Nguồn gốc bộ bài chòi (*) – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Nghe vẻ nghe ve,

Nghe vè bài tới

Cơm chưa kịp xới

Trầu chưa kịp têm

Tao đánh ba đêm

Thua ba tiền rưỡi

Về nhà chồng chửi

“Thằng Móc, thằng Quăn

Đánh sao không ăn

Mà thua lắm bấy ?”

Tui lấy tiền cấy cho đủ mười ngày

Bảy Thưa, Bảy Dày

Cũng là ngạt kéo

Chị em khéo léo

Dễ mượn dễ vay…

(…)

Ăn thì tui vùa

Thua thì tui chịu

I.- BÀI TỚI VÀ BÀI CHÒI

Các dị bản của bài vè Bài tới trên đây phổ biến từ Bình Trị Thiên cho đến Nam bộ[1]. Điều này đã chỉ ra không gian lưu hành của trò chơi đánh Bài Tới. Một thực tế cũng đáng lưu ý là mặc dù Bài Tới phổ biến khắp Nam Trung như vậy, nhưng Bài Chòi lại không phổ biến ở Nam bộ. Điều này chỉ ra rằng Bài Chòi là trò chơi xuất hiện muộn mằn, bởi vì nếu Bài Chòi xuất hiện từ TK XVII-XVIII thì nó đã theo chân lưu dân Thuận Quảng vào vùng đất phương Nam như Bài Tới, Hát Bội, Hát Sắc Bùa… Các sự kiện trên đã xác lập cái khung không-thời của Bài Chòi để làm cơ sở cho việc truy nguyên căn cội của bộ Bài Chòi – cũng là bộ bài dùng để chơi Bài Tới.

Bài Tới, theo định nghĩa của Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị (1896, T. II, tr 455), là “Thứ bài bắt cặp, ai bắt được đủ cặp trước thì gọi là tới, nghĩa là đến trước, rồi cũng được ăn tiền”. Chúng ta không có cứ liệu nào để xác định thời điểm ra đời của Bài Tới, nhưng trò chơi bài bạc này trong bối cảnh phong hóa cộng đồng cũng đã phát triển theo qui luật trình thức hóa và cộng cộng hóa để thành Bài Chòi. Từ đánh cờ tướng với 2 người chơi đã tích hợp nhiều yếu tố trình diễn biến thành trò chơi Cờ Bỏi, Cờ Người diễn ra ở sân đình chùa, những nơi sinh hoạt văn hóa lễ hội của cộng đồng nói chung. Đây là một ví dụ. Từ bài Tổ Tôm, bài Tam Cúc biến thành Tổ Tôm điếm, Tam Cuc dieêếm là những ví dụ khác. Ở đây, Bài Tới đã tích hợp với ca nhạc, với chòi/điếm với rạp/sân khấu… để trở thành trò chơi Bài Chòi hấp dẫn. Bài Chòi phát triển mạnh đến mức lấn át danh tiếng và cách chơi khác nhiều so với Bài Tới, nhưng về bộ bài để chơi Bài Chòi lại là bộ Bài Tới – không đổi thay gì.

Bài Tới / Bài Chòi                                 Đông quan bài

Nguon goc bo bai choi min - Nguồn gốc bộ bài chòi (*) - Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Nguon goc bo bai choi 2 min - Nguồn gốc bộ bài chòi (*) - Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

II.- BÀI TỚI / BÀI CHÒI / BÀI TỔ TÔM

Bộ Bài Tới / Bài Chòi có 60 con bài, chia làm 3 pho (gọi là pho văn, pho vạn, pho sách), mỗi pho có 9 cặp và 3 cặp Yêu: Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Tuyết. Tên gọi các con bài tùy từng địa phương được gọi khác nhau. Con bài làm bằng giấy bời, hình chữ nhật (2×8,5cm), in một mặt (mộc bản) đồ án biểu trưng cho con bài và lưng phết màu đỏ sẫm.

Do sự giống nhau của bộ Bài Chòi (từ đây hiều là Bài Tới) và bộ bài Tổ Tôm ở chỗ cả hai loại bài đều chia làm 3 pho Văn, Vạn, Sách và 3 con bài Yêu nên không ít nhà nghiên cứu đã khẳn định mối quan hệ nguồn gốc của Bài Chòi với bài Tổ Tôm. Thực ra xét về đồ án hình họa của các con bài tương ứng giữa Bài Chòi và bài Tổ Tôm, chúng ta thầy nhiều khác biệt: Bài Tổ Tôm vẽ đa số 26/30 là hình người Nhật Bản (đầu, mình, tứ chí, dụng cụ cầm tay, vác vai và thêm vào đó là hình tháp (con Ngũ Vạn), cá (con Bát Vạn), trái đào (con Nhị Vạn), thuyền buồm (con Ngũ Sách). Còn ở bộ Bài Chòi/Bài Tới thì đồ án trang trí mang tính trừu tượng và hình người trừu tượng, chủ yếu là bán thân hay mặt người (chiếm 11/30 con bài). Dầu vết của con bài Tổ Tôm ở bộ Bài Chòi/Bài Tới là các biểu tượng và chữ Hán xác định số thứ tự của con bài.

– Chữ Hán: Từ chữ Nhất đến chữ Cửu trên 9 con bài của pho Vạn; và các chữ ghi tên 3 con bài yêu: Ông Ầm, Thái TửBạch Huê (Bạch Tuyết)

– Biểu trưng có hai loại: 1/ Hình tròn nhỏ có chấm ở giữa ¤ (tạm gọi là “nút”, hiểu là nút chỉ số điểm của mặt súc sắc / cũng có thể hiểu là đồng tiền điếu) và hình tượng đồng tiền điếu œ (hoặc một đồng nguyên/tròn giữa vuông hay một nữa đồng tiền/bán nguyệt)

– Biểu tượng “phức nghĩa”, đặc biệt là các đồ hình trên 9 con bài của pho Sách là đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và theo đó có những biện giải khác nhau. Chẳng hạn như con bài Nọc đượng (có tên gọi khác: Nọc thược, Nhất nọc), được gán cho hình vẽ dương vật và cho rằng nó có nguồn gốc từ Linga của người Chăm. Theo đó, con bài Bạch Huê (Bạch Tuyết) lại được coi là âm vật, Yoni (Chăm). Thế là từ cặp Yoni – Linga ấy, một số nhà nghiên cứu cho rằng Bài Chòi có gốc gác chi đó với người Chăm, văn hóa Chăm ! [1] Thậm chí, từ đồ hình tên con bài Ba Gà, người ta đẩy nó về với hình khắc trên trống đồng Đông Sơn…. [2]. Các biện giải uyên bác quá mức này chủ yếu dựa vào sự diễn dịch chủ quan và sự đối chiếu có tính chất liên tưởng mông lung. Thực ra, cách gọi tên con bài của bộ Bài Chòi/Bài Tới của dân gian là phương “coi mặt, đặt tên” – tức dựa trên hình tướng đặc trưng nào đó của hình họa mà gọi tên. Và như vậy, trong cái nhìn trực quan là có thể đạt được sự thích đáng cần thiết để có thể phân biệt các con bài.

Khi xưa, (chữ quốc ngữ La tinh chưa có) thì chữ Hán – Nôm cũng không phổ cập, đặc biệt đối với người bình dân thì không phải ai cũng đọc được chữ Hán Nôm in trên con bài, thì các biểu tượng “nút” và “đồng tiền điếu” có chức năng chỉ số (nhất đến cửu) cho các con bài pho Văn và pho Sách. Ví dụ: Chín gối (hình 9 nút), Hai tiền (hình 2 đồng tiền), Nọc đượng (1 nút), Nhì nghèo (2 nút), Ba gà (3 nút), Tứ gióng (4 nút)… Đó là các ký hiệu cơ bản để phân biệt các con bài của bộ Bài Chòi/Bài Tới. Còn đồ hình ở pho Sách được các nhà nghiên cứu biện giải đa tạp thật ra là hình vẽ các chồng/xâu tiền điếu cộng với dãi uống cong như hình con rắn, thật ra để chỉ rõ chúng thuộc pho Sách. Sách, chữ Hán có nghĩa là dây (ví dụ: quyến sách: dây lụa). Nếu gọi là có mối quan hệ giữa Bài Chòi/Bài Tới với Tổ Tôm là hình vẽ Sách/Dây lằng ngoằn này là một trong các bằng chứng tương đối rõ ràng nhất. Người chơi Tổ Tôm bình dân không đọc được chữ Hán, ai cũng thuộc câu “Vạn vuông, van chéo, sách lằng ngoằn”. Một bằng chứng khác là con bài Bạch Huê (Bạch Tuyết) của Bài Chòi/Bài Tới tương ứng với con bài Thang Thang của bài Tổ Tôm và tên gọi Bạch Huê (Bạch Tuyết) có lẽ bắt nguồn từ hình vẽ trên con Thang Thang là người phụ nữ cho con bú: để lộ “nhũ huê” trắng bóc ! Nói cách khác, đặc điểm “gợi cảm” nhất của hình vẽ trên con Thang Thang đã được dân chơi bài… gọi một cách trắng trợn là Bạch huê (Bạch Tuyết) không liên hệ gì đến cái Yoni thiêng liêng của người Chăm. Đó là xét theo hướng truy nguyên, còn trong thực tế các anh Hiệu hô Bài Chòi phóng túng ví von Bạch huê/Bạch tuyết với cái gì cho xôm trò lại là chuyện khác [3].

Nói chung, tuy có một số điểm tương đồng giữa bộ Bài Chòi/ Bài Tới và bộ bài Tổ Tôm, song xét một cách tường tận hơn thì có nhiều điểm bất cập. Điều này đòi hỏi phải đối chiếu với các loại bài giấy (chỉ bài) khác, đặc biệt là các loại bài gốc từ Diệp tử mã điếu của Trung Quốc.

III. DIỆP TỬ MÃ ĐIẾU VÀ TOÀN ĐỐI (ĐÔNG QUAN BÀI)

1. Hình thức cờ bạc phổ biến nhất ở Trung Quốc thời cổ là gieo xúc xắc: Một số trò trực tiếp thắng thua dựa vào kết quả của việc gieo súc sắc; còn có nhiều trò phải kết hợp gieo xúc xắc với đánh cờ, đánh bài mới có thể quyết định thắng bại. Ngoài xúc xắc, hình thức cờ bạc tương đối quan trọng khác là bài xương, ra đời vào niên hiệu Tuyên Hòa thời Bắc Tống. Bài Xương (hoặc ngà) trên thực tế là biến thái từ xúc xắc, trên mặt mỗi con bài là do hai mặt xúc xắc kết hợp lại thành các con bài có điểm (nút) lớn nhỏ khác nhau. Đó là cội nguồn của các hình nút (hình tròn nhỏ có chấm ở giữa) trên một số con bài của bộ Bài Chòi/Bài Tới đã nói ở phần trên.

Ngoài Bài xương/bài ngà ở TQ còn phổ biến loại bài giấy. Thời cổ gọi là Diệp tử (xuất hiện từ thời Đường), đến đời Minh, Thanh trò chơi bài lá này đặc biệt thịnh hành. Diệp tử có 2 loại: 1/ Diệp tử in theo điểm số của bài xương in ra, ở giữa in một số hình tượng nhân vật trong Hí khúc hoặc Thủy hử (đây là thứ phiên bản của bài xương, nhưng nhờ đổi từ xương sang giấy nên phổ biến rộng rãi hơn bài xương vì dễ chế tác, giá thành thấp); 2/ Loại thứ hai là loại bài Mã điếu diệp tử: làm bằng giấy, rộng 1 tấc, dài 3 tấc (tấc # 3cm) dùng nhiều lớp giấy bồi rồi in lên. Loại bài này có 40 lá, hoa sắc/hình họa chia làm 4 môn/pho:

Thập tự (chữ “Thập”) có 11 lá, trên mỗi lá vẽ hình nhân vật trong Thủy hử: Tống Giang (lá Tôn Vạn Vạn quan), Võ Tòng (lá Thiên Vạn), Nguyễn Tiểu Ngũ (Bách Vạn), Nguyễn Tiểu Thất (Cửu Thập), Chu Đồng (Bát Thập)… Hổ Tam Nương (Nhị Thập).

Vạn tự (chữ “Vạn”) có 9 lá, trên mỗi là cũng vẽ hình các nhân vật trong Thủy hử: Lôi Hoành (lá Tôn cửu vạn quan), Sách Siêu (Bát vạn), Tần Minh (Thất vạn), Sử Tiến (Lục vạn), Lý Tuấn (Ngũ vạn), Sài Tiến (Tứ vạn), Quan Thắng (Tam vạn), Hoa Vinh (Nhị vạn), Yến Thanh (Nhất vạn).

Sách tự (chữ “Sách”) có 9 lá, trên mỗi lá vẽ quan tiền: Lá Tôn Cửu sách (vẽ 4 chồng, mỗi chồng 2 quan, một quan nằm riêng), lá Bát sách (vẽ 4 chồng, mỗi chồng 2 quan), lá  Thất sách (vẽ 3 chồng mỗi chồng 2 quan, một quan nằm riêng), lá Lục sách (như 2 cây cầu trên bộ dưới nước), lá Ngũ sách (hình như quẻ Cấn), lá Tứ sách (hình như 2 vòng ngọc), lá Tam sách (hình như chữ “phẩm”), lá Nhị sách (hình như “quẻ Chấn” ?), lá Nhất sách (hình như “cái chỉa”).

Văn tiền có 11 lá, phía trên vẽ các loại đồ hình: lá Tôn không một văn (vẽ hình “Ba tư tiến bảo”), lá Bán văn (hình hoa quả), lá Nhất tiền (hình như Thái cực), lá Nhị tiền (hình trống “yêu cổ”), lá Tam tiền (hình quẻ Càn), lá Tứ tiền (vẽ hình như vòng móc vào nhau), lá Ngũ tiền (vẽ hình Ngũ nhạc: 5 ngọn núi lớn), lá Lục tiền (vẽ hình như quẻ Khôn), lá Thất tiền (vẽ hình như chòm sao Bắc đẩu), lá Bát tiền (vẽ hình “Ngọc côi”), lá Cửu tiền (vẽ hình 3 ngọn núi chồng lên nhau).

Bài Mã điếu lưu hành từ niên hiệu Vạn Lịch thời Minh, đến đời nhà Thanh biến đổi thành bài Mặc Hòa, chỉ còn lại 3 môn/pho là Vạn tự, Sách tự và Văn tiền. Cách đánh bài: 4 người một sòng, mỗi người rút 10 lá bài, tổ hợp 3, 4 lá cùng pho làm một bộ (hiểu là ghép từ 3 lá trở lên của các con bài cùng một pho, giống như “phu dọc” trong chơi tổ tôm; hoặc giống như “sảnh” trong chơi xập xám hay phé / bài tây), hoặc tổ hợp giống như “phu bí” trong chơi tổ tôm, tức ghép 3 lá cùng số (nhất, nhị…cửu) thuộc cả 3 pho. Người tổ hợp đủ 3 bộ / phu là thắng.

Ngoài bài Mặc Hòa, còn có các loại biến thể khác như Đấu Hổ, Chỉ Trương.

Đấu hổ: Dùng 30 lá bài của Mã Điếu, bỏ đi 9 lá thuộc pho Thập tự, chỉ lưu lại lá Thiên Vạn (hình Võ Tòng).

Chỉ trương là bài giấy mạt chược, hình thành từ cơ sở bài Mã Điếu, cũng bảo lưu 3 pho Vạn, Sách, Tiền, nhưng đổi: Sách làm Điều, Tiền làm Bính; và cũng đổi tên một số lá bài [4].

Những dữ liệu về loại bài Diệp tử mã điếu đã chỉ ra mối quan hệ của loại bài này với bài Tổ Tôm và Bài Chòi/Bài Tới, đặc biệt là các biến thể của Diệp tử mã điếu là các loại bài Mặc hòa, Đấu hổ, Chỉ trương có số lá con bài, cơ cấu ba môn/pho Văn, Vạn, Sách và đồ án hình họa tương đồng về phần “lý” với bộ Bài Chòi/Bài Tới của xứ ta. Còn về phần “biểu” thì phải nói đến Đông Quan bài.

2. Đông Quan bài, còn gọi là bài Toàn đối, vốn xuất xứ và phổ biến ở quận Đông Quan (Quảng Đông, Trung Quốc). Bộ bài này gồm 120 lá bài (30 quân bài x 4), cũng chia làm 3 pho văn, vạn, sách (mỗi pho 9 quân bài) và 3 con bài lẻ / đặc biệt: Đại hồng, Tiểu hồngBát xuyến. Các quân bài thuộc ba pho đều mang số từ 1 đến 9. Hình họa pho văn và pho sách cũng dùng hình quan tiền và nút làm biểu tượng chỉ số điểm. Riêng pho vạn vẽ hình nhân vật, trên mỗi lá bài có ghi số điểm bằng chữ Hán (Nhất, Nhị, Tam… Cửu). cách chơi bài Toàn Đôi, tuy có khác ở chỗ tích hợp “đối” (đôi) và “cạ” (cùng số khác pho), song đại thể rất giống cách chơi bài Tới [5]

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

1. Về mặt đồ án/hình họa, mối quan hệ của Bài Chòi/Bài Tới với loại bài Diệp tử mã điếu và đặc biệt là bài Đông Quan (Toàn Đối)là rõ ràng hơn và trực tiếp hơn so với bài Tổ Tôm. Theo đó, các biểu tượng của hình họa trên các lá bài của bộ Bài Chòi/Bài Tới phải được hiểu từ sự đối sánh với các loại đồ án và chức năng khu biệt “danh – số” của Diệp tử mã điếu và Toàn Đối.

– Biểu tượng nút (vòng tròn có chấm ở giữa) trên các con bài Chín Gối, Nọc đượng, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ gióng, Năm dày, Sáu hột, Bảy sưa, Tám giây, Đỏ mỏ… vốn là ký hiệu số điểm của hột xúc xắc.

– Biểu tượng tiền điếu (nguyên đồng hay một nửa đồng tiền điếu) trên các con bài Trường hai, Trường ba, Tứ tượng (Voi/Dái voi), Ngũ rún, Sáu tiền, Bảy liễu (4 nửa đồng tiền + 2 nút + 1 vòng xoáy trôn ốc), Tám tiền, Chín cu (Xe/Chín gan: 6 nửa đồng tiền + 3 nút)… vốn là hình họa các quan tiền thấy trong pho “Sách tự” của Diệp tử mã điếu và bài Toàn Đối

– Các hình họa đa dạng với các hình ngang ngắn (thường bị gọi là giống cái xúc xích hay bó bánh tét…) để tạo nên các hình tướng khác nhau của các con bài Nọc đượng, Nhì nghèo, Ba gà, Tứ gióng, Năm dày, Sáu hột, Bảy sưa, Tám giây, Đỏ mỏ… dường như vốn là hình vẽ những chồng/xâu tiền đồng mà ta thấy trên các con bài Tôn cửu sách, Bát sách, Thất sách của loại Diệp tử mã điếu đã nói trên hay cụ thể là pho sách của bài Toàn Đối. Ở đây cùng cần nhắc lại rằng hoạ tiết uốn lượn như con rắn trên một số con bài (Nọc đượng, Nhì nghèo…) là để chỉ chúng thuộc pho Sách (Sách: dây lằn ngoằn và có thể là sợi dây để xâu tiền đồng). Do cách phối trí các chồng/xâu tiền và các nút, cộng thêm dây/rắn nên đồ án trang trí tạo nên / gợi nên trong cái nhìn liên tưởng của dân gian một hình dáng của một vật (Nọc đượng), con vật (Ba gà), đồ vật (Tứ gióng) hay tính chất của hình họa (dày, sưa/ thưa)…

– Các con bài thuộc pho Vạn: 1/ Có chữ viết (Hán tự) chỉ tên con bài; 2/ Người bán thân; 3/ Đồ án trang trí (dưới cùng). Ở các con bài này, hình người bán thân hẳn bắt nguồn từ nhân vật Hý khúc hay nhân vật của truyện Thủy hử, thuộc pho Vạn tự của bài Diệp tử mã điếu và Toàn Đối nói trên. Một cách đại thể, các mặt người ở các con bài này (của Bài Chòi/Bài Tới) trong chừng mực nào đó là Mặt tuồng/Hát bội – loại hình “Hý khúc” chiếm vị trí thống trị một thời ở các tỉnh Trung bộ, nơi Bài Tới/Bài Chòi thịnh hành. Đặc trưng nhất là đôi mắt xếch rất tuồng và đặc trưng khu biệt là khăn, mũ đội đầu như Học trò (Nhất trò) đội khăn, Cửu chùa (thầy) đội mũ Tì lư…

Bài Diệp tử mã điếu (bốn pho) lưu hành thời Minh, đến thời Thanh biến đổi thành bài Mặc Hòa, Đấu hổ, Chỉ trương (3 pho) và Toàn Đối. Điều này cho phép đoán định niên đại ra đời của Bài Tới ở xứ ta sớm nhất là trong thời Thanh (giữa thế kỷ XVII về sau) và như đầu bài đã nói, trong hành trang văn hóa của lưu dân Thuận Quảng vào khai phá vùng đất Nam bộ không thấy có Bài Chòi. Điều này cho phép đoán định thêm là, Bài Chòi chỉ ra đời sớm nhất là cuối thế kỷ XVIII, tức sau khi kết thúc cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

3. Một vấn đề khác có liên quan là nguồn gốc hình họa của bộ bài Tổ Tôm. Vấn đề được đặt ra: Tất cả những hình họa trên con bài Tổ Tôm đều là “Đặc trưng Nhật Bản rõ rệt, nhất là tất cả các nhân vật đều mặc kimono (tước vật) thời Edo (Giang Hộ), trong số này có 18 đàn ông (có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép (koi, lý), trái đào (mono), thành (shiro), thuyền (fune) cũng là những hình ảnh Nhật” [6] Thế nhưng loại bài Tổ Tôm này “chỉ có người Việt chơi, người Nhật không chơi, người Hoa cũng không chơi (trừ một số ít Hoa kiều ở Việt Nam)[7]. Ý kiến trên có 2 câu hỏi: 1/ Nguồn gốc bộ bài Tổ Tôm và 2/ Nguồn gốc và hình họa của bộ bài này ?

Như đã trình bày ở các phần trên, bài Tổ Tôm có gốc từ loại bài biến thể của Diệp tử mã điếu – xét ở cơ cấu, số lượng, tên gọi… Còn câu hỏi thứ hai, theo các cứ liệu lịch sử, chúng ta có thể giả định là các hình họa đó do một nghệ nhân/họa sĩ người Nhật sống ở Hội An thực hiện và in ấn bán ra thị trường Đàng Trong, dựa trên qui phạm của loại bài Mặc Hòa (hay Đấu hổ) vốn đã phổ biến trước đó. Giả thiết này được hổ trợ bởi cứ liệu ngữ âm phương ngữ xứ Quảng: âm “am” được đọc thành “ôm”. Loại bài biến thể từ Diệp tử mã điếu vốn được gọi là Tụ Tam (hiểu theo nghĩa là luật chơi dựa vào sự tích hợp 3 con bài theo hàng ngang hay hàng dọc) được dân xứ Quảng gọi theo ngữ âm đặc trưng của mình thành “Tổ Tôm”. Chỉ có người Quảng mới có thể đọc “tam” thành “tôm”. Nói cách khác, bài Tổ Tôm phải chăng xuất hiện đầu tiên ở Quảng Nam, cụ thể là Hội An, theo “maquette” của nhà tạo mẫu người Nhật ở phố Nhật Bản Hội An thực hiện.

 

——————–

[1] – Xem Trương Vĩnh Ký: Miscellanées, 1888, số 4, tr 13

 – Trọng Toàn: Hương hoa đất nước, Sàigòn 1956, tr 58

 – Tôn Thất Bình: Lễ hội dân gian, Sở VHTT Bình Trị Thiên xb, 1988, tr 59-60

 –  Huỳnh Ngọc Trảng: Vè Nam bộ, 1988, tr 166 – 167.

[2] – Hoàng Chương: Dân ca kịch bài chòi, một nghệ thuật dân tộc đang phát triển. Tạp chí Văn Nghệ số 50, 1961, tr 91

– Hoàng Chương – Nguyễn Có: Bài Chòi và dân ca Bình Định, nxb Sân Khấu, 1997, tr 17

[3] Huỳnh Hữu Ủy: Bài Chòi, tạp chí Văn, số Bính Tuất, 2006 (www.xuquang.com)

[4] – Hoàng Chương: Dân ca kịch bài chòi, một nghệ thuật dân tộc đang phát triển. Tạp chí Văn Nghệ số 50, 1961, tr 91

– Hoàng Chương – Nguyễn Có: Bài Chòi và dân ca Bình Định, nxb Sân Khấu, 1997, tr 17

[45 Tư liệu về Diệp tử mã điếu tham khảo trong:

Lịch sử văn hóa Trung Quốc. Bản dịch Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi. Nxb VHTT, 1999 tập II, tr 611 – 615

– Thái Phong Minh: Lịch sử trò chơi (Trung Quốc). Cao Tự Thanh dịch, Nxb TP. HCM. 2004

– Qua Xuân Nguyên: Lịch sử cờ bạc (Trung Quốc). Cao Tự Thanh dịch, Nxb Trẻ, 2001.

[6] Quan Dui. Poker Stars.com. This page maintained by John Mc Leod. 2001

[7] Quan Dui. Poker Stars.com. This page maintained by John Mc Leod. 2001

[8] Đỗ Thông Minh: Tương quan văn hóa Việt – Nhật (phần II). Tạp chí Mekong, số 53, 11/1999

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây