Marx nói về cái khó giải thích trong nghệ thuật – Tiến sĩ Lâm Vinh

Marx cái khó nghệ thuật

NGHIÊN CỨU MỸ HỌC – NGHỆ THUẬT HỌC

Marx nói về cái khó giải thích trong nghệ thuật

Chú dẫn: đây là bài thứ 3, trích từ cuốn sách Văn học nghệ thuật và chức năng (sắp xuất bản) của tác giả Lâm Vinh, phần nói về những đặc trưng của loại Nghệ thuật thuần túy – đơn tính.

                                                                                                  vansudia.net

“Cái khó” là ở tâm lý sáng tạo:

 

Trăm năm tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

                          (Truyện Kiều)

Tính toàn vẹn của một tác phẩm nghệ thuật đích thực cũng công phu không khác những cuộc vuông tròn đại sự của con người. Dò tìm được ngọn nguồn của tư duy nghệ thuật sẽ có dữ liệu so sánh một cách hữu hiệu sáng tác thuần nghệ thuật với những hình thức phi nghệ thuật và tiền nghệ thuật.

Những bước phát triển thăng trầm của nghệ thuật, sự xuất hiện những đỉnh cao nghệ thuật không hoàn toàn ăn khớp với sự phát triển xã hội. Nghệ thuật là hình thái ý thức thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội nhưng không theo quy luật quyết định chi phối trực tiếp của hạ tầng cơ sở. Điều đó đã được Marx khẳng định từ lâu. Những suy luận duy vật về lịch sử (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc, thời đại lớn có những biến đổi kinh tế chính trị xã hội sẽ có những thành quả lớn về sáng tạo tinh thần…) rất ít thích hợp với hiện tượng nghệ thuật. Marx đã nhận xét điều này, và cho đó là cái khó giải thích:

“Đối với nghệ thuật thì những thời kì phồn vinh nhất định tuyệt nhiên không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội, và do đó cũng tuyệt nhiên không tương ứng với cơ sở vật chất, với xương cốt của tổ chức xã hội, nếu có thể nói như thế được. Ví dụ người Hy Lạp so với người thời nay, hay lại ví dụ như Shakespeare chẳng hạn”.

Marx đã chỉ ra cái khó giải thích khi nền nghệ thuật Hy Lạp cho đến hai nghìn năm sau vẫn còn gây hứng thú và vẫn còn là mẫu mực chưa thể vượt qua được đối với con người hiện đại:

“Nhưng khó khăn không phải là ở chổ hiểu được rằng nghệ thuật Hy Lạp và anh hùng ca gắn liền với những hình thức nào của sự phát triển xã hội. Mà khó khăn là ở chổ hiểu được rằng hai cái đó còn có thể đem lại cho chúng ta những hứng thú về mặt thẩm mỹ và trên một vài phương diện nào đó, được coi là tiêu chuẩn và những kiểu mẫu không thể bắt chước được.”

Hai đoạn văn này của Marx thường được trích để minh họa cho những lập luận về tính đặc thù của sự phát triển văn học nghệ thuật, về một quy luật riêng nào đó của văn nghệ, cũng là sự chứng minh cho tính mềm dẻo của chủ nghĩa Marx. Vì sao Iliat và Odyssey của thi sĩ kiêm ca sĩ mù Homer, sáng tác cách đây gần ba nghìn năm, và những vở bi kịch của Shakespeare sáng tác cách đây bốn trăm năm, rồi thi phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và cả “thơ mới” trước năm 1945, cho đến hôm nay vẫn là mẫu mực, là những đỉnh cao nghệ thuật.

“Cái khó” giải thích là ở đâu?

Cái khó” chính là ở đây: ở tâm lý sáng tạo nghệ thuật với những bí ẩn và phức tạp của nó.

Nghiên cứu tư duy sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật là đối tượng thuộc Tâm lý học nghệ thuật. Đây chính là phần phong phú và phức tạp nhất trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật, cũng chính là chỗ Marx đã cho là “cái khó” nói trên, và Vugodski đã dẫn lời Marx về hiện tượng nghệ thuật Hy Lạp để mở đầu cho công trình Tâm lý học nghệ thuật của mình. Về câu: “Mà khó là ở chổ hiểu được rằng hai cái đó còn có thể đem lại cho chúng ta những hứng thú về mặt thẩm mỹ và trên một vài phương diện nào đó, được coi là tiêu chuẩn và những kiểu mẫu không thể bắt chước được.”

Vugodski đã nhận xét: “Đấy là một cách đặt vấn đề tâm lý nghệ thuật hoàn toàn chính xác” [1]

“Trong điêu khắc người da đen có thể trắng, cũng như trong thơ trữ tình một cảm xúc u buồn có thể thể hiện bằng corê. Nhưng hoàn toàn không đúng rằng cả hai sự kiện đều cần có một sự giải thích đặc biệt và sự giải thích này chỉ tâm lý nghệ thuật mới có thể làm được mà thôi.”

Thí dụ trên của Vugodski làm ta liên tưởng đến thí dụ của Aristotle về việc nghệ thuật có thể tả con ngựa phi cùng một lúc cất hai chân bên phải hay tả con hươu cái không có sừng. Và Vugodski đã khẳng định:

“… Thiếu đi một công trình nghiên cứu tâm lý chuyên đề chúng ta chẳng bao giờ hiểu nổi, những quy luật nào đang điều khiển các cảm xúc trong tác phẩm nghệ thuật, và chúng ta có thể bất cứ lúc nào, sa vào những sai lầm thô bạo nhất.”

Đặc trưng nghệ thuật không thể là một khái niệm, phạm trù, dù khái niệm phạm trù quan trọng cỡ nào, nó phải có một cơ chế, như một guồng máy chuyển động không ngừng, có nhiều bộ phận liên kết thúc đẩy lẫn nhau. Điều đó thể hiện rõ trong cơ chế của tư duy nghệ thuật. Tư duy nghệ thuật bao gồm cả sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật; do đó ở đây cần nói riêng về tư duy sáng tạo. Đây là một loại hình tư duy được phân biệt với đối xứng của hai bán cầu đại não và lý thuyết về hai kiểu loại nhân cách (đã nói ở chương 2).

Cuối cùng, những cái khó khăn khi lý giải đặc trưng nghệ thuật đều quy về những vấn đề tâm lý nghệ thuật,quy về nơi ngọn nguồn đầy phức tạp và bí ẩn của sự sống con người.

Tư duy sáng tạo nghệ thuật, là tư duy của người nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn. Không phải ai cầm cọ cầm bút sáng tác, ai làm diễn viên đều là đối tượng  của việc nghiên cứu này, mà sự nghiên cứu bao giờ cũng hướng vào những nghệ thuật đích thực, những tài năng thực thụ, vì nghiên cứu khoa học bao giờ cũng tìm đến những điển hình,

Có thể hình dung tư duy sáng tạo là cả một guồng máy, bao gồm một hệ thống khái niệm, phạm trù tâm lý sáng tác. Đây là sự trình bày hệ thống theo quy trình: từ ngọn nguồn, sinh thành, nơi xuất phát, là chủ thể, đến một cấu trúc phức tạp của tâm lý, sự thực hành sáng tao qua thao tác tưởng tượng – hư cấu, để cuối cùng một hình tượng ra đời.

Chỉ một câu của Hegel, từ thế kỷ XIX, mà trong đó có đủ những khái niệm cần thiết để thành lập một hệ thống khái niệm cho tư duy sáng tạo nghệ thuật, hơn nữa, đây là những khái niệm đúng như tâm lý hoc hiện đại đang sử dụng[2]: tình cảm, cảm giác, trực giác và tưởng tượng, tự do sáng tạo; có cả phân biệt với tư duy khoa học:

“Cái đẹp trong nghệ thuật là nhằm hướng về tình cảm, cảm giác, trực giác và tưởng tượng. Lĩnh vực của cái đẹp khac lĩnh vực tư tưởng, và việc lí giải hoạt động nghệ thuật và các sản phẩm của hoạt động ấy đòi hỏi một chức năng khác tư duy khoa học. Không những thế, cái chúng ta thưởng thức trong cái đẹp nghệ thuật đó là tính chất tự do của các sáng tác và các hình thức hình tượng”.

Guồng máy sáng tạo nghệ thuật hoạt động có tính quy luật[3]. Nói cách khác, không qua những quy luật trong guồng máy ấy, nhất thiết không thể trở thành tác phẩm nghệ thuật đích thực.Những tác phẩm tiền nghệ thuật có thể đi bên ngoài, hoặc chỉ đi từng chặng nào đó trong guồng máy đó.

Có một hệ thống phạm trù, khái niệm về tâm lý sáng tạo nghệ thuật, thì cũng có một hệ thống quy luật, lớn và nhỏ, cơ bản và phụ thuộc. Quy luật 1 (chủ thể hóa) hoạt động phải có quy luật 2 (tình cảm – cảm xúc) quy luật 2 hoạt động chuyển thành quy luật 3 (tưởng tượng – hư cấu). Trong lòng mỗi quy luật có các quy luật cụ thể hơn, đó cũng là những khái niệm tâm lý học.Tất cả đều liên hệ, chuyển hóa, tác động lẫn nhau như một guồng máy thực sự.

“Hiện tượng phong phú hơn quy luật”. Mệnh đề của Lenin, cả câu thơ Goethe “Cây đời mãi mãi xanh tươi”, đúng hơn hết khi nói đến lý luận về nghệ thuật, khi thứ lí luận này mong muốn quy luật hóa tất cả thực tế muôn màu của nghệ thuật. Nhưng nghĩa vụ của lý luận là phải tìm cách khái quát hóa, quy luật hóa từ muôn ngàn hiện tượng, nhưng phải cố gắng giữ lại được “màu xanh”.

LV

[1]Vugodski: nhà tâm lý học Marxist lỗi lạc, người đầu tiên đưa quan điểm hoạt động về ý thức của Marx vào tâm lý học, mở đầu ngành TLH Marxist, tác giả của hơn một trăm công trình nghiên cứu. “Tâm lý học nghệ thuật” ra đời từ năm 1924 nhưng thực sự được phổ biến từ những năm 60.Ông mất năm 38 tuổi (1896 – 1934).Tâm lý học xã hội khách quan mác xít, khoa học di truyền và thực nghiệm mà người xây dựng nền móng là Vugodski, đã xây dựng nên cơ sở phương pháp luận cho lý luận chung về nghệ thuật.

[2]Hiện nay, các thuật ngữ nói về ý thức nghệ thuật trong mỹ học và lý luận văn học chưa thật thống nhất và phù hợp với cách dùng trong tâm lý học và triết học.Cảm giác và cảm xúc, tình cảm và cảm tính, tình cảm và cảm xúc, sự phân biệt không thật rõ rệt, có khi dùng lẫn lộn, không như cách dùng thuật ngữ khoa học. Đặc biệt cụm từ “tư duy nghệ thuật” được dùng nhiều trong lý luận của Liên Xô và Việt Nam, nếu hiểu đó là một cách nói mang tính qui ước riêng của lý luận mỹ học và nghệ thuật, là có thể chấp nhận, nhưng nếu hiểu khái niệm tư duy như triết học và tâm lý học thì không đúng, vì tư duy chỉ cấp độ nhận thức lý luận trừu tượng (khái niệm, phán đoán, suy lý, lý luận), không phù hợp với đặc điểm của ý thức nghệ thuật là thiên về nhận thức cảm tính.

Mục từ “Tư duy nghệ thuật” (TDNT) trong “Từ điển thuật ngữ văn học” (tr.260) viết: TDNT là dạng hoạt động trí tụê của con người hướng tới sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật” “Cơ sở của nó là tình cảm” “Điểm xuất phát TDNT vẫn là lý tính, là trí tuệ có kinh nghiệm, biết nghiền ngẫm và hệ thống hóa các kết quả nhận thức”.Với cách định nghĩa đó thì TDNT và tư duy khoa học không có gì khác nhau.

[3]Một nhà lãnh đạo rất ít bàn về lĩnh vực nghệ thuật, nhưng là người đầu tiên ở Việt Nam dùng khái niệm “quy luật tình cảm” trong nghệ thuật, đó là Lê Duẫn: “Nghệ thuật đi theo quy luật tình cảm”.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây