Nhà văn Phùng Văn Khai: ‘Giới trẻ không thích đọc sách lịch sử là lỗi của chúng ta’

‘Đúng là môn lịch sử lâu nay đang bị kêu nặng nề, khô khan, các em dù không thích nhưng buộc phải học để thi. Còn vì sao học sinh không hứng thú với lịch sử thì đó là khuyết điểm của người lớn’, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói.

Lịch sử là văn minh

-Tác phẩm đầu tiên Lính tò te đạt giải thưởng của cuộc thi Kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội do Tổng cục Chính trị tổ chức, đó có phải cơ duyên để anh trở thành “một người lính viết văn”?

Tháng 2/1994 tôi nhập ngũ, ngày đấy rất khó khăn, vất vả vì cả nước mới qua thời bao cấp. Lính tráng toàn thanh niên 19-20 đang tuổi lớn nên chỉ thèm ăn. Nhưng bạn biết tôi làm gì để cắt cơn đói không, tôi lên thư viện và nhà truyền thống đơn vị để đọc sách và tìm hiểu lịch sử dân tộc. Càng đọc càng ngấm và như thôi thúc phải cầm bút viết ra một cái gì đó. Bản thân tôi cũng không ngờ sau này mình sáng tác được nhiều như vậy.

Tac pham cua Nha van Phung Van Khai - Nhà văn Phùng Văn Khai: ‘Giới trẻ không thích đọc sách lịch sử là lỗi của chúng ta’Trưng Nữ Vương – Tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai.

Bốn trụ cột nội dung bao gồm chính trị, tâm linh, nông nghiệp và quân sự được thể hiện trong các sáng tác về lịch sử của anh như thế nào?

Tôi cho rằng các yếu tố này đã tạo nên sự thành công trong các tiểu thuyết lịch sử.

Chẳng hạn như Tiền Lý là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với quốc hiệu Vạn Xuân kéo dài hơn 60 năm bao gồm các vị vua: Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử. 60 năm thì phải có một nền tảng để tồn tại, tức là phải ưu việt trên các trụ cột.

Triều đại Lý Nam Đế xây chùa Trấn Quốc, đặt tên nước là Vạn Xuân, có đồng tiền Thiên Đức mà khảo cổ học đã tìm thấy thể hiện rõ đời sống từ thượng tầng đến bách dân – chính là đời sống chính trị lành mạnh. Văn hóa thì có những hội đình, đền, chùa, miếu và nghi lễ tập tục các bô lão được tôn vinh; trẻ nhi đồng biết chơi bi, chơi khăng rồi tục thờ cúng tổ tiên và cha mẹ, dâng hương lên núi Nghĩa Lĩnh thờ Hùng Vương… Đó là sự trưởng thành về văn hóa.

Là một đất nước nông nghiệp thì người đứng đầu buộc phải lo cái ăn cho dân. Và nhà vua trong các bộ tiểu thuyết của tôi biết dạy muôn dân khơi dẫn sông ngòi, đắp đập, tháo mương, trồng cây lương thực mùa nào thức nấy.

Đặc biệt là trụ cột về quân sự khi nước ta luôn luôn bị xâm phạm, phương Bắc nhòm ngó, nếu không có chiến lược căn cơ để giữ nước thì sẽ không thể bảo vệ lãnh thổ.

Nếu như không có bốn trụ cột đó thì không thể thành một triều đình, không thành thể chế, đó chính là sự minh triết của người Việt. Theo bề dày lịch sử cho đến hôm nay khi đã là đất nước trăm triệu dân, chúng ta đều dựng nước và giữ nước theo tinh thần đó. Muốn yên ổn thì phải hùng mạnh, phải biết về chính trị, quân sự từ việc đóng thuyền, thủy chiến cho đến cả trồng cấy nuôi dân. Những yếu tố đó mang đến cho dân tộc ta sự tự tin và trưởng thành.

Nếu như thực sự hiểu biết và trân trọng thì lịch sử sẽ tôn vinh, là nền tảng cho chúng ta, giúp giải quyết vấn đề quốc gia, câu chuyện của dòng tộc. Đặc biệt, lịch sử chính là văn minh, đừng nghĩ là thứ gì đó xa xôi. Ví dụ như Mị Châu – Trọng Thủy chính là câu chuyện cảnh giác luôn có ý nghĩa tới tận hôm nay. Lịch sử chạm ngay đến hiện tại, đến nhận thức của con người.

Ng pvk taibuoi gap mat tccc min - Nhà văn Phùng Văn Khai: ‘Giới trẻ không thích đọc sách lịch sử là lỗi của chúng ta’Nhà văn Phùng Văn Khai (thứ 2 từ trái sang) tại buổi gặp mặt các nhà văn lực lượng vũ trang nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc gặp được tổ chức ngày 30/11, tại Hà Nội.

-Anh có thần tượng hay chịu ảnh hưởng của ai không?

Đã là nhà văn thì phải làm việc không ngừng, thử thách khả năng sáng tác ở nhiều thể loại. Tôi có một tấm gương để học tập – đó chính là nhà văn Kim Dung.

Kim Dung đã sáng tác khoảng 17 bộ trường thiên tiểu thuyết, sau đó ông còn viết liên thông các bộ với nhau. Nhiều tác phẩm có giá trị tầm nhân loại với những mẫu nhân vật mang tính toàn cầu theo các cặp phạm trù: thiện – ác, đúng – sai, anh hùng trượng nghĩa – tiểu nhân. Kim Dung đã giúp cho độc giả khắp nơi hiểu sâu hơn, phong phú hơn về lịch sử, con người, phong tục tập quán Trung Quốc, thoạt tiên mọi người không hiểu hết giá trị nhưng đó chính là sự bồi đắp văn hóa.

Con đường sáng tác của tôi thì khó khăn hơn, ngay các cụ nhà mình thời Đinh – Lý – Trần – Lê hay ngược về trước đó từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến Lý Nam Đế thì vẫn chưa có một dòng chảy mạch lạc về văn học. Lẽ ra cụ Lý Nam Đế phải có tiểu thuyết lịch sử từ lâu chứ không phải đợi đến lúc tôi viết. Việc cần làm đầu tiên là phải định hình các cụ một cách chính danh, làm khởi nghĩa thế nào, công lao ra sao?

-Anh lấy nguồn tư liệu sáng tác ở đâu, tác phẩm nào anh cảm thấy khó viết nhất và tốn nhiều công sức nhất?

Để có đủ tư liệu sáng tác, tôi phải đi điền dã liên tục, đi từng đình đền thờ các cụ như cụ Triệu Quang Phục thì đi ở đầm Dạ Trạch, cụ Lý Đào Lang Vương đi Thanh Hóa, cụ Lý Phật Tử đi ở Nghệ An, cụ Nam Đế Vạn Xuân thì đi từ chùa Trấn Quốc đến Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên… Có những nhân vật dày đặc nơi thờ như cụ Ngô Quyền (có hơn 200 nơi), cụ Phùng Hưng cũng vậy. Tôi được các cụ thủ từ đình, thủ từ đền cung cấp cho gia phả, sắc phong ghi chép đầy đủ. Các nguồn tư liệu chính để tôi tham khảo là Đại Việt sử ký toàn thư cùng các sách sử chính thống như Việt sử lược, An Nam Chí lược, Hoàng Lê nhất thống chí…; tiếp đó là nguồn tư liệu dân gian từ đình đền chùa miếu, thần phả, thần tích…

Cuốn về cụ Lý Nam Đế là khó nhất. Tôi lên ngôi đền thờ ở Cổ Pháp, Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên) đây cũng là nơi cụ đi tu từ năm 8 đến 18 tuổi. Đến nơi không có sư trụ trì, toàn mấy bà vãi cùng dân ăn xin cư ngụ. Thế mà họ vẫn giữ được ngôi đền. Sau tôi phải lên gặp chính quyền địa phương nhờ can thiệp đưa người về trông coi cẩn thận.

Ng pvk tai Dai hoi Ho Phung Vn 2023 min - Nhà văn Phùng Văn Khai: ‘Giới trẻ không thích đọc sách lịch sử là lỗi của chúng ta’Nhà văn Phùng Văn Khai tại Đại hội Họ Phùng Việt Nam (2023).

Không phải độc giả đã ngừng đọc

-Quan điểm cá nhân của anh thế nào trước ý kiến cho rằng giới trẻ thời nay đang thờ ơ với lịch sử? Có cách gì để truyền cảm hứng yêu lịch sử, thích đọc tác phẩm về sử sách cho độc giả không, thưa anh?

Đúng là môn lịch sử trong nhà trường lâu nay đang bị kêu nặng nề, khô khan, bọn trẻ dù không thích nhưng buộc phải học để thi. Còn vì sao học sinh không hứng thú với lịch sử thì đó là khuyết điểm của người lớn, đừng trách các em!

Hạn chế ngay từ việc làm sách giáo khoa, sách tham khảo. Dân tộc có hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhiều nhân vật lẫy lừng, nhiều cột mốc đáng nhớ nhưng không được hệ thống một cách khoa học, đầy đủ vào chương trình giáo dục. Chúng ta đang thiếu sự nhiệt huyết khi sáng tác sách lịch sử.

Thậm chí, do thiếu hiểu biết nên cho rằng lịch sử không quan trọng, định ghép vào môn A, môn B nào đó. Thực ra, điều nguy hiểm nhất là kiến thức của người làm sách có vấn đề, động đến nhiều thứ phức tạp, thử thách trí tuệ là bỏ qua. Ví dụ nhắc đến triều Lý, đa phần chỉ nhớ đến Lý Công Uẩn nhưng còn Lý Nam Đế thì sao, họ có liên hệ thế nào khi cách nhau đến cả nghìn năm? Nên nhớ rằng, thế hệ trẻ càng về sau càng phải hiểu tường minh về lịch sử của nước mình. Nếu sách không có đầy đủ thì các em buộc phải tìm nguồn thông tin khác.

Một dân tộc không thể không có lịch sử nhưng điều quan trọng là lịch sử đó phải được ghi chép lại một cách tường minh và khoa học, tổng hợp từ nhiều nguồn đáng tin cậy. Ở Việt Nam, muốn tìm kiếm những vấn đề chính sử bằng văn bản thì dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư là chủ yếu, thiếu vắng những tác phẩm viết về lịch sử theo hình thức đa dạng và hấp dẫn người đọc.

Anh từng nói rằng “Tôi rất sợ một cuốn sách mà chỉ mấy ông nhà văn đọc với nhau”, vậy chúng ta cần làm gì để phát triển văn hóa đọc một cách thực chất, giúp các tác phẩm tiếp cận với đông đảo độc giả?

Đây là một thách thức rất lớn, không phải chỉ riêng các nhà văn Việt Nam. Ngày trước ông bà thích đọc sách, đến lượt thời cha mẹ cũng mê sách nhưng đời các con thì hầu như không đọc, suốt ngày cầm điện thoại. Đó là nỗi lo lắng của nhiều người, nhiều gia đình nhưng theo tôi đó là chuyện bình thường.

Theo xu thế của thời đại, các thiết bị điện tử đang dần thay thế những cuốn sách. Tất nhiên không phải con người đã ngừng đọc mà họ đang chuyển sang một số cách đọc mới mang tính bước ngoặt.

Đối với văn học, mỗi cuốn tiểu thuyết, mỗi tập truyện ngắn, tuyển tập thơ – hồi ký… là những phiên bản gốc. Sau đó, con người sẽ sáng tạo ra các cách truyền tải khác nhau như sách nói, sách hình…

Sứ mệnh của người cầm bút là tạo ra phiên bản gốc hấp dẫn người đọc, đúng chuẩn mực đạo đức, là nền tảng của chính mình. Những việc còn lại cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Từ các cộng đồng yêu văn học nghệ thuật, người làm xuất bản cho đến cả nhà chính trị nữa. Một đất nước mà dân chỉ cắm cúi cầm điện thoại là gay rồi!

Nv pvk va chu tich HNV Vn Ng Q Thieu min - Nhà văn Phùng Văn Khai: ‘Giới trẻ không thích đọc sách lịch sử là lỗi của chúng ta’Nhà văn Phùng Văn Khai (bìa phải) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam).

-Chân dung nhà văn Phùng Văn Khai trên văn đàn khá rõ ràng với nhiều đường nét thú vị, còn trong đời thường thì sao ạ? Anh có thể phác họa về mình trong vai trò người chồng, người cha?

Nghiệp viết lách tốn rất nhiều thời gian và công sức, chưa kể có những thời điểm để tập trung sáng tác tôi gần như đóng cửa, tắt điện thoại, nhốt mình trong phòng. Bởi vậy nếu không có gia đình hỗ trợ thì chẳng thể làm gì.

Phải nói rằng tôi rất may mắn khi tất cả những buổi ra mắt sách của mình, vợ con đều có mặt chia vui. Bà xã trước làm cô giáo, luôn hỗ trợ tôi soạn thảo tác phẩm trên máy tính. Bây giờ cô ấy làm giám đốc một công ty nhỏ về in ấn, xuất bản. Cậu con trai là kỹ sư công trình, con dâu làm bên Viettel, cô con gái đang học Kinh tế năm thứ 3. Mỗi người đều có cuộc sống và sự nghiệp độc lập.

Dù không theo nghề bố nhưng các con cũng chịu khó đọc, viết giới thiệu, thiết kế bìa, làm marketing và cùng với mẹ hỗ trợ đưa sách của bố lên sàn thương mại điện tử như Tiki để tiếp cận với đông đảo độc giả. Đặc biệt là con gái chụp ảnh bìa sách rất đẹp và chuyên nghiệp. Phải khẳng định là tôi rất biết ơn vợ con (cười).

Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973, tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa VI (1998 – 2002). Hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Các tác phẩm đã ra mắt: Khúc dạo đầu của binh nhì (tập truyện ngắn, 1998), Lửa và hoa (thơ, 2002), Hương đất nung (tập truyện ngắn, 2001), Những người đốt gạch (tập truyện ngắn, 2004), Truyện ngắn Phùng Văn Khai (tập truyện ngắn, 2006), Lẽ sống (bút ký, 2008), Hư thực (tiểu thuyết, 2008), Gió đi dưới trời (bút ký, 2010), Hồ đồ (tiểu thuyết, 2010), Nơi ước mơ hẹn gặp (bút ký, 2012), Mênh mang trời nước (tập truyện ngắn, 2012), Khúc rong chơi (thơ, 2016), Tim trong dáng đá (bút ký, 2018), Tiếng rừng (tập truyện ngắn, 2019), Những liệt sĩ thời bình (bút ký, 2019)

Đặc biệt, anh được biết đến với các tiểu thuyết lịch sử như: Phùng Vương (2015, tái bản 2018), Ngô Vương (2018), Nam Đế Vạn Xuân (2020), Triệu Vương Phục Quốc (2020), Lý Đào Lang Vương (2021), Lý Phật Tử Định Quốc (2022), Trưng Nữ Vương tập 1 (2023)

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây