Nguyễn Vũ Quỳnh – Lời quê như sợi dây thiêng… – Tác giả: Nguyễn Thánh Ngã

Đọc “Ru lại lời quê” của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh, chỉ bốn chữ thôi thì “lời quê” đã vô tình chạm vào hai câu kết trong truyện Kiều: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Chạm chút thôi! Bởi anh không dám “chắp nhặt dông dài” và không “mua vui” mà suy tư về một thời để nhớ. Vậy lời quê không đơn giản là những gì quê mùa, đơn mộc. Lời quê như là sợi dây thiêng liêng, đã cột chặt quá khứ vào hiện tại, và làm nên nỗi nhớ trong hồn người, bây giờ và mai sau…

Và câu hỏi được đặt ra: Tại sao phải ru lại? Bởi “lời quê” đã mất mát quá nhiều sau thời kỳ kinh tế thị trường. Nguyễn Vũ Quỳnh đã “ru lại” lời quê bằng những áng thơ sâu sắc, mang đậm hồn cốt quê hương. Đó là những dòng lục bát nhuần nhị mà sâu sắc, những câu thơ thất ngôn, ngũ ngôn vv… trọn vẹn và ngọt ngào chảy qua tấm lòng người đón nhận, như dòng suối mát chảy về đồng ruộng đang khao khát vào mùa…

Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh là người con của đất xứ Thanh yêu thương, lớn lên gác lại bút nghiên đi vào quân ngũ. Anh đến vượt Trường Sơn những ngày khói lửa bom đạn mà vẫn lạc quan tinh tế về hình ảnh người chiến sỹ mở đường bằng những lời thơ của người lính từ nhà quê đi ra không còn tả hay hơn được nữa:

ĐăcKarông lạnh lắm sốt mùa Đông

Em xuống tắm cả dòng sông nỗi nóng

(Trường Sơn gửi lại mai sau)

Và:

Tổ quốc ơi tiếng ru hời

Còn vang vọng đến cỗng trời Trường Sơn

Chiến tranh còn chỗ nào hơn

Mà ta vẫn có nụ hôn chiến trường

(Tiếng thơ trên đèo Phu La nhích)

Cái chất thơ đẹp trong quảng đời trai trẻ mười chin đôi mươi của Nguyễn Vũ Quỳnh viết trong chiến tranh mà ý nhị hào hoa, lạc quan và lãng mạn đến rất thơ có kém cạnh ai đâu. Những năm tháng xa quê lên đường đi chiến đấu, mang theo nỗi nhớ da diết trong lòng. Những dòng thơ chở nặng ân tình ra đời từ đó…

Đi dọc chiều dài thơ anh trong 8 tác phẩm đã được xuất bản thì có đến 6 tác phẩm thơ. Từ “Khúc hát xa quê” in 2006 đến “Ru lại lời quê” in năm 2023, thì cái từ khóa “thôn quê” trong anh càng hiện ra rõ rệt. Đó là một làng quê đẹp đẽ   nơi chôn nhau cắt rốn của thi sỹ giàu chất quê nơi cánh đồng tuổi thơ và dáng mẹ hiền tần tảo nuôi con. Vì thế anh luôn hướng về:

Dẫu đi trăm nẻo đường xa

Thềm xưa vẫn dáng mẹ ta trở về

(Trở về)

Một sự trở về đầy niềm tin trong lòng, nhờ thế giá trị làng quê Việt được anh thể hiện qua hai câu thơ mang dấu ấn rất riêng:

Quê ơi! Thơm đến thật thà

Quê từ bếp núc mà ra bây giờ…

(Thương miền quê xa)

Nghe đã da diết trong lòng, nhưng vẫn chưa đủ. Tôi vô cùng cảm khái hai câu kết trong bài “Thương miền quê xa” như sau:

Về quê cộng với người ta

Vẫn là hai đứa thành ra chúng mình

Đó là một đúc kết có hậu và hữu duyên. Chúng mình là tình yêu. Tình yêu lớn lên từ đó rồi rời xa nhau. Lời “ru lại” bây giờ là rủ rê, ân cần tha thiết nhất:

Về nhé em, về đi thôi

Về quê trên đỉnh bồi hồi gặp xưa

(Về nơi tiếng trống trường ngày xưa)

Vâng, cái tuyệt đỉnh của sự trở về là gặp lại ngày xưa, người xưa. Ngày xưa của chúng mình trong trẻo quá, người xưa của chúng mình thơ ngây, chân thật quá. Nó đánh thức ký ức và an ủi những ai trắc trở trên đường đời. Rồi một hôm bên dấu tích giếng xưa, nhà thơ đã nhớ về:

Bên giếng xanh ngắt khóm trầu

Cây cau đứng đợi cúi đầu soi gương

Khuya về chấp chới chiêm bao

Nụ cười bên giếng lật nhào trời quê

(Giếng quê)

Ôi, cái cúi đầu mới đẹp làm sao! Một thi ảnh vừa nhà quê, vừa chân thực, vừa thơ mộng đã quyến dụ trái tim thi sĩ. Giếng quê là tấm lòng ngọt ngào của thiếu nữ dành cho mình, bây giờ trở lại giếng không còn nữa, nhưng hình ảnh trầu cau cho người đọc một nỗi buồn man mát từ cổ tích bay ra. Từ đó, tôi hiểu rằng niềm tin là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Nhà thơ khẳng định rằng:

Nơi các dòng sông xuôi về biển cả

Ta vẫn ngược dòng trở lại bến quê

Sông mải miết như cuộc đời của mẹ

Nơi tuổi thơ mình ký ức tràn lên…

(Ký ức tràn lên)

Rồi anh thành kính thưa với mẹ rằng:

Mẹ ơi! Còn đến hôm nay

Vì con có cả đời này với quê

(Dan díu với quê)

Quả thật, nếu cả đời này không quê là nỗi bất hạnh, nên anh dành cả đời này cho quê là đạo lý mà người Việt luôn nhắc nhở nhau.

Đã từng đi qua cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc hiểu hết sự hy sinh và mất mát của cả dân tộc, nỗi đau chiến tranh bom đạn tàn khốc. Bây giờ cuộc chiến ấy đã qua bốn mươi sáu năm rồi nhưng cuộc chiến với Covid vừa rồi đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người dân, nỗi đau ấy đến dòng sông cũng bật khóc:

Đi qua phố cuối chiều

Dòng sông như bật khóc

Lá bay mùa tang tóc

Mây trời buồn lang thang

(Mắt phố buồn)

Bài thơ “Nếu không” cho người đọc một nỗi buồn man mát, sáng trong nhưng dào lên là một chi tiết thú vị mà người thơ tiếc ngẩn tiếc ngơ:

Tương tư nơi bến sông chờ

Bần thần ngoảnh lại sửng sờ đang trưa

Giận thay lúc ấy cơn mưa

Nếu không nay đã… còn chưa bây giờ

Ồ! Chỉ tại cơn mưa vô cớ kia đã làm lỡ một cơ hội chăng? Có lẽ là như vậy, chỉ có mưa mới giữ chân người ấy không kịp đến cuộc hẹn, mà tôi đồ rằng ấy là lần hẹn của “cuộc chia ly màu đỏ” trong thơ Nguyễn Mỹ thời chiến tranh Cách Mạng. Thế rồi chiến tranh đi qua, người lính ấy trở về ôm ấp tình quê hương, anh chợt gọi tên một nỗi niềm lạ lẫm mà thân quen:

Dáng ai xa nơi phía cuối triền đê

Cứ nghiêng ngửa ùa vào ta lạ thế

Năm tháng đi qua bao mùa hoa khế

Chuyến xe chiều về phía cuối làng ta

(Phía sau cánh đồng)

Cuộc sống đã an bài, nhà thơ của chúng ta đã chọn bình an cho tâm hồn. Đó là cách duy nhất để được sống trong tình người, tình yêu xứ sở:

Thôi đừng trách nữa tình yêu

Thắp đèn đốt đuốc mà thiêu nỗi buồn

Mưa rơi chẳng ướt cánh chuồn

Con tim lỗi nhịp cánh buồm chơi vơi

(Nhớ về quê xưa)

Chơi vơi một chút thôi, để rồi trở về với tin yêu chủ đạo của hồn người. Tình quê luôn dang rộng vòng tay đón bước đứa con xa. Trầm lắng trong tĩnh lặng, nhà thơ nhận ra một lẽ đời suy nghiệm:

Đâu phải đời bão giông

Mà tiếng mưa rụng xuống

Đâu phải hoa rau muống

Nhuộm tím chiều hoàng hôn

(Đâu phải)

Vâng, đâu phải thế! Nhưng nhà thơ cũng phải làm tròn bổn phận với lòng mình là “Đưa người ta không đưa qua sông” (Thâm Tâm), bằng cách gọi:

Đò ơi! Đỏ một khoảng chiều

Chờ tôi lẩy một câu Kiều làm tin

Đất cằn càng tím hoa sim

Trong nỗi đau, tiếng đàn kìm vẫn trong

(Đò ơi)

Trong tâm thế ấy, tôi cho rằng tiếng gọi “Đò ơi!”, đã vang lên trong lòng tác giả, nhưng cũng vang trong tâm thức muôn người. Bởi nói như Pushkin:”Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Nguyễn Vũ Quỳnh hiểu điều đó, cả đời yêu văn chương, và đắm đuối với thi ca, nhà thơ đã bén rễ, đã lao động quên mình trên cánh đồng chữ nghĩa đầy gian lao. Cuối cùng đã cho ra một trải nghiệm, một đúc kết vô giá:

Sóng ngầm bão tố mưa sa

Thơ là rượu đã chắt qua lẽ đời!

(Hôm nay và mai sau)

Rượu ấy, đã lọc qua lẽ đời đục trong. Bây giờ chỉ còn thơ là thứ giọng điệu mà thi sĩ phải hát, phải bật lên khúc nhạc của hồn mình, để gọi ra những cảm xúc, những rung động sâu xa, dành tặng quê hương và tặng cuộc đời…

TP. HCM, tháng cuối tháng 10.2023

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây