Arab. Trong chuyến thăm Thụy Điển, ông được tôn là “vua của những thi sĩ phương Bắc”.

Mục sư N. Grundtvig (1783-1872) là nhà thơ tôn giáo lớn nhất thời ông. Ông muốn kết hợp truyền thống Bắc Âu với đạo Kito tinh thần dân tộc và văn học dân gian. Những thánh ca của ông hiện vẫn được sử dụng. Ông có sáng kiến lập ra những “học đường bình dân” rất có ảnh hưởng ở Bắc Âu.

Mục sư S.S. Blicher (1742-1848) có tư tưởng cải cách theo quan điểm triết học Ánh sáng. Ông làm thơ và viết văn. Truyện ngắn của ông miêu tả dĩ vãng và hiện tại quê hương Jutland.

Thế hệ lãng mạn thứ hai: Sau một sự bồng bột của thế hệ thứ nhất là sự bình thản hơn của thế hệ thứ hai. Văn học thị dân (bourgeois) đến độ trưởng thành, với một số nét đặc thù: ý thức về cái thân thương tình cảm mơ mộng, sự lịch thiệp. Tên tuổi L. Heiberg, nhà phê bình viết kịch, nổi lên.

Không những vào thời kỳ ấy mà cho đến nay, không nhà văn Đan Mạch nào nổi tiếng trong và ngoài nước bằng Hans Christian Andersen (1805-1875).

Tính đến năm 1987, ông là một trong số tác giả được xuất bản nhiều nhất thế giới. Ông đặc trưng cho những nét dân tộc nhất của người Đan Mạch. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập Truyện kể cho trẻ con gồm trên 164 truyện.

Ông mượn cốt truyện ở huyền thoại, truyện cổ tích, truyện dân gian, lịch sử, có hư cấu trên cơ sở cuộc sống hàng ngày. Truyện của ông có hai bình diện: bình diện hấp dẫn tức khắc do cốt truyện có kịch tính, bình diện sâu lắng hơn do tính chất tế nhị nên thơ, toát ra một tấm lòng ưu ái, mẫn cảm, đôi khi ngây thơ mà vẫn chinh phục được lòng người.

Phong cách của ông gắn liền thơ mộng với thực tế, mỉa mai với tình cảm, luôn luôn có những liên tưởng

bất ngờ thú vị, cơ bản là lạc quan. Giới thiệu bản dịch tiếng Anh Truyện Andersen xuất bản năm 1999 ở quê hương tác giả – được đánh giá là bản lột tả được nguyên gốc nhất.

Giáo sư E. Bredsdroff phàn nàn là các bản dịch các ngữ trên thế giới phần nhiều phạm hai khuyết điểm: thứ nhất, coi Andersen là tác giả viết cho thiếu nhi nên các tuyển tập chỉ chọn những truyện cho trẻ con. Rất nhiều truyện có triết lý sâu sắc chỉ người lớn mới hiểu được bị bỏ. Thứ hai, các bản dịch có khi không lột tả được phong cách Andersen.

Hai nhận xét này cũng đúng với các bản dịch tiếng Việt, phần nhiều dịch qua bản tiếng Pháp. Tôi có dịp so ba bản tiếng Việt với bản tiếng Anh 1999 (in ở Odense) thì thấy đúng là thiếu những truyện cho người lớn, văn dịch cốt Việt hóa nên không đúng phong cách Andersen. Tệ hơn nữa là, có khi người dịch chỉ cốt dịch cho hiểu truyện, từ ngữ khó thì bỏ, có chỗ dịch ngược ý.

HỮU NGỌC

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây