Ngôi đền đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Trải qua mấy thế kỷ tồn tại, đền Đá tại thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, H.Nam Trực, Nam Định là di tích cổ độc nhất vô nhị của Việt Nam, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật năm 1992.

Đền Đá là một kiến trúc cổ, lớn, tọa lạc trên khu đất cao, với diện tích trên 2 mẫu, nằm sừng sững giữa cánh đồng xa khu dân cư, xung quanh đền có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Qua nhiều lần tu sửa tôn tạo, nay đền còn 4 tòa chính và một dãy giải vũ.

Từ nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu lịch sử khi đặt chân đến đây đều ngỡ ngàng trước một công trình kiến trúc bề thế, thiết kế công phu.

Theo cụ quản đền Nguyễn Văn Cư, tòa bái đường 5 gian được tôn tạo cách đây hơn 70 năm, kiến trúc hoàn toàn bằng đá, được thiết kế và xây dựng theo phong cách cổ truyền của dân tộc. Lan can bái đường chạm 3 con rồng uy nghi, uyển chuyển trong tư thế chầu vào ba chữ Hán trong ba vòng tròn, làm tăng thêm sự tôn nghiêm cho di tích. Những con rồng ở đây được chạm nổi, thân hình khỏe mạnh, có bờm và móng sắc, đuôi mềm mại hòa quyện vào hình hoa lá và mây tản mang phong cách thời Hậu Lê vãn kỳ (thế kỷ 17 – 18).

Các cây cột trong bái đường đặt trên trụ quả bồng có hoa văn rất đẹp. Tám cột đá là 8 bức phù điêu, chạm nổi hình rồng trong tư thế bay lên giữa những đám mây mềm mại. Mỗi gian của bái đường đều có bộ cửa võng bằng đá nguyên khối.

Mỗi bộ cửa võng nối liền không những tạo nên sự liên kết giữa các cột mà còn được chạm khắc rất công phu với các hình tượng mặt hổ phù oai nghiêm, hàng triện tàu lá giắt hòa nhập cùng với các đề tài: long thăng (rồng bay), long cuốn thúy (rồng quấn ngọc).

Phía trên của cửa võng cũng trang trí nhiều đề tài phong phú như cánh sen, bầu rượu, túi thơ, phượng hàm thư và hoa lá rất sinh động.

Cù Hiền

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây