Ngày Xuân tản mạn về hoa đào – Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Ngày Xuân tản mạn về hoa đào - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

NGÀY XUÂN TẢN MẠN VỀ HOA ĐÀO

Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Từ lâu, cây Đào, cây Mai đã trở thành loi cây quen thuộc trong mỗi ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Nếu miền Nam chuộng hoa Mai thì miền Bắc nước ta lại chuộng hoa Đào để tô điểm cho căn nhà mình vào dịp Tết đến, Xuân về. Đào có sắc hoa màu hồng sẽ đem lại sự may mắn, giàu sang phú quý trong năm.

H1 min - Ngày Xuân tản mạn về hoa đào - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiVẻ đẹp của hoa Đào

Cây Đào ở Việt Nam và trên Thế giới

Cây Đào (Prunus persica, tên cũ Amygdalus persica), còn được gọi là Đào lông, Đào tiên (trong phim Tây du ký), Peach Tree; hoa là Đào hoa; Quả hột là Hạnh nhân, Hạnh nhân ngọt (Amande douce) trong thực phẩm và là Đào nhân trong đông y.

Đào là một loài cây thân gỗ nhỏ, cao 5-12 mét. Lá lúc non xếp đôi theo gân dọc, phiến lá thuôn dài, nhọn hai đầu, có răng cưa nhỏ. Hoa nhiều trước khi thay lá, ở cành già, gần như không cuống, hường, hoa chụm chứ không nở thẳng góc vói trục hoa, lá đài 6 mm, cánh hoa 2 cm, tiểu nhụy nhiều. Quả hạch, to 5 – 7 cm, phủ đầy lông mịn, có một rãnh dọc theo quả, 1 hột dẹp, nhân bầu dục dẹp gọi là Hạnh nhân hay Đào nhân. Được trồng nhiều tại các vùng núi cao ở Bắc và Đà Lạt để lấy quả và hạnh nhân. Cây ra hoa vào đầu mùa xuân (tháng 1 – 3), hoa đẹp nên rất đuợc ưa chuộng, cắt cành cắm chưng ngày Tết Nguyên đán. Quả to, chín vào tháng 6 – 7, ăn ngon và bổ, hạt (nhân) làm thực phẩm hay làm thuốc.

Ở Việt nam ta, sự tích cây Đào ngày Tết được dân gian lưu truyền như sau: Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng lui đến ắt khó tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng bỏ chạy xa bay.

Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ, ai không hái được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần linh dán ở trước nhà. Việc làm này từ đó trở thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình.

Đào đã đuợc ghi nhận trong sách vở và văn chương Trung Quốc từ năm 550 trước Tây lịch và đuợc dùng làm biểu tưởng cho sự trường sinh, bất tử. Ngọc Hoàng, vị thần cai quản thiên đình, có vợ tên là Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu mời các vị tiên ăn những quả Đào trường sinh và như thế đã đảm bảo cho sự tồn tại vĩnh cửu của họ. Đào đã được Khổng Tử ghi trong kinh sách từ thế kỷ thứ 5 (trước Tây lịch). Truyện Tây du ký có kể về Tôn Ngộ Không lén vào vườn Đào của Tây Vương Mẫu, ăn trộm Đào tiên. Trương Đạo Lăng, được nhiều người cho là người đã sáng lập ra Lão giáo, một trong số Bát Tiên của Trung Quốc, thường được họa là mang theo quả đào trường sinh. Hoa đào tượng trưng cho tình bạn thân thiết, ngày xưa ba vị Lưu Bị – Quan Vân Trường – Trương Phi đã kết nghĩa anh em trong một vườn Đào rực rỡ.

Đào đã theo chân các đoàn thương buôn, lữ hành từ Trung Quốc đến Ấn Độ rồi Ba Tư và phát triển mạnh tại các xứ này… Khi La Mã xâm chiếm Ba Tư, Đào được đặt cho tên là Malus persica = “Persia apples”. Vua Claudius đưa Đào về trồng tại Hy Lạp và rồi khắp châu Âu (Pháp là quốc gia châu Âu trồng nhiều Đào nhất).

Người Tây Ban Nha đưa Đào vào Mexico cách đây khoảng 400 năm, và sau đó cũng theo chân họ đến với Florida vào thế kỷ 16. Đào được thuần hóa, và mọc hoang rất mạnh khắp Mexico, Nam và Đông Nam Hoa Kỳ, biến đổi để có tên là “Indian peaches” và các nhà thực vật đã từng nhầm khi cho rằng Đào có nguồn gốc từ Tân lục địa. Năm 1850, Charles Downing đã lai tạo Đào địa phương với giống “Cling” của Trung Quốc để tạo được hai giống đặc biệt rất nổi tiếng Elberta, Redhaven. Những giống này hiện vẫn rất được ưa chuộng và ngày nay đã có đến hơn 400 chủng loại Đào khác nhau.

Các nhà trồng tỉa tại Texas, Geor­gia, New Jersey, Florida đã nghĩ được phương thức trồng các giống cho quả tuy chín nhưng vẫn đủ cứng để dễ thu hoạch, chuyên chở và phân phối mà không bị hư hại… Hiện nay, tại Hoa Kỳ, Đào là loại trái cây được sản xuất với số lượng khá cao.

Nếu như văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của quả Đào thì văn hóa Việt Nam chú trọng chủ yếu vào ý nghĩa của hoa Đào. 

H2 min 1 - Ngày Xuân tản mạn về hoa đào - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiCây Đào được nhiều nhà trưng bày trong dịp Tết với ước muốn cầu mong may mắn, giàu sang phú quý trong năm mới

Đào, cây hoa ngày Tết của người Việt

Truyền thống Việt Nam đã xem việc trồng Đào và thưởng ngoạn Đào vào dịp Tết Nguyên đán là một nghệ thuật đặc biệt. Tỉa Đào, bóc vỏ, cắt ngọn… để có cành Đào nở hoa đúng ngày Tết đòi hỏi khá nhiều công đoạn và mỗi công đoạn cũng rất công phu chưa kể đến tuốt lá, xem nụ để hãm khi cần hay thúc khi hoa nở muộn. Thật ra Đào ra hoa vào tháng 1-2 dương lịch nhất là vào tiết lập xuân mà Tết Nguyên đán hì có thể rơi vào khoảng trước hoặc sau tiết này 15 ngày. Cho nên, nếu mồng 1 Tết xảy ra truớc tiết lập xuân thì Đào bị “nở muộn”, còn nếu Tết xảy ra sau tiết lập xuân thì Đào bị “nở sớm” do đó phải thúc hay hãm. Khi gần đến ngày Tết mà nụ hoa nhú to quá, có thể phải hãm bớt bằng cách che bớt ánh sáng, ngưng tưới hay cho nước đá vào gốc, cắt bớt rễ và cắt bỏ vỏ quanh thân để làm hoa chậm nở…

Đào được chia thành nhiều chủng loại khác nhau:

– Đào phai: hoa màu hồng, lá màu xanh nhạt
– Đào bạch: hoa màu trắng, cánh hoa đan xen đầy tinh tế và sang trọng
– Đào đá: mọc chủ yếu trong rừng sâu. Đào đá có 5 cánh đơn rất đẹp mắt nhưng lại ít hoa hơn so với đào bích hay đào phai.
– Đào bích: đuợc cho là đẹp nhất: hoa màu hồng sậm, dày đặc, nở sát nhau, cánh kép, lá màu lục đậm.
– Đào thất thốn: là giống đào rất quý và hiếm, ngày trước đây là loài hoa chỉ dành cho vua thưởng thức. Mỗi nhánh đào chỉ có 7 hoa, mỗi cánh hoa đỏ rực được xếp đan xen tạo nên màu sắc cuốn hút.
– Đào má hồng (còn được gọi là đào lông hay đào vạn trượng). Là loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng của Đà Lạt với mầm của các loại hồng đào, bích đào, bạch đào… Đào lai cho hoa kép có khoảng 25 cánh chụm lại, hoa giữ được lâu, và có mùi thơm đặc trưng.

Cây đào được xem là tinh hoa của Ngũ hành, theo phong thủy cây này có thể trị bách quỷ nên khi đón năm mới ta thường thấy các gia đình hay trồng đào trước cửa nhà. Hoa đào còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ.

H3 min 1 - Ngày Xuân tản mạn về hoa đào - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiHoa Đào rừng khoe sắc ở vùng núi cao Tây Bắc

Cây đào trong văn hóa người Việt

Nhắc đến hoa Đào là nhắc đến mùa Xuân, đó là lý do mà hầu hết các nhà thơ khi viết về hoa Đào đều liên tưởng tới mùa Xuân. Bởi lẽ, với tư cách là một biểu tượng văn hoá, hoa Đào được coi là dấu hiệu, là biểu tượng của mùa Xuân. Trong thơ Nguyễn Trãi, hoa đào đồng nghĩa với mùa Xuân, đồng nghĩa với vẻ đẹp kín đáo thanh cao: “Một đoá đào yêu khéo tốt tươi/ Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười” (Đào hoa thi). Nguyễn Bỉnh Khiêm vịnh hoa đào cũng cho rằng đào là giống cây xuất xứ từ cõi tiên: “Tiên thụ thuỳ tương quán lý tài?/ Hảo xuân nhất độ hảo hoa khai” (Cây tiên bên quán bởi ai trồng?/ Mỗi độ xuân về rực rỡ bông). Thi Phật Vương Duy cũng phải thốt lời bi cảm trong “Đào Nguyên Hành” về vẻ đẹp của đào tiên: “Xuân lai biến thị đào hoa thuỷ/ Bất biện tiên nguyên hà xứ tầm”. (Xuân về tuôn nước đào hoa/ Tìm nguồn tiên ấy biết là nơi đâu).

Cũng liên tưởng đến mùa Xuân, nhưng mỗi nhà thơ đã khắc hoạ biểu tượng hoa Đào với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Với Nguyễn Bính, nhìn cánh Đào rơi trong ngày Xuân lòng chạnh nhớ cố nhân: “Hôm nay còn xuân, mai còn xuân/ Một cánh đào rơi nhớ cố nhân” (Xuân tha hương); Vũ Đình Liên thì khắc khoải với thời gian mỗi độ Xuân về: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Ông đồ). Thi sĩ dân gian dù cho rất ít khi liên tưởng hoa đào với mùa Xuân nhưng cũng có đôi lần vướng víu với nàng xuân: “Rằng đây thu cúc, xuân đào/ Mơ xe mận lại gió chào trăng thu” (Ca dao)… Đó cũng là sự thể hiện trên các bức tranh tứ bình: “Đào – sen – cúc – tùng” tượng trưng cho bốn mùa trong năm: “Xuân – hạ – thu – đông”.

Như một sự kết nối nhân duyên, hoa Đào, mùa Xuân, ngày Tết và con người đã trở thành một mô típ đặc biệt, thể hiện mối quan hệ biện chứng của mạch nguồn cảm xúc; vẻ đẹp trường tồn của mối giao hoà giữa thiên nhiên, đất trời và lòng người (thiên – đại – nhân) trong văn hoá Việt Nam.

Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du lại mượn hình ảnh cây Đào làm bối cảnh cho cuộc tình của đôi tài tử giai nhân Kim Trọng – Thuý Kiều. Cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là hiên Lãm Thuý, Kim Trọng ngày ngày ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim thoáng nhìn thấy Kiều dưới tán cây Đào: “Cách tường phải buổi êm trời/ Dưới đào dường có bóng người thướt tha”. Kim Trọng đã với để lấy được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào: “Lần theo tường gấm dạo quanh/ Trên đào nhác thấy một cành kim thoa/ Giơ tay với lấy về nhà…”. Nhờ đó, Kim Trọng đã được gặp lại Thuý Kiều. Và cũng một hôm, nhân dịp cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều làm hiệu gọi Kim bằng cách hắng giọng, lại cũng xảy ra ở bên gốc cây Đào: “Dưới hoa sẽ dặng tiếng vàng/ Cách hoa đã thấy có chàng đứng trông”.

Thi hào Nguyễn Du rất tinh tế cho Kim Trọng lúc nào cũng quanh quẩn ở gần cây Đào để chờ Kiều. Cây Đào đã gắn liền với những kỷ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều. Sau nửa năm xa vắng vì phải về Liêu Dương thụ tang người chú, Kim Trọng trở lại vườn Thuý, chàng thấy mọi vật đều đã đổi thay, chỉ riêng có “cây đào năm xưa” vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng. Tâm trạng Kim Trọng lúc này chẳng khác nào Thôi Hộ khi trở lại “Đào Hoa Trang”, không được gặp người thiếu nữ đã cho chàng bát nước trong ngày hội xuân năm trước. Thế nên, Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ để miêu tả cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Hoa Đào phất phơ trước gió Xuân là hình tượng đẹp, lãng mạn gợi những xúc cảm về một khoảng trống vắng, về sự mất mát trong lòng, về một hình ảnh khó quên của người con gái đẹp năm nào.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhắc đến 44 loài hoa và cây khác nhau, nhưng riêng Hoa Đào lại được nhà thơ miêu tả nhiều nhất. Có đến 23 câu thơ có sự xuất hiện hoa đào như những tín hiệu chìa khoá trong bút pháp miêu tả thiên nhiên của thiên tài Nguyễn Du. Mỗi lần một vẻ khác nhau, nhưng tất cả đều tinh tế và giàu cảm xúc. Đó là hình ảnh “đào tiên”, “đào nguyên” lạc lối: “Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây” (câu 192); “Đào tiên đã bén tay phàm” (câu 833); đó có thể là “liễu yếu đào tơ”, “đào non’, “đào phai”, “buồng đào”, “má đào” như thân người con gái dặm đời xót xa: “Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non” (câu 1010); “Xót thay đào lý một cành” (câu 1741); “Đào non sớm liệu se tơ kịp thì” (3076); “Phải người sớm mận tối đào như ai” (3220); “Bấy lâu nghe tiếng má đào” (2181); “Buồng đào khuya sớm thảnh thơi” (1565)…

H4 min 1 - Ngày Xuân tản mạn về hoa đào - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiCây Đào, biểu tượng của mùa Xuân

Công dụng của cây Đào trong Y học cổ truyền

Theo Thần nông bản thảo kinh, hoa Đào và hoa Mai đều được liệt kê vào kho tàng thảo dược. Các bộ phận của Đào có chứa những hoạt chất khác nhau.

Theo Đông y, lá đào vị ngọt tính ấm, có tác dụng ôn vị, kiện tỳ, cầm máu, giải độc. Lá đào nấu nước tắm chữa được ghẻ lở, ngứa hậu môn, âm đạo.

Hạt đào tính ấm, có công hiệu giải độc, mọc sởi, ra mồ hôi, tiêu đờm. Hạt đào thường gọi là Đào nhân được dùng làm thuốc điều trị bệnh phụ nữ, nó giúp cải thiện tuần hoàn máu huyết hiệu quả tốt. Trong thuốc thang, có bài Đào nhân thừa khí thang với vị thuốc hạt đào dùng đứng đầu, chuyên chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, tắc kinh, viêm nội mạc tử cung và những rối loạn thời mãn kinh, thậm chí còn giúp điều trị chứng vô sinh. Ngoài ra, hạt đào còn có thể dùng trong các chứng phát sốt, chấn thương trật đả, táo bón và phù thũng.

Rễ cây đào tính bình, vị ngọt, có tác dụng điều hòa khí huyết, chữa được bệnh đau bụng kinh, tắc kinh do khí huyết không điều hòa ở phụ nữ. Nó còn có tác dụng tẩy giun đũa, sát trùng, trĩ.

Trong quả đào có nhiều chất sắt, cứ 500g quả có 300 g sắt, cao gấp 20 lần so với quýt, táo tây, lê. Đây là thứ quả chứa nhiều sắt nhất. Ngoài ra, đào còn chứa vitamin A, B, C rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt. Quả đào sau khi ăn quả giúp cường hóa chức năng phổi và ruột già, bồi bổ nguyên khí hư suy. Quả đào gọt vỏ, đem hấp cách thủy với đường phèn để ăn, có tác dụng chữa mệt mỏi, ho hen.

Hoa đào vị đắng, tính bình, không độc, vào 3 đường kinh tâm, can và vị. Trung dược đại từ điển đã ghi, hoa đào tác dụng lợi tiểu, hoạt huyết, trừ đàm, còn chữa vô kinh, thủy thũng, phù chân và trứng cá…, kèm tác dụng tẩy trừ chất độc. Dân gian Nhật Bản thịnh hành dùng nụ hoa đào phơi khô tích trữ, khi gặp táo bón thì sắc uống. Trong liệu pháp dùng hoa, hoa đào đóng vai trò quan trọng đối với các bạn gái. Bởi vì bạn gái trước hay sau chu kỳ sinh lý, thường do máu không điều hòa mà dẫn đến các chứng như đau đầu và bứt rứt khó chịu. Càng tệ hại hơn, nếu phần huyết không thông lâu ngày ứ tắc sẽ làm các phần thể dịch tích tụ trong cơ thể, gây ra phù thũng, hơn nữa thường căng tức ngực, cảm thấy phiền muộn không vui.

Ngoài ra, hoa đào còn được dùng như một thứ mỹ dược phẩm để làm đẹp phụ nữ. Hoa đào tươi hoặc khô đều được dùng làm thuốc; nhưng hoa tươi (đặc biệt là loại mới chớm nở, sắp nở) tốt hơn khô.

Không chỉ hoa đào và hạt đào có hiệu quả, tại Nhật Bản từ xưa lá đào đã được dùng trị đau đầu và chàm; cành đào dùng trị đau vùng ngực và bụng; rễ đào giúp trị hoàng đản (viêm gan vàng da), chảy máu cam, tắc kinh, nôn ra máu và bệnh trĩ; vỏ thân dùng trị sưng phù ngoài da và chàm; nhựa cây thậm chí cũng có hiệu quả đối vối bệnh lậu và các bệnh thuộc đường tiết niệu.

Phan Thanh Đà Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây